Công việc tiến hành đều đặn, chỉ những anh em phế binh nào quá khó khăn mới tiếp tục ăn xin. Tôi muốn nhân dịp tìm hiểu thêm dân tình. Tôi thử trắc nghiệm hai nơi nổi tiếng là thành trì của "cách mạng", một là Bến Tre, "quê hương đồng khởi", và Củ Chi, "thành đồng đất thép".
Năm 1990, tôi rủ năm anh em đi xuống tỉnh Bến Tre bán nhang. Riêng tôi thì giả mặc quần áo bộ đội, đầu độ nón cối, hai khúc chân gỗ cho mang dép râu, lưng đeo bị nhang, chống nạng đi trước. Bốn anh em kia thì mặc đồ biệt động quân, nhảy dù, thủy quân lục chiến lục tục đi sau. Tôi đi từ sáng đến trưa mà chẳng bán được một thẻ nào hết, nhà nào tôi vào mời cũng lắc đầu từ chối và còn nhìn tôi với ánh mắt khó chịu như muốn xua đuổi. Tôi có cảm tưởng dân chúng tại "quê hương đồng khởi" này trở nên vô thần, không ai nghĩ đến chuyện thờ cúng. Buổi chiều họp nhau lại kiểm điểm thành tích, tôi mới thấy mình sai: chỉ có tôi chẳng bán được thẻ nhang nào, còn bốn anh em kia được dân chúng rủ nhau mua hết.
Lần thứ hai, tôi hướng dẫn năm anh em khác đi xuống bán nhang tại Củ Chi. Tôi cũng mặc lại bộ đồ bộ đội đi trước. Năm anh em kia mặc đồ các binh chủng cũ đi sau, mỗi người đi một nẻo. Tôi đi từ sáng đến trưa, nói khan cả cổ chỉ bán được bốn thẻ nhang. Đến một gốc cây trước căn nhà lợp ngói cổ, tôi ngồi xuống nghỉ mệt vì không còn đủ sức để đi tiếp. Một ông cũ khoảng 80 hoặc 90 tuổi từ bên trong chống gậy đi ra, nhìn tôi từ đầu đến chân rồi cất tiếng hỏi:
- Câu là thương binh mà cũng đi bán nhang nữa à?
- Dạ để phụ giúp thêm cho gia đình nên con phải đi bán.
Thấy mặt tôi nhễ nhại mồ hôi, ông cụ mời:
- Mời cậu vào nhà uống nước.
Ông cụ đi trước, tôi ngồi dậy chống nạng theo sau. Vào nhà ông cụ chỉ cho tôi một ghế ngồi rồi hỏi:
- Chắc cậu cũng đi kháng chiến lâu năm rồi phải không?
- Dạ cũng hơi lâu lâu - tôi ngập ngừng.
Ông cụ chỉ tay lên bàn thờ và nói:
- Con tôi cũng đi như cậu, bây giờ nó đã lên bàn thờ kia ngồi từ Tết Mậu Thân.
Thấy tôi không góp ý gì thêm, ông cụ nhìn tôi quan sát:
- Cậu đi từ bao lâu mà túi nhang còn nguyên vậy, chưa bán được gì sao?
- Thưa cụ, con đi bán từ sáng sớm nhưng mời không ai mua.
- Nếu không ai mua thì tôi chỉ cho cậu một chỗ này đến đó thì bán hết liền.
- Bán ở đâu vậy cụ, nhờ cụ chỉ giùm - tôi mừng rỡ hỏi.
Ông cụ đột nhiên trở giọng, nhìn tôi trừng trừng quát lên:
- Mày đem ra gò mả mà bán, cứ một cái mả mày đốt một bó nhang rồi cặm xuống đó. Nếu họ mua chịu, bao giờ mày chết xuống dưới âm phủ họ sẽ trả cho. Tổ mẹ tụi mày. Cái thứ quân ăn cướp như mày mà cũng đi bán nhang, tao đã nuôi tụi mày hết nửa đời người, con tao chết không thằng nào nhớ tới, thân tao già không thằng nào hỏi thăm. Quân cách mạng như tụi mày là đồ vô ơn bạc nghĩa. Đúng là dưỡng hổ di họa.
Ông già đứng dậy, quăng cái ly xuống nền gạch bể tan, chỉ vào tôi thét lên:
- Đi! Đi ra khỏi nhà tao ngay lập tức.
Sợ quá, tôi quơ cặp nạng khập khiểng đứng dậy lùi ra phía cửa. Ra khỏi nhà, tôi đi một mạch tới một gốc cây khác thở mệt nhọc. Thật là buồn. Những người đã hy sinh trong chiến đấu, dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến đều bị những cấp lãnh đạo của họ bỏ rơi.
Tôi không trách cụ già đã chửi tôi, người cha nào mất con mà không đau đớn. Tội nghiệp cho những người đã hy sinh trong cuộc chiến vừa qua, trong đó có anh em chúng tôi và cả những người bên kia. Anh em chúng tôi thì không nói gì, miền Nam thua trận không ai chăm sóc chúng tôi thì còn giải thích được. Còn phe thắng trận thì không hiểu nổi. Chiếm xong miền Nam họ có dư quyền lực và tiền của để chăm sóc những gia đình "cách mạng" đã vì họ hy sinh, nhưng tất cả đều bị bỏ rơi. Điều này cho thấy sự giả dối của người cộng sản, chỉ những ai đã từng nghe theo sự tuyên truyền của phe cộng sản mới thấm thía sự lường gạt này. Tự nhiên tôi cảm thấy không có gì quan trọng trên đời này cả, tất cả chỉ là sự lường gạt. Lường gạt tình cảm và lường gạt cả mạng sống của người dân. Tôi và những bạn bè phế binh què cụt đang lang thang trên các đường phố bán nhang hay ăn xin trên các vỉa hè kia đều là nạn nhân của sự lường gạt đó.
Chán quá, tôi lột bỏ bộ đồ "ác ôn" kia ra và bỏ luôn bị nhang lại gốc cây, thay bộ quần áo dân sự rồi đi ra bến xe chờ "đồng đội". Ra tới bến xe khí trời trở nên nóng gắt, tôi cởi phăng những nút áo cho dễ thở, mặt đỏ gay, mồ hôi thấm ướt cả áo quần. Các anh em khác từ đằng xa tiến tới, người thì chống nạn, kẻ đi cà nhắc, cười nói huyên thuyên, nhìn họ tôi mỉm cười. Trong khốn khó, người ta dễ có những niềm vui thật bình thường như sung sướng được hít một không khí trong lành, uống một ly nước đá lạnh hay bán được một thẻ nhang. Đời lính tráng nhiều lúc cũng thật vô tư. Tất cả nhìn tôi cười toe toét:
- Bang chủ cái bang hôm nay bán hết sớm quá há. U?a, cái bị nhang của bang chủ đâu rồi, bộ bán luôn rồi hả?
- Bán cái con mẹ gì. Đ... mẹ, đi mệt đờ người, vừa ngồi nghỉ tạm dưới gốc cây thì một già mời vô uống nước. Tao tưởng trúng số. Nào ngờ gặp trúng ông già ó đâm, ổng tưởng tao là Việt Cộng nên chửi cho tao một trận, đuổi ra khỏi cửa. Buồn quá nên tao bỏ hết đi mình không ra đây.
- Ổng chửi Việt Cộng chứ có chửi anh đâu mà buồn.
- Biết rồi, nhưng kẹt một cái là tao không giải thích được thì kể như ổng đã chửi tao. Ổng có thằng con theo Việt Cộng bị chết năm Tết Mậu Thân, ổng tức vì thằng đó chết cho Việt Cộng mà khi chiem quyền xon không thằng Việt Cộng nào mò tới thăm gia đình ổng. Thằng con bây giờ ngồi trên bàn thờ, hương tàn khói lạnh. Nói thì nói vậy thôi, cuộc thử nghiệm này như vậy là thành công, có thử lửa mới biết vàng thau. Chế độ này trước sau gì cũng tàn, mình ráng sống để mà xem chính nội bộ tụi nó sẽ tự làm thịt lẫn nhau cho mà coi. Thôi anh em mình về lại Sài Gòn.