Những tháng đầu tiên trong một xã hội đã thay ngôi đổi chủ đầy rẫy biến động. Tôi bây giờ chỉ có một mình, phải tự túc mưu sinh. Ngày ngày tôi lầm lủi chống nạng ra đi, trên vai đeo lũng lẵng thùng đồ nghề đựng lon keo, bàn bào, bàn ép, cái thau nhỏ và cái bơm tay để vá xe, tối về tham gia những buổi họp tổ dân phố vô vị. Hôm đầu tiên khi đến ngã tư Đồng Khởi, gần nhà hàng Maxim s, đường Tự Do, tôi ngồi bệt dưới gốc cây me chờ khách bị "thũng" bánh xe. Tôi ngồi như một kẻ ăn xin, thời gian cứ trôi qua, căng mắt nhìn về ngã tư, tôi rất bàng hoàng xót xa khi thấy một ông già cùng hai đứa bé ì ạch đẩy bộ chiếc xe đạp nặng chịch, hai bánh xe xẹp lép. Trên xe chất lỉnh kỉnh hành trang của những người tha phương cầu thực, không nhà không cửa. Hai đứa bé thì tóc rối, thân hình dính đầy bụi đất, gương mặt nhễ nhãi mồ hôi. Khi thấy mấy cháu lấy tay quẹt những giọt mồ hôi chảy vào mắt, tôi động lòng từ tâm kêu gọi:
- Bác ơi, bác đẩy xe lại đây cháu bơm cho.
Ông già quay lại nhìn tôi một hồi rồi không nói lời nào, tiếp tục đẩy xe đi. Mặt trời đã gần đứng bóng mà tôi vẫn chưa có người khách nào, bụng thì đói cồn cào, tiền thì không có. Mùi thơm của xe bán mùi hủ tiếu mì gần bên bay thoang thoảng làm cho cơn đói càng mãnh liệt, bụng tôi cứ sôi lên ùn ục. Bất chợt tôi nghe tiếng kêu vá xe, nhìn lại thì thấy hai người lớn tuổi đang dựng chiếc Honda đam lên trước mặt. Tôi vội vàng lấy đồ nghề ra để vá. Thật là vụng về, công việc không dễ như tôi tưởng. Cạy tới, cạy lui, khoảng 10 phút sau tôi mới mở được vỏ xe để vá.
Thật ngỡ ngàng. Bụng thì đói, tay thì run, mồ hôi cứ nhỏ giọt trên màng tang. Khi vừa hoàn tất, tôi nhận tiền cùng với ánh mắt không mấy thân thiện. Thế là có một bữa ăn. Tôi vội vàng gói ghém đồ nghề lại rồi băng qua đường Nguyễn Huệ mua cơm. Nhưng đâu phải có tiền là có bữa ăn ngay đâu, phải sắp hàng mua phiếu rồi đưa cho các nhân viên cửa hàng ăn uống và ngồi chờ để nhận phần cơm. Rồi những ngày kế tiếp cứ tuần tự như vậy. Gạo càng ngày càng hiếm hoi do bọn "chó sói" đã chở gạo tồn kho về Bắc, số ít còn lại trả nợ cho "đồng minh" để đền ơn về sự giúp đỡ vũ khí trong chiến tranh và nhận lại những bao bột mì mốc và bobo mà "đồng minh" dành cho súc vật.
Bắt đầu từ đây trong cuộc sống hàng ngày tất cả mọi người đều ăn bột mì mốc cùng bobo sơ cứng, rất ít khi mua được gạo. Chỉ khi nào có lễ hội thì các hợp tác xã mới bán cho mỗi người một kí gạo kèm theo khoai lang hoặc khoai mì để trộn vào, gọi là "ăn độn". Mặc cho thế sự thay đổi, đổi thay như thế nào, cuộc sống vẫn đều đặn như vậy. Bột mì thường được chế biến thành bánh tầm bì, bánh canh hoặc có thể đổi lấy bánh mì để đắp đổi qua ngày. Có những lúc tôi phải nhịn đói vì không có khách, phải uốn nước lã thay cơm, chính vì vậy mà sức khỏe càng ngày càng suy yếu, đôi khi đứng không vững.
Đói quá tôi quyết định đi xa, sáng sớm tôi ra ngã tư Hàng Xanh tìm chỗ để hành nghề vá xe. Nơi "làm việc" của tôi sát ngay chốt giao thông của đám công an. Những ngày đầu tôi chịu áp lực nặng nề của những người này. Có những lần vừa đặt đồ nghề xuống thì bị chúng đá văng và cấm tôi không được đến gần nơi bọn chúng đóng chốt. Tay lượm đồ nghề, tôi đưa ánh mắt căm hận nhìn. Bọn chúng biết tôi không thể làm gì được nên cứ tỉnh bơ. Tôi phải ngồi cách đó khoảng 300 mét. Từ khi tôi làm cách xa ngã tư, công việc rất bấp bênh. Cứ thế, có những lúc tôi được no nê để rồi những ngày kế tiếp phải nhịn đói, và khi đói quá thì ăn cháo bobo.
Người đời thường nói "đói thì đầu gối phải bò", hoặc là "cùi không sợ lở". Từ những câu ngạn ngữ, thế là tôi đánh liều trở lại ngã tư để làm, cứ mặc cho bọn "chó sói" muốn đá, muốn quăng như thế nào đi chăng nữa. Một khi đã liều tôi không còn sợ gì nữa, ngang nhiên đối mặt cùng bọn "chó sói". Có lúc tôi và bọn chúng lớn tiếng chửi nhau, nhưng vì chung quanh có rất nhiều người tò mò đứng nghe bọn chúng im lặng. Đôi khi tôi bị bọn chúng phối hợp cùng một lũ "chó sói" khác bắt giam tôi vào nhà đá vài ngày, khi ra khỏi tù tôi vẫn về ngồi lại ngã tư vì đó là điểm tựa mà tôi phải bám, mất chỗ đó tôi sẽ bị đói. Tôi quyết chí bám chặt nơi này và ngày này qua ngày nọ tôi cứ ngồi lì ở đây. Cũng vì chỗ này tôi đã vào tù ra khám năm lần, cơm tù đối với tôi như cơm bữa. Nhưng cũng từ đó bọn chúng không thèm đả động đến việc tôi làm nữa.
Ngày qua ngày, đêm qua đêm, tôi tận mắt chứng kiến thấy những con "chó sói" sách nhiễu đồng bào, chúng nói năng với những bác tài xế, bất kể tuổi tác như thế nào, lời lẽ hổn láo và xấc xược. Bọn chúng tìm đủ mọi cách để kết tội những bác tài xế để làm tiền, nào là đèn cháy bóng, thắng không ăn, chở quá tải và quá nhiều khách, chạy quá tốc độ qui định, xe tung ra nhiều khói bụi và nhiều thứ hạch hỏi khác. Nghĩ cho cùng, mục đích của chúng chỉ là làm tiền mà thôi. Kể từ đó bọn chúng tạo một thông lệ, khi các xe đò hay xe tải chạy gần đến chốt lập tức lơ xe nhảy xuống chạy tới trạm trình giấy, trong đó có kẹp sẵn số tiền đúng theo thủ tục "đầu tiên". Bọn chúng lanh tay đút tiền vào túi, liếc mắt lấy lệ qua cuốn sổ rồi vẫy tay cho xe đi. Nếu xe nào không làm đúng thủ tục "đầu tiên" sẽ bị lập biên bản phạt ngay. Tiền đóng lệ phí "đầu tiên" thì ít mà tiền đóng phạt thì gấp mười lần, đôi khi còn bị giam xe, do đó không bác tài nào để bị phạt. Chính vì lý do đó mà bọn chúng không muốn để tôi ngồi gần chốt để hành nghề. Đúng là một lũ chó sói, đứng núp sau bộ đồ để làm tiền thiên hạ. Tâm địa chúng rất là gian manh, chỉ chực chờ cơ hội cướp cơm thiên hạ.
Những người dân lương thiện, chắt chiu từng đồng từng cắc bạc để có miếng ăn, vì công việc làm ăn phải dâng lên miệng chúng số tiền góp nhặt để được yên thân. Đó là tâm trạng của những bác tài xế lái xe đò, xe tải, vì sự sống và miếng ăn đành phải im lặng cúi đầu đưa tiền cho chúng ăn. Cảnh đời thật là trớ trêu. Bọn công an này biết rấr rõ hoàn cảnh của những chủ xe, chỉ khi nào xe lăn bánh gia đình mới có cơm, xe mà bị giam cuộc sống sẽ lâm vào bế tắc. Thôi thì đành phải chấp nhận nuốt hận mà thôi.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, những tháng ngày cơ cực cứ đeo bám cuộc đời của tôi. Chính quyền cộng sản cứ biểu quyết điều này, ban hành điều nọ hạn chế việc sinh sống của nhân dân, tuyển chọn thêm những thành phần ác ôn vào bộ máy để kềm chế nhân dân. Những điều luật mới khắc khe hơn những điều luật trước, cứ thế chúng siết chặt bụng, bóp chặt cổ chúng tôi, kinh khủng nhất là sắc lệnh về "lòng và lề đường". Từ xưa đến nay, những người dân nghèo tay lấm chân bùn, vì nghèo khó và thất học phải ra ngồi lề đường buôn bán, họ có cướp giật, hà hiếp ai đâu mà bây giờ phải chịu muôn vàn đắng cay. Xã hội mới tưởng đâu đem lại cơm no áo ấm cho mọi nhà, nào ngờ chỉ đem nghèo đói, rách rưới đến khắp mọi nơi. Nay lại ban thêm sắc lệnh về "lòng và lề đường" vượt quá mức chịu đựng, xâm phạm trực tiếp đến quyền sống và quyền sinh kế của con người.
Tổ tiên của chúng ta, "con Rồng cháu Tiên", từ buổi sơ khai đã phải tự lực cánh sinh kiếm sống, mỗi người phải tự lo cho bản thân mình. Mỗi bộ tộc, mỗi làng đều phải lên rừng săn thú, xuống biển bắt tôm mới có miếng ăn, cho nên mới có câu: "tay làm hàm nhai". Nói về lịch sử đấu tranh, dân tộc ta không thiếu gì những thí dụ. Dân tộc Việt Nam đã thoát ra cảnh "ngàn năm nô lệ giặc Tàu, trăm năm đô hộ giặc Tây", tổ tiên chúng ta đã tranh đấu để có một nước tự do độc lập, không phải làm nô lệ cho ai và bị ai đô hộ. Tuy nghèo nhưng không ai ăn cắp của ai, mọi người đều biết tích trữ phòng cơ, lấy cây rừng xây dựng thành lũy, lợi dụng núi non ngăn cản quân thù, sử dụng sông biển làm nguồn tiếp tế và giao thông. Nói chung, tất cả mọi người chung lưng cật lực bảo vệ núi sông và xây dựng đất nước, có đâu như ngày nay những người cầm quyền chỉ sống trong lợi dụng. Trong thời chiến họ lợi dụng xương máu chiến sĩ để chiếm chính quyền, trong thời bình họ lợi dụng lao lực của đồng bào để được phì gia. Trả những người trong bộ máy cầm quyền cộng sản hiện nay về đời sống dân sự, chắc chắn không ai biết làm ăn lương thiện. Vì quen ăn bám, chắc chắn họ sẽ không làm được gì cả, họ chỉ muốn ăn mà không muốn làm. Ai chịu làm mọi cho họ cưỡi đầu, cưỡi cổ mãi mãi?
Dân ăn không đủ no, bệnh không có thuốc, lấy gì để dâng cho các quan cách mạng ăn mãi. Bởi có câu: "có thực mới vực được đạo", không đủ ăn thì không còn đạo nghĩa gì nữa, người ta cướp cơm thì phải chống lại, đó là qui luật của thiên nhiên có từ ngàn đời trước và sẽ trường tồn mãi mãi đến ngàn đời sau. Lịch sử vẫn còn in đậm những tấm gương anh dũng chống trả sự hà hiếp bóc lột của tằng lớp cường hào ác bá, luôn thôi thúc những con người can đảm đứng lên tranh đấu cho lẽ phải, bảo vệ kẻ yếu. Không còn gì để bào chữa cho chế độ này, một chế độ nhẫn tâm tước đi sự sống của người dân. Thử hỏi nếu không có những người dân tay lấm chân bùn tiếp tế, lo lắng, che chỡ, bảo vệ từng nẻo đường, từng tất đất, nếu không có những người đào hầm, lo từng miếng ăn giấc ngủ và cung cấp thuốc men trong cuộc chiến vừa qua, làm sao những người cộng sản có ngày hôm nay. Những người đó là ai, nếu không phải là những con người nghèo hèn đang ngồi trên các lòng lề đường kia tự túc sinh nhai, không hề van xin sự bố thí của chính quyền? Người cộng sản ăn trái quên kẻ trồng cây, sự vô ơn bạc nghĩa này khó bị tẩy quên.
Xã hội đang cơn biến động, nhà cao tầng mọc lên như nấm, đông kẻ quần thoa áo gấm qua lại trên đường, càng ngày càng có nhiều lễ hội. Thay vì giúp đỡ những người nghèo khó có cuộc sống xứng đáng hơn, chính quyền cộng sản bóp cổ, xiết bụng nhân dân. Những cuộc truy quét, thu gọn rầm rộ được phát động trong những xóm lao động nghèo, những vật dụng ăn cướp của đám bần dân được quăng đầy trên những xe cây: cây dù, tủ thuốc lá, xe đẩy trái cây, xe bán nón, đòn gánh, rỗ bánh tráng, thúng trùái cây. Chưa phải hết, bên cạnh những chiếc xe chở hàng tịch thu là những chiếc xe bít bùng chở đầy cụ già, người tàn tật; những bà mẹ cùng với đám con thơ đều được đẩy lên xe đưa về trại tập trung; tất cả bị kết tội lấn chiếm lề đường. Các đường lớn, cơ quan nhà nước chiếm hết, chỉ còn lề đường để dân chúng sinh nhai mà cũng không được. Còn đâu lẽ sống của người cô thế?
Nhớ lại ngày nào còn sinh sống dưới chế độ cũ, tuy cũng có cảnh nghèo giàu, mạnh được yếu thua nhưng có đâu quá quắc và vô nhân đạo như ngày nay. Người ta lúc nào cũng linh động chừa một lối thoát cho người sa cơ. Đã không giúp được ai thì làm ngơ đi cho người khác sống, đằng này không những chính quyền cộng sản không cho người dân sinh sống mà còn bắt cả ông già, bà lão, đàn bà, con nít và người tàn tật vài các trại tù. Còn gì trớ trêu cho bằng. Những ai đã từng sống trong chế độ trước không khỏi bùi ngùi tiếc thương cho ngày tháng cũ, ngày nay chỉ có những cảnh xô đẩy, giành giựt, đá đổ, la hét, thu gom chở về chất đầy kho nhà nước. Họ muốn giết dân nghèo mà. Đồ vật tịch thu đem về chất đống, phơi nắng, phơi mưa, phơi gió, để cho rỉ sét, mục nát theo thời gian những của cải, tài sản của người nghèo.
Ngụy ngôn "làm đẹp thành phố" là khẩu hiệu tiêu diệt dân nghèo thành thị. Dân lao động nghèo là ai nếu không phải là những người đã từng một thời hy sinh xương máu giúp họ lên cướp chính quyền? Đúng là một bọn ăn cướp, ăn cướp công lao xương máu của các chiến sĩ cũ của họ, nay muốn ăn cướp luôn mạng sống của con người bần cố. Nếu có cuộc đổi đời, hậu quả không biết sẽ như thế nào.
Một hôm như thường lệ, trời vừa sáng tôi mang đồ nghề ra ngã tư Hàng Xanh làm việc. Chưa kịp đặt bao đồ xuống đất, tôi nghe tiếng la ơi ới: "Chạy, chạy, bà con ơi, "chó sói" đến kia rồi". Trước mắt tôi là những tiếng la hét, tiếng chân chạy thình thịch, tiếng ly chén vỡ và tiếng khóc than vang một góc trời. Người ta rầm rập đẩy những chiếc xe bán nước mía, bán bánh mì chạy trốn. Những người phụ nữ, kẻ gánh người gồng chạy trong hỗn loạn. Ôi thôi, nào là bánh mì, tủ thuốc lá, mâm trà đá văng đổ tứ tung. Bỗng đâu bốn chiếc xe công an chạy tới thắng cái kịt, nhiều toán công an và dân quân nhảy xuống, chạy tới chụp giật phương tiện buôn bán của bà con, tiếng kêu la ơi ới. Trước mắt tôi một con "chó sói" mặc áo xanh, tay chỉ chõ, miệng la hét một người bán thuốc lá lẻ trên lề đường cạnh đó. Tên này ngoác to mồm, rống hết gân cổ tuôn ra những từ khó nghe và rất mất dạy. "Đ.m, đã cấm buôn bán, lấn chiếm lề đường mà cứ ngoan cố. Mày có lỗ tai không? Mày là con trâu hay con người?". Thế là đồ đạc bị tịch thu, nạn nhân chỉ biết nhìn theo ánh mắt buồn bã. Đám công an cùng những dân quân khác, mặt mày hùng hổ, lăng xăng lít xít chạy tới chạy lui chụp giật đồ đạc của những người bán buôn trên lề đường quăng lên xe.
Tôi không may cũng lọt vào ổ phục kích này. Chưa biết phải làm gì trước tình huống này thì một công an ở đâu từ phía sau chạy tới giật thùng đồ nghề của tôi quăng lên xe. Tôi chỉ biết nhìn theo, lòng nặng trĩu. Vừa cay đắng vừa đau xót, tôi ngậm bồ hòn nhìn "chén cơm" bị cướp. Thế là trắng tay. Hướng tầm mắt về những nơi khác của ngã tư, cảnh la hét, tiếng khóc la vang lên liên tục. Chợt đâu đó có tiếng hét thất thanh của một phụ nữ làm tôi giật mình. Chị ta đang giằng co với một tên dân quân cái thúng đựng trái cây. Cạnh một bên chị là hai cháu bé, đứa lớn khoảng 5 tuổi, đứa nhỏ chừng 3 tuổi. Ánh mắt chúng thật là ngây thơ, bé nhỏ hơn chợt khóc thét lên khi nó thấy mẹ nó bị người ta xô té, ổi và mận văng tứ tung. Chị ta vẫn cương quyết giữ chặt cái thúng về phía mình, cuối cùng đành phải buôn xuôi vì không chống nổi với hai tên khác nhào tới xô chị té xuống đất. Mắt chị rực lửa căm hờn nhưng chị đành bất lực nhìn cái thúng, "nồi cơm", bị lũ "chó sói" quăng lên xe. Cùng lúc đó, hai đứa bé chạy lại ôm chầm lấy mẹ. Chị lồm cồm ngồi dậy, ôm hai đứa bé vào lòng rồi vỗ về: "Nín đi con, mẹ con mình kiếm chỗ khác để bán". Lúc này lũ "chó sói" đã đi xa vì đã hoàn thành sứ mạng. Bà con đổ xô lại an ủi ba mẹ con, những tiếng nói chan chứa tình thương của người cùng khổ thật là xúc động. Chỉ trong nỗi khổ mới biết thế nào là tình người. Tôi móc trong túi ra một ít tiền chia cho ba mẹ con. Chị phụ nữ nhìn tôi ngại ngùng, nhưng tôi cứ dúi tiền vào tay con chị. Chị phụ nữ cất tiếng cám ơn rồi ôm hai con khóc, hai đứa nhỏ cũng khóc theo. Thật là tội nghiệp, thật là oan trái. "Trời xanh ơi, hãy ngó xuống những kẻ khốn khổ trong tình cảnh hoạn nạn này". Tôi hậm hực chửi thầm: "Lũ khốn nạn chúng bay rồi có ngày sẽ lãnh hậu quả". Sống trong những phút giây căng thẳng này, khó mà giữ được bình tĩnh.
Trong những bố ráp khác, bọn công an bắt luôn cả người. Những cụ già, những chị phụ nữ bồng bế con nhỏ, những người tàn tật bị bắt đưa lên những chuyến xe đầy ắp chở vào những trại cải tạo. Tiếng khóc la, chửi bới của những người bị đưa lên xe mà bọn chúng cho là đối tượng lang thang kêu vang suốt cả đoạn đường về trại. Bà con hai bên đường chỉ biết vẫy gọi những số phận hẫm hiu và cầu mong cho họ được bình yên. Cuộc sống vẫn tiếp tục, người nghèo khổ vẫn ra lề đường buôn bán. Họ biết đi đâu bây giờ, ai nuôi gia đình họ nếu không được buôn bán, chính quyền này có làm gì để giúp họ đâu. Đã không giúp đỡ mà còn bắt bớ, chế độ này là một chế độ tàn bạo, họ muốn giết chết cuộc sống của những người nghèo khó.
Trong công việc bơm vá bánh xe hàng ngày, tôi vừa làm vừa lo âu. Con người lúc nào cũng di động, hễ thấy động một chút là lò cò cất giấu đồ đạc trốn đi nơi khác. Vì lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, công việc trở nên khó khăn, lúc được lúc không, khách khứa vắng dần. Từ chỗ quá lo lắng tôi đâm sinh bệnh, cơ thể ngày gầy ốm hơn. Những cơn ho cứ kéo dài, có lúc vừa chống nạng đứng lên tôi choáng váng cả mặt mày té ngồi xuống đất. Tôi cảm thấy thân hình nặng nhọc, uể oải, đầu óc cứ quay cuồng không còn tập trung được nữa. Có lúc tôi phải từ chối nhận khách vì bị chóng mặt, lợi tức càng bị teo hẹp. Mặc dầu vậy tôi vẫn tự an ủi: "Mình có thần hộ mạng, khó khăn chỉ thoáng qua thôi, ông bà còn thương số phận mình". Thật đúng vậy, những cơn ho và chóng mặt chỉ thoáng qua thôi, độ nửa giờ tôi khỏe trở lại.
Những đợt truy quét và thu gom cứ liên tục, công việc làm ăn trở nên khó khăn. Tôi phải nghỉ vài ngày chống nạng lang thang vào Sài Gòn, Chợ Lớn quan sát cảnh đời thay đổi. Khi nào đói quá thì sà đại vào những hàng quán "ăn xin" lây lất qua ngày và để dành tiền sắm lại đồ nghề đã bị tịch thu. Tôi sống những ngày không định hướng.
Một hôm mỏi quá, tôi dừng chân nghỉ mệt tại một công viên. Bỗng nhiên một cơn mưa ào ào trút xuống, tôi nép mình vào thân cây đa. Cùng lúc đó một phụ nữ tay cầm giỏ xách chạy về hướng cây đa nơi tôi đang trú mưa, cùng đứng trú. Chúng tôi đối diện cùng nhau. Cơn mưa càng lúc càng nặng hạt, trời đầt tối sầm lại. Hơi lạnh bắt đầu thấm vào da thịt. Tôi thấy cô ta dùng giỏ xách ép sát vào người để cho bớt run. Để tránh đi sự im lặng và cái lạnh, tôi lên tiếng hỏi thăm. Đại khái về công ăn việc làm và gia đình. Thỉnh thoảng những tia chớp lóe lên, tiếng nổ ầm ầm làm chúng tôi xích lại gần hơn. Cô ta cho tôi biết từ kinh tế mới trở về, không gia đình không nhà cửa. Mỗi ngày cô vào các chợ xin làm những việc vặt vãnh để sống qua ngày, tối về ngủ đại ở đâu đó để sáng hôm sau ra chợ tìm việc khác. Có nơi làm được một tuần, có nơi một hai ngày như giặt quần áo, phụ khiêng hàng hóa. Lúc này kiếm việc rất khó khăn vì chiến dịch dọn dẹp lòng lề đường. Nói chung cuộc sống của cô ta không lấy gì sung sướng, làm lụng cực nhọc đôi bàn tay chai sạn mà vẫn không đủ ăn. Thật là không may cho kiếp "hồng nhan bạc phận", cô đi hết nơi này đến nơi khác tìm việc mà vẫn không ra, như hôm nay chẳng hạn.
Thế là chúng tôi quen nhau. Cùng chung cảnh ngộ, chúng tôi thông cảm và chia sẻ niềm vui nỗi buồn của nhau. Chúng tôi tâm đầu ý hợp nên quyết định cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình. Kể ra đời tôi cũng còn chút may mắn, với tấm thân tàn phế mà vẫn lập được gia đình. Cô ta trở thành vợ của tôi và sinh ra một bé trai. Con trai của tôi không có giấy khai sinh vì sinh đẻ ở nhà, tôi phải nhờ một bà hàng xóm sang cắt rún giùm. Tôi đặt tên con là Nhơn vì muốn nó sau này biết yêu thương đồng loại. Nó vừa là đứa con trai đầu lòng vừa là sợi dây thắt chặt tình nghĩa vợ chồng chúng tôi. Nhờ vào người bạn đồng hành mới mà công việc vá xe của tôi bớt đi phần cực nhọc, vợ tôi thôi đi xin việc trong các chợ và ra ngả tư phụ giúp tôi trong việc vá vỏ ruột xe. Căn nhà nghèo hèn trở nên ấm cúng, tiếng khóc tiếng cười của trẻ con mang lại niềm vui trong lòng. Bệnh lao của tôi cũng giảm cường độ, những cơn ho dai dẳng cũng thưa dần. Tôi đang sống trong hạnh phúc.