"Việt Nam, Việt Nam, tên gọi là người, Việt Nam hai tiếng nói trên vành môi Việt Nam nước tôi..." Việt Nam hai tiếng gọi linh thiêng, Việt Nam quê hương của người Việt. Mỗi lần hát lại bài hát này lòng tôi không khỏi gợn lên những hùng khí từ lâu im tiếng. Nhiều người yêu quê hương này vì còn mẹ còn cha, còn nhà còn cửa; người khác yêu quê hương chỉ vì thương nhớ những kỷ niệm đẹp: lũy tre xanh, bờ ruộng, trường xưa lớp cũ, một cuộc tình tình lãng mạn... Riêng tôi, tôi yêu đất nước này như yêu người tình, người mẹ, người cha. Tôi yêu đất nước này vì được sinh ra và lớn lên trong tinh thần bất khuất, tôi đã chia sẻ với nó nỗi đau, niềm vui của một thời son trẻ, và sẽ còn tiếp tục chia sẻ để nhìn thấy nó vươn lên. Nhưng quê hương ngày nay chỉ toàn bất hạnh, tôi vẫn yêu nồng nàn vì có nhiều người đã hy sinh bảo vệ, trong đó có chồng tôi. Là góa phụ ở lứa tuổi thanh xuân trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến, tôi còn quá trẻ, mới 24 tuổi, để phải chống chọi với những gian lao cuộc đời. Tôi đã phải giữ mình trước biết bao cám dỗ để trân trọng mối tình với người chồng mà tôi hằng yêu quí. Cưới nhau vừa được tám tháng anh đã đi vào lòng đất lạnh, để lại tôi một mình chơ vơ trên cõi đời với tấm hình treo trên vách. Phạm Văn Tân, tên anh, 25 tuổi, thiếu úy Sư Đoàn 18 bộ binh, người tình và là người chồng của tôi, tử trận ngày 28-4-1975 tại cửa ngõ Sài Gòn. Những ngày cuối cùng của cuộc chiến thật là kinh hoàng. Vào lúc sáng sớm, một đồng đội của anh Tân chạy đến nhà tôi trong khu gia binh thị xã Xuân Lộc báo tin anh vừa tử trận, rồi xin một bộ đồ dân sự để tìm đường về Sài Gòn. Trời đất bỗng nhiên quay cuồng chóng mặt. Tôi gượng đứng cạnh cửa bếp thở khó khăn, mẹ chồng tôi mặt mũi trắng bệch nhìn người đó ra đi tim như ngừng đập. Nói sao được nỗi bàng hoàng lúc đó. Anh Tân, chồng tôi đã chết. Theo lời người lính thuật lại, xác anh còn nằm ở đâu đó trong rừng cao su, gần ngã ba Dầu Giây. Phải đi tìm gấp nếu không người ta sẽ lấp xác anh vào một hố chôn tập thể, lúc đó thì quá muộn. Sau vài phút định thần, tôi lấy lại bình tĩnh. Không còn sợ gì nữa, đời người chỉ một lần chết, tôi cùng mẹ chồng bàn nhau ra đường đón xe đi tìm xác anh Tân mang về chôn. Hai mẹ con vừa khóc vừa đón được một chiếc xe Lam đi đến nơi vừa xảy ra chiến trận. Tiếng đạn bom vẫn còn nổ vang rền ở phía xa xa. Vào lúc giữa trưa, hai chúng tôi mới tìm đúng địa điểm mà người lính mô tả. Nơi đây mùi thuốc súng còn nặng, nhà cửa tan hoang, cây cỏ dập nát, quân trang, quân dụng, ba lô, đạn dược và lương khô rơi vãi đầy mặt đất. Vài khẩu pháo 105 ly mất bánh xe nằm ngã nghiêng; xác mấy chiến xa M113 và M40 thuộc Lữ Đoàn 5, một đơn vị thiết giáp đóng cạnh khu gia binh, bị thủng đạn cháy đen ngòm, mùi khét của thịt xương và ma duốt còn bốc ra nồng nặc; vài chiếc GMC đầy vết đạn lật chỏng gọng hai bên đường để trơ những bánh xe dính đầy bùn. Xác các binh sĩ chết trận đen đủi nằm rải rác dọc đường, hình thù biến dạng, có người chỉ còn một khúc mình, người khác thân hình bị gãy làm đôi trông thật khủng khiếp. Một vài khúc tay, khúc chân tím đen cùng những chiếc giầy nằm giữa đám cỏ vô tri. Ruồi nhặng từ đâu bay đến bu đen các xác chết. Khu vực này âm u đến rợn người. Hai mẹ con vừa bịt mũi vừa giở những mảnh vải dơ bẩn phủ trên mặt người chết. Không biết ai đó còn đủ thì giờ để làm việc nhân đạo này trước khi bỏ đi, dầu sao chúng tôi cũng thầm cảm ơn những người đó. Sau khi giở khoảng bốn năm mảnh vải trên mặt người chết, chúng tôi nhận diện được xác anh Tân. Trời đất bỗng như tối lại, tôi muốn ngất xỉu, mẹ chồng cũng thế. Anh nằm ngữa mặt chết trên một miệng hố cá nhân, ngực bị dập nát, áo trận dính đầy máu bầm. Có lẽ ai đó đã lôi xác anh lên khỏi hố cá nhân vì hai tay anh buôn xuôi theo thân hình, hai chân còn lòng thòng trên miệng hố. Khẩu súng ngắn mà anh thường mang bên người không còn, chỉ còn lại bao da đeo ở lưng quần. Cây M16 hằng ngày anh mang bên mình cũng bị ai lấy mất, có lẽ anh đã bắn trả dữ dội lắm trước khi chết nên vỏ đạn rải đầy dưới hố. Không khí chung quanh vắng lặng như không có chuyện gì xảy ra. Tiếng ve sầu ồn ào mọi khi cũng im bặt. Lúc này hai mẹ con chúng tôi không còn nước mắt để khóc, và cũng không phải là lúc để khóc. Phải bình tĩnh, tôi tự nhủ lòng. Tôi phụ mẹ chồng khiêng xác anh Tân ra khỏi miệng hố và lau khô các vết máu trên mặt và trên da thịt anh. Máu đã khô nên chùi rất khó, cũng may bi đông nước của anh còn nằm bên cạnh nên tôi nhúng khăn cho ước để mẹ chồng chùi cho dễ. Tay bà run run, hai dòng nước mắt lặng lẽ chảy dài xuống má. Tôi mò tìm trong túi áo anh những giấy tờ hay vật dụng cá nhân nhưng không còn gì hết. Các túi áo của anh đã bị ai đó xé rách. Tôi chỉ thấy tấm thẻ bài còn đeo ở cổ nên vội vàng tháo nó ra cất vào túi, rồi xé lớp áo trận rách nát trước ngực dính đầy máu khô. Lòng ngực của anh bốc lên mùi hôi khó chịu, để lộ cả tim phổi trổ màu tím bầm khiến tôi muốn nôn mửa, phải nín thở và không dám nhìn vào mới xé bỏ được mảnh áo bỏ qua một bên. Tôi vội cởi chiếc áo len mỏng mang trên người để bọc ngực anh. Lau chùi xong, mẹ chồng tôi ngồi chồm hổm xuống đất, thẩn thờ sửa lại đôi chân anh Tân cho ngay ngắn trên mặt đất. Hai mẹ con trao đổi với nhau vài lời vô nghĩa, tôi không còn nhớ rõ là gì. Sau cùng hai chúng tôi phân chia công việc: bà ra đường lộ đón xe, tôi ngồi lại giữ xác. Lúc này tôi mới khám phá chiếc đồng hồ Seiko tôi tặng anh sau ngày cưới đ^ã bị ai lột mất, để lộ một khoảng da trắng tái quanh cổ tay trái đã trổ màu xám. Tôi vừa đuổi ruồi vừa im lặng ngồi khóc bên cạnh xác anh. Độ nửa giờ sau, mẹ chồng đi đến trên chiếc xe Lam đậu ngoài bìa rừng. Anh tài xế phụ hai mẹ con tôi khiêng xác anh Tân bỏ trên xe. Anh tài xế này là phúc đức, anh lặng lẽ đến từng xác chết cắm vài cây nhang, vái mấy cái rồi mới chịu ra đi. Anh nói người ta lúc còn sống có làm điều gì ác đức thì chết cũng phải được tôn trọng, huống gì đây những chiến sĩ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ xứ sở. Anh còn nói sẽ vận động một số anh em khác đến chở những xác này ra nghĩa địa chôn và liên lạc với gia đình người quá cố nếu tìm được một địa chỉ nào đó trên người. Thế là chồng tôi chết không ai hay biết. Chế độ miền Nam đang bị đe dọa nên không ai có đủ thì giờ để quan tâm đến người quá cố, ai cũng lo cho bản thân mình. Nhiều chiến sĩ khác chắc cũng chết vô thừa nhận ở đâu đó như chồng tôi trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến này, nhưng các anh đó không có cái may được thân nhân đến tìm xác mang về nhà chôn như chồng tôi. Các anh đã hy sinh cho cái gì? Thật tội nghiệp cho những người hy sinh vào giờ thứ 25. Cuộc chiến diễn ra nhanh quá nên những ai ngã xuống đều bị bỏ rơi. Quân địch cũng không có thì giờ chôn xác các anh, đồng đội các anh thì đang tìm đường trốn thoát nên xác các anh vẫn còn nằm đây. Trên đường về nhà, tôi thấy nhiều thanh niên mặt mũi sạm nắng, tóc hớt cao, mặc thường phục đón xe dọc đường, có lẽ đó là những người lính Việt Nam Cộng Hòa trong giờ thứ 25. Nét mặt của ai cũng lộ vẻ sợ hãi. Xe Lam chúng tôi chở xác chết nên không ai đeo lên, những xe khác người ta bám đầy. Quốc lộ 1 lúc này thật là chật hẹp và hỗn loạn. Người đi bộ và xe dân sự chen lấn nhau trên đường. Thêm vào đó là những đoàn xe tăng và những chiếc xe quân sự ngụy trang dưới đám lá rừng của quân cộng sản đậu dọc hai bên đường, bộ đội miền Bắc mặt mũi non choẹt đứng ngồi chật cả đường lộ, chỉa súng vào đám người đi bộ hai bên đường, gương mặt cũng lộ đầy nét lo âu. Tôi không còn tâm trí để quan sát đoàn quân xâm lăng này, chỉ mong sao sớm về nhà. Người ta cũng chẳng ai thèm quan tâm đến chiếc xe Lam chở xác chết nên chúng tôi được yên ổn chạy tiếp. Đến chiều xác anh Tân được đưa về nhà. Thật là buồn nhưng lòng cũng nhẹ nhỏm, anh Tân đã vĩnh viễn về với gia đình. Vài người hàng xóm tò mò đến xem, hỏi han sự tình và chia buồn. Lệ hoen mi, nước mắt tủi nhục Người nuối tiếc thưởng thức năm canh Chôn cất anh xong, tôi cùng mẹ chồng sống những ngày đen tối. Vài nhà hàng xóm vui mừng đón chồng, đón con là lính vừa rã ngũ trở về bình an. Thật là đau đớn. Phải làm gì đây những ngày sắp tới, hai người đàn bà chân yếu tay mềm? Là điều may và cũng là nỗi buồn, hai chúng tôi vừa mới cưới nhau nên chưa có con, nếu không chúng sẽ lâm vào cảnh mồ côi. Mẹ chồng tôi có hai người con, người con gái lớn lấy chồng, cũng là lính đóng ở Vĩnh Long, hai tháng nay không có tin tức gì. Bà ở với chúng tôi với hy vọng sớm có cháu nội để bồng bế, nay thì hy vọng của bà tiêu tan trong đau khổ. Đầu tháng 5, bộ đội cộng sản vào khu gia binh xua đuổi tất cả mọi người ra khỏi nơi cư ngụ. Tôi dẫn mẹ chồng về xóm đạo Phát Diệm, Hố Nai, quận Trảng Bom (nay là huyện Thống Nhất), tỉnh Đồng Nai, ở với cha mẹ tôi. Tôi là con gái thứ ba trong một gia đình công giáo di cư, hai anh trai của tôi đều là quân nhân đã có gia đình và đóng quân ở xa. Cha tôi là sĩ quan cảnh sát, cấp bậc thiếu tá ngành tuần lưu xa lộ Biên Hòa. Gặp lại gia đình thật là sung sướng, tôi cảm thấy được che chỡ và được an ủi. Mẹ chồng tôi trước kia cũng ở Hố Nai, xóm Bùi Chu phía trên, nên về lại đây không mấy lạc lỏng. Thỉnh thoảng bà lên xóm trên thăm hỏi bà con và lại trên đó vài ngày. Ở với tôi độ ba tháng, bà tỏ ý muốn về Vĩnh Long ở với người con gái lớn và là chị dâu của tôi tên Thanh Kỳ. Chị Thanh Kỳ có chồng là lính hải quân, thuộc Giang Đoàn 27 xung phong, có hai con còn nhỏ. Tôi bùi ngùi chia tay bà vì phải ở lại giúp đỡ gia đình. Cha tôi như mọi người khác phải đi học tập cải tạo, lúc đầu ở Bình Long, sau đó bị chuyển ra Bắc. Việc thăm nuôi càng lúc càng khó khăn vì đường sá xa xôi và khả năng tài chánh gia đình ngày cang eo hẹp. Tôi còn sáu đứa em còn nhỏ phải nuôi ăn học. Hai anh trai của tôi, một là huấn luyện viên trường Lam Sơn, một là sĩ quan võ bị Đà Lạt, cũng đi học tập cải tạo. Cũng may là hai anh đã có gia đình nên việc thăm nuôi có gia đình bên vợ lo nên gia đình tôi cũng bớt gánh nặng. Mẹ tội, một phụ nữ gương mẫu, chỉ biết đảm đang việc nhà, phục vụ chồng con và đi nhà thờ đọc kinh cầu nguyện, ngoài ra không biết gì khác, sinh kế gia đình vì vậy từ nay do tôi đảm nhiệm.