Hòa bình" đã đến rồi. Thật là cay đắng. Ngoài đường, người ta qua lại bàn tán huyên thuyên không như những ngày bình thường khác. Tiếng xe cộ, tiếng cười, tiếng nói nổi lên ồn ào giữa những đoàn quân xa của bộ đội cộng sản. Tôi thấy cuộc chiến này sao thật vô nghĩa. Không biết bao nhiêu người đã ngã gục trên chiến trường, hy sinh xương máu cho chính nghĩa tự do bỗng chốc phải cúi đầu nhường chỗ cho quân địch bước qua. Sự thực đã rõ ràng, miền Nam đã mất và lịch sử đã sang trang. Thật là lạ khi gặp lại một số bạn bè thân quen đồng cảnh ngộ, họ vui mừng cười nói huyên thuyên vì cuộc chiến đã chấm dứt, họ tin rằng hòa bình sẽ trở lại vĩnh viễn và đất nước sẽ không còn những thảm cảnh đau buồn. Cho dù đó là sự thật đi, thân hình tàn phế của họ có gì khá hơn hay cũng chỉ là những kẻ thừa thải đứng hờ bên lề cuộc sống.
Vui mừng chưa được bao lâu, một đoàn xe Molotova chạy thẳng vào trại. Viên sĩ quan chỉ huy bộ đội kêu gọi tất cả anh em trong trại ra trình diện. Anh em phế binh kẻ chống nạn, người đẩy xe lăn, người thì được thân nhân dìu ra bãi cỏ trước trại ngồi nghe "huấn lệnh". Viên sĩ quan này cho biết anh em chỉ có 24 giờ để rời khỏi nơi đây, ai ở quê nào thì trở về quê đó, ủy ban quân quản sẽ trưng dụng trung tâm này làm căn cứ quân sự. Nói xong, bộ đội miền Bắc chiếm đóng tất cả các ngõ ngách, kiểm soát mọi người. Thế là mạnh ai nấy tìm đường rời khỏi nơi đây. Tôi đón xe Honda ôm về làng phế binh cạnh cầu Rạch Chiếc ở tạm với gia đình thằng bạn thân. Tôi cứ thắc mắc là tại sao gia đình tôi không ai vào đây đón tôi về nhà và cũng rất buồn vì không có tin tức của Nam. Nhưng rồi những biến cố dồn dập vừa mới xảy ra làm tôi quên bẵng.
Ngày đầu tháng 5-1975, giông tố nổi lên dữ dội. Lợi dụng khí trời mát mẽ, tôi rủ thằng bạn thân lấy chiếc xe đạp chở tôi về Sài Gòn, trước hết là để xem sự tình, sau là tôi về thăm mẹ tôi. Chắc là mẹ tôi đang mong chờ tôi trở về lắm. Trước đó hơn hai tuần, mẹ tôi cho người nhắn bảo tôi về nhà ở lại với mẹ vìà không an lòng chút nào khi thấy tôi sống ở đây một mình. Nhưng lúc đó tôi hy vọng sẽ được chính phủ đưa đi nơi khá an toàn hơn vì chúng tôi là những người tàn phế phải được ưu tiên giúp đỡ. Tất cả chỉ là viễn mơ, trong lúc loạn lạc mạnh ai nấy lo, cụt què như chúng tôi chỉ có thua thiệt.
Thằng bạn bị cụt một tay, hai chân còn nguyên vẹn. Nó đạp, tôi lái. Xa lộ Biên Hòa giờ này không đông người qua lại. Tôi thấy rơi vãi đó đây những bộ quần áo lính đủ loại binh chủng. Những cái nón sắt, những cây súng, băng đạn cùng những quân trang, quân dụng, thuốc men và giấy tờ vung vãi trên đường. Những chiếc giày vải, giày bốt, ba lô, bao bị văng tứ tung trên mặt đất. Trong những giây phút hốt hoảng tinh thần khi nghe tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh kêu gọi anh em binh sĩ buông súng, chắc những người này sợ bị bắt làm tù binh và sẽ chịu những cuộc trả thù đẫm máu nên đã vứt bỏ những vật dụng liên quan tới cuộc đời chiến binh. Tôi thấy từng đoàn người đàn ông ăn mặc lếch thếch đi dọc hai bên xa lộ, có người chỉ mặc chiếc áo bên dưới là quần thun ngắn, có người đi chân đất và nhiều người chỉ mặc cái quần dân sự đi mình trần. Có lẽ họ đã vào nhà dân xin đại một bộ áo quần nào đó để mặc rồi đi bộ về Sài Gòn. Thật là buồn, một quân đội hùng mạnh được xếp vào hàng thứ năm trên thế giới nay ra nông nỗi này. Thất bại nào nhục nhã hơn.
Đi lần về phía nhà máy xi-măng Hà Tiên, tôi thấy xác một chiến xa M48 bị bắn cháy đen thùi, hai khẩu pháo 105 ly nằm trước sân nhà máy, nòng súng hướng thẳng lên trời, vỏ đạn lăn lóc đầy mặt đất. Xác nhiều chiến sĩ Địa Phương Quân nằm rải rác đó đây, ruồi bu đen kịt. Bên kia xa lộ, dưới bờ mương và trong bụi dừa nước cạnh bờ sông Rạch Chiếc, xác một vài chiến binh nằm chết úp mặt. Tiếng súng cuối cùng vừa chấm dứt, trận chiến đã kết liễu, xác thân các chiến sĩ hai bên thù địch nằm phơi ra đó không ai buồn đến nhận diện, thật là đau xót. Chết trong giờ thứ 25 này không gì bất hạnh cho bằng. Giờ này đây chắc mẹ cha, vợ con, anh em các anh đang ở nhà trông ngóng, mong các anh đoàn tụ gia đình.
Đứng trước thảm cảnh này, tôi không ngăn được xúc động, xót thương cho kiếp người phù du, ngắn ngủi. Tôi chỉ biết thầm cầu nguyện và thúc bạn tôi đạp xe nhanh hơn. Lòng mong muốn được gặp mẹ càng nung nấu trong tôi. Càng đi về gần Sài Gòn, xác các đoàn quân xa choáng cả đường đi, súng đạn, áo quần và đồ đạc nằm la liệt trên mặt đường.
Cuối cùng chúng tôi cũng vào đến Sài Gòn. Trên đường xe cộ qua lại đông đúc hơn bình thường, không còn ai tôn trọng luật đi đường gì nữa. Từng toán bộ đội thân hình gầy gò, đầu đội nón cối, mặc áo quần màu xanh lá rộng thụng thịnh mang dép râu vác súng đi tuần ở khắp các nẻo đường. Xe tăng, xe Molotova đậu ngổn ngang hai bên lề đường. Một không khí ngột ngạt bao trùm Sài Gòn. Chúng tôi đi về phía Chợ Lớn. Vào con hẻm cũ, mẹ tôi đã đi vắng từ hồi nào. Hỏi thăm bà con lối xóm, họ cho biết vào những ngày cuối tháng tư chị hai tôi xuống dẫn mẹ tôi đi. Đi đâu thì không ai biết. Đứng trước căn nhà đóng kín cửa, tôi buồn bã rủ anh bạn ra ngoài quán cóc uống một ly cà phê, ăn qua loa một tô mì rồi đạp xe về lại làng phế binh. Tôi nhớ thương mẹ già nhưng cũng lo lắng cho cuộc sống của tôi trong những ngày sắp tới. Ai trả tiền cấp dưỡng cho tôi và ở nơi đâu, đó là hai câu hỏi luôn luôn ám ảnh tôi khi rời khỏi con hẻm. Cũng may, vì ở trong trung tâm tôi ít tiêu xài nên cũng dành dụm được chút đỉnh nên cũng đủ để tiêu xài ít ra trong một vài tháng.
Giữa tháng 6-1975, dân chúng trong làng phế binh Rạch Chiếc lại một phen kinh hoàng. Tin đồn ủy ban quân quản sẽ đuổi tất cả dân cư ở tại đây ra đi và bộ đội cộng sản vào chiếm giữ khu cư xá này làm tinh thần mọi người dao động mạnh. Làm sao không tin được, những người từ các tỉnh đã mắc kẹt trong các ngày cuối cùng về đây cho biết làng phế binh tại các tỉnh đều đã bị bộ đội cộng sản chiếm đóng. Dân chúng bàn tán xôn xao. Cũng nên nhắc lại là dân cư trong làng là những người phế binh từ khắp nơi đã về đây sinh cơ lập nghiệp. Sau những tranh đấu chính đáng, chính quyền miền Nam đã cho xây dựng ngôi làng này và cấp phát miễn phí cho phế binh. Tùy theo hoàn cảnh, mỗi người làm chủ một căn nhà lớn nhỏ để an tâm vui hưởng số ngày còn lại của đời phế binh.
Giờ đây trong tình cảnh này, ai nấy đều bồn chồn lo lắng, ít nhiều chán nản trước những loại tin đồn như thế. Người này hỏi người kia, chừng nào về quê hay dọn đi nơi khác. Phước Thợ Hàn nắm tay tôi thân mật giã từ, anh vừa mướn được xe chở đồ đạc về quê. "Tôi về chợ Thầy Phó Vĩnh Long, khi nào có dịp về Sài Gòn tôi sẽ ghé thăm anh". Anh Ba Hải Quân thì không muốn đi đâu cả nhưng bà vợ cứ cằn nhằn hoài anh phải nghe theo, gia đình anh đi về quê ở Bến Lức. Dù muốn dù không thằng Năm Què cũng phải về ở với cha mẹ. Năm là con trai một, cha mẹ tuổi già trên bảy mươi, gia đình có bảy mẫu ruộng nếu nó không về thì nhà nước sẽ tịch thu hết ruộng. Riêng anh Chín Lắc thì không còn quê để về, chính phủ cấp phát cho anh một căn nhà tại làng này thì chính nơi này là quê hương. Anh nói phải quyết giữ lấy, không đi đâu cả, dù có bị bắt buộc, chết thì thôi. Anh Sáu Lưu là cựu sĩ quan, đã di tản từ miền Trung về đây hồi tháng 3-1975 cùng với gia đình và vợ con, ở chưa được bao lâu thì đã chuẩn bị lên đường vào trại tập trung học tập cải tạo mười ngày. Sự thực thì anh bị tập trung cải tạo gần mười năm mới được thả về mặc dù là phế binh bị cụt một chân. Mọi người trong lúc này, tùy hoàn cảnh, tùy cuộc sống mà quyết định đi hay ở lại trong làng.
Cuối cùng tin đồn bị đuổi ra khỏi làng phế binh trở thành sự thật. Khoảng cuối tháng sáu, ủy ban quân quản huyện Thủ Đức cử một toán bộ đội và du kích vào đây triệu tập bà con ra giữa sân rồi tuyên bố mọi người phải dọn ra khỏi nơi này trong vòng một tuần lễ. Trong thời gian đó, ủy ban quân quản dành ưu tiên cho những gia đình tình nguyện đi lập nghiệp trên vùng kinh tế mới ở Sông Bé.
Đầu tháng 7-1975, khoảng 3 giờ khuya, dân chúng trong làng đã tụ tập trước sân cùng với đồ đạc để chờ đoàn xe vận tải chở đi lên vùng kinh tế. Quang cảnh thật ồn ào, nhộn nhịp. Chẳng ai ngủ được bao nhiêu kể cả con nít, mọi người đều lo lắng cho tương lai với cuộc sống mới. Kinh tế mới là gì, chẳng ai biết cả. Nhà nước biểu đi thì đi. Người ta đi thì mình cũng đi. Một số gia đình nghèo đã bán hết đồ gia dụng, bàn ghế, tủ giường... với giá rẻ để có tiền dằn túi khi đến nơi mà tiêu xài.
Những cái bắt tay, những câu giã từ cùng những lời nói vội vàng của các bạn bè, hàng xóm để bước lên xe cùng với gia đình đi vùng kinh tế mới vang lên liên tục. Đoàn xe lăn bánh. Chiếc xe cuối cùng vừa khuất nẽo, tôi miên man liên tưởng khi đến nơi các bạn tôi sẽ làm việc gì để sinh sống với tấm thân què cụt. Trong khi đó, có anh bạn bị mù hai mắt, có anh bị cụt hai tay cũng xin đi vùng kinh tế mới, các anh có cày cuốc được gì đâu mà cũng xin đi về vùng đất chết. Họ tình nguyện đi vì không muốn sống chung với kẻ thù hay vì hy vọng có một cuộc sống khá hơn?
Những người còn ở lại trong làng phế binh phải đương đầu với hoàn cảnh mới. Gia đình anh Bảy Ca, người cho tôi tạm trú đã giao hẳn căn nhà cho tôi cùng với giấy tờ, đã đăng ký đi vùng kinh tế mới hồi sáng nay. Anh Bảy dặn là tôi cứ ở lại giữ nhà, khi nào yên thì anh sẽ về lại đây, tôi ừ à cho qua chuyện. Thật ra tôi cũng chẳng thiết giữ căn nhà này làm gì vì không đủ sức trang trải những chi phí điện nước và ăn uống hằng ngày. Tôi có ý định rủ Nam cùng đứa con về đây ở chung, nhưng Nam cũng đã được cấp một căn nhà ở làng phế binh lớn nhất trên Thủ Đức rồi. Tôi chỉ biết thở dài lo âu.
Tin đồn nhà nước cộng sản lấy hết nhà trong làng trở thành sự thực, ủy ban quân quản huyện Thủ Đức đã chính thức vào tiếp thu và chia khu vực, lấy những khu nhà vắng chủ cấp phát cho một số đơn vị bộ đội vào ở. Dân cư lại một lần nữa phải sắp xếp đồ đạc dọn nhà. Những gia đình ở trong khu vực bị lấy nhà được hoán đổi sang những căn nhà bỏ trống ở các con đường khác. Có người phải đổi nhà, dọn nhà tới hai lần. Trong làng, không khí im lìm vắng vẻ. Chỉ còn một vài gia đình quyết định ở lì trong làng phế binh, trong đó có tôi vì không có thân nhân. Mẹ và chị hai tôi giờ này không biết ở đâu.
Cuộc sống trở nên khó khăn. Một hôm Nam cùng thằng con nhỏ từ Làng Phế Binh Thủ Đức tìm đến thăm tôi, cùng sống chung với tôi mấy ngày. Làng phế binh nơi Nam ở cũng đang bị giải tỏa, Nam cho biết sẽ về lại quê cũ ở nhờ nhà người chị thứ ba, người thương Nam nhất. Mặc dù không thấy đường, Nam kể lại cho tôi nghe những mẫu chuyện thương tâm mà Nam đã nghe và chứng kiến.
Ngày sau khi tôi rời Trại B Trung Tâm 3 Hồi Lực, Nam vào lại trại thăm tôi cùng bạn bè và định ở lại chơi vài hôm. Nhưng bộ đội gác cửa không cho ai vô, Nam đành dẫn con ra ngoài quán nước bên cạnh ngồi nghỉ. Tại đây Nam được một anh bạn phế binh cũ đến chào hỏi thăm. Anh bạn này bị cụt một tay không có thân nhân nên được gia đình chủ quán tốt bụng cho ở tạm, hằng ngày anh ra đây phụ lau chùi bàn ghế và phụ bếp. Nam hỏi thăm thì biết tôi đã về làng phế binh Rạch Chiếc và hôm nay đến thăm tôi.