Chương 6: Không còn nước mắt để khóc
Thật là vui mừng khi gặp lại Nam, người bạn phế binh đồng thời cũng là bạn học cũ năm xưa. Lúc này gương mặt của Nam sạm nắng đầy vẻ phong trần, tóc của Nam cũng đã bạc màu, ngã sang màu trắng. Cách ăn mặc của Nam cũng đã thay đổi, tươm tất hơn và không còn luộm thuộm như xưa. Đêm nay khí trời mát mẽ, biết Nam thích uống trà tôi đã pha trà đặc biệt mời Nam uống. Hai chúng tôi ngồi trước hàng hiên nhà miên man nói chuyện, nói đến quá nửa khuya vẫn chưa ai cảm thấy buồn ngủ. Nam kể lại những chuyện trong hiện tại, tôi nhắc đến những chuyện ngày xưa, chuyện mấy chục năm về trước mà hai chúng tôi đã trải qua.
* * *
Vào giữa thập niên 60, chiến tranh lan rộng khắp lãnh thổ. Báo chí loan tin quân cộng sản miền Bắc đã xâm nhập vào Nam càng ngày càng nhiều, nhiều trận đánh lớn đã xảy ra ác liệt từ các vùng đồi núi trên cao nguyên xuống tận các tỉnh duyên hải và đồng bằng sông Cửu Long. Thành thị và nông thôn không còn nơi nào yên bình được nữa. Lúc đó Nam và tôi đang còn là học sinh trường trung học công lập, hai chúng tôi học chung lớp với nhau từ năm đệ thất. Bạn học của tôi nhiều đứa đã nhận được lệnh động viên lên đường nhập ngũ, riêng Nam cùng với Minh Tề và Vượng thì làm đơn tình nguyện.
Chỉ còn vài ngày nữa là Nam lên đường và cho chúng tôi biết sẽ vào Trại Nhập Ngũ số 3. Tôi cùng vài bạn thân tiễn Nam bằng một chầu cà phê ở quán Năm Dưỡng. Mấy tháng sau tôi nhận được thơ của Nam cho hay đã được đổi về miền giới tuyến Quảng Trị. Năm sau, tôi cũng nối tiếp bước chân Nam vào Trại Nhập Ngũ số 3. Ra trường, tôi được thuyên chuyển về vùng Bạc Liêu. Ở đó hơn một tháng, tôi được lệnh hoán chuyển về bộ tư lệnh sư đoàn đóng quân tại Cà Mau. Từ ấy chúng tôi không còn liên lạc với nhau nữa vì mỗi đứa ở một nơi, xa cách ngàn trùng.
Vào một ngày âm u của tháng bảy năm 1962 ở miền cực Nam, trời mưa lất phất khí trời se lạnh, đại đội chúng tôi được lệnh hành quân tảo trừ cộng quân trong rừng U Minh. Tin tức tình báo cho biết Tiểu Đoàn U Minh 1 của cộng quân đang hoạt động ráo riết tại đây. Đơn vị chúng tôi được chia ra làm hai cánh, mỗi cánh đi về một hướng và sẽ gặp nhau tại tiểu khu Năm Căn năm ngày sau đó. Tiểu đội của tôi vượt qua mấy cánh đồng mênh mông nước, lội qua mương rạch tiến vào một xóm nhỏ lác đác vài căn nhà lá. Nơi đây vắng bóng đàn ông, chỉ thấy toàn ông già bà cả, đàn bà và con nít ngồi đứng trước nhà, ngoài sân hay trên bờ ruộng. Chúng tôi hỏi đàn ông đi đâu hết rồi, họ chỉ về phía bàn thờ trong nhà rồi im lặng.
Trời vẫn mưa lất phất, mọi người chúng tôi ai nấy đều ướt sũng. Tiểu đội của tôi dừng chân được một lúc đã nhận lệnh của đại đội trưởng tiếp tục hành quân, có người chỉ kịp ngồi uống một ngụm nước, người khác đốt một điếu thuốc đã vội vã đeo ba lô lên vai cầm súng đi tiếp. Chúng tôi rời thôn xóm nhỏ tiếp tục lên đường truy lùng địch vì cách đây vài hôm một chiếc xe đò bị giựt mìn trên con lộ dẫn về Năm Căn, làm nhiều thường dân bị thiệt mạng và bị thương. Chúng tôi đi hàng một, mon theo con đường mòn nhỏ dẫn vào khu rừng tràm gần đó, cò súng lúc nào cũng sẵn sàng. Tôi đi giữa đoàn người và bám sát gót người đi trước. Thật là an toàn, tôi thầm nghĩ. Kinh nghiệm này tôi học ở những đàn anh đi trước. Mắt tôi chỉ nhìn một phía bên đường và các lùm cây ở phía xa xa, phía bên kia thì có đồng đội khác nhìn.
Chúng tôi đi như vậy gần hai tiếng đồng hồ liền, chỉ thấy hai bên bờ ruộng cỏ mọc vô tri và những đám mạ xanh chạy dài trước mắt. Thình lình, từ trong các bụi rậm phía trước có tiếng súng nổ, đạn bay cheo chéo ngang tai. Những người đi đầu tức tốc nhảy xuống núp hai bên bờ ruộng bắn trả lại. Tôi cũng vội vàng nhảy đại xuống ruộng thì... "Ình" một tiếng, tôi bị hất tung lên khỏi mặt đất rồi rớt xuống một cái "chạch" trong vũng nước. Tôi vừa đạp phải mìn. Trái mìn định mạng được ngụy trang kín đáo dưới bờ ruộng xé nát đôi chân của tôi. Hai tai bị ù, thân mình ê ẩm. Phản ứng đầu tiên của tôi là quơ tìm cây súng định bắn trả lại nhưng... ôi, sao đau buốt quá ở hai chân!
Tinh thần tôi dao động, hoang mang. Thân thể tôi lem luốt bùn sình, cái ba lô nặng nề trên vai càng làm tôi khó chịu, tôi muốn cởi nó ra nhưng không còn sức. Một anh bạn bò tới chích cho tôi một mũi thuốc cầm máu, rửa ráy qua loa và băng bó hai khúc chân của tôi. Tôi còn nghe loáng thoáng tiếng tiểu đội trưởng gọi pháo binh và trực thăng đến tiếp viện. Vài phút sau đó, tiếng đạn pháo từ tiểu khu Cà Mau tới tấp rót xuống bìa rừng và tiếng súng của đồng đội tôi bắn về phía các bụi cây đằng trước làm tôi hồi tỉnh trở lại. Độ mười lăm phút sau, trực thăng bay tới và hạ xuống một bãi đáp nhỏ cạnh bờ ruộng. Hai thằng bạn phụ khiêng tôi lên băng ca do hai y tá từ trực thăng mang tới. Tôi còn tỉnh táo trăn trối cùng thằng em kết nghĩa khi nó dìu tôi đến bãi đáp an toàn. Trực thăng tải thương chuyển tôi về Quân Y Viện Cần Thơ. Từ đó tôi bị bất tỉnh nhân sự, không còn biết gì nữa.
Tôi tỉnh dậy trong phòng hồi sức, tinh thần còn bàng hoàng ngơ ngác trước quang cảnh khác lạ. Mùi ê te nồng nặc quanh phòng làm tôi lo sợ. Nhớ lại chuyện vừa xảy ra, tôi liền nhìn xuống phía dưới thì... trời ơi, hai khúc chân của tôi đâu mất rồi. Người ta đã cưa mất hai chân của tôi lên tới gối. Tôi buồn tủi khóc thầm trong dạ, cha mẹ đã sinh ra, nuôi nấng cho con nên vóc nên người và ngày hôm nay thân hình không còn trọn vẹn. Phải nói gì đây với người thân về nỗi bất hạnh này. Trái mìn ác nghiệt kia đã hủy hoại thân thể tôi, biến tôi thành kẻ tật nguyền. Tôi căm thù nó, thù những người đã dùng nó để hãm hại tôi. Lúc đó tôi chỉ thấy hận thù và căm ghét tất cả mọi người, ghét luôn những ông bác sĩ, bà y tá đến chăm sóc cho tôi, và cũng sẵn sàng thù ghét những người nào tỏ ra ghê sợ hay tránh né tôi. Cuộc đời tôi từ nay sang một ngã rẽ mới, ngã rẽ của thua thiệt và mặc cảm. Buồn nhất là thua kém với chính những người mình từng quen biết, gia đình, bạn bè và nhất là với những bạn gái. Một thử thách đầy cay nghiệt mới trong đó tôi phải làm nhiều cố gắng để ít chịu phần thua thiệt nhất. Cơn khát nước dữ dội làm tôi khó chịu vô cùng. Tôi bị mất quá nhiều máu nên thiêm thiếp mê đi.
Vài ngày sau, tình trạng hiểm nguy thực sự qua đi, người ta chuyển tôi lên Trại 1 điều trị. Thấy tôi thương tích quá nặng, thường vụ đại đội cử anh Nhàn binh nhất ở luôn trong trại để săn sóc tôi. Anh Nhàn mỗi ngày giúp tôi đi tiểu tiện và lo cơm nước, tôi cũng viết thư báo tin cho gia đình. Lần hồi nỗi sầu của tôi cũng nguôi ngoa vì chung quanh nhiều người còn khổ sở hơn tôi, có người chỉ còn khúc thân, tất cả đều bị mất. Tôi tự an ủi dầu sao mình vẫn còn hai tay và mắt mũi. Tôi bán sợi dây chuyền đeo ở cổ để tiêu xài vì tiền lương chưa chuyển tới và gia đình chưa ai hay biết.
Những ngày đầu ở Trại 1 thật là khủng khiếp. Hai chân tôi bị nhiễm trùng nặng vì dính bùn sình và sắt rỉ sét của trái mìn nên da thịt hai đùi tôi có mủ và bốc mùi hôi thối. Mỗi lần y tá đến rửa vết thương là mỗi lần kinh khiếp, tim tôi co thắt lại. Tôi không đủ can đảm nhìn anh y tá thay từng miếng băng ở hai đùi, anh có hơi mạnh tay vì máu khô và mủ bám chặt vào các miếng băng côm prết mặc dù đã xịt rất nhiều nước ốc xi. Mỗi lần như thế tôi chỉ biết nắm chặt hai tay vào song giường, hơi thở khó khăn và cắn răng lại chịu đựng. Tôi cố đè nén cơn đau để tiếng rên không vuột ra khỏi miệng nhưng nước mắt và nước mũi cứ chảy ra dầm dề. Tôi ít biết chửi thề, văng tục nhưng nhiều lúc đau quá cũng thốt lên vài tiếng, sau đó lại mắc cở với chính mình. Cực hình đã xong, tôi xót xa nhìn xuống từng mảng da thịt của tôi dính đầy các băng trắng lạnh lùng nằm trong cái xô hôi hám phía dưới chân giường.
Hơn một tuần sau, cô chú tôi, mẹ tôi, chị hai tôi từ Chợ Lớn xuống Cần Thơ vào trại thăm tôi. Lòng tôi buồn bã khi gặp lại người thân. Cả nhà chỉ biết ôm tôi vào lòng rồi khóc nức nỡ. Tôi chỉ im lặng khóc và không nói lời nào, dòng lệ tôi cứ tuôn trào khi cô chú, mẹ, chị hỏi thăm. Được gia đình vào thăm lòng được an ủi nhưng tâm trạng luôn cảm thấy có lỗi với người thân, tôi đã không giữ được thân hình được toàn vẹn như mọi người khác. Tôi không còn bình thường nữa!
Bất hạnh lớn nhất của đời lính là bị cụt chân, cụt tay nên không ai muốn nghĩ đến. Chẳng thà chết trên chiến trường hay trong quân y viện, gia đình thân nhân có buồn nhưng rồi cũng qua đi, nhưng phải kéo dài tấm thân tàn phế suốt những ngày còn lại không gì khùổ sở cho bằng. Nếu được chết ngay lúc này có lẽ tôi rất lấy làm mãn nguyện vì dầu sao cũng đã gặp lại tất cả mọi người thân trong gia đình. Nhưng tôi đã không chết.
Mặc dù không muốn nghĩ đến sự tật nguyền nhưng cái rủi không ai tránh được. Điều trớ trêu là cái rủi đó đã xảy đến với tôi, thật là buồn. Mấy ngày qua tôi cứ trông ngóng, lòng dạ xốn xang chờ đợi người thân, nay gặp được lòng dạ hả hê. Tôi cứ sợ gia đình tôi trách móc nhưng không, mọi người đều tỏ ra thương yêu tôi hơn bao giờ hết. Tôi không những được an ủi mà còn được cho tiền, quà cáp và sách báo để đọc.
Gần một tháng sau tôi được chuyển về Tổng Y Viện Cộng Hòa bằng trực thăng và được phân phối về Trại Ngoại Thuơng 4. Gia đình, bà con, bạn bè khắp nơi nghe tin tôi được chuyển về Tổng Y Viện đến thăm tôi đều đặn, do đó cũng cảm thấy đôi phần an ủi, nỗi đau buồn dần dà vơi đi. Với thời gian nhịp độ đến thăm không đều như trước, có lẽ mọi người bị bận rộn công việc làm ăn. Thời buổi này rất khó khăn nên tôi cũng thông cảm. Mặc dầu vậy cứ mỗi buổi chiều, tại khu Ngoại Thương 4 bà con thân nhân thương bệnh binh đến thăm nuôi đông đảo, ăn nói ồn ào, tôi ngồi trên chiếc xe lăn nhìn thiên hạ mà không khỏi buồn lòng. Tôi thường tìm một góc hành lang đầu trại lặng nhìn người qua kẻ lại, không muốn làm quen với ai. Tôi là kẻ cô đơn, lòng đầy mặc cảm. Nếu giờ này tôi còn đủ hai chân có lẽ tôi còn đang hành quân đâu đó hay về phép dạo phố như mọi người.
Trong Quân Y Viện Cộng Hòa, những thương binh được chia ra điều trị tại nhiều khu vực khác nhau, chúng tôi những người bị cụt hai chân ở khu ngoại thương 4, những khu khác dành cho người bị cụt hai tay, cụt một chân, cụt một tay, mù mắt... Những người bị mất cả tứ chi hay bị liệt thì ở chung một khu, nơi đây họ được chăm sóc tận tình và chu đáo hơn. Ơ? trại 4, tôi có thêm hai thằng bạn mới. Thấy tôi ngồi ủ rủ một mình, thằng Quí thường đến an ủi tôi, còn thằng Lô thì hay kéo tôi nhập vào những cuộc vui do anh em phế binh trong trại tổ chức để quên ưu phiền. Cả hai thằng Quí và Lô đó đều bị cụt hai chân như tôi. Những cuộc vui thường là những buổi họp mặt cùng nhau ca hát tân nhạc hay cải lương, nhiều thằng kể chuyện tếu lâm để cùng nhau cười. Những anh em nào được gia đình đến thăm nuôi thường kêu các bạn bè ngồi lại ăn uống, nhậu nhẹt cho hết ngày giờ. Vui nhất là được các phái đoàn đến thăm, chúng tôi thường được tặng quà và còn được những cô học sinh sinh viên xinh đẹp đến ho?i han an u?i.
Tháng ngày cứ thầm lặng trôi qua, tâm hồn tôi cũng bớt phần cay đắng. Tôi không còn nghĩ nhiều đến sự tàn phế của mình và cũng không còn thu mình trong vỏ ốc cô đơn, mặc cảm. Tôi hòa nhập vào cuộc sống với anh em trong trại. Thời gian sau đó, tôi và Lô cùng ngồi trên chiếc xe lăn, vui vẻ dạo phố Sài Gòn. Chúng tôi làm ngơ không để ý đến những cái nhìn tò mò của nhiều người khác. Nhiều lúc bất mãn, anh em chúng tôi vào một vài quán nước bày tỏ sự bất bình về sự đối đãi không lịch sự của các nhân viên phục vụ, đó là vào thời điểm đầu thập niên 70. Sau này chính phủ có ra nhiều biện pháp nâng đỡ phế binh nên anh em chúng tôi vui vẻ trở về đời sống bình thường trong những khu vực định sẵn.