Hai chúng tôi bước từng bước một trên đoạn đường mà hằng ngày tôi thấy quen thuộc, tưởng là ngắn ngủi nhưng sao hôm nay nó thật là dài. Chúng tôi khập khểnh đi ra ngoài cổng không buồn quay lại nhìn lần cuối quân y viện, kể từ nay nó chỉ còn là một kỷ niệm đau buồn. Chúng tôi chống nạng âm thầm đi trong phố vắng. Công viên của thị xã Mỹ Tho đã hiện ra trước mắt, gần đó là bến xe. Trên một khoảng trống của khu nhà khách, tôi dìu chiến hữu trẻ ngồi xuống từ từ tựa lưng vào tường nghỉ mệt. Mặt anh ta tái mét, hai cánh tay run lên bần bật. Tôi lo âu nhìn anh bất lực. Làm sao đây? Làm sao san sẻ bớt những nỗi đau đang cấu xé thân thể người bạn kia? Tôi cũng lo âu cho chính thân tôi, nhưng với tư cách người lớn tuổi hơn tôi giữ im lặng và chỉ hỏi han tình trạng sức khỏe của chiến hữu kia.
Tới được bến xe, tôi liền móc túi lấy số tiền lương vừa lãnh hồi cuối tháng 4-1975 chia cho chiến hữu kia một nửa làm lộ phí đi về quê cũ. Bạn tôi về Cai Lậy, còn tôi về Sài Gòn. Tôi nhờ hành khách đỡ anh bạn tôi lên xe và tìm chỗ ngồi, tôi giơ tay vẫy chào khi chuyến xe bạn tôi đã chạy. Tôi đón xe khác về lại Sài Gòn. Ngã đầu trên ghế, tôi cứ thắc mắc không biết bạn mình có về đến nơi đến chốn hay không, lỡ xảy ra chuyện gì thì ai chăm sóc, lòng tôi bất an cho số phận của người bạn trẻ. Khả năng của tôi có giới hạn, tôi chỉ có thể giúp tới đó thôi vì còn phải lo cho số phận của mình, tôi chỉ cầu xin ơn trên ban phước lành cho chiến hữu tré đó được bình yên về tới quê nhà. Cầu nguyện xong tôi mới yên tâm chợp mắt một chút, những giây phút này thể xác và tâm hồn tôi mới được thư giản.
Những luồn gió thổi qua cửa kiếng, sự mát mẽ của cơn gió làm dịu đi một phần nào phiền muộn. Nhìn những cánh đồng xanh bát ngát, những nông dân đang cày ruộng, tôi thấy lòng thư thái, nhẹ nhàng. Trầm tư trong sự suy nghĩ, không biết rồi đây cuộc đời mình sẽ ra sao khi lịch sử đã sang trang, máu và nước mắt có còn chảy nữa trên quê hương này không... Về đến nhà tôi mới thật yên tâm. Phố xá Quận 4 vẫn như ngày nào, nhưng nó có vẻ phẳng lặng hơn, không như những ngày nào tôi còn ở nhà. Trước kia đường phố rất ồn ào do sự la hét của trẻ thơ nô đùa, sự phẳng lặng ngày hôm nay báo động một cơn giông sắp đến. Tôi sợ sự yên lặng bất bình thường này. Chung quanh tôi chỉ toàn cờ đỏ.
Gia đình mừng rỡ khi thấy tôi về, nhưng trong bối cảnh mới này ai cũng lo âu cho tương lai của gia đình. Hàng ngày tôi thấy trước mắt tôi từng đoàn người, già có, trẻ có và những đám con nít thay phiên nhau giành giựt những thùng đồ hộp, gạo sấy, máy móc từ trong những nhà kho của chế độ cũ để lại. Trong số đó có cả người thân của tôi, đúng ra là những đứa em tôi, bởi vì những ngày này không có họp chợ, nếu không làm như thế lấy gì mà ăn. Gia đình tôi không giàu nên không bao giờ trữ sẵn gạo và thức ăn, mỗi ngày phải mua gạo và thức ăn ngoài chợ vì nhà tôi gần chợ.
Dòng người đổ xô tràn vào những kho tồn trữ, nhưng dưới chân cầu Tân Thuận bất chợt có tiếng súng nổ. Những người đội nón cối mặc áo xanh và áo vàng, "bò điên" và "chó sói", sả súng bắn thẳng vào đám người đói khát trước những nhà kho. Nhiều người nằm dãy dụa dưới đất, trong vũng máu. Dân chúng chạy tản mát trốn, nhưng sau vài phút họ lại tràn vào các nhà kho, đông hơn và bất kể súng đạn. Ai bị bắn trúng thì té nằm xuống, những người khác thì cứ nhào lên cậy cửa các kho gạo. Cứ thế những chuyến xe ba gác cứ nhào đến chất đầy những bao gạo cùng những thùng đồ hộp; chuyến này ra chuyến khác vào, luân phiên tấp nập.
Trong những ngày này, một dòng người khác ngược xuôi chạy giặc, tay bồng tay dắt con cái và bao bị chạy ra bến Bạch Đằng đón tàu ra biển. Gia đình tôi cũng có mặt trong đoàn người này vì nhà ở gần cầu Tân Thuận. Ôi thôi, người đông đếm không xiết, trên những chuyến tàu nhỏ chật ních người. Bến cảng lúc này chật đầy ghe thuyền, dòng người cứ đổ xô về bến cảng nhảy đại lên những chiếc tàu để ra cửa biển. Trên các bong tàu toàn người với người.
Người trên tàu nhắn vọng với người còn kẹt trên bến cảng, tiếng la hét vang vọng một góc trời. Những chiếc tàu đi sông lừ lừ nổ máy chạy ra cửa Cần Giờ, bỏ lại sau lưng thành phố Sài Gòn. Những đám "chó sói" đứng nhìn căm hận đoàn tàu lướt đi mà chính họ cố tình đẩy những người này ra khỏi đất nước. Tôi vì thương tật, không chen lấn được với dòng người xô đẩy nên bị bỏ lại một mình trên bến cảng, gia đình tôi không biết đã đi trên chuyến tàu nào. Lúc đó quang cảnh rất là hỗn loạn, mạnh ai nấy chen lấn tìm một chỗ đứng trên bong tàu.
Tôi không buồn và cũng không tiếc, vì biết số phận mình hẫm hiu. Về lại nhà, đồ đạc đã bị ai đó chở đi đâu mất, chỉ còn lại bốn vách tường không. Tôi buồn bã ngồi bệt xuống sàn nhà ngẫm nghĩ về thân phận mình. Tôi chợp mắt ngủ đi lúc nào không hiết. Tôi mơ thấy tôi có lại hai chân, đi ra bờ sông ngắm nhìn mây nước. Đến giữa khuya, tôi giật mình thức dậy, trong nhà có tiếng động lạ. Tôi lồm cồm chống tay nhìn ra ngoài cửa thì thấy hai bóng đen đang cạy cửa vào nhà. Tôi hỏi ai đó thì hai bóng đen liền vụt mất. Thời buổi loạn ly này nhiều người lợi dụng vào nhà ăn cắp. Trên đường tôi thấy nhiều xe ba gác chở tủ lạnh, tivi, bàn ghế chạy khắp nơi trên đường phố. Lúc đầu cứ ngỡ là người ta chạy giặc nhưng sau này mới biết đó là đồ đạc ăn cắp trong những nhà vắng chủ.
Suốt đêm tôi không chợp mắt nổi, cứ nghĩ miên man không biết những chuyến tàu đó có những đứa em và cha mẹ tôi không. Tôi tin tưởng rằng sáng mai thế nào họ cũng về lại. Nhưng tôi cũng thầm khấn vái cầu cho mọi người được an toàn thoát đi. Đi đâu thì tôi không biết. Tôi cầu cho các đoàn tàu thoát khỏi Việt Nam an toàn, không bị quân cộng sản nã đạn pháo vào như họ vẫn thường làm hồi chiến tranh. Trước kia quân cộng sản thường pháo kích vào các trường học và khu dân cư rồi đổ thừa cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ để kích động lòng căm thù. Chiến thuật này một thời được nhiều người tin theo, mong rằng nó không xảy ra cho những người thân trong gia đình tôi. Cầu mong đoàn người vượt trùng dương bao la trên những chiếc tàu đi sông an toàn.
Vài ngày sau tin đồn có những xác người trôi dọc lòng sông Nhà Bè càng làm tôi lo ngại. Rồi cũng có những tin đồn những chiếc tàu đầy ắp người đó được Hạm Đội 7 của Mỹ ngoài khơi Vũng Tàu cứu vớt, mọi người đều được đưa qua đảo Guam rồi cho qua Mỹ. Tôi cũng hy vọng gia đình tôi có mặt trong những người may mắn đó. Hơn hai mươi bốn qua tôi đã cố gắng chờ đợi mà không thấy tin tức gì cả. Sau này tôi được biết có những tàu bị công an chặn lại ngoài cửa biển, bắn chìm cả tàu, tất cả những người trên tàu đều bị chết. Những xác người trôi bồng bềnh, những dòng máu đỏ chan hòa cùng biển cả.