Trở lại kiếp sống cải tạo trong trại Xuân Lộc. Mặc dầu có phần dễ dãi hơn các trại giam khác mà tôi đã trải qua, nơi đây mọi tù nhân phải chấp hành lệnh của trại đến từ bất cứ ai mặc sắc phục. Một nửa thời giờ trong ngày dùng để lao động ngoài đồng hay trong rừng, nửa thời giờ còn lại dọn dẹp trong trại như quét dọn phòng ốc, nhổ cỏ, tưới cây quanh trại. Tối thì được phép nấu nước trà, đánh cờ tướng hay ngồi trò chuyện với nhau, nhưng đến khuya thì phải tắt đèn đi ngủ. Hầu như tất cả mọi người nơi đây đều đã có án tù chính thức, nên mỗi tháng được gia đình đến thăm nuôi một lần. Ai có gia đình khá giả thì ăn uống no đủ, ai khốn khó như tôi thì đành chờ... anh em khác thương tình cho ăn ké. Cứ mỗi chủ nhật cả trại ồn ào, náo nhiệt hẳn lên vì có thăm nuôi. Tiếng cười nói, đi lại của mọi người làm thay đổi bộ mặt buồn thảm của một trại tù.
Ở trong trại được hai năm, tôi quen dần với người và cảnh vật, những người khác chắc cũng vậy. Không bao giờ có chuyện trốn trại ở khu "chính trị" này. Thỉnh thoảng chúng tôi có nghe một vài tù hình sự trốn trại. Có người thành công, có kẻ thất bại. Những ai bị bắt trở lại thì chịu những hình phạt dã man nhất: bị đánh bằng báng súng vào đầu và mình mẩy, bị trói ngồi trong thùng phuy ngập nước phơi giữa trời. Vào giữa trưa, một hay hai cán bộ quản giáo cầm một khúc tre hoặc dùng chân đá vào hông thùng để những chấn động của nước ép vào cơ thể khiến tù nhân hộc máu mồm, máu mắt ra. Chưa hết, người trốn trại khi được lôi ra khỏi thùng phuy còn bị trói cả chân và tay rồi treo lơ lửng ở cành cây suốt đêm cho muỗi chích, sáng hôm sau mới đem nhốt trong côn néc không có lỗ thở trong suốt hai ngày liền, không được cho ăn cho uống, tiêu tiện gì cũng tại chỗ, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Hình phạt này là đế cảnh cáo những ai có ý định trốn trại phải sợ. Tù nhân thường được thả ra lúc giữa trưa, đang còn loạng choạng vì bị ánh nắng làm chói mắt thì hai ba cán bộ nhảy tới đá thêm cho mấy cái ngã chúi xuống đất, rồi mới kêu hai ba tù nhân khác khiêng vào phòng tập thể. Các tù nhân thường bị xỉu khi ra khỏi côn néc, những người yếu sức thường chết vài ngày sau đó.
Trong "khu chính trị" cũng xảy ra nhiều chuyện đau buồn. Anh Trần Văn Được, phế binh trung sĩ nhất thủy quân lục chiến, cụt một tay và mù một mắt trong trận tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị mùa hè 1972, bị bắt chung với trung úy Phạm Tấn Dũng, cụt một chân, về tội "hội họp bất hợp pháp, âm mưu lật đổ chính quyền", đã chết vì bị hành hạ quá đáng. Một hôm cán bộ quản giáo trẻ tuổi, quê ở Nghệ Tĩnh, vừa được chuyển tới ra lệnh cho anh Được quét sân, nhưng vì giọng nói của người này khó nghe nên anh Được vẫn tỉnh bơ ngồi uống nước trà. Cán bộ gốc Nghệ Tĩnh liền tới xỉ vả, anh Được chẳng hiểu gì cả nhìn cười, tức quá nó đá văng chén nước trà khỏi tay anh Được rồi nhào tới tát anh một bạt tai. Nổi sùng, anh Được cầm lon guigoz đựng nước nóng ở dưới đất tạt vào mặt nó rồi chỉ tay nói:
- Mày là giống gì mà mất dạy quá vậy? Bộ tao là súc vật à? Ai dạy mày vô phép dữ vậy? Con thú nào bị đánh đập quá đáng cũng quay lại cắn, tao tuy bị tàn tật cũng không chịu để cho mày sỉ nhục đâu. Đồ quân mất dạy, nói cho mày biết con tao còn lớn hơn mày mà chưa bao giờ dám hổn láo như...
Chưa nói hết câu, tên cán bộ Nghệ Tĩnh nhào tới nắm áo anh Được, thốt ra những lời tục tỉu khó nghe và đánh đá túi bụi vào đầu vào cổ anh. Đúng là quân mất dạy, đã không biết kính nễ người lớn tuổi mà còn dám đánh đập vào người tàn tật. Anh Được té xuống đất liền bị nó đá tới tấp vào đầu vào bụng, anh chỉ biết co chân ôm đầu chịu trận. Thấy vậy, anh Dũng cà thọt chạy tới can nhưng bị mất thăng bằng anh níu áo tên cán bộ này và cả hai ngã xuống đất. Tức thì bảy tám cán bộ quản giáo khác từ nhà trong chạy ra, lôi anh Dũng đứng lên và đánh hội đồng khiến anh ngã quị xuống đất.
Tức quá, anh Dũng hốt cát ném vào mặt mấy tên cán bộ. Đang lúc chúng còn đang dụi mắt thì anh Dũng nắm chân một tên giật té sấp xuống đất, rồi nhào tới thúc một cùi chỏ vào mặt làm nó tức điên lên. Tên này vội vàng đứng dậy chạy đi tìm một khúc tre thật lớn dùng làm cột phơi đồ quất tới tấp vào mình, vào đầu anh Dũng. Tiếng "bình bịch" và "bồm bộp" vang lên khô khan, máu từ đầu và vết thương nơi chân cụt của anh Dũng rỉ ra đầy mặt đất. Các trại viên chạy ra can thiệp, năn nỉ xin tha, đám công an chỉa súng vào đám người, tên chỉ huy ra lệnh lùa tất cả trại viên vào phòng giam lại, không cho bất cứ ai ra dòm ngó hay ngồi hóng mát nói chuyện. Riêng hai anh Dũng và Được bị chúng nắm áo lôi lên văn phòng.
Trời vừa bắt đầu tối, không ai còn lòng dạ ngồi xuống đất ăn cơm. Anh em chúng tôi lo âu cho số phận của hai người bạn tù. Phòng tra tấn và phòng giam tập thể không xa nhau lắm nhưng tiếng ồn ào trong phòng giam và tiếng gió rừng lấn át nên chúng tôi chỉ nghe được tiếng mất tiếng còn những gì xảy ra ở đó. Rõ nhất là những tiếng la hét của cán bộ công an, họ đánh đập hai anh suốt buổi chiều và chỉ ngừng khi tất cả bỏ đi ăn cơm chiều, sau đó lại vang lên suốt đêm khuya. Chúng tôi chỉ nghe và hiểu được tiếng la hét của những cán bộ miền Nam hay gốc Hà Nội, còn mấy cán bộ gốc Nghệ Tĩnh la hét cái gì thì chịu, chẳng ai hiểu gì cả. Là người Việt với nhau mà người Nghệ Tĩnh nói như người ngoại quốc, không ai hiểu gì.
Nội dung những tiếng hét tra khảo và trả lời đại khái như sau:
- Mày đeo cái gì tòn ten ở cổ hả thằng kia?
- Thánh giá! - Dũng trả lời (anh Dũng theo đạo công giáo nên luôn cây thánh giá ở cổ bằng nhựa đen đúc bằng những bao ny lông).
- Cỡi nó ra khỏi cổ ngay lập tức! - tên cán bộ miền Nam giận dữ ra lệnh.
- Còn lâu. Không ai có quyền buộc tôi phải bỏ nó. Cây thánh giá này sẽ theo tôi xuống lòng đất khi tôi chết. Tín ngưỡng là một quyền thiêng liêng, các ông lấy quyền gì mà bắt tôi từ bỏ. Bộ muốn cấm đạo hả? Cây thánh giá này tượng trưng cho tín ngưỡng của tôi, không ai có quyền buộc tôi cỡi ra?
Tức thì mấy tiếng "huỳnh huỵch" vang lên, có lẽ họ đá vào người anh Dũng. Tên cán bộ miền Nam nghiến răng hằn học:
- Đạo gì hả? - "Bình bịch", tiếng cán bộ đánh đấm vào người anh Dũng vang lên một hồi. Đ... mẹ. Nè đạo...
- Ự.. ự! - Anh Dũng rên lên. Tôi theo đạo gì kệ tôi, mắc mớ gì các người...
- Muốn chết vì đạo hả? - "Bộp bộp" mấy cái. Tao cho mày chết...
Có lẽ chúng đang đánh vào đầu vào mặt của anh Dũng. Chúng tôi chỉ nghe những tiếng "ự, ự" từ miệng anh Dũng nặng nề vang lên.
- Bớ người ta, chúng đánh người. Họ giết chúng tôi... - tiếng anh Được gào lên nửa chừng rồi tắt nghẹn.
Những tiếng "huỳnh huỵch", "bồm bộp" khác lấn át tiếng la của anh Được. Có lẽ chúng đang đánh hai anh bằng gậy hay vật gì cứng lắm vì những tiếng "thình thịch" vang lên rất khô khan. Tiếng "ự ự" từ cổ họng hai yếu dần. Anh Dũng và anh Được đang bị chúng đánh hội đồng. Chúng tôi chỉ nghe những tiếng rên rỉ đứt khoảng rồi im bặt. Bầu không khí im lặng nặng nề bao trùm khắp trại giam. Chúng tôi chỉ thấy một vài tên công an chạy ra chạy vào hớt hải từ phòng tra khảo với nhà trại trưởng.
Đêm hôm đó, trong phòng giam tập thể không ai ngủ được, chúng tôi lo âu cho số phận hai anh. Sáng hôm sau, cán bộ quản trại cho hay hai anh Dũng và Được đã "hành hung cán bộ và cắn lưỡi tự tử chết" vào lúc giữa đêm. Hành hung cái gì? Tự tử cái gì? Hai người tàn tật bị công an quản trại đánh đập tới chết rồi nói là tự tử. Bốn người được lệnh quản trại kêu ra lên văn phòng khiêng xác hai anh chôn ở một góc trại. Những trại viên khác vẫn bị kêu ra điểm danh và đi lao động như thường lệ.
Chiều tối về, anh em chúng tôi chạy xúm lại quanh bốn người hồi sáng được lệnh mang xác hai anh Dũng và Được đi chôn hỏi han. Họ thuật lại rằng xác hai anh mang đầy vết tím bầm, khóe miệng hai anh còn máu rỉ ra, con mắt còn sáng của anh Được bị xưng tím đen, mặt anh Dũng thì dính đầy máu. Máu từ các vết thương cũ ở chân và cánh tay hai anh đều khô đen, dính đầy quần áo. Ngực và lưng của anh Dũng chằng chéo những vết tím đen. Hai anh có lẽ bị chết vì những vết thương ở đầu, dưới tóc hai anh máu khô bám chặt, cạy không ra. Trước khi bó xác hai anh vào hai tấm chiếu, bốn người này phải ký vào biên bản xác nhận hai anh tự tử rồi mới được mang xác đi chôn. Các anh đào lỗ chôn dưới sự kiểm soát ngặt nghèo của hai cán bộ công an và chỉ được phép cấm một cây cọc ở đầu hai nấm mộ để ghi dấu. Không ai được quyền than khóc và cũng không được khắc tên hai anh trên cọc gỗ để ghi nhớ. Chôn cất xong, bốn anh được phép nghỉ ngơi nửa ngày, sau đó vào phụ nhà bếp.
Từ đó trở đi cuộc sống trong trại trở nên ngột ngạt, quan hệ giữa tù và cán bộ quản trại trở nên gượng gạo. Những cuộc thăm nuôi càng lúc càng bị kiểm soát gắt gao, cán bộ quản trại sợ những trại viên viết thư ra ngoài kể lể sự việc nên gia đình người thăm bị lục soát rất kỹ. Có vài người bị bắt giữ lại suốt một ngày vì lén mang thơ của trại viên ra ngoài, họ phải làm bản tự kiểm thảo trước khi được cho về hôm sau. Trại viên viết thư lén bị cúp thăm nuôi nhiều tháng và còn bị giam vào côn néc ở khu cách ly cùng với ông bác sĩ.
Những cán bộ lớn tuổi miền Bắc còn chút tử tế, chỉ ra lệnh xuông nhưng không chửi bới, những cán bộ trẻ tuổi thì ăn nói rất là vô lễ, chúng gọi tất cả mọi tù nhân bằng "thằng" và hống hách như thời phong kiến. Mỗi lời nói ra là có tiếng "đ... mẹ, đéo bà" đi theo. Tôi nghĩ nếu có vũ khí trong tay có lẽ chúng tôi đã giết chúng từ lâu. Thương gì bọn người này, chúng quên rằng đời người còn dài, trái đất này rất hẹp, có ngày chúng tôi sẽ sẽ gặp lại chúng đòi nợ, chúng không trả món nợ này ngày hôm nay thì con cháu chúng sẽ trả ngày mai. Ác nhân quả bảo, luật nhân quả luôn luôn đúng.
* * *
Ngày ra khỏi tù, tôi về lại với gia đình, trong lòng khắc sâu nỗi hận. Tôi hòa nhập vào kiếp sống phế binh, kiếp sống của những người có miệng nhưng không có tiếng nói, có mắt phải như người mù, có trí khôn giả như lú lẩn. Chúng tôi là thành phần cặn bã không có quyền sống bình thường trong xã hội này.
Hôm nay viết những dòng thô thiển này nói về kiếp sống gian truân của một phế binh Việt Nam Cộng Hòa gởi đến quí vị. Chúng tôi chỉ muốn được sống trong danh dự như mọi người khác nhưng không được. Kính mong quí vị đang sống khắp nơi trên thế giới cứu giúp chúng tôi và dang rộng vòng tay từ thiện cứu vớt những người tàn phế đang sống nhục nhằn trên đất nước đau khổ này.
Viết lại theo lời kể của Khát Vọng,
phế binh cụt chân trái, hiện cư ngụ tại Long Hải, Vũng Tàu.