Thời gian cứ tiếp tục trôi. Người ta có thể cản bất cứ vật gì nhưng không ai cản được thời gian. Nó cứ lạnh lùng đi tới, bất chấp ý muốn của con người. Chúng tôi bất lực đi theo bước tiến của thời gian và tự thích nghi với hoàn cảnh mới. Nỗi đau thể xác vơi dần và tinh thần cũng lần hồi ổn định. Mỗi ngày đều có người ra đi và có thêm người vào.
Những chiếc giường cũ được thay ra để đón người mới tới. Không bao giờ quân y viện vắng vẻ tiếng kêu than và tiếng cười của những người không còn gì để mất. Kẻ ra người vào cứ thế liên tục. "Vòng tròn vẫn là vòng tròn". Từ tâm điểm xuất phát, bánh xe vẵn lăn quay. Tiếng còi hụ của xe cấp cứu ra vào tấp nập.
Tôi liếc nhìn qua khung cửa sổ của trại, đoàn người áo blouse trắng qua lại không ngừng. Đó là những cán sự trợ y, những y sĩ đeo trên cổ áo những cành hoa mai vàng đủ các cấp, trung úy, đại úy và thiếu tá. Những vị lương y này làm việc không có giờ giấc, bất cứ lúc nào họ cũng có mặt, bước chân luôn luôn vội vã, nét mặt lúc nào cũng khẩn trương.
Những cánh tay của các vị này lúc nào cũng lem luốc máu tươi, hằng ngày họ đã mổ và giải phẫu không biết bao nhiêu bệnh nhân và đã chứng kiến bao nhiều cái chết trước mặt.
Nhân dịp này chúng tôi muốn vinh danh những vị y sĩ vô danh đã cứu sống hay làm địu đi nỗi đau của hàng ngàn chiến sĩ, mặc dù không tham gia trực tiếp chiến trường nhưng họ đã can đảm giật lại trên tay thần chết biết bao mạng người. Phải chứng kiến cách làm việc của những vị lương y này mới hiểu thế nào là sự tận tụy. Thật vui mừng khi thấy trên những khuôn mặt đầy lo âu này một nụ cười kín đáo sau những ca phẫu thuật khó khăn, nhiều người đã đứng hằng giờ, ngày cũng như đêm bên bàn mổ để cứu một mạng người. Thay vì tỏ ra hách dịch với những binh sĩ cấp thấp hơn mình, những vị y sĩ này luôn luôn chăm chú nghe lời than van của kẻ bị thương và dặn dò ân cần từng người nằm bệnh. Sự kiên nhẫn và lòng tận tụy khó ai bì kịp. Tôi cũng đã từng thấy nét mặt lo âu của người thầy thuốc khi chạy theo từng chiếc băng ca chuyên chở thân thể của người lính trẻ, tay bấu mạnh vào cạnh băng ca để trấn áp cơn đau hay tiếng rên rỉ, tiếng hét la của những người bị thương nặng. Phải thật bình tĩnh mới không bị choáng váng trước cảnh đổ ruột, đổ gan ra ngoài.
Tôi cũng nhân dịp này ghi ơn những cán sự trợ y đã không quản ngại dơ bẩn, tanh hôi, chăm sóc tận tình từng anh em chúng tôi khi được chuyển vào phòng cấp cứu hay trong những phòng hồi sinh. Nếu không yêu người và yêu nghề thì không ai có thể vào làm việc trong những điều kiện nghiệt ngã như ở đây. Những vị này đã săn sóc tận tình từng người lính chiến, đã để lại bao nỗi quyến luyến cho mỗi anh em khi phải chia tay. Các "bà mẹ" điều dưỡng đã thay thế thân nhân đút cơm đút cháo cho những người thương tật nặng, đã an ủi và vui vẻ trò chuyện với anh em trong những ngày buồn chán nhất. Sự lành lặn của chúng tôi đã một phần lớn nhờ tình thương của những người này.
Biết bao kỷ niệm vui buồn trong quân y viện. Có một lần tôi nghe những tiếng chân chạy dồn dập trong hàng lang, nhìn lại thì thấy hai cán sự trợ y tay cầm bịch máu và chai nước biển, hối hả chạy lên lầu một. Vừa đến ngưỡng cửa phòng hồi sinh thì hay tin người thương binh đã chết. Nhìn những ánh mắt của các y sĩ và y tá cùng các cán sự trợ y bước ra từ phòng hồi sinh, tôi nhận thấy họ đã bất lực trước cái chết mặc dù đã cố gắng hết sức để giành lại sự sống trên tay thần chết. Anh chiến sĩ này được đưa về cấp cứu từ chiến trường An Lộc, anh là lính Biệt Cách Dù, bị trúng đạn pháo, thân thể bị mảnh đạn cắt đứt ngang người, ruột gan lòi hẳn ra ngoài. Anh chết vì mất quá nhiều máu, và nếu có sống thì cũng bị liệt vì cột xương sống đã gãy.
Tôi được biết anh đó là một anh hùng đã ở lại với tướng Lê Văn Hưng tử thủ An Lộc. Một mình anh đã bắn cháy hai chiếc T54 bằng súng M72. Đang lúc nhắm bắn chiếc thứ ba thì anh bị pháo từ chiếc xe tăng khác của địch bắn trực xạ vào chỗ nấp. Y tá chỉ kịp bơm thuốc cầm máu và chờ trực thăng đến chở anh về hậu cứ. Mạng sống của anh như chỉ mành treo chuông, hơi thở của anh gần như đứt khoảng, sự tiếp trợ bằng phương pháp hô hấp nhân tạo trong thời gian này cũng rất khó vì tất cả xương ngực của anh đều bị dập nát, khi đến y viện thì lực đã tàn, tim anh ngưng đập. Quân Y Viện Cộng Hòa lúc này đã đầy nên anh được trực thăng chở về Quân Y Viện Dã Chiến 3.
Các bạn tôi lần lượt rời trại, riêng tôi thì phải ở thêm quân y viện một thời gian nữa để chữa trị thêm. Thật nghiệt ngã khi đang còn điều trị nghe những tin tức chiến trường càng ngày càng tồi tệ, tôi không còn đủ kiên nhẫn để nghe nữa. Những tin này chỉ gây hoang mang trong lòng những người đang nằm điều trị và ban giám đốc trại. Thế rồi điều không ngờ đã xảy đến, ngày 30-4-1975 miền Nam đầu hàng. Cái tin không thể tưởng tượng được: toàn đất nước đã lọt vào tay quân cộng sản. Sự hy sinh của những người lính như chúng tôi như vậy còn ý nghĩa nào. Tất cả chỉ còn lại con số không. Số không có thể lớn đối với nhiều người nhưng đối với những thương phế binh như chúng tôi, số không đó bao trùm cả cuộc đời. Đối phó với kẻ thù người ta còn đủ tay chân nhưng chúng tôi không có may mắn đó.
Thật ra chúng tôi đã đoán biết "sự việc" trước đó vài ngày. Chung quanh chúng tôi thật là vắng lặng, quân y việnim lìm, không còn tiếng xe cấp cứu ra vào tấp nập như trước. Những vị y sĩ cũng đã vắng mặt, chỉ còn lại những màu xanh và trắng của những bức tường và những người bán căn tin, ai nấy đều lo âu. Thế rồi cái ngày đó đã đến. Ngày đầu tháng 5-1975, một toán bộ đội tiến vào quân y viện buộc chúng tôi phải rời y viện ngay tức khắc. Bọn người này chửi bới chúng tôi là phản quốc, tay sai đế quốc, v.v... Phản quốc nào, quê hương chúng tôi bị họ xâm chiếm. Tay sai đế quốc nào khi dân tộc chúng tôi, thân thể chúng tôi bị đạn của Nga Tàu gây thương tích. Những chiếc "nón cối" này đại diện cho ai mà dám la hét:
- Cút, cút ra khỏi đây. Bọn ngụy quân chúng mày không được nằm tại đây. Đồ lính đánh thuê, lũ quân bán nước...
Chúng tôi khập khểnh ra đi, lòng ngổn ngang trăm mối. Vừa hận mất nước vừa thương cho bản thân mình, chúng tôi không biết phải đi về đâu. Về nhà cha mẹ vợ con với thân thể què cụt này còn gì nhục nhã cho bằng, nhưng không về lại nhà thì biết đi đâu. Nhiều lúc muốn tự sát cho rãnh nợ đời, nhưng chết trong giờ thứ 25 này có lợi cho ai. Chung quanh tôi có những chiến hữu trên cơ thể mang đầy vết thương còn đang rỉ máu, thế mà cũng bị lạnh lùng đuổi đi. Thật đáng thương cho những huynh đệ lúc đó.
Riêng tôi thì vết thương nơi khúc chân bị cưa cũng đã lành, gan ruột và phổi đã trở lại bình thường. Nếu không có gì trở ngại thì tôi sẽ được xuất viện về nhà hay ra trại an dưỡng nửa tháng sau đó. Mặc dù đi đùứng còn khó khăn, tôi còn tự túc chống nạng đi được. Có một anh lính trẻ, nhỏ hơn tôi vài tuổi mới nhập viện vừa hơn mười ngày, anh bị cưa mất chân phải và trên người còn băng bó nhiều vết thương. Thấy anh đi đứng khó khăn, tôi đến gần an ủi rồi đề nghị cầm giùm đồ đạc. Anh bạn trẻ nhìn tôi cảm động rồi chống nạng theo tôi cùng đoàn người ra cổng. Trên đường ra cổng tôi chào từ giã từng người quen biết, chúng tôi chia tay nhưng không ai hẹn ngày gặp lại. Có lẽ đây là lời chào vĩnh biệt. Tôi vừa suy nghĩ lung tung, vừa bước rời khỏi quân y viện.