Những năm sau ngày 30-4-1975, các khu vực quanh chợ và bến xe tại Sài Gòn đều bị giải tỏa. Nhà nước cộng sản cho xây dựng lại những khu chợ mới để bộ mặt thành phố đẹp đẽ hơn. Trước khi có chiến dịch bố ráp, bắt bớ qui mô, rầm rộ, những người cùng khổ bị xua đuổi đi nơi khác. Chúng tôi phải tìm nơi cư trú mới nhưng ở cũng không yên, nay lây lất chỗ này vài đêm mai lang thang chỗ nọ vài tuần, rồi lại dời đi nơi khác không có gì ổn định.
Cuộc sống của những người cùng khổ cũng như loài chim cộng mạng kia.
"Chuyện xưa kể rằng ở xứ Thiên Trúc xa xôi có một loài chim mang tên cộng mạng chi điùểu. Suốt đêm ngày chúng nối cánh có nhau, nhưng vì chúng có ba cái đầu nên mang ba ý muốn khác nhau. Trong khi cái đầu này đang ngủ, cái đầu nọ muốn ăn và cái đầu kia lại muốn cất cánh bay cao. Những cái đầu nhìn nhau xa lạ và còn thù ghét nhau. Chúng tự cắn mổ lẫn nhau. Nhưng rồi mùa săn đến, những người thợ săn làm ra những cái bẫy để bắt chúng. Chúng sa vào bẫy, vùng vẫy, gào thét trong tuyệt vọng, rồi nhìn lại nhau và chợt hiểu rằng mặc dù chúng có ba cái đầu nhưng chúng chỉ có một thân mình, một quả tim và một nỗi đau khi bị thương tật. Từ đó chúng nguyện rằng khi thoát được cái bẫy ác độc này, chúng sẽ không con nhìn nhau xa lạ nữa và sẽ mãi nối cánh cùng nhau bay hết cuộc đời còn lại".
Những người cùng khổ tại Việt Nam cũng vậy, họ đã theo đuổi những mục tiêu, những khát vọng, đã khoác lên vai những lý tưởng khác nhau và đã nhìn nhau như thù địch. Tập đoàn lãnh đạo cộng sản hiểu ra điều ấy, đã khôn khéo làm ra những cái bẫy để bẫy dân, và dân chúng hai miền Nam Bắc đã chỉ hiểu ra điều ấy khi đã kiệt lực và đau khổ. Cũng giống như loài chim cộng mạng chi điểu, khi cái đầu này hiểu rằng nỗi đau của cái đầu kia là nỗi đau chung, thì cái bẫy ác độc của chế độ đã giữ chặt đôi chân của chúng mất rồi, chúng ta đã không còn biết xoay sở làm sao để thoát khỏi bàn tay của nhóm thợ săn khôn khéo ấy. Chúng ta phải cầu nguyện ngày nào thoát khỏi ách cộng sản vây trùm, chúng ta sẽ thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau như người ruột thịt, vì chúng ta có chung một thân phận Việt Nam, thân phận những người cùng khổ trong một nước nghèo khó. Chúng ta đã cấu xé lẫn nhau để cho tập đoàn cộng sản rãnh tay ly tán, chia rẽ để rồi tất cả đều bị triệt hạ.
Anh Ba Mỵ đã từ miền Bắc vào Nam tìm kiếm người thân, nhưng không gặp. Anh nhìn đứa con trai nằm co quắp ngủ dưới mái che của ngôi mả cổ mà lòng buồn rười rượi. Năm 1954, chủ nghĩa cộng sản đã nhuộm đỏ miền Bắc. Vì gia đình anh ở tận làng quê xa, Lỗ Xá, huyện Kinh Môn, nên đã không chạy thoát ra được Hải Phòng để được chuyến tàu di cư cuối cùng chở những dân tị nạn cộng sản rời Vịnh Hạ Long vào Nam hưởng cuộc sống tự do. Anh đã ở lại để nghe lòng tan nát, ở lại để chứng kiến những cuộc đấu tố kinh hoàng.
Chế độ cộng sản miền Bắc đã làm áp lực buộc người làm công đấu tố chủ đất, học trò chống lại thầy dạy, bạn bè rình rập nhau như người xa lạ, người có học thức và giàu có bị coi là kẻ thù của "giai cấp". Có nhiều người vợ đầu hôm tay ấp bỗng quay ra tố cáo người chồng. Tệ hại hơn nữa, chính con cái đứng ra tố cáo cả cha mẹ. Họ làm vậy để tỏ ra trung thành với Đảng, nhưng để được cái gì ngoài số phận được làm tôi đòi. Anh Ba Mỵ ngơ ngác nhìn những người thân quen xưa hò hét khản cổ, đi theo đám biểu tình hoan hô những lãnh tụ cộng sản. Tới lượt cha anh bị kết tội là Việt gian hạng nặng vì nói được tiếng Tây, gia đình anh bị tịch thu hết ruộng đất, mà ruộng đất có rộng là bao, vỏn vẹn chỉ ba sào. Thật là buồn, người ta đã không từ bỏ một thủ đoạn nào để triệt tiêu những gia đình bị coi là địa chủ.
Chủ nghĩa cộng sản không muốn dừng lại trên miền đất Bắc, tập đoàn lãnh đạo cộng sản phát động cuộc xâm chiếm miền Nam. Đã có những năm tháng, quân đội Hoa Kỳ, đồng minh cũ của miền Nam, cho máy bay ra oanh tạc miền Bắc. Tuy không dám nói ra, trong lòng anh mơ hồ nhen nhúm nỗi vui mừng và thỏa mãn. "Máy bay ơi, bỏ bom cho khéo nhé kẻo trúng phải nhà dân. Hãy bỏ cho trúng ổ bọn chọc gậy xuống ao không biết rét". Ấy, lại gặp bọn quỷ quyệt. Chúng núp sau lưng dân, đưa dân ra chịu đựng. Chúng tìm cách kích động nhân dân căm thù "giặc lái" (phi công) để rêu rao trước dư luận quốc tế bị Mỹ ném bom. "Ma Ma, Phật Phật", làm sao dân chúng phân biệt được, ai "giải phóng" ai. Nhưng khổ nỗi, trời đất đã không chiều theo lòng người, kẻ ác lại thắng. Miền Nam chẳng những đã không cứu được miền Bắc ra khỏi cảnh đời lầm than mà lại còn bị miền Bắc choàng lên đầu màn trời đen tối. "Thôi rồi, hỏng cả rồi", anh Ba Mỵ than. Anh cùng Cả Yến, một người bạn chí cốt, rủ nhau vào Nam, trước để tìm người thân đã di cư hồi 1954, sau là tìm cách định cư luôn.
Nhưng nhà nước cộng sản không muốn người dân nghèo miền Bắc hiểu được đời sống thật sự của dân chúng miền Nam. Họ đã lập ra những chốt gác để ngăn chặn dân ở cầu Bến Hải, vĩ tuyến thứ 17. Dân không qua được cầu thì họ lội sông, nhưng như thế là phạm luật. Mặc kệ, anh Ba Mỵ và anh Cả Yến cùng với đứa bé chờ đêm xuống, tìm khúc sông vắng lội qua bên kia bờ... Việt Nam tươi sáng.
Vào đến Sài Gòn, hai anh không tìm thấy người thân. Hỏi nhiều chỗ, hai anh mới biết là người thân của hai anh đã vượt biển sang những nước tự do tị nạn cộng sản. Bơ vơ giữa dòng đời, hai anh đứng giữa chợ trời Sài Gòn, góc đường Hàm Nghi, không biết phải làm gì nhưng cả hai không còn tha thiết với quê hương miền Bắc nữa. Hai anh tự hỏi về để làm gì nữa, về để một người làm việc bằng hai, bằng ba mà ăn thì chỉ bằng một nửa. Những món đồ tùy thân cuối cùng của hai anh được đem ra bán. Hai anh tìm đường đi về xóm nghĩa địa.
Đã từ lâu, nhà cầm quyền cộng sản muốn lập lại trật tự trên đường phố vì những người sống vật vờ đầu đường xó chợ làm "xấu" chế độ xã hội chủ nghĩa nhiều quá. Từ lâu nhà nước muốn làm mạnh tay, loại trừ những thành phần lang thang ngoài đường phố, nhưng họ sợ mang tiếng với dư luận. Nay đất nước mở cửa ra với thế giới bên ngoài, những người không nhà không cửa, sống lang thang gây rối trật tự an ninh, nhà nước càng có thêm lý do chỉnh đốn lại thành phố. Vì vậy việc mua bán, sự đi lại cũng như chỗ ngủ qua đêm của anh em phế binh và người cùng khốn bị để ý, tất cả đều bị xua đuổi và bắt bớ giam cầm với những lý do không rõ rệt. Vào thời ấy chỉ còn một chỗ ở qua đêm ít ai để ý, đó là những nghĩa địa bỏ hoang, nơi bị "đời" bỏ quên. Chính vì đời bỏ quên nên những người bị đời bỏ quên cũng đã tìm về đây xum họp. Không ở yên với người sống thì tạm ở chung với người chết, thế là "cộng đồng nghĩa địa" được thành hình. Nó qui tụ tất cả những người mất nhà mất cửa không nơi cư ngụ, những người từ vùng kinh tế mới trở về, những anh em phế binh, cô nhi, quả phụ, những người sống dở chết dở và những người nghèo khó miền Bắc trốn vào Nam.
Vào trong nghĩa địa rồi, hai anh mới biết là họ không phải là những người đầu tiên. Nơi đây đã có sẵn một binh đoàn người nghèo khó từ miền Bắc vào Nam trước họ tìm cơ hội sống. Giữa những người cùng khổ, sự chia sẻ dễ dàng hơn vì tất cả đều là nạn nhân của chế độ. Họ sinh con đẻ cái tại chỗ, không có giấy khai sinh. Ai bệnh đau thì chỉ biết nằm rên hừ hự, chẳng may bị chết thì được chôn tại chỗ, bên cạnh một mộ phần nào đó, kể cũng tiện. Bà con rửa ráy, nấu cơm, ăn ngủ và tiểu tiện ngay trên các phần mộ bỏ hoang. Có điều lạ là tỷ lệ sinh sản tại đây hơi cao, bà mẹ nào cũng bồng trên tay một trẻ sơ sinh, có lẽ vì không biết làm gì giữa đêm khuya nên "thú vui" vợ chồng là chuyện gối chăn. Tại đây, anh Ba Mỵ cho "cộng đồng nghĩa địa" biết là anh và đứa con trai quyết định "định cư" tại nghĩa địa này, chờ Cả Yến về Bắc bán nhà xong mang cả gia đình vào Nam tị nạn. Anh nói:
- Dẫu sao thì đối với miền Nam này nhà nước còn có sự giữ kẽ về chính trị, chưa có thể xiết chặt hơn miền Bắc đâu. Hãy còn kẽ hở để lách vào mà sống.
Anh bày cho anh em xóm nghĩa địa những cách "làm ăn" qua mặt bọn "nó". Anh đồng ý với cộng đồng đau khổ này là "tất cả chỉ là sự lừa dối kéo dài, không nên nghe theo những gì chính sách nói, phải làm ngược lại".
- Nếu như thế thì còn gì nữa! - một người đàn bà buồn bả thở dài.
Mọi người đã ngủ cả rồi, những gì anh Ba Mỵ nói ám ảnh chị mãi. Chồng chị là anh Mạc, phế binh bộ binh Sư Đoàn 25 cụt một chân và bị lao phổi nặng, đi bán nhang chẳng may băng qua đường lúc trời mưa thịì bị trượt té, một chiếc xe hàng chạy ngang thắng không kịp, đầu anh bị cán nát, lòi cả óc ra ngoài. Anh Mạc mới chết cách đây vài tháng. Đứa con gái, 5 tuổi, nằm ngủ vô tư quá. Chị ngước mắt nhìn lên vầng trăng giữa bầu trời đen tối, ánh trăng dẫu sáng cho mấy cũng không át được mây che lấp các vì sao. Biển đêm mênh mông quá, những ánh sao nhấp nháy đưa chị về vùng kỷ niệm của những ngày tuổi thơ. Những đêm trăng rằm Trung Thu, chị và những nhỏ bạn rước đèn. Ờ nhỉ, ngày ấy, đèn lồng của mình hình ngôi sao đẹp quá. Còn ngày nay cũng là ngôi sao nhưng sao nó vàng chóe thế này, lại còn như thỏa mãn "cười" nham nhở giữa mảnh vải màu máu đỏ lòm. Những lá cờ màu đỏ giăng kín các phố phường như chiếm hết không gian của chị và đứa con nhỏ. Chị ho khậm khẹt, không hiểu sao chị quá sợ màu đỏ quá. Nó giống như màu máu hòa trong nước miếng mà chồng chị nhổ ra sau mỗi cơn ho. Một buổi chiều kia, chị Liên ghé qua khu nghĩa địa rủ chị Mạc đi mua củi. Chị Liên nói:
- Đi buôn như thế lời nhiều lắm, đi xe lửa chui không tốn tiền vé, cứ hễ gần đến ga xe lửa chạy chầm chậm lại thì mình tuôn củi xuống rồi nhảy theo. Công an bảo vệ ga không sao bắt được vì nhiều người cùng làm vậy, nhất là các trẻ em nhanh nhẹn hơn. Dạo này chợ trời Hàm Nghi bị bố ráp dữ quá, nhà nước đang có chiến dịch làm đẹp thành phố, chính tôi đã nhìn thấy một bà già tóc bạc bị "bọn nó" túm lấy bao quần áo quẳng lên xe chở về trụ sở. Bà già hoảng hốt, quẩn cả trí, vội quỳ xuống chắp tay lạy "bọn nó", nhưng "bọn nó" lại hung hăng nhìn bà già bảo là "mỉa mai hả". Bắt giữ, tịch thu đồ đạc có lợi hơn là nhận những lời van xin của mấy bà già, vì hàng hóa sau đó được đem về trụ sở để chúng lục tìm những món gì thích đem về làm của riêng hoặc kêu "tà lọt" mang ra chợ bán lại chia nhau tiền. Bọn chúng cứ lạnh lùng truy bắt tiếp những người mua bán, lấn chiếm long lề đường, mình không còn đường nào khác là phải đi buôn.
Uống xong ngụm nước lạnh, chị Liên nói tiếp:
- Nhưng buôn than theo đường xe đò không còn an toàn nữa. Chị Loan và chị Mai vừa bị bắt ở trạm kiểm soát Sông Bé, hai chị tiếc số hàng nên ở lại năn nỉ. Đêm đến, hai chị nằm ngủ, đám dân quân chỉ đáng tuổi em các chị đã mò vào hạnh họe nọ kia, rồi tên "xếp" mặt non choẹt gọi chị Mai bằng "em" và đề nghị "biết điều" thì nó sẽ tha. Hai chị vừa sợ vừa bối rối vì số hàng ở trong tay chúng nên... "chiều" nó. Thỏa mãn xong, nó vừa lui ra thì gần một chục thằng khác nhào vô thay phiên "làm thịt" hai chị. Chúng ra vào quần quật, đùa giỡn thể xác hai chị suốt đêm. Đến tờ mờ sáng, bọn chúng làm bộ tịch thu "lấy lệ" một nửa số hàng rồi cho hai chị đi về không quên gởi kèm theo những lời trêu ghẹo tục tỉu.
Chị Liên cười cười kể tiếp:
- Về đến Sài Gòn, chị Mai hồng hộc thở ra: "Tụi nó... tồi quá!". Chị Loan an ủi: "Kệ nó, cái gì kia còn mất nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ", rồi hai chị ra sông Bạch Đằng tắm rửa mình mẫy. Chị Loan nói với bạn: "Tụi nó làm dữ quá, coi nè "của" tui sưng phồng lên đỏ hỏn, rát quá!".
Kể xong, chị Liên kết luận:
- Phải làm mau đi thôi, từ từ rồi "chúng nó" sẽ kiểm soát tới đường xe lửa, lúc ấy có muốn đi buôn cũng không được nữa đâu.
Rồi chị nói nhỏ:
- Ở ga xe lửa Sài Gòn đó, cứ mỗi chiều tối có mấy thằng cha mua hai ổ bánh mì kẹp thịt và hai bọc trà đá ở nách, kẹp tấm nệm đan bằng cói. Họ nháy nhó, rủ rê mấy người đàn bà không còn làm ăn gì được nữa ngủ qua đêm với họ.
Nhưng chị dặn thêm:
- Muốn làm gì thì làm nhưng đừng có ra chỗ đó nghen. Tụi mình phải nương tựa lẫn nhau mà sống. Đi buôn thì cần có bạn, đi bán cần có bè, nhưng nếu không có ai đi chung thì tôi sẽ đi một mình với thằng con trai. Tôi không để cho nó chui xuống cống kiếm cá nữa đâu, hồi hộp lắm!
Thế là chị Mạc quyết định theo chị Liên và chị Nguyệt lên Long Khánh buôn củi lậu. Mỗi chuyến đi kéo dài ba ngày khiến chị đuối sức, đứa con gái nhỏ 5 tuổi không phụ giúp được gì lại còn vướng bận những lúc nhảy tàu làm chị Nguyệt bực mình. May nhờ đứa con trai của chị Liên phụ giúp nên cũng đỡ được phần nào. Có lần chị Nguyệt bàn với chị Liên đi mua bán riêng, chị sằn sàng bỏ vốn cho chị Liên đi chung:
- Liên à, con Mạc hình như nó bị ho lao, vợ chồng thì dễ lây lang. Mày có thấy đôi vai của nó bị co rút lên không?
- Dạ thấy. Tội nghiệp, nó cũng ráng lắm mà.
- Mày lo cho mày đi. Thời buổi này nhân đạo là tự sát đó. Với lại mày thấy đó, tao đâu có vốn gì nhiều, nếu chậm chạp lỡ bị bảo vệ bắt một cái là hết vốn luôn.
Chị Liên ngẫm nghĩ: bà Nguyệt này thật ra đâu có tử tế gì, chẳng qua là bả nhờ có thằng Đức (con trai chị Liên) lanh lẹ nên mới chịu bỏ vốn ra đấy chứ, như vậy bà ấy lời thêm một "công". Hình như đoán hiểu suy nghĩ của chị Liên nên bà Nguyệt tỏ vẻ "thương" thằng bé. Bà thường rủ thằng nhỏ: "Đi ăn bún, con!". Đi thêm vài chuyến nữa thì chị Liên và bà Nguyệt buộc chị Mạc phải đi riêng. Chị Liên vỗ về bạn:
- Có gì thì chị cũng biết cách rồi đó, nếu không vốn nhi)ều thì buôn ít một chút cũng tạm đủ cho hai mẹ con sinh sống. Ráng lên!
Thấy mặt chị Mạc lộ vẻ lo lắng, chị Liên trấn an:
- Bà Nguyệt không chịu đi chung, thì chị cứ mua bán riêng cùng với tôi. Nếu như có chận bắt đột xuất cần phải tuôn củi và nhảy tàu thì thằng Đức con tôi dắt con Hoa giùm nhảy cho, đừng có lo.
Hai người quả phụ hẹn nhau là như thế, nhưng khi có cuộc chận bắt xảy ra thì ở trên các toa xe hỗn loạn lắm. Chị Mạc vừa quăng được hai bó củi xuống đám cỏ thì những bạn hàng khác cũng nhốn nháo cả lên, họ xô đẩy và chen lấn, tranh nhau tuôn củi xuống. Đứa con gái chị bị những bó củi quăng trúng chân khóc ré lên. Chị Mạc lúng túng, vừa sợ mất củi vừa sợ mất con, chị quay lại nhìn những bó củi, rồi quay lại nhìn con. Sao thế nhỉ, cái gì trong lòng chị thế này, ánh mắt con chị như sao trời nhấp nháy, tuổi thơ của chị đây mà. Chị chết điếng trong lòng rồi đưa tay ôm đứa con, nước mắt chị chảy ra, không biết là vì tiếc củi hay vì thương con, có lẽ cả hai. Bà Nguyệt và chị Liên đã nhảy xuống đường rày, nhìn chị Mạc la lên ơi ới:
- Ném củi xuống mau, bảo vệ tới kìa!
Đứa con trai chị Liên muốn đu người lên đoàn tàu để phụ chị Mạc ném củi xuống nhưng không kịp nữa, đoàn tàu từ từ đi vào sân ga, đám bảo vệ ùa ra, những con buôn ôm vội mớ hàng hóa bỏ chạy. Chị Mạc ôm con vào lòng nhìn người ta ôm những bó củi của chị chạy đi. Thế là mất hết. Chị bước xuống thềm sân ga, trước mặt là bóng tối.
Những ngày sau đó, người đàn bà gầy gộc ra đi. Đôi mắt chị Mạc thụt sâu vào hóc mắt, chị không biết làm gì nữa. Chút vốn liếng dành dụm được để đi buôn bay theo mây khói. Những cái quần, cái áo bán dần đi để cầm cự giữa chợ đời không còn nữa.
Chị Liên và đứa con trai đi theo chị Nguyệt vài chuyến nữa rồi rủ nhau đi Phan Thiết mua cá biển về bán ở Sài Gòn. Mùa cá đến rồi, nếu trời thương thì... cuộc đời đỡ khổ. Nhưng có một dạo bảo vệ xe lửa truy đuổi gắt gao, nhiều bạn hàng bị tịch thu hết cả hàng hóa. Chị Liên và chị Nguyệt nhờ có thằng Đức nhanh nhẹn nên thoát được nhiều chuyến hàng. Một hôm, trời mưa tầm tả, bảo vệ chia nhau ngăn chặn các toa xe. Để cứu lấy món hàng, thằng Đức và lũ nhỏ leo chuyền ra ngoài cửa sổ những toa xe. Một đứa tuột tay bị cuốn vào những bánh xe lửa, thân thể bị nghiền nát trên đường ray. Xe lửa về đến ga Thủ Đức rồi mà chị Liên vẫn chưa thấy đứa con trai đâu. Chị hỏi thăm lũ nhỏ, có đứa thấy thằng Đức leo lên mui xe lửa trốn thoát được bảo vệ. Nhưng đến ngày hôm sau chị Liên mới biết rằng khi xe lửa qua cầu Biên Hòa, con chị đã bị thanh sắt đánh vỡ đầu rớt xuống đường ray, thân xác bây giờ không biết được chôn cất nơi đâu. Chị Liên thơ thẩn, chị Nguyệt mất cả vốn không còn dám đi buôn nữa. Chị Mạc rời khu nghĩa địa ra ngồi ở bùng binh Chợ Sài Gòn đưa mắt nhìn qua bên kia đường.
Bên kia đường là sân ga. Trời đã tối, cửa hàng ăn uống quốc doanh đã đóng cửa, những sinh hoạt về đêm bắt đầu. Đủ mọi hạng người tụ tập về đây để ngủ qua đêm. Những người tài xế nằm dài trên tấm nệm cói trải trên nền xi măng để cho những người đàn bà tới đấm bóp, giác hơi xoa nắn, thư giãn gân cốt. Tại một góc của nhà ga là chỗ để khách lỡ đường ngủ đêm chờ tàu. Ở đó, có một số phụ nữ vì hoàn cảnh sống khổ sở đến ngồi chờ khách. Họ không biết làm gì vì không có đồng vốn nào cả, nhờ có chút nhan sắc nên khi đêm về họ lấy "thân" làm vốn. Nhưng vào thời buổi khó khăn, những người đàn ông cũng không rộng rãi cho lắm, họ trở nên thô bạo và không còn sòng phẳng như trước. Cái giá để trả cho một cuộc tình qua đêm là một khúc bánh mì, khoảng hơn gang tay, kẹp những lát thịt xắt mỏng (giá 500 đồng, bằng 1/4 dĩa cơm), một bọc ny lông trà đá và một tấm nệm cói để hai người đắp chung. Chỉ người phụ nữ nào may mắn lắm mới được trả bằng tiền mặt, nhưng cũng không là bao.
Vào mỗi buổi chiều, những người đàn ông ngồi trên băng ghế đá ở công viên, bùng binh, bến xe buýt để lựa chọn bạn... tình qua đêm. Bên cạnh họ để sẵn hai ổ bánh mì, hai bọc trà đá và tấm nệm cói để cho các "bạn tình" biết mà tìm đến. Khi đến với nhau, tuy không nùói ra nhưng họ ngầm hiểu là chỉ có họ với nhau mà thôi, nhưng vào khoảng nửa đêm có khi có thêm dăm ba người đàn ông khác xà vào "ăn ké", dĩ nhiên là miễn phí. Người đàn bà khốn khổ kia chỉ biết im lặng chịu đựng vì có kêu cứu cũng không ai đến can thiệp.
Có những đêm anh em phế binh chúng tôi nằm ngủ ở một góc nhà ga chờ sáng theo tàu lửa đi bán nhang xa, nhìn những tấm nệm phập phồng dưới ánh đèn vàng vọt, tiếng thở hồng hộc và tiếng cựa quậy lục đục của người đàn ông kèm theo tiếng rên rỉ của người đàn bà, rồi tiếng chửi mắng tục tằn của người đàn ông không thỏa mãn, chúng tôi hiểu rằng trong bước đường cùng những người sống không lý tưởng vùi dập lẫn nhau như những con vật.
Nhưng cũng có những người đàn bà đem bán "thân xác" mà không có người mua. Đó là những người đánh lỡ mất tuổi thanh xuân, những bà quả phụ cô đơn. Cuộc sống khắc nghiệt ở hè phố làm mất đi chất tươi trẻ trên nét mặt, nụ cười, họ già đi mau chóng, thân hình khô héo quắt queo như trái táo tàu. Dù có xoa lên mặt chút hương phấn nhưng họ cũng không còn hấp dẫn ai. Chị Nguyệt cũng vậy, hết vốn đi buôn chị ra ngồi ở bùng binh cùng với chị Loan. Có những người đàn ông mua bán ở chợ trời, tuổi chỉ đáng con chị, biết chị cần có miếng ăn để sống cũng gọi chị bằng "em". Chị không lấy đó làm giận mà còn "mừng". Mừng là vì chị vẫn còn "giá trị". Đã hai đêm rồi, mặc dầu chị đã xin của chị Loan một chút phấn để xoa lên mặt và cũng đã đi lại mời mọc một số người đàn ông nhưng không ai chịu chia sẻ với chị ổ bánh mì kia.
Tối nay trời mưa lạnh lẽo, hình như có bão hay sao ấy. Chị Mạc cảm giác như có kim châm ở trong bao tử, sự co thắt của các cơ thịt làm chị run rẩy, xương có vẻ như dòn ra, cử động kêu lụp cà lụp cụp. Cơn đau bao tử làm chị khó chịu, nước lạnh uống vào cứ sôi óc ách. Tay chân chị xê dịch khó khăn. Chị buồn ngủ và ảo giác càng đến với chị nhiều hơn, chị cố xua đuổi mà không được. Chị biết mình sắp mê đi nhưng bản năng sinh tồn thúc chị bước sang bên kia. Bên kia đường là vùng đất cấm, ai sa chân vào rồi thì khó bước ra.
Cũng ở bên kia đường, xéo góc với nhà ga xe lửa là cửa hàng ăn uống quốc doanh, con gái chị đang chờ chực khách ăn xong, nó chạy vào ăn húp những gì còn sót lại. Chị Mạc mơ màng nghĩ đến những tô hủ tiếu. "Không biết thực khách bên ấy có ăn thêm bánh mì không nhỉ?", chị tự hỏi. Nếu có ăn thêm bánh mì thì nước lèo sẽ chẳng còn lại bao nhiêu, con chị lấy gì mà húp. Phần lớn khách vào cửa hàng ăn uống quốc doanh là giới bình dân, lao động, họ thường chấm bánh mì vào nước hủ tiếu để cho thêm no.
Nghĩ tới bánh mì, cơn đói thúc hối chị Mạc nhìn vào sân ga. Ở đây có những người đàn ông cặp nách hai ổ bánh mì, tay cầm hai bọc ny lông trà đá và tay kia cầm tấm nệm cói. Tấm nệm cói khiến chị Mạc liên tưởng đến trời đêm, những cơn mưa dai dẵng và mùi vị của khúc bánh mì kẹp những lát thịt ba rọi mới thơm ngon làm sao. Chị không còn quan tâm đến đứa con gái ở bên kia cửa hàng ăn uống nữa, chị nghĩ về mình. Cảm giác xấu hổ chỉ thoáng qua, chị nhớ lại câu nói của chị Loan: "Kệ nó, cái gì kia còn mất, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ". Người ta như thế nào kia mà còn nghĩ đến quyền lợi riêng, phản bội cả quê hương, mình chỉ là một phụ nữ nghèo hèn còn gì nữa đâu để mà gìn giữ. Chị Mạc muốn được sống như những phụ nữ kia, được cho ăn và được cho tình.
Chị Hạnh cũng vậy, chị đã im lặng. Chị không làm được như chị Loan, mặc dù chị thừa nhận chị Loan nói đúng. "Những người đàn ông thua trận cả rồi", chồng chị là một cựu lính Dù chết trong trại cải tạo. Chị Hạnh không còn vốn liếng để đi buôn than nữa nhưng vẫn không sao bước nổi "sang bên kia đường". Chị vẫn thường hồi tưởng đến anh, những lần về phép trên chiếc jeep, bộ quần áo kaki rằn ri, những đôi giày bốt đờ sô bóng loáng. Cuộc sống của anh thật quá hào hùng. Không, chị không thể bước "sang bên kia đường". Những kỷ niệm xưa giữ chân chị lại bên này đường. Chị Hạnh nói với chị Mạc bên kia đường là những mùi mồ hôi, mùi rượu đế và những lời bỡn cợt sổ sàng của những người quá tầm thường so với chồng chị. Nói xong chị Hạnh buồn bã nhìn xuống lề đường, rồi quay người bước đi.
"Những kỷ niệm đó là của chị Hạnh, còn mình có còn gì nữa để mà hồi tưởng?", chị Mạc tự biện hộ thầm. Ngoài những mất mát chất chồng, những thiếu thốn thường nhật, những tai họa chờ chực, chị cố nhớ về những buổi chiều anh Mạc đi bán nhang về mang một chút gạo mốc, những khúc mì vụn, những gốc rau muống, một chút bột ngọt, tất cả làm chung thành một món ăn ngon lành. Nhờ vậy mà chị cầm cự cùng với chồng con. Nhưng lúc ấy còn anh kia, còn những lời hứa hẹn tuy tuyệt vọng nhưng đầm ấm ngọt ngào: "Ngày nào đó có chút vốn, mình sẽ về quê". Còn bây giờ thì "còn gì nữa đâu", mắt chị mờ đi, tai mơ hồ nghe thoang thoảng tiếng xe cộ.
- Má! - tiếng gọi của con gái làm chị Mạc thức giấc. Hóa ra là chị vừa chợp mắt thiếp đi trên băng ghế đá. Đứa con gái nhìn chị, miệng nó nhai nhóp nhép nửa củ khoai luộc. Chị Liên gặp nó ở cửa hàng ăn uống và dắt nó qua với chị. Chị Liên đưa cho chị nửa củ khoai, nói:
- Hồi này mưa quá nên khoai củ ở mấy vựa bị sùng thối, hư hao nhiều lắm. Mình chịu khó đi vòng vòng ở Chợ Cầu Ông Lãnh là kiếm cả rổ.
Chị Liên nhìn bạn nhai nuốt cả vỏ khoai, nói tiếp:
- Mấy chủ vựa sợ những củ khoai sùng lây qua những số khoai còn lại nên đổ bỏ rất nhiều. Mình chịu khó lượm về lựa lại rồi gọt bỏ những chỗ hư đem về luộc, sáng mang ra chợ bán cũng có được cái ăn qua ngày.
Chị Liên nhìn sang bên kia đường phê bình:
- Tội gì mà đem thân xác ra để cho chúng dày vò.
Chị Mạc im lặng, mãi miết ăn ngấu nghiến những củ khoai luộc. Đứa bé gái vô tư ngồi gõ cái lon sữa bò theo điệu nhạc mới: "Đêm qua em mơ gặp bác Hồ, râu bác dài tóc bác bạc phơ...".