Cũng nên nhắc lại là trước tháng 4-1975, nơi qui tụ đông đảo nhất gia đình các anh em thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa là "Làng thương phế binh Thủ Đức". Gọi là làng vì lối tổ chức nơi này không khác gì một làng xã bình thường, chỉ khác một điều là dân làng chỉ toàn thương phế binh. Cũng có trường học, chợ búa, nhà thờ, chùa chiền như mọi nơi khác. Làng này chỉ khác với các ghetto thời Đức Quốc Xã là mọi người đều sống tự do, ai muốn đi đâu cũng được và muốn làm gì thì làm. Hai điều kiện này hiện nay không còn hiện thực nữa vì "Làng thương phế binh Thủ Đức" đã bị chính quyền cộng sản xóa bỏ ngay khi vừa tiến chiếm Sài Gòn. Những kỷ vật của một thời chinh chiến đã qua đều bị đập phá như bức tượng Thương Tiếc, kể cả mộ phần những người đã vì tổ quốc hy sinh.
Mức sống người dân trong "Làng thương phế binh Thủ Đức" trước kia sung túc là nhờ tiền trợ cấp của chính phủ, mỗi anh em thương phế binh đều có sổ cấp dưỡng và cứ đến kỳ lãnh tiền thì lên Sài Gòn vào ngân khố lãnh tiền. Nhiều người gọi đây là tiền lương vì được trả đều mỗi tháng hay mỗi tam cá nguyệt. Tùy theo quyết định của hội đồng giám định y khoa, số tiền lãnh được thường cao hơn mức tiền đã lãnh khi còn ở trong quân ngũ, do đó đời sống vật chất của các anh em thương phế binh trong "Làng thương phế binh Thủ Đức" không có gì đáng để phàn nàn.
Vào giữa tháng 5-1975, chính quyền cộng sản ra lệnh giải tán "Làng thương phế binh Thủ Đức" và đưa bộ đội vào chiếm đóng. Các gia đình thương phế binh một số di tản về quê, số còn lại đi vùng kinh tế mới. Gọi là vùng kinh tế mới nhưng chẳng có gì là kinh tế, nơi đây đúng là địa ngục trần gian, không có nhà cửa, điện nước, nhà thương hay trường học, chỉ toàn là rừng với cỏ. Những tấm thân què cụt không thể chặt cây phá rừng, vợ con của họ cũng không thành thạo công việc làm rẫy. Miếng ăn trở nên quí hiếm, con người trở thành ích kỷ. Nhiều người đã chết vì bệnh sốt rét rừng, vì dẫm phải mìn bom còn sót lại hay vì suy dinh dưỡng. Không sống được nơi chốn rừng sâu, từng đoàn người đã kéo nhau trở về thành phố.
Vì bản năng sinh tồn, tất cả phải tìm một nghề gì đó sinh sống. Những người may mắn, thân thể còn nguyên vẹn thì làm những nghề khuân vác hay đạp xích lô còn những anh em thương phế binh? Người nào may mắn tìm được gia đình tại thành phố thì được nuôi ăn, những anh em còn lại phải lê lết xin ăn, thật là nhục nhã. Nếu có đầy đủ chân tay bình thường, cho dù có nghèo khổ đến đâu ai cũng muốn xoay sở để có miếng ăn qua ngày, nhưng với tấm thân què cụt không còn giải pháp nào khác ngoài đi xin. Nhiều anh em còn cố làm ra vẻ thảm thương để người ta thương hại cho tiền.
Nhưng anh Thương, phế binh cụt hai chân, không muốn làm vậy. Anh có niềm tự hào của anh. Ngày trước anh là con một gia đình tương đối khá, khi còn ở "Làng phế binh Thủ Đức" gia đình anh không muốn xuống thăm anh, lâu rồi không còn ai trong gia đình anh biết anh đang ở đó. Chính gia đình anh đã quên anh. Những ngày đầu tháng 4-1975, anh về Sài Gòn thăm nhà trách móc không ai còn nhớ đến anh, cha mẹ anh giả lã nói đường sá bây giờ nguy hiểm thấy anh về là vui mừng rồi, cuộc sống bây giờ quá khó nên ít có thì giờ. Khi bị đuổi ra khỏi làng anh về lại Sài Gòn tìm gia đình thì mới biết nhà anh đã bị ủy ban quân quản chiếm đóng, nói là nhà vô chủ. Gia đình anh đã đi di tản từ hồi nào, bỏ lại anh ở đây. Lần này anh về lại Sài Gòn nhưng từ vùng kinh tế mới và sống kiếp ăn xin. Anh Thương rất ngượng ngùng khi lần đầu chìa tay xin tiền một phụ nữ ngoài chợ Vườn Chuối. Anh sửa lại áo quần rồi cúi đầu nói lí rí trong miệng, tay chìa nón ra xin, cũng may người phụ nữ tốt bụng đã cho anh một ít tiền. Lâu dần thành quen, anh ít ngại ngùng hơn nhưng vẫn không dám cónhững hành vi "khó coi" như những anh bạn đồng cảnh ngộ.
Những lúc ngồi một mình ăn một gói xôi trong công viên buổi trưa, anh Thương xót xa nhớ về những ngày tháng cũ, lúc còn cắp sách đến trường... rồi khi vào trong quân ngũ. Anh tình nguyện ghi tên binh chủng Nhảy Dù, một binh chủng đã từng một thời oanh liệt. Cũng chính vì quá oanh liệt nên binh chủng Dù làm tăng mật độ trong các nghĩa trang và cung cấp nhiều thương binh nhất, anh Thương chẳng may có tên trong số người đó. Có lúc chán đời, anh tự an ủi bằng cách tựa lưng vào một góc tường, châm một điếu thuốc thơm lim dim nhớ nếp sống hùng của thời trai trẻ và đôi khi... mơ thấy một tương lai đầy sáng lạng. Giấc mộng nào cũng sớm tàn, khi tỉnh lại anh Thương thấy mắt mình cay cay. Thì ra anh đã khóc, khóc cho thân phận và khóc cho hoàn cảnh của những bạn phế binh. Hôm nay anh chỉ trơ trọi một mình, một khách độc hành trên con đường không có đích tới. Từ nay mỗi ngày anh phải lê lết tấm thân tàn tạ trên khắp nẻo đường mà có một thời anh đã hiên ngang, hùng dũng đi qua...
Anh Qườn thì khá hơn. Vì chỉ cụt một chân, anh sắm một ít đồ nghề, ra vỉa hè sửa và vá ruột xe đạp. Tuy là một nghề bất đắc dĩ nhưng ít ra anh không phải sống kiếp ăn xin như phần lớn nh¨ững bạn bè khác. Anh Quờn có cái may là tìm được một người thân, anh còn ông chú ở Khánh Hội, nên khi vừa từ kinh tế mới trở về anh tìm đến nhà và được chú anh nhận lại. Vì cha anh mất lúc anh còn ở trong quân ngũ, chú anh Quờn thương anh nhiệt tình. Chính ông chú này chỉ cho anh nghề sửa và vá ruột xe đạp. Những đứa em con người chú đôi khi còn ra ngoài đường phụ giúp anh, đứa cháu gái thì ra ngồi bán thuốc lá lẻ bên cạnh chỗ anh sửa xe đạp cho vui.
Những khi vắng khách, anh Quờn trải chiếu ra nằm nghỉ và nhớ lại chuyện ngày xưa lúc còn đi học. Anh muốn trở thành giáo sư hay kỹ sư nên đã cố gắng học tập nhưng lệnh tổng động viên năm 1972, mặc dù học khá nhưng vì đi học trễ anh đã quá tuổi để học tiếp lớp mười hai, anh vào quân đội học khóa hạ sĩ quan bộ binh Thủ Đức. Khi ra trường anh được đưa về Sư Đoàn 23 Bộ Binh đóng ở An Khê. Trong một trận đánh anh bị trúng đạn bễ đầu gối phải cưa chân phải và được giải ngũ sau đó. Giờ đây với khúc chân cụt này anh ngồi bơm bánh xe đạp. Anh loay hoay với công việc hoàn toàn xa lạ và khó khăn. Khi thì ngồi xuống, khi thì đứng lên, khi phải vặn hết sức mình một con ốc, nhiều lúc mệt lã anh ngồi lết luôn dưới đất. Công việc này một người bình thường chỉ mất từ năm đến mười phút là xong, nhưng với anh phải mất gấp đôi thì giờ. Vừa làm để kiếm cơm vừa học thêm nghề, đây cũng là một cố gắng phi thường.
Rồi nghề dạy nghề, anh Quờn quen dần với công việc và có một cuộc sống tương đối khá. Nhiều người thương mến anh đề cập đến chuyện vợ con, anh chỉ ngao ngán lắc đầu. Nhớ lại chuyện tình năm xưa, anh có quen một người con gái tên là Hạnh Thảo. Hai đứa yêu nhau, thề non hẹn biển, gia đình hai bên đã gặp mặt nhau bàn bạc chuyện cưới xin, có thể gọi Hạnh Thảo là vợ chưa cưới cũng được. Nhưng ngày anh bị thương cũng là ngày hai đưa chia tay. Hạnh Thảo chỉ đến thăm anh một lần tại quân y viện rồi ra đi vĩnh biệt. Lần gặp đó, Hạnh Thảo đã khóc rất nhiều và anh Quờn cũng nước mắt không thua. Anh nằm ở quân y viện một mình, buồn cho thân phận. Từ đó lòng trở nên chai đá, anh càng thấm thía khi nghe bản nhạc "Kỷ vật cho em": Đây kỷ vật, viên đạn đồng đen, em sang sông mang làm kỷ niệm..., bên người yêu tật nguyền chai đá..., cố quên đi một lần dang dối...
Nghe đâu Hạnh Thảo đã lấy chồng, một công chức nhỏ ở nha thuế vụ, bây giờ đã bốn mặt con. Sau 30-4-1975, chồng Hạnh Thảo không bị đi học tập và ra buôn bán chợ trời, nghe nói khá lắm trong khi anh Qườn vẫn ngồi đây hẫm hiu một mình. Nhiều lúc nghĩ về "hậu tự", anh ngậm ngùi chua xót cho đời trai. "Thân mình lo còn chưa xong, nghĩ gì đến gia đình". Năm này qua năm nọ, tuổi đời chồng chất, anh Qườn chỉ biết nhìn người đời vui vẻ đi qua nỗi đau của mình. Anh không dám nghĩ ngợi xa xôi mặc dù cũng có nhiều cô gái có ý trêu chọc anh. Có cô giả bộ xì bánh xe rồi tới nhờ anh bơm hộ, có cô đến nhờ anh giữ hộ xe đạp đễ đi chợ rồi mua bánh trái và thuốc lá mang đến tặng anh. Anh Quờn tuy có thích thú nhưng không dám tiến xa hơn, chẳng hạn như rủ đi coi hát hay ăn chè, v.v... Anh biết thân phận mình, cho dù các cô gái đó có chịu đi chơi với anh nhưng gia đình các cô chắn chắn sẽ không tán đồng. Cuộc đời đã dạy anh một bài học cay đắng, không nên mơ tưởng những chuyện quá tầm tay. Các cháu của anh lớn dần theo thời gian, đến tuổi cập kê rồi lập gia đình, không còn đứa nào ra ngồi với anh cho ngày tháng bớt dài. Thời gian càng tiến tới, thân xác anh cứ lụn dần, lụn đến mức không thể trở về lứa tuổi thanh xuân. Tuổi 20 của anh đã bị bức tử trong quân y viện, năm nay đã ngoài 40, bệnh lao đang hành hạ, bệnh sốt rét rừng ăn cơm tháng trong thân hình tiều tụy, anh Quờn buông xuôi tất cả chờ ngày đi vào lòng đất.
Cảm động nhất là những anh bị mù lòa, suốt ngày ngo ngoe chiếc gậy đi trong tăm tối. Anh Thông không chịu đầu hàng số mệnh, suốt ngày anh dọ dẫm từ đầu đường này đến phố chợ khác để bán từng tờ vé số, tối về thì ngủ nhờ vỉa hè nhà người ta. Thật sự thì đời anh lúc nào cũng tối. Đời anh Thông là cả một thảm kịch, người vợ thân thương nhất cũng đã qua đời khi hai vợ chồng vừa rời vùng kinh tế mới trở về lại Sài Gòn. Không biết chị đã ăn và uống thứ gì ngoài chợ, anh chỉ nghe vợ mình rên siết, tiêu chảy suốt hai ngày đêm rồi chết. Người ta nói chị chết vì bệnh kiết lị, anh Thông buồn bã nghe tiếng xe của sở vệ sinh đến chở xác chị đi, thế là hết. Cũng may hai vợ chồng anh không có con, nhưng đó cũng là niềm bất hạnh. Kể từ nay anh Thông trở thành "tứ cố vô thân", không người thân thích và chẳng ai đỡ đần. Lắm lúc anh muốn đi ăn xin qua ngày nhưng vì lòng tự trọng và cái "chất lính" hào hùng vẫn còn mãnh liệt nên anh đã không làm thế. Anh Thông gom góp vốn liếng còn lại kinh doanh, anh mua vé số ở các ty tài chánh rồi đi bán dạo. Anh bán sự may mắn cho người ta trong khi chính anh rất cần may mắn. Từ đó anh không quản nắng ngại mưa, sớm tối tự mình chiến đấu với "mặt trận cơm áo". Sáng gói xôi, trưa cơm chợ, chiều về tìm quên trong chút mùi men.
Tôi tình cờ gặp lại anh Thông đang bán vé số dạo trên đường Nguyễn Tri Phương. Hai anh em tay bắt mặt mừng, tôi mời anh vào một quán cóc. Hai chúng tôi mỗi người ăn vài trứng vịt lộn, húp một tô cháo lòng và "độp" một xị đế. Thật là vui sướng. Ăn uống xong xuôi, tôi hỏi anh:
- Anh có nghĩ gì về tương lai anh không?
- Có chứ anh. Chỉ có buồn thôi anh ạ, lắm lúc tôi đã khóc cho thân phận không may của mình. Năm nay cũng năm mươi mấy rồi, không vợ không con, không nhà không cửa. Tối ngày cứ đi lang thang kiếm sống, nếu chẳng may bị bệnh đau thì ráng mà chịu, tứ cố vô thân mà. Do đó còn sức "cày" được ngày nào thì hay ngày đó, cày không nổi thì chịu chết chứ biết sao bây giờ.
Tương lai là nỗi ám ảnh kinh khiếp đối với các anh em thương phế binh trên vỉa hè. Ai cũng muốn được ăn no, mặc ấm nhưng không phải ai cũng có may mắn đó. Đối với những người sống thường trực trên các lề đường, hàng ngày đối diện với cái đói cái lạnh, cuộc sống là một cuộc chiến đấu không ngừng. Ai cũng muống sống trong danh dự, kể cả những người đang ăn xin ngoài đường, nhưng vì thân thể tật nguyền không cạnh tranh với những người khỏe mạnh hơn, họ đành bỏ rơi danh dự. Đói quá thì phải ăn xin. Ăn xin thì bữa no bữa đói, tất cả bị suy dinh dưỡng rồi sinh ra bệnh tật. Mang bệnh mắc tật lại không tiền mua thuốc, mạng sống của những người sống trên vỉa hè thành phố như chỉ mành treo chuông, chỉ một cơn gió nhỏ là tiêu tan cuộc đời. Không ai trông mong tìm được ánh sáng trong một đường hầm không có lối ra. Đối với họ, tương lai đồng nghĩa với bóng đêm và ngỏ cụt.