Đọc xong bản thảo tiểu thuyết Nửa đời nhìn lại và gửi nó trả lại cho anh, ý nghĩ đầu tiên của tôi là muốn có một bản trong tay giữ làm tư liệu, vì trước hết nó là một tập bút ký, ghi lại những người thực, việc thực đã xảy ra ở đây (mặc dù anh có sửa các tên gọi và hư cấu một vài tình tiết). Lẽ thứ hai vì trong điều kiện hiện nay chắc chưa có nhà xuất bản nào dám xuất bản cho anh, chẳng những họ sợ về những quan điểm, về những vấn đề đặt ra, mà còn vì sẽ có rất nhiều người nhận ra chân dung của mình trong đó, sẽ gây va chạm không ít. Nhưng hiện thực ấy rõ ràng là cần phải được ghi lại.
Mặt khác, đây thực sự là một tiểu thuyết luận đề (roman à thèse) khi nó đề cập một cách khá tập trung và hệ thống đến vấn đề tha hóa con người. Tha hóa là nỗi lo âu, dằn vặt của con người ở mọi thời đại, nhưng sự tha hóa ở đây đặc biệt ở chỗ nó diễn ra ở một xã hội theo chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa nhân danh chống tha hóa, nhân danh sự giải phóng và tôn vinh con người. Sự ngược đời này tự nó đã mang đầy kịch tính. Biểu tượng đặc trưng của sự tha hóa này là tính dối trá và phản bội.
Toàn cảnh của sự phản bội ấy như một tòa nhà năm tầng khổng lồ :
- Tầng dưới cùng là sự phản bội sơ đẳng, trắng trợn, không thể ngụy trang, như tên Tư Trung đã làm tới tỉnh ủy viên phụ trách tổ chức nhưng không chịu được gian khổ nên đầu hàng địch giữa lúc cuộc chiến đấu đang kỳ ác liệt nhất..
- Tầng thứ hai là sự phản bội khi đảng bắt đầu cầm quyền và sinh lợi. Chỉ ba năm sau ngày cầm quyền mà Hoàng Lê, từ một đảng viên gang thép, chiến thắng mọi tù ngục đòn tra, đi đầu trong chiến đấu, đã thành một giám đốc công ty thương nghiệp nổi tiếng vì những chuyện bê bối, hàm răng gẫy hết vì đòn tù nay đã trám đầy răng vàng, mỗi cô gái muốn được vào làm việc trong công ty phải nộp hai khâu vàng và một đêm để giám đốc "kiểm tra tay nghề".
Đây cũng là sự phản bội dễ thấy, tuy có được ngụy trang nhưng đang bị dư luận vạch trần với tội danh "tham nhũng, thoái hóa biến chất", nếu bị đưa ra trước pháp luật thì khó lòng biện minh. Thuộc về loại này cũng là những cán bộ công an, thuế vụ mượn cớ "quản lý" để chặn đường, cướp của dân.
- Tầng thứ ba là tầng bắt đầu của những phản bội ngày càng tinh vi, "tế nhị", có thể phê phán nhưng khó lòng mà bắt tội. Đó là Quân, cán bộ đoàn, muốn phấn đấu vào đảng nên đã phụ bạc người yêu để lấy cô gái xấu xí con ông phó chủ tịch ủy ban nhân dân huyện. Đó là bí thư huyện ủy Hoàng, lúc nào cũng tỏ ra đàng hoàng, đúng mực, nhưng chỉ là sự giữ gìn khôn khéo, lẩn tránh trách nhiệm, đẩy lỗi sang người khác để leo cao hơn. Đó là những cán bộ "từ Bắc vào", "từ rừng ra", sẵn sàng quay lưng lại, áp chế lực lượng "trong thành" để tranh chấp địa vị lãnh đạo. Những ngón võ tranh giành quyền lực rất khôn ngoan, mơ hồ, nhân danh lợi ích cách mạng, quật ngã đồng đội của mình mà mặt vẫn sạch, tay vẫn sạch.
- Tầng thứ tư là tầng của sự phản bội được ngụy trang đến tận răng. Do chiếm được vị trí chính thống nên sự phản bội này lại nhân danh chống phản bội. Người bảo thủ lại chỉ huy đổi mới, nhân danh vô sản để làm tư bản, nhân danh dân tộc để mưu lợi tư nhân, nhân danh pháp trị để làm điều phi pháp, nhân danh tự do dân chủ để bóp nghẹt dân chủ tự do... Cuộc cách mạng bị đánh tráo và những người tiên tiến nhất trong đảng lại bị đảng coi là thoái hóa. Có sự tráo đổi vị trí như vậy nên nếu không có một nhận thức thấu đáo thì không thể biết đâu là giả, đâu là thật. Nhiều người lúc đầu hồ hởi đi theo cái thật. nhưng rồi thấy cái giả quá mạnh mà lại giống cái thật hơn cả cái thật nên cứ giữ nguyên bộ mặt đạo đức để bán mình cho cái giả. Họ vừa phản bội vừa tự bão chữa một cách ngọng nghịu. Sự ngụy trá này càng hoàn thiện bao nhiêu thì sự phản bội càng êm ái, ngọt ngào, cay độc bấy nhiêu.
Toàn bộ nửa sau của cuốn tiểu thuyết là sự thật cay đắng đó. Những "người hai mặt" ở nhiều mức độ như kiểu phó bí thư tỉnh ủy Vọng, bí thư huyện đoàn Nghi, phó giám đốc sở văn hóa thông tin Phan Mai Kha... những người tự nhận là văn nghệ sĩ như Hoàng Ly Chân, Yên Trung, Nguyên Lâm, Chinh Ba... là sản phẩm đặc hiệu phổ biến nhất của một xã hội "xã hội chủ nghĩa đổi mới" kiểu Việt nam.
- Tầng thứ năm là tầng "lộn ngược" của tầng thứ tư. Đó là mặc cảm phản bội của những người đang dũng cảm và thành tâm chống phản bội.
Những kẻ bảo thủ hoặc cơ hội có địa vị đã dùng địa vị chính thống của mình để quy kết những người chân chính dũng cảm là phản bội, đó là điều đau đớn đã đành. Nhưng đau đớn hơn là chính những người chân chính dũng cảm ấy lại cảm thấy mình là kẻ phản bội thực sự. Hoài, nhân vật chính, cũng như nhà thơ Minh Hương và bao cán bộ, đảng viên chân chính khác không thể không nghĩ lại bao năm hy sinh phấn đấu của mình, bên cạnh tác dụng tích cực là đánh đuổi ngoại bang, đã góp phần củng cố một bộ máy quan liêu, đã tô vẽ cho một ảo tưởng, nhân danh khát vọng ảo tưởng ấy của con người mà chà đạp lên chính con người, chà đạp lên bao điều thiêng liêng, để hôm nay muốn tẩy rửa cái sản phẩm tiêu cực của lịch sử ấy đi thì nó đã bám rễ quá rộng, quá chặt. Nghĩ mình công ít, tội nhiều, mình dã phản bội những người thân yêu nhất của mình, phản bội chính khát vọng của mình.
Tầng thứ năm này là tầng sám hối, và chính vì thế toà nhà phản bội năm tầng ngột ngạt cuối cùng vẫn có hướng mở ra. Đọc truyện của anh, tôi nhớ đến một truyện hài hước truyền miệng trong dân gian. Một tổ chức chống cộng quốc tế muốn tìm một người chống cõng giỏi nhất đề tặng giải. Vòng xét cuối cùng còn lại hai nhân vật, đều làm đến chức bí thư huyện ủy, đều có uy tín lớn vì đều thực hiện các nghị quyết một cách kiên quyết và thắng lợi, nhưng một người là nhân viên tình báo CIA, còn người kia là đảng viên cộng sản nòi. Xét mọi tiêu chuẩn hai người đều bằng điểm nhau, nhưng đến tiêu chuẩn cuối cùng xem ai có triển vọng phá hoại sâu hơn và xa hơn nữa, thì ông bí thư cộng sản thực thụ đã thắng điểm tuyệt đối?
Đứng ngoài quỹ đạo dối trá và phản bội, trong truyện của anh, có lẽ chỉ có ba bố con ông lão kiếm củi, còng lưng leo dốc "định mệnh" không hé nữa lời, hoặc là đại sĩ Mây Đầu Non lên án hết thảy rồi đưa vợ con lên núi. Đối với những con người ấy, Hoài thương yêu nhưng không thể lấy thái độ cực đoan (theo chiều này hay chiều kia) của họ làm lối thoát cho mình, mặc dù anh là người cũng rất cực đoan, rất mực lý trí, rát mực tình cảm, sôi sục lý tưởng và sôi sục tự do. Đấy cũng là một giá trị tích cực của tác phẩm.
Những đoạn "liên kết" giữa lý tưởng và tình yêu, giữa lý trí và tình cảm (như cảnh vĩnh biệt của mối tình giữa Nga và Quân, nỗi hợp tan giữa Vy và Hoài) chẳng những không khô cứng, gượng gạo, mà trái lại rất tự nhiên và xúc động bởi nó được toát ra trực tiếp từ tâm hồn người viết.
Mở đầu bằng những dấu hỏi, kết thúc lại bằng những dấu hỏi khác. Viết về sự tha hóa, sự dối trá và phản bội mà suy tư nhiều hơn là lên án, trăn trở tìm tôi giải pháp hơn là than vãn, dấu hỏi(?) lớn hơn dấu than(!), đó cũng là nét thận trọng và tích cực của tác phẩm.
Mới đọc một lần, nên cũng chỉ trao đổi với anh mấy cảm nhận bè ngoài vậy thôi. Giá trị nghệ thuật của nó tới đâu, nay chưa phải lúc ta ngồi nhấm nháp. Có chút ích lợi gì cho cuộc sống cũng đáng để ta lao động nghiêm túc và miệt mài rồi, phải không anh Bảo Cự?
Đã Lạt, tháng 12-1992
Hà Sĩ Phu
____________________________________________