Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Tiếng Đàn

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 458 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tiếng Đàn
Tiêu Dao Bảo Cự

Ông thường ngồi trước cây đàn organ mới mua, say sưa dạo những khúc nhạc theo ngẫu hứng. Ông không phải là người sành chơi nhạc nhưng cây đàn rất hiện đại này giúp ông đàn khá dễ dàng vì tất cả phần nhạc đệm đều tự động. Ông chỉ cần bấm nhẹ vào bàn phím một cách tùy hứng là những giai điệu vang lên trên nền nhạc đệm nghe cũng khá truyền cảm. Còn đàn theo các bản nhạc ông đã biết hoặc ưa thích cũng không khó lắm. Cứ thế, trong đêm khuya, tiếng đàn của ông gởi vào không gian mù mịt bên ngoài những tâm sự quặn lòng, đôi khi cuồng phẫn.
Có lẽ thời gian gần đây, chỉ có những lúc như thế này, ông mới thực sự sống cho mình. Ông đang ngồi dạo đàn trong một căn phòng nhỏ ở góc vườn trên cao. Vườn nhà ông nằm lưng chừng sườn đồi dốc ngược của một phố núi. Phía sát mặt đường là căn nhà chính cũ kỹ do bố mẹ để lại. Còn căn phòng nhỏ tách biệt này do chính ông vừa dựng lên.
Việc dựng căn phòng và mua đàn là một điều kỳ lạ gần như điên rồ của ông. Bao nhiêu năm qua ông thất nghiệp, gia đình sống khó khăn, bản thân ông hầu như không lúc nào có một xu dính túi. Thế nhưng khi một người bà con ngày trước khá thân đi nước ngoài gởi về biếu ông một số tiền, ông lập tức đi mua gỗ thuê người dựng phòng và mua cây đàn organ loại hiện đại nhất, mặc cho vợ con phản đối và bạn bè can gián. Ông không thể chịu đựng nổi việc sống chung với vợ con ở căn nhà xưa cũ bên dưới, trong đó ông bị khinh khi và coi như một người thừa. Ông quyết tâm làm theo ý mình, ít ra một lần này, vào lúc tuổi đời đã xế bóng.
Ông vốn là một giáo sư triết học nhưng sau ngày thống nhất, thứ triết học tư sản của ông bị vứt vào sọt rác vì đó chẳng qua chỉ là những thứ cặn bã phản động. Chế độ mới không cần những thứ đó. Thế là ông mất dạy. Và thứ giáo sư triết học như ông chẳng làm được trò trống gì để nuôi thân và nuôi vợ con trong hoàn cảnh này, nhất là bản tính ông vốn cũng hơi gàn, khó thích nghi được với thời thế.
Có dạo phong trào học ngoại ngữ bắt đầu rộ lên, ông cũng đề bảng dạy kèm. Có vài người đến học nhưng thấy họ ngu quá, ông phát khùng quát mắng om sòm, thế là mất học trò. Hơn nữa, học trò thích đi học các trung tâm ngoại ngữ hơn, ở đó có đông đảo bạn bè vui vẻ, còn được thi lấy bằng cấp chính thức thuận lợi khi đi tìm việc làm. Ông lại không xin vào dạy ở những nơi đó được vì không quen biết và ông cũng không có bằng cấp chính thức về ngoại ngữ dù ông khá giỏi.
Một lần ông xin đi làm tiếp viên ở một nhà hàng, nơi cần người biết ngoại ngữ để tiếp khách nước ngoài. Thời gian này người giỏi ngoại ngữ còn hiếm nên người ta tạm mướn ông chứ sau này người ta chỉ tuyển nữ nhân viên không những giỏi ngoại ngữ mà còn có ngoại hình đẹp, hấp dẫn chứ ai thèm mướn ông già hom hem như ông. Để lấy lòng khách, theo ý chủ, ngoài việc làm thủ tục, ông còn phải ra đóng mở cửa xe cho khách sang. Thỉnh thoảng có người hào phóng dúi cho ông ít tiền lẻ. Ông cầm những đồng tiền “boa” này mà muốn rơi nước mắt, cảm thấy vô cùng nhục nhã.
Chao ôi, một giáo sư triết học như ông, đã đọc thiên kinh vạn quyển của triết học đông và tây phương, đã bao năm đứng trên bục giảng để truyền đạt những tư tưởng ưu tú nhất của nhân loại, bây giờ phải gập mình nhận mấy đồng tiền “boa” của những kẻ hãnh tiến dốt nát, lại còn phải mở miệng cám ơn một cách lịch sự nhất. Cái thời thế này quả đã làm đảo lộn tất cả nhưng ông không có cách nào chống lại. Cá nhân bé nhỏ của ông đã bị lịch sử đè bẹp một cách thảm hại. Ông cắn răng chịu đựng, cố làm việc để kiếm miếng cơm nhưng rồi ông vẫn bị sa thải khi nhà hàng tìm được các cô gái xinh đẹp có thể thay thế chỗ làm của ông.
Ông đi tìm việc khắp nơi nhưng không có việc nào dành cho những người như ông. Không đâu cần đến thứ kiến thức uyên bác nhưng vô bổ của ông và ông lại không có khả năng nào khác. Ngay cả cái chân bảo vệ hèn kém cho các công ty, nhà hàng mà ông sẵn sàng làm, người ta cũng không mướn. Đôi mắt hấp hem sau cặp kính lão, những chiếc răng vàng kệch lung lay trong miệng và bộ dạng hom hem của ông đã làm người ta từ chối ngay khi ông vừa mới mở lời. Thế là ông đành lẩn quẩn ở nhà, đào cây nọ, trồng cây kia trong vườn hay làm chuồng nuôi mấy con gà. Vườn ông hẹp, lại dốc, nên trồng mấy cây ăn quả chẳng thu hoạch được gì. Vốn ông không có nên nuôi mấy con gà chỉ tổ thêm hôi hám chứ không được tích sự gì. Muốn có lãi phải nuôi mấy trăm con gà công nghiệp trở lên nhưng việc đó đòi hỏi vốn bỏ ra không ít.
Vậy là ông cứ loanh quanh lẩn quẩn, chẳng biết làm gì và cũng chẳng làm gì cho ra hồn. Nhà ông đông người nhưng chỉ có vợ và con gái đầu đi làm, thu nhập chẳng là bao nên gia đình thường xuyên túng thiếu. Và người đàn ông, người chủ gia đình như ông, trở thành một cái gì quá cấn cái nặng nề trong không khí gia đình.
Đã thế ông lại còn nghiện thuốc lá nặng không sao bỏ được. Trước ông hút thuốc ngoại, loại có đầu lọc, nay xuống thuốc lá đen nội chỉ mấy đồng một gói nhưng ông cũng không có tiền mua. Thỉnh thoảng ông phải muối mặt ngửa tay xin tiền vợ hay con gái khi quá thèm thuốc. Đôi lúc, lợi dụng khi có khách đến chơi, ông công nhiên bảo vợ đi mua thuốc lá về mời khách. Những lúc đó, vợ ông tức giận lườm nguýt ông nhưng cũng đành bấm bụng nghe theo vì không lẽ phản đối hay chửi mắng ông trước mặt khách. Sự thiếu thốn cùng quẫn và thiếu nghị lực đã làm ông nhiều lúc trở nên trơ lỳ, không còn nhân cách. Chính điều này làm cho vợ con ngày càng coi thường, thậm chí khinh ghét ông.
Ông không chỉ có nhu cầu ăn uống, hút thuốc, ông còn cả nhu cầu giải quyết sinh lý. Ở tuổi ông và đặc điểm riêng của mình, nhu cầu này vẫn còn mạnh. Khổ nỗi, giữa ông và vợ bao nhiêu năm qua sống không hòa hợp nên chuyện gần gũi nhau cũng khó khăn. Ông lại không có điều kiện đi giải quyết ở bên ngoài. Thỉnh thoảng ông cũng có gần gũi vợ, trong những hoàn cảnh gần như phải cưỡng bách. Cuộc sống vợ chồng như thế đã làm ông xiết bao khổ sở.
Như tối hôm nay, tự nhiên ông cảm thấy bị đòi hỏi thúc bách. Ông đã mò xuống phòng vợ. Vợ ông ở trong phòng riêng, đang chuẩn bị đi ngủ. Các con ở phòng bên cạnh, hình như mới ngủ, có vẻ im ắng. Vợ thấy ông vào, hiểu ngay ý ông. Bà lộ vẻ giận dữ, nguýt mắt và phẩy tay xua ông đi ra. Ông lần khân đến bên giường tắt đèn. Bà chống cự làm gây nên tiếng động như hai người đang vật lộn. Một lúc sau, hình như sợ làm các con thức giấc, bà tự động cởi tuột hết quần áo nói rít qua kẽ răng: “Làm lẹ cho xong đi rồi cút”. Sau đó, bà dạng chân nằm tênh hênh bất động, để mặc cho ông muốn làm gì thì làm. Và ông đã cứ làm việc cần làm trong bóng tối dù cảm thấy sự khinh bỉ của vợ trùm phủ lên cả người ông, cả đời ông, còn nặng nề tối tăm hơn bóng đêm bao quanh. Ông vừa tự nguyền rủa mình vừa làm động tác bản năng như một con vật. Cuối cùng, ông đã len lén rút lui khỏi phòng vợ như một tên trộm.
Bây giờ đây, trong đêm vắng, một mình nơi căn phòng nhỏ trên cao, sau tất cả những chuyện đó, ông ngồi trước cây đàn và điên dại đập mười ngón tay vào bàn phím. Tiếng đàn nhói buốt, sắc cạnh, hỗn loạn, xoáy vào màn đêm như một cơn gió lốc bốc lên đầy sỏi đá và rác rưởi. Tiếng đàn lâu nay nâng niu che chở tâm hồn ông bây giờ chuyển thành một cơn tàn phá kinh hoàng. Ông cảm thấy mình đang rách toang ra, quằn quại vật vã trong một cơn đau đớn không sao chịu nổi. Ông chợt đứng lên hất tung cây đàn vào góc phòng rồi ngã xuống ngất đi trên nền nhà giá lạnh.
Từ sau đêm hôm đó, ông không còn đụng đến cây đàn nữa. Ông cũng ít khi ở nhà mà cứ lang thang ngoài đường phố. Ông không cần biết mình đi đâu, hết đường này đến đường khác, dòm chỗ nọ ngó chỗ kia một cách lơ đãng. Thường ông đi một mình nhưng cũng có lúc đi với một người bạn thân hay dẫn theo đứa con trai út hoặc đi chung cả ba. Những lúc ba người đi chung, nhiều người hàng phố quen biết thường nhìn theo xì xầm sau lưng họ nhưng ông không để ý.
Đứa con trai út của ông giống hệt người bạn thân của ông từ nét mặt cho đến hình dáng, cử chỉ. Không hiểu ông có biết hay không nhưng hầu như mọi người quen đều biết rằng đứa con là con ngoại tình của vợ và bạn ông. Người ta biết chắc vì vợ của bạn ông vốn vô sinh và người bạn này thường tỏ ý khao khát có một đứa con. Người bạn thường lui tới nhà ông những lúc ông vắng nhà và đứa bé giống hệt ông ta như từ một khuôn đúc. Thế mà ông vẫn chơi với bạn như không có chuyện gì xảy ra và yêu thương đứa con thật lòng. Ông vẫn thường dắt nó đi chơi những lúc nó rảnh rỗi, mua kẹo cho nó ăn và bồng bế hôn hít nó một cách thân thiết.
Không ai hiểu ông nghĩ gì. Nhưng đối với ông, ông không còn khả năng và cũng không muốn căm hận nữa. Cuộc sống đã nhận chìm ông xuống đáy sâu của những gì hèn hạ tồi tệ nhất. Ông không thể phản kháng và cũng không muốn, không đủ can đảm để tự hủy. Ông còn muốn sống và chỉ sống được khi còn cái gì đó để yêu thương dù là một tình yêu buốt đau hơn nỗi chết. Ông lờ mờ cảm thấy tình yêu đó nẩy sinh từ sự bao dung, một thứ thuốc thần ông tìm được ngay chính trong tâm hồn mình, có thể chữa ông khỏi cơn đau khổ lụy của trần gian nghiệt ngã và bội bạc.
8/12/1998
 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 884

Return to top