Một buổi sáng chủ nhật, ông Hoàng, bí thư tỉnh ủy, đến thăm Minh Hương và Hoài tại cơ quan. Gần một năm nay, từ khi có quyết định thành lập ban vận động thành lập hội nhà văn, ông Hoàng chưa bao giờ gặp riêng Minh Hương và Hoài cả. Họ chỉ gặp nhau trong những buổi làm việc chung với ban thường vụ tỉnh ủy hay trong các cuộc họp mở rộng. Việc ông đến thăm hai người tại nhà là điều khá bất ngờ. Cũng có thể ông không có chủ ý trước Sáng hôm đó, một buổi sáng hiếm hoi không có khách khứa, ông quyết định di dạo một vòng để tập thể dục và ngắm phong cảnh. Ông luôn có khách bất cứ lúc nào khi về nhà, ngoài giờ hành chính. Người đến bàn công tác mà trong các cuộc họp chưa dứt điểm được, người đến tranh thủ ý kiến về một chủ trương nào dó cho ngành, cơ quan mình, kẻ đến xin xỏ một ân huệ... Bí thư tỉnh ủy là trung tâm, là linh hồn của một tỉnh, nên bất cứ việc gì người ta cũng tìm đến ông. Nhiều khi ông bực dọc và quá bận rộn, không lúc nào nghỉ ngơi được. Khách đến khi ông đang ăn cơm, đêm khuya trước khi đi ngủ, có khi mới mờ sáng chưa thức giấc. Bao nhiêu kẻ chầu chực để được gặp riêng ông. Vì thế tuy mệt nhọc, bực bội nhưng ông lại cảm thấy kiêu hành vì ý thức được vai trò quan trọng của mình. Dần dần trong ông hình thành ý thức độc tôn, gia trưởng, không muốn ai nói trái ý mình cả.
Trong buổi đi dạo, tình cờ ông đi qua con đường này và sực nhớ ở đây có cơ quan hội nhà văn, thế là ông rẽ vào.
Minh Hương và Hoài đang ngồi uống cà-phê trên ban-công. Hai người cũng cảm động khi thấy ông đến thăm và đi bộ một mình chứ không xe cộ, tiền hô hậu ủng. Khi hai người thấy ông vào xuống lầu đón, việc đầu tiên ông yêu cầu đưa ông đi xem toàn bộ nhà cửa, phòng ốc, kể cả toa-lét rồi mới ra ban-công ngồi nói chuyện. Một thái độ chứng tỏ mình sâu sát mà có lẽ từ lâu chính ông và nhiều cán bộ đã lãng quên, không làm theo tác phong và lời dạy của bác Hồ nữa.
Sau khi nhấm nháp tách cà-phê, ông hỏi han tỉ mỉ hoàn cảnh gia đình của Minh Hương và Hoài. Lại cùng một thái độ chứng tỏ quan tâm sâu sát nữa. Lần này Hoài thấy ông có vẻ gần gũi mình một chút vì giữa ông và Hoài, hai người đã từng làm việc và biết rõ nhau khi còn ở huyện, nhưng từ khi lên đây, Hoài thấy ông có vẻ xa cách. Tuy nhiên trong xưng hô, Hoài không còn xưng anh- em với ông nữa. Lối xưng hô anh-em, chú-cháu thân mật đã không còn ý nghĩa tốt đẹp ban đầu mà trở thành một kiểu xun xoe nịnh bợ của cấp dưới đối với cấp trên. Do đó, từ khi lên đây, trong tiếp xúc với các loại cán bộ, ở bất cứ lứa tuổi nào, Hoài cũng chỉ xưng hô anh-tôi hay đồng chí. Hôm nay, ngược lại, ông Hoàng lại tỏ ra thân mật với Hoài. tự xưng anh và gọi Hoài là chú khi nói chuyện riêng với anh.
Nói chuyện gia đình xong, ông Hoàng chợt thở dài:
- Làm nhà văn như các ông thế mà sướng, ít ai quấy rày và ít có trách nhiệm. Còn tôi không lúc nào nghỉ ngơi được. Rảnh rồi một buổi đi dạo như hôm nay hiếm hoi lắm. Mà tôi đã ra khỏi nhà từ sớm chứ nếu không, thế nào cũng phải tiếp khách.
Minh Hương tỏ vẻ thông cảm:
- Đúng là các anh bận rộn thật, nhưng đó là do quan điểm lãnh đạo và phương pháp làm việc. Cho đến bao giờ còn quan điểm "đảng lãnh đạo toàn diện, trực tiếp và tuyệt đối" và tác phong làm việc "du kích" thì các anh vẫn còn mệt. Mà tôi nói thật, làm như thế chưa chắc đã có hiệu quả như mong muốn, có khi trái lại là khác. Tại sao đảng không bới xen vào những việc quản lý cụ thể của chính quyền và tin tưởng, phát huy vai trò của các tổ chức tham mưu? Còn đối với nhà văn tụi tôi, anh đừng nghĩ là chúng tôi rảnh rỗi và ít trách nhiệm. Nhìn bên ngoài chúng tôi có vẻ nhàn nhã nhưng thực ra đầu óc chúng tôi lúc nào cũng làm việc. Khi một mình ngồi trước trang giấy, có người đã bảo là nhà văn, đối diện với "pháp trường trắng", một công việc nặng nề, gần như khổ sai, nhất là đối với việc viết văn xuôi. Đó là công việc hoàn toàn của riêng một người, không ai thay thế được. Vì thế cũng có lúc nhà văn sai lầm nhưng đừng trách họ. Nhà văn có quyền sai lầm. Vì trong chính trị, bao nhiêu chủ trương to lớn, liên quan đến sinh mệnh hàng triệu người, do một tập thể lãnh đạo quyết định mà vẫn còn sai lầm thì cấm nhà văn sai lầm sao được? Dĩ nhiên đây không phải là cố ý mà tôi muốn nói đến những thử nghiệm, dò dẫm, sáng tạo của nhà văn. Còn trách nhiệm của nhà văn, ngày xưa người ta cùng gã so sánh tác hại về sự sai lầm của thầy thuốc, của người làm chính trị và người làm văn hóa, trong đó sai lầm của người làm văn hóa có tác hại lâu dài nhất.
Hoài biết Minh Hương đang tìm cách tranh thủ, tác động đến bí thư tỉnh ủy, vì những người lãnh đạo chính trị, nhất là ở các địa phương, rất ít hiểu về bản chất công việc của văn nghệ sĩ, nên khi nào có dịp, qua các cuộc hội họp, làm việc, Minh Hương và Hoài đều lợi dụng để tranh thủ họ. Hoài tiếp lời:
- Nói đến trách nhiệm nhà văn, tôi lại nhớ đến cái "hoạ văn tự" Tôi mới đọc cuốn sách về Tô Đông Pha, đại thi hào đời Tống của Trung Quốc. Tô Đông Pha rất đa tài, thi văn thư họa đều giỏi, rất thương dân mà cuộc đời cùng rất thăng trầm. Lúc ông làm thái thú, lúc là đại thần ở triều đình, lúc nằm trong khám, khi đi cày ruộng, có lúc bị đầy trên đào Hải Nam, một nơi mọi rợ, và mấy lần suýt rơi đầu vì cái họa văn tự. Ông làm bài thơ vịnh hai cây bách có chữ "trập long", nghĩa là con rồng nấp, bọn gian thần dèm pha cho rằng rồng tượng trưng cho nhà vua đang ở ngôi phải bay lên trời, sao lại viết rồng nấp dưới đất, phải chăng là mưu lật đổ ngai vàng? Bài thơ tả hoa mẩu đơn, ông khen hóa công cùng một loài hoa mà tạo ra biết bao nhiêu thứ màu sắc khác nhau, chúng lại bảo ông muốn ám chỉ triều đình đã đặt ra bao nhiêu thứ thuế mới.
Nếu đọc văn chương mà cứ ghim gút, chẻ sợi tóc làm tư, đem kính lúp ra soi từng dòng, từng chữ và quy chụp chính trị thì rất khó cho nhà văn. Điều quan trọng là cái tâm, tấm lòng của nhà văn. Phải thấu rõ họ viết dể làm gì. Ngay khi phơi trần cái ác, đó không phải chỉ là tố cáo mà chính là bao hàm ý hướng tìm về cái thiện, trong đã phá đã có xây dựng. Như vừa rồi, tạp chí La Ban mới ra mắt...
Ông Hoàng khoát khoát tay, cắt ngang lời Hoài:
- à cái tạp chí La Ban đó tôi cũng đã nghe một số dư luận. Tôi chưa đọc hết nên chưa có ý kiến chính thức. Khi nào đọc xong và tham khảo ý kiến rộng rãi tôi sẽ phát biểu quan điểm của mình. Mà này, nhân chuyện tạp chí La ban, tôi muốn hai ông chú ý đừng để người ta phê phán hai ông rồi từ đó, đánh giá thấp cả tỉnh ủy. Chính tỉnh ủy đã mời và điều động hai ông về phụ trách hội nhà văn kia mà. Phải xây dựng chứ đừng gây khó khăn thêm. Tình hình đang khó lắm. Tôi là người đã chiến đấu ở đây gần ba mươi năm nên tôi có trách nhiệm không để ai gây rối thêm tình hình. Các ông chưa hiểu xứ này bằng tôi đâu. Hơn nữa, các ông là đảng viên, phải thấy hết trách nhiệm và cùng đảng xây dựng địa phương này. Đừng để người ta nghĩ rằng các ông có ý phá hoại. Vừa là trách nhiệm, vừa là chỗ thân tình, tôi xin nói không với các ông như thế.
Minh Hương và Hoài đều thấy nóng mặt về ý kiến này của bí thư tỉnh ủy. Ông ta đe dọa chăng hay có ý muốn cảnh giác hai người trong cuộc gặp riêng tư này? Dù sao việc ông tới đây một mình chứng tỏ ông không hay chưa muốn đẩy hai người vào thế đối lập
Minh Hương cố gắng nói nhẹ nhàng:
- Nếu ai đó cho rằng chúng tôi có ý phá hoại thì thật kỳ lạ. Các anh có quá trình tham gia cách mạng, chúng tôi cũng có phần đóng góp của mình. Tôi không muốn tự nhắc đến quá khứ nhưng quá khứ là một bảo đảm cho tương lai. Tuy nhiên cũng có lúc quá khứ lại không bảo đảm được cho tương lai. Biết bao kẻ đã phấn đấu, hy sinh cho cách mạng nhưng bây giờ trở thành kẻ ngăn cản, thậm chí phá hoại cách mạng mà đôi khi không tự biết, dù bản chất họ vẫn là những người tốt, chưa kể đến bọn cơ hội. Sự ngu dốt và bảo thủ làm cho họ không hiểu lịch sử đang đi tới và một thời đại mới đang sang trang, không thể áp dụng mãi những quan điểm, phương pháp lỗi thời. Xin lỗi anh, anh đã chân thành với chúng tôi nên tôi cùng xin thẳng thắn như thế. Hiện nay đảng chủ trương, kêu gọi phải đổi mới và mọi người, mọi ngành cũng phải thực sự đổi mới mình. Anh em nhà văn chúng tôi không chống đảng, chống chủ nghĩa xã hội mà chỉ là thực hiện nghị quyết đổi mới của đảng theo nhận thức và cách thế của mình. Chúng tôi xem thế là cách xây dựng đảng, bảo vệ nghị quyết tốt nhất. Thế ông cho tỉnh ủy chúng tôi không đổi mới à?
Giọng ông Hoàng trở nên gay gắt.
- Các anh đừng tự kiêu là trí thức, văn nghệ sĩ rồi xem thường cả lãnh đạo. Chúng tôi đã lãnh đạo hai cuộc kháng chiến thắng lợi nên chúng tôi không ngu dốt đâu, dù chúng tôi có thể ít học hơn các ông...
- Nhưng thưa anh- Minh Hương gần như nóng nảy cắt lời ông Hoàng- tôi không bao giờ phủ nhận quá khứ và công lao của các anh trong hai cuộc kháng chiến. Nhưng hiện nay, xây dựng hoà hình trong một điều kiện hoàn toàn mới và khác hẳn, đòi hỏi những kiến thức và năng lực khác hơn. Chính đảng cũng đã thừa nhận và khẳng định như thế.
Hoài cảm thấy không khí căng thẳng của buổi nói chuyện không có lợi và chưa cần thiết, anh xen vào:
- Xin lỗi các anh, lẽ nào chúng ta không hiểu nghị quyết và lại tranh luận về nghị quyết của đảng. Có thể là mỗi người đứng ở góc độ của mình để phát biểu theo một khía cạnh. Mấy khi anh Hoàng đến đây với nhà văn chúng tôi, xin anh cho biết sắp tới, với cương vị bí thư tỉnh ủy, anh sẽ giúp đỡ gì cho hội nhà văn hoạt động, điều đó có lẽ thiết thực đối với chúng tôi và anh em nhà văn đang chờ đợi đấy.
Ông Hoàng có vẻ hơi nguôi ngoai vì ý kiến của Hoài. Thực ra ông cũng không muốn cuộc nói chuyện hôm nay căng không không cần thiết. Một ánh sáng bí ẩn như lóe lên trong đôi mắt sâu nghiêm nghị của ông. Ông đổi giọng:
- Tỉnh ủy đã quyết định thành lập ban vận động thành lập hội nhà văn. Tỉnh ủy đã cho trụ sở, biên chế, sắp tới sẽ cho các ông một cái xe nữa. Còn lại các ông phải lo chứ. Tạp chí bán ra thu lại vốn và nhà văn phải sống bằng tiền nhuận bút, phải không ông Hoài?
Hoài cười nhẹ:
- Anh nói đùa hay nói thực đấy? Anh cùng biết là trên cả nước không có tạp chí, tờ báo nào không được bù lỗ, kể cả những tờ báo xuất bản đã lâu năm, trong khi La Ban vừa mới ta đời, phải tặng biếu quảng cáo và đang tìm người đọc. Giá giấy, công in hiện nay lại đắt ghê gớm. La Ban số 1 chúng tôi tốn khoảng ba trăm ngàn, dự kiến số 2 sẽ lên tới năm trăm và số 3 chắc phải tới một triệu đồng. Còn với chế độ nhuận bút bây giờ thì nhà văn không đủ uống cà-phê, nói chi đến sống bằng nhuận bút. Nếu tỉnh ủy nói là quan tâm mà không cho kinh phí hoạt động, không tài trợ cho tờ báo, ít ra là thời gian đầu thì thực ra sự quan tâm đó chưa được bao nhiêu cả.
Ông Hoàng gò gò ngón tay xuống bàn:
- Các ông làm tốt, tỉnh ủy sẽ hỗ trợ còn nếu làm không tốt thì khó đấy. Riêng bản thân tôi cũng thế, tôi chịu trách nhiệm về các ông trước tỉnh ủy, nếu các ông không ủng hộ tôi thì làm sao tôi ủng hộ các ông được?
Ông Hoàng nói xong ngả người ra ghế châm điếu thuốc hút. Minh Hương và Hoài đều kêu thầm và hình như cùng một ý nghĩ: "à, thì ra đây là điều kiện của ông ta".
Minh Hương trầm ngâm một lúc rồi nói chậm rãi:
- Xin anh cứ tin rằng chúng tôi rất phấn khởi và tin tưởng đối với các nghị quyết của đảng và chúng tôi sẽ ra sức làm cho các nghị quyết đó thành hiện thực, trên lãnh vực của mình. Chúng tôi không thiếu trách nhiệm đâu, kể cả trách nhiệm nhà văn và trách nhiệm công dân. Dù sao, tôi cho rằng như ý kiến anh Hoài, sự hỗ trợ về kinh phí trong thời gian đầu chính là sự quan tâm thực sự của tỉnh ủy đối với anh em nhà văn nói riêng và lãnh vực văn hóa văn nghệ nói chung.
Trước khi ra về, bí thư tỉnh uỷ không hứa hẹn gì rõ ràng, Minh Hương và Hoài cũng không cam kết gì cụ thể. Gần như sự thủ thế và chờ đợi từ cả hai phía. Tiễn bí thư tỉnh ủy ra đến cổng, Minh Hương và Hoài quay lại trao đổi thêm. Họ nhất trí rằng cách ứng xử của hai người với bí thư tỉnh ủy trong buổi nói chuyện như thế là được và cùng tiên cảm rằng tình hình sắp tới sẽ không dễ dàng, kể cả trong mối quan hệ với bí thư tỉnh ủy.