Từ khi Vy lên ở với Hoài, gần cả tháng sau Hoài mới có dịp đưa vợ đi chơi. Làm công tác chuyên trách ở cơ quan hội nhà văn, giờ giấc rất tự do nhưng lại rất bận. Anh em văn nghệ sĩ đến chơi, có người mang theo cả rượu và đồ nhắm khè khà suốt buổi, khi không có gì, chỉ mấy chén trà và gói thuốc nhưng câu chuyện vẫn rôm rả kéo dài. Thỉnh thoảng lúc có vài ba người, anh em lại kéo nhau ra quán lai rai. Mất nhiều thì giờ nhất là đọc, biên tập bài vở gởi đến để chuẩn bị cho tạp chí La Ban các số kế tiếp, lại còn dự thảo các văn kiện sẽ trình bày trong đại hội thành lập hội nhà văn, chưa kể các loại công văn giấy tờ hành chính khác. Tuy tỉnh ủy có chỉ định một ban vận động thành lập hội nhà văn gồm nhiều người nhưng phần lớn cơ cấu người ở các cơ quan khác, chỉ có Minh Hương và Hoài chuyên trách nên hầu như hai anh phải chia nhau làm toàn bộ công việc.
Vy tạm thời để con gái là bé Mộng Chiêu ở Sài Gòn với ông bà ngoại vì bé đang học giữa năm, chuyển đi bất tiện và nơi ở của Hoài cũng không rộng rãi lắm. Vy định hết năm học, lo nhà ở thuận lợi, tìm việc làm ổn định sẽ đưa con lẽn. Hiện giờ Vy nhận đan hàng len cho các cửa hiệu ngoài phố tạm thời giải quyết chuyên kinh tế.
Sáng chủ nhật này, Hoài và Vy đi chơi đồi Êm. Họ đi bộ, mang theo thức ăn trưa và định ở suốt ngày trên đồi, chiều tối mới về.
Đồi Êm là một thắng cảnh gồm ba ngọn đồi thoai thoải kế tiếp nhau, nằm song song với hồ Hương Xuân, ngay cạnh khu trung tâm làm cho thành phố này có một không khí yên tĩnh dịu dàng đặc biệt ít nơi nào có. Đồi toàn cỏ mượt mịn màng, luôn xanh non pha phớt tím, dù dưới nắng cần hòa, trong sương mù hay giữa cơn mưa tầm tà vẫn có sức quyến rù lạ lùng. Những cây thông rải rác tỏa bóng trên khắp ngọn đồi nhưng vẫn dành lại những khoảng rộng để nhìn vào ta có ấn tượng đây là đồi cỏ chứ không phải đồi thông. Sự hài hòa thật tuyệt vời này là ưu thế của thiên nhiên ở đây nhưng cũng do trí tuệ và trình độ thẩm mỹ của những người quy hoạch, xây dựng thành phó trước đây. Nếu thiếu hồ Hương Xuân và đồi Em, thành phố này có lẽ mất đi đến ba phần tư hay hơn nữa vẻ duyên dáng độc đáo của mình. Thế mà nghe nói trước đây đã có đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trương cuốc đồi lên để trồng mì. May mà sự ngu dốt đó chưa được thực hiện hay chỉ là một huyền thoại về sự ngu dốt của một số người lãnh đạo mà người dân ở đây đã đặt ra để châm biếm. Mỗi lần đi qua đồi êm, Hoài thấy lòng mình tỉnh lặng hẳn đi, vơi bớt buồn phiền lo nghĩ nhưng cũng có lúc anh thấy sự tình lặng này im ắng quá, thanh bình quá, gần như lẻ nhạt, đến độ tầm thường trước cuộc sống sục sôi bão táp. Sự mâu thuẫn thường xuyên trong Hoài đã chi phối đến cả cách nhìn cảnh vật. Dù sao, thỉnh thoảng được ngả lưng trên đồi cỏ mượt cũng đã là một hạnh phúc cho những người biết tận hưởng vẻ đẹp dịu dàng bao dung của thành phố giữa lưng trời này.
Mười lăm năm trước, trong tuần trăng mật muộn màng sau ngày-về-với-nhau-không-đám-cưới, Hoài và Vy đã lần đầu tiên đi với nhau trên đồi cỏ mượt này. Lần đó, cô bỏ dép chạy chân không tung tăng như trẻ thơ và vấp ngã xoài trên thảm cỏ non. Anh đã chạy đến đỡ cô lên và bắt đền cho cô bằng một cái hôn dịu dàng giữa trời cao lộng nắng gió.
Bây giờ Vy cùng bỏ dép chạy lên đồi. Hoài lửng thừng đi sau, nhìn theo Vy và chợt thấy thương vợ đến quặn thắt. Vy gầy quá so với ngày nào. Chiếc quần xanh cô mặc đã bạc màu và chiếc áo măng-tô anh mua tặng cô từ lâu nay đã quá cũ và không còn hợp thời trang. Lúc này, lúc hai người đi ngang qua vườn hoa, nơi du khách hay đến thăm, Hoài cũng đã lặng niềm xót thương khi thấy bên cạnh các cô, các bà đi du lịch ăn mặc đủ kiểu thời trang, phấn son rực rỡ, trong khi vợ anh đơn giản quá, quần áo cũ và không một chút phấn son. Đơn giản trong ăn mặc vẫn là đặc điểm của vợ chồng anh, nhưng ở đây, bên cạnh sự phù hoa tươi trẻ, sự đơn giản cùng nghĩa với nghèo nàn, đã gần như trở nên tội nghiệp. Anh không nói gì với vợ nhưng ngấm ngầm xót xa. Hạnh phúc của cuộc sống không phải chỉ là sự giàu sang nhưng nghèo nàn lắm khi đã cản đường đi tới hạnh phúc. Hoài có day dứt với điều này, nhưng những điều khác mà anh cho là lớn lao thường xuyên ám ảnh anh hơn. Anh vẫn là kẻ sống rất không tưởng, bay giữa cuộc đời như thuở hai mươi và thỉnh thoảng, thực tế đã làm cho anh hụt hẫng chới với.
Vy chọn một gốc thông gần giữa ngọn đồi thứ ba, ít khách du lịch dạo chơi và là nơi cao nhất tứ bề lộng gió, nơi ngày xưa trong tuần trăng mật họ đã ngồi với nhau. Bãi cỏ non sạch và quyến rũ quá, Vy không cần phải trải tấm vải mang theo. Hai người nằm lăn ra cỏ tận hưởng sự nghỉ ngơi thư giãn sau hơn một giờ đi bộ. Một lúc sau, Vy ngồi dậy, kê đầu Hoài lên đùi cô và nhổ tóc bạc cho anh. Vài sợi tóc bạc tuy hiếm hoi đã xuất hiện trên mái tóc đen mềm của anh. Tuổi thanh xuân đã lặng lẽ già từ anh mặc dù tâm hồn anh vẫn nồng nhiệt như ngày nào. Vy nói, giọng đượm buồn:
- Gần một tháng rồi, ở đây em có giúp gì cho anh không hay chỉ làm vướng bận anh?
Hoài vẫn nhắm mắt lơ mơ với cảm giác êm ái của bàn tay Vy trên lóc:
- Có những điều không cần nói ra mà ta vẫn tự hiểu, có khi còn hiểu hơn qua những gì đã nói. Sao em lại hỏi anh như thế? Anh vốn không thích bày tỏ những gì anh cảm nhận sâu xa vì sự bày tỏ đó hời hợt đến gần như lố bịch, giả tạo.
- Anh vốn không phải ít lời và có lẽ chỉ ít lời với em thôi. Em cảm thấy đôi khi dư thừa bên cạnh anh. Có lẽ em vụng về không biết cách chia xẻ.
Hoài mở mắt nhìn Vy, thấy mắt cô long lanh ngấn nước. Cô đã xúc cảm quá và những giọt lệ của cô đã bao lần làm anh bối rồi.
- Anh nào có cần sự đãi bôi ngoài mặt. Nhưng có lẽ anh không phải là kẻ sành tâm lý. Người ta nói: "Đàn ông yêu bằng mắt, đàn bà yêu bằng tai". Anh không biết nói những lời ngọt ngào hay ở lứa tuổi này, đối với anh đó không còn là cách diễn đạt thích hợp?
Vy chợt dừng tay gạt hai giọt nước long lanh vừa trào ra khỏi khóe mắt, cô đổi giọng vui vẻ:
- Thôi. Không nói chuyện đó nữa. Anh lại bảo em làm hỏng cả một ngày đẹp đẽ như hôm nay. Anh nói chuyện công việc anh đi! Anh có phấn khởi với công việc mới này không?
Hoài ngồi dậy lấy thuốc ra hút. Anh trầm ngâm một lúc:
- Nói phấn khởi hay không thì đơn giản quá. Nhưng có lẽ công việc này thích hợp với anh và có lợi cho việc sáng tác anh dự tính.
- Anh lên đây gần một năm rời mà đã viết lách được bao nhiêu đâu ngoài mấy bài báo và mấy truyện ngắn. Em thấy anh làm toàn những việc gì đâu và mất rất nhiều thì giờ vào những buổi chuyện trò, có khi tào lao vô bổ.
Hoài thở dài:
- Thời gian này đúng là bận rộn thật vì tổ chức và công việc chưa ổn định, lại thiếu người. Anh tin rằng sau đại hội thành lập hội nhà văn, cơ quan có thêm người, công việc ổn định, anh sẽ có thời gian sáng tác. Anh Minh Hương và anh đã bàn vấn đề này. Tụi anh sẽ thay phiên nhau trực, mỗi năm ít nhất nghỉ ba tháng để viết. Còn những buổi chuyện trò cũng không phải là vô bổ đâu, có nhiều điều rất đáng suy nghĩ và có lợi cho việc sáng tác.
- Em sợ rằng anh sẽ không bao giờ thoát ra khỏi những điều vặt vành và đặc biệt những chuyện đấu đá đang diễn ra. Em sợ các ông văn nghệ sĩ quá. Sáng tác không thấy đâu, chỉ toàn đấu đá công kích lẫn nhau. Theo em, anh chả cần vào ban chấp hành làm gì, chỉ cần làm một công tác chuyên môn gì đó, biên tập chẳng hạn, rồi chuyên tâm cho sáng tác. Chuyện sáng tác anh ấp ủ bao nhiêu năm rồi mà có viết được mấy đâu. Anh không đến nỗi như nhân vật của Azit Nexin là khi nào hết ruồi mới sáng tác được. Nhưng thực tế em thấy đó, những công việc đang làm đều cần thiết cả.
Vy xoắn mấy bụi cỏ trong tay, cô cảm thấy bứt rứt, muốn tranh luận với anh nhưng sợ làm Hoài tự ái. Vợ chồng cô vốn luôn bình đắng về mặt tư tưởng. Cuối cùng cô vẫn nói:
- Đối với anh, những gì anh làm đều quan trọng và cần thiết cả. Xưa nay vẫn thế. Nhưng điều gì là trọng tâm và mục đích sau cùng của anh là gì? Tại sao anh sa vào chuyện tranh chấp đấu đá? Anh còn tin tưởng gì ở tổ chức bộ máy này? Anh có thể thay đổi được gì không hay sẽ bị nghiền nát trong đó? Anh nhiều tham vọng hay anh không tưởng? Anh đã có quá nhiều kinh nghiệm đau xót hồi còn ở huyện rồi mà. Em cho rằng cứ cái đà này, anh sẽ chìm ngập trong các sự vụ và các cuộc tranh chấp đấu đá mà thôi.
Hoài thấy hơi khó chịu khi nghe Vy nói nhưng quả thực cô đặt ván đề rất đúng. Chính anh và Minh Hương đã trao đổi nhiều về vấn đề này. Rõ ràng cả hai người đều không thích chuyện đấu đá, không thích địa vị và chỉ khao khát có thời gian để sáng tác, nhưng đến giai đoạn này không lẽ lại buông trôi, để cho những kẻ mà hai người biết chắc là không tốt nắm lấy tổ chức. Một tổ chức như hội nhà văn, dù dưới sự lãnh đạo và giám sát chặt chẽ của đảng, nhưng do những người cấp tiến nắm các chức vụ chủ chốt vẫn có thể phát huy được tác dụng, không những chỉ trong lãnh vực văn học nghệ thuật mà cả trong những vấn đề chính trị xã hội, vì tạp chí cơ quan ngôn luận của hội nhà văn là một công cụ rất lợi hại. Minh Hương và Hoài đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào tạp chí La Ban, mà rõ ràng mới số đầu tiên, nó đã gây tác động trong dư luận. Để làm dược như thế, phải vượt qua nhiều trở lực, trong đó có những chuyện đấu đá và không loại trừ phải đối phó với những thủ đoạn không chế của ban thường vụ tỉnh ủy mà hai người đã bắt đầu thấy có dấu hiệu. Mới rồi, khi chuẩn bị cho tạp chí La Ban số 2, ban tuyên huấn đã yêu cầu duyệt trước nội dung. Minh Hương và Hoài đã họp ban vận động lại, lấy nghị quyết chung và từ chói thẳng thừng, cho rằng không có điều khoản nào quy định như thế cả. Ban biên tập hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung và ban tuyên huấn chỉ có ý kiến phê bình sau khi tạp chí đã xuất bản. Ban tuyên huấn đành phải nhượng bộ và cố yêu cầu cho xem qua mục lục các bài viết. Rõ ràng người ta bắt đầu sợ tiếng nói của văn nghệ sĩ trí thức.
Hoài cố gắng trình bày lại với Vy những suy nghĩ, ý định của anh và Minh Hương về chuyện này, anh kết luận:
- Anh không phải là kẻ thích quyền lực và không muốn làm chính trị chuyên nghiệp. Nhưng nếu không có quyền lực nhất định thì không thể tác động vào xã hội, thực hiện được lý tưởng của mình. Tụi anh hoạt động trên lãnh vực văn học nghệ thuật và phải có công cụ trong lay. Còn sáng tác, đó là chuyện cá nhân, lâu dài, và cả hai hoạt động này sẽ bổ sung cho nhau.
Vy không hề bị Hoài thuyết phục, cô lại đặt ra vấn nạn mới:
- Anh cho rằng người ta sẽ để yên cho anh làm hay sao? Khi cần người ta sẽ có cách gạt anh đi không thương tiếc.
Hoài kêu lên:
- Nhưng đây là một tổ chức quần chúng và người ta không thể không tôn trọng dân chủ, dù chỉ là bề ngoài, sau bao nhiêu nghị quyết đổi mới như thế. Vấn đề là tranh thủ được đa số anh em nhà văn...
Vy vẫn không nhượng bộ, cô tiếp tục phân tích, cướp cả lời Hoài:
- Em cho rằng anh ảo tưởng hay vẫn còn quá tin vào tổ chức đảng. Đây đâu phải là lần đầu tiên đảng không thực hiện đúng nghị quyết. Nghị quyết nào của đảng đều không kêu, không đẹp, nhưng thử xem nó đã được thực hiện như thế nào trong gần mười lăm năm nay? Nói thực là em không tin tưởng gì đâu. Và cả những. người mà anh gọi là anh em nhà văn nữa, bao nhiêu người cấp tiến, dũng cảm, dám trung thực với mình, bao nhiêu người lừng khừng và không dám làm trái ý đảng, bao nhiêu kẻ xấu, cơ hội đang ra sức nịnh hót, gây phe cánh để tranh giành địa vị? Em không muốn anh lại rơi vào hoàn cảnh khó xử. Em biết chắc người ta không tin anh đâu. Nhiệt tình và thời gian, anh nên tập trung cho sáng tác cá nhân hơn là lao vào những chuyện mà em tin là bỉ ổi, không xứng đáng với ước vọng của anh. Dĩ nhiên em không dám cản anh, em không có quyền, không bắt buộc anh được và anh luôn làm theo ý mình dù ý kiến của em ra sao. Bao nhiêu lần đã như thế rồi. Nhưng em vẫn nói với anh hết những gì em nghĩ. Đó là nghĩa vụ và sự trung thực của em như anh vẫn đòi hỏi.
Bầu trời trên đầu hôm nay xanh biếc như bầu trời vùng biển. Một vài đám mây trắng từ đâu xuất hiện rồi tan đi nhanh chóng. Nắng đã nồng nhưng gió trên cao và cành thông toả bóng làm nắng dịu đi. Hoài thấy tiếc đã tranh luận với Vy về những vấn đề chính trị. Nhiều lúc anh tự nhủ và cùng nói với Vy là khi đi chơi đừng nói chuyện chính trị. Nhưng than ôi, anh không làm sao tránh khỏi. Trong chế độ này, nằm trên bài cỏ nhìn trời cao cũng là một thái độ chính trị. Nhà thơ đi lên "nẻo đường cây ngược nắng" như trong bài thơ của Đăng Vẫn cùng bị phê phán là thể hiện thái độ chống đối vì đi thế là đi ngược đường lịch sử, ngược lại đường lối của đảng. Chao ôi, phải chăng Vy có lý và anh vẫn là kẻ cả tin ngây thơ khi anh còn khẳng định mình là đảng viên cộng sản?
Sau khi ăn trưa với đồ nguội mang theo, Hoài cố gợi chuyện vui, nói về bé Mộng Chiêu, về các ước vọng tương lai trong cuộc sống gia đình, nhưng câu chuyện giữa hai vợ chồng có vẻ gượng gạo. Hai người về sớm hơn dự tính. Khách du lịch vẫn còn đi nhởn nhơ trên đồi, trên đường dọc bờ hồ. Nhiều cặp quàng vai, khoác lưng, nhiều cô gái tựa góc thông hay nằm trên cỏ chụp hình, nhiều đám đông chạy đuổi vui đùa trên thảm cỏ với bao nhiêu quần áo màu sắc sặc sỡ và tiếng cười âm vang trong không gian. Đi bên Vy, Hoài lại thấy lòng trĩu nặng và hoàn toàn xa lạ với đám đông vô tư vui vẻ chung quanh.
Phải chăng anh đã rơi vào bi kịch vì dó là bi kịch của lịch sử và cũng là bi kịch của chính cá nhân anh, của bất cứ ai có chết tấm lòng với lịch sử?