Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Nửa đời nhìn lại

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 74965 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nửa đời nhìn lại
Tiêu Dao Bảo Cự

21. Giọt nước làm tràn ly
- Anh xin nghỉ phép năm đi với em về thăm ông bà ngoại đi.
- Anh đã nói với cơ quan rồi nhưng người ta chưa đồng ý.
- Tại sao chưa đồng ý? Đây là chính sách, quyền lợi chính đáng của cán bộ, công nhân viên nhà nước chứ có ai xin xỏ ơn huệ ái đâu?
- Đúng thế. Nhưng muốn nghỉ lúc nào phải đăng ký trước với cơ quan để cơ quan sắp xếp. Nếu cơ quan cần thì phải hoãn đến lúc thích hợp. Hiện nay...
- Trời ơi! Thôi anh đừng nói nữa. Công tác cách mạng lúc nào mà không cần? Anh nghỉ một tháng sự nghiệp cách mạng có sụp đổ đâu?
- Để anh sẽ nói lại, nhưng thủ trưởng cơ quan đã có ý kiến một lần rồi.
- Thế cái ông thủ trưởng Nghi của anh không phải đã đi phép ra bắc năm ngoái hai tháng liền đó sao? Cả cái ông Hoàng, bí thư huyện ủy cũng về thăm quê, đi xe cơ quan, lại còn nghe nói điều xe tải chở hàng chục khối gỗ về làm nhà mà có ai nói gì đâu? Họ cũng là cán bộ cách mạng, còn to hơn, quan trọng hơn anh nhiều. Họ vẫn đi đó thôi.
- Họ khác mình. Không nên suy bì như thế. Trong quá khứ mình cống hiến và chịu gian khổ không bằng họ. Dù sao mình vẫn ở trong gia đình còn họ đã xa nhà bao nhiêu năm. Phải thông cảm và ưu tiên cho họ là đúng.
- Anh lại còn bênh vực họ nữa à? Đồng ý họ có cống hiến, có gian khổ. Nhưng cán bộ cách mạng "khổ trước, sướng sau" dân kia mà. Sao họ nghĩ đến bản thân vội thế? Anh cho rằng bây giờ họ có quyền hưởng thụ chứ gì? Họ đã bắt đầu xây nhà, mua xe rồi đó, không đợi anh khuyến khích đâu. Mà thôi. Mặc kệ họ. Họ có quyền họ cứ làm. Nhưng bây giờ anh nói đi. Anh có chịu nghỉ để đi với em hay chỉ đặt công tác lên trên hết?
Hoài im lặng không tiếp lục cuộc tranh luận với Vy. Anh khó xử vô cùng. Không phải anh cố tình tỏ ra vị tha, cao thượng. Anh thực lòng thông cảm với những cán bộ cách mạng đã đi chiến đấu xa nhà lâu năm. Họ cũng là con người thôi. Ngoài sự nghiệp chung, họ cũng có một lầng quê, nhất là một gia đình riêng thân thiết đã bao năm xa cách và phần lớn đã tan nát, thậm chí chịu cả những phản bội, đổ vỡ đau lòng. Họ có quyền dành cho mình những gì riêng tư mà phải chăng lý tưởng cách mạng một phần cũng để đạt đến những hạnh phúc cá nhân. Có điều một số cán bộ có chức quyền đã bắt đầu lạm dụng đề vun vén cá nhân. Dư luận trong nhân dân đã có những tiếng xì xào và hình ảnh người cán bộ cách mạng sáng ngời ngày mới giải phóng đã bắt đầu bị những vết hoen ố.
Còn chuyện riêng của gia đình Vy. Lại một nỗi nhức nhối khác xen vào mối quan hệ vốn đã có nhiều căng thẳng của vợ chồng Hoài. Bố Vy là một công chức cỡ trung cấp của ngụy quyền. Ông đã về hưu trước ngày giải phóng nhưng sau đó cũng phải đi học tập cải tạo mất một năm. Hiện bố mẹ Vy đang ở Sài Gòn sống qua ngày. Gia đình Vy trước đây không khá giả gì. Vy sống trong gia đình cũng không mấy hạnh phúc vì bố mẹ thường xuyên bất hòa. Vy đã chấp nhận về với Hoài không cần sự đồng ý của gia đình. Vy đã lặng lẽ ra đi, gần như một cuộc bỏ trốn. Dần dần gia đình Vy cùng mặc nhiên chấp nhận cuộc hôn nhân của Vy với Hoài. Thỉnh thoảng hai vợ chồng cũng có về thăm bố mẹ Vy tuy tình cảm gia đình, kể cả của Vy, cũng không lấy gì đằm thắm. Một điều lạ là sau giải phóng, tình cảm của Vy đối với bố mẹ lại sâu đậm hơn, một phần vì thương bố mẹ bà già, nhất là bố sau khi đi cải tạo về. Hoài cũng có đi thăm ông một lần sau khi ông đi học tập về. Anh vui mừng vì thấy ông có vẻ phấn khởi và có "giác ngộ cách mạng" phần nào. Hào quang của chiến thắng năm 1975, những lý luận của cán bộ cách mạng trong trại cải tạo hay những suy nghĩ tự thân của ông, có lẽ do tất cả, đã làm cho ông tự nguyện chấp nhận chế độ mới. Ông hăng hái tham gia các sinh hoạt của khu phố, của tổ phụ lão và có tham gia lao động sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong một tổ hợp đan lát. Bàn tay quen cầm bút của ông đã có vết chai do cầm dao, rựa chẻ, vót mây tre và ông làm việc một cách cần cũ, say mê. Hoài đã chứng kiến ông ngồi suốt ngày trên chiếc ghế nhỏ, vừa làm việc vừa nói chuyện. Tình cảm của Hoài đối với bố mẹ Vy không có gì gay cấn tuy vẫn có một khoảng cách nhất định. Khoảng cách này có tính cách tự nhiên ngay từ đầu chứ không phải vì hiện nay anh là cán bộ cách mạng còn ông là "ngụy cải tạo về". Anh hoàn toàn khác biệt ông về quá trình, quan điểm sống về mọi vấn đề. Đó cũng là chuyện thường tình giữa các thế hệ và những người xuất thân từ các hoàn cảnh khác nhau trong một đất nước đã phân ly mấy chục năm ròng.
- Anh muốn cắt đứt quan hệ với gia đình em chứ gì anh sợ dính "ngụy" ảnh hưởng đến tương lai chính trị của mình phải không?
Tiếng nói của Vy cắt đứt dòng suy nghĩ của Hoài. Anh ngước nhìn vợ. Khuôn mặt Vy bừng lên một nỗi phẫn nộ, hầu như méo xệch đi. Cô tiếp tục một cách đau đớn:
- May mà anh chưa ly dị em để lấy một cô cán bộ cách mạng gốc bần cố nông. Anh còn sợ mang tiếng tàn nhẫn, có phải vậy không? Hay anh ly dị cho nhẹ người. Em sẵn sàng giúp anh thoát nợ.
"Trời ơi, còn đến cái nước đó sao?" Hoài kêu thầm một cách cay đắng. Ly dị? Nào phải chúng ta không từng nghĩ đến điều đó. Nhưng vì những lý do khác kia. Chao ôi! Cuộc sống gia đình. Cuộc sống chung đôi thiên đường và địa ngục, đẹp đẽ và khốn kiếp. Con người có thể hòa hợp nhau đến mức độ nào?
Những cảm thông chia xẻ da diết cả tâm hồn và thể xác giữa hai con người từ hoàn toàn xa lạ trong muôn triệu con người đến thân thiết gần gũi giữa trần gian đầy hạnh phúc và đau khổ. Nhưng rồi chính thịt xương cũng trở thành sông núi ngăn chia, từng cử chỉ vặt vãnh cũng đưa đến ngộ nhận, từng lời nói cũng làm nhức nhối cả hồn cả xác, thậm chí phát sinh, dấy lên lòng căm ghét, đôi khi cả hận thù. Hôn nhân phải chăng là đinh mệnh chói lòa hạnh phúc bi thảm của con người?
Trong chế độ mới này, ràng buộc hôn nhân đó còn bị chi phối bởi nhiều điều cay nghiệt hơn nữa kìa. Cái chủ nghĩa lý lịch trong hôn nhân ngày nay có khác gì quan niệm "môn đăng hộ đối" của phong kiến ngày xưa? Việc cậu Quân xa cô Nga để đi lấy con ông phó chủ tịch huyện phải chăng cũng là một sản phẩm mới tinh của chế độ đã mang đến cho lớp thanh niên gọi là "mới giải phóng" này? Còn tôi ư? Tôi tuy là đảng viên nhưng cũng "ngụy" quá đi chứ. Bản thân là trí thức tiểu tư sản được đào tạo dưới chế độ cũ. Cha là công chức ngụy quyền. Ông nội làm quan cho triều đình phong kiến. Gia đình, bà con có một số người hoạt động cách mạng nhưng cũng không ít người tham gia chế độ cũ. Lần đầu tiên khai lý lịch sau giải phóng, tôi đã phải mất cả tháng tìm hiểu, kể cả việc viết thư cho những người trong gia đình và bạn bè để biết họ ở đâu, làm gì, lúc nào... những điều trước đây tôi chưa bao giờ quan tâm một cách cụ thể, nhất là các chi tiết chính xác về ngày tháng, công việc. Tôi là tôi tự do kia mà. Những mối quan hệ kia ảnh hưởng bao nhiêu đen cá tính, nhân cách, tư tưởng của một con người đã vào đời, trưởng thành trong cuộc sống? Người ta đã xem lý lịch đề đánh giá con người hơn là xem xét chính bán thân người đó. Ngay cả ông Tân, bí thư chi bộ Trung Kiên, đã nhiều năm hoạt động trong vùng bị tạm chiếm, quan điểm khá phóng khoáng về vấn đề này, khi lần đầu xem bản khai lý lịch của Hoài cùng khuyên anh nên bỏ bớt những chi tiết "có dính líu ngụy" không cần thiết đi, như tên dài long thòng sặc mùi phong kiến của những bà con là hoàng phái triều Nguyễn như Công Huyền Tôn Nữ... Anh đã quá thành khẩn với tổ chức khi khai báo lý lịch. Và đến sau giải phóng, tuy không nói ra nhưng Hoài biết rằng ông Tân mới thấy những "chi tiết dính líu ngụy" của Hoài không lợi gì cho bản thân anh và cả cho ông và cả chi bộ Trung Kiên nữa. Đây là điều cay đắng đầu tiên Hoài nếm trải với tư cách là đảng viên cộng sản, khi bước vào chế độ mới, chế độ có lý tưởng giải phóng con người.. Hoài nhìn khuôn mặt ràn rụa nước mắt của Vy và lắng nghe giọng nói tức tưởi của cô dội vào lòng anh một nỗi đau quặn thắt.
Rất lâu sau, Hoài nhẹ nhàng nói với Vy:
- Tại sao em lại nói với anh những điều quá cay đắng như thế? Em cũng đã biết rồi. Lý lịch của gia đình anh không tốt đẹp gì hơn gia đình em. Thành thực mà nói, trong chế độ này, lý lịch đó không có lợi cho cả anh và em, dù anh đã là đảng viên. Nhưng làm sao có thể chối bỏ được lý lịch? Đó là mối quan hệ, điều ràng buộc hoàn toàn ngoài lựa chọn. Dù ai có muốn chối bỏ cũng không được. Mà tại sao lại phải chối bỏ? Theo anh, bản lĩnh và nhân cách của mỗi người mới chính là điều đáng kể. Dĩ nhiên chế độ này không nói như thế hay chỉ nói trong nghị quyết, còn thực tế, người ta lại nghĩ và làm hoàn toàn khác. Nhưng anh nào có muốn tiến thân hay giành đặc quyền đặc lợi gì? Anh chỉ muốn tiếp tục con đường lý tưởng mà anh đã lựa chọn. Có thể lúc nào đó anh sẽ bị gạt ra hay sẽ phải xét lại. Nhưng bây giờ thì chưa. Anh vẫn còn niềm tin để cống hiến.
Còn việc của anh và em là chuyện hoàn toàn riêng tư. Tổ chức không dính dự gì vào đây cả. Em đừng nói như thế mà oan cho anh. Dĩ nhiên mối quan hệ của chúng ta có lúc rất êm đềm nhưng cũng có lúc căng thẳng. Ly dị không phải là điều chúng ta chưa từng nghĩ đến nhưng chúng ta đã vượt qua được. Trong tình hình hiện nay, những khó khăn khách quan lại tác động xấu thêm vào mối quan hệ của chúng ta. Anh không chỉ muốn nói đến vấn đề kinh tế mà nói đến mọi thứ bất hòa, va chạm lớn nhỏ giữa chúng ta. Nhưng xin lỗi em, như có lần anh đã nói một cách kiêu hành:
"Người cộng sản có thể cải tạo cả thế giới, lẽ nào không cải tạo được gia đình mình?". Gần đây, anh không nghĩ, không nói đến vẫn đề ly dị nữa, không phải vì sợ tổ chức mà vì thực tâm anh nghĩ tình trạng của chúng ta có thể cải thiện được. Còn đối với chế độ này, ly dị có gì là tội lỗi đâu? Luật pháp cho phép mà. Nhưng anh vẫn tin tưởng rằng sóng gió trong căn nhà bé nhỏ này sẽ qua đi và chúng ta sẽ cặp bến bình yên, nơi thanh bình riêng rẽ mà chúng ta vẫn thường mơ ước.
Vy đã nén lòng nghe Hoài nói nhưng những điều anh lý giải hoàn toàn không thuyết phục được cô. Một cái gì đã rạn nứt hầu như không thể hàn gắn. Nổi cay đắng lâu dài kết tụ trong lòng cô đã làm cô chán chường và nguội lạnh. Sự chân tình và sôi nổi của Hoài không làm tan được khối băng giá đang làm cô nhức nhối. Vy lau nước mắt, giọng ráo hoảnh:
- Anh đừng có ảo tưởng. Em không có lý luận bằng anh nhưng rồi anh sẽ sáng mắt ra. Anh còn cuồng tín lắm. Anh không cải tạo được ai đâu vì chính người ta đang cải tạo anh và còn lâu anh mới tự cải lạo được mình. Còn em, em không cần ai cải tạo cả. Em sống trung thực, nghĩ như thế nào sống như thế đó. Em không giả dối và không muốn ai giả dối với mình cả. Em biết anh không vì em mà chỉ vì anh thôi. Em còn lạ gì thói ích kỷ của anh nữa. Theo đuổi lý tưởng, cống hiến cũng chỉ là một hình thức ích kỷ...
- Thôi đi? - Hoài bất chợt quát lên. Cơn giận dữ điên rồ bùng nổ trong anh - Muốn ly dị thì ly dị đi. Đừng lắm lời nữa. Sao cô độc địa thế...
Hoài muốn nói tiếp nhưng không sao nói nổi. Anh thấy nghẹn thở và một nổi chán nản đột nhiên xâm chiếm trùm phủ anh như một làn khói độc. Anh lảo đảo bước ra khỏi nhà.

<< 20. Vĩnh biệt | 22. Mây Đầu Non >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 226

Return to top