Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Nửa đời nhìn lại

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 79337 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nửa đời nhìn lại
Tiêu Dao Bảo Cự

17. Con đường của quyền lực
Trong thời gian này, một sự việc chấn động ở trung ương đảng đã có tác dụng bất lợi rất lớn cho cuộc đấu tranh của anh em ở hội nhà văn thành phố Sương Mù. Đó là việc Trần Xuân Bách, ủy viên bộ chính trị trung ương đảng, bị cách chức vì chủ trương đa nguyên.
Thời gian gần đây, trong một số hội nghị và nhiều bài đăng báo, kể cả các báo chính thức của đảng, Trần Xuân Bách đã phát biểu một số ý kiến được nhiều trí thức cấp tiến chú ý theo dõi và tán thành nhưng không ít cán bộ, đảng viên bảo thủ ngạc nhiên và bất mãn. Trong chỗ riêng tư, họ tỏ ra bất bình, phê phán nhưng còn ngại chưa dám nói công khai vì Trần Xuân Bách là ủy viên bộ chính trị, và những ý kiến của ông được phát biểu trên báo đảng. Ông hô hào việc mở rộng dân chủ trong đảng và ngoài xã hội, yêu cầu đảng tôn trọng và thừa nhận những ý kiến đối lập trong việc xây dựng đất nước, yêu cầu đảng phải sửa sai và xem xét lại vai trò độc lôn lãnh đạo của mình. Những ý kiến này tuy không phải là hoàn toàn mới mẻ, nhưng lần đầu tiên được phát biểu công khai, chính thức và từ một cán bộ cấp cao của đảng. Nhiều người nhận xét đây là một người trong đảng chịu ảnh hưởng của công cuộc cải tổ "perestroika" đang diễn ra sôi nổi ở Liên xô và người ta hy vọng, chờ đợi một sự thay đổi.
Minh Hương, Hoài và các anh em nòng cốt đã nhiều lần trao đổi về thái độ của Trần Xuân Bách. Nhiều nhận xét khác nhau được đưa ra. Có người đồng ý với nhận định trung ương đảng đang chuyển mình đổi mới theo hướng của Liên xô và những phát biểu của Trần Xuân Bách là dấu hiệu đầu tiên. Có người cho rằng Trần Xuân Bách từ trước vẫn thuộc cánh bảo thủ nên những ý kiến mới đây chỉ là cách đón gió của một kẻ cơ hội vì tự bản chất, Trần Xuân Bách không thể là một kẻ đổi mới tích cực và tự giác được. Có ý kiến cho rằng phải cảnh giác vì có thể đây là một cái bẩy, Trần Xuân Bách chỉ làm một việc có tính cách "cò mồi" nhằm lôi kéo các phần tử cấp tiến bộc lộ quan điểm và khi đó sẽ bị vét một mẻ.
Nói chung, anh em hội nhà văn thành phố Sương Mù cho những ý kiến được phát biểu của Trần Xuân Bách là tốt, có tác dụng tích cực, nhưng nguyên nhân nào đưa đến thái độ đó của Trần Xuân Bách thì cần phải dè dặt và tình hình chưa phải đã đáng lạc quan, còn phải chờ xem những diễn biến khác.
Đùng một cái, việc xử lý Trần Xuân Bách được công bố sau một hội nghị của ban chấp hành trung ương đảng. Việc công bố quyết định kỷ luật được làm rầm rộ trên các đài, báo, kèm theo nhiều bài xã luận phân lích, phê phán gay gắt chủ trương đa nguyên, đa đảng và coi chủ trương này như là một âm mưu thủ đoạn nguy hiểm của kẻ thù nhằm chống lại đảng, yêu cầu toàn đảng phải nghiêm khắc chấn chỉnh lại lập trường, quan điểm, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Một số cán bộ, đảng viên rất hả hê và bàn tán xôn xao quyết định này.
Buổi sáng, quyết định kỷ luật về Trần Xuân Bách được công bố trên báo, đài, ngay buổi chiều Chinh Ba đã được gọi tới ban tổ chức tỉnh ủy để kiểm điểm.
Cả một lực lượng cán bộ hùng hậu của tỉnh ủy dự cuộc họp này. Trưởng ban tổ chức đảng phát biểu mở đầu rất tha thiết:
- Đồng chí Chinh Ba biết không, chính vì bản thân đồng chí, vì sinh mệnh chính trị của đồng chí, vì mối quan tâm và tình cảm đặc biệt của đảng đối với đồng chí, một đảng viên lâu năm, một cán bộ quân đội đã qua nhiều thử thách mà chúng ta có cuộc họp này. Trong giai đoạn hiện nay, tình hình rất khó khăn phức tạp, nhiều cán bộ đảng viên giao động về tư tưởng. Nếu không được đảng chấn chỉnh, giúp đỡ kịp thời, nhiều đồng chí có thể sa ngã, thậm chí đi vào con đường phản bội. Cuộc họp này sẽ quyết định số phận của đồng chí. Điều đó cùng tùy thuộc vào thái độ của đồng chí. Đồng chí hãy lắng nghe những ý kiến phân tích, giúp đỡ đồng chí trong cuộc họp này và phải khẳng định ngay thái độ, có hành động cụ thể để chuộc lại lỗi lầm của đồng chí. Phó bí thư tỉnh ủy tiếp theo ngay, giọng gay gắt khác hẳn với thói quen tự chế của ông:
- Tôi biết đồng chí đã bị bao vây, tác động và đang đi vào con đường nguy hiểm nhất. Có thể đồng chí đã biết nhiều thông tin và chịu ảnh hưởng của công cuộc cải tổ ở Liên Xó. Nhưng Liên xô hiện nay không phải là mẫu mực của chúng ta đâu và có một số người lãnh đạo ở Liên xô đang đi vào con đường bội phản. Cải tổ, đổi mới gì đi nữa cũng không được buông lơi vai trò lãnh đạo của đảng. Đây là vấn đề sinh tử. Từ bỏ vai trò lãnh đạo của đồng chí nh là tự sát. Đảng ta đã được lịch sử giao phó sứ mệnh lãnh đạo dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng phải độc quyền lãnh đạo, không chia xẻ với ai khác. Dân chủ cũng phải dưới sự lãnh đạo của đảng. Đồng chí đừng mơ hồ về điều này. Dân chủ, đa nguyên, đa đảng là gì? Đó chỉ là âm mưu thủ đoạn diễn biến hòa bình của đế quốc và kẻ thù giai cấp. Chúng sẽ lợi dụng dân chủ để đánh vào nội bộ đảng, vào uy tín của đảng.
Đa nguyên đa đảng có nghĩa là các thế lực khác, kể cả bọn phản động tay sai đế quốc, ngụy quân ngụy quyền trước đây sẽ vùng dậy để tranh giành quyền lãnh đạo với đảng. Trong lúc đảng ta đang gặp khó khăn về lãnh đạo kinh tế, xây dựng đất nước trong thời bình, kẻ thù sẽ lợi dụng khoét sâu các khuyết nhược điểm của đảng, kích động nhân dân chống lại đảng. Từ đó đảng sẽ mất dần vai trò vị trí mà cán bộ, đảng viên đã tốn bao nhiêu xương máu mới giành được. Thế cho nên việc chủ trương đa nguyên đa đảng là một sai lầm và cực kỳ nguy hiểm. Vì thế, trung ương đảng đã sáng suốt kịp thời xử lý Trần Xuân Bách như chúng ta vừa biết.
Đó chính là sự vững vàng kiên định của đảng. Trong nhiều giai đoạn lịch sử, chính sự vững vàng kiên định này đã giúp đảng vượt qua bao thử thách sóng gió. Chúng ta phải hết sức tin tưởng và chấp hành sự lãnh đạo sáng suốt của trung ương đảng. Đồng chí Chinh Ba, đồng chí là ai? Một đảng viên lâu năm, một người lính, một cán bộ quân đội đã qua rèn tuyện thử thách trong chiến đấu máu lửa. Bây giờ đồng chí tin ai, nghe ai? Tỉnh ủy hay một số người bên hội nhà văn? Đồng chí hãy suy nghĩ đi và trả lời cho đảng rõ. Đảng sẽ có thái độ đối với đồng chí.
Bí thư đảng bộ của học viện quân sự, cơ quan chủ quản của Chinh Ba được mời dự cuộc họp này và đã được hội ý trước, nhận ý đồ chỉ đạo của tỉnh ủy. Ông nói:
- Tôi biết đồng chí Chinh Ba là một đảng viên, một cán bộ quân đội có nhiều thành tích trong chiến đấu ở chiến trường Tây nguyên và có nhiều huân chương, huy chương. Hiện nay đồng chí là một cán bộ giảng dạy gương mẫu của học viện quân sự. Học viện quân sự tuy là một cơ quan quân đội trực thuộc trung ương nhưng đóng trên địa bàn tỉnh, về mặt đảng, chịu sự lãnh đạo của tỉnh ủy. Lâu nay, mối quan hệ giữa học viện và tỉnh ủy rất tốt nhưng chính vì trường hợp của đồng chí Chinh Ba mà có thể học viện sẽ sứt mẻ uy tín và mối quan hệ này gặp khó khăn.
Tôi không phân tích vấn đề về mặt lý luận. Đồng chí phó bí thư tỉnh ủy đã nói rồi. Tôi chỉ hỏi đồng chí Chinh Ba, nếu có đa nguyên, đa đảng, bọn phản động tay sai đế quốc, những kẻ mà trước đây chính đồng chí đã cầm súng tiêu diệt họ, những kẻ đó nắm được chính quyền, chúng có tha cho đồng chí, có sử dụng đồng chí không hay chính đồng chí sẽ là một trong những người chúng tiêu diệt đầu tiên? Dừng mơ hồ về luận điệu hòa giải hòa hợp dân tộc của chúng. Đây là kẻ thù giai cấp. Không hòa hợp được đâu. Bản thân đồng chí, gia đình đồng chí có lợi lộc gì khi chúng cầm quyền? Đồng chí hãy nghĩ đi và nghiêm túc kiểm điểm về sai lầm của mình.
Yên Trung, người bạn khá thân thiết của Chinh Ba, là cán bộ của ban tuyên huấn tình ủy cùng dự cuộc họp này. ý kiến của Yên Trung làm Chinh Ba hơi ngạc nhiên. Anh ta nói:
- Rất thân và đã nhiều lần chuyện trò với Chinh Ba, tôi biết đồng chí là người có tâm huyết, tâm huyết với đảng, với dân tộc, với sự nghiệp chung. Chinh Ba đã có tư tưởng cấp tiến nhưng cấp tiến không phải là đi ra khỏi, đi ngược lại đường lối của đảng.
Gần đây đồng chí đã đi quá đã và nguyên nhân chính là do một số người bên hội nhà văn tác động. Tôi cũng đã tiếp xúc với họ nhiều và tôi biết rõ họ.
Minh Hương là ai? Anh ta là văn nghệ sĩ miền Bắc tình nguyện vào Nam chiến đấu. Anh ta có tài, có thành tích nhưng do nguồn gốc xuất thân là tiểu tư sản trí thức, sau 75 chịu nhiều ảnh hưởng của anh em văn nghệ sĩ miền Nam nên tư tưởng có giao động. Vả lại anh ta rất kiêu ngạo, tự cho mình có tài, có tâm huyết, khinh thường sự lãnh đạo của đảng, đặt mình lên trên tổ chức đảng. Anh ta đã đi chệch hướng vào con đường dân chủ tư sản, lại mang nặng óc tự tôn, bè phái như đồng chí trưởng ban tuyên huấn trung ương đã có chỉ ra và hiện nay đang sa lầy. Còn Hoài là một tay có nhiều vấn đề, lại rất cực đoan, manh động, có kinh nghiệm xách động quần chúng trong phong trào đấu tranh ngày trước và đã thể hiện rõ quan điểm tư sản. Anh này là một nhân vật nguy hiểm phải cảnh giác.
Một số anh em khác, gọi là nòng cốt của hội nhà văn, phần lớn đều là những kẻ bất mãn cá nhân. Người thì không có địa vị, người không được kết nạp đảng, người tự do phóng túng, đều muốn thoát khỏi sự lãnh đạo của đảng. Tự do tư tưởng, tự do sáng tác là những con dao hai lưỡi mà số này đã lợi dụng để chống lại đảng.
Tôi đề nghị đồng chí Chinh Ba xem xét lại mối quan hệ với họ và phải dứt khoát ngay với những ảnh hưởng mà họ đã chi phối đồng chí trong thời gian gần đây. Đó chính là sự tự cứu của đồng chí.
Trưởng ban kiểm tra đảng phân tích vấn đề trên một khía cạnh khác:
- Nhưng việc làm của đồng chí Chinh Ba vừa rồi đã vi phạm nguyên tắc đảng và pháp luật của nhà nước. Là đảng viên sao đồng chí không chấp hành quyết định của đảng về việc xử lý Minh Hương, Hoài và chỉ định chủ tịch mới của hội nhà văn? Cá nhân phải phục tùng tổ chức. Cấp dưới phục tùng cấp trên. Đồng chí quên nguyên tắc sơ đắng đó rồi sao? Dân chủ phải có lãnh đạo chứ. Đâu có thứ dân chủ cực đoan, vô tổ chức như vậy. Mới rồi đồng chí có ký tên và đóng dấu vào các văn bản của ban trù bị đại hội. Ai công nhận, ai cho phép đồng chí làm việc đó? Nội chuyện lạm dụng danh nghĩa và con dấu của hội nhà văn, đồng chí cùng đủ bị truy tó ra tòa rồi.
Sau chiều ý kiến phân tích khác suốt ba giờ đồng hồ, cuối cùng trưởng ban tổ chức đảng kết luận:
- Đồng chí Chinh Ba đã nghe hết mọi khía cạnh của vấn đề. Tôi tin đồng chí đã hiểu rõ. Bây giờ chúng tôi yêu cầu đồng chí làm hai việc sau: Một là viết bản kiểm điểm nhận khuyết điểm của mình theo tinh thần mà cuộc họp hôm nay đã phân tích. Hai là tuyên bố rút lui ra khỏi ban trù bị đại hội, viết bằng văn bản và chúng tôi sẽ giúp đồng chí công bố trên báo, đài và gởi đến hội viên hội nhà văn. Nếu đồng chí không thực hiện hai điều này, đồng chí sẽ bị xử lý kỷ luật và tôi tin rằng mức độ kỷ luật không nhẹ đâu. Trong trường hợp này đảng sẽ rất kiên quyết và cứng rắn. Hãy xem trường hợp của Trần Xuân Bách, uỷ viên bộ chính trị mà còn thế. Đồng chí cũng chưa là gì ghê gớm đâu. Chúng tôi cho đồng chí hai ngày để làm hai việc này và báo cáo với ban tổ chức.
Suốt cuộc họp, Chinh Ba bị giao động dữ dội. Không phải anh hoàn toàn tán đồng với họ và bị khuất phục về mặt lý luận. Anh đã từng suy nghĩ nhiều về những vấn đề này. Công cuộc cải tổ ở Liên xô có sai lầm không? Dân chủ và đa nguyên phải chăng chỉ là âm mưu, thủ đoạn của đế quốc và kẻ thù? Nếu đảng thực sự vững mạnh, có lòng tin của nhân dân, đảng sợ gì dân chủ, đa nguyên, đa đảng? Thế nào là dân chủ có lãnh đạo và lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ? Đảng sai lầm có phải sửa chữa không? Minh Hương, Hoài và một số anh em cấp tiến bên hội nhà văn phải chăng là những kẻ đã ăn bả tư sản, đang trên con đường chống lại đảng? Anh nghỉ nhưng không dám nói lại. Chính viễn cảnh về việc bọn phản động giành được chính quyền và nhất là việc anh sẽ bị xử lý kỷ luật nếu không chấp hành chỉ thị của tổ chức đã làm anh khiếp đảm. Anh không chịu nổi sự thử thách đó.
Sau cuộc họp, Chinh Ba về qua hội nhà văn để báo lại tình hình cho Minh Hương, Hoài và Hà Sĩ Phu về cuộc họp như đã thống nhất với ba anh. Anh thuật lại nội dung cuộc họp và nói ý kiến sau cùng:
- Tôi sẽ suy nghĩ thêm nhưng tôi chắc sẽ phải chấp hành ý kiến của tổ chức thôi. Các anh thông cảm cho tôi. Tôi không thể nào làm khác được.
Anh cáo từ ra về, viện cớ trời tối, không nán lại nghe ý kiến của ba anh. Anh sợ bị họ tác động sẽ làm anh thêm khó xử. Anh nói sẽ suy nghĩ thêm nhưng thực ra anh đã quyết định rồi. Minh Hương, Hoài và Hà Sĩ Phu cũng đã cảm thấy điều đó. Ba anh trao đổi thêm và quyết định dù sao ngày mai cũng phải đến gặp Chinh
Ba một lần nữa để trao đổi thêm dù không có mấy hy vọng. Quả nhiên như thế. Sự thử thách này vượt quá sức của Chinh Ba cũng như của không ít người khác.

<< 16. Dân chủ và quyền lực | 18. Ân tình và khổ lụy >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 722

Return to top