Hàn Thanh nói xong câu chuyện của anh và Đà Đà.
Trong cái gạt tàn thuốc trên bàn, đã chất đầy đầu mẩu thuốc, khói thuốc tiếp tục tan loãng trong không khí, thời gian đã là tảng sáng mồng một tháng tám.
Người anh dựa vào chỗ sâu của ghế tựa, đầu anh ngửa lên, mắt vô thức nhìn trần nhà của thư phòng tôi. Trên trần nhà ấy lắp một dãy kính màu, bên trong lọt qua ánh đèn. Nhưng, tôi biết anh không nhìn kính màu, anh ngửa đầu, là bởi vì giọt nước mắt đang lăn trong mắt anh, nếu anh cúi xuống, nước mắt sẽ chảy xuống.
Trong nhà lặng lẽ một thời gian khá dài. Trên giấy bản thảo của tôi ghi lộn xộn câu chuyện của anh. Anh khiến bút tôi vạch không ngừng trên giấy, chỉ vì tôi không thể ngăn nổi mắt mình ươn ướt.
Một lúc sau, tôi nghĩ, hai chúng tôi đều tương đối bình tĩnh. Tôi ngước nhìn anh, trải qua câu chuyện dài, cảm giác xa lạ đã không tồn tại. Anh lắc đầu, cuối cùng không che giấu nước mắt nữa, anh dùng mùi xoa chùi mắt. Tôi chú ý đến một góc mùi xoa, thêu hai chữ “Đà Đà”.
- Mỗi chiếc mùi xoa của anh đều có cái tên này? – Tôi hỏi.
- Vâng.
Tôi thở dài. Không biết nên hỏi những gì nữa. Trên thực tế, câu chuyện của Hàn Thanh kể hết sức lộn xộn, thường thường do một liên tưởng nào đó, mà đem đầu đề câu chuyện từ “giai đoạn” đang nói, nhảy sang một “giai đoạn” khác. Do đó thời gian, sự kiện, và địa điểm, thậm chí nhân vật đều có phần lẫn lộn. Mà lúc đang kể chuyện, anh từng nhiều lần cắn môi, ngẩng đầu nhìn trần nhà (bởi nước mắt lại đến), mà lời kể ngừng lại. Tôi rất ít chen vào, rất ít hỏi điều gì, chỉ để anh nói. Lúc anh không nói tiếp được, tôi liền dựa trong ghế tựa, lặng lẽ đợi anh qua được cơn đau khổ.
Kết cục của câu chuyện, là tôi sớm đã biết, lại nghe anh nói một lần, khiến tôi càng thương xót. Tôi than thở với anh:
- Ung thư gan, tôi quả không tin một người trẻ tuổi lại mắc ung thư gan!
- Tôi vẫn cứ cho là viêm gan, Tiểu Phương cũng cho là viêm gan – Anh nói, chớp chớp đôi mắt đã ướt đầm - Kỳ thực, ngay cả Tiểu Tam Tiểu Tứ đều không biết nàng mắc chứng nan y, chỉ có cha nàng biết, mọi người đều giấu. Lúc tôi đến thăm nàng, tôi nằm mộng cúng không ngờ nổi nàng đã chết! Nằm mộng cũng không ngờ nổi! – Chàng nhấn mạnh lặp lại, tôi tự trádch tôi ngàn ngàn vạn vạn lần, Đà Đà vẫn cứ nhiều bệnh, dạ dày của nàng... tôi dẫn nàng đi chiếu X. quang, so với người bình thường dạ dày nhỏ mất một nửa, mà rủ xuống, cho nên nàng cần phải ăn nhiều bữa. Trong thân thể nàng không có chút sức đề kháng nào, bệnh cúm đến, nàng vẫn là người thứ nhất bị lây... Lúc đó ở Đài Bắc, tôi thường lôi nàng đi khám bác sĩ, vừa dỗ, vừa lừa vừa nói khéo, van xin nàng đi. Chưa từng thấy một người không biết bảo vệ mình như nàng! Nếu nàng sớm chú ý đến thân thể mình, không làm sao có thể bỏ mạng được, nàng quả thực là bị để lỡ, bị bỏ sót. Nếu tôi ở Đài Bắc, nếu tôi ở bên cạnh nàng, nếu tôi không vì mình mà đi miền Nam... – Chàng nghiến chặt răng, từ trong kẽ răng bật ra một câu – Nàng nhất định sẽ không chết! Nàng nhất định sẽ không chết!
- Đừng nghĩ như vậy! – Tôi thử an ủi chàng, trong nhà không khí buồn rầu đã chứa chất quá nặng - Hoặc giả, nàng đi được đúng lúc. Hai mươi bốn tuổi, lứa tuổi đẹp nhất, thanh xuân nhât, đáng yêu nhất. Ra đi, cái lưu lại, là hồi ức đẹp nhất, thanh xuân nhất, đáng yêu nhất.
- Bà nói như vậy, bởi vì...
- Bởi vì tôi không phải là người trong cuộc! – Tôi nói tiếp thay anh, nhìn thẳng vào anh – Sao anh biết tình huống lúc lâm chung của Đà Đà?
- Sau đó tôi đến nhà họ Viên, gặp lại cha mẹ Đà Đà... – Chàng nghẹn ngào – Tôi gọi hai vị ba, má.
Tôi gật đầu, hiểu sâu sắc nỗi đau buồn mất con gái yêu của vợ chồng họ Viên, và tình cảm “yêu nhau yêu cả đường đi” của họ. Họ nhất định biết được trái tim đang rỏ máu của Hàn Thanh giống như của họ.
- Hàn Thanh, chúng ta đều không hiểu được cái chết là gì – Tôi nói – Nhưng tôi nghĩ, Đà Đà nếu chết mà có thiêng, nhất định hy vọng nhìn thấy anh phấn chấn lên, vui vẻ lên mà không phải là nhìn thấy anh suy sụp như thế.
- Bà hiểu được ý tứ, ý niệm đều nguội lạnh hay không? – Anh hỏi.
- À, tôi hiểu.
Anh trầm tư một lát, bỗng bất thần lại hỏi một câu:
- Bà biết bài hát All kinds of everything không?
Không đợi tôi đáp, anh bắt đầu dùng Anh văn hát bài ca:
Muôn sự muôn vật, muôn sự muôn vật
Đều khiến anh nhớ đến em... nhớ đến em!
Anh ngừng lại, lại ngẩng đầu nhìn trần nhà, giọt nước mắt lăn trong mắt.
- Tôi không dám oán hận Thượng đế - Anh nói – Tôi không dám oán hận số mệnh! Tôi chỉ là không hiểu, những chuyện này tại sao xảy ra ở chúng tôi. Năm trước, tôi cùng Đà Đà đi dạo chơi Công ty Bách hóa, nàng ở ao hứa nguyện, cầu nguyện cho ba điều, cho ba đôi chúng tôi. Kết quả, Từ Nghiệp Bình và Phương Khắc Mai tan! Tiểu Vỹ chết đuối, Đinh Hương vào bệnh viện tâm thần. Cuối cùng còn lại một đôi chúng tôi, bây giờ ngay cả Đà Đà cũng ra đi. Ba đôi! Không có một đôi nào đoàn viên! Tại sao như vậy? Tại sao như vậy? Con người, đều sẽ chết, mỗi một người đều sẽ chết! Tôi không khóc vì bà già ở đối diện, tôi không khóc vì thái sư mẫu... nhưng, tôi khóc vì Tiểu Vỹ, tôi khóc vì Đà Đà rời khỏi tôi, vì sự ngờ nghệch không biết gì của lớp người chúng tôi!
Anh càng nói càng khích động, anh không giữ ý rơi lệ trước mặt tôi. Tôi cũng không giữ ý rơi lệ trước mặt anh.
- Hàn Thanh! - Rất lâu tôi mới nói - Đối với sinh mệnh, mỗi một người chúng ta đều ngờ nghệch không biết gì.
- Bà hiểu sinh mệnh không? – Anh hỏi.
Tôi trầm tư và lắc đầu.
- Tôi không bao giờ dám nói tôi hiểu bất kỳ chuyện gì. – Tôi từ chỗ sâu của đáy lòng mình nói ra, thẳng thắn, thành khẩn nhìn Hàn Thanh – Càng đừng nên bàn đến sinh mệnh. Tôi chỉ thấy, bản thân sinh mệnh có thể là một bi kịch, lúc mình không đòi hỏi có sinh mệnh thì nó đến, lúc không muốn đi lại đi Nhưng, - Tôi nhấn mạnh – con người lúc đang sống, vẫn cứ nên sống cho tốt, không vì mình, mà vì những người yêu mình! Bởi vì nỗi đau buồn mà cái chết để lại không thuộc về mình, mà thuộc về những người còn sống còn yêu tha thiết mình! Thí dụ như anh và Đà Đà! Đà Đà đã không còn hay biết gì, anh lại đau khổ như thế!
Anh lại trầm tư. Ý nghĩ của anh thường đang dời chuyển, đang từ một thời không này, chuyển vào một thời không khác, từ chuyện này sang chuyện khác. Bỗng nhiên, anh lại hỏi tôi:
- Bà có sẽ viết câu chuyện này không?
Tôi nghĩ một chút.
- Không biết. – Tôi nhìn bản thảo bên tay – Câu chuyện này mang cho tôi cảm giác rất thê lương, lâu nay, tôi tránh viết bi kịch! Cái đó... đối với bản thân tôi mà nói, là một việc rất tàn nhẫn, bởi vì tôi sẽ sa vào. Nhất là câu chuyện của hai anh chị... Kỳ thực, câu chuyện của hai anh chị rất đơn thuần, không khúc khuỷu, viết ra có thể viết được tốt hay không, tôi không nắm chắc. Mà còn... – Tôi trầm tư, bỗng hỏi lại anh một câu – Anh đã xem tiểu thuyết của tôi chưa?
- Xem rồi, bởi vì xem rồi, mới đến tìm bà. Vẫn cứ thấy được rằng, chỉ có bà mới có thể lĩnh hội sâu sắc tình yêu này.
Tôi gượng cười.
- Cứ coi là, cũng có người đến giúp tôi chứng thực, thế nào là tình yêu. Anh biết, trong tác phẩm của tôi, đó là một điểm thường xuyên bị công kích, rất nhiều người nói, tình yêu dưới ngòi bút tôi toàn là bịa đặt. Còn có rất nhiều người nói, tôi đem tình yêu tả quá đẹp, quá mạnh mẽ, cho nên không hiện thực. Vài năm nay tôi đã rất mệt nhọc đi tranh biện với người khác về tình yêu có tồn tại hay không. Mà anh lại mang cho tôi một câu chuyện mạnh mẽ thắm thiết như thế.
- Vâng. – Anh nhìn tôi, ánh mắt thiết tha – Tôi không chỉ đích thân đến kể với bà, mà ngay cả nhật ký của tôi... Một cái tôi chân thực nhất, tốt có, xấu có, các phương diện, đều hiện ra trước mặt bà. Còn có những thư này, tôi có thể giữ thư tôi viết cho Đà Đà, là bời vì mối quan hệ với Phương Khắc Mai. Đà Đà không dám mang thư về nhà, đều gửi nhờ chỗ Tiểu Phương. Sau khi Đà Đà chết, Tiểu Phương đem chúng giao cho tôi. Cho nên, bà có cả tư liệu của đôi bên chúng tôi.
Tôi vẫn do dự.
- Bà còn có điều e ngại gì không?
- Không phải là vấn đề của anh, là vấn đề của tôi. – Tôi nói, thử muốn để anh hiểu nỗi khó khăn và tâm trí của tôi lúc này - Một vài năm nay, câu chuyện của tôi thường chấm dứt ở giai đoạn người cuối cùng thành quyến thuộc. Trên thực tế, câu chuyện của loài người, không phải là “cuối cùng thành quyến thuộc” liền chấm dứt. Giữa nam nữ từ gặp nhau, đến yêu nhau, đến kết hôn, có thể chỉ có mấy năm ngắn ngủi. Mà nam nữ sau khi kết hôn, muốn đi chung một con đường dài dằng dặc, dài đến mấy chục năm. Trong khoảng mấy chục năm đó, bao nhiêu sóng gió sẽ đẻ ra, bao nhiêu câu chuyện sẽ đẻ ra. Có một số người trong sóng gió trăm năm đầu bạc, cũng có một số người trong sóng gió mỗi người một ngả. Nhưng, câu chuyện viết đến cuối cùng thành quyến thuộc liền chấm dứt, là chấm dứt ở một giai đoạn tốt đẹp nhất. – Tôi chăm chú nhìn anh – Anh hiểu không?
Chàng lắc đầu.
- Không hiểu cho lắm.
- Câu chuyện của anh và Đà Đà... – Tôi tiếp tục nói - khiến tôi cảm động. Ở thời đại hiện nay, còn có một đôi người trẻ tuổi, yêu được long trời lở đất như vậy, tôi quả thực rất cảm động. Chỉ là, tôi rất sợ viết bi kịch, tôi rất sợ viết chết chóc, bởi vì trong tất cả mọi bi kịch, chỉ có chết chóc là không thể bù lấp được! Câu chuyện của hai anh chị, khiến tôi rất khổ tâm, là.. – Tôi rất nhấn mạnh nói – nó chấm dứt ở chỗ không nên chấm dứt!
Anh ngước mắt nhìn tôi, trong mắt bỗng tràn đầy tự tin. Anh mạnh mẽ, rất sôi nổi nói:
- Nó tuy chấm dứt ở chỗ không nên chấm dứt, nhưng nó bắt đầu ở chỗ đáng bắt đầu! Quen biết Đà Đà, yêu Đà Đà, tuy mang lại cho tôi đau khổ rất sâu sắc, nhưng tôi suốt đời không hối hận!
Tôi ngạc nhiên nhìn anh, bị nhiệt tình mạnh mẽ của anh hoàn toàn làm cảm động.
- Được! Tôi sẽ thử xem! - Cuối cùng tôi nói – Dù sao chăng nữa câu chuyện này làm tôi rất cảm động, quá cảm động! Tôi nghĩ, tôi sẽ nghiêm chỉnh suy tính việc viết nó. Nhưng... – Tôi trầm ngâm một chút - Tại sao phải viết lại? Tại sao bản thân anh không viết?
- Bà cho rằng tôi trong thứ tâm tình này, có thể viết ra một chữ được ư? – Anh hỏi lại tôi, chăm chú nhìn tôi – Bà nhớ được hoa bông gạo của Đà Đà không?
- Có.
- Cô ấy vẫn cứ muốn viết một cuốn sách, viết về sinh mệnh, viết về hoa bông gạo. Cô ấy không thể viết gì được nữa, mà hoa bông gạo năm năm vẫn như cũ. Tôi chỉ muốn nhờ bà, vì tôi, vì Đà Đà, viết một chút gì, tựa như hoa bông gạo.
- Hoa bông gạo. – Tôi trầm ngâm – Ngoài cửa sổ phòng tôi có ba cây bông gạo. Rất cao rất lớn.
- Tôi nhìn thấy rồi.
- Nhưng, hoa bông gạo của hai anh chị đại biểu cho cái gì?
- Đà Đà nói nó có sức sống. Tôi thấy được rằng, hoa diễm lệ như vậy, nở ở trên cành cây trần trụi, có một thứ đẹp thê lương, đẹp bi tráng.
Thật thế ư? Tôi trầm ngâm, đi đến trước cửa sổ, tôi kéo màn cửa sổ ra. Trong sắc đêm, ba cây bông gạo sừng sững, đó chính là mùa lá biếc lòa xòa, lá rậm rạp đầy cây, lay lắc. Dưới ánh đèn đường phố chiếu, mỗi cành mỗi lá, đều tựa hồ xanh tốt vô cùng, dồi dào vô cùng.
- Hoa bông gạo rất kỳ lạ, nó nở hoa trước, đợi bông hoa đều tàn lá mới liền ló ra – Tôi nhìn ba cái cây nghĩ ngợi – Đà Đà của anh, hoặc giả cũng là đóa hoa bông gạo, sau khi tàn héo, vẫn không đại biểu cho sự chấm dứt của sinh mệnh. Bởi vì lá của cây bông gạo, đều phải đợi sau khi hoa tàn mới lại mọc ra, sự xanh tốt của cây, đều là sau khi hoa tàn mới đến.
Anh nhìn tôi, nghi ngờ.
- Thật thế ư? Đà Đà chỉ là một cô cái không tên tuổi, dù cho thông minh thế nào, có tài hoa thế nào, cô ấy không lưu lại bất kỳ cái gì! Tôi tìm không ra lá thuộc về cô ấy! Cô ấy là như vậy, tàn héo rồi, không còn gì nữa.
- Thật thế ư? – Tôi nhìn anh, hỏi lại – Xem chừng, anh đem đề tài này giao cho tôi ư? Được rồi, để chúng ta cứ thử xem, xem có thể vì Đà Đà lưu lại một số cái gì, dù chỉ là vài chiếc lá!
Anh nhìn tôi, hết sức chân thật, hết sức thành khẩn, mà anh còn bình tĩnh lại.
- Cám ơn bà! – Anh nói.
Lúc anh cáo từ sắc trời đã mờ mờ sáng. Tôi tiễn anh ra cổng, nhìn cái bóng cô độc của anh, nhịn không nổi tôi hỏi một câu:
- Về sau chuẩn bị làm những gì?
- Về sau? – Anh ngoẹo đầu nghĩ một chút, bỗng mỉm cười, đó là cái mỉm cười đầu tiên suốt đêm hôm ấy – Lúc tôi có năng lực, thể nào cũng có một ngày, tôi sẽ đi Paris, đi đại lộ Champs-Élysées, đến điện Louvres, đến khu Latin... Sau đó, tôi sẽ nói: Đà Đà, anh cuối cùng đã mang em đến!
Anh đi. Đi cho được thanh thản.
Tôi còn đứng trong vườn hoa một lúc, phát hiện có vài bông hoa hồng sa mạc khô héo. Tôi máy móc đi lại, hái đi bông hoa đã tàn ấy, trong lòng mông lung ùa đến câu trong bài từ nổi tiếng của Lý Hậu Chủ:
Lâm hoa tạ liễu xuân hồng, thái thông thông (hoa rừng tàn tạ xuân hồng, vội vàng sao)
Vô nại triêu lai hàn vũ, vãn lai phong (Đoạn đành mưa lạnh đến sớm, gió đêm thâu)
Yên chi lệ, tương lưu túy, kỷ thời trùng? (Lệ phấn son, say nán lại, bao thuở trùng phùng)
Tự thị nhân sinh trường hận thủy trường đông. (Tựa đời người hận dài nước chảy dài về đông. )
Mắt tôi lại ươn ướt. Đời người là như vậy. Sao lại trách tôi vẫn cứ lặp lại những câu chuyện giống nhau? Nỗi buồn đau và bất lực của người trước, ở ngày nay của thời hiện đại, há chẳng phải là cũng tồn tại lặp lại như vậy hay sao? Há chẳng phải sao?
Tôi đi vào trong nhà, để sự ấm áp của cả ngôi nhà bao vây lấy tôi, con người, nên vì những người yêu mình sống cho tốt, nhất định, nhất định, nhất đinh.
Bản thảo đầu hoàn thành khuya ngày 7.9.1982 ở Khả Viên, Đài Bắc.
Sửa lại khuya ngày 10.9.1982 ở Khả Viên, Đài Bắc.
Sửa lại lần nữa chiều ngày 15.9.1982 ở Khả Viên, Đài Bắc.