Trong một buổi giảng về tâm lý học, ông giáo sư đột nhiên cầm một tờ giấy trắng đưa lên cao và hỏi các sinh viên: “Các anh nhìn kỹ tờ giấy này rồi cho tôi biết các anh thấy gì?”. Cả lớp đồng thành đáp: “Có một nốt mực đen nho nhỏ ở giữa tờ giấy”. Ông giáo sư mỉm cười nói: “thì đúng thế, quả thật ở giữa tờ giấy trắng này có một vết mực đen nhỏ, nhưng tại sao các anh lại chú ý đến vết mực bé nhỏ mà không để ý đến những khoản trắng tinh của tờ giấy, mà chính những khoản trắng này mới là phần lớn hơn?”. Thưa anh, có phải riêng gì mấy cậu sinh viên này mới có cái nhìn bi quan như thế đâu. Phần đông chúng ta cũng đều có cái thói quen tai hại ấy. Bởi thói thường những màu đen, màu xậm dễ làm cho chúng ta chú yứ hơn những màu tươi sáng. Do đó, lắm người luôn luôn bực dọc, buồn rầu, lo sợ, bất mãn để rồi đâm ra chán đời, yểm thế. Đi xem hát họ bực dọc vì chiếc ghế ngồi không êm ả trong khi đó, họ quên thưởng thức vở kịch rất ý nhị đang diễn ra trên sân khấu. Bực. Đọc một quyển sách y học, trong đó kể lại một cách tỉ mỉ, triệu chứng các căn bệnh họ đâm ra hốt hoảng vì nhận thấy trong người có một vài triệu chứng của một căn bệnh nào đó, trong khi ấy họ quên rằng có hằng trăm căn bệnh nguy hiểm khác trong sách có kể mà họ đã thoát khỏi vì không hề có một triệu chứng nào cả. Sợ. Là đoàn viên của một tổ chức mà họ rất tán thành tôn chỉ và cũng rất tín nhiệm công việc làm của cấp chỉ huy, nhưng rồi lật bật họ cũng xin rút tên ra khỏi đoàn thể chỉ vì bất đồng ý kiến với một nhân viên nào đó trong ban quản trị. Hỏng. Đời đã không có gì toàn thiện, toàn hảo, một khi chúng ta bắt chước con chim cú, híp đôi mắt mắt lại trước ánh sáng, tất nhiên chúng ta chỉ thấy đời đen tối, không có một người nào đáng cho chúng ta tin, một vật nào đáng cho chúng ta quý, một việc nào đáng cho chúng ta làm, một lý tưởng nào đáng cho chúng ta theo. Người bi quan định nghĩa: Mặt trời là một tính tú tạo ra… bóng tối, hoa hồng là một giống hoa… có gai, con người là… con chó sói đối với người, khoa học là cha đẻ ra… bom nguyên tử, tôn giáo chỉ là thuốc phiện… ru ngủ tâm hồn. Họ cũng có lý phần nào đấy. Song như thế có ích gì cho họ? Hay chỉ tổ làm cho họ thêm chán nản, mất lòng tin, mất hy vọng, chán đời. Người lạc quan có thể định nghĩa khác: Mặt trời là môt tinh tú tạo ra… ánh sáng, hoa hồng là một giống hoa… thơm, con người là Đức Thích Ca, lành thánh Vincent de Paul, là Gandhi, khoa học đã tạo ra… điện lực, tôn giáo là… thuốc bổ cho những tâm hồn mệt mỏi. Và như thế họ đặng giàu thêm hăng hái, thêm tin tưởng, thêm vui sống, những động lực thúc đẩy họ đến thành công. Bởi thế trong khi nhà trường bỏ quên không nhắc nhở nó, thì khoa học “đắc lực” luôn luôn để cao tính lạc quan, yêu đời, cho nó là một đức tính quan trọng và khuyên chúng ta phải luôn luôn lạc quan, bất luận ở đâu và trong lúc nào. Lạc quan trước hết là một thái độ của tinh thần. Chỗ khác nhau giữa một người lạc quan và một người bi quan là ở nơi gốc cạnh nào họ đã phóng tầm mắt mà nhìn đời. Người bi quan có một tinh thần tiêu cực, lúc nào họ cũng sẵn sàng để nhìn thấy cái mặt trái, cái mặt đen đúa và xấu xa nhất của sự vật. Họ nhìn đời bằng cặp mắt chim cú, chỉ trông thấy trong bóng tối và nhắm đôi mắt lại trước ánh sáng. Người lạc quan nuôi một tinh thần tích cực, lúc nào cũng chờ đợi một cái gì hay, một cái gì tốt. Họ nhìn đời bằng cặp mắt của cong người, mở ra khi ánh sáng chiếu tỏ và nhắm mắt lại trước đêm tối. Anh sẽ bảo không dám nhìn vào sự thật như thế là hèn nhát, là không thiết thực ư? Không, sự thực là khi chúng ta đã tập đặng cái tinh thần tích cực ấy rồi, thì tự nhiên chúng ta sẽ thấy nổi bật lên những điểm đáng cho chúng ta lạc quan thật. Tuy khoa học chưa hoàn toàn giải thích nổi song các nhà tâm lý học nhận thấy điểm này: Tư tưởng chúng ta có một đặc tính là phản chiếu lại những gì nó tỏa ra. Nói một cách cụ thể đời là một tấm gương soi, đứng trước tấm gương, nếu anh nhăn nhó, mếu máo, thì trong gương nét mặt anh cũng nhăn nhó mếu máo. Còn ngược lại nếu anh cười tươi trong gương nét mặt anh cũng tươi cười theo. Nếu anh chỉ nói, chỉ nghĩ đến thành công, hạnh phúc, anh sẽ đặng thành công, hạnh phúc thật. Nếu anh lo ngại thất bại, sợ tai họa, thì tai họa, thất bại sẽ đến với anh. Điều này ông bà ta ngày xưa nhờ kinh ngiệm cũng đã nhận thấy nên khi mở hiệu buôn chỉ chọn những tên hiệu rất lạc quan như: Đại Lợi, Hưng Thịnh, Phúc Lợi, còn khi xuất hành hễ ai nói chìm ghe, xe lật thì các cụ rầy to vì sợ xui xẻo. Ngày nay tâm lý và y học giải thích: Những tư tưởng hắc ám làm kiệt quệ các quan năng tinh thần và thể chất. Trong quyển “Con Đường Hạnh Phúc”, bác sĩ V. Pauchet viết: “Các quan năng thể chất hoặc tinh thần của chúng ta trong cơ thể, có thể bị những tư tưởng tiêu cực như bực tức, oán thù, ghen tị, lo âu, buồn bã, sợ sệt làm sai lệch”. Mà một khi cơ thể làm việc không điều hòa thì chúng ta cũng làm việc lấp vấp, cũng hư hỏng. Những người lái xe vừa bị đụng xe có thể tay lái không còn đặng vững vàng như trước. Như anh thấy đấy, theo kinh nghiệm cổ truyền, hay theo khoa học, chúng ta chẳng có ích lợi gì nuôi những ý tưởng tiêu cực. Tính bi quan chỉ tổ làm hại chúng ta thôi. Đừng nhìn đời bằng cặp mắt cú mèo nữa. Hãy mở to mắt trước những gì xán lạng, tươi đẹp mà đời hiến cho chúng ta.