Tôi không rõ anh có quan tâm đến khoa học vạn vật chăng? Nếu có, hẳn có dịp anh tìm ra nhiều nhận xét vừa lý thú vừa bổ ích. Đại để hẳn anh đã biết loại người thuộc ngành động vật, tất nhiên có nhiều điểm giống các loài vật và giống cả cây cỏ thuộc ngành thực vật. Chỗ giống là: Cũng sanh cũng nở, cũng lớn cũng tàn, cũng già rồi cũng chết. Tuy nhiên con người không giống con vật hoặc cây cỏ ở nhiểu điểm, thí dụ ở hai điểm sau đây: 1. Tầm vóc của con người không thể đo lường bằng thước hoặc bằng cân. Nói một cách khác, không ai đo lường giá trị con người theo tầm vóc của họ. Trong loài vật con chuột gặp con mèo thì lấm lét, con mèo gặp con hổ thì chỉ có nước chay . Nhưng trong thế giới loài người, hẳn anh đã biết có những tấm thân bồ tượng lại phải tuân răm rắp theo mạng lịnh của những người nhỏ nhít như chuột.
2. Tầm vóc con người không bị chỉ định trước. Nói một cách khác giá trị con người không hoàn toàn bị lệ thuộc bở huyết thống, bởi hoàn cảnh xã hội hay gia đình. Trong vạn vật, giống nào sinh ra giống ấy. Một cây sậy không có hy vọng trở thành cây đa. Một con muỗi suốt đời là một con muỗi, không có cách gì biến thành con hổ. Và ngược lại cũng thế. Nhưng còn người thì khác hẳn. Con sãi ở chùa không mãi quét lá đa đâu. Con một bác thợ rèn rất có thể bước lên bậc tể tướng, và con một bậc tể tướng có thể suy đồi để trở thành con một “ma cô”. Những nhận xét trên đây dẫn đến kết luận này:
Một: tầm vóc của chúng ta tùy thuộc ở chúng ta. Chúng ta muốn vươn mình để trở nên to lớn như con hổ cũng đặng mà muốn thu mình để biến thành con muỗi cũng đặng. Đó là tùy SỨC CỐ GẮNG RIÊNG CỦA CHÚNG TA.
Hai:Không phải sự khác nhau về thể chất mà chính là sự khác nhau ở SỨC CỐ GẮNG nầy đã làm cho một người TO hay BÉ, CAO hay THẤP. Không phải những nhân vật như Churechill, Bửu Hội, Ford hay Gorki nhờ có bộ não cân nặng 3kg mà họ là những người hộ pháp trong địa hạt chính trị, khoa học hay văn chương. Khoa giải phẩu cho biết: trung bình mỗi người trong chúng ta đều có bộ não cân nặng 1kg 150 gờ ram. Nhưng có người chỉ dùng độ 5 % bộ não của họ, trong khi đó có người khác dùng đến 90%. Có những người suốt đời không dám nhận lãnh một công việc khó khăn, hoặc đeo đuổi một công việc khó khăn đến cùng. Lúc bé sống nhờ cha mẹ, lúc lớn lên họ sống nhờ bà con, nhờ chính phủ. Họ không hiểu rằng TẦM VÓC CỦA HỌ LÀ TÙY THUỘC NƠI HỌ. Vì thế nếu họ không may mắn gặp một vị ân nhân nào “thổi” cho họ lớn lên thì suốt đời họ cam chịu là trẻ con. Thưa anh, những nhận xét trên đây đem lại cho chúng ta một nguồn an ủi và một niềm hy vọng vô tận. Nếu hiện giờ chúng ta còn là cây sậy, cọng lau trong cái rừng người, có ai ngăn cản chúng ta nuôi nhiều cao vong, mỗi ngày mỗi học thêm, mỗi ngày mỗi làm một việc khó khăn hơn, mỗi ngày mỗi sống “đắc lực” hơn để rồi sẽ trở nên những cây đa, những cây cổ thụ?