Người ta kể chuyện nhạc sĩ trứ danh J. Brahms thỉnh thoảng lại khủng hoảng về tinh thần. Lâu lâu ông sanh chứng chán nản, gác bỏ hết mọi công việc sáng tác. Một hôm, một người bạn gặp ông trong tình trạng ấy liền mời ông đi dạo ven bể để hóng gió. Vừa đi ông vừa ngỏ tâm sự:
- Âm nhạc đã đến cái mức cùng tận của nó. Tất cả những gì hay, đẹp về âm nhạc đều đã có người làm rồi. Chúng ta còn gì nữa đâu để làm?
Người bạn kéo ông đi gần bờ bể và nói:
- Anh hãy nhìn mặt bể, đây là lượn sóng cuối cùng đang lăn mình giẫy chết trên bãi cát.
- Vô lý, sao lại là lượn sóng cuối cung?
- Thì âm nhạc cũng thế, sao lại có thể nói nó đã đến cái mức cùng tận?
Đã có bao nhiêu người toan tính việc kia việc nọ, nhưng rồi họ không có can đảm để thực hiện những dự định đó vì họ thấy những việc đó người khác đã làm trước họ. Rồi họ chán nản: “Người ta đi trước mình, họ đã đến mức cùng tận! Chúng ta có tài gi làm hơn?”. Nghĩ thế nên bao nhiêu người đã đầu hàng trước cuộc chiến.
Cái hay của khoa học “đắc lực” là nó dạy cho ta biết không có một ý tưởng nào, một phương pháp nào, một công trình nào, hoặc một công cuộc doanh nghiệp nào đã đến cái mức cùng tận. Một sự cải cách này có thể dẫn dắt đến một sự cải cách khác, một kỷ lục này vừa lập có thể bị kỷ lục khác phá đi. Cái mà hôm nay chúng ta cho là “hay” là “tột bực”, ngày mai rất có thể trở nên “dở” hoặc “đã bị vượt qua”.
Cách đây 30 năm khi lực sĩ Jean Bouin chạy 5.000 thước trong 14 phút 36 sao, giới thể thao đã cho rằng sức người chỉ chạy đến mức thế là cùng. Nhưng ở thế vận hội vừa qua, “chiếc đầu máy xe lửa” E. Zatopeck đã chạy trong 14 phút 6 sao.
Cách đây ngót 20 năm, khi chiếc máy bay một động cơ của Ch. Lindbergh từ New York đáp xuống phi trường Bourget ở Paris, phi công Lindbergh được dân chúng đón tiếp như một anh hùng đã lập được kỳ công.
Ngày nay, mỗi ngày có hằng trăm hành khách của con đường hàng không New York, Paris đáp xuống phi trường Orly mà không được ai để ý đến. Vượt đại tây dương bằng máy bay ngày nay đã là một việc thường.
Không những ở địa hạt cơ giới, khoa học và doanh nghiệp mà ở địa hạt tư tưởng hay nghệ thuật cũng thế, không biết đâu là mức cùng tận. Bởi tin như thế nên những nhà khoa học, những nhà tư tưởng, những nhà doanh nghiệp luôn luôn làm việc, luôn luôn tìm tòi, và luôn luôn chúng ta hưởng đặng những ân huệ của tiến bộ: đó là công trình của những người “đắc lực”, những người không bao giờ chịu rin rằng “cái mức cùng tận”.