Trong việc học hành cũng như trong việc làm ăn, có lúc chúng ta thấy hăng hái, phấn khởi, làm việc không thấy mệt. Cũng có lúc chúng ta thấy dã dượi, chán nản, tay chân như muốn rã rời…
Thường khi gặp những lúc phải “qua truông” “leo dốc” ấy lắm người đã dừng chân, bỏ cuộc.
Đọc lại tiểu sử những người đã làm nên trên đời, chúng ta thấy họ cũng không phải may mắn gì hơn chúng ta. Họ cũng đã trải qua những giờ đen tối…
Đã sáng chế đặng chiếc máy khâu, ông Elias Howe không tìm được người mua. Ông cam chịu túng thiếu trong 10 năm. Để nuôi gia đình ông phải đi làm thợ máy xe lửa. Trong 10 năm ấy chắc ông cũng đã thấy mệt mỏi và chán nản lắm chứ. Nhưng ông vẫn nhẫn nại, tiếp tục công việc, và sau có người ra vốn lập xưởng để khai thác công cuộc phát minh ấy, ông mới làm giàu và nổi tiếng.
Nếu anh nặn óc moi tim viết ra những vở kịch rất có giá trị, nhưng không hạp với sở thích người đồng thời, họ bỏ rơi anh, chắc anh chán nản lắm chứ?
Nhà soạn kịch có tiếng của nước Anh Shakespeare đã gặp trường hợp ấy. Những bi kịch đầu tiên của ông soạn đều bị những văn hữu cho rằng nó cao quá không hợp với tâm trí dân chúng lúc bấy giờ. Họ khuyên ông nên soạn những bi kịch bình dân hơn. Tuy chán thật nhưng ông vẫn tiếp tục soạn những bi kịch theo lý tưởng của mình, những bi kịch mà hiện giờ người ta cho là bất hủ.
Sau khi vượt biển 69 ngày, ông Christophe Colomb nhìn mỏi mắt mà chưa thấy thế giới mới là đâu cả, các thủy thủ ở dưới tàu đã tỏ ý chống ông, muốn bỏ ông quay về xứ trước.
Vừa mệt lại vừa chán nhưng ông vẫn tiếp tục. Ngày thứ 70 đã tìm ra Châu Mỹ.
Một phần lớn những công trình vĩ đại ở đời này đều do những người đã mệt mỏi, đã chán nản nhưng… đã tiếp tục làm nên.
Ý nghĩa ấy là nguồn an ủi cho chúng ta. Mỗi khi thấy mệt mỏi và chán nản, chúng ta không còn ngần ngừ tự hỏi: phải làm gì? Trong khi chỉ có một cách là: Tiếp tục.