Có người hay tiếc rẻ những gì đã qua. Họ mơ cái thời xưa êm ả mà những người dân hiền lành chỉ biết cam sống theo một định mệnh mà họ cho rằng bất di bất dịch. Họ luyến tiếc cái tuổi thanh xuân mà họ đặng may mắn có cha mẹ ấp ủ trong nhung lụa. Trong những câu chuyện, họ thường xen vào một câu “Anh còn nhớ chăng, cái thời xưa đẹp ấy”.
Ngược lại có những người sáng suốt chỉ biết có NGÀY MAI. Họ bị ánh sáng của tương lai thu hút: Thấy xa, nhìn rộng họ quên hẳn NGÀY QUA, có thể hy sinh cái NGÀY NAY để xây dựng cái NGÀY MAI. Nhà tư tưởng, nhà nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp đi tiền phong trong địa hạt của họ đều làm việc cho NGÀY MAI. Thế hệ ngày nay có thể hắt hủi họ, nhưng chắc chắn thế hệ ngày mai sẽ hưởng thụ những cố gắng của họ. Nhà văn hào A. Maurois nói: Người siêu nhân khác người thường ở chỗ: họ biết tạo ra tương lai là thế.
Nhưng thưa bạn, những bậc siêu nhân trên đời này hiếm lắm. Thường hơn, chúng ta chỉ còn có một bàn đạp chắc chắn là lấy đà mà hoạt động: NGÀY NAY.
Một lỗi lầm thường ngày của tuổi trẻ là hay xem thường NGÀY NAY. Người bạn trẻ hay nghĩ rằng những công việc to lớn, những cái gì đáng làm đều thuộc NGÀY MAI. Còn NGÀY NAY là tầm thường, là không đáng kể nên họ không làm gì cả.
Thực tế hơn, nhà văn hào Anh J. Ruskin cho khắc vào phiến đá hai chữ: “TO DAY” (NGÀY NAY) và đặt nó trên bàn viết để mỗi ngày ông ta có dịp chiêm nghiệm về bổn phận của mình là làm xong những công việc của NGÀY NAY. Một thi nhân Hy Lạp thời xưa cũng đã viết “CARPE DIEM” để khuyên chúng ta hãy biết cách dùng đầy đủ ngày hôm nay.
Làm tất cả những gì chúng ta có thể làm ngày hôm nay tức là xây đắp tương lai một cách thực tiễn.
NGÀY QUA không còn ở trong tay chúng ta. Nhưng NGÀY MAI chắc chắn là những gì chúng ta đã làm trong NGÀY HÔM NAY vậy.