Theo "Tây Hán chí ", "Sa nang ủng thủy" là một kế hoạch của tướng Hán là Hàn Tín đánh bại quân Sở tại ngọn sông Duy thuộc tỉnh Sơn Đông. Đây là kế hoạch lấy bao cát (sa nang) để chận nước nguồn lại (ủng thủy) rồi chờ giặc đổ đến thì cạy bao cát lên, xổ nước xuống làm ngập quân địch.
Long Thơ là tướng của Sở đem binh đánh Hán. Hàn Tín lui binh 5 dặm, nói với các tướng:
- Long Thơ là danh tướng, ỷ mình mạnh mà đến đây, ta phải dùng trí thắng chớ nên dùng sức.
Hôm sau, Hàn Tín ra ngựa đối địch với Long Thơ. Thơ đánh mỗi lúc càng hăng, càng mạnh. Hàn Tín bỏ chạy. Thơ xua quân, đuổi theo. Đến sông Duy, nước cạn khô. Binh của Hàn Tín giục ngựa qua sông một cách dễ dàng. Tướng Sở là Chu Lan theo sau lấy làm nghi hoặc, tiến đến ngăn Long Thơ:
- Sông Duy sâu dài, nước cuồn cuộn chảy, nay lại không có nước chắc là chúng đã chận ở trên nên nước không đổ xuống được. Chúng đợi binh ta qua sông rồi xổ nước thì bấy giờ ta làm sao ngăn kịp.
Long Thơ không tin, nói:
- Hàn Tín đã thua chạy, còn rảnh đâu mà bày mưu kế. Vả lại nước sông tùy mùa hạn lụt. Lúc này là tháng chạp nhằm tiết đông, ấy là lúc nước kém nên sông cạn, có lấy chi làm lạ.
Bấy giờ trời đổ tối. Vừa lúc ấy có quân báo là Hàn Tín còn ở gần trước đây. Long Thơ lập tức huy động ba quân qua sông đuổi theo, quyết bắt Hàn Tín cho kỳ được. Vừa đến giữa sông, thấy có chiếc lồng đèn treo trên cao, Long Thơ tò mò đến xem. Bên cạnh đèn ấy có dựng một mộc bài đề 6 chữ lớn: "Điếu đăng cầu trảm Long Thơ" (treo lồng đèn chém Long Thơ). Long Thơ nói:
- Hàn Tín thấy binh ta rượt gấp, muốn cho binh ta lui nên dựng mộc bài dọa ta.
Chu Lan suy nghĩ một lúc nói:
- Đêm hôm tăm tối lẽ nào hắn làm gấp được. Hay hắn đã làm sẵn để dẫn dụ binh ta đuổi theo đến chỗ này đặng binh Hán coi chừng lồng đèn mà tiến đến. Vậy ta chặt ngã đèn tất binh Hán phải loạn.
Long Thơ đưa dao chặt ngã đèn.
Ánh đèn vừa tắt thì đột nhiên binh Hán đã mai phục từ đâu nhứt loạt đổ đến như vũ bão. Tiếng la hét vang dậy cả một vùng trời. Rồi nước từ trên ngọn sông Duy ầm ầm đổ xuống nhanh như tên bắn.
Binh Sở khủng khiếp. Đương ở giữa sông, chúng không sao đứng vững được. Nước tràn đến cuồn cuộn, cuốn phăng chúng đi như cuốn phăng những chiếc lá vàng. Long Thơ hốt hoảng, giục ngựa chạy khan. Ngựa của Long Thơ là Thiên lý cu nên nhảy vài bước là đến bờ. Hắn vừa muốn tìm đường chạy thì một tiếng súng nổ vang, tướng Hán là Tào Kham, Hạ Hầu Anh cùng một số tướng tá xông ra bao vây. Long Thơ tả xông hữu đột, không thoát khỏi được. Đêm tối dày đặc lại ở vào một thế bị động, địa hình địa vật không biết nên không phương xoay trở, giữa lúc vòng vây mỗi lúc càng siết chặc, Long Thơ dầu có sức mạnh cử đảnh bạt sơn cũng khó lòng mong thoát khỏi.
Ngọn đao của Tào Kham phạt ngang chiếu một ánh sáng loang loáng. Long Thơ trở tay chẳng kịp bị một đao ngã gục tại phía bắc sông Duy. Còn tướng Chu Lan thừa lúc binh loạn và trời tối, trốn thoát được, hú hồn hú vía.
Đó là trận đánh lịch sử "Sa nang ủng thủy" của nhà quân sự đại tài Hàn Tín đời Tây Hán trong cuộc Hán Sở tranh hùng.
Nước Việt Nam ta cũng có trận đánh như thế.
Thực dân Pháp chiếm lấy Việt Nam. Cụ Phan Đình Phùng lãnh đạo phong trào Cần Vương chống Pháp. Cuộc kháng chiến kéo dài đến 10 năm. Tuy chí phấn đấu kiên trung có thừa nhưng sức người có hạn nên lực lượng nghĩa quân ngày càng hao mòn. Quân Pháp đánh rát quá, năm 1895, cụ Phan phải rút quân về đóng ở thung lũng của núi Vụ Quang, cách đồn Pháp không bao xa. Cụ dự đoán sớm muộn nay mai giặc Pháp cũng đến vây đánh. Nhìn dòng sông Vụ Quang thấy quanh co một giải trắng phau, nước cuồn cuộn chảy, cụ Phan vui vẻ nói:
- Nếu quân Pháp kéo đến đánh ta thì con sông kia có thể cự địch được lắm. Ta sẽ dùng kế "Sa nang ủng thủy" của Hàn Tín đánh quân Sở ngày xưa mới được.
Quả thực, lúc quá nửa đêm, giặc Pháp kéo đến đánh trái núi có đồn nghĩa quân đóng. Nhưng trước khi chúng chưa đến thì cụ Phan đã kéo quân dời qua đóng trên một thung lũng núi khác.
Giặc Pháp bao vây, chĩa súng bắn như mưa nhưng không thấy nghĩa quân bắn trả lại một tiếng. súng nào. Đồn tại bằng cây lá bị đạn phát cháy. Bấy giờ giặc mới đoán chắc là nghĩa quân đã sợ bỏ chạy từ lúc nào. Chúng xông lên núi xem rõ hư thực. Đến nơi chẳng thấy bóng một người. Còn lại và nhà chưa bị cháy, thấy có ít nhiều khí giới là dao cùn, gươm mẻ bỏ nằm ngổn ngang. Giặc Pháp bấy giờ càng tin chắc là nghĩa quân hoảng sợ bỏ chạy thực.
Giữa lúc bọn giặc Pháp đương lục lạo ngẩn ngơ trong những đồn trại bỏ trống như thế thì bỗng nghe có tiếng trống, tiếng hò hét vang dậy từ dưới chân núi đưa lên. Nhìn xuống, thấy lô nhô một toán quân độ trên trăm người phất cờ, gióng trống toan xông lên núi để đánh. Đồng thời tiếng súng bắt đầu nổ đoành đoàn tứ phía.
Giặc Pháp biết là nghĩa quân, tức tốc đổ xuống núi chận đánh và đuổi bắt. Từ xa, hai bên ứng chiến bằng súng đạn. Một lúc, đạo quân này xem chừng núng thế, vội vàng rút lui, nương theo những lùm cây và mô đất để tránh đạn. Giặc Pháp thừa thế đuổi theo và bắn dữ dội. Nhưng đạo quân bại tẩu chỉ chạy được một quãng đường thì nằm phục xuống bắn trả lại. Rồi một lúc lại bỏ chạy. Cứ chạy lại bắn. Cứ bắn lại chạy. Giặc Pháp càng tức, càng giận, phát ghét càng cố rượt theo quyết giết ráo cho kỳ được mới nghe.
Ra tới sông Vụ Quang, đạo quân bại tẩu cư" chạy dựa bên mé sông. Đến một chỗ nước hơi cạn, họ bỏ hết cả cờ trống và quân giới tại mé sông, rồi tranh nhau lội qua sông mong thoát thân cho mau. Giặc Pháp đuổi nà tới, đến chừng thấy đạo quân bại tẩu đã sang sông thì chúng ùa xuống sông để đuổi cho kịp. Nước chỉ đến đầu gối.
Nhưng khi chúng lội đến giữa sông thì bỗng trên núi cao có tiếng súng lịnh làm hiệu. Chúng chưa hiểu ất giáp ra sao thì bỗng dưng nước cuồn cuộn đổ đến. Tiếng nước chảy ầm ầm như đất lở trời nghiêng...
Nguyên cụ Phan truyền cho nghĩa quân lấy những khúc gỗ lim to ghép liền vào nhau thành từng bè lớn. Đoạn đóng suốt thân cây này qua cây kia thật chặt, và lấy mây rừng buộc cứng lại, rồi đặt ngay đầu nguồn sông Vụ Quang là sông phát nguyên từ núi Vụ Quang đổ xuống. Nghĩa binh cốt chận đầu nguồn cho nước dưới sông cạn nhiều, rồi dùng kế dụ địch, đợi giặc Pháp qua đến giữa sông thì chặt dây cho nước đưa cây trôi xuống. và hai bên sông lại phục binh chờ sẵn.
Lạ gì nước trên nguồn bị cây chặn lại, tức đường bí lối đã lâu, nay cây tháo ra, nước được tự do hoạt động mà chảy. Gỗ lim to tướng theo nước từ trên cao trôi phăng xuống mạnh mẽ hung hăng như đàn sấu đói. Trời có sương mù, giặc Pháp vô ý lại không thấy được xa, vả lại bị phục binh bắn xuống dữ dội, chúng hốt hoảng lúng túng vừa bị nước cuốn vừa bị cây đẩy, lại thêm đạn bắn tứ tung, thật là một trận cực kỳ kinh khủng.
Trận này, giặc Pháp không kể lính tập, chết mất ba viên võ quan. Nghĩa quân đoạt lấy gần 50 khẩu súng cùng đồng hồ, dây nịt bằng da vô số.
Đây là trận "Sa nang ủng thủy" ở Việt Nam. Có khác với Hàn Tín là không dùng bao cát mà dùng cây chận nước.
Về sau, một người chí sĩ là Phạm Văn Ngôn đi qua chỗ trận đánh này, có làm hai bài thơ "Hoài Vụ Quang sơn cố sự". Dưới đây là một trong hai bài ấy:
Phi vi hiểu vụ tỏa hàn khê,
Châu lạp ô thương phục ngạn tê.
Nhất hưởng đồng la ham sát tặc.
Đại gia tề quyết thượng lưu đê.
Nhà văn Đào Trinh Nhất dịch đại khái:
Gió lạnh sương mù buổi rạng đông,
Ba quân phục sẵn ở bên sông,
Chiêng khua một tiếng quân reo dậy,
Đê phá trên nguồn nước chảy hung.