Trong "Chinh phụ ngâm", bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm, đoạn diễn tả tình cảm của người chinh phụ trông tin chồng, có câu:
Trải mấy thu, tin đi, tin lại,
Tới xuân này, tin hãy vắng không.
Thấy nhàn, luống tưởng thư phong,
Nghe hơi sương, sắm áo bông sẵn sàng.
"Thấy nhàn" là thấy chim nhạn. Theo nguyên tác bằng Hán văn của Đặng Trần Côn là: "Kiến nhạn uổng nhiên tư tái bạch". "Thấy nhàn" có nghĩa là thư tín, do điển Tô Võ.
Tô Võ tự Tử Khanh, quê ở Mậu Lăng, huyện Hưng Bình, tỉnh Thiểm Tây, người đời Tây Hán (206 trước-196 sau D.L.) làm quan triều vua Nguyên Đế (48-33 trước D.L.). Lúc bấy giờ, giặc Hung Nô xâm lấn Trung Nguyên. Nhà Hán thất bại, vua Hán phải sai Tô Võ làm sứ sang Hung Nô xin giảng hòa. Chúa Hung Nô thấy Tô Võ ứng đối cứng cỏi, lưu loát tỏ ra người có ý chí tài ba lỗi lạc nên ý muốn thu dùng, tìm lời dụ hàng. Không kết quả, nhưng chúa Hung Nô không chán nản, truyền cho Vệ Luật, nguyên là người Hán đầu hàng, lấy tình đồng bang mà dùng lời ngon ngọt khuyên nhủ Tô Võ. Vệ đến nói với Tô Võ:
- Tô quân nếu không nghe lời tất bị giết. Chịu chết như thế phỏng có ích gì. Chi bằng đầu hàng đi, tài hèn như tôi còn được trọng dụng, nếu là bực đại tài như Tô quân tất được phong vương bái tướng, sự đại phú quý hẳn cầm chắc trong tay.
Tô Võ đứng phắt dậy, chỉ mặt Vệ Luật mắng nhiếc:
- Ta không ngờ mày lại vô lương tâm đến thế. Đã muối mặt thờ kẻ thù để cầu vinh, tưởng không còn dám trông ta, ai ngờ mày lại mặt dày mày dạn quá, đến đây khuyên ta đầu hàng. Mày bước ngay đi, chớ nhận ta là người cùng nòi cùng nước nữa. Vì nòi giống Trung Quốc không bao giờ lại có hạng vô sỉ như mày.
Bị sỉ nhục thậm tệ, Vệ Luật đỏ mặt trở về, phục mạng chúa Hung Nô rằng Tô quyết một chết, không chịu đầu hàng và xin đem giết đi. Chúa Hung Nô thâm độc, mỉm cười nói:
- Nó muốn chết thì có khó gì, nhưng khi nào ta cho nó chết ngay đâu. Ta còn phải làm cho nó chịu đủ điều khổ nhục để xem cái gan nó to bằng nào.
Rồi chúa Hung Nô sai giam Tô vào một cái hầm đất tối tăm, hằng ngày chẳng cho ăn uống gì cả.
Thương hại cho Tô Võ, bị giam trong hầm chăn chiếu không có, ngày đêm lại có mưa tuyết, đã đói lại rét, chẳng biết kiếm gì ăn cho no lòng, đành phải lượm những cục tuyết và nhặt những lông áo chiên tạm nhai cho đỡ đói. Đến năm hôm, chúa Hung Nô lại sai người đến dò xem thì thấy Tô vẫn ngồi chẩm hẩm, vẻ mặt như thường.
Lấy làm lạ, chúa Hung Nô hạ lịnh đem Tô Võ lên Bắc Hải là một miền hoang vu, quanh năm giá rét, giao cho một đàn dê đựa, bắt phải chăn nuôi; và ra lịnh nếu bao giờ đàn dê ấy đẻ con thì mới cho về nước.
Biết rõ sự tàn bạo đê hèn của chúa Hung Nô, Tô Võ chỉ mỉm cười.
Nhờ sự luyện tập chịu đựng khổ cực, có lúc đun mình bên lửa nóng, có lúc lại mình trần tắm tuyết, gội mưa ngày còn nhỏ nên Tô Võ xem thường cảnh đọa đày, vất vả. Ở Bắc Hải, ban ngày Tô đuổi đàn dê ra một bãi cỏ cho tự do đi lại kiếm ăn; còn mình thì tìm bắt những chuột đồng và bứt cỏ ăn tạm qua ngày. Tối đến lại dồn đàn dê về trong hầm nằm nghỉ. Ở đây, ngoài đàn dề làm bầu bạn, Tô Võ còn một lá cờ tiết mao của vua giao cho khi đi sứ là biểu hiện của một sứ mạng trọng đại, Tô cầm luôn trong tay, không lúc nào rời. Tháng lụn ngày qua, trải năm này sang năm khác, những lông trên thân lá cờ dần dần trút rụng hết, chỉ còn trơ lại cán không.
Ở sa mạc Bắc Hải lâu năm, một hôm Tô Võ nghĩ được một kế viết thư về Hán báo tin. Tô viết nhiều bức thư vào mảnh lụa áo, rồi buộc vào chân chim nhạn mà Tô bắt được, thả cho chim nhạn bay đi.
Về mùa đông, chim nhạn ở Bắc Hải đổ về Trung Nguyên, bay vào vườn Thượng Lâm của nhà vua làm ổ. Vua Hán bắt được, mở thư ra xem mới biết Tô Võ còn sống ở một chỗ cực kỳ khổ cực, lấy làm mủi lòng, thương xót vô cùng. Mãi đến 19 năm, bấy giờ Hung Nô yếu thế, thất bại, xin hòa. Chúa Hung Nô nói dối là Tô Võ đã bị bịnh chết từ lâu, nhưng vua Hán đưa thủ thư của Tô Võ, bấy giờ chúa Hung Nô không dám giam cầm nữa, đành sai một đạo quân hộ tống đến biên cảnh, cho về nước.
Trong truyện "Song phụng kỳ duyên" lúc Chiêu Quân cống Hồ đến Nhạn Môn Quan, nàng cũng xé vạt áo lụa, cắn móng tay viết thư buộc vào chân chim nhạn để gởi về vua Hán.
Bởi điển này, sau dùng "tin nhạn", "tin hồng", đều chỉ tin tức. Dùng chữ "tái bạch" là lụa ngoài ải, tức áo lụa của Tô Võ xé để viết thư.
Để nhắc lại gương oanh liệt, khẳng khái và khí tiết của Tô Võ, đồ sứ của Tàu thường vẽ hình một người tay cầm cờ tiết mao, chăn bầy dê giữa một chốn hoang vu cực kỳ buồn thảm, có đề 4 chữ "Tô Võ mục dương" (Tô Võ chăn dê).
Truyện Tàu chép: khi Tô Võ sống ở Bắc Hải có kết duyên chồng vợ với một con vượn người. Con vượn này rất yêu quý Tô Võ, hằng ngày đi tìm thực phẩm về nuôi Tô Võ. Khi được chúa Hung Nô cho về nước, Tô Võ ra đi nhưng lòng còn chua xót thương cảm mối tình xưa.
Bà Ngô Chi Lan, người đời Lê Thánh Tông (1460-1497), có tài văn chương, làm bài thơ nhan đề "Tô Võ từ Hồ phụ":
Ngập ngừng bưng chén ly bôi,
Nghĩ mình muôn dặm, thương người năm canh.
Nhớ duyên kỳ ngộ ba sinh,
Trăm năm xin gởi chút tình tại đây.
Ngọn sứ tiết lung lay chín bệ,
Nặng chữ trung nên nhẹ chữ tình riêng.
Ngỡ ngàng khi quảy gánh buộc yên,
Rượu một chén, lụy đôi hàng lã chã.
Trách ông Tơ, bà Nguyệt sao khuấy khỏa,
Đem duyên em mà vấn chạ Xích Thằng,
Phỏng xưa kia vương lấy chàng Lăng,
Tìm xum hiệp chiếu chăn càng mãi mãi.
Hay là cá nước chẳng ưa màu phấn đại?
Đem duyên em mà buộc lại chàng Tô.
Xui nên kẻ Hán người Hồ,
Lạnh lẽo đem thu màn phỉ thúy.
Có câu rằng:
Đỗ Quyên đề đoạn vân thiên lý,
Ô Thước sào hàng nguyệt nhứt chi.
Dứt nhân duyên mà để lại biên thùy,
Cho nặng gánh chung tình ra thế thế.
Dầu Hồ lễ có cam lời hải thệ,
Tội thông thiên biết để cho ai.
Còn non, còn nước, còn dài.
Ôn Đình Quân, một thi hào đời nhà Đường khi qua miếu của Tô Võ có cảm đề:
Tô Võ hồn tiêu Hán sứ tiền,
Cổ từ cao thụ lưỡng man nhiên.
Vân biên nhạn đoạn Hồ thiên nguyệt,
Lũng thượng dương quý tái thảo yên.
Hồi nhật lâu đài phi giáp trướng,
Khứ thời thư kiếm thị đinh niên.
Mậu Lăng bất kiến phong hầu ấn?
Không hướng thu ba khốc thệ xuyên.
Nghĩa: (Bản dịch của Tô Nam)
Hán sứ nghe tin bỗng hết hồn,
Cây cao miếu cũ bóng hoàng hôn.
Chân mây nhạn vắng trăng hồ nhạt,
Sườn núi dê về khói ải tuôn.
Trở lại lâu đài nguyên nếp cổ,
Ra đi thư kiếm buổi xuân còn.
Mậu Lăng sao chẳng phong hầu nhỉ?
Trông loáng thua ba khóc nước nguồn.
Trong tác phẩm "Cung oán ngâm khúc" của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều cũng có câu:
Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng.
Đêm năm canh lắng tiếng chiêng rền.
"Nhạn vắng" cũng do điển cố trên.