"Ngàn dâu" do chữ "Mạch thượng tang". Ở Trung Hoa ngày xưa, nơi thôn quê, người ta thường trồng dâu gần bên đường. "Mạch thượng tang" cũng là tên khúc hát cổ nhạc phủ của nàng La Phu nước Triệu thời Xuân Thu. Trong "Chinh phụ ngâm", nguyên tác bằng Hán văn của Đặng Trần Côn, đoạn tả tình cảm của nàng chinh phụ lúc tiễn chồng ra đi, có câu: Tương cố bất tương kiến, Thanh thanh mạch thượng tang. Mạch thượng tang, mạch thượng tang, Thiếp ý quân tâm thùy đoản trường. Bà Đoàn Thị Điểm dịch nôm:
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy, Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu. Ngàn dâu xanh ngắt một màu, Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.
Nguyên nàng La Phu là một thiếu phụ sắc nước hương trời, văn chương âm nhạc nổi tiếng. Chồng nàng là một chiến sĩ hải hồ. Cả hai vẫn yêu nhau tha thiết. Nhưng rồi "trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương" nên chàng xách kiếm sang Tần, ước hẹn vợ một thời gian trở về. Nàng La Phu ở quê nhà, ngày ngày hái dâu chăn tằm, dệt vải. Những lúc đêm dài canh vắng, nàng lẻ loi, thui thủi bóng mình nên thường sáng tạo những bài thơ điệu cổ nhạc phủ để tỏ nỗi lòng thương nhớ người xa vắng. Một hôm, nàng đương hái dâu bên vệ đường, bất chợt Triệu vương du ngoạn sang ngang, nhìn thấy người thiếu phụ thô quê nhưng sắc đẹp mỹ miều lấy làm động lòng. Hỏi người biết nàng là kẻ tài hoa, văn hay đàn giỏi, Triệu vương càng say mê hơn nữa. Về triều, Triệu vương cho người đến đòi La Phu tới. Nhà vua dọn tiệc khoản đãi ân cần, mong được cùng giai nhân vầy duyên ân ái. Nàng buồn rầu ứa lệ nhưng còn vị nể chúa tôi nên nàng ngồi vào tiệc, đoạn cầm đàn lên gẩy, hát khúc"Mạch thượng tang" để tỏ ý mình. Triệu vương tuy hiếu sắc những thông minh. Nghe qua bài hát, bản đàn biết thâm ý của nàng là bao giờ cũng liều chết để bảo vệ trinh tiết cùng chồng, giàu sang, uy quyền và bạo lực không làm lay chuyển lòng người trinh phụ. Triệu vương vừa hối hận vừa thẹn thuồng nên truyền cho La Phu về, bỏ mộng luyến ái giai nhân. Tác giả mượn điển tích "Mạch thượng tang" (ngàn dâu) ngoài cái ý tả cảnh còn có ý tả mối tình chung thủy giữa trinh phụ đối với chinh phu một cách tế nhị.