Tết này ăn vào ngày mồng 3 tháng 3. Vào ngày này người Tàu ăn toàn đồ nguội và tổ chức những cuộc chơi vui vẻ lắm.
Nguyên con của Tấn Hiếu Công là công tử Trùng Nhĩ bị cha ghét bỏ muốn giết chết để lập dòng thứ, phải chạy trốn sang nước ngoài. Theo phò Trùng Nhĩ có một số bề tôi.
Lưu lạc từ nước này sang nước khác, chúa tôi trải qua bao nhiêu nỗi vất vả gian lao. Một hôm đói quá, họ phải hái rau sam luộn ăn. Trùng Nhĩ không nuốt được. Bỗng có một bề tôi tòng vong là Giới Tử Thôi đem một bát cháo thịt đến dâng. Trùng Nhĩ ăn lấy làm ngon lắm. Ăn xong, hỏi: ở đâu mà có?
Giới Tử Thôi thưa:
- Ấy là thịt đùi của tôi đó. Tôi nghe nói kẻ hiếu tử bỏ thân để thờ cha mẹ, người trung thần bỏ thân để thờ vua. Nay công tử không có gì ăn, nên tôi phải cắt đùi tôi mà dâng công tử.
Trùng Nhĩ sa nước mắt, nói:
- Ơn này biết bao giờ đền lại được.
Mãi 20 năm sau Trùng Nhĩ mới được trở về nước, lên ngôi vua là Tấn Văn Công.
Để ban thưởng công lao cho những người phục quốc, Trùng Nhĩ chia làm ba hạng:
1) Những người tòng vong (những người theo đi trốn).
2) Những người tống khoản (những người giúp đỡ tiền bạc).
3) Những người nghinh hàng (những người xin làm nội ứng để đón về làm vua).
Trong ba hạng này lại tùy theo những người nào có công khó nhọc nhiều hay ít mà chia hơn kém.
Ban thưởng công thần xong, nhà vua còn yết một tờ chiếu ở cửa thành rằng: "Nếu người nào có công lao mà chưa thưởng thì cho phép được tự tiện nói ra".
Giới Tử Thôi vốn người trong bọn tòng vong, nhưng tính khí điềm đạm. Khi Trùng Nhĩ lên ngôi, ông chỉ vào chúc mừng một lần đầu, rồi cáo ốm về nhà, yên phận nghèo khổ, vẫn đi khâu giày thuê để lấy tiền nuôi mẹ.
Khi Tấn Văn Công ban thưởng công thần, không thấy Giới Tử Thôi đến thì cũng quên mất, chẳng hỏi chi đến. Người láng giềng nhà Giới Tử Thôi tên Giải Trương, thấy thế không bằng lòng, nhưng khi thấy trên cửa thành có chiếu yết thì vội vàng gọi cửa báo tin cho Giới Tử Thôi biết. Ông chỉ mỉm cười, không nói gì. Bà mẹ ở dưới bếp nghe tiếng, ra bảo con:
- Mày khó nhọc trong 19 năm trời, cắt thịt đùi để dâng chúa công, sao bây giờ mày không nói ra để lãnh thưởng? Họa may được một vài chung thóc, chẳng còn hơn đi khâu giày thuê hay sao?
Giới Tử Thôi thưa:
- Các con của Hiến Công cả thảy 9 người, chỉ có chúa công hiền đức hơn cả. Huệ công và Hoài công không có đức, vậy nên trời đất truất ngôi mà để cho chúa công. Các người theo hầu không biết ý trời, dám tự nhận là công mình, con nghĩ lấy làm xấu hổ lắm, chẳng thà đi khâu giày mà sống còn hơn.
Bà mẹ nói:
- Con làm được người liêm sỉ, có lẽ ta lại không làm được mẹ của người liêm sỉ hay sao! Vậy thì mẹ con ta tìm nơi rừng núi ẩn thân.
Giới Tử Thôi cả mừng, liền cõng mẹ đến đất Miên Thượng, làm nhà trong hang mà ở. Láng giềng hàng xóm không biết là đi đâu, chỉ có Giải Trương biết chỗ ở mà thôi. Giải Trương thấy ức, viết một bức thư, đang đêm đem treo ở triều môn. Sáng hôm sau, có người cận thần bắt gặp đem vào dâng cho nhà vua. Tấn Văn công mở ra đọc:
Có một con rồng,
khi còn thất thế,
Đàn rắn đi theo,
chu du thiên hạ.
Rồng không có ăn,
một rắn cắt đùi.
Nay rồng trở về,
đã được yên sở.
Đàn rắn theo vào
đều sung sướng cả.
Chỉ có một rắn,
không ai hỏi đến.
Nhà vua giựt mình, nhớ ngay lại Giới Tử Thôi, lấy làm hối hận, liền cho người đi triệu nhưng Giới Tử Thôi đã đi mất rồi. Nhà vua truyền bắt những người láng giềng đến hỏi, ai biết chỉ dẫn thì cho làm quan, Giải Trương tâu với Tấn Văn công: vì Giới Tử Thôi không muốn cầu thưởng nên cõng mẹ đi ẩn ở đất Miên Thượng, còn bức thư đó là của Giải Trương.
Tấn Văn Công liền cho Giải Trương làm chức hạ đại phu, và bảo Giải Trương đưa đường vào Miên Thượng. Nhưng khi vào đến nơi chỉ thấy non cao rừng rậm, nước chảy hoa trôi, chim hót véo von, mây che mù mịt, còn tung tích Giới Tử Thôi thì chẳng thấy đâu cả. Quân lính tìm được mấy người nông phu gần đấy, Tấn Văn công gọi đến tận mặt hỏi. Họ thưa: mấy hôm trước có trông thấy một người cõng bà cụ già ngồi nghỉ ở núi này rồi vốc nước suối uống, xong lại cõng bà cụ trèo lên núi, không biết đi đâu.
Tấn Văn công truyền đỗ xe dưới chân núi, sai người đi dò tìm khắp nơi. Suốt cả mấy ngày trời mà chẳng thấy tăm hơi. Tấn Văn công có vẻ không bằng lòng, buồn bã bảo Giải Trương:
- Sao Giới Tử Thôi giận ta quá như vậy! Ta nghe Giới Tử Thôi là con chí hiếu, nếu ta đốt rừng tất Giới Tử Thôi phải cõng mẹ chạy ra.
Quân lính vâng lịnh phóng lửa đốt cả mấy phía rừng. Lửa to gió mạnh làm cháy lan cả mấy dặm, đến ba ngày mới tắt. Nhưng Giới Tử Thôi nhứt định không ra, mẹ con ôm nhau chết ở dưới gốc cây liễu.
Quân lịnh tìm được đống xương. Tấn Văn công trông thấy, ôm mặt khóc, truyền quân lính đem chôn dưới chân núi, rồi lập miếu thờ. Những ruộng xung quanh núi đều để làm tự điền cả, đổi tên núi gọi là Giới Sơn.
Ngày đốt rừng đang là tiết thanh minh, mồng 3 tháng 3. Sau người trong nước nhớ đến Giới Tử Thôi vì chết cháy nên hàng năm đến ngày hôm ấy không nỡ đốt lửa, phải làm sẵn lương khô để ăn, gọi là tết "Hàn thực", nghĩa là ngày ấy cấm lửa, chỉ ăn đồ nguội.
Tết Hàn thực, nhà nào cũng cắm cành liễu ở ngoài cửa để chiêu hồn Giới Tử Thôi. Cũng có nhà làm cỗ bàn và đốt giấy tiền để cúng tế.
Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn diễn tả mụ Tú Bà khấn vái thần "Mày trắng" (Bạch Mi) phò hộ làm ăn khá, có câu:
Cửa hàng buôn bán cho may,
Đêm đêm Hàn thực ngày ngày Nguyên tiêu.
"Nguyên tiêu" là tết rằm tháng giêng. "Hàn thực" là do điển tích trên. Ở đây có ý ngày đêm lúc nào cũng được như ngày hội, ngày tết.