Đất Cao Đường, bên cạnh đầm Vân Mộng có hai ngọn núi là Vu Sơn và Vu Giáp thuộc tỉnh Hồ Bắc nước Tàu. Đời Chiến Quốc, vua Sở Tương Vương thường đến du ngoạn. Một hôm, nhà vua đến đấy, say sưa ngắm cảnh, một lúc mệt mỏi mới nằm ngủ dưới chân núi Vu Sơn.
Trong lúc mơ màng giấc điệp, vua Sở mộng thấy thiếu nữ tuyệt sắc, mặt hoa, da phấn, duyên dáng thướt tha đến bên mình, rồi cùng nhà vua chung chăn gối vô cùng thỏa thích.
Sau khi cùng giai nhân ân ái mặn nồng, vua Sở hỏi:
- Chẳng hay ái khanh ở đâu đến đây để quả nhân duyên may gặp gỡ?
Giai nhân mỉm miệng cười duyên, thưa:
- Muôn tâu thánh thượng! Thiếp là thần nữ núi Vu Sơn qua chơi đất Cao Đường, vốn cùng nhà vua có tiền duyên, nay được gặp gỡ thật là phỉ nguyền mong ước. Ở thiên cung, thiếp có nhiệm vụ buổi sớm làm mây, buổi chiều làm mưa ở Dương Đài.
Nói xong, đoạn biến mất. Nhà vua chợt tỉnh dậy, cảm thấy mùi hương như còn thoang thoảng đâu đây. Mộng đẹp vơ vẩn trong trí não, nhà vua thấy luyến tiếc vô cùng. Sau sai người lập miếu thờ (tức miếu Vu Sơn thần nữ) gọi là miếu Triên Viên.
Cảm nhớ người đẹp trong mộng, vua Sở thuật lại cho quan Đại phu Tống Ngọc nghe. Vốn là một danh sĩ đương thời, Tống Ngọc bèn làm bài phú "Cao Đường" để ghi lại sự tích Sở Tương Vương giao hoan cùng thần nữ Vu Sơn:
Tiên vương du Cao Đường
Đái nhi trú tầm.
Mộng kiến nhất phu nhân viết: Vi Cao Đường chi khách,
Văn quân du Cao Đường
Nguyện tiếm chẩm tịch,
Vương nhận hạnh chi
Khứ nhi tử viết:Thiếp tại Vu Sơn chi dương
Cao Khâu chi trở
Triệu vi hành vân
Mộ vi hành vũ.
Tạm dịch:
Tiên vương dạo Cao Đường
Mỏi mệt ngủ ngày
Mộng gặp một đàn bà nói:"Thiếp là thần nữ núi Vu Sơn,
Đến Cao Đường làm khách
Tin vua dạo Cao Đường
Nguyện dâng chăn gối"Vua nhận yêu nàng,
Khi đi nàng nói:"Thiếp ở đỉnh núi Vu Sơn
Cao Khâu hiểm trở.
Sớm đi làm mây
Chiều đi làm mưa".
Trong bài "Thanh Bình điệu" của thi hào Lý Bạch đời nhà Đường, có câu:
Nhất chi nùng diếm lộ ngưng hương,
Vân vũ Vu Sơn uổng đoạn trường.
Tạm dịch:
Đầu cành sương đọng ngát hương đông.
Mây mưa Vu Giáp nỗi đau lòng.
Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn diễn tả Kim Trọng đương dựa án thiu thiu ngủ, nửa tỉnh, nửa mê thì Kiều lén song thân, băng lối vườn khuya sang thăm chàng Kim, có câu:
Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.
Và, khi chàng Kim tỏ vẻ lả lơi, suồng sã, Kiền van lơn, lý luận để tránh cuộc tấn công của người yêu, có câu:
Mây mưa đánh đổ đá vàng,
Quá chiều nên đã chán chường yến oanh.
Trong "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều cũng có câu:
Bỗng gươm lấp loáng dưới mành,
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa.
Tôn Thọ Tường làm quan về đời Tự Đức hàng Pháp, lúc về trí sĩ có làm bài thơ "Đĩ già đi tu", mượn tâm cảnh của một người đĩ hết duyên, chán trần về Phật mà tả tâm sự của mình. Trong bài có câu:
Chày kình gióng tỉnh giấc Vu San,
Mái tóc kim sinh nửa trắng vàng.
Những chữ "mây mưa", "giấc Vu Sơn", "giấc Cao Đường", "đỉnh Giáp non Thần" hay "Vu Giáp", "giấc mộng Dương Đài", "đến Dương Đài" đều chỉ việc trai gái chung chạ chăn gối, ấp yêu với nhau.
Dùng những tiếng này để tránh tiếng tục.