Chu Công tên Đán, người đời nhà Chu (1135-221 trước D.L.), có tài trị nước.
"Thổ bộ" do nguyên câu: "Nhất phạn tam thổ bộ" nghĩa là "Một bữa ăn phải nhả cơm ba lần".
Nhà Thương (Ân) truyền được 600 năm thì đến vua Trụ tên Ân Thọ là vua dâm bạo. Văn vương Cơ Xương vẫn thờ nhà Ân nhưng đến con là Võ vương tên Cơ Phát hội các chư hầu phạt Trụ, diệt nhà Ân lên ngôi, đóng đô ở Cảo Kinh, đặt quốc hiệu là Chu, tức là Tây Chu.
Võ vương làm vua, em là Chu Công Đán giúp việc chính trị, tôn trọng chiêu đãi người hiền. Chu Công xem gương hưng vong của các đời Đường, Ngu, Hạ, Thương, thấy rằng chỉ là do chư hầu (các tù trưởng) phục hay bất phục nên đem đất đai chiếm được phong lại cho các tù trưởng cũ. Chỉ có các địa điểm trọng yếu thì phong cho các công thần cùng con em để khống chế chư hầu cũ và làm hàng rào cho vương thất.
Chư hầu mới cũ đều theo đất phong lớn nhỏ mà chịu tước Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Đất phong của Công, Hầu là 100 dặm vuông, của Bá là 70 dặm, của Tử , Nam là 50 dặm. Người được đất không đến 50 dặm gọi là phụ dung.
Chu Công lại đặt ra lễ nhạc, mỗi nghi thức ở triều đình, mỗi trật tự trong gia tộc đều được quy định chặt chẽ. Về nông nghiệp, Chu Công đặt phép tỉnh điền. Một khoảng đất rộng chừng 5, 6 trăm mẫu chia làm 9 khu theo hình chử "tỉnh". Tám gia đình chia nhau 8 khu ở chung quanh và phải chung sức cày cấy khu ở giữa để nộp cho vua. Phép tỉnh điền có lợi là làm cho đất đai tài sản nhân dân khỏi chênh lệch.
Sử chép dưới triều này, nước Việt Nam lúc bấy giờ gọi là Việt Thường, sai sứ sang cống chim bạch tử. Chu Công chế xe chỉ nam (nguồn gốc của địa bàn) để đưa sứ ta về nước, phòng lạc đường. Đây là một thời cực thịnh của đời nhà Chu mà phần lớn do tài đức của Chu Công xây dựng.
Ở ngôi được 13 năm, Võ vương mất, Thành vương còn nhỏ. Chu Công giữ quyền nhiếp chính để phò ấu chúa. Có bọn bầy tôi cũ của vua Trụ phao ngôn là ông sẽ cướp ngôi của cháu. Thấy Thành vương không trị tội kẻ phao vu tin nhảm mà còn tỏ ý hoài nghi, ông bèn trả chức vị lui về ấp riêng, soạn tập thơ "Xuy hiền" gởi cho nhà vua. Thành vương xem xong, lấy làm hối hận lại rước Chu Công về làm phụ chính.
Chu Công chẳng những có tài về chính trị còn có đức tính quý trọng kẻ sĩ người hiền. Khi tắm gội hay đương ăn cơm, nghe có kẻ sĩ đến, ông liền bới tóc hay nhả cơm ngay để ra đón tiếp. Sách "Sử ký " có chép: Chu Công răn ông Bá Cầm rằng: "Một buổi tắm gội, ta phải bới tóc ba lần, một bữa ăn ta phải nhả cơm ba lần để đứng dậy ra tiếp kẻ sĩ. Thế mà còn lo không thu phục được người hiền trong thiên hạ đấy!" Nguyên văn: "Ngã nhứt mộc tam ác phát, nhứt phạn tam thổ bộ, khởi dĩ đãi sĩ, do khủng thất thiên hạ chi hiền nhân".
"Chu Công thổ bộ" ý nói Chu Công trọng vọng kẻ sĩ. Đó là một tấm gương sáng cho những người lãnh đạo việc nước cần phải quý trọng kẻ sĩ, trọng người hiền để tìm bực hiền giả cùng mìnhlo đại cuộc cho đất nước.
Trong bài "Đoản ca hành" của Tào Tháo đời Tam Quốc có câu:
Sơn bất yếm cao,
Thủy bất yếm thâm.
Chu Công thổ bộ,
Thiên hạ qui tâm.
Dịch ý:
Núi sông cách trở là bao,
Chu Công trọng vọng, anh hào về theo.
(Bản dịch của Tử Vi Lang)