Thôi Hộ, một danh sĩ đời nhà Đường (618-907), nhân dự hội Đạp Thanh đến Đào Hoa Trang, gõ cửa một nhà xin được giải khát. Một thiếu nữ đứng thập thò bên cửa đưa nước cho chàng. Nàng đẹp, duyên dáng, e lệ. Chàng đưa tay tiếp lấy bát nước. Đôi tay trai gái chạm nhau. Nàng ngượng ngùng, cúi mặt xuống. Đôi má hây hây đỏ như đóa hoa đào. Chàng rụt rè, ngượng nghịu. Đoạn từ giã đi.
Nhưng rồi đèn sách và mộng công hầu không xóa mờ hình bóng của giai nhân. Đào Hoa Trang vẫn gợi lên một hình ảnh đầm ấm trong trí não, khiến lòng chàng nho sinh chan chứa biết bao tình cảm mặn nồng...
Rồi năm sau, ngày hội du xuân đến. Thôi Hộ tìm đến Đào Hoa Trang. Cảnh cũ còn đó, nhưng con người xưa vắng bóng. Cửa đóng then cài. Chỉ có ngàn hoa đào rực rỡ phe phẩy theo gió xuân như mỉm cười, chào đón khách du xuân.
Ngẩn ngơ, thờ thẫn trước cảnh cũ quạnh hiu, Thôi Hộ ngậm ngùi:
- Hay là nàng đã về nhà chồng!
Từng bước một, chàng quay bước trở ra. Lòng cảm xúc vô hạn, rồi muốn ghi lại mấy dòng tâm tư của mình, chàng thảo mấy câu thơ trên cửa cổng:
Năm ngoái ngày này vẫn cửa trong,
Hoa đào mặt ngọc đối vầng hồng.
Mặt hoa nay biết đi đâu vắng?
Chỉ thấy hoa đào cợt gió đông.
Nguyên văn:
Khứ niên kim nhựt thử môn trung,
Nhơn điện đào hoa tương ánh hồng.
Nhơn điện bất tri hà xứ khứ?
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.Chiều đến, nàng thiếu nữ họ Đào cùng thân phụ đi viếng người thân trở về. Nàng theo sau cha, chợt nhìn lên cổng thấy bốn câu thơ, nét chữ tinh xảo, ý thơ dồi dào, nàng hiểu rõ tâm tình của khách du xuân năm ngoái. Nàng buồn bã thở dài, hối tiếc duyên vừa gặp gỡ lại khéo bẽ bàng.
Rồi ngày này sang ngày khác, nàng thiếu nữ họ Đào vẫn tựa mình bên cửa cổng, mong đợi và hy vọng người khách hào hoa phong nhã xin nước năm xưa. Nhưng ngày lại ngày qua, mấy lần bóng chiều xuống, bóng người xưa chẳng thấy mà chỉ thấy vài cánh chim chiều bạt gió, lẻ loi từ ngàn phương kêu bạn đổ về bằng một giọng não nùng...
Nàng âm thầm gạt lệ. Nhưng lệ vẫn trào lên khóe mắt, đẫm lên đôi má. Rồi đông qua xuân đến, hè lại thu sang, lá rơi rụng bay lả tả phủ đầy thềm. Trời thu hiu hắt. Cảnh sắc thu thêm giục khách sầu đau. Rồi mỗi khi xuân về, ánh thiều quang ấm áp, ủ ấp trên ngàn cây nội cỏ càng gợi lại nỗi nhớ nhung hình ảnh của ai làm dằng dặc cõi tâm tư.
Nàng cảm thấy đời hoàn toàn tuyệt vọng. Rồi từ ấy nàng bỏ ăn bỏ ngủ, thân hình tiều tụy, dung nhan võ vàng. Thân phụ ngày đêm lo lắng, tìm thầy thuốc. Nhưng nào biết đâu: "Nhược hữu lương y viên tuyệt mạng, tùng lai vô dược liệu tương tư" (Có thầy giỏi cứu được sự sống cho người, chớ không có thuốc chữa bịnh tương tư).
Biết không sống được, nàng đành thuật lại tâm sự của mình cho cha già nghe và xin tha tội bất hiếu. Người cha xúc động đau khổ cho số phần đen bạc của đứa con gái duy nhứt của mình. Nhìn thấy đứa con nằm thiêm thiếp trên giường như chờ đợi tử thần, ông lão thương con nóng lòng, đâm liều chạy tìm người đã đề thơ trên cổng. Nhưng hạc nội mây ngàn tìm đâu cho thấy.
Người cha đau khổ ấy bối rối, cứ chạy ra chạy vào, lòng mang một mong mỏi yếu đuối. Trong giờ phút cuối cùng may được gặp chàng trẻ tuổi xa lạ đã gây sóng gió bão tố trong gia đình ông mà giờ phút này, ông cho là vị cứu tinh của gia đình, nên ông lại chạy kiếm nữa...
Vừa ra khỏi cổng, bỗng chạm phải một người. Ông ngửng mặt nhìn. Đó là một thư sinh tuấn tú. Thấy ông, mặt mày giàn giụa nước mắt, cử chỉ hốt hoảng, chàng thư sinh thăm hỏi. Ông vừa bươn bả đi vừa kể lể. Nhưng kể chưa dứt câu chuyện, chàng thư sinh bỗng ôm mặt khóc. Ông lão lấy làm ngạc nhiên, chưa kịp hỏi thì chàng thư sinh nói:
- Tôi là Thôi Hộ, người đã đề bài thơ trên cổng...
Chàng chưa dứt lời, ông đã mừng rú lên rồi lôi sền sệt chàng vào nhà, đưa thẳng đến phòng.
Nhưng nàng thiếu nữ cũng vừa trút hơi thở cuối cùng.
Nhìn nàng thiếu nữ nặng tình yêu đã vì chàng mà vóc liễu tiều tụy, dung nhan võ vàng, chết một cách thảm thiết, chàng cảm động quá, quỳ bên giường, cầm lấy tay nàng. Chàng úp mặt vào mặt nàng, khóc nức nở!
Lạ thay, nước mắt của chàng rỏ xuống mặt nàng thiếu nữ họ Đào, thì nàng bỗng từ từ mở mắt ra đăm đăm nhìn chàng, trên môi điểm một nụ cười tươi thắm. Nàng đã sống lại. Ông già họ Đào mừng rỡ. Chàng thư sinh họ Thôi hớn hở vui tươi.
Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn diễn tả Kim Trọng sau khi về Liêu Dương hộ tang chú, quay trở lại vườn Lãm Thúy để tìm Kiều, có câu:
Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.Đó là do điển tích trên.