Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cổ Văn Việt Nam >> Điển hay tích lạ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 151592 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Điển hay tích lạ
Nguyễn Tử Quang

Tư Mã Thiên, một sử gia danh tiếng bị cung hình

    Tư Mã Thiên tự Tử Thường (145-87 trước D.L.), người huyện Long Môn (nay thuộc huyện Hán Thành, tỉnh Thiểm Tây) đời Hán Vũ đế. Cha của ông là Tư Mã Đàm, một nhà văn học danh tiếng làm chức thái sử tại triều.
Hồi còn nhỏ, Tư Mã Thiên đã thông cổ văn. Năm 20 tuổi, ông đi chu du khắp nước, khảo sát về địa lý, phong tục từng miền, gặp di tích nào cũng dừng bước để nghiên cứu. Phàm những cảnh kỳ quan cùng quê hương các vĩ nhân, ông đều để chân đến.
Lãng du một thời gian khá lâu, Tư Mã Thiên trở về được phong làm chức Lang trung (quan hầu cận vua). Trước khi cha mất có trối lại với ông:
- Nếu cha có qua đời, con hãy nối tiếp lấy chí của cha để tâm vào việc soạn sử. Cái đạo hiếu của con người là phải thờ vua, thờ cha nhưng việc trọng yếu lớn hơn là phải làm một việc gì có ích cho đời, sau để cho cha mẹ được tiếng thơm lây ...
Sau khi Tư Mã Đàm qua đời, ông nối chức cha làm Thái sử. Ông quyết thực hiện lời di chúc của cha; và cũng bắt đầu từ đó, ông sắp xếp tài liệu, khởi công viết pho "Sử ký".
Nhưng một bất ngờ xảy ra.
Lúc bấy giờ có giặc Hung Nô rất mạnh đánh vào biên thùy. Lý Lăng là một võ tướng anh hùng vâng lịnh vua Hán đem binh dẹp giặc. Quân của Lý chỉ có 5 ngàn mà phải giao phong với 8 vạn quân địch. Lý Lăng bị bao vây mà không được quân tiếp viện. Ông can đảm chống cự không nổi, bị giặc bắt. Mến tài năng, giặc Hung Nô dụ dỗ đầu hàng. Lý Lăng bất đắc dĩ tạm thời đầu hàng để bảo toàn sinh mạng mình và quân lính hầu chờ thời cơ rửa nhục.
Tin về đến triều đình, có kẻ gièm pha với vua Võ Đế bảo ông phản quốc. Nhà vua cả giận ra lịnh tru di ba họ của Lý Lăng.
Tư Mã Thiên biết Lý Lăng là tôi trung nên đứng ra binh vực Lý giữa triều. Vua Võ Đế bất bình, nổi giận bắt ông hạ ngục và xử cung hình (hoạn hay thiến). Đó là một trong những tội nhục nhã nhứt ngày xưa. Theo luật lệ, ông có thể bỏ tiền ra chuộc tội, nhưng ông vốn nghèo mà bạn bè khôn ai có lòng nghĩa hiệp dám ra mặt giúp vì sợ vua ghét lây.
Bị tội cung hình, Tư Mã Thiên cho đó là một điều sỉ nhục ghê gớm, trong thâm tâm muốn tự sát; nhưng nhớ lại chưa hoàn thành được lời di chúc của cha, nên thấy bổn phận mình trong lúc này là phải sống để nối nghiệp cha, nối chí người trước... Vì nghĩ như thế nên ông can đảm nhận lấy hình phạt; rồi từ đó ông kiên nhẫn nằm trong ngục tù, dùng những ngày sống thừa để hoàn thành bộ Sử ký.
Trong bài tựa bộ này, ông tự ví với các thánh hiền đời trước:
"Ông Thái sử gặp cái họa Lý Lăng, bị giam trong cảnh xiềng xích, bùi ngùi than rằng: "Đó là lỗi của ta ư? Đó là lỗi của ta ư? Thân ta bị hủy không dùng được nữa". Rồi mà nghĩ kỹ lại rằng: "Những lời nói bóng bẩy trong kinh Thi, kinh Thư là để diễn cái chí của cổ nhân. Hồi xưa Tây Bá bị giam trong ngục Dữu Lý mà viết Chu Dịch; Khổng Tử bị nguy ở Trần, Sái mà soạn Xuân Thu; Khuất Nguyên bị phóng mà làm Thiên Ly Tao; Tả Khâu mù mới có bộ Quốc Sách; Tôn Tử què chân mới bàn về binh pháp; Bất Vi phải đày qua Thục mà bộ Lã Thị truyền lại đời sau; Hàn Phi bị tù ở Tần mới có hai thiên thuyết nạn, cô phẫn; 300 thiên trong kinh Thi đại để là thánh hiền phát phẫn mà làm ra. Những vị đó đều có nỗi uất kết, không nói rõ được lòng mình nên thuật việc mới kể từ Đào Tườngđến đời Lâm Chỉ bắt đầu từ đời Hoàng Đế (*)"
Sau khi ra khỏi ngục, Tư Mã Thiên đã trở thành người tàn phế, đời không còn thấy chút thú vị gì. Có lẽ cũng vì thương tình và hối hận nên Võ Đế thăng cho ông lên chức Trung thư lịnh. Nhưng lòng ông vẫn cảm thấy buồn chán, không tha thiết gì đến danh lợi, việc đời, chỉ chuyên tâm biên soạn bộ Sử ký mà thôi.
Nhờ chí kiên quyết nên Tư Mã Thiên đã hoàn thành được một bộ sử ký có giá trị của nước Trung Hoa. Cho đến ngày nay, có non hơn hai ngàn năm, ai cũng nhận "Sử ký " là một công trình sáng tác vĩ đại. Và, ai cũng lấy làm khâm phục tài năng và ý chí kiên nhẫn có một không hai của Tư Mã Thiên.
Bộ "Sử Ký " gồm 130 thiên, có 526.500 chữ.
Về phương diện sử học, nó có bốn đặc điểm:
- Là bộ sử đầu tiên chép việc nhiều đời, không như những bộ sử trước chỉ chép riêng một đời: Xuân Thu hoặc Chiến Quốc.
- Tác giả trọng niên đại (chronologie). Sử gia trước ông không theo một qui tắc nào nhứt định trong sự kê niên đại (trừ bộ Xuân Thu của Khổng Tử, nhưng bộ này chỉ chép việc trong một thời đại). Đến ông mới lập ra niên biểu của 12 nước chư hầu và niên biểu của các lục quốc.
- Tác giả không những chép những hành vi của vua chúa còn ghi cả văn hóa như lễ, nhạc, triết học, văn học...
- Thái độ của tác giả rất thành thực: điều nào chưa nghiên cứu rõ thì tồn nghi. Nếu có nhiều thuyết bất đồng thì kê hết.
Tư Mã Thiên vốn người học rộng, lịch duyệt nhiều, lại có tâm hồn cao thượng, thêm mang một nỗi lòng u uất nên lời văn của ông tuy bình dị mà hùng mạnh, siêu dật, nhiều khi bóng bẩy, thắm thiết. Nó phát tự lòng phong phú cũng như tự óc nên gợi cảm người đọc rất sâu xa.

 

<< Ngọc Hoàn Dương Quí Phi | Mười viên "Xuân Khiết Cao" >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 229

Return to top