Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Ván Bài Lật Ngửa

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 199377 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ván Bài Lật Ngửa
Nguyễn Trương Thiên Lý

P9 - Chương 19

Đại hội các sắc tộc Thượng khai mạc tại Pleiku.
Nguyễn Khánh đọc một diễn văn dài, hứa hẹn một loạt thay đổi chính sách đối với người Rađhê, Sêđăng, Mơnông, Giarai, Bana v.v... mà điểm được nhấn mạnh nhiều lần là thực hiện quyền bình đẳng giữa mọi người Kinh và người Thượng sống trên lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa. Tất nhiên, Khánh lẩn tránh yêu sách tự trị địa phương và số đại biểu chọn lọc này cũng không nêu yêu sách như là tiên quyết. Sự chia rẽ ngay trong hàng ngũ đại biểu đã giúp cho Khánh hướng mục đích của đại hội theo ý định của chính phủ: dẹp bỏ các chống đối vũ trang, mơn trớn các tộc trưởng với đủ thứ bảo đảm lợi quyền riêng của họ.
Ymơ Eban là chỗ dựa quan trọng của Khánh. Còn Y Nouth, với chủ tâm khác, không đăng đàn, không tuyên bố. Điều anh ta cần đã đạt được: lực lượng đặc biệt người Thượng chẳng những tồn tại mà còn rộng địa bàn hoạt động, do Y Nouth chỉ huy, sĩ quan các cấp trong lực lượng đều là người Thượng, trực tiếp nhận viện trợ của Mỹ, không bị bất cứ một câu thúc hay kiểm soát nào... Thỏa thuận trong cuộc hội đàm Sapar mang lợi thế cho Y Nouth. Về mặt uy tín, Y Nouth vọt lên như “người hùng” thật sự - anh khước từ quân hàm đại tá mà Nguyễn Khánh mớm cho. Ai cũng biêt, nếu Y Nouth đòi quân hàm chuẩn tướng hay thiếu tướng, chắc chắn Nguyễn Khánh không dè xẻn, nhưng Y Nouth nói rõ: Với anh, quân hàm không là cái gì cả, anh chỉ muốn phục vụ người Thượng và không hề toan tính bán sinh mệnh của đồng đội để được thăng cấp. Lập tức, người ta loan truyền thái độ khẳng khái của Y Nouth như phẩm chất của một lãnh tụ chân chính.
Luân khâm phục tài quyền biến của Y Nouth.
Khi họ chia tay nhau – Nguyễn Khánh hấp tấp về Sài Gòn bởi cuộc tổng đình công khá phức tạp đe dọa chế độ - Luân và Y Nouth không nói với nhau bằng lời mà bằng mắt.
Tòa án quân sự tha bổng các bị can trong vụ “biểu dương lực lượng” ngày 13-9. Hơn nữa, các tướng bị an trí ở Đà Lạt được tái bổ dụng phụ tá cho Tổng tư lệnh. Để tạo cân bằng, năm chuẩn tướng thăng thiếu tướng: Nguyễn Cao Kỳ (không quân), Lê Nguyên Khang (thủy quân lục chiến), Bùi Hữu Nhơn, Phạm Văn Đổng (bộ binh), Nguyễn Chánh Thi (dù) và thăng phó đề đốc Hải quân Chung Tấn Cang lên đề đốc.
Báo chí rộ loạt bài phê phán tuyên bố của Nguyễn Khánh ở Pleiku: Quân đội là cha của quốc gia. Trong lúc bốc đồng, quả Nguyễn Khánh có lỡ mồm tuyên bố như thế. Và, bây giờ anh ta phải chống đỡ hết sức vất vả. Nguyễn Khánh thanh minh rằng câu nói đó chỉ nhằm nhấn mạnh vai trò của quân đội chứ tuyệt nhiên không hề đặt quân đội lên đầu dân chúng. Lời qua tiếng lại một lúc rồi đột nhiên đại tướng Trần Thiện Khiêm nhận chức vụ mà anh ta không bao giờ chờ đợi khi đang thăm viếng các quốc gia đồng minh với tư cách thay mặt cho Ban lãnh đạo lâm thời quốc gia và quân lực: Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ. Nguyễn Khánh đã hành động để tự vệ.
Giữa mớ bòng bong của tình thế, quyết định tỉa bớt những người có khả năng dành ngôi vị của mình, Nguyễn Khánh tìm lối thoát bằng các mẹo đầy mâu thuẫn. Gạt Khiêm còn có một lý do trực tiếp: Lê Văn Ty, thống tướng, chết vì ung thư, để lại ghế Tổng tham mưu trưởng – ghế đó, Nguyễn Khánh e sợ rơi vào tay Khiêm.
Nhưng Thượng hội đồng quốc gia lại bầu Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng chứ không bầu Nguyễn Khánh.
Lễ bàn giao quyền lực thật buồn tẻ. Khánh phải gắng gượng để xuất hiện trong buổi tiếp tân.
Phan Khắc Sửu chọn đại tá Nguyễn Thành Luân làm phát ngôn viên chính thức của Quốc trưởng và theo gợi ý của đại tá, mời bác sĩ Hồ Văn Nhựt lập chính phủ. Bác sĩ Nhựt, một nhân sĩ nổi tiếng thiện cảm kháng chiến Việt Cộng đã từ chối.
- Tôi không thích trở thành bù nhìn.
Ông nói thẳng như thế với Nguyễn Thành Luân.
- Tại sao đại tá giới thiệu tôi? – Ông nói thêm – Bây giờ cứ để cho mấy lão đầu cơ nhảy múa. Đất nước không thể bình an khi Mỹ càng lúc càng đông và bọn quân sự tạm rút lui trên các danh nghĩa trang trí. Tôi mà làm thủ tướng thì trong một ngày thôi sẽ bị bắt, bị xử bắn, bởi tôi sẽ phát lời kêu gọi bạn của tôi là luật sư Nguyễn Hữu Thọ cùng tôi tổ chức một cuộc gặp gỡ tìm kiếm giải pháp hòa hợp dân tộc, tống khứ Mỹ và tôi tớ chúng ra khỏi đất nước ta. Thôi, cứ để tôi yên với cái Hội đồng thập tự của tôi, nới mà tôi có thể làm đôi điều giảm bớt nỗi khổ cho đồng bào ta.
Luân cảm phục bác sĩ. Anh nhớ thời kháng chiến chống Pháp, bác sĩ Hồ Văn Nhựt đã từng dám bôi xóa khẩu hiệu đả đảo Việt Minh mà chính quyền Bảo Đại bắt buộc cơ quan Hồng thập tự phải đóng trên các công văn. Cùng các nhân sĩ hàng đầu của miền Nam như Lưu Văn Lang, Dương Minh Thới, Phạm Văn Lạng, Thượng Công Thuận, Nguyễn Xuân Bái, bác sĩ sẵn sàng tham gia mọi phong trào yêu nước, đòi hòa bình và độc lập. Nhưng, bác sĩ hiểu rõ trò hề mà Mỹ dàn dựng cốt hạ áp suất cơn thịnh nộ của các giới, sau đó, sẽ hành động thô bạo hơn.
- Tôi không phải là chất an thần! Bây giờ, làm cho dân chúng lầm tưởng một chính phủ dân sự sẽ mang lại điều tốt lành, theo tôi, đó là một thứ cò mồi mạt hạng!
Càng nói, bác sĩ càng nổi nóng. Ông vứt cho Luân một tờ báo trong đó đăng tít to lời kêu gọi của một Thượng tọa: Thành lập chính phủ dân sự!
- Nếu không phải đần độn về chính trị thì là một kẻ nối giáo cho Mỹ! – Bác sĩ gằn giọng.
Phan Khắc Sửu, cuối cùng rồi cũng có Thủ tướng: Trần Văn Hương.
Chương trình của chính phủ Trần Văn Hương được đón tiếp vừa lạnh nhạt vừa nóng bỏng. Lạnh nhạt từ phía đông dân chúng – chẳng ai tin ông giáo sư gàn gàn này làm được bất cứ chuyện nào, trừ chuyện mỗi lần Mỹ lâm nguy thì ông đưa lưng ra đỡ. Nóng bỏng từ phía quân giải phóng: Đúng ngày Trần Văn Hương trình bày chương trình của chính phủ dân sự thì sân bay Biên Hòa bị pháo kích nặng nề nhất: hàng trăm thương vong đến gần 30 chiếc máy bay chiến đấu bị hủy diệt, đau đớn hơn là gần 20 chiếc loại B.57, máy bay phản lực ném bom tan xác...
Nước Mỹ sửng sốt. Tin chiến sự che lấp danh sách nội các Trần Văn Hương, dù Hương có tô vẽ cho mình một lô cộng sự ít dính dáng đến các vụ bê bối trong quá khứ: Đích thân Hương kiêm Tổng trưởng quân lực, bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, Phó thủ tướng kiêm Tổng trưởng nội vụ, tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, Phó thủ tướng kiêm Thống đốc ngân hàng, Phạm Đăng Lâm Tổng trưởng ngoại giao, Lữ Văn Vĩ Tổng trưởng Tư pháp, Lê Văn Tuấn, Tổng trưởng thông tin, Nguyễn Duy Xuân, Tổng trưởng kinh tế, Lưu Văn Tính, Tổng trưởng tài chính, Ngô Ngọc Đối, Tổng trưởng cải tiến nông thôn, Lê Sĩ Ngọc, Tổng trường công chánh, Phân Tấn Chức, Tổng trưởng van hóa giáo dục, Trần Quang Diệu, Tổng trưởng y tế, Đàm Sĩ Hiến, Tổng trưởng xã hội, Nguyễn Hữu Tùng, Tổng trưởng lao động, Phạm Văn Toàn, Tổng trưởng phủ thủ tướng.
Thế nhưng, vấn đề then chốt vấn còn y nguyên: Nguyễn Khánh được cử làm Tổng tư lệnh.
Và lập tức, Tổng hội sinh viên ra tuyên cáo: khó mà tín nhiệm một chính phủ như của Trần Văn Hương. Nguyễn Xuân Chữ, bác sĩ, nhân vật thay Phan Khắc Sửu đứng đầu Thượng hội đồng quốc gia, từ chức để phản đối thành phần chính phủ Trần Văn Hương, một chính phủ mà theo các chính khách, thuộc nhóm “Tinh thần” của Trần Văn Hương, nhóm chính trị ôm ấp nhiều tham vọng.
Giữa lúc đó, cơn bão Iris thổi vào miền Trung, gây tổn thất nghiêm trọng về người và của: Phú Yên, Quy Nhơn, Quảng Nam, Quảng Ngãi đều chìm dưới những cơn mưa kéo dài ba ngày liền.
Rồi cái phải đến đã đến: Tướng Dương Văn Minh rời Sài Gòn với chức danh đặc phái viên của Quốc trưởng.
Trước khi lên đường, tướng Minh gặp đại tá Nguyễn Thành Luân và Hoàng Thị Thùy Dung, hai người chào từ biệt tướng Minh tại nhà riêng và với tư cách cá nhân.
- Vậy đó! – Tướng Minh thở dài. - Tôi cám ơn anh chị tiến tôi như tiễn người bạn thân, dù thật ra, tôi biết anh chị chưa quên cái chết của ông Diệm, ông Nhu.
- Thưa trung tướng. – Dung nói – Trung tướng cũng có nhiều mất mát, chẳng hạn thiếu tá Nhung...
Mắt của tướng Minh thêm tối:
- Khó làm lường hết những thứ tráo trở của chính trị... Tôi dốt chính trị và thiệt thòi... Bây giờ, tôi bắt đầu một cuộc sống lưu vong, không lần này cũng lần khác.
- Thưa trung tướng, hẳn trung tướng không phải là trường hợp cá biệt... - Luân cũng ngậm ngùi.
- Tôi hy vọng... - Tướng Minh bỏ lửng câu nói, ngó Luân.
Luân biết vị tướng hy vọng điều gì. Nhưng, anh không muốn đi sâu hơn vào nỗi niềm riêng – dù sao, với tướng Minh, bài học quá khứ mang giá trị tỉnh ngộ chẳng ít thì nhiều.
- Chúng ta rơi vào bẫy và đóng vai bù nhìn... - Tướng Minh chép miệng – Tôi hiểu hơi chậm về người Mỹ... Anh Luân nhất định hiểu hơn tôi, phải làm gì đây?
Luân và Dung thông cảm cái đau của tướng Minh. Ông đặt câu hỏi vào lúc mà ông không còn tí khả năng để làm cái gì.
- Chiến tranh ác liệt. Đồng bào sẽ chết chóc. Ngày 1-11 năm ngoái trở thành cái mộc chuyển tình thế ác liệt, tôi ân hận lắm. Không biết đồng bào đánh giá tôi thế nào?
Tướng Minh có vẻ không chỉ nói với vợ chồng Luân.
Sau cơn bão Iris cơn bão thứ hai ụp tới. Cả miền Trung bị tàn phá khủng khiếp. Cơn bão Joan vừa dịu thì cơn bão Kate vét nốt những gì còn sót lại từ vĩ tuyến 17 giờ trở vào tận Nha Trang.
Không khí chính trị ùn ùn giống các cơn bão. Học sinh, sinh viên hội thảo liên miên, nhất là khi Trần Văn Hương tuyên bố: chính phủ không nhượng bộ, quyết lập lại kỷ cương. Sáu tờ báo bị tịch thu.
Một đoàn đại biểu tình sinh viên gặp Phan Khắc Sửu, đòi giải tán chính phủ Trần Văn Hương. Phát ngôn viên của Quốc trưởng, đại tá Nguyễn Thành Luân, trả lời các hãng thông tấn nước ngoài về cuộc gặp gỡ đó, “Quốc trưởng nhận ý kiến của sinh viên, hứa sẽ xem xét...”
- Thái độ của Quốc trưởng ra sao? Đồng tình hay không với nguyện vọng của sinh viên? – Một nhà báo Mỹ hỏi.
Đại tá Luân mỉm cười:
- Tôi chỉ là phát ngôn viên. Quốc trưởng Phan Khắc Sửu không nói một lời nào về vấn đề mà nhà báo quan tâm nên tôi không có cơ sở để giải thích...
- Xin đại tá cho biết ý riêng của mình. – Hélen Fanfani tấn công Luân.
- Thưa cô Fanfani. – Luân điềm tĩnh – Nếu phóng viên Financial Affairs muốn biết ý kiến cá nhân tôi thì chúng ta nên có một cuộc gặp mặt khác. Hôm nay, tôi là phát ngôn viên chính thức của Quốc trưởng và trách nhiệm của tôi chỉ cho phép tôi nói những điều đẫ được Quốc trưởng thông qua.
- Và, Quốc trưởng chỉ nói những điều được phái quân sự, những người vẫn cầm quyền thực tế cho phép? – Hélen Fanfani chưa chịu rút lui.
- Tôi không được ủy quyền giải thích câu hỏi đó. – Luân đáp lại, tỉnh bơ.
- Thế thì, chúng tôi nên tìm sự thực ở đâu? – Một nhà báo Pháp hỏi.
Luân nhún vai, nheo mắt như cười với Hélen.
- Hẳn đại tá bảo chúng tôi gõ cửa tướng Taylor...
Luân không xác nhận và cũng không phủ nhận ý kiến châm chọc đó của Hélen Fanfani.
Ngày 22-11, Sài Gòn mịt mù lự đạn cay. Học sinh, sinh viên biểu tình lớn, tràn ngập các khu vực quan trọng nhất của thành phố. Cảnh sát phản ứng. Đôi bên xung đột dữ dội. Ngày 23, tình hình tiếp tục căng thẳng. Ngày 24, hàng loạt trường bãi khóa và học sinh chiếm trường. Học sinh Cao Thắng, Nguyễn Trường Tộ, Lê Quý Đôn đóng kín cổng, trương biểu ngữ và gọi loa chống chính phủ. Cảnh sát phá cổng, nhưng bị học sinh đánh lui. Phụ huynh mang cơm, nước tiếp tế cho học sinh. Ngày 25, trường Hồng Lạc bãi khóa, phản đối chính phủ đàn áp học sinh. Quân dù can thiệp, ném lựu đạn vào học sinh. Dân chúng ùa đến bao vây quân dù. Quân đội được tăng cường. Trận chiến kéo dài từ sáng đến 9 giờ đêm.
Chính phủ Trần Văn Hương ra lệnh thiết quân luật và giới nghiêm: cấm mọi đi lại trong thành phố từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Thiếu tướng Phạm Văn Đổng được cử làm Tổng trấn Sài Gòn – Gia Định và đại tá Trần Thanh Bền trở lại làm Tổng giám đốc cảnh sát thay thế Nguyễn Quang Sanh – người thay Bền mấy tháng trước.
*
- Hello! John đây...
- Chào John. William đây...
- Cục diện có vẻ khớp với tính toán của chúng ta...
- Đúng... Nhưng đừng vội. Phải thêm liều lượng nữa để cho bản thân tình hình chứng tỏ trò chính trị không phải là trò nên chơi. Bob Hope là chuyện khác, chuyện chọc cười...
- Phan Khắc Sửu và Trần Văn Hương hơn Bob Hope, họ không chọc cười mà chọc giận...
- Càng tốt.
- Bao giờ Westy thêm được quân?
- Taylor còn phân vân. Canh bạc một khi mỗi tụ bài chồng cao các xấp giấy dollar lên thì Taylor mới chọn hẳn chỗ đứng. Tổng thống chờ ý kiến Taylor mà đại tướng chưa chịu mặc quân phục, đang thắt cà vạt đại sứ đúng phong cách...
- Time is money... (1)
- Tôi hiểu... Thậm chí hiểu hơn ông. Và, Taylor hiểu bằng cả hai chúng ta gộp lại. Các thùng súng của anh bạn không hoen rỉ đâu mà lo. Phải thêm một pha nữa...
- Pha gì?
- Pha anh hề râu dê lên sân khấu.
- Và dọn đường cho gã kia?
- Tất nhiên... Vợ của gã đã tặng cho người của tôi đến hơn trăm sợi tóc rồi đấy...
- Còn gã đã ngủ với người của tôi ngần ấy lần...
- Chụp hình đủ cả chứ?
- Quay phim.
– Còn vợ gã?
- Cũng quay phim!
- Hoan hô.
- Tôi chọn một gã nữa để kèm...
- Thằng cao bồi lô can?
- Nó xứng đáng hơn hết...
- Đã gài thế chưa?
- Rồi... Một chiêu đãi viên Hàng không! Có thể dẫn gã đến gặp Diêm vương cũng được...
- Còn tay Luân?
- Phải tranh luận với Taylor và Westy...
- Cho Jones Stepp và mụ vợ của y về vườn...
- Tôi đủ thông minh...
- Nhất là mụ vợ...
- Bà ta đẹp quá!
- Ồ! William, chớ vấy vào váy của mụ...
- Đừng hòng! Mụ sẽ nhổ nước bọt vào mặt tôi hay anh.
- Tôi không quan tâm...
- Thôi nhé...
*
ẨN SỐ CỦA MỘT BÀI TOÁN
Hélen Fanfani (Finamcial Affairs).
Sài Gòn, cuối tháng 11-1964.
Ba cơn bão liên tục chĩa vào Trung phần Việt Nam Cộng hòa nhưng cũng lung lay hàng cổ thụ thủ đô Nam Việt – có vài cổ thụ đổ - và khói lựu đạn cay mù mịt đẩy cả Việt Nam Cộng hòa vào màu huyền hoặc. Vị thủ tướng tự gán cho mình sắc thái lãnh tụ, một Mussolini phương Đông, ban hành hàng loạt biện pháp gọi là “lập lại trật tự”. Ông bao giờ cũng lầm lì, ngẩng cao chiếc đầu hớt tóc ngắn, khoa gậy giống như ông đứng trước học sinh ngày nay thách thức chiếc gậy của ông, dù chiếc gậy ấy biến thành hàng vạn dùi cui cảnh sát.
Khi tôi viết bài này, ngày cuối cùng của tháng 11 đang ầm ĩ trôi qua. Tinh mơ hôm nay, một đầu tàu hỏa không người lái, chở một khối thuốc nổ, chạy hết tốc lực vào Ga Sài Gòn và chúng ta biết cả một quả bom lớn vang động trung tâm thành phố, hủy phá nhà ga. Bức ảnh kèm theo cho thấy mọi đổ nát; nhưng bức ảnh không làm sao trình bày hết lối đánh chắc chắn vô cùng độc đáo của nhưng người chống lại chính phủ Nam Việt.
Hôm qua, tận mắt tôi chứng kiến một lối đánh khác – mà bức ảnh kèm có thể giúp bạn đọc đôi khái niệm. Một học sinh, tên Lê Văn Ngọc, bị cảnh sát và lính dù giết ngày 25, nay được chôn. Tôi ước tính chắc hơn một vạn người – hoặc hai vạn – tiễn đưa người học sinh xấu số đến nơi nghỉ. Cảnh sát và quân đội chực hờ. Song, không ai dám can thiệp. Nếu một tiếng súng nổ, đám tang sẽ trở thành một cuộc nổi dậy dữ tợn mà vị Thủ tướng giáo sư phải đối đầu với học trò; chưa ai biết liệu vị giáo sư sống nổi không. Phải đợi đám tang qua cây cầu nối trung tâm thành phố với thành phố Gia Định, cảnh sát mới ngăn cản. Cảnh sát đòi những người đưa đám tang tháo bỏ một khẩu hiệu, thật ra là hai câu thơ, khổ thay, của một nhà thơ rất nổi tiếng có chân trong giới cầm quyền Bắc Việt – ông Tố Hữu.
Căm thù lại giục căm thù
Máu kêu trả máu, đầu kêu trả đầu...
Khẩu hiệu, hai câu thơ ấy, ký tắt tên tác giả: T.H. Đám học sinh, sinh viên – đông nhất trong những người tiễn đưa Lê Văn Ngọc - kiên quyết chống lại, giữ khẩu hiệu như giữ lá cờ chiến đấu. Thế là xô xát. Trọng sự việc này, cảnh sát đã làm một trò khá trơ trẽn: họ giữ một ô tô và cho biết trong ô tô có súng. Tất nhiên, xe của cảnh sát hóa trang và súng cũng của cảnh sát. Trò vu khống bị la ó. Ngay số nhà báo nước ngoài chúng tôi cũng cười chế nhạo cảnh sát. Một vài thanh niên bị bắt, và hàng nghìn thanh niên giải vây. Đám tang có thể dừng ngay trên cầu, tắc nghẽn giao thông và thêm một duyên cớ để công luận Việt Nam Cộng hòa và nước ngoài phẫn nộ chính phủ.
Sau cùng, cảnh sát nhượng bộ. Đám tang thành cuộc tuần hành lớn, dọc đường thu nhận thêm người, kéo dài đến mấy cây số.
Trong suốt tuần lễ qua, ông Trần Văn Hương bị lôi cuốn vào trận đánh kỳ lạ giữa thành phố. Học sinh, sinh viên – đặc biệt là học sinh – bãi khóa chiếm trường liên miên. Cảnh sát và quân đội chạy như con thoi, hết can thiệp nơi này đến can thiệp nới khác. Và, ông Hương hò hét khản giọng: lập lại trật tự. Trật tự ngày mỗi tồi tệ hơn.
Tướng Dương Văn Đức động binh, lực lượng đặc biệt người Thượng nổi loạn, công nhân Sài Gòn tổng bãi công, học sinh, sinh viên bãi khóa. Việt Cộng đánh mạnh, mưa bão dồn dập, tướng Khánh rời ghế thủ tướng, tướng Khiêm và tướng Minh bị tống xuất, tướng Đôn, Đính... trở lại nhiệm sở, ông kỹ sư Phan Khắc Sửu đăng quang như chiếc bóng, ông Trần Văn Hương gây gổ... Và, đại sứ Mỹ im hơi lặng tiếng.
Tất cả những xáo trộn gần như bất tận trên nói điều gì? Hoặc hé ra điều gì?
Bài toàn còn ẩn số. Phải chăng người ta – “người ta” có thể là Tổng thống Johnson, có thể là ngài Colby, có thể là đại sứ Taylor - muốn thúc đẩy tình hình vào quỹ đạo đã được sửa soạn: chỉ có quân lực Mỹ trực tiếp tham chiến mới hòng cứu vãn số phận của Nam Việt.
Nếu đó là ẩn số thì là một ẩn số chẳng đòi hỏi các nhà toán học lôi nó ra – bất kỳ ai đếm được từ 1 đến 10 là có thể cho số thành.
Nhưng, liệu vài chục vạn hoặc hơn nữa số thực binh Mỹ sẽ làm được gì trước các đầu xe lửa không người lái, trước đám học sinh nhìn Mỹ như nhìn kẻ xâm lược, trước số mà Mỹ gọi là bạn bè hoặc chỉ có cái tên đính kèm học vị hoặc dở hơi, hoặc đầy tham vọng cá nhân?
Trò chơi bắt đầu cách nay một năm. Trò chơi, như những năm tháng ở Việt Nam giúp tôi quan sát đám trẻ nhỏ thích chơi gọi là, theo lối Việt Nam bịt mắt bắt dê...
*
Gần 10 thanh niên, gồm ba nữ, đến nhà Luân một cách đột ngột không hẹn trước, vào một buổi sáng. Vợ chồng Luân sửa soạn đi làm, họ tiếp tại phòng khách. Nhìn qua, vợ chồng Luân đoán ngay họ thuộc lớp “tranh đấu”, có người là sinh viên, có người chắc còn ở các lớp phổ thông.
Mấy năm nay, thành phố rung chuyển vì lớp trẻ học đường, lớp trẻ nói chung, từ nhóm Lê Quang Vịnh, qua Quách Thị Trang, Nguyễn Văn Trỗi và mới đây Lê Văn Ngọc. Tập thể lớp trẻ mở ngay mặt trận chiến đấu nơi nhạy cảm chính trị nhất dẫn đầu, chiếm một mặt bằng thật rộng trên báo chí và nguồn thông tin trong và ngoài nước.
Dung hiểu thật rõ những vụ bắt bớ, tra tấn hàng loạt, do cảnh sát cả Nam Việt thực hiện và hằng mấy trăm người đang bị giam, chờ ngày đi đày. Không ai sẽ được tòa án xét sử vì một lẽ đơn giản: không có lý do để xét xử. Những tuyên bố của cảnh sát về bắt được nơi này lựu đạn, nơi nọ súng lục... hầu hết giả tạo. Chính Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia nhiều lúc phàn nàn: gán ghép kiểu này phe đối lập lật tẩy mà không ai khác phải đưa đầu chịu trận là Tổng nha, dù lệnh từ chỗ khác, chủ yếu là Tổng tư lệnh và Tổng trưởng nội vụ, tất nhiên, khẩu lệnh. Khá nhiều lần, Dung tranh cãi với Tổng giám đốc – Trần Thanh Bền – Nguyễn Quang Sanh rồi Trần Thanh Bền – về khả năng gây tức giận trong công luận do các hành động trấn áp và lộng quyền của cảnh sát. Lập luận của cô khiến các tay đứng đầu ngành cảnh sát phải suy nghĩ, nhưng nó chỉ có thể gỡ một ít vụ quá xôn xao, còn, như guồng máy phải quay, ngành cảnh sát bổ sung thêm lực lượng dã chiến chống biểu tình, được trang bị mặt nạ, hơi cay và phi tiễn, thành lập thêm các phòng chuyên điều tra học sinh, sinh viên mà phái đoàn cố vấn Mỹ khuyến cáo phải tìm cho ra đầu não của “Liên hiệp học sinh – sinh viên giải phóng khu Sài Gòn – Gia Định”, nòng cốt của Việt Cộng tác động trong các trường học, trước hết, các trường dạy nghề, trường tư thục và một loạt trường đại học, cao đẳng. Những tài liệu mà phái đoàn cố vấn Mỹ cung cấp cho thấy có mối quan hệ giữa các tổ chức “Nhà giáo yêu nước”, “Nghiệp đoàn giáo dục”, “Tổng liên đoàn lao động”, số trí thức gồm cả nhà văn, nhà báo ngày xưa chồng pháp với “Liên hiệp học sinh – sinh viên giải phóng”, với Tổng hội sinh viên, các ban đại diện các trường – những chi nhánh công khai đặt dưới quyền điều khiển của khu đoàn thanh niên nhân dân cách mạng – tức Việt Cộng.
Phái đoàn cố vấn Mỹ thật sự lo lắng sức bật của lớp trẻ. Những ngày đầu, Nguyễn Khánh coi thường “mấy chú học trò”. Nhưng, cú xé Hiến chương Vũng Tàu đã cảnh cáo anh ta cùng bộ sậu quân sự. Điều mà Khánh và cánh võ biền chưa hiểu thì tình báo Mỹ nhìn rõ: tính chất của phong trào học sinh thay đổi từng tháng một. Nếu ngày xưa, học sinh sinh viên và thanh niên nói chung là những tranh cảnh minh họa cho các chính khách mang nhiều lốt áo dấy lên sự chống đối Diệm để giành quyền lực thì từ giữa năm 1964, họ tự chứng mình khả năng độc lập về chính trị, khả năng liên kết với nhau và khả năng liên kết rộng lớn – thậm chí, không trừ tạo ra đồng minh trong thanh niên Mỹ - tuy mục đích còn mơ hồ, nhưng đúng là thế lực đáng sợ, thế lực với cái nghĩa đầy trọng lượng ném lên đòn cân chính trị ở thủ đô và các thành phố lớn nhỏ của Nam Việt. Truyền đơn xuất hiện mỗi ngày một nhiều, rồi nội san in ronéo, rồi hội thảo, rồi xuống đường. Tới nay, chưa có khẩu hiệu chống Mỹ nào công khai trên băng, áp phích là liệt khắp nơi, nhưng đã qua thời kỳ “đả đảo tàn dư Cần Lao”, “đả đảo Thực Phong Cộng” còn khá rầm rộ cách đây vài tháng thôi.
- Các bạn biểu tình tôi? – Luân cười cởi mở, mời họ ngồi.
- Hay với tôi, một nhân viên Tổng nha cảnh sát? – Dung cũng cười.
- Không phải! – Một thanh niên gầy gò, mặt mũi sáng sủa, có vẻ người cầm đầu nhóm, trả lời – Chúng tôi muốn tranh luận với đại tá trước, với bà thiếu tá sau...
- Sẵn sàng! – Luân trở lại thái độ nghiêm chỉnh.
- Chúng tôi hỏi: Tại sao đại tá lại nhận chức phát ngôn viên cho ông Phan Khắc Sửu?
- Việc đó làm các bạn không bằng lòng?
- Tất nhiên! Không bằng lòng và khó hiểu. Một người như đại tá lại làm cái loa cho một nhân vật bù nhìn, chúng tôi cố tự giải thích mà không tìm được lời đáp nào thỏa đáng.
Luân nhìn khắp lượt toàn nhóm.
- Tôi rất kính trọng các bạn trẻ... - Luân nói từ tốn – Vừa rồi, các bạn đã hành động như một chiến sĩ chân chính... Xin cho phép tôi hỏi các bạn: Theo các bạn, tôi nên làm gì? Và, trong khi thừa hành “cái loa” như các bạn khinh miệt, tôi phạm sai lầm nào đáng xấu hổ?
Người đại diện của nhóm có vẻ hơi lúng túng trước câu hỏi ngược của Luân. Một nữ - chắc chắn là nữ sinh trung học – đã thay lời bạn:
- Phát ngôn của đại tá chưa có gì gọi là xấu hổ. Cái đáng xấu hổ là việc làm của người phát ngôn.
Giọng cô đầy trách móc.
- Cám ơn cô bạn đã nói thẳng. Song, câu hỏi của tôi chưa được trả lời trọn vẹn... - Luân vẫn một mực ân cần.
- Ông nên làm gì, phải làm gì, không ai thay ông trả lời được. Chính ông, ông biết... - Cô gái vẫn giữ thế tiến công.
- Vì lý do đó mà các bạn đến nhà tôi?
- Đúng một nửa, tức đúng với đại tá... - Một nam thanh niên đeo kính cận trả lời.
- Như thế này, – Luân như tâm sự với người anh tin cậy – Tôi phát ngôn cho ông Sửu, danh nghĩa là Quốc trưởng, mà không phát ngôn cho chính phủ hay quân đội... Tôi không chọn nghề “ống loa”, người ta mời và tôi nhận. Bởi vì, trong lúc này, theo tôi, là việc làm có thể có được một chút lợi ích nào đó. Một chút thôi. Mọi cái sẽ qua nhanh. Các bạn hiểu chớ?
- Tại sao đại tá không thành lập một đảng chính tri? Chúng tôi cho rằng với tư cách một đảng chính trị, đại tá rộng đường hoạt động hơn... - Người trưởng nhóm nói.
- Đảng chính trị? – Luân cười – Chẳng lẽ các bạn khuyên tôi bỏ “ống loa” cho ông Quốc trưởng bù nhìn để thành thủ lĩnh nhóm xôi thịt? Đảng chính trị, đúng là cần. Nhưng, nó không thể tồn tại giữa Sài Gòn. Một đảng được phép hành nghề của Bộ nội vụ, các bạn thử tưởng tượng, nó là loại gì? Tôi không thích bị báo chí Sài Gòn gọi là “chánh khứa”!
- Có nhiều loại đảng! Đại tá thành lập một đảng đối lập, công bố đường lối chính trị rõ rệt, tức khắc dân chúng ủng hộ...
- Đường lối sẽ thế nào? - Luân lắc đầu, anh ngó thẳng vào những người đối thoại - Không đường lối nào tốt hơn sự lựa chọn của các bạn. Các bạn đã thấy, khẩu hiệu đòi có một chính phủ dân sự ra đời, y một trò ảo thuật. Nay mai, sẽ có lập luận: chính phủ dân sự bất lực, phải tái lập quyền uy của quân đội... Tất cả màn khói ấy nhằm vào cái gì? Các bạn thích bị khoác bộ quân phục, nhét súng vào tay và buộc phải bắn lung tung không? Bắn ai? Ai chết? Quá đủ rồi cái trò “đảng đối lập”. Tôi không chọn con đường, nói trắng ra, là chỉ có lợi cho những kẻ buôn súng và buôn máu... Mọi thứ đều có giới hạn. Chúng ta đang ở chỗ phải phá giới hạn cũ. Nói thật chính xác, nếu những người có nhiệt tâm không phá vỡ giới hạn đó thì thế lực khác cũng phá vỡ nó. Các bạn, tôi tin là đầy nhiệt tâm, nên suy nghĩ chủ động... Các bạn hiểu ý tôi không?
Luân nói tựa như với đồng chí, đồng tâm, mặc dù anh hoàn toàn nói theo thân phận anh cho phép, có thể hiểu bằng nhiều cách – ví dụ trong số này có một tình báo Mỹ hay một gã khiêu khích của phe phái ghi âm lời của anh, cũng vô hại.
- Chúng tôi cám ơn đại tá... Bây giờ, xin được hỏi bà thiếu tá Cảnh sát quốc gia...
Dung cười:
- Xin mời!
- Tại sao bà vẫn tòng sự ở Tổng nha? – Một cô gái hỏi.
- Thế, tôi nên tòng sự ở đâu? Tôi là sĩ quan cảnh sát, đương nhiên tôi phải ở nếu không Tổng nha thì một Nha, một Ty thuộc ngành cảnh sát...
- Bà không thấy bao nhiêu chuyện tàn bạo của cảnh sát sao?
- Vấn đề có lẽ nên đặt thế này: Tôi có tàn bạo không? Bởi vì, các bạn đến đây gặp cá nhân tôi, tôi là phó chủ sự của một Nha của Tổng nha, nhưng tôi không lấy tư cách ấy để nói chuyện với các bạn.
- Chúng tôi biết bà ở Nha công vụ... Nhưng, nếu người ta điều bà sang Nha hoạt vụ chẳng hạn, hay cảnh sát đặc biệt, bà sẽ trở nên tàn ác...
- Ở Nha công vụ, nếu muốn tàn ác, chẳng khó gì. – Dung cười mỉm – Nhưng, vấn đề là phía các bạn, nên hoạt động thế nào để không bị các nhóm hoạt vụ gây phiền toái...
- Nghĩa là bà khuyên chúng tôi xuôi tay? – Một cô gái hỏi gay gắt.
- Tôi không khuyên gì cả. Tôi chỉ nhắc rằng nếu các bạn biểu tình bãi khóa, chiếm trường... thì theo tôi, tùy các bạn. Đừng để những trái lựu đạn – không phải những chai xăng dầu – và khẩu súng ngắn vấy vào các cuộc biểu thị thái độ chính trị.
Dung cố gắng vận dụng lối phân tích về phương châm đấu tranh, cố không dám phiêu lưu quá xa và hy vọng nhóm trẻ này hiểu được.
- Tang chứng của cảnh sát trong vụ đám tang Lê Văn Ngọc là giả tạo! – Một người nói hằn học.
- Đúng, tôi đồng ý. Do đó các bạn bị bắt được thả ngay. Nhưng... - Dung không nói tiếp.
- Nhưng sao? – Một nữ thành niên hỏi, nôn nả.
- Nếu đó là tang chứng thật. - Dung cắn môi – Mọi lẫn lộn đều phải trả giá, đôi khi quá đắt. Tôi chỉ có thể đối thoại với các bạn bấy nhiêu.
Xem đồng hồ, Dung đứng lên:
- Tôi phải đi làm, chào các bạn.
- Bà ấy không hỏi tên bất kỳ ai trong chúng ta – Một người nói khẽ, song Luân nghe.
*
Tuyên bố của Hội đồng tướng lĩnh:
Từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 12-1964, các tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa từ chuẩn tướng và phó đề đốc trở lên, trừ số bận công vụ ngoài nước hoặc không thể rời sở chỉ huy do chiến sự bắt buộc, đã họp hội nghị toàn thể.
Là những quân nhân mang trọng trách giữa thế nước nguy hiểm, Việt Cộng mở rộng họat động khắp các vùng cùng với tốc độ gia tăng thâm nhập vũ khí và thực binh của Cộng sản Bắc Việt vào lãnh thổ Nam Việt Cộng hòa các tướng lãnh đã xem xét mọi khía cạnh của đất nước. Đây không phải là cuộc họp do Bộ Tổng tư lệnh triệu tập, nên không liên quan đến vị thế chính thức của từng thành viên có mặt. Hội nghị ghi nhận những ý kiến sau đây:
1. Các tướng lãnh cho rằng việc các tướng lãnh trở về quân đội là để tạo bầu không khí dân sự tốt đẹp ngõ hầu lập một chính phủ đủ quyền lực và làm tròn sứ mạng chống Cộng.
2. Các tướng lãnh nhắc lại lập trường của mình: ủng hộ một chính quyền dân sự lành mạnh, trung thành với Tổ quốc, kiên quyết chống Cộng, đại diện được cho khối đoàn kết toàn dân, không thiên lệch về một đảng phái nào và cũng không chịu bất kỳ áp lực nào về đường hướng họat động.
3. Các tướng lãnh hy vọng chính phủ dân sự hiện nay yểm trợ đắc lực cho quân đội trên chiến trường, giữ an toàn ở hậu phương, ngăn ngừa mọi mưu toan quấy rối khiến chiến sĩ không yên tâm hoàn thành nhiệm vụ hoặc phải can thiệp để vãn hồi trật tự hậu phương.
4. Các tướng lãnh đã trao đổi và thống nhất rằng dù dân chủ thực thi đến đâu, vẫn cần phải có một thiết chế riêng của các tướng lãnh bởi quốc gia đang giữa thời chiến. Thiết chế ấy là một Hội đồng quân lực. Danh sách các vị đứng đầu Hội đồng quân lực đang còn trao đổi và sẽ được công bố khi thuận tiện.
5. Các tướng lãnh mong muốn giữa tướng lãnh Việt Nam và Mỹ cùng các nước đồng mình Việt Nam Cộng hòa thường xuyên tiếp xúc trên các bình diện hoạch định hợp đồng chiến thuật, trao đổi kỹ thuật và mong muốn hỗ trợ kiến thức bằng cách tăng thêm số sĩ quan Việt Nam Cộng hòa tu nghiệp và nghiên cứu tại các trường và học viện Mỹ, Trung Hoa Dân Quốc, Phi Luật Tân và Đại Mã Lai Á.
Làm tại Đà Lạt ngày 4 tháng 12 năm 1964.
*
Tin tức báo cáo:
Một trận đánh ác liệt gây thương vong khá nặng cho quân lực vùng IV ngày 5-12, tại Tân Lộc. Đây là cuộc chạm trán lớn giữa quân đội Việt Nam Cộng hòa với Tiểu đoàn U Minh 2 của Việt Cộng, thuộc An Xuyên.
Chuẩn tướng Đặng Văn Quang vừa được thăng thiếu tướng và đặc cách phụ trách Tổng ủy trưởng Tổng ủy tính báo Việt Nam Cộng hòa.
Chiến trận gia tăng ác liệt tại An Lão (Bình Định), Tam Kỳ (Quảng Tín). Không quân Việt Nam Cộng hòa can thiệp, thả nhiều bom napan. Chiến sự cũng rộ lên ở Tây Ninh, Định Tường, Vị Thanh.
Mìn nổ một quán rượu mà quân nhân Mỹ thường lui tới ở đường Trần Hưng Đạo, gây thương vong đáng kể.
Thượng tọa Thích Tâm Châu, Viện trưởng Viện hóa đạo kêu gọi tăng ni, Phật tử tránh âm mưu xách động của Việt Cộng, giữ bình tĩnh.
Ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuân bị mưa lụt 20.000 nhà bị nước cuốn đi cùng với 500 người.
Luật sư Phan Tân Chức, Tổng trưởng Bộ giáo dục đệ đơn từ chức. Thủ tướng Trần Văn Hương đã cử giáo sư Nguyễn Văn Trường thay thế.
Thượng Hội đồng quốc gia thăm dò ý kiến một số nhân vật về việc triệu tập quốc dân đại hội.
Một số tướng lĩnh trẻ yết kiến quốc trưởng Phan Khắc Sửu đề nghị cho một số tướng lĩnh già về hưu. Quốc trước hứa sẽ cứu xét.
Quốc trưởng nâng quân hàm trung tướng Dương Văn Minh (đang công du ngoại quốc) và trung tướng Nguyễn Khánh lên đại tướng.
*
Thông cáo của Hội đồng quân lực:
Theo quyết định của hội nghị Đà Lạt ngày 4-12, một Hội đồng quân lực Việt Nam Cộng hòa được thành lập với tư cách cố vấn để giúp Tổng tư lệnh thực hiện công bằng trong quân đội.
Hội đồng quân lực cho rằng Thượng hội đồng quốc gia chia rẽ bè phái nghiêm trọng, mua chuộc cả tướng lãnh, làm suy yếu tiềm năng chống Cộng, nên quyết định giải tán Thượng hội đồng. Đất nước không thể bảo tồn được với những phần tử xôi thịt.
Quân lực Việt Nam Cộng hòa, trung thành với mục đích ái quốc và chống Cộng, quyết không thi hành chính sách của ngoại bang nào cả.
Thà thanh bạch trong độc lập còn hơn giàu sang mà tủi nhục trong nô lệ ngoại bang.
Hội đồng quân lực vẫn lưu nhiệm ông Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng và vẫn tín nhiệm chính phủ do giáo sư Trần Văn Hương đứng đầu. Hội đồng yêu cầu chính phủ triệu tập quốc dân đại hội, trong khi chờ đợi, Quốc trưởng giữ quyền lập pháp và quân đội sẽ hòa giải cho mọi tranh chấp.
Sài Gòn, ngày 20 tháng 12 năm 1964
Đại tướng Nguyễn Khánh.
*
Thông cáo báo chí:
Hội đồng quân lực không phải là hội đồng quân đội cách mạng. Sau quyết định tối cần thiết ngày 20-12, Hội đồng trở lại cương vị cố vấn cho Tổng tư lệnh.
Ngày 23 tháng 12 năm 1964.
Bộ Thông tin.
*
Tin các báo:
Mìn nổ dữ dội ở khách sạn Brinsk, gần trụ sở Quốc hội. Khánh sạn Brinsk dành riêng cho quân nhân Mỹ cư ngụ. Thiệt hại được biết là khá nặng. (Các báo Việt ngữ)
Đại tướng Dương Văn Minh từ Đài Bắc trở về Sài Gòn. Đại tướng không tuyên bố gì cả. Cũng không có một nghi lễ đón nào. (Nhật báo Viễn Đông – Tiếng Pháp).
Chiến sự dữ dội tại Bình Giã thuộc Phước Lễ. Việt Cộng tập trung lực lượng khá lớn, đánh vào các đơn vị quân lực Việt Nam Cộng hòa đang hành quân tảo thanh. Hình như Việt Cộng bố trí sẵn trận địa phục kích và quân đội Việt Nam Cộng hòa gồm bốn tiểu đoàn bộ binh rơi vào bẫy của Việt Cộng. Bộ Tổng tham mưu đã điều lực lượng tiếp viện chưa từng có, đổ bộ bằng trực thăng, tham chiến gồm các tiểu đoàn Dù, Biệt Động quân và Thủy quân lục chiến. Không quân bắn phá cực kỳ mãnh liệt các khu rừng nghi là có Việt Cộng. Pháo binh tập trung độ cao, bắn hàng vạn quả đại bác vào khu vực thật ra không rộng. Các giới am hiểu quân sự cho rằng đây là trận đụng độ lớn nhất giữa quân lực Việt Nam Cộng hòa và Việt Cộng từ khi xứ này rơi vào chiến tranh. Theo các giới am hiểu quân sự, cuộc thử sức này cho thấy khả năng của Việt Cộng đã hình thành lên đến đơn vị trung đoàn và phối thuộc nhiều binh chủng – lực lượng không thể hoài nghi từ Bắc Việt vào mà tuyển chọn tại chỗ.
Chắc chắn tướng Nguyễn Chí Thanh, nay là nhân vật số 1 của Việt Cộng ở Nam Việt muốn thể nghiệm quy mô tấn công, không đơn thuần du kích. Người chỉ huy trực tiếp, theo tin tình báo, là Năm Truyện và Sáu Tòng – những cái tên tự nó đã giới thiệu quê quán Nam Bộ của họ.
Tổn thất của quân lực Việt Nam Cộng hòa, cả trực thăng bị bắn rơi, được một số sĩ quan cấp tướng ở Bộ Tổng tham mưu (ông đề nghị dấu tên) đánh giá là “nặng nề hơn bất kỳ trận đánh nào trước đây”.
Cuộc chiến kéo dài ba đêm ngày. Việt Cộng rút lui khi không còn việc gì để làm nữa, với một số khí tài chiến tranh khá lớn và một số tù binh chưa biết là bao nhiêu.
Chúng tôi xin gặp trung tướng Westmoreland, hỏi về trận Bình Giã. Ông trả lời đầy ngụ ý: một cái nhún vai. (Tin của UPI).
*
TƯỚNG NGUYỄN KHÁNH MUỐN GÌ?
Hélen Fanfani (Financial Affairs).
Ngày 25 tháng 12, tướng Nguyễn Khánh – vừa thêm một ngôi sao trên cầu vai do ông tự gắn cho và để đỡ ngượng, ông gắn luôn cho ông Big Minh mà ông này tỏ thái độ khó chịu khi được gọi là đại tướng, Big Minh chỉ thích cấp trung tướng do chính Tổng thống Ngô Đình Diệm phong cho – đi một đường mà báo địa gọi là “lả lướt” khi tuyên bố với phóng viên báo New York Herald Tribune: Đại tướng Taylor, đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam Cộng hòa đã có những hành vi “khó tưởng tượng” và “không thể chấp nhận”, tức dùng áp lực với chính phủ Việt Nam Cộng hòa để thay đổi những con người ở các cấp mà hoàn toàn do ông độc đoán chỉ định. Tướng Khánh còn nói: Việt Nam Cộng hòa sẽ mất nếu vị đại sứ Mỹ muốn đóng vai trò viên Thái thú hay Toàn quyền thuở Việt Nam là thuộc Trung Hoa và Pháp. Theo ông Khánh, Mỹ nên “tính việc lớn với những ai có thực lực ở xứ này; ông Taylor không thể buộc dân Nam Việt chịu đựng những nhà lãnh đạo mà họ không muốn”
Lời tuyên bố của tướng Khánh nhắc chúng ta nhớ những lời tương tự của ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu trước khi hai ông bị trả đũa. Nhưng, ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu lại thuộc lớp người khác. Họ có quan điểm riêng và đúng là họ có thực lực. Ông Khánh nhắc chữ “thực lực” để tự khoe mình trong khi ai cũng biết, ông chẳng có cái gì cả.
Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn đã ra một thông báo báo chí trả lời trực tiếp ông Khánh. Đại sứ Taylor chỉ làm theo nhiệm vụ của một đại sứ. Thông báo rất ngắn gọn mà ai cũng thấy giọng khinh bạc quen thuộc của người Mỹ.
Tướng Nguyễn Khánh “làm mình làm mẩy” nhằm mục đích gì? Ở Việt Nam Cộng hòa, không phải là điều tối mật về sự tranh giành chức vị trong hàng tướng lãnh. Ông Khánh, tất nhiên, muốn khẳng định chiếc ghế của ông.
Nhưng, hình như một số người Mỹ nào đó có quyền lực “bật đèn xanh” cho ông Khánh. Ông Khánh muốn gì thì hết sức rõ còn một số người Mỹ bảo trợ cho ông Khánh muốn gì, cái đó còn trong vòng bí ẩn.
---
(1) Thời gian là tiền bạc

<< P9 - Chương 18 | P9 - Chương 20 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 386

Return to top