Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Ván Bài Lật Ngửa

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 199072 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ván Bài Lật Ngửa
Nguyễn Trương Thiên Lý

P1- Chương 3

Luân bắt tay anh Tư thật chặt. Đã hơn 8 năm Luân mới gặp lại anh Tư. So với hồi đó, anh Tư mập hơn đôi chút, song da vẫn ủng, mắt thâm quầng và nhất là vẫn ho khúc khắc.
Hai người hỏi thăm nhau vài câu rồi Luân xin phép được làm việc. Nhìn số cán bộ ngồi chật nhà bên, Luân biết sáng nay, anh Tư còn tiếp có lẽ cả chục khách nữa là ít. Trải tấm bản đồ vùng Phụng Hiệp lên bàn, Luân cầm bút chì, chỉ vào hướng 420 sẽ tấn công.
- Thưa anh, đây là đường xe Phụng Hiệp – Cần Thơ…
- Nhưng hôm nay tôi gặp anh để bàn chuyện khác! – Anh Tư ngăn Luân.
Luân sững sờ. Anh Tư tươi cười:
- Chuyện khác quan trọng hơn chuyện giải phóng tuyến Phụng Hiệp… Anh đọc điện này sẽ rõ.
Bức điện thượng khẩn và tuyệt mật của Trung ương Đảng.
“Quyết tâm của Trung ương diệt chủ lực địch ở Điện Biên Phủ. Các chiến trường cần khẩn trương phối hợp. Sau thắng lợi lớn này, tình hình chính trị có thể có đột biến”.
*
Luân gặp anh Tư lần đầu – và mãi hôm nay mới gặp lại – đúng vào lúc Nam Bộ kháng chiến mở màn.
Dựa vào quân Anh – chiêu bài của chúng là thay mặt cho Đồng minh giải giới quân đội Nhật ở Nam Đông Dương – Pháp cùng một lúc chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ, Tòa đốc lý, Sở công an. Nhật ngầm tiếp tay Pháp, vũ trang cho chúng. Tình hình nói chung là bất lợi đối với ta – vừa giành chính quyền xong, chưa kịp tổ chức lực lượng, thiếu vũ khí.
Dưới ánh đèn dầu mờ mờ trong một căn nhà lọt giữa xóm lao động bên kia Cầu Bông, anh Tư truyền đạt các chỉ thị khẩn cấp của Thành ủy. Luân chưa hiểu anh Tư là ai. Dong dỏng cao, da trắng bệt, mắt trõm, thỉnh thoảng ôm ngực nén cơn ho cơ hồ xé phổi, lại luôn cười đôn hậu, nói không văn vẻ - hơi lộn xộn nữa – nhưng dễ hiểu, anh đã gieo ấn tượng mạnh trong Luân qua phong thái ung dung giữa bốn hướng súng nổ rộ.
Luân là một trong những người hăng hái nhất hôm đó. Anh không để ý lắm các phân tích tình hình của anh Tư.
- Theo tôi, cái cần nhất hiện giờ là súng. Xin cho súng. Có súng, chúng tôi tự biết liền cách đánh!
Luân đặt vấn đề bốp chát như vậy.
Anh Tư nhìn Luân, vẫn tươi cười:
- Anh bạn! Nếu chúng ta có đủ súng thì hà tất phải ngồi đây bàn với nhau cả buổi trời. “Cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ bẩy quả đất cho mà xem”. Hình như câu nói đó của Acsimet (1). “Cho tôi súng, tôi sẽ rượt bọn Gra-xi(2) chạy vắt giò lên cổ cho mà xem”. Đến lượt anh bạn, Acsimet thời nay!
Đối với Luân, cuộc nói chuyện không lấy gì làm thú vị. Tuy vậy, sau đó, anh được phái ra Hà Nội và trở về Nam với một chuyến xe lửa đầy súng đạn. Rồi anh quay ra Hà Nội. Lần sau, chuyến xe lửa đầy vũ khí phải dừng lại Quảng Ngãi – đường phía trong đã bị Pháp chiếm. Thế là Luân chuyển vũ khí bằng thuyền. Anh công tác ở Phòng liên lạc miền Nam năm 1947.
*
Là một kỹ sư vừa tốt nghiệp, Luân mang tật cao ngạo của số đông trí thức lúc bấy giờ. Suốt thời gian học đại học, Luân ít giao du. Với anh, kiến thức và chỉ kiến thức là cái đang thu thập. Bởi vậy, mặc dù quanh anh không khí chính trị sôi sục, Luân vẫn cắm đầu học. Nhật đã đổ bộ vào Đông Dương, chiến tranh thế giới và Thái Bình Dương càng lúc càng gay gắt, Luân chỉ nghe mà không hề tỏ thái độ. Ngoài sách chuyên môn – anh theo ngành canh nông – anh giải trí bằng truyện trinh thám, món giải trí đến với anh từ lúc anh còn ở bậc trung học trường Chasseloup Laubat. Về thể thao, anh chơi quần vợt – chơi khá giỏi.
Sinh trưởng trong một gia đình hội tụ gần như đủ tất cả các điều kiện để được gọi là “thượng lưu” – trí thức, Pháp tịch, đạo Thiên chúa – Luân, Robert Nguyễn Thành Luân, lại thích lối sống khắc khổ. Có thể anh là con áp út – về con trai anh là út – phải ở với bà nội và học tiểu học tại tỉnh lẻ, cho nên Luân gần gũi hơn so với các anh chị, nếp sinh hoat nông thôn.
Luân là người duy nhất trong gia đình không đỗ đạt bên Pháp. Sự lựa chọn ngành của anh hoàn toàn là một cử chỉ hiếu đễ: bà nội anh thích trồng trọt. Còn nói về nguyện vọng riêng, chính anh mơ ước trở thành một nhà trinh thám tư – một ngành thực tế không có chỗ dùng ở Viêt Nam.
Cần nói thêm cho thật chính xác: anh không sang Pháp vì khi anh đậu tú tài, đường sang Pháp bị chiến tranh làm gián đoạn.
Nhận xong bằng kỹ sư – lễ phát bằng uể oải như guồng máy chạy cầm chừng của nhà nước Pháp ở Đông Dương. Luân về Nam. Chính trên chuyến xe lửa chỉ thì thụt ban đêm và kéo khá dài ngày đó, Luân bắt đầu thay đổi cách suy nghĩ.
Tình cờ một bạn học nằm chung “cút-sết”(3) với anh, anh bạn học này tên là Quý, quê Nam Định, sinh viên ngành y, sống chung với anh nhiều năm ở Đông Dương học xá. Bỗng một dạo, Quý bỏ học. Tin đồn đại trong bạn học: Quý lên chiến khu, theo ông Võ Nguyên Giáp. Khi Luân ra Hà Nội, ông Võ Nguyên Giáp không còn dạy trường Thăng Long, ngôi trường nổi tiếng ở phố Ngõ Trạm, xong tên ông Giáp thì nghe bạn học rỉ tai, đầy thán phục.
Xe vào đến ga Đò Lèn, Quý mới có mặt trong toa. Gặp Luân, Quý hơi lúng túng. Nghĩa là Quý mua vé đi từ Hà Nội mà không lên xe tại ga Hàng Cỏ. Có lẽ tính toán khá lâu, sau cùng Quý nói thẳng với Luân.
Đúng như tin đồn đãi, Quý lên Tuyên Quang, dự lớp quân chính, cùng nhiều học sinh sinh viên khác. Bây giờ. Quý vào Nam, liên lạc với Việt Minh trong đó. Quý kể nhiều chuyện chiến khu, Luân thích nghe đến nỗi, khi xe đỗ lại tránh máy bay ban ngày – thường giữa vùng rừng núi quạnh quẽ - anh cũng không rời Quý một bước.
Tới Sài Gòn, Luân trình diện tại Sở canh nông. Giám đốc sở vẫn là người Pháp. Lão Tây thất thế rầu rầu nhìn Luân. Ngồi dưới ảnh Quốc trưởng Pétain mà có vẻ lão vểnh tai ngóng tiếng nói của De Gaulle. Còn phó giám đốc đã là một người Việt. Ông ta đỗ bằng kỹ sư nông học bên Pháp – từ thuở kỹ sư nông học còn gọi là Bác vật canh nông – làm phó giám đốc vì đại sứ Nhật muốn như vậy. Thực ra, ông ta chưa hề biết đồng ruộng Việt Nam ra sao. Gặp Luân, ông ta không nói gì về trồng trọt mà thao thao hằng mấy giờ liền về thuyết “Đại Đông Á”, về đề quốc hùng cường Đại Nippon dẫn đạo các dân tộc da vàng. Phó giám đốc ân cần mời mọc Luân viết báo Tân Á (4). Cuộc tháo chạy khỏi Phi Luật Tân, Miến Điện, Nam Dương của quân Nhật… được ông giải thích như là hoàn toàn “mưu mẹo”, y hệt ông ta là hãng Domei (5). Ông ta hé cho Luân biết chẳng bao lâu nữa, Trần Trọng Kim sẽ lập chính phủ - chính phủ Việt Nam độc lập – và ông ta sẽ giữ một ghế bộ trưởng…
Luân chỉ đến sở một lần đó. Anh đi hẳn với Quý. Hai người lội tới lội lui vùng rừng Trị An. Quý đã liên lạc được với Kỳ bộ Việt Minh. Luân giúp Quý tìm vũ khí. Rất khó, song họ cũng mua được vài khẩu súng lửa.
Người anh thứ năm của Luân là luật gia Jean Nguyễn Thành Luân. Vợ của Jean cũng là một tiến sĩ Luật, thuộc giọng họ lớn ở Bạc Liêu: dòng họ Trần. Cả hai liên hệ với nhóm trí thức yêu nước và thiên tả lúc bấy giờ: Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Thủ…
Jean nhiều lần khuyên Robert tiếp xúc với các trí thức đó – họ làm việc dưới sự lãnh đạo của các đảng viên Cộng sản đệ tam. Robert từ chối. Jean lo ngại vì trong trí thức Sài Gòn còn các nhóm khác mà khuynh hướng khá phức tạp: nhóm Tạ Thu Thâu, nhóm Hồ Vĩnh Ký, nhóm Nguyễn Văn Thinh, nhóm Hồ Văn Ngà – kẻ thì của đệ tứ Trôtkit, kẻ thì của phòng nhì Pháp, kẻ thì thân Nhật. Jean chỉ hết lo ngại khi bắt gặp Robert đọc “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”, với vô số gạch dưới bằng bút chì đỏ.
*
Rồi Luân cũng hiểu được anh Tư là ai. Có lẽ trừ gốc đạo Thiên chúa, anh Tư giống Luân về nhiều mặt, thậm chí còn trội hơn nữa. Dân Tây – anh Tư tên là François, vứt bỏ cái một quốc tịch Pháp lẫn vị trí cai trị đầu sỏ, đi dạy học kiếm cơm như những thầy giáo “Annamit” chỉ có bằng sơ học, viết báo chống lại chính quyền Pháp, vào tù ra khám. Là ủy viên ủy ban quân sự khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, anh Tư bị truy nã, bị bắt, bị tra tấn và bị kết án tử hình. Nếu không phải là công dân Pháp và nếu không có chiến tranh – đường liên lạc từ Đông Dương về Pháp nghẽn, bản án của tòa đại hình Sài Gòn không được Giám quốc(6) Pháp thông qua, đây là luật lệ dành cho các bản án đối với công dân Pháp – thì anh Tư bị điệu ra trường bắn từ lâu rồi.
Luân tìm thấy nhiều điều ly kỳ trong việc anh Tư vượt ngục: một ngày tháng 3 năm 1945, buổi sáng, còi báo động. Trong “xen-luyn”(7) tử hình, anh Tư chỉ biết cuộc oanh tạc của Anh – Mỹ khi chỗ nằm anh bỗng rung rinh dữ dội cùng với một tiếng nổ điếc tai. Anh không trông thấy gì cả. Khói trùm kín khu khám lớn, cửa “xen-luyn” của anh đổ kềnh. Lập tức, anh Tư trút bỏ quần áo tù,mặc độc chiếc quần xà lỏn, vụt nhảy khỏi khám. Anh lao đến đúng nơi bom rơi sạt bức tường cao vọi và chỉ một cái lách mình, anh đã ở ngoài đường Lagrandiere. Hai hôm sau, thân thể còn da bọc xương, phổi nhức nhối, anh Tư chủ trì cuộc họp cán bộ với cương vị bí thư Thành ủy vừa được chỉ định.
Và hôm nay, men con rạch Bờ Đập êm ả, Luân lắng nghe anh Tư không để sót một chi tiết. Luân định nhắc lại để xin lỗi chuyện hơn 8 năm trước. Song anh thôi. Chưa chắc một người như anh Tư còn có thể nhớ những thứ ấy. Luân biết rằng anh Tư đang là Ủy viên Trung ương Đảng, Thường vụ Trung ương Cục. Luân còn biết thêm: vài ngày nữa anh Tư sẽ nhận nhiệm vụ Bí thư Đặc ủy khu Sài Gòn – Gia Định, một chiến trường sôi động trong buổi tiếp giáp chiến tranh và hòa bình…
---
(1) Archimède, nhà thông thái thời cổ đại (287 - 212 trước công nguyên)
(2) Gracey, tư lệnh quân đội Anh.
(3) Couchette: toa có giường ngủ.
(4) Tờ báo thân Nhật.
(5) Hãng thông tấn chính thức của Nhật.
(6) tương tự như chức Tổng thống ngày nay.
(7) Cellule: khám nhỏ nhốt trọng phạm.

<< P1 - Chương 2 | P1 - Chương 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 331

Return to top