Gần đến Gò Đen, Luân bảo Lục ngừng xe. Anh không muốn mọi người thấy anh và nhất là không thích làng lính đón rước. Anh và Dung thả bộ. Thạch đi theo hai người.
Họ lọt ra một cánh đồng. Giữa đồng, trên một gò đất, xa xa lố nhố nhiều người, có cả cờ, băng và loa phóng thanh.
- Khai mạc đại hội tố Cộng. Tỉnh Long An được chọn làm thí điểm... - Luân bảo Dung, hất hàm về phía trước.
Dung, lần đầu đi trên bờ ruộng Nam Bộ, cứ phải vịn vai Luân mới khỏi ngã.
- Cô “công dân vụ” này còn phải học nhiều! - Luân đùa với Dung, do bộ quần áo bà ba đen của cô.
- Chúng nó đang lùng điện đài. - Dung nói khẽ sau khi nhìn Thạch đi cách họ một quãng.
- Mất rồi! - Luân đáp, buồn bã
Dung bấu vai Luân:
- Sao? Mất rồi?
- Chúng biệt kích giữa lúc điện đài đang làm việc. Một đồng chí hi sinh, một bị bắt. Bị bắt là hiệu thính viên...
- Tội quá! - Dung rên rỉ.
- Đang bị khai thác ở công an Trảng Bàng. Chúng “làm ổ” chờ bắt người liên lạc.
- Báo động kịp không?
- Chắc không kịp. Song, nếu liên lạc tinh ý và giữ đúng qui tắc thì không sao, vì đường vào căn cứ không có dấu hiệu. Dấu hiệu chỉ có khi tình hình yên tịnh.
- Đồng chí hiệu thính khai thì sao?
- Đồng chí đó không biết dấu hiệu báo tịnh.
- Có mất bản điện không?
- Mất hay không, chẳng có vấn đề gì. Chúng chưa giãi mã được. Nói chung chúng đều thu được các bức điện khi ta phát.
Hai người yên lặng hồi lâu. Dung vẫn bước khó khăn trên bờ mẫu.
- Đại tá Chiểu vắng mặt... Em thấy là lạ...
- Thế nào?
Dung thuật lại các việc cho Luân nghe.
- Sân bay Biên Hòa? - Luân nhắc lại - Bác sĩ Tuyến cũng vắng mặt. Trong đại hội văn hóa, không có ông ta. Sáng nay tôi dự buổi thông báo tin rằng hằng tuần chỗ Nhu, cũng không thấy ông ta... Ông Chiểu có dặn cô liên lạc với ông ta ở đâu không?
- Không, họ giữ bí mật ghê lắm... Gần đây, ông Chiểu cho in một loại thẻ gì đó tại nhà in của tổng nha, chính ông ấy đếm số lượng giấy và dặn in xong thì giao riêng cho ông ta. Có vẻ in không nhiều.
Luân trầm ngâm với các mẩu tin rời rạc của Dung.
- Họ đi Buôn Mê Thuột! - Sau cùng Luân quả quyết.
- Chi vậy?
- Trên đó có hội chợ kinh tế cao nguyên.
- Hội chợ kinh tế thì việc gì họ phải giữ bí mật? Báo đăng cả tuần nay. Phó tổng giám đốc nơi em đưa nhân viên lên bảo vệ hội chợ.
- Ông Chiểu, ông Tuyến cùng đi... Cô không thấy cái gì lạ sao? Lại đi bí mật!
Dung hớn hở:
- Em biết rồi!
Luân đưa tay lên môi ngăn Dung. Anh lại trầm ngâm.
- Làm thế nào báo tin này?
Luân hỏi Dung mà như tự hỏi.
*
Tin của Việt tấn xã.
Long An, 9-1-1957 (VTX): Đại hội tố Cộng thi điểm ở làng Long Định, quận Gò Đen, tỉnh Long An đã thu được kết quả mỹ mãn. Có đến hơn một nghìn dân tụ họp nghe đại úy quận trưởng Hoàng Xuân Thế nói chuyện dưới sự chứng kiến của thiếu tá phó tỉnh trưởng phụ trách nội an Lê Văn Tám. Phẫn nộ trước những hành động bán nước và phản tự do của Cộng sản, nhiều người đã xé cờ của Cộng sản. Đại hội thông qua một kiến nghị dâng lên Ngô Tổng thống lòng trung thành và tri ân. Đại hội kết thúc trong khẩu hiệu vang lừng và tất cả người dự đã tuần hành khắp làng Long Định.
... Đại hội tố cộng làng Long Định vỡ hồi 12 giờ trưa, đài phát thanh Sài Gòn đọc tin viết sẵn này hồi 13 giờ. Các báo ra buổi chiều đang tin này ở trang nhất theo chỉ thị của Bộ Thông tin. Đài phát thanh Sài Gòn lặp lại tin, sau một bản nhạc hùng.
... Ba người đến cái gò trống trải đó khi mặt trời lên gần đỉnh đầu. Nắng trưa gay gắt trút cả một khối lửa xuống - đúng hơn là một nghìn dân xếp hành quanh chiếc lồng kẽm khổng lồ nhốt ngót trăm người khác. Lính bao vây vòng ngoài, súng gắn lê. Số trong lồng kẽm đầu trần trùi trụi, da nám cháy.
Quan chức ngồi dưới những tấm bạt che tạm.
Có lẽ các bài diễn văn đã xong. Bởi, trước micro, một đại úy, da ngăm, lùn, tuổi trạc 40 đang oang oang:
- Đồng bào vừa nghe những lời dặn dò tha thiết của thiếu tá tỉnh phó. Ngài tỉnh phó tin tưởng vào tinh thần chống Cộng triệt để của đồng bào. Số Cộng sản được chính phủ tha chết, cho học tập, nay sắp về đoàn tụ với gia đình. Chúng ta hãy nhiệt liệt hoan nghênh chính sách nhân đạo của chính phủ Việt Nam Cộng hòa dưới sự lãnh đạo anh mình của Ngô Tổng thống!
Đại úy giơ tay lên cao vỗ. Không mấy người vỗ theo.
Viên thiếu tá - hẳn là tỉnh phó - tằng hắng. Đại úy hiểu đó là điểm chẳng lành bởi chiếc xe ca của đài phát tay chờ tiếng vỗ tay để thu băng và đến ba máy quay phim sẵn sàng bấm. Những nhân viên thông tin đang lắc đầu chán nản.
- Nhiệt liệt hoan nghênh chính sách chống Cộng của chính phủ!
Đại úy lại giơ cao tay, thét cực to. Vài tiếng hưởng ứng lẻ tẻ. Nhân viên đài phát thanh đóng máy. Nhân viên quay phim bỏ máy, vào rạp tránh nắng.
- Đả đảo bọn Cộng sản!
Đại úy nhảy dựng. Vẫn chẳng có tiến bộ về phía những người xếp hành hay những người trong lồng kẽm.
- Ngô tổng thống muôn năm, muôn năm, muôn năm!
Đại úy xổ liền ba cái “muôn năm”. Đó là cố gắng cuối cùng của hắn ta.
Vài đứa trẻ bỗng hô théo:
- Tô hủ tiếu! Tô hủ tiếu! Đôi ba tô! (1)
Mặc trời nắng, mặc cái không khí nặng chịch, mặc lính giương súng, tiếng cười chạy dài khắp gò.
Dung - đứng cạnh Luân - dùng khăn tay che cho hai người - cùng phì cười.
Đại úy tức nổ ruột. Hắn rống:
- Tụi con nít khiến chết! Còn tụi già cười cái gì!
Điên tiết, hắn rút phăng khẩu Colt, lên đạn, bắn chỉ thiên hết một băng.
- Quân cứng đầu! - Hắn không thèm nói văn hoa nữa. - Bây giờ, mấy thằng trong lồng kẽm nghe tao: đứa nào muốn về nhà thì đạp lên cờ Cộng sản... Trải cờ! - Hắn ra lệnh.
Ngọn cờ đỏ sao vàng trải ngay cửa lồng kẽm đã mở.
- Bước ra!
Không ai nhúc nhích. Im lặng dài đến mấy phút.
- Không ai chịu ra hết, phải không?
Đại úy sừng sộ.
Luân và Dung áp sát lồng kẽm. Họ trông rõ những người bị nhốt: gầy tọp, rấu tóc tua tủa.
- Tôi ra. - Một ông già lên tiếng. Có lẽ ông gầy nhất trong số tù.
- Hay lắm! - Đại úy mừng rỡ - Mời ông giáo Đầy.
- Ba! - Một cô gái gọi khẽ. Cô ta đứng gần nhóm Luân.
Ông già - ông giáo Đầy - quắc mắc ngó cô gái.
- Về nhà đi!...
Ông, tuy quắc mắc, mà lại nói như căn dặn, rất khẽ.
- Ba! Ba đừng làm vậy, mấy anh, mấy chú buồn lắm!
Cô gái khẩn khoản. Một thanh niên len lỏi vào cạnh cô gái.
- Ba! - Anh ta cũng gọi ông già.
- Tao biểu mày về trển, nghe chưa?
Luân chưa suy đoán ra ý nghĩ những câu đối đáp lạ tai nầy.
- Ông giáo! Tôi đợi ông...
Đại úy đứng ngay cửa, mời mọc.
Ông già ngó chung quanh một vòng, ung dung hướng về phía cửa. Cô gái gục đầu vào lưới kẽm, khóc nức nở. Người con trai vỗ về cô:
- Đừng khóc, em...
- Nhục lắm, anh ơi! - Cô gái vẫn nghẹn ngào.
Đại úy trở lại micro:
- Bà con thấy tận mắt đây. Ông giáo Đầy theo Việt Minh suốt 9 năm, con trai vô rừng Tây Ninh chống chính phủ, nay biết mình lỗi lầm, xin trở lại chính nghĩa. Cỡ ông giáo Đầy còn như thế, huống hồ bà con là Việt Minh hạng nhì, hạng ba. Tôi tin là hôm nay mọi người sẽ về nhà...
Giọng của Đại úy chẳng những hết thô lỗ mà còn dịu dàng, phấn khởi nữa.
Ông giáo Đầy sắp bước ra khỏi cửa. Hàng nghìn cặp mắt theo dõi ông.
Ông ra đến cửa. Còn nữa bước thì ông đạp lên lá cờ.
Lá cờ đỏ chói phản chiếu ánh mặt trời như càng đỏ hơn. Ngôi sao vàng năm cánh vươn rộng. Một cơn gió nhẹ chợt thổi qua, lá cờ như uốn mình lượn sóng.
Máy quay phim hối hả điều chỉnh cự ly để cố lấy cận cảnh bước chân ông già giẫm lên đúng vào giữa ngôi sao...
Luân có thể đếm được nhịp tim của anh: Ông giáo, một ông giáo từng kháng chiến, có con đang hoạt động. Một người cha mà đứa con gái hiểu rằng giẫm lên cờ Tổ quốc để giữ mạng sống là làm cho “các anh”, “các chú” buồn, là nhục... Không lẽ...
Ông giáo Đầy bỗng tránh lá cờ. Ông bước ra khỏi lồng kẽm mà không đạp lên cờ.
Có vẻ như hàng nghìn tiếng thở phào cùng cất lên một lượt.
- Ê! Đâu được... Mầy muốn khỏi ở tù thì phải đạp lá cờ... Nghe chưa, thằng già chó?
Viên đại úy bây giờ gọi những cái đang diễn ra bằng lời lẽ thích hợp với hàm răng vàng và dấu xăm chằng chịt trên cánh tay áo xắn tận nách: ở tù, thằng già chó... Thiếu tá tỉnh phó ực một hơi hết sạch cốc bia nửa lít, liếm môi, hừ một tiếng khô khan. Người con gái lần theo lưới kẽm, đến trước nhà bạt. Người con trai thì Luân thấy anh ăn bận giống như nhân viên Công dân vụ - vẫn đứng y chỗ cũ.
Ông giáo từ từ quỳ xuống.
- Ba! - người con gái gọi tuyệt vọng.
Viên đại úy chờ đợi cái lạy qui hàng. Máy quay phim hạ thấp, rình vồ lấy một trường đoạn hấp dẫn.
Nhưng ông giáo đã dùng cả hai tay, trịnh trọng nâng lá cờ lên, mắt nhìn lá cờ rồi nhìn quanh, từ từ đứng dậy, chòm râu khẽ xao động.
Hàng nghìn cặp mắt dán chặt vào ông giáo, Không ai bảo ai, tất cả thẳng lưng, đầu cúi thấp, Luân ngỡ đang dự buổi chào cờ của trung đoàn.
Viên đại úy sượng bộ. Điều diễn ra trước mắt hắn có vẻ như chuyện cổ tích. Nhưng, dù sao trên cái gò đất này, người của hắn nắm súng, lão giáo và đám dân - dù đông đến hàng nghìn đi nữa - vẫn là tụi tay không. Không trị lão giáo Cộng sản thì lễ phát động tố Cộng xẹp lép, hắn làm sao sống nổi với thằng cha tỉnh phó, lập tức bị lột hoa mai và chuyển ra một tiền đồn vùng chó ăn đá, gà ăn muối nào đó tận quân khu I.
- Vứt lá cờ Cộng sản xuống đất! Giẫm lên!
Viên đại úy vừa rút súng tra băng mới, lên cò vừa gào. Giữa không khí im lặng, đầy thành kính, sự hăm dọa của tên đại úy lạc lõng tựa hắn gào ngoài đồng vắng. Ông giáo, mắt nhìn cô gái và anh con trai, sau đó nhìn khắp mọi người, ghì lá cờ vào ngực - vòng ngực trần lõm sâu, từng vệt sườn in rõ sau làn da rám nắng.
- Coi chừng! - Dung gọi thảng thốt.
Luân nghĩ rằng viên đại úy nhiều nhứt là bắn cảnh cáo. Nhưng hắn bóp cò. Viên đạn xuyên lá cờ.
- Chết ba tôi, trời ơi! - Cô gái thét lạc giọng, lao tới.
Ông giáo ngã xuống - ngã từ từ. Lá cờ vẫn không rời ngực ông, bây giờ ướt sũng máu.
Người con trai nghiến răng - anh ta đứng sau lưng Luân. Luân kịp chặn tay anh - anh ta có súng:
- Chớ dại dột!
- Quận trưởng giết dân! Đánh chết mẹ thằng quận trường!
Một người nào trong lồng kẽm hô to, phẫn nộ.
- Đánh chết mẹ nó!
Trong và ngoài lồng kẽm, một âm thanh rùng rợn như núi lở. Vòng rào kẽm gai trong chớp mắt ngã rạp. Hàng nghìn người như trong cơn say, cướp lấy cái gì đó có thể chiến đấu được, xông vào đám tề lính.
Tỉnh phó là người chạy đầu tiên, kéo theo một dây tùy tùng và số bảo an, dân vệ. Đại úy quận trưởng, mặt cắt không còn hột máu, trong mấy bước, nhảy đến xe Jeep. Nhưng tài xế biến mất. Hắn đành chạy thục mạng ra xa lộ. Chạy đến lộ, hắn mới dám nhìn lại: mấy chục người nâng bổng chiếc Jeep của hắn vứt vào nhà bạt đang bén lửa.
Hắn bắn mấy phát súng ngắn. Từ trong vùng khói, mấy phát súng trường trả lời hắn.
*
Tất cả sự việc náo động Gò Đen đáng lẽ được hội đồng hương chính làng Long Định giấu nhẹm, nếu không có cái chi tiết “ghê rợn”: Một bọn phản động bắn vào ảnh Ngô tổng thống ba phát súng - có lẽ là súng ngắn. Tỉnh trưởng Long An, làm báo cáo, tỉnh trưởng không tiếc lời sỉ vả quận trưởng Gò Đen Hoàng Đình Thể và buộc tôi thiếu tá tỉnh phó Lê Văn Tám: nhu nhược, để cho Cộng sản len lỏi phá hoại, chỉ có vài tên Cộng sản mà làm hư cả một kế hoạch lớn lao. Bộ Thông tin và bộ Công dân vụ cũng có báo cáo: Họ phải giải thích vì sao không thể tường thuật thu thanh và cho ra lò một phim thời sự về buổi lễ phát động tố Cộng mở đầu cho chiến dịch?
Nhu đọc hết các báo cáo trước khi gặp Luân.
- Loạn mất! Nguy hiểm! - Nhu lắc đầu, trao cho Luân xấp báo cáo.
- Với tôi, như Racine đã cho Néron nói trong tác phẩm của ông: Ami ou ennemi il sufit qu on me craigne (2). Chỗ khác giữa tôi và anh Diệm là ở đó. Anh Diệm thích sống với ảo giác - được người ta thương mến; tôi sống thiết thực hơn. Dân không sợ thì không có kỷ luật. Dân Gò Đen vốn cứng đầu, nổi tiếng chống nhà nước từ trước, thằng thiếu tá tỉnh phó, thằng đại úy quận trưởng vừa ngu, vừa thô lỗ, vừa nhát. Chúng nó chạy thì lính chạy theo... Sao không lôi tiếp mấy thằng Cộng sản ra bắn?
Luân trả xấp báo cáo cho Nhu, khoang tay, ngó ra ngoài khuôn viên. Nhu đã nói rất thật quan điểm của anh ta: không có cái gọi là tình cảm trong chính trị. Nhu hàng động bằng tính toán và anh ta chấp nhận Néron (3), kể cả cái chết bi thảm của vị hoàng đế La Mã nầy.
- Anh không đồng ý? - Nhu hỏi.
- Anh tin vào báo cáo trong khi tôi tin vào đôi mắt của tôi. Anh quên rằng tôi chứng kiến tại chỗ... - Luân nói, buồn bã.
- Xin lỗi anh! - Nhu cười gượng gạo - Đáng lẽ tôi phải hỏi anh... Thế nào?
- Tạm gác qua một bên lý lẽ của anh, tôi muốn nói rõ: nếu chỉ cần gây nên tâm lý sợ hãi, việc gì phải dùng hình thức tố Cộng - tốn công, tốn thì giờ. Lùng sục bắt bớ sẽ có kết quả hơn.
Nhu không trả lời. Anh ta liếm môi.
- Nghĩa là anh vẫn cần những tác động chính trị. Nghĩa là vẫn cần một hình thức giành giựt quần chúng thông qua thuyết phục...
- Nhưng, với những tên bất trị... - Nhu ngắt lời Luân.
- Anh hiểu chính phủ Mỹ định thi thố cái gì ở miền Nam chúng ta? - Luân không cho Nhu nói hết ý - Họ không thích lập lại chính sách của Pháp, nó lỗi thời và thất bại. Họ sẵn sàng thí nghiệm ở đây một cải tiến, xây dựng ở đây một tủ kiếng trưng bày hàng mẫu hấp dẫn cả Đông Nam Á. Họ tránh như các pháo thuyền buộc nổ súng vào thế kỉ trước mà vẫn cột được chúng ta với vận mạng của họ. Họ có nhiều mô hình để tham khảo: Péron, Batista (4), Phibul (5), Lý Thừa Vãn (6), Magsaysay (7), v. v... Tất cả đều chưa hoàn bích. Chúng ta ở vào thời kì sau kế hoạch Marshall. Chính De Gaulle đã đưa ra định nghĩa “interdépendance” - tạm dịch là “liên lập” - để nói về quan niệm giao tiếp của các nước độc lập nhưng độc lập tương đối. Chừng nào chúng ta còn nắm được quyền lực - nói trắng ra còn cai trị được đất nước một cách chính trị - gouverner politiquement - thì chừng đó, bất kì tổng thống thuộc đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ đều ăn ở với chúng ta lành lặn. Họ đo năng lực của chúng ta từ ba góc độ: ta biết tổ chức lực lượng chính trị, ta biết điều khiển guồng máy và ta biết tranh thủ dư luận dân chúng hay không. Họ viện trợ cho chúng ta, đồng thời cảnh cáo chúng ta: các anh phải cố mà xài, đừng để cho chúng tôi phải nhảy vào xài thay!
Luân thuyết phục một hồi, giọng đều đều. Lúc đầu, Nhu nghe miễn cưỡng, nhưng càng về sau, anh ta chăm chú hơn.
- Tôi nghĩ chúng ta cần rút từ hành động mở màn can thiệp của Mỹ sau hiệp định Genève những nhận xét cần thiết: Lansdale, bấy giờ còn là đại tá trong cục tình báo xộc đến Hà Nội và xướng xuất cuộc di dân khổng lồ. Chính phủ Mỹ đã cho thấy rõ rệt chiều hướng viện trợ của họ cho ông Ngô Đình Diệm... Họ hy vọng, gửi gắm, và họ cũng không loại trừ khả năng sẽ tính sổ với chúng ta. Tôi có quen một cô phóng viên Mỹ, cô vừa cho tôi xem bức ảnh: Một đại đội bảo an làng Vĩnh Lộc dùng đầu lâu một bí thư Cộng sản xã làm quả bóng đùa trên sân. Biết đâu cô ta lại không có bức ảnh viên đại úy Hoàng Đình Thể bắn ông giáo già ở Long Định?
Chưa bao giờ Luân lại dùng đại từ “chúng ta” trong trao đổi với Nhu, đây là lần đầu. Nhu rõ ràng vừa lòng với sự thay đổi ấy của Luân. Anh ta nói:
- Tôi sẽ trị tụi thằng Thể! Bậy quá...
Luân lắc đầu:
- Anh quên chính sách “Récupération de ferrailler” (8) của anh, hay sao?
Nhu cười, chịu thua.
- Một chuyện khác, tôi báo với anh. - Luân nói, cơ hồ như nối tiếp với câu chuyện đang bàn - Đại sứ Mỹ Rheinardt mời tôi chiều thứ bảy này đến Club Nautique (9) chơi tennis với ông ta... Ông ta mời tôi hôm đại hội văn hóa...
- Thì anh cứ đi. - Nhu buông thõng. Qua thái độ đó, anh ta thừa nhận đã đoán biết hoặc chờ đợi một việc như vậy.
- Đại sứ Mỹ Rheinardt muốn thêm nhiều bạn Việt Nam, điều bình thường đối với một đại sứ. - Nhu nói tiếp, cố ý cho Luân thấy anh ta không quan tâm đến cuộc gặp gỡ này.
- Tôi nghĩ, có thể đại sứ Mỹ không chỉ vì muốn thêm bè bạn mà ân cần mời tôi. Ông ta mời cả cô Dung.
- Giả tỷ như vậy, đâu có gì nguy hiểm hay bất tiện cho anh? - Nhu giả như kinh ngạc.
- Tôi không nói đến nguy hiểm hay bất tiện. Tôi muốn hỏi anh: Nên gặp không?
- Sao lại không gặp? Anh ngại cái gì? - Nhu nhìn Luân trân trân.
- Tôi xem cuộc gặp gỡ này là công vụ.
- Ồ! - Nhu kêu to - Anh hiểu lầm tôi rồi. Anh có toàn quyền trong tiếp xúc với ai và với tư cách nào, tùy anh. Tại sao anh không gặp ông ta với tư cách cá nhân?
- Với ông ta, dĩ nhiên là ông ta hiểu là tôi lấy tư cách cá nhân!
- Chẵng lẽ anh sẽ giấu tôi những gì ông ta nói với anh sao? - Nhu cười rộ.
Khi tiễn Luân ra cửa, Nhu sực nhớ:
- Quên bàn với anh. Sắp tới, tôi đi săn trên cao nguyên. Mời anh cùng đi. Mệt quá, nghỉ ít hôm...
- Cảm ơn anh... Hôm nào?
- Vài hôm nữa, tôi sẽ báo rõ ngày giờ với anh.
“Đi săn trên cao nguyên?”. Luân cau mày khi ra xe, cố tìm hiểu Nhu định bày trò gì đây, trò đó có dính dấp chút nào đến chàng trai mà Luân gặp ở Gò Đen không?
---
(1) Nhại lại tiếng “Ngô tổng thống”
(2) Bạn hãy thù, chỉ cần họ sợ tôi.
(3) Hoàng đế La Mã đã đốt kinh thành Roma để xây cung điện, bị đảo chính và phải tự sát
(4) Fulgencio Batista Zaldívar (1901-1973) nhà độc tài, tổng thống Cuba 1953-1959
(5) Phibul Songkhram (1897-1964), thống chế, thủ tướng Thái Lan 1948-1957
(6) Rhee Syng-man (1875-1965), nhà độc tài, tổng thống Hàn Quốc 1948-1960
(7) Ramon Magsaysay (1907-1957), nhà độc tài, tổng thống Philippin 1953-1957
(8) Nhặt sắt vụn: ý nói sử dụng hết mọi loại cán bộ
(9) Câu lạc bộ thể thao nước