Đằng trước họ, ánh điện lung linh của thị trấn Phụng Hiệp. Quyến chèo lái, Luân chèo mũi, Sa tát nước, họ đã đi hai ngày theo kinh xáng Huyện Sử ra Phó Sinh, theo kinh xáng Phó Sinh ra Ngã Năm và từ Ngã Năm ngược về Phụng Hiệp.
Tám giờ. Chiếc tam bản cắm sào ở chót xóm. Phải ngủ lại một đêm. Với họ, đó là đêm cuối cùng ngủ trên vùng đất tự do.
Hai ngày qua, Luân gần như lầm lì, Sa và Quyến cũng họa hoằn mới mở miệng. Tam bản càng nhích về phía trước, họ cảm giác như bỏ lại đằng sau cái phần thiêng liêng trong thân thể họ. Cảm giác về sự mất mát nầy thêm nhói khi họ dừng tam bản. Chỉ vài mươi phút nữa, họ có thể sẽ phải trình giấy cho cái bót tiền tiêu – không phải với đồng chí dân quân vui tính mà với một tên cảnh sát mặt mũi vênh váo. Suốt 9 năm, họ ít gặp những tên cảnh sát như vậy, nếu gặp thì trong tư thế khác: tên cảnh sát lấm le lấm lét.
Trăng 16 vượt khỏi đọt dừa, mảnh vườn cây ăn quả trám bạc từ đám đất do chính phủ kháng chiến cấp, một nông dân nào đó đã lên líp, chuối chắc đã thu hoạch vài mùa, còn dừa bắt đầu cho trái lứa đầu, mương hẳn nuôi được vài trăm con cá vồ. Dòng nước lấp lánh êm đềm. Từng cơn gió chướng vỗ gợn sóng nhẹ vào mạn tam bản, kêu lách tách… Luân trằn trọc mãi. Trên bờ, Quyến và Sa cũng không ngủ. Hai cậu tựa lưng vào gốc mù u, rù rì từ sau bữa cơm và có vẻ sẽ rù rì suốt sáng.
Tiểu đoàn của họ đã đổ bộ lên Sầm Sơn. Quyến và Sa không biết Sầm Sơn, riêng Luân anh đã đến chơi nơi đó vài lần khi còn theo đại học. Tuy vậy, anh không chú ý nhiều những chi tiết mà Vũ Thượng viết cho anh về bãi biển vào mùa chớm lạnh nầy. Luân nghĩ đến đồng đội của mình – nhiều khuôn mặt hiện ra thật rõ – và bụng như quặn thắt khi câu hỏi tự chợt tới: chừng nào thì gặp lại họ? Chừng nào thì họ gặp người thân của họ ở quê nhà?
Luân trỗi dậy quấn thuốc.
- Anh Bảy chưa ngủ sao?
Sa hỏi. Nó hỏi mà không cần nghe trả lời.
- Ta nhúm lửa nấu bình nước pha trà…
Quyến bảo Sa. Một lát sau, bếp lửa bập bùng.
- Mấy chú đi đâu mà ghé ngủ tại đây?
Chủ nhà thấy lửa, lò mò ra bờ kinh. Một trung niên cao lớn, da rám nắng, mình trần, quần cụt, đập muỗi liền xì, xề bên cạnh bếp lửa.
- Vô nhà nghỉ… có đèn đuốc. Có ván. Ngồi ngoài này muỗi mòng lắm!
Chủ nhà mời khách.
- Cám ơn… Tụi tôi khuya đi sớm, với lại ngoài này mát.
Quyến trả lời.
- Mấy chú đi đâu? Ra Phung Hiệp hả?
- Ra Phung Hiệp rồi đi nữa. Lên Cần Thơ…
- Đi gặt lúa mướn hả? Coi tướng mấy chú không phải là người đi gặt lúa mướn mà!
- Vậy tướng tụi tôi làm nghề gì?
Sa hỏi vui.
- Ối nhìn qua thì biết liền, mấy chú là lính hay cán bộ, hòa bình rồi, về quê… Bữa nào không có người như mấy chú ghé đây, qua đây… Chú nhỏ - ông ta chỉ Sa – mặt mày coi sáng láng quá, sao không tập kết để còn học hành, ở lại trong Nam mần chi?
- Hòa bình thì ham thiệt, hết bị cà nông thụt, hết bị Tây bố… mà, sao cái kiểu hòa bình này nó vơi với trời nước quá! – ông nói tiếp. Một lúc sau, giữa cái im lặng của hai người khách, ông nhổ bãi nước miếng, nói giọng rầu rầu:
- Hòa bình mà quân đội đằng mình rút đi ráo, chính quyền giải tán, đoàn thể nông hội, thanh niên, phụ nữ cũng không còn… Hễ không có cái của đằng mình thì cái của tụi nó mọc ra… Vợ chồng tôi rầu thúi ruột. Thằng con đầu lòng của tôi chết trận trên Tầm Vu, mấy bữa nay vợ chồng tôi tính hoài, tính coi cái bằng “Tổ quốc ghi công” treo hay gỡ. Thằng con trai thứ hai đi 420, nó tập kết rồi…
Sa vọt miệng;
- Anh Ba đi 420 mà tên gì, ở đại đội nào?
- Nó thứ tư. Giữa anh Hai nó với nó còn con Thia. Con chị nó chết rồi, Tây bắn…
Giọng chủ nhà hơi lạc.
- Thằng đó tên ở nhà là Lóc… Thì tôi đặt tên con bậy bạ vậy… Vô lính, nó đổi ra Bảo Quốc. Trần Bảo Quốc.
- A! Sa reo lên… Tư Bảo Quốc, trung đội trưởng…
- Phải đa! Chú em biết nó hả? Chú em cũng ở 420 hả? – Chủ nhà hỏi dồn dập.
Sa vụt im. Cậu khẽ liếc Quyến, còn Quyến thì liếc xuống tam bản, nơi điếu thuốc từng chập bừng đỏ.
- Dạ, tụi này ở 420…
Luân nắm sợi dây cột tam bản bước lên bờ, trả lời.
- Ủa!
Chủ nhà bây giờ đã nhìn rõ Luân, qua ánh lửa.
- Xin lỗi, ông đây có phải là ông Bảy Luân.. Phải rồi, kỳ ông về đây với thằng Lóc. Tôi nhớ mà. Kỳ ông kéo quân đánh lộ xe đó… Trời Phật! Khỏe không ông Bảy! Ông tệ lắm, cột ghe dưới bến mà không lên nhà tôi – Chủ nhà mừng quýnh nói một thôi.
Ông già gọi vọng vào nhà:
- Bà nó ơi, ông Bảy tới nè!
- Ông Bảy nào?
Một phụ nữ bươn bươn theo bờ đất, vừa đi vừa hỏi.
- Thì ông Bảy chỉ huy thằng Lóc, chớ ông Bảy nào.
- Mèn đét ơi! Vậy sao?
Thế là ba người phải vào nhà. Ngọn đèn Hoa kỳ soi tỏ ngôi nhà ba căn rộng rãi. Giữa nhà, bàn thờ Tổ quốc với ảnh Hồ Chủ tịch, bên cạnh bằng ghi công Trần Văn Tôm. Dưới bếp, bà chủ đã cắt cổ con vịt xiêm thiệt mập. Sa nhúm lửa, Quyến đâm gừng làm nước mắm.
Ông chủ nhà uống trà với Luân. Ông tên Hai Sặt. Bây giờ Luân mới hiểu vì sao ông đặt tên con rặt ròng theo tôm cá. So với lần trước đến đây – lần đó, Luân chỉ ghé giây lát vào nửa đêm, lùa vội chén cơm rồi đi liền cho kịp giờ nổ súng – Luân thấy nhà ông Hai thay đổi nhiều: nhà nới rộng, thêm bàn ghế, ngay bộ đồ trà cũng khác, không phải là chiếc bình tích sứt vòi nữa, và ngọn đèn hoa kỳ thì mới tinh.
- Ông Bảy tính sao đây?
Hai Sặt coi như Luân phải vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi tình hình sắp tới.
Hai Sặt vốn quê Cồn Ốc tận Bến Tre. Năm Tây chiếm tỉnh, ông mang bầu đoàn thê tử sang đây, ban đầu làm mướn. Năm 1960, ông được Chính phủ kháng chiến tạm cấp cho một mẫu đất. Ông lên liếp, lập vườn 2 công. Nhờ mẫu đất đó, ông sống khá, khỏi mặc bố tời, cơm ngày hai bữa. Ông cho hai con trai đi bộ đội, con gái làm giáo viên, vợ vô nông hội còn ông thì dân quân. Hồi trước, ông ở mướn, khổ cực trăm bề. Bây giờ, mỗi năm ông bàn may cho Lóc được hai bộ chính quy, lại tính hễ Lóc cưới vợ thì cho cô dâu một đôi bông, một sợi dây chuyền…
- Đất mà chánh phủ cấp cho tôi thuộc điền Cả Bé. Va chết rồi, mà con va mới nhắn đòi lấy lúa ruộng từ năm 1946 tới giờ, cộng 8 năm mỗi công ba giạ, ngót nghét 250 giạ. Con va hăm: đốn hết dừa, cây trái… Nó nói: ruộng làm lúa không trồng bậy bạ. Hồi đằng mình còn súng ống ở đây, nó nói giọng đó, tôi bắn vô họng nó cho không còn cái răng ăn cứt, chớ đằng mình thất thế, thằng điên, thằng ngu miễn có quyền, có súng cũng lên mặt dạy khôn mình được… Ông Bảy tính sao đây?
Rồi ông chép miệng:
- Tiếc hại cây dừa, trái sai… Hổng biết giấu cái bằng ở chỗ nào? Chắc vợ chồng tôi phải về Cồn Ốc…
Luân ngồi yên khá lâu. Ông Hai Sặt vẽ trước cái hình ảnh đen tối như vậy và ông nghĩ đúng. Ngay chuyện nhỏ: treo hay gỡ cái bằng “Tổ quốc ghi công” mà Luân đã thấy khó nói gọn với ông…
- Thưa thiệt với ông Bảy, ông đừng rầy thằng Lóc, tội nghiệp nó – Hai Sặt hạ thấp giọng, liếc về phía bếp – Thằng Lóc giao cho tôi bốn cây súng mút (1), một cây mi (2), cũng được vài trăm đạn, mười lựu đạn… Nó dặn tôi chôn, khi hữu sự moi lên xài… Tôi mà có về Cồn Ốc cũng lập thế dời súng theo.
- Coi chừng ngập nước bị sét – Luân chẳng những không cằn nhằn Lóc mà còn nói đốc vô, y như sự tiết lộ của ông Hai Sặt cất cục đá nặng khỏi ngực anh.
Hai Sặt rạng rỡ:
- Dễ gì sét… bó ny lông, bôi mỡ bò, bỏ trong thùng cây – cây sao nghen – vô phương mối, vô phương mục!
Giữa bữa cháo vịt, ông Hai Sặt ghé vào tai Luân:
- Ông Bảy “nhập thành” hả?
Luân không lắc mà cũng không gật đầu.
- Không thủ súng, e khó chớ!
Ông Hai vẫn thắc thỏm giùm Luân.
Có tiếng rửa chân ngoài bến.
- Ghe ai đậu bến mình, hả má? - Giọng một cô gái hỏi vọng vào.
- Con Rô, gái út của tôi đi họp thiếu niên về… - Hai Sặt bảo Luân, mặt buồn trở lại.
Một cô gái tuổi 14, 15 bước qua cửa, lễ phép khoanh tay thưa Luân.
Từ dưới bếp, cô nói chuyện với mẹ và với Quyến, Sa:
- Tụi này không biết tại sao mấy anh, mấy chú lại bỏ tụi này… Lớp y tế học chưa hết khóa, còn mấy ngày nữa mới xong phần cấy nhau Philatốp… Tiếc quá trời!
Cổ Luân như nghẹn. Anh gác đũa. Hai Sặt không ép…
Chú thích (1) súng trường
(2) tiểu liên