Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Ván Bài Lật Ngửa

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 199016 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ván Bài Lật Ngửa
Nguyễn Trương Thiên Lý

P8 - Chương 7

Ngày đêm 20 rạng ngày 21 tháng 8, tức đêm kế hoạch “Nước lũ” mở màn, đại sứ quán Mỹ mở một phiên họp đặc biệt. Chủ trì phiên họp là Williams Porter, phó đại sứ. Tham dự, ngoài số nhân viên tình báo đặc trách các vấn đề chính trị, còn có Jones Stepp.
- Tôi cho rằng sức ép của chúng ta chưa đủ mạnh... - Porter mở đầu phiên họp khi đồng hồ điểm một tiếng - Tôi xin nói rõ ý tôi: Sức ép thông qua phong trào Phật giáo coi như đến điểm cao nhất , song rõ ràng chỉ với danh nghĩa Phật giáo, chúng ta khó khuất phục ông Diệm và em của ông ta. Ngài Mac Cone nhắc nhở chúng ta: Dư luận thế giới, dư luận Mỹ và bản thân Tổng thống chưa được kích động đúng mức, nếu không nói phần nào phân vân vì cuộc khủng hoảng chính trị rốt lại chỉ là sự xung đột tôn giáo. Ở châu Âu và châu Mỹ, các vị đều hiểu như tôi. Phật không được chấp nhận như người ta chấp nhận Chúa...
- Tôi xin phép cắt lời ngài phó đại sứ. - Jones Stepp hắng giọng - Hiện nay toàn bộ tình hình đã được trình bày dưới dạng “vi phạm nhân quyền”, nghĩa là vượt khỏi lằn ranh xung đột tôn giáo...
- Thưa tướng quân! - Porter cười mỉm - Đó chỉ mới là ý nghĩ của chúng ta. Hẳn tướng quân theo dõi chặt chẽ tin tức công bố khắp thế giới, danh từ “Phật giáo” chiếm gần hết tỷ lệ các bài, các mẩu tin... Đúng, nếu chúng ta chuyển được tình hình hiện nay ra một chất khác - một nhãn khác, tùy cách nhận thức của mỗi người - như nhân quyền, thì kế hoạch “Cao áp” sẽ đạt hiệu quả như tướng quân mong muốn...
Tiếng interphone vang lên: “Một nhà sư xin tỵ nạn, đang đứng bên ngoài vòng rào sứ quán...”
Jones Stepp không nhúc nhích - ông ta đang suy nghĩ điều mà Porter vừa nêu. “Mac Cone có lý...”.
- Nhà sư nào? - Một nhân viên hỏi.
- Tôi biết! - Porter trả lời - Tất nhiên, ta cần ông ấy. Nhưng, giữ bí mật đến độ có thể giữ được vì ông Diệm có thể cột chúng ta vào điều khoản “can thiệp nội bộ một quốc gia có chủ quyền”. Ngài đại sứ không thích trong lúc này lại phải phân trần với dư luận.
Jones Stepp hất hàm về một người ngồi ở cuối bàn:
- Louis! Việc của ông đấy!...
Louis đứng lên, chiếc trán hói bóng lộn như đánh xira, nhún vai:
- Sớm hơn tôi dự liệu!
- Dù sao, cũng phải tiếp ông ta đàng hoàng. Con bài dự trữ... - Porter ra lệnh - Các ông không nên bao giờ quên: khi Phật giáo thành lực lượng chính trị, tất yếu sẽ có phân hóa: trong số các nhà sư tiêu biểu, có vẻ chúng ta chỉ nắm được các nhà sư mà đạo hạnh không mấy sáng. Về phương diện này, ông Diệm cũng giống ta. Các sư được mọi người tôn trọng chưa đồng tình với chúng ta lắm. Ngay hòa thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết, tôi đọc rất nhiều thông tri, cáo bạch của ông ta, ông ta tránh đả động đến chính trị. Còn ông Thiện Hoa, Thiện Hòa, Trí Tịnh... Hình như tướng quân Stepp chưa thấy vị trí của họ. Họ là người miền Nam... Tiện đây, tôi nhắc ông Louis: nên tốp nhỏ máy phát thanh Thích Đức Nghiệp, Thích Tâm Giác, cả Thích Tâm Châu. Họ tỏ ra quá mẫn cán khi muốn ký biên nhận dollar của ông Louis bằng cách quảng cáo chống Cộng, “Bắc tiến”. Trò trẻ con đó không “Best-seller” (1) hiện nay. Tôi trở lại nhà sư tỵ nạn: sẽ có dịp dùng và dùng đúng dịp. Cứ coi như chuyện ông ta chọn sứ quán Mỹ như vì bước đường cùng và không bao giờ - tôi nhấn mạnh - không bao giờ để ông ấy tuyên bố chống Cộng.
Louis gật đầu, ra khỏi phòng.
- Ta hãy suy tính xem... - Porter buông thõng.
- Về các tướng lĩnh... - James Casey nói. Porter ngăn James Casey và liếc một người đứng tuổi, dáng phục phịch, luôn im lặng: Conein...
- Hôm nay, ta không bàn việc đó.
- Tôi nghĩ là còn cái kho trí thức và sinh viên Huế đi trước một bước. - Jones Stepp vừa nói vừa mở cặp.
- Mời tướng quân! - Porter khuyến khích.
Jones Stepp đặt lên bàn xấp giấy khá dày.
- Sau khi linh mục Cao Văn Luận bị bãi chức Viện trưởng Viện đại học Huế, các khoa trưởng đồng loạt từ chức: Lê Khắc Quyến - khoa trưởng Y, Bùi Tường Huân - khoa trưởng Luật, Tôn Thất Hạnh - khoa trưởng Khoa học, cùng 32 người nữa gồm giáo sư, nhân viên, giảng huấn có tên tuổi như Cao Huy Thuần, Bùi Nam, Lê Tuyên, Nguyễn Văn Tường...
- Và chỉ có bấy nhiêu! - Porter gay gắt - Đã hơn 2 tháng rồi! Vả lại, trong việc này, bóng của linh mục Cao Văn Luận trùm lên quá rõ. Vị linh mục do ngài Fishell nặn ra, luôn luôn tự coi mình như trung tâm của vũ trụ, huênh hoang quá đáng. Ngài Mac Cone không hài lòng.
Jones Stepp cụt hứng, nhét xếp giấy vào cặp.
- Không phải những người trí thức Huế từ chức đều tán thành chúng ta. Mỗi người có lý do riêng. Họ chống ông Diệm, không có gì phải bàn cãi, song Cộng sản chống ông Diệm còn quyết liệt hơn bất kỳ ai... Tôi nói rõ ý của tôi: Hãy đưa tình trạng Huế vào Sài Gòn và hãy bấm nút: sinh viên! Các ông kiểm tra xong đã có gì trong tay, Nguyễn Hữu Thái, Chủ tịch Tổng sinh viên là người thế nào?
Jones ngó một người - trẻ, đẹp trai.
- Joseph, anh trả lời!
- Phải lật đổ tay này thì mới nắm được Tổng hội Sinh viên. Thái là phần tử tự do...
- Anh ra quan hệ với Việt Cộng? - Porter hỏi.
- Cho tới nay, chưa có bằng chứng. Nhưng anh ta giao du rộng.
- Sinh viên trường nào? - Porter có vẻ chú ý.
- Thưa, Kiến trúc.
- Cần lật đổ không?
- Theo tôi, phải lật đổ...
- Anh có chủ bài trong tay chưa?
Joseph cười nhẹ, như gián tiếp trả lời là đã có, khá dồi dào nữa.
- Tốt! - Porter nói xong, xem đồng hồ. Hai giờ 15 phút.
Interphone lại vang lên:
- Xung đột dữ dội ở chùa Xá Lợi...
- Có đổ máu không? - Porter hỏi.
- Tất nhiên, có! - Tiếng interphone trả lời.
- Bao nhiêu người chết? - Porter nôn nóng chờ trả lời.
- Hình như không ai chết...
- Tồi! Làm ăn tồi! - Porter cáu gắt.
- Bí số K.4 xin được báo cáo bằng điện thoại...
- Thông dây vào interphone, chúng tôi cùng nghe.
- Ông ta nói tiếng Anh không thạo lắm!
- Tại sao phải nói tiếng Anh? Cứ nói tiếng mẹ đẻ của ông ta.
Interphone rè rè. Toàn cảnh “Nước lũ” được phản ánh.
- Ông ta sẽ là hội chủ, thay cho ông Tịnh Khiết trở thành nhân vật tượng trưng. - Jones Stepp bảo với mọi người.
- Không thể tìm được một người miền Nam sao? - Porter cau mày.
- Chúng tôi sẽ cố gắng, song K.4 đi với chúng ta “cả xác thịt lẫn linh hồn”, nếu dùng một cách văn vẻ.
- Ông Nhu có khá nhiều tài liệu về K.4 của tướng quân. Cả ảnh không mấy đẹp.
Jones Stepp đưa tay lên trời:
- Biết làm sao khi chúng ta không thuyết phục ông ta về giáo lý và ông ta đi với chúng ta không bằng giáo lý!
- Tôi chỉ muốn cảnh cáo các ngài: ông Diệm thất bại một phần vì linh mục Hoàng Quỳnh. Phương ngôn Á Đông có một câu rất hay: xe trước đổ, xe sau nên tránh!
Porter cười độ lượng.
- Vấn đề sau cùng: không một ai được lộ với tướng Harkins những gì chúng ta bàn, dù một chi tiết vặt vãnh.
Cả Conein lẫn Jones Stepp đều gật đầu.
Câu dặn dò rất nghiêm ấy của Porter kết thúc cuộc họp.
*
Tổng thống Ngô Đình Diệm triệu tập nội các bất thường trễ hơn sứ quán Mỹ: 5 giờ 30 sáng.
Nhu sửa soạn cho phiên họp khá chu đáo. Song, anh ta không liên lạc được với Luân - nghe tin Luân kẹt ở chùa Xá Lợi, Nhu hơi bực. Anh ta xẵng giọng với Dung và sau đó “quạt” Trần Văn Tư một trận. Anh ta không nghe lời phân trần của Tư:
- Các anh thật ngu... Tôi muốn cách chức tất cả! Đại tá có mặt có nghĩa là đại tá muốn điều chỉnh các hoạt động của anh, lẽ ra các anh phải xin ý kiến của đại tá.
- Thưa, thiếu tướng Xuân trông thấy đại tá, nhưng không dặn chúng tôi...
- Ai? Ai chỉ huy các anh? Tôi! Nghe rõ không! Tôi có nghĩa là đại tá Nguyễn Thành Luân. Anh đem Mai Hữu Xuân dọa tôi à? Anh có mắt không? Có đầu không?
Cuộc họp nội các căng thẳng. Tuy Nhu đã dặn trước nhưng Diệm vẫn bị bất ngờ. Sau khi Diệm thông báo chính thức quyết định của chính phủ, người ngơ ngác đầu tiên là Phó tổng thổng Nguyễn Ngọc Thơ. Thái độ của Thơ rất bất lợi cho Diệm. Ông ta lúng túng trước các cặp mắt thăm dò của thành viên nội các. Ngồi trong phòng riêng, qua máy truyền hình, Nhu tự trách: Lẽ ra, nên cho lão Thơ hay trước và hôm nay, để lão chủ tọa phiên họp, có lợi hơn.
Dù sao thì cũng không còn cứu vãn kịp.
“Vì Cộng sản xâm nhập các tỉnh lỵ, thị trấn và ngoại vi Sài Gòn, cho nên tôi quyết định thiết quân luật”. Diệm giải thích thêm. Toàn thể chính phủ im lặng. Thật ra, hơn phân nửa đã được phổ biến sự việc - một số tham dự hẳn vào kế hoạch “Nước lũ” như Nguyễn Đình Thuần, Trương Công Cừu, một số nghe mang máng. Chẳng có gì phải quan tâm. Số còn lại bây giờ mới rõ - họ nghe ồn ào nhưng chẳng hiểu lý do.
Người duy nhất nói trong buổi họp là Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu. Ông nói khá tế nhị: “Nếu quả thật có sự đột nhập của Việt Cộng vào ngoại ô Sài Gòn thì đã đủ lý do để giải thích sự việc...”
Diệm phật ý. “Nếu quả thật...”. Tay luật sư này quả là đáo để. Chẳng lẽ Tổng thống nói láo? Nhưng, không phải là lúc thích hợp để dạy cho Vũ Văn Mẫu bài học ghi chú cẩn thận. Mẫu tự lái xe và tiếp xúc với giới trí thức.
- Tại sao chú không cho bắt Mẫu? - Diệm nói gần như quát.
- Tại sao lại bắt ông Mẫu? - Nhu hỏi lại, giọng lạnh lùng - Ông ta không phải là Việt Cộng, không phải là tình báo Mỹ, không phải Đại Việt, bắt ông ta là đánh vào số trí thức đứng giữa. Em thích Vũ Quốc Thúc cạo đầu… Bắt kẻ như Thúc mới đập đúng đầu rắn. Bọn CIA khôn ranh lắm. Anh tin Trần Quốc Bửu, em không tin. Chúng xem như đây là cơ hội ngóc dậy. Những loại đó, hề rục rịch, em tóm cổ ngay! Còn ông Mẫu, anh cứ cho ông ta được nghỉ “vì lý do sức khoẻ”. Nghe đâu ông ta xin đi Ấn Độ hành hương, cùng gia đình, anh cứ cho phép. CIA sẽ tịt ngòi.
Nước cờ của Nhu khá cao. Thích Tâm Châu gọi điện báo với Jones Stepp và Jones Stepp chỉ khuyên nhà sư mang mật danh K.4 nên tìm mục tiêu khác.
Thích Tâm Châu không cần tấn công. Lệnh thiết quân luật kích động cả thành phố. Ngay chiều 21-8, sinh viên Trung tâm kỹ thuật Phú Thọ bãi khóa được một số giáo sư đồng tình. Chiều 22-8, giáo sư Phạm Biểu Tâm khoa trưởng Y khoa từ chức. Sáng hôm sau, ông bị Trần Văn Tư bắt. Không khí náo động, trường Y đông nghẹt sinh viên các khoa.
Nhu nhận được tin vào giữa trưa. Trần Văn Tư bị gọi vào dinh Gia Long.
- Ai cho phép anh bắt bác sĩ Tâm? - Nhu hỏi, mắt đổ lửa.
- Thưa, ông Thuần truyền lệnh của Tổng thống...
- Không có ai được ra lệnh trong lúc này, trừ tôi! Anh thả ngay bác sĩ Tâm...
Giáo sư Phạm Biểu Tâm được thả. Ra khỏi Nha cảnh sát, ông rơi vào một cuộc bao vây khác. Lấy cớ mừng giáo sư thoát nạn, một bộ phận sinh viên mời giáo sư đến trường đại học Y.
- Thưa giáo sư! - Một sinh viên, đầu cạo trọc nhẵn, nói trước micro - Xin thầy cho biết lập trường của sinh viên lúc này nên như thế nào?
- Tôi xem các anh như những người lớn, các anh làm những gì các anh muốn làm, tuy nhiên cũng đừng quá khích...
Cuộc họp mau chóng biến thành một cuộc mít tinh và một số sinh viên viết ngay đoạn đầu trong câu nói của giáo sư Tâm như khẩu hiệu: “Sinh viên là người lớn, muốn làm những gì sinh viên muốn làm!”.
Người sinh viên cạo trọc đầu thét to một câu bằng tiếng Pháp: “Nous sommes dépourvus de tous” (2). Trong cảnh gần như hỗn loạn ấy, một “Ủy ban chỉ đạo sinh viên Liên khoa” công bố thành lập, gồm 19 người, do Tô Lai, khoa Luật, chủ tịch và Đường Thiệu Đồng, Lâm Tường Vũ, Nguyễn Đông, Võ Như... trong ban chỉ đạo.
“Ủy ban chỉ đạo” đương nhiên thay thế Tổng hội Sinh viên. Người ta nghĩ rằng “Ủy ban chỉ đạo” đã đập mạnh Vũ Quốc Thúc, khoa trưởng Luật khoa, nhưng không; Vũ Quốc Thúc chỉ bị một số sinh viên cảnh cáo.
Người được “Ủy ban chỉ đạo” hoan hô dữ dội là giáo sư Nguyễn Văn Bông - ông ta tham gia biểu tình với sinh viên.
Ngô Đình Nhu ra lệnh: Bắt ngay Nguyễn Văn Bông. Nhưng lệnh của Nhu không có hiệu lực. Porter chính thức điện cho Nhu. Nhu ném chiếc gạt tàn vỡ tan tành. “Thằng Đại Việt đầu sỏ, thằng CIA này mà không trị thì thật nguy...”
“Ủy ban chỉ đạo” huy động một lực lượng hùng hậu, số sinh viên khoa học bãi thi APM và APD - bao vây văn phòng Viện trưởng Viện đại học Sài Gòn, giáo sư Lê Văn Thới. Giáo sư Thới lánh mặt. Văn phòng bị đập phá.
- Tại sao các anh không làm nhục được Lê Văn Thới?
Thích Đức Nghiệp xộc đến trụ sở “Ủy ban chỉ đạo” chất vấn.
- Thằng ấy có anh đi theo Việt Cộng!
Thích Đức Nghiệp không ngờ câu hằn học của y ta phân hóa phong trào sinh viên - một số khá đông ghét Diệm nhưng hoàn toàn không muốn gắn việc làm của họ với khẩu hiệu chống Cộng.
*
Tuyên ngôn
Trong khi toàn dân, toàn quân đang nỗ lực đẩy lưu âm mưu thôn tính miền Nam của Cộng sản; trong khi những người quốc gia yêu nước đang phải siết chặt hàng ngũ trước nguy vong của đất nước, mọi hành động chà đạp lên tự do tín ngưỡng của chính quyền miền Nam bằng cách khủng bố, hành hạ các tu sĩ tức là xâm phạm đến tín ngưỡng và công bình xã hội, đều có lợi cho đối phương.
Trước tình trạng đó, nhân dân không còn biết đâu là tự do, và vì thế cuộc chiến đấu chống Cộng sản bảo toàn đất nước sẽ mất phần hữu hiệu.
Chúng tôi, toàn thể sinh viên, học sinh Việt Nam
- Không phân biệt tôn giáo.
- Không chịu sự chi phối của bất cứ một đảng phái chính trị nào.
nhận thức rằng: Cộng sản và độc tài là kẻ thù của dân tộc, đồng thanh cương quyết thành lập Ủy ban chỉ đạo sinh viên học sinh tranh đấu cho tự do để:
1) Yêu cầu chính phủ thực sự tôn trọng và bảo vệ tự do tín ngưỡng.
2) Yêu cầu chính phủ trả tự do cho những tăng ni, tín đồ Phật giáo, sinh viên, học sinh, giáo sư hiện bị giam giữ. Họ không phải là Cộng sản và vô tội.
3) Yêu cầu chính phủ chấm dứt tình trạng khủng bố, bắt bớ, hành hạ tín đồ Phật giáo.
4) Yêu cầu chính phủ giải tỏa chùa chiền, ban bố tự do ngôn luận.
Sinh viên, học sinh Việt Nam nguyện đem mồ hôi, xương máu tranh đấu cho bốn nguyện vọng khẩn thiết trên.
Đồng bào hãy sát cánh cùng chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho tự do và đòi được quyền phụng sự Tổ quốc.
Làm tại Sài Gòn, ngày 23-8-1963
Ủy ban chỉ đạo
Sinh viên học sinh
*
Ngô Đình Nhu phản ứng ngay lập tức: đóng cửa các trường. Phản ứng của Nhu đúng ra là quá trễ. Học sinh, nhất là học sinh các lớp trên cùng sinh viên không ai còn thiết đi học. Mọi người chờ đợi một cái gì đó sẽ nổ ra. Và, ngòi pháo được châm lửa.
*
Báo cáo của Joseph Stainer, Phân cục tình báo Mỹ.
Theo sự vận động của Ủy ban chỉ đạo Sinh viên Liên khoa, học sinh, sinh viên Sài Gòn sẽ tập trung tại trường Dược, đường Công Lý để tổ chức biểu tình vào sáng 25-8-1963. Nhưng khi mọi người tới đây thì lực lượng cảnh sát đã chiếm đóng trường này và phong tỏa tất cả các trường tại thủ đô từ chiều hôm trước.
Bởi vậy, học sinh, sinh viên phải đổi địa điểm tập trung từ trường Dược qua chợ Bến Thành.
8 giờ sáng ngày 25-8-63, học sinh, sinh viên từ 8 ngã kéo về Công trường Diên Hồng, người người chật nghẽn đường lối. Dân trong chợ Bến Thành đổ ra hưởng ứng biểu tình cùng sự góp mặt của thanh niên, thanh nữ trong gia đình Phật tử và các đoàn thể Phật giáo, đã biến nơi trung tâm đô thành này thành một biển người.
Một vài biểu ngữ vừa được trương lên thì lập tức lực lượng cảnh sát chiến đấu ào tới đàn áp và cuộc xung đột diễn ra. Cảnh sát giơ cao dùi cui, đập túi bụi vào đám học sinh, sinh viên, bất kể nam nữ. Để chống lại, nữ sinh tháo guốc đưa cho nam sinh nhắm đầu cảnh sát quăng tới tấp...
Thình lình, súng nổ vang lên. Tiếng súng từ bót cảnh sát Lê Văn Ken hướng vào toán nữ sinh đang xô với nhân viên cảnh sát. Một nữ sinh gục xuống và nhiều người khác ngã theo. Học sinh, sinh viên hoảng hốt chạy tán loạn. Lực lượng cảnh sát săn đuổi ráo riết, thắt chặt vòng vây rồi tiếp tục khủng bố, đánh đập.
Trong cuộc biểu tình này, ngoài những nữ sinh bị thương, riêng Quách Thị Trang, nữ sinh đệ nhị bị bắn một viên đạn vào thái dương nên chết ngay sau khi đưa tới bệnh viện được ít phút.
Chính quyền Ngô Đình Diệm hết sức che đậy cái chết này.
Cái chết của một nữ sinh tại chợ Bến Thành chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ sau đã được loan truyền khắp thủ đô, khiến không những học sinh, sinh viên mà cả công chúng đều căm phẫn. Người ta không rõ nữ sinh đã bỏ mình là ai: là Quách Thị Trang, là Mỹ Hạnh hay Lê Thị Hạnh nhưng người ta chỉ biết và biết rõ ràng máu của một nữ sinh thơ ngây, vô tội đã đổ.
Sau cuộc biểu tình này, có trên 2000 nam nữ học sinh, sinh viên bị bắt đưa về nhốt tại Trung tâm huấn luyện Quang Trung.
*
Điện khẩn:
Hàng nghìn sinh viên Việt Nam ở các tỉnh Lyon, Grenoble, Toulouse, Montpellier... kéo về Paris phản đối vụ gọi là “tàn sát Quách Thị Trang”. Dư luận chung cực kỳ bất lợi cho ta. Xin cho chỉ thị.
Phạm Khắc Hy, đại sứ.

*
Điện khẩn:
Phúc điện cho đại sứ, nên cố gắng tổ chức phản biểu tình. Phân tích xem trong số sinh viên kéo về Paris gồm những xu hướng nào? Thân Cộng bao nhiêu? Có Đại Việt không? Thái độ của chính phủ Pháp và đại sứ quán Mỹ. Thái độ của nhóm Vương Văn Đông, Trần Đình Lan?
Ký:
Ngô Đình Nhu.

*
Điện khẩn:
Trong số sinh viên, hầu như đủ xu hướng, tất nhiên số thân Cộng nòng cốt. Đang tiếp xúc phản biểu tình nhưng rất khó. Chính phủ Pháp tỏ ra trung lập, cảnh sát chỉ giữ trật tự mà không can thiệp. Không ai thấy đại sứ quán Mỹ tiếp xúc với sinh viên. Vương Văn Đông, Trần Đình Lan, Quách Sến gặp nhau luôn. Hội đoàn Việt kiều do Cộng sản nắm, được Cộng sản Pháp hỗ trợ chống chính phủ Việt Nam Cộng hòa như từ trước.
Ký:
Phạm Khắc Hy, đại sứ.

*
Báo cáo của Joseph Stainer:
Chất lượng của phong trào sinh viên Sài Gòn bị pha loãng do sự xuất hiện đột ngột của học sinh. Nữ sinh các trường Trưng Vương, Gia Long, Marie Curie, kêu gọi học sinh toàn quốc chống ông Diệm. Thật ra, nếu không quy mô ở đây, với các trường nữ này, chưa phải là điều chúng ta lưu ý, kể cả sự tham gia sau đó của trường Jean Jacques Rousseau. Nói chung, với số đông trong họ thuộc gia đình quyền quý và mộ đạo Phật, chúng ta thu lợi nhiều hơn. Nhưng, khi học sinh các trường Võ Trường Toản, Chu Văn An, Lê Văn Duyệt, Hưng Đạo, Trường Sơn, Văn Lang, nhất là trường kỹ thuật Cao Thắng nhảy vào vòng chiến, tình thế phức tạp. Số này không làm như nhóm sinh viên Đinh Quốc Ân (Y khoa), Nguyễn Trọng Nho (Nông lâm), Phạm Đức Khoan (Văn khoa) trích huyết viết kiến nghị gửi ông Diệm cốt khoa trương và tạo tên tuổi, nhắc nhở chúng tôi rằng họ đang có mặt và họ cũng xứng đáng được đối xử nhu Tô Lai, Võ Như... Học sinh đông hằng mấy vạn không chịu sự kiểm soát của Ủy ban chỉ đạo và có vẻ muốn tự lập. Không thể không nghi ngờ Việt Cộng len lỏi vào phong trào học sinh, nơi chúng có điều kiện hơn trong sinh viên vì tuyệt đại đa số học sinh là con nhà lao động, thân nhân dính líu với Việt Minh trước đây. Cứ xem các cuộc xung đột trên đường phố thì ta có thể kết luận được rằng Ủy ban chỉ đạo lần lần để vuột khỏi tay mình lực lượng đông nhất. Trong Ủy ban chỉ đạo lại phát sinh tranh chấp ngôi vị lợi quyền. Tôi trực tiếp chứng kiến cuộc đụng độ ngày 9-9, cảnh sát dã chiến với học sinh trường Cao Thắng - một trận đánh hẳn hoi mà tôi có thể minh họa bằng hình ảnh Công xã Paris: chướng ngại vật, các loại vũ khí nào búa, gậy, dao cầm cự suốt nửa ngày với lựu đạn cay, phi tiễn, dùi cui, vòi rồng... Tình hình trường Chu Văn An rất gay go, tuy nhiên biểu thị tính cách Phật giáo rõ hơn. Học sinh hạ cờ Việt Nam Cộng hòa, kéo cờ Phật giáo và đánh nhau với cảnh sát. Cuối cùng, 1200 học sinh bị áp giải... Tôi đề nghị thiếu tướng Jones Stepp nên cùng Tổng nha cảnh sát trao đổi. Yêu cầu của chúng ta là không để phong trào học sinh vượt khỏi lằn ranh cho phép và nhất là không để phong trào học sinh trở thành nòng cốt dẫn dắt trở lại phong trào sinh viên. Trong vụ Chu Văn An đã lọc được 72 tên tình nghi cảm tình Việt Cộng trong khi toàn bộ Cao Thắng có lẽ do Việt Cộng chỉ huy.
*
Luân thay quần áo, mặc bộ quân phục ra phòng khách. Hai sinh viên có vẻ sốt ruột.
- Xin lỗi, tôi vừa đi làm về.... Nào, ta cần gì nhau? - Luân bắt tay Tô Lai và Võ Như.
- Chúng tôi xin tự giới thiệu... - Tô Lai nói.
- Khỏi! Tôi biết hai anh là ai. Báo chí đăng khá nhiều hình các anh, đặc biệt anh Tô Lai... Một Vũ Văn Mẫu hay một Đỗ Mậu? - Luân cười cười, ngó cái đầu cạo nhẵn của Tô Lai.
- Thế thì chúng ta có thể vào đề ngay. Nhưng chúng tôi muốn biết chúng tôi phải xưng hô với ông thế nào cho đúng?
Luân cười, ngó thẳng Tô Lai:
- Tôi là đại tá Nguyễn Thành Luân...
- Nếu ông thích quân hàm đại tá, chúng tôi sẽ xưng hô theo ý thích của ông.
- Ở đây, không có chuyện theo ý thích. Hai anh là sinh viên, tôi gọi là anh. Còn chủ tịch Ủy ban chỉ đạo, tôi không biết!
- Một đại tá thân cận với Tổng thống Diệm mà không biết chủ tịch Ủy ban chỉ đạo sinh viên, học sinh?
- Có thể tôi không biết. Có thể tôi không cần biết. Cái tôi cần biết là hai anh đến gặp tôi có chuyện gì? Tôi đã quá tuổi sinh viên từ lâu, cho nên chức vị của hai anh không khiến tôi phải mất thì giờ.
- Chúng tôi chống ông Diệm!
- Đó là quyền của các anh. Tôi hiểu.
- Nhưng, chúng tôi muốn đại tá tỏ thái độ...
- Tại sao tôi phải tỏ thái độ? Và thái độ gì?
- Người ta nói với chúng tôi rằng đại tá có uy tín với quân đội, với người Mỹ. Sinh viên muốn đại tá đứng về phía chúng tôi...
- Quân nhân chúng tôi không được quyền làm chính trị. Các anh biết luật lệ đó, nhất là anh, anh Tô Lai, sinh viên khoa Luật! - Luân châm biếm.
Luân đang cố phân tích xem hai người gặp anh thực chất nhằm mục đích gì.
- Tôi xin hỏi thẳng hai anh: Phong trào mà hai anh đứng đầu chống ông Diệm đàn áp Phật giáo, đúng không?
- Đúng...
- Đã đến lúc tình thế phải ngã ngũ. Ngã ngũ không có nghĩa là nếu ông Diệm thôi đàn áp Phật giáp thì đâu sẽ vô đó... Đúng không?
Hai người hơi lúng túng, ngó nhau, chưa tìm ra câu trả lời.
- Giả tỷ ông Diệm thôi đàn áp Phật giáo, các anh sẽ thất vọng, đúng không?
Vẫn không có câu trả lời.
- Nhiệm vụ của các anh là làm thế nào để cho ông Diệm không thể thôi đàn áp Phật giáo - bây giờ, thì đàn áp cả sinh viên, học sinh, trí thức... Đúng không?
Võ Như lắc đầu:
- Hai chữ “nhiệm vụ” mà đại tá dùng, mơ hồ quá!
Luân cười rộ:
- Chẳng lẽ hai anh không tự đặt cho mình một nhiệm vụ nào cả? Đùa hả? Đùa với sinh mạng Quách Thị Trang hả?
- Nếu theo nghĩa đó, chúng tôi có nhiệm vụ. Nhiệm vụ hoặc lý tưởng... - Tô Lai lấy lại giọng bình tĩnh.
- Tôi không cần đi sâu vào danh từ. - Luân ngó hai người với đôi mắt người lớn - Sau khi lật đổ ông Diệm, cứ giả định như vậy, các anh định làm gì?
- Xây dựng một chế độ tự do thật sự ở Nam Việt. - Võ Như nói như tuyên cáo.
- Nghĩa là mọi người đều được luật pháp bảo vệ? - Luân hỏi.
- Tất nhiên, trừ Việt Cộng! - Võ Như tiếp tục khẳng định.
- Thế thì vấn đề hòa bình sẽ giải quyết như thế nào? Chúng ta đang có chiến tranh và chiến tranh khá khốc liệt.
- Không có cách nào khác hơn phải đánh đổ chế độ Cộng sản Bắc Việt! - Võ Như trả lời thật dứt khoát.
- Bằng cách nào?
- Đại đức Thích Đức Nghiệp đã chủ trương. Chúng tôi sẽ thành lập quân đoàn giải phóng miền Bắc...
- Tiếc quá! - Luân hóm hỉnh - Báo Tự Do có anh ký giả tên Vũ Bắc Tiến. Tôi biết không phải một trong hai anh mang tên đó... Chuyện của hai nhân vật “Ủy ban chỉ đạo” mà trẻ con đến cỡ này sao? - Giọng Luân từ châm biếm sang khinh miệt.
- Ông Diệm và cả ông nữa, các ông không làm nổi sự nghiệp thống nhất giang sơn, chúng tôi làm! - Võ Như câng câng mặt.
- Người Mỹ! Tôi nhắc lại! Người Mỹ cũng chưa dám nghĩ tới chuyện đó mặc dù họ có thể sẽ lên mặt trăng không bao lâu nữa. Các anh chống ông Diệm, tôi không có ý kiến vì nó thuộc về quyền của các anh. Tôi là quân nhân song tôi không biệt những loại chính kiến trong phạm vi những người Quốc gia với nhau. Tôi chỉ khuyên các anh: Làm người lớn phải có cái đầu người lớn. Các anh đừng tự phơi bày mình như một thứ hình nộm ai muốn giật dây cũng được. Tôi nói thật nghiêm chỉnh đó. Cái đầu cạo láng của anh không nâng anh lên một chút nào. Các anh cứ ghi nhớ: các anh sẽ bị xô giạt bên lề và chính các anh hối hận.
Luân nói giọng khô khốc.
- Chúng tôi muốn đại tá làm cố vấn cho Ủy ban chúng tôi! - Tô Lai dịu hẳn giọng.
- Tôi vừa làm cố vấn cho các anh... Không đủ sao? Nếu cần thêm, tôi lưu ý các anh: Đừng làm con két!
Hai người ngượng nghịu bắt tay Luân.
- Tập tễnh làm chính khách! Thế lực không lớn, tìm chỗ dựa. CIA nắm, song không nắm được hạng có ý thức. Các cậu sẽ rơi đài sớm thôi!
Luân trầm ngâm với ý nghĩ riêng cho đến khi Thạch mang vào chiếc phong bì có dấu mật và gắn xi.
*
Điện mật:
Một đoàn đại biểu Phật giáo do Pháp Tri, phái Tiểu Thừa dẫn đầu, bí mật vượt biên giới và đã đến Nam Vang. Họ viết một bức huyết thư gửi ông U Thant, Tổng thư ký Liên Hợp quốc và thái tử Sihanouk đồng thời liên lạc với Nhất Hạnh cùng Cao Thị Phượng đang ở Mỹ và Mẫn Giác ở Ấn Độ. Họ đã gặp cả hai vua sãi Cambot Phanmayut và Manahica.
Ký:
Tổng lãnh sự VNCH tại Nam Vang.

*
Bản sao điện mật chẳng gợi cho Luân một ý nghĩa nào. Sự thể đã phát triển quá xa. Số mạng của chế độ Ngô Đình Diệm không còn đếm từng ngày mà từng giờ. Kề cái chết, họ giãy giụa nhưng càng giãy giụa, sợi thòng lọng càng thít chặt. Tự nhiên Luân nhớ đến Ngô Đình Thục, nhớ cái hôm chia tay.
Luân mời Giám mục đến nhà ăn cơm và Dung tự nấu. Bữa ăn chung ở dinh Gia Long thật buồn, bữa ăn ở nhà Luân cũng chẳng hơn. Với Giám mục, ông chỉ linh cảm thôi nhưng chừng ấy điều xảy ra dồn dập cũng cho linh cảm của ông những cơ sở phán đoán.
Thức ăn ngon, hợp khẩu vị Giám mục - thường thì Giám mục vừa ăn vừa khen - nhưng hôm nay, ông lơ đễnh, mắt như ngó đâu.
- Tình hình rối quá, con hỉ? - Ông hỏi.
Luân không biết trình bày sao cho hợp với buổi chia tay - Luân cũng linh cảm Giám mục sẽ không bao giờ về Việt Nam nữa.
- Thưa Đức cha, tuy rối, song cũng còn đường ra...
Mặt Giám mục không hé một chút phấn khởi.
- Cha nghĩ lão linh mục Hoàng có lý. Đặng Sĩ cũng có lý. Giá mà Tổng thống nghe lời thím Nhu, mạnh tay vào, bọn Phật giáo bị triệt từ tháng 5. Sai một nước cờ, hư cả bàn cờ!
Luân càng thấy thương hại người cha nuôi của mình. Cũng không nên trách ông. Ông không thể có cách suy nghĩ khác.
- Cha sẽ trình bày cho dư luận Công giáo thế giới biết sự thật... Cả Đức Thánh cha cũng cần được thông báo các chi tiết. Đức khâm mạng Tòa thánh cho Cha hay, theo ngài thì chế độ của chúng ta khó thoát khỏi cơn thử thách định mệnh này. Để tránh hậu quả tai hại cho Công giáo, ngài thúc Cha đi La Mã sớm dù Công đồng chưa họp. Cha muốn gặp Đức Hồng y Spellman.. Nhưng, ra đi như thế này, Cha bứt rứt trong lòng... Chúa vốn công bằng, sao lại đưa Tổng thống và gia đình ta vào thế hiểm nghèo? Đức khâm mạng đã dạy, Cha nghĩ ngài nghe được cái gì đó...
Ngưng một lúc, Giám mục bảo Luân:
- Con sống với gia đình chúng ta thấm thoát 9 năm, bằng thời gian con kháng chiến... Cha, Tổng thống, chú Nhu, mọi người đều xem con và vợ con như ruột thịt. Cha biết con giỏi. So với chú Nhu, con suy tính nhiều việc kỹ, sâu hơn. Cho nên, trước khi ra đi, Cha mong con trước sau như một, hết sức vì gia đình. Con cũng đoán ra, suốt 9 năm, nhiều kẻ ghen ghét toan hãm hại con, song Cha, Tổng thống một mực tin con. Đã qua, con xứng đáng lắm. Trên mình con, bao nhiêu vết thương chí mạng là vì họ Ngô. Không ai không nhớ... Con thường thư cho Cha. Công đồng họp khá lâu, Cha cần tin tức ở nhà.. Cha sẽ năng thư cho con.
Khi Giám mục và anh ôm nhau, Luân rưng rưng nước mắt. Ngô Đình Thục thuộc gia đình mà cách mạng không thể không triệt hạ - tội ác của họ cao như núi - nhưng, mặt khác, nếu không được Thục che chở, Luân không bị giết thì cũng trút bộ lốt hiện giờ từ lâu, khó thực hiện được gánh nặng mà anh Hai trực tiếp giao, mà A.07 trực tiếp chỉ đạo...
Một cái gì như bất nhẫn dâng lên trong lòng Luân. Dung thông cảm tâm trạng của Luân. Tiễn Giám mục lên xe, còn riêng hai người, Dung ngồi sát Luân:
- Anh cứ buông thả tình cảm, em thấy như vậy không có hại gì. Chúng ta là con người. Vả lại, ông ấy chưa hề có ý định xấu về anh.
Dung cung cấp cho Luân nhiều tin mới, chúng củng cố thêm nhận định của Luân: “Bravo” của Nhu chính là tín hiệu cho phía đảo chánh hành động.
Chuông ngoài cổng reo. Thạch mở cổng. Chiếc xe tải to sầm sơn màu vàng của hãng BGI vào sân. Mấy người khuân các két bia, nước ngọt xuống. Một nhân viên đi vào nhà, với quyển sổ thanh toán trên tay.
Luân sửng sốt một giây.
- Mời ông ngồi! - Luân chỉ ghế cho nhân viên của hãng BGI. Anh nói khẽ vào tai Dung:
- Khi người ta xuống xong các thứ, nhận xong vỏ chai, em bảo Thạch mời tất cả ra chỗ Thạch đãi họ... Lý do? Lấy sinh nhật bé Lý...
Dung hiểu. Cô liếc nhanh “nhân viên” BGI - và cô đoán: Anh Sáu Đăng. “Nhân viên” BGI mỉm cười với cô.
...Mỹ dứt khoát loại Diệm bằng hình thức đảo chính. Đó là điều Mỹ cố tránh song không tránh khỏi. Diệm tuy là tay sai của Mỹ nhưng lại không ngoan ngoãn. Y có mặt “tương đối độc lập” của y. Từ khi lên cầm quyền, Diệm bắt tay xây dựng một triều đại kiểu hoàng đế mà không xưng hoàng đế: “Tổng thống suốt đời”. Y dựa vào thế lực Thiên Chúa giáo phản động cực đoan di cư và dân di cư nói chung, dựa vào các phần tử tư sản thuộc gia đình và vây cánh y thay chân số thân Pháp và dựa vào quân đội, cảnh sát. Nhưng, giữa Mỹ và y có một khoảng cách và khoảng cách đó lớn dần. Y muốn thâu tóm mọi quyền hành, Mỹ muốn chia xẻ quyền hành cho nhiều nhóm để kìm chế lẫn nhau. Từ khi nhân dân miền Nam đồng khởi và Mặt trận Dân tộc Giải phóng ra đời, Mỹ - Diệm mất quyền kiểm soát ở nông thôn. Mỹ rút ra kết luận là vì Diệm thực hiện sai lệch chính sách của Mỹ nên Cộng sản mới giành được thắng lợi.
Mỹ buộc phải đưa thêm cố vấn vào miền Nam và đến mức phải thành lập cả một Bộ chỉ huy, thực chất là Bộ chỉ huy viễn chinh hay ít ra cũng là tiền thân của Bộ chỉ huy ấy. Với mấy lần cảnh cáo quân sự không kết quả, Mỹ dùng sức ép chính trị thông qua phong trào Phật giáo. Tiếng là phong trào Phật giáo, kỳ thực gần như mọi giới, mọi tầng lớp đều chống Diệm, dựa danh nghĩa Phật giáo. Mỹ hiểu được điều đặc biệt ấy; nếu để các nhà sư tiến bộ lãnh đạo thì phong trào sẽ phát triển về phía mở ra khả năng thương lượng với Mặt trận, nghĩa là Mỹ sẽ thất bại. Cho nên Mỹ phải tung tay sai vào lèo lái phong trào Phật giáo, và bây giờ thêm phong trào học sinh, sinh viên. Tất cả màn chính trị sục sôi là giáo đầu cho một cú quân sự mà cú quân sự sẽ chớp nhoáng để ta không kịp khai thác. Mỹ nắm được một số tướng và thỏa thuận với Pháp một số tướng vốn là người của Pháp. Yêu sách của Pháp, như De Gaulle tuyên bố ở Nam Vang, đặt Nam Việt trong quy chế trung lập, Mỹ ỡm ờ, nhưng chắc chắn cốt lợi dụng Pháp, không đời nào chịu nhả Nam Việt. Có thể có những khả năng sau đây: Nếu Diệm đổ, một ê kíp tay sai gồm cả thân Mỹ và thân Pháp điều khiển khá cuộc chiến tranh, Mỹ khỏi đưa thêm quân vào mà đẩy lùi chính sách liên minh với Pháp; nếu ê kíp mới tỏ ra kém khả năng, sẽ có thay đổi tay sai, loại những người thân Pháp, chỉ để bọn thân Mỹ độc quyền, trong trường hợp này, đẩy lùi được ta thì Mỹ vẫn giữ mức quân như hiện nay, hoặc tăng thêm chút ít nữa; nếu cả giải pháp đó không thu kết quả thí chiến cuộc sẽ thay đổi quy mô, chưa đoán trước quy mô tới đâu song chắc chắn sẽ là cuộc chiến tranh lớn và chiến tranh của Mỹ.
Về Diệm, hoặc y đề kháng hoặc y đầu hàng. Y đề kháng, có lợi cho phong trào - nhân rối loạn mà quét ấp chiến lược. Y bị hạ bệ và lưu vong, mâu thuẫn chưa dàn xếp, diễn tiến sẽ còn phức tạp.
Về phong trào Phật giáo, nhất định phân hóa. Số chân tu và số quần chúng yêu nước hiện nay đang say, họ căm ghét Diệm mà chưa thấy cái nguy hiểm của Mỹ, nhưng sớm muộn gì họ cũng sẽ thấy. Về phong trào sinh viên, học sinh, đang phân hóa, đã có một số nhận thức chống Diệm đồng thời phải chống Mỹ - số này còn nhỏ nhưng chắc chắn sẽ lớn nhanh.
Tương quan chung chưa cho phép ta làm cái gì vang dội nếu đảo chánh xảy ra. Đó là thời cơ tập hợp lực lượng, tiến công chính trị, phá ấp chiến lược, khiến nội bộ Mỹ ngụy không ổn định.
Riêng “Kỵ sĩ”, phải bám cho được vị trí hợp pháp - nghĩa là vẫn được Mỹ tin dùng. Có thể tham gia đảo chánh đến mức nào đó và tùy tình hình mà xử lý.
Anh Sáu Đăng tranh thủ phổ biến mấy nhận định lớn cho Luân. Luân báo cáo tình hình những ngày qua.
- Anh không được liên lạc với cô Mai và chị Cả, rất nguy hiểm. Từ nay, anh khỏi báo cáo tình hình, chúng tôi có điều kiện nắm khá đủ. Anh chỉ có việc hành động theo phương hướng đã vạch, khi cần, chúng tôi trực tiếp móc liên lạc, không sử dụng điện đài hay hộp thơ. Nghĩa là cắt đứt tất cả. Anh phải dấn thân sâu hơn và càng ít dấu viết liên hệ với cách mạng càng có lợi. Chỉ khi nào thật bức bách thì anh hoặc cô Dung đến chỗ này... - Anh Sáu Đăng chấm nước viết lên mặt bàn.
- Tôi cần một số người trung kiên tiếp tay, - Luân đề xuất - Chẳng hạn các đồng chí cho tôi một lái xe, một thư ký, một nhóm bảo vệ...
- Lái xe thì anh Thạch. Tin cậy được, tuy Thạch không hiểu công việc của anh và cô Dung. Thư ký có lẽ không cần, cô Dung làm tốt hơn. Nhóm bảo vệ thì để xem...
- Xin chọn cho ba Đảng viên thật trung kiên, vào dân vệ hay bảo an ở ba nơi, báo cho tôi biết, tôi sẽ điều...
- Để chúng tôi bàn thêm. Số người tốt anh liên hệ từ trước nên tùy lúc mà sử dụng như Nguyễn Thành Động, Trương Tấn Phụng, thậm chí Phan Cao Tòng, thiếu tướng Lâm. Riêng Lê Khánh Nghĩa thì không được. Nghĩa có việc của anh ta.
Luân báo cáo cho anh Sáu biết Jones Stepp chú ý đến Nghĩa khi hỏi Thạch. Anh Sáu hơi cau mày:
- Vậy là có một lỗ dò nào rồi. Tại sao tình báo Mỹ chú ý đến Nghĩa?
Tất nhiên Luân không biết.
- Tôi sẽ thử tìm nguyên nhân...
- Không cần! - Anh Sáu dứt khoát - Chúng tôi lo chuyện đó. Vợ của Thạch tốt, nhưng hình như binh vận Mỹ Tho định qua chị ta tranh thủ Thạch. Việc này hơi rối. Nếu chúng tôi ngăn thì sẽ lộ anh - anh em Mỹ Tho cũng có người ngờ ngợ về anh, do anh em Bến Tre thông báo. A.07 phê bình dữ lắm... Jones Stepp tin anh, nhưng Williams Porter còn đang thẩm tra thêm anh. Có hai tay mà anh phải hết sức đề phòng, một tay tôi đã nói lúc gặp anh trên Đất Ung, tức John Hing. Tay kia là Mai Hữu Xuân. Chúng tôi vẫn có kế hoạch bảo vệ anh, nhưng anh không cần biết.
Bây giờ, Luân mới nhìn kỹ anh Sáu. So với lúc gặp ở Đất Ung, anh Sáu có vẻ khỏe hơn. “Nó cũng là mặt báo hiệu phong trào mạnh”, Luân nghĩ - và, qua cách nói của anh Sáu, Luân hiểu ta thâm nhập nhiều ngả vào các cấp ngụy quân, ngụy quyền, tình báo của ta phát triển rộng. Nội việc anh Sáu có thể ung dung vào thành, đến nhà Luân bằng một xe của hãng BGI thì đã rõ.
- Nhu nhiều lần ngỏ ý muốn thương lượng với ta. Tôi xin ý kiến anh.
- Chúng tôi biết, qua nước thứ ba. Song, Nhu đánh đòn gió thôi. Bây giờ, còn gì để thương lượng, mặc dù ta biết một sự ủng hộ nào đó của ta giúp Diệm đề kháng lâu hơn... Song, để làm gì? Tôi nghĩ anh nên bắt đầu tính đến sự tồn tại của anh sau thời kỳ Diệm.
Luân báo cáo về James Casey và John Hing với các trương mục ngân hàng.
- Tốt thôi! - Anh Sáu bảo - Anh đừng vồ vập nhưng cũng đừng từ chối... Cũng là một thử thách nữa.
- Chúng nói nhiều đến vũ khí. Sau Diệm, chiến tranh có thể...
- Đó là một khả năng. Ta đang cố gắng tránh khả năng đó. Nhưng, tránh được hay không, bây giờ chưa thể nói trước. - Anh Sáu Đăng thở dài.
- Chiến tranh có nghĩa là tàn phá! - Luân cũng thở dài - Tôi đã nghiên cứu ở học viện Fort Brag, đọc nhiều tài liệu về chiến tranh hiện đại. Trong chương trình, học viện giảng cho chúng tôi sử dụng cả bom nguyên tử chiến thuật... Tôi nghĩ không chỉ như là Triều Tiên. Hơn Triều Tiên!
- Vì vậy, trách nhiệm của anh càng nặng...
- Tôi có một thắc mắc: bọn CIA biết rằng tôi không có lực lượng để làm đảo chính, tại sao chúng chi tiền cho tôi. James Casey nói rõ như vậy... - Luân hỏi.
- Đó là cái cớ thôi. Ý định của chúng là tách anh ra khỏi Nhu với hai mục đích: Anh chống lại kế hoạch đảo chính thì kế hoạch sẽ khó thực hiện; khó sửa soạn vai mới cho anh. - Anh Sáu Đăng giải thích.
- Anh có thể cho tôi biết tin các bạn chiến đấu cũ? - Luân chuyển sang chuyện tình cảm.
- Lưu Khánh đã về Nam, đang chỉ huy một đơn vị. Vũ Thượng xuất ngũ rồi, tôi không rõ làm gì... Anh Tư đang làm đại sứ ở Liên Xô.
- Sức khỏe của anh Hai.
- Anh Hai ra Bắc năm 1957, sau nhiều lần suýt bị bắt. Chắc anh biết tin của anh Hai sau đại hội Đảng lần thứ III. Anh Hai khỏe. A.07 cũng khỏe.
- Còn về Francisci, - Anh Sáu như chợt nhớ - Cũng có thể có cái gì hay hay, A.07 được bạn Pathet Lào báo về một vụ đụng độ giữa họ với nhóm phỉ U Ba Thiên và được cánh Francisci hỗ trợ. Bạn hơi lạ vì Francisci không bao giờ hành động kiểu đó. Khi được thư anh, tôi mới vỡ lẽ. Francisci là một tay giang hồ, do giang hồ, gã phục những lối hảo hớn như anh.
Anh Sáu Đăng hơi mỉm cười. Luân thấy má nong nóng.
- Cũng có lúc, phải tỏ ra hảo hớn. Anh khá lắm.
- Sa thế nào rồi?
Anh Sáu không trả lời, chỉ cười.
- Còn Lục?
- Đừng hỏi... Không có cái gì xấu xảy ra với họ, anh biết vậy là đủ... Quyến, tôi đoán thế nào anh cũng hỏi - đang học, ở xa.
- Saroyan rất tốt với anh. Song, anh nên chú ý Jones Stepp... - Anh Sáu trở lại công việc.
- Tôi hiểu. Jones Stepp cũng hiểu lằn mức trong quan hệ giữa chúng tôi.
- Fanfani viết nhiều bài hay... Cả anh chồng, cung cấp các ảnh rất giá trị. A.07 cho rằng anh đã ảnh hưởng đến quan điểm của Fanfani.
- Không hẳn... Cô ta rất độc lập trong nhận định và rất cứng về nghề nghiệp.
- Tình hình ra và Bắc Kinh mỗi ngày mỗi xấu thêm. Đường lối chủ nghĩa của Bắc Kinh dẫn họ vào vũng lầy phản bội. Cho nên, Lâm Sử là một mũi mà anh không thể coi thường.
- Các anh mình đánh giá về tướng Minh thế nào?
- Không khác đánh giá của anh: có tinh thần quốc gia chừng mực nào, tự trọng nhưng kém kinh nghiệm chính trị. Trong các hoạt động trước mắt, Minh là bình phong, người tổ chức là Andre, nhưng người thật lợi hại là Đỗ Mậu.
Tiện thể , Luân báo cáo với anh Sáu về vợ Huỳnh Hữu Hiền mà Luân nghĩ là trò chơi của Nhu.
- Chưa chắc! Chưa biết ai xỏ mũi ai... Andre không quá kém về kinh nghiệm dâu...
Chuyện chung coi như xong.
- Ta cụng một ly! - Anh Sáu đột nhiên đề nghị và anh cùng Luân uống cạn cốc bia.
- Tôi được A.07 cho phép thông báo với anh: Do thành tích của anh, của đồng chí Dung, Nhà nước quyết định thăng anh vượt cấp từ trung tá lên đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam và đồng chí Dung là đại úy Công an Nhân dân kể từ ngày 1-1-1963. Anh được tặng Huân chương Quân công hạng nhất, đồng chí Dung, hạng ba....
Luân vừa nghe xong, không tự chủ được nữa, bật khóc...
Đoàn thể, Tổ quốc chăm sóc anh và Dung chu đáo đến mức không ngờ tới. Bao nhiêu hình ảnh cũ bỗng vụt hiện trong đầu anh. Kể từ khi anh hiểu cách mạng - trên chuyến xe lửa vào Nam, bạn học của anh, Quý, soi vài tia sáng - đến nay gần 20 năm, trong 20 năm đó, số phận chia đều: một nửa trong tư thế một cán bộ công khai đảm đương các chức vụ khác nhau, sống tập thể có anh có em, sinh hoạt Đảng đều đặn, hòa lẫn với đồng bào; một nửa ngược hẳn - anh phải mang bộ quần áo ngụy, phải nghe, phải nhìn, phải nói, phải làm những điều đôi khi tự chúng sỉ vả anh, chen giữa đám nhơ nhuốc, vượt những thử thách kỳ quặc, luôn giữ vai kịch đến khốn khổ. Từng giây, từng phút anh đặt mình trước bao nhiêu ống kính, bao nhiêu ngọn đèn pha soi anh từ đủ phía. Từng phút, từng giây anh phải đối phó với tráo trở, lừa gạt, lật lọng, gian trá, nham hiểm, láo khoét. Anh từng phát sợ - không phải sợ kẻ thù mà sợ anh: chừng ấy chất độc liệu có len lỏi phần nào vào cơ thể anh không và nếu cuối cùng rồi, anh tìm thấy trong mùi tanh tưởi một chút nước hoa thoang thoảng, thì sao? Không! Không phải những cuộc đọ trí, đọ súng nao núng anh. Sự cám dỗ: Quyền lực, tiền, gái... Anh tự nghĩ, nếu cạnh anh không có Dung. Công lao mà Đảng đánh giá, thật sự thuộc về người anh yêu, vai trò Dung dường khiêm tốn song quyết định, anh hiểu hơn ai hết. Và, xét cho cùng, anh chưa làm được bao nhiêu so với lòng tin cậy của các anh...
Qua nước mắt, Luân nhìn ra ngoài sân. Dung đang tiếp mấy người của BGI. Cô rót bia, dịu dàng mời khách. Ngay việc đó, phải đâu không ý nghĩa gì cả....
Anh Sáu im lặng. Anh muốn Luân vơi đi bao nhiêu dồn nén.
- Tin của ông cụ và ông chú Dung? - Luân hỏi.
- Ông cụ còn khoẻ, rất nhớ Dung... Song chỉ có thể động viên ông cụ thôi, ông cụ tỏ ra người có nghị lực. Còn đồng chí Thuận, chú Dung, cũng khỏe... - Anh Sáu hơi mỉm cười - chỉ mỉm cười thôi Luân cũng đoán ra người cán bộ tình báo già dặn hẳn đang thực hiện một công việc có thể quanh quẩn đâu đây...
Hai người bắt tay nhau thật chặt.
- Vùng giải phóng lan sát ven Sài Gòn, tôi nói để anh hiểu. Nếu thấy không thể tiếp tục đứng được. Anh ra hướng nào cũng an toàn cả.
- Cám ơn anh. - Luân nói - Nhưng sẽ không có việc tôi đào ngũ đâu!
Anh Sáu Đăng nghiêm mặt:
- Sao lại đào ngũ? Tôi ra lệnh cho anh: nếu cảm thấy không an toàn thì lập tức ra khu ngay. Tôi tin anh chấp hành đúng kỷ luật của Đảng...
- Tôi xin hứa!
Hai người không dám ôm hôn nhau...
Khi chiếc BGI ra khỏi cổng, Dung lững thững vào nhà.
Luân bất thần ôm chầm Dung, xốc cô lên. Dung bối rối. Từ khi yêu nhau, chưa bao giờ Luân có cử chỉ sôi nổi như vậy.
- Anh! Coi chừng chị Sáu thấy...
Luân không nói, bế Dung vào phòng ngủ, hôn Dung tới tấp. Dung không hiểu, không thể hiểu, cái đắm say mà Luân trao cho Dung hôm nay - ngay đêm tân hôn cũng không đến thế.
Dung muốn hỏi nhưng đến lượt cô, chỉ còn có thể cắn nhẹ vào vành tai Luân: Anh yêu của em...
*
Nhu gọi Luân vào dinh Gia Long.
- Ngày mai, tôi gặp phái đoàn điều tra Liên hiệp quốc. Anh cùng gặp với tôi.
Nhu đẩy cặp hồ sơ dầy cộm cho Luân. Luân chưa vội mở cặp. Chẳng có gì bí mật. Và Luân thừa biết vụ Phật giáo đối với Nhu không phải trong hồ sơ này mà ở chỗ khác - ở mẹo của Ngô Trọng Hiếu.
Nói chung, nhà chiến lược, nhà tư tưởng Ngô Đình Nhu sau các biến cố dồn dập, thu hình lại chỉ còn là nhà ảo thuật, một mưu sĩ tầm thường. Về mặt này, Nhu kém xa bất kỳ một kẻ bẻm mép, ma cô nào của đất Sài Gòn.
- Anh cùng đi với tôi một lúc. - Nhu mời.
Luân ngỡ Nhu muốn thả bách bộ với anh. Nhưng không, Nhu đưa anh vào một phòng nhỏ.
“Anh ta định cho mình xem một kế hoạch gì đây?”. Căn phòng có bậc thềm. Đèn bật sáng. Đến đây thì Luân hiểu: Nhu giới thiệu với anh nhà hầm xây dưới dinh Gia Long - Luân biết việc đó, tuy không trực tiếp dính líu.
Qua bậc thềm hẹp, hai người xuống một gian hầm rộng hình chữ nhật khoảng trên 20 mét nằm theo chiều từ đường Công Lý qua đường Pasteur, phía sau dinh Gia Long. Luân ước cách mặt đất khá sâu. Nhu và Luân thường ngồi bên trên và bây giờ thì Luân hiểu: thảm cỏ xanh mượt chính là nóc hầm.
Hầm chỉ có hai cửa, cửa sắt dày. Một cửa thông với bốn lối xuống hầm: từ phòng ngủ của Tổng thống, từ phòng ngủ của Nhu, từ tầng dưới dinh và từ văn phòng của Tổng thống. Một cửa đi lên mặt đất, dùng cho lính bảo vệ, với lỗ thông hơi và một công sự bố trí đại liên. Hầm chia nhiều phòng nhỏ: Tổng thống có phòng khách, phòng ngủ và phòng tắm. Nhu cũng có ba phòng. Một hành lang nối các phòng.
Hầm vừa xây xong, mùi vôi nồng nặc. Chưa trang trí nội thất, ngay quạt và máy điều hòa không khí.
Luân cảm giác đây là một chiến hạm, một thứ hầm trú ẩn. Hình như hầm của tướng De Castries ở Điện Biên Phủ kiên cố hơn...
Nhu đưa Luân vào một phòng. Phòng đặt đầy máy thu phát vô tuyến điện và điện thoại. Bốn nhân viên - tất cả đều là liên quân của Liên binh phòng vệ, đứng lên chào.
- Cho tôi liên lạc với tướng Huỳnh Văn Cao! - Nhu bảo. Máy phát siêu tần số nhấp nháy đèn.
- Nhu đây!
- Chào ông cố vấn! Cao đây... Xin nghe chỉ thị.
- Không có chỉ thị gì. Tôi cùng đại tá Nguyễn Thành Luân kiểm tra hệ thống thông tin thôi. Tốt lắm, nghe rõ lắm... Chào thiếu tướng.
- Chúc sức khỏe ông cố vấn và đại tá...
Mặt Nhu thoáng nét thỏa mãn.
- Cho tôi đại tá Bùi Đình Đạm!
Câu chuyện lặp lại. Nhu gọi Nguyễn Khánh tận Pleiku, gọi Nguyễn Văn Thiệu ở Củ Chi, gọi Tôn Thất Đính, Huỳnh Hữu Hiền, gọi cả Nguyễn Cao Kỳ, gọi Lê Quang Tung và Hồ Tấn Quyền... Đâu cũng răm rắp. Hai đường dây chạy thẳng đài phát thanh quốc gia và quân đội. Riêng tại đây, một đài phát thanh “bỏ túi” với công suất 2.000 Watt.
- Hầm này chịu được bom tấn! - Nhu bảo Luân khi họ theo bậc thang trở lên.
- Anh có đặt đường dây thẳng với sứ quán Mỹ không? - Luân chợt hỏi...
- Chưa... mà cần không?
- Cần... Tôi nghĩ là cần...
- Nội sáng nay, sẽ có đường dây đó...
Hai người thả bách bộ quanh dinh. Khoảng trời bên ngoái quá cao rộng, Luân so sánh với căn hầm. Thế là chế độ Ngô Đình Diệm bằng lòng một căn hầm vào chục thước vuông, trong khi họ từng làm chủ cả 170.000 cây số vuông và tham vọng làm chủ 340.000 cây số vuông của cả nước Việt Nam.
Anh bỗng nhớ Phạm Công Tắc - giáo chủ đòi những 40 cây số vuông kia...
Hai người gặp Diệm, cũng đang thả bách bộ.
- Chú Nhu đưa Luân xem căn hầm chưa? Đẹp, chắc, tiện hỉ?
Họ định dùng căn hầm làm gì? Luân lại bỗng nhớ Hitler, vào những ngày cuối cùng...
Và, cách đây vài tháng, Luân đọc một tin trên báo: một thợ may đường Lê Thánh Tông bị đâm chết giữa đêm. Dung nói riêng với anh: người thợ may tình cờ thấy người ta chở đất lên các xe tải, anh ta không thể sống... Có lẽ là tin thêu dệt. Theo quan sát của Luân, hầm không có lối thông ra ngoài. Một hầm cố thủ hơn là hầm tẩu thoát...
---
(1) Bán chạy, ăn khách
(2) Chúng tôi bị tước đoạt tất cả

<< P8 - Chương 6 | P8 - Chương 8 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 356

Return to top