Mỹ đào hố dưới chân ông Diệm (Business Week):
Chúng ta - nước Mỹ - sẽ phải hậu thuẫn cho một cuộc đảo chính quân sự ở Sài Gòn để chấm dứt chế độ thối nát mà sự kéo dài của nó đồng nghĩa với sự tiêu tốn đôla lẫn uy tín của nước Mỹ một cách ngu xuẩn. Hãy đào hố dưới chân viên Tổng thống hoàn toàn mất cảm giác về tất cả những gì xảy ra quanh ông ta...
Nếu có một người hùng (Washington Post): Rốt cuộc, nước Mỹ vẫn phải trở lại ngón sở trường của mình là dùng một hoặc một số tướng nào đó trong quân đội Nam Việt để hạ bệ ông Diệm. Hẳn ông Dean Rusk sẵn sàng hỗ trợ, ít nahats, về tinh thần cho một cú đấm như vậy. Công việc của "người hùng" Nam Việt sẽ đơn giản vô cùng so với một số "người hùng" mà Mỹ xây dựng ở Nam Mỹ bởi dân chúng đang căm ghét đến độ có thể xẻ thịt ông Diệm đồng thời một số nhà sư khét tiếng chống Cộng cùng một số bộ hạ của họ trong các trường đại học nắm chặt xu hướng này, không để có kẽ hở cho Cộng Sản lợi dụng.
Uy tín Hoa Kỳ sẽ lên cao (Newsweek)
Hạ bệ ông Diệm lúc này là nâng cao uy tín của Tổng thống Kennedy và Hoa Kỳ - những người cứu rỗi Nam Việt thoát ách cai trị gớm ghiếc của một chế độ trở thành thù địch của nhân dân, nhưng liệu rằng hạ bệ ông Diệm, công cuộc chống Cộng đạt hiệu quả cao hơn không? Còn có ý kiến phân vân và có lẽ người phân vân hơn cả là Tổng thống Kennedy.
Báo cáo mật: Người nhận: Cố vấn Ngô Đình Nhu.
Tổng thống Kennedy vừa họp với ngoại trưởng Dean Rusk và hai thượng nghị sĩ Church và Fulbright. Sức ép của Bộ Ngoại giao và Thượng viện mạnh đòi Kennedy lật đổ Tổng thống ta. Thái độ của đại sứ Bửu Hội rất bất lợi cho chính phủ ta. Trong số nhân vât Mỹ thù địch Việt Nam Cộng hòa, đáng kể hơn hết là Roger Hilsman, Averell Harriman, Paul M. Kattenburg. Người sau chót nay là giám đốc Việt Nam vụ tại Bộ ngoại giao, trước đây là sĩ quan tình báo OSS, đã từng dính líu vào bọn phiến loạn chống ta năm 1955. Ký: Hà Như Chi.
Đài tiếng nói Hoa Kỳ (Buổi tiếng Việt): Nhờ bạn mua dùm một chai Whisky tại P.X.
Điện mật. Nơi nhận: các tỉnh trưởng. Đài tiếng nói Hoa Kỳ vừa phổ biến ám hiệu cho bọn phản loạn hành động phá rối an ninh quốc gia. Lệnh các tỉnh trưởng: a) Theo dõi chặt chẽ tình hình các thế lực từ trước có dấu hiệu bất mãn, đặc biệt các nhà sư. b) Theo dõi động tĩnh các đơn vị quân đội, kể cả quân vùng chiến thuật và tổng trừ bị trú đóng tai địa phương, nhất là sự đi lại của các tướng, trong đó, hễ tướng Nguyễn Hữu Có đến đâu thì phải giám sát và báo cáo ngay. c) Huy động các hiệp hội, thân hào gửi điện công khai ủng hộ Tổng thống, kết án chính phủ Hoa Kỳ xúi giục đảo chính và cảnh cáo các thế lực tay sai ngoại bang. d) Theo dõi các hoạt động của Việt Cộng về quân sự, chính trị. Điện này chỉ tỉnh trưởng nhận và thi hành. Ký: Ngô Đình Nhu.
Những triệu chứng (Helen Fanfani - Financial Affairs). Tôi học bậc tiểu học ở Sài Gòn. Bài giảng nhập môn về triệu chứng các bệnh, tôi nhớ đoạn tóm tắt bênh thương hàn như sau: đau đầu, nhức mỏi, rối loạn đường tiêu hóa... Chế độ Sài Gòn đang có các triệu chứng của một bệnh có lẽ nguy hiểm hơn thương hàn. Điều đặc biệt là con bệnh cố gắng để cho tất cả loại vi trùng thêm sức mạnh phá hủy cơ thể đồng thời thày thuốc thi nhau cho các loại và liều lượng thuốc trái ngược nhau, hình như không vì con bênh, hoắc có vì con bênh, nhưng không nhằm cứu chữa.
Ngày 26 tháng 10, tôi có mặt trong buổi Tổng thống Ngô Đình Diệm tiếp các đoàn thể dân chúng Việt Nam. Tôi đã dự nhiều lần tiếp khách nhân lễ Quốc khánh này. Không khí năm nay buồn tẻ và ông Diệm không còn thói quen thịnh nộ khi một cái gì trái ý ông xảy ra. Một bộ trưởng cài nút áo cẩu thả, nếu trước kia, sẽ là cái cớ để ông lên lớp: ông thậm chí không chú ý đến lễ phục của chính ông. Trước giờ tiếp khách độ 5 phút, tôi gặp ông lững thững ngoài vườn, trong bộ quần áo màu xám nhạt, tay chống gậy, đội mũ len, giống như ông đi thăm dinh điền, săm soi mấy hòn non bộ nhỏ vừa đắp xong.
Một loạt tướng lĩnh chào ông. Ông hững hờ bắt tay họ và hoàn toàn lơ đễnh khi tướng Tôn Thất Đính đi giật lùi ra cửa - cử chỉ mà ông rất ưa thích trước kia.
Sau khi nghe các lời chúc tụng - rõ ràng, ông không nghe - ông nói, giọng cực kỳ ai oán:
- Chế độ này tuy còn nhiều khuyết điểm song còn hơn nhiều chế độ khác. Người ta chê nó là độc tài, nhưng tôi ngại sẽ còn những thứ độc tài khủng khiếp hơn. Với các vị đại biểu cho hội đoàn, tôi nói rõ: Tôi tiến thì theo tôi, tôi lùi thì bắn tôi, tôi chết thì trả thù cho tôi...
Tổng thống Diệm nói bấy nhiêu - một vài bà sụt sịt khóc. Ông nhắc câu nói của một người Âu xưa, nhưng hình như ông nhập thân vào nó.
Buổi tiếp khách quốc nội diễn ra độ nửa giờ. Tôi xuống thềm khi gặp ông Nhu. Ông chào tôi. Tôi kinh ngạc: ông gầy xọp, nét mặt chảy xệ và đen xạm, trông già hẳn. Bỗng nhiên, tất cả gợi cho tôi nhớ bức ảnh to đăng trong số Paris Match tháng 7 năm 1958: Vua Faycal của xứ Irak bị lực lượng đảo chính giết trong cảnh vàng son...
Nhà ngoại giao yêu cầu giấu tên bảo tôi: một số tướng lĩnh Nam Việt muốn lật đổ ông Diệm nhưng Bộ ngoại giao Hoa Kỳ trả lời lững lờ: "Hoa Kỳ không xúi giục đảo chính, sẽ không ngăn cản sự thay đổi chính phủ, và sẽ không từ chối viện trợ kinh tế và quân sự cho chế độ mới nếu nó tỏ ra có khả năng tăng cường hiệu quả nỗ lực quân sự, đảm bảo được dân chúng hậu thuẫn để chiến thắng Cộng Sản" Thật ra, câu trả lời chẳng phải lững lờ chút nào. Nó cho thấy Mỹ nghiêng hẳn về giải pháp thanh toán chế độ ông Diệm sau gần mười năm do dự mãi.
Tổng thống Mỹ dè dặt- ông ngại hậu quả việc thay Diệm không sáng sủa. Chính Tổng thống Mỹ đích thân yêu cầu tờ NewYork Time gọi Haberstam phóng viên thường trú ở Sài Gòn về Mỹ vì ông này nói nhiều đến sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam - điều Kennedy rất muốn tránh từ sau vụ "Vịnh Con Heo" ở Cuba thất bại. Tuy nhiên, chắc chắn Tổng thống Mỹ đang bị thuyết phúc.
Ông Diệm hiểu hơn ai hết điều đó. Và, tự ông, đã là một triệu chứng của biến cố mà mọi người, có thể đếm được theo vòng quay của kim đồng hồ...
Điện mật: Gửi ngoại trưởng Dean Rush. Mọi cái xấu có thể xảy ra, nhưng sẽ không thể xấu hơn tình hình mà chúng ta đang chứng kiến. Ký: Cabot Lodge.
*
* *
Luân đang ăn sáng. Anh sắp cùng Nhu tiếp phái đoàn điều tra Liên hiệp quốc thì hai người khác không hẹn cùng đến: thiếu tướng Lâm và trung tá Nguyễn Thành Động.
- Các anh ăn sáng chưa? - Luân hỏi. Và anh biết liền, họ chưa ăn.
Dung và chị Sáu, mấy phút sau, đã bày phần ăn gồm trứng, thịt nguội cho hai người. Động ăn ngấu nghiến. Anh rời Bến Tre từ bốn giớ sáng.
- Đài Hoa Kỳ "bật đèn xanh" rồi! - Động nói, khi ba người uống cà phê ở phòng khách.
- Anh có cách gì bàn với Nhu giao tôi chỉ huy Liên binh phòng vệ không? - Thiếu tướng Lâm đặt thẳng vấn đề.
Luân lắc đầu:
- Làm sao việc đó xảy ra được! Nhu tin Lê Quang Tung và rất nghi anh.
- Thật là chó đẻ! Lúc này mà chỉ có hai tay không... - Lâm bực dọc.
- Tôi khống chế Bến Tre không khó. Song, chỉ là một tỉnh.. Tôi không thích vấy máu ăn phần mà muốn làm cái gì vang dội hơi. Thằng Phụng cũng chỉ được mấy tiểu đoàn ở Kiến Tường. Tôi gợi ý thằng Lê Khánh Nghĩa, nó chết nhát, bảo: đợi cái đã... - Động sôi sục.
- Đại tá biết thằng thiếu úy tên Tường không? - Lâm hỏi.
- Biết...
- Thằng đó là cái chó gì mà nó xộc vô nhà tôi, bảo tôi hợp tác và hợp tác để khử Ngô Đình Nhu... Tôi mà thèm khử Ngô Đình Nhu... Tôi muốn tóm cổ nó giao cho An ninh, song nghĩ chẳng dại giúp thêm cho bọn bồi bếp...
- Thiếu tướng quan hệ với Tôn Thất Đính ra sao? - Luân hỏi.
- Không quan hệ - Lâm lắc đầu quầy quậy... - Không chơi với bọn điếm...
Luân nhìn hai người một lúc.
- Theo tôi, điều cần đối với mọi người có ý muốn tốt vào lúc này là nên nghĩ xem nếu một sự kiện lớn xảy ra xong rồi, có thể làm gì và làm với cái gì... Lúc bấy giờ, chính những người có ý muốn tốt mới thật sự làm chủ công việc. Hiện nay, không phải lúc.
Động không đồng ý ra mặt: "Bây giờ chầu rìa sẽ chầu rìa suốt đời!"
Thiếu tướng Lâm, trái lại, gật đầu: "Tôi phục đại tá! Đúng, tình thế rối như canh hẹ.. Đôi khi, vài đơn vị cũng có thể nổi đình nổi đám. Hạ Diệm hết còn là chuyện bí mật - ngoài quán hủ tiếp, nguòi ta cũng bàn. Nhưng, sau Diệm? Đúng..."
Thái độ của thiếu tướng Lâm giúp Nguyễn Thành Động bớt bộp chộp - "Có lẽ phải như vậy... Tôi sẽ gặp Trương Tấn Phụng, Lê Khánh Nghĩa..."
- Gặp Phụng thì được, còn Nghĩa có lẽ không nên. Như trung tá nói, Nghĩa nhát... nguy hiểm.. - Luân lựa lời.
- Nó nhát, nhưng tụi này bạn thân với nhau.
Hai người khách vừa ra khỏi nhà thì điện thoại reo. Thiếu úy Tường gọi Luân.
- Xin nhắc "phương án Y".. - Giọng Tường trịnh thượng.
- Mọi phương án đều do tôi định - Luân xẵng giọng. Các thứ mà anh và thầy của anh rêu rao chỉ là bọt xà phòng... Anh cần "Phương án Y" lắm phải không, hành động duy nhất chứng tỏ các anh có mặt. Nếu anh có thể thực hiện được thì anh tự làm lấy...
- Tôi nhắc C.7... - Tường lắp bắp.
- Không có C.7! Tôi khôgn thích lối cắn lén hèn nhát.
- Ông sẽ ân hận!
- Anh có muốn ân hận ngay bây giờ không? - Luân gác máy.
*
* *
Bản tường trình những hoạt động của phái đoàn điều tra Liên hợp quốc, theo thứ tự thời gian (trích)
- Do văn thư ngày 4-9-1963, đệ lên ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc những đại diện thường trực của 14 nước: A Phú Hãn, Angieri, Cambot, Tích Lan, Ghine, Ấn độ, Indonesia, Mông Cổ, Nigieria Hồi Quốc, Ruanda (Rwanda), Xiẻa Léon (Sierraleone), Xômali, Trinite (Trinite) và Tôbago (Tobago), về sau có thêm hai nước Mali và Nêpan (Népal) đã xin ghi vào chương trình nghị sự khóa 18 cua Đại hội đồng Liên hiệp quốc một vấn đề mới mệnh danh là "sự vi phạm nhân quyền tại miền Nam Việt Nam". Văn thư này được phát cho tất cả hội viên của Liên hiệp quốc, ngày 9-9-1963. Ngày 13-9-63 một bản giải thích sự việc trên cũng được trao cho tất cả hội viên của tổ chức này.
- Trong phiên họp thứ 1232 ngày 7-10-1963, Đại hội đồng đã xét đến điểm 77 của nghị trình. Sau khi đại diện nước Tích Lan trình bày khái quát vấn đề, ông Chủ tịch Đại hội đồng tuyên bố có nhận được hai văn thư của ông trưởng phái đoàn đặc ủy của Việt Nam Cộng hòa tại Liên hiệp quốc và đọc hai văn thứ ấy? Một trong hai văn thư, đề ngày 4-10-63, có lời mới như sau:
" Tôi được lệnh của chính phủ tôi trao một bức thư mời, qua sự trung gian của ngài và của ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc; một số đại diện các nước hội viên đến viếng Việt Nam trong một ngày gần đây để nhận xét tường tận thực trạng sự giao thiệp giữa chính phủ và tập đoàn Phật giáo Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam Cộng hòa trân trọng cảm tạ ngài nếu được ngài vui lòng giúp đỡ cho sự thành lập phái đoàn quan sát ấy".
Sau đó, đại diện Côxta Rica (Costa Rica) đề nghị Đại hội đồng nên nhận lời mời nói trên đến tại chỗ quan sát một cách đứng đắn và tỉ mỉ tất cả các dữ kiện sẵn có: ông chủ tịch yêu cầu Đại hội đồng chấp nhận lời đề nghị ấy, với những lời lẽ như sau:
"Tôi yêu cầu Đại hội đồng cho biết có ai phản đối gì về ý kiến của Costa Rica đề nghị, trước khi thảo luận nên chấp nhận lời mời của chính phủ Cộng hòa Việt Nam cử một phái đoàn gồm một số đại diện của các nước hội viên đến Việt Nam để điều tra sự việc và phúc trình cho đại hội đồng để đại hội đồng bằng vào phúc trình ấy mà xét xử."
Sau lời tuyên bố của ông Chủ tịch, đại diện Liên Xô đề nghị Đại hội đồng nên yêu cầu hai đồng chủ tịch của Hội nghị Geneve năm 1954 nhờ Ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến, mở một cuộc điều tra và phúc trình cho hai đồng chủ tịch, để hai vị này phúc trình lại cho Đại hội đồng trước khi khóa họp thứ 18 của Liên hiệp quốc bế mạc. Đại biểu Anh quốc đưa ra những nghi ngờ về quyền năng của hai đồng chủ tịch, cũng như của Ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến về vấn đề này. Sau hai phát biểu ý kiến trên, đại diện xứ Costa Rica tuyên bố sẽ đệ trình một dự án giải quyết vấn đề này, và yêu cầu ngưng phiên họp. Đề nghị này được 80 phiếu tán thành, không một phiếu nào phản đôi, 5 phiếu trắng.
- Trong phiên họp khoáng đại thứ 1239 của Đại hội đồng, ngày 11-10-63, ông chủ tịch đã tuyên bố như sau:
"Trong phiên họp khoáng đại thứ 1234, tôi đã được đại hội cho phép chấp nhận bức thư đề ngày 4-10-63 trong ấy ông trưởng phái đoàn đặc ủy của Việt Nam Cộng hòa nhân danh chính phủ ông, mời quý vị đại diện một số nước hội viên sang Việt Nam trong một ngày gần đây. Vì thế, tôi đã cử một phái đoàn gồm quý vị đại diện các nước hội viên: A Phú Hãn, B Tây (Braxin), Tích Lan, Cost Rica, Đahomay (Dahomey), Marốc và Nê pan
Ông Prazwak, đại sứ A Phú Hãn là trưởng phái đoàn. Nhiệm vụ của phái đoàn, như đã định rõ trong văn thư ngày 4-10- 63, là đến Việt Nam Cộng hòa để nhận xét tại chỗ tình hình của sự liên lạc giữa chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và Phật giáo đồ của nước ấy.
Phái đoàn phải lên đường càng sớm cáng hay để bản phúc trình được đệ lên đại hội đồng trong khóa này".
- Sau khi phái đoàn điều tra của Liên Hợp Quốc tại Miền Nam Việt Nam được ông Chủ tịch đại hội đồng thành lập như trên, ông Tổng thư ký Liên hợp quốc đã bổ xung vào phái đoàn những nhân viên của văn phòng sau đây: Chánh thư ký: ông John P.Humphey. Nhân viên báo chí: ông Valieri J.G Stavridi. Phụ tá chánh thư ký: ông Ilban Lutem. Phụ tá chánh thư ký: ông Alain L.Dangeard (nhân viên hành chính và tài chính).
Văn phòng Ủy hội kinh tế tại châu Á và Viễn Đông ở Vọng Các có cung cấp cho phái đoàn một phụ tá, thông dịch viên Việt ngữ, ông The Pha Thay Vilaihongs và một thông dịch viên Anh ngữ và Pháp ngữ, cô G.Bazinet.
Khi đến Sài Gòn, ngày 24-10-63, lúc 0 giờ 30, phái đoàn đã được ông Phạm Đăng Lâm, Tổng thư ký Bộ ngoại giao và các nhân viên khác trong Bộ tiếp đón. Trước sự hiện diện của phóng viên báo chí trong nước và ngoài nước, ông trưởng phái đoán đã lặp lại đại khái nội dung lời tuyên bố mà ông đã nói trước khi khởi hành. Ông nhắc lại sứ mệnh và dự định của phái đoàn là điều tra tại chỗ, nghe nhân chứng, và thu thập những lời khiếu nại. Sau khi lặp lại lời kêu gọi với các thành phần liên hệ đừng biểu tình, và nói thêm: "Chúng tôi đến đây với ý chí muốn biết rõ sự thật và tường trình các sự việc".
- Các nhân viên của phái đoàn đến khách sạn Majestic lúc hai giờ sáng. Ông trưởng phái đoàn liền triệu tập ngay một phiên họp của phái đoàn để nghiên cứu dự án chương trình mà chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã đề nghị. Theo dự án này thì phái đoàn ở Sài Gòn ba ngày đầu, rồi đi Vũng Tàu để thăm viếng một ngôi chùa, lên Đà Lạt thăm viếng nhiều ngôi chùa khác, các trường học và các thắng cảnh. Trong chương trình cũng có dự trù thăm viếng chùa chiền và thắng cảnh ở Huế, Phan Rang, Phan Thiết, Ba Xuyên và Vĩnh Bình; ngày cuối cùng sẽ dành cho sự thăm viếng một ấp chiến lược. Vì thời giờ đã quá khuya, ông trưởng phái đoàn đề nghị nên xem xét chương trình dự trù cho ngày đầu là ngày 24-18-63 mà thôi. Phái đoàn chấp nhận chương trình của ngày đầu là: viếng thăm xã giao ông Bộ trưởng Ngoại giao và ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ, yết kiến ông Tổng thống Việt Nam Cộng hòa và dự buổi tiệc do ông Bộ trưởng Bộ nội vụ khoản đãi.
- Về các phần sau trong chương trình, phái đoàn ngỏ ý cần có thì giờ xem xét sau. Phái đoàn cũng quyết định tin cho chính phủ biết phái đoàn không nhận đề nghị của chính phủ là đài thọ tất cả chi phí tại chỗ của phái đoàn. Nhưng vị đại diện của chính phủ bảo rằng, vì lý do an ninh, chính phủ phải đảm nhiệm sự di chuyển của phái đoàn ở trong xứ; phái đoàn đã chấp nhân đề nghị ấy. Nhận thấy khi vừa đến nơi, những chiếc xe hơi chở nhân viên phái đoàn đều cắm quốc kỳ mỗi nước của nhân viên phái đoàn và quốc kỳ Việt Nam, ông trưởng phái đoàn yêu cầu tất cả các xe hơi đều chỉ cắm cờ Liên Hợp quốc, bởi vì mỗi nhân viên của phái đoàn không đại diện cho nước họ mà cho Liên hợp quốc. Chính phủ Việt Nam đồng ý là công xa của ông trưởng phái đoàn thì cắm cờ Liên hợp quốc và cờ Việt Nam, còn các xe khác thì không cắm cờ gì hết.
- Trong phiên họp sau, ngày 24-10, phái đoàn nghiên cứu chương trình của chính phủ cho những ngày 25 và 26 tháng 10. Dự án của chương trình ngày thứ hai dự trù một cuộc yết kiến ông Tổng thống, một cuộc hội kiến với ông Ngô Đình Nhu, cố vấn chính trị của Tổng thống và sự viếng thăm ba chùa ở Sài Gòn để họi đàm với những hội viên của các hội Phật giáp. Phái đoàn quyết định chấp thuận chương trình ngày 25-10, nhưng ngỏ ý muốn chính phủ dời vào ngày cuối của phái đoàn tại Việt Nam, buổi tiếp tân mà Bộ trưởng Bộ ngoại giao định tổ chức vào rối ngày 25-10. Phái đoàn cũng được chính phủ mời đến dự chính thức cuộc duyệt binh trong ngày Quốc khánh 26 tháng 10. Phái đoàn quyết định nhận lời mời, vì nghĩ rằng, khi Đại hội đồng Liên hợp quốc chấp nhận thư mời của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, cũng đã tiên đoán các trường hợp như thế rồi. Nhưng trước khi nhận lời, phái đoàn đã được chính phủ cam đoan là sẽ không đề cập một điều gì về phái đoàn trong các bài diễn văn đọc hôm ấy.
- Phái đoàn cũng quyết định báo tin cho chính phủ Việt Nam biết phái đoàn mong muốn hạn chế đến mức tối thiểu các lễ lạt, tiệc tùng và các cuộc du ngoạn. Mặt khác, phái đoàn sẽ ngỏ ý cho các nhân viên chính phủ mà phái đoàn sẽ tiếp xúc trong hai ngày đầu biết rằng phái đoàn muốn tự sắp đặt lấy cuộc điều tra và chương trình hoạt động của mình.
- Trong buổi hội kiến đầu tiên với phái đoàn, ngày 24-10, ông Bộ trưởng Bộ ngoại giao, trong khi nhắc lại lời mời của chính phủ Việt Nam, có đoạn nhắc với phái đoàn rằng phái đoàn sẽ được hoàn toàn tự do di động và ông hứa sẽ làm những gì ông có thể làm được để giúp đỡ phái đoàn trong nhiệm vụ thu thập sự việc một cách khách quan và vô tư. Ông nói thêm: "Chúng tôi không hoàn toàn; sự hoàn toàn không có trong thế giới này, Chính phủ không hoàn toàn, các Bộ trưởng không phải là các vị thánh, nhưng chúng tôi sẽ rất hân hạnh nghe những ý kiến của các ngài và cố gắng sửa chữa những khuyết điểm của chúng tôi". Ông trưởng phái đoàn ghi nhận những lời cam kết ấy và sau khu nhắc lại nhiệm vụ của phái đoàn, có cho ông Bộ trưởng hay rằng chương trình làm việc của phái đoàn sẽ được trực tiếp giao cho ông hay gián tiếp thông qua trung gian của ông Tổng thư ký Bộ ngoại giao, người đã được cử làm đại diện của chính phủ bên cạnh phái đoàn. Trong một cuộc thăm viếng xã giao của phái đoàn cũng trong ngày ấy tại Bộ nội vụ, ông Bộ trưởng cũng nói lại những cam kết và sự hợp tác của chính phủ, tương tự nhu những lời của ông Bộ trưởng Ngoại giao.
- Sau khi thi hành xong chương trình của ngày đầu, trong ấy có cuộc yết kiến Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, sáng thứ hai 25-10 trong khi hội đàm với ông Ngô Đình Nhu, cố vấn chính trị Tổng thống phủ, phái đoàn có đề cập một lần nữa về những họat động của phái đoàn. Theo lời yêu cầu của phái đoàn, ông Nhu hứa sẽ gửi tất cả những tài liệu mà chính phủ có được trong vụ Phật giáo cho phái đoàn. Ông cũng hứa để cho phái đoàn đến thăm các trại giam trong ấy có những nhà sư bị bắt trong những vụ lộn xộn mấy tháng trước, và các trại thanh niên trong ấy một số thanh niên được gửi đến để "thảo luận với chính quyền".
- Chương trình ngày 25-10 gồm có cuộc đi thăm các chùa Xá Lợi, Ấn Quang và Giác Lâm. Đến phút cuối cùng, cuộc viếng thăm chùa Ấn Quang bị bãi bỏ; khi phái đoàn đòi hỏi một sự giải thích về sự thay đổi chương trình ấy, thì người ta bảo rằng các vị tăng ni ở chùa ấy, nhất là bà Diệu Huệ, cũng như ngài Hội chủ Thích Tịnh Khiết bị mệt trong buổi chiều ấy vì tuổi già. Sự đi thăm chùa Ấn Quang, dự trù vào buổi chiều, đã bị hoãn lại bởi chính phủ, như thế là chính phủ đã thay đổi chương trình mà không hỏi ý kiến của phái đoàn. Sau đó, phái đoàn được biết rằng sư bà Diệu Huệ và ngài Hội chủ Thích Tịnh Khiết, thật ra chiều hôm ấy, có đợi tiếp phái đoàn tại chùa Ấn Quang. Về sau, phái đoàn được chính quyền cam kết rằng phái đoàn có thể đến thăm chùa Ấn Quang bất luận lúc nào, nhưng tốt hơn là về buổi sáng, và hai nhân vật nói trên sẽ có ở đấy.
- Căn cứ vào sự hợp tác của chính phủ mà ông Nhu, cố vấn chính trị và ông Bộ trưởng ngoại giao đã cam kết trong những cuộc hội kiến, phái đoàn đã trao cho ông Tổng thư ký Bộ ngoại giao ngày 26-10, một bản tổng lược ghi những điểm chính trong chương trình hoạt động của phái đoàn. Trong bản ấy, phái đoàn ngỏ ý muốn hủy chương trình dự trù cho những ngày từ 27 đến 29 tháng 10, mà chính phủ đã đề nghị, và phái đoàn mong muốn để dành ba ngày ấy để đi thăm các trại thanh niên, các tăng ni bị giữ trong các nhà giam và chùa Ấn Quang. Phái đoàn cũng mong được đi Huế ngày 30 tháng 10, như chính phủ đã dự trù trong chương trình, để gặp ông đại biểu chính phủ và nhân dịp ấy, triệu tập một buổi họp có tính cách thông tin để am tường tình hình của đô thị ấy, thăm chùa Từ Đàm, các chùa khác và hội đàm với một số nhân vật mà phái đoàn sẽ trao danh tánh cho chính phủ biết rõ. Phái đoàn cũng quyết định hủy bỏ tất cả những cuộc tiếp tân và thăm viếng thắng cảnh tại Huế. Những ngày cuối tuần dành để nghe nhân chứng ở Sài Gòn. Phái đoàn ngỏ ý hy vọng sẽ rời Việt Nam chậm lắm là vào ngày thứ hai 4 tháng 11.
- Chương trình phác họa trong bản tổng lược ấy đã được chính phủ thỏa thuận, nhưng chính phủ đề nghị phái đoàn nên đến thăm vùng Vĩnh Bình là nơi có nhiều Phật giáp đồ gốc Khmer, vì chính phủ cũng bận tâm đến lời khiếu nạu, tại Liên hợp quốc và các nơi khác, cho rằng có sự tàn sát dân thiểu số ở vùng ấy. Phái đoàn quyết định trong hiện tại chưa xét đến đề nghị ấy.
- Buổi chiều 26-10, phái đoàn đã thảo một bản công bố mời những ai muốn làm nhân chứng hãy đến gặp phái đoàn hay gởi đến chp phái đoàn một bản khiếu nại. Như đã dự định trước, bản công bố ấy sẽ gửi cho báo chí trong nước và ngoại quốc, và đồng gửi đến cho ông Bộ truỏng Ngoại giao với một bức thư đính theo báo tin cho biết là bản công bố ấy đã được phổ biến. Phái đoàn hành động như thế trong phạm vi của nhiệm vụ mình và yêu cầu sự giúp đỡ của chính quyền để bản công bố kia được phổ biến rộng rãi.
- Bản công bố của phái đoàn, gửi đi ngày 26-10 đã được phổ biến bằng Anh ngữ và Pháp ngữ trong bản tin tức của Việt tấn xã. Những nhật báo Anh ngữ và Pháp ngữ trong nước đã đăng tải đúng nguyên văn trong ngày hôm sau. Theo sự thăm dò trong làng báo Việt ngữ, phái đoàn cũng nhận thấy bản công bố ấy đã được dịch đăng trong một số nhật báo Việt ngữ.
Nhưng vì theo các báo ngoại quốc, thì báo chí Việt Nam không đăng tải trọn vẹn bản công bố nói trên, nên phái đoàn quyết định sẽ xem xét kỹ lưỡng các báo xuất bản tại đây. Chính phủ hứa sẽ giúp đỡ phái đoàn. Tuy thế, phái đoàn ước lượng rằng những phương tiện thông tin địa phương đến một mức độ vừa phải, trong sự phổ biến kêu gọi các nhân chứng và những người khiếu nại nói trên.
- Ngày 31-10, ông trưởng phái đoàn đến gặp Bộ trưởng Ngoại giao để thảo luận về vấn đề có thể thẩm vấn nhà sự Thích Trí Quang, hiện xin tỵ nạn tại sứ quán Hoa Kỳ hay không.
Ông Bộ trưởng tuyên bố "theo quốc tế công pháp, một cá nhân được hưởng sự tỵ nạn không có quyền hoạt động gì hết và cũng không được tiếp xúc với người nào, nếu không có sự ưng thuận của chính phủ xứ ấy. Ông còn nói thêm: Trong trường hợp như thế chính phủ phản đối mọi sự tiếp xúc của nhà sư Thích Trí Quang với phái đoàn hay với một người nào khác; chính phủ chỉ có thể chấp nhận một sự gặp gỡ như thế nếu nhà sư này được trao trả cho chính quyền".
Ông Bộ trưởng có phát biểu ý kiến là phái đoàn đã tiếp xúc với các giáo phái Đại thừa tại Việt Nam, thì ít nhất, cũng nên đi viếng thăm một giáo phái của Tiểu thức. Cuộc viếng thăm này có thể trù liệu vào ngày thứ bảy. Ông Trưởng phái đoàn trả lời ông sẽ hỏi ý kiến của phái đoàn về vấn đề này; phần ông, ông không thấy có gì trở ngại.
- Ngày 30-10, báo chí quốc tế có đăng tải một điện tín cho biết rằng một nhân viên của phái đoàn đã đến thăm ông đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Đây là cuộc viếng thăm có tính cách riêng tư và thân hữu, nhưng để đánh tan mọi sự hiểu lầm, phái đoàn nghĩ rằng ông trưởng phái đoàn nên đề cập đến cái điện tín ấy trong buổi hội đàm với ông Bộ Trưởng Ngoại giao. Vì thế ông trưởng phái đoàn cam đoan với ông bộ trưởng rằng buổi viếng thăm trên không liên quan gì đến phái đoàn và có tính cách hoàn toàn riêng tư.
- Ngày 29-10, phái đoàn được ông Bộ trưởng nội vụ cho biết có 10 nhà sư định tự thiêu trong dịp phái đoàn sang thăm Việt Nam. Một trong những vị sư ấy đã thi hành dự định trên ngày 27-10. Chính phủ đã bắt được năm vị trước khi họ chưa kịp hành động. Phái đoàn yêu cầu được gặp năm nhà sư ấy, nhưng chỉ gặp được một người vào chiều 30-10. Cũng trong buổi chiều ngày ấy, phái đoàn đến thăm Bệnh viện Đô Thành, ở đây có những nạn nhân của những vụ xung đột từ trước đang được điều trị. Phái đoàn có nghe một nhân chứng tự nguyện đến cung khai tại khách sạn Majestic, trụ sở của phái đoàn.
*
* *
Bản tường trình tất nhiên không thể đi sâu vào một số chi tiết chỉ liên quan đến vài thành viên của phái đoàn và bản thân giờ giấc cũng không đúng như văn bản.
Nửa giờ sau khi ngày hai mươi bốn tháng mười bắt đầu, phái đoàn đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Họ được đại biểu chính phủ đón tiếp nồng nhiệt và, vào giờ đó, thành phố đang giới nghiêm, không một dân thường có mặt. Những chiếc xe hơi sang trọng đưa tất cả phái đoàn về khách sạn Majestic, cạnh bờ sông. Phòng tiện nghi cao nhất dành cho từng người. Sau bữa ăn nhẹ, có chút rượu, phái đoàn đi nghỉ. Bấy giờ đã gần ba giờ sáng, trưởng đoàn yêu cầu các thành viên mười một giờ sáng sẽ dùng bữa và họp nội bộ để mười lăm giờ chính thức gặp mặt bộ trưởng Bộ ngoại giao bàn về chương trình hoạt động của phái đoàn.
Khách sạn Majestic được đặt dưới sự bảo vệ của cảnh sát dã chiến và gần như bị cô lập.
Tám giờ sáng, đại sứ X. trong phái đoàn đang ngủ say thì cửa phòng hé mở. Ông tỉnh giấc, vươn người một cách thỏai mái - năm giờ ngủ liền đã giúp ông sảng khóai.
Một nữ nhân viên rón rén bày khay cả phê ngay trên chiếc bàn con cạnh giường. Đại sứ X. qua ánh sáng hắt từ ngoài vào, nhìn trọn bộ ngựccuar cô nhân viên. Ông trỗi dậy, vào phòng vệ sinh. Khi ông rửa mặt, tấm kính to in càng nổi hơn cô nhân viên - cô mặc minijupe, như dềnh dàng xếp chăn gối trên giường ông.
Đại sứ X. không kịp cạo râu, ông trở ra, ngồi cạnh khay cà phê.
- Xin mời ngài.. - Cô gái nói tiếng Anh - Có quá sớm và phiền ngài không?
- Không! Cám ơn...
- Ngài dùng sữa hay đường? - Cô gái, bấy giờ chỉ cách đại sứ X. có vài tấc, cúi người mở hộp đường, dù đại sứ chưa trả lời. Nhưng cô nghe rõ từ cổ hộng đại sứ tiếng ấm ứ.
Đại sứ X. giả như ngăn cô gái, ông cầm tay cô. Cô gái để yên. Nhưng, khi đại sứ kéo mạnh cô vào ông thì cô vùng ra, lùi xa mấy bước. Chiếc áo bật nút, một bên vai cô phơi trần cùng phần trên bộ ngực đồ sộ.
- Xin lỗi! - Đại sứ lắp bắp...
Nhưng cô gái nhoẻn cười và trở lại khay cà phê. Cô đã nhìn rõ đôi mắt đờ đẫn và cả gân trên thái dương đại sứ giật. Lần này, đại sứ đứng hẳn dậy. Cô gái lọt vào vòng tay màu nâu của ông. Một cuộc giằng co kéo dài chừng ba bốn phút, cứ mỗi lần thoát ra khỏi tay đại sứ, thân thể cô gái mất đi một chút che đậy. Và sau cùng...
Không chỉ riêng ở phòng đại sứ X. Phòng đại sứ Y, Z... quang cảnh đại khái như vậy.
Mười giờ ba mươi, phái đoàn ngồi vào bàn ăn. Câu chuyện rời rạc. Mười ba giờ, cuộc họp nội bộ chóng vánh.
Đêm hai mươi bốn rạng hai mươi lăm màn hấp dẫn không diễn trong vài tiếng đồng hồ mà bắt đầu từ giữa đêm đến tận sáng.
Theo chương trình, phái đoàn sắp gặp cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu. Sau bữa ăn, họ nghỉ vài tiếng đồng hồ. Và khi thức dậy, các đại sứ X, Y, Z đều thấy trên bàn một phong bì, các bức ảnh khổ carte postale rơi ra, ảnh màu với những ghi nhận điển hình nhất...
Hội kiến với ông Ngô Đình Nhu, cố vấn chính trị Tổng thống phủ (Biên bản tốc ký của phái đoàn Liên hợp quốc).
Ông cố vấn chính trị: - Vấn đề chính yếu đặt ra đúng là một vấn đề chậm tiến chung cho nhiều xứ. Vấn đề Phật giáo chỉ là một khía cạnh của vấn đề chính. Những phong trào chính trị, xã hội và tôn giáo tiến triển khá mạnh từ khi xứ sở vừa mới thu hồi độc lập. Nhưng cán bộ lại thiếu trong các phong trào ấy cũng như trong guồng máy chính phủ. Chính phủ bắt buộc phải nhờ đến chuyên viên ngoại cuộc trong mọi lĩnh vực (hành chính, giáo dục, v.v...) nhưng họ đều có chủ thuyết riêng và sự hiện diện của họ trong cơ quan mang đến điều lợi và bất lợi, đó là động lực phát sinh sự tranh chấp. Phong trào Phật giáo cũng ở trong tình trạng ấy. Phong trào Phật giáo phát triển mạnh nhưng cán bộ không đủ, do đó có nhiều sự sai lệch không tránh khỏi. Tôi nghĩ rằng đường lối chính phủ Việt Nam cũng có những lệch lạc. Vấn đề tự do không phải là vấn đề độc nhất mà dân tộc Việt Nam phải giải quyết, vấn đề chính yếu là vấn đề công bằng. Phải động viên các từng lớp dân chúng vào việc kỹ nghệ hóa. Khi nào những đặc quyền chính trị, kinh tế và xã hội chưa lọai trừ được thì chưa có thể động viên được dân chúng. Người ta không thể tách rời vấn đề quân sự và kinh tế khỏi vấn đề xã hội. Trong khối thứ ba, đâu đâu cũng thế, xứ nào cũng có vấn đề, đối với bạn cũng như thù. Nếu quý ông có những câu hỏi cần phải nêu ra, tôi sẽ sung sướng trả lời, trong phạm vi có thể.
Ông trưởng phái đoàn: Ông nói rằng vấn đề Phật giáo là vấn đề chậm tiến. Ông quan niệm như thế nào? Như thế phần nào có nghĩa là Phật giáo phát triển không bằng các cộng đồng khác?
Ông cố vấn chính trị: Vấn đề Phật giáo bắt nguồn trong những ngày tàn của thời kỳ thực dân và có lẽ xa hơn nữa, trước đệ nhị thế chiến không lâu. Không riêng về Phật giáo, những tổ chức chính trị và tôn giáo khác, nhất là Khổng giáo, cũng đều có những vấn đề như thế. Lúc bấy giờ có sự trỗi dậy của tất cả dân tộc châu Á, nguyên nhân vì đường lối chính trị của Nhật Bản. Đường lối của Hitler và chủ nghĩa phát xít đã gây ra sự khủng hoảng tâm lý ở châu Á và đặc biệt là ở Việt Nam. Hầu hết các đảng phái chính trị ở Việt Nam muốn cố gắng bí mật phát triển đều ít nhiều bị chủ nghĩa phát xít chi phối. Vào thời kỳ ấy cũng có sự phục hưng trên bình diện tôn giáo. Đây là một hiện tượng để xác nhận phẩm giá của Việt Nam về địa vị của mình trên trường quốc tế. Đối với Phật giáp, sự phục hưng không đóng một vai trò quan trọng lắm trong những ngày tàn của thời kỳ thực dân và sự kiện ấy có nhiều lý do: theo cổ truyền của xứ sở, tinh thần tự trị của chùa chiền đã ăn sâu trong Phật giáo Việt Nam. Mỗi ngôi chùa là một giáo đường riêng biệt. Mỗi vị trụ trì và bổn đạo làm thành một cộng đồng độc lập. Giáo lý nhà Phật và tính tình người Việt Nam đều mang màu sắc cá nhân. Vấn đề tu dưỡng chỉ là việc riêng của mỗi người. Vì thế, những cố gắng bị phân tán, không hợp nhất, tuy lúc đó đã có một phong trào để đi đến thống nhất. Sự suy tưởng nội tâm của Phật giáo và tính tình người Việt tạo nên một hiện tượng ly tán. Dù muốn hay không, phải công nhận rằng có nhiều vấn đề quan trọng cần giải quyết và người ta tự hỏi không biết Phật giáo có thể giải quyết nó như thế nào. Thật thế, sự tranh đấu cho độc lập là một sự đấu tranh vũ trang, cần đổ mái, trong khi Phật giáo chủ trương hỷ xã, bất bạo động. Như vậy làm thế nào Phật giáo có thể đại diện cho một uy quyền thần bí khả dĩ tập hợp phong trào chống thực dân? Dù muốn hay không, nước Việt Nam phải được kỹ nghệ hóa vào đệ nhị thế chiến khi xứ sở bị Nhật Bản xâm nhập, người ta cảm thấy từ trước nước Việt Nal không sản xuất gì hết, thật là một khoảng trống không trong lãnh vực kỹ nghệ.
Do đó người ta phải tìm ra một uy quyền thần bí để kích động khả năng quốc gia vào công cuộc kỹ nghệ hóa. Vấn đề Phật giáo hiện nay cũng ở trong một hoàn cảnh tương tự. làm thế nào Phật giáo có thể giải quyết sự cần thiết vừa chống Cộng vừa kỹ nghệ hóa xứ sở? Có những vấn đề thế tục cần đặt ra cho những quốc gia trong khối thứ ba: phải tìm một giải pháp hữu hiệu giữa Đông và Tây. Phật giáo có thể giải quyết nhiệm vụ cấp bách và hiện hữu ấy không? Và chính trong điều kiện ấy, phong trào Phật giáo lại phục hưng. Những vấn đề ấy đã có từ năm một nghìn chín trăm ba mươi ba. Năm rôi còn ở Balê và vào thời ký đó đã có những vấn đề. Chúng tôi thành lập những câu lạc bộ tập hợp những bạn hữu khác chủng tộc để nghiên cứu những vấn đế cấp bách cho tương lai. Bắt đầu năm một nghìn chín trăm bốn mươi lắm, những tư tưởng ấy trải qua nhiều thử thách cay chua. Phong trào Độc lập liền bị đặt dưới quyền kiểm soát của Cộng Sản. Những năng lực nhiệt thành đều bị ảnh hưởng của Cộng Sản. Người ta không thể áp dụng nguyên tắc thống nhất cho nhiều xu hướng dân chủ phức tạp. Người ta không thể hợp nhất các lực lượng chống thực dân. Vào lúc đó phong trào Phật giáo cùng phát khởi. Có những cuộc thảo luận sôi nổi để xem người ta đứng về phía Cộng Sản hay chống lại. Chính lúc bấy giờ phong trào Phật giáo cứu quốc cũng ra đời một lần với phong trào Công giáo cứu quốc. Những tổ chức ấy hoạt động khá mạnh, nhất là ở Bắc và Trung vì được tập hợp dưới quyền chỉ huy của Cộng Sản và nằm trong mặt trận đấu tranh của Cộng Sản. Ở miền Nam cũng có một phong trài tôn giáo cùng một xu hướng như trên, nhưng ở trong hoàn cảnh khác: Giáo phái Hòa Hảo và Cao Đài được quân đội viễn chinh võ trang để chống Cộng. Phong trào Phật giáo bành trướng mạnh nhờ phong trào tranh thủ Độc lập. Đây là những hiện tượng lịch sử bộc phát vì liên hệ đến sự tồn vong của Việt Nam. Mỗi tổ chức tìm một cách củng cố theo phương thức riêng của mình: Phật giáo, Gia tô giáo cũng như đảng phái chính trị. Nhưng sự củng cố ấy bị lôi kéo giữa Cộng Sản và Đế quốc. Tình hình hiện tại chỉ là sự nối tiếp của tình hình lúc bấy giờ, Phong trào Phật giáo là một phong trào chính đáng của một tổ chức bị thực dân đàn áp và muốn phát triển vào những ngày tàn của thực dân.
Đó là một phong trào chính đáng, nhưng lại phát triển trong những điều kiện không thuận lợi. Phong trào ấy bị lôi kéo giữa Đông và Tây. Mỗi chủ nghĩa đều cố tìm cách lợi dụng phong trào ấy. Những điều vừa trình bày là quan điểm của nhà sử học và xã hội học. Quan điểm của chính phủ lại khác. Chính phủ đứng ngòai vòng tôn giáo. Sự liên lạc giữa chính phủ và phong trào tôn giáo đều dựa vào tính chất thế tục. Nước chúng tôi là một nước chậm tiến muốn tối tân hóa và vì thế phải giải quyết một số vấn đề : động viên quần chúng vào sự đòi hỏi của chiến tranh (vì chiến tranh đối với chúng tôi là bắt buộc) và kỹ nghệ hóa là điều cần thiết cho sự tiến hóa. Nhưng không nên quên thực tại: phong trài Phật giáo bị lôi kéo giữa Đông và Tây. Chính phủ không có một đường lối chính trị nào chống Phật giáo hết, nhưng ngay trong Phật giáo cũng có những vấn đề riêng. Trong tất cả các tổ chức đều có công tác ngấm ngầm do bàn tay Đông và Tây điều khiển. Cho đến cơ quan hành chính và quân đội cũng có sự len lỏi của chủ nghĩa ngoại lai. Ấy là một nhu cầu lịch sử do hoành cảnh chính trị dựa trên địa lý đặc biệt vủa Việt Nam gây nên. Hoa Kỳ chủ trương phát triển tự do để giải quyết vấn đề chậm tiến. Nhưng tự do không phải là giải phóng. Mà giải phóng theo Cộng Sản chủ trương lạ không phải là tự do. Vị cứu tinh không phải là người có tư tưởng tự do, người có tư tưởng tự do không hẳn là vị cứu tinh. Đứng trước hai quan niệm trái ngược ấy, cần phải dứt khoát. Phật tử cũng ở trong tình trạng bối rối như tín đố tôn giáo khác. Viện trợ Hoa Kỳ rất quý báu đối với chúng tôi, nhưng lại chứa mầm phân hóa: Làm thế nào động viên được quần chúng với một thứ tự do không chịu trút bỏ đặc quyền, trái lại người ta còn đề nghị chúng tôi cứ bảo vệ đặc quyền trên con đường tiến hóa! Thật là một chuyện thần thoại.
Ông trưởng phái đoàn: Ông đã nhắc lại bất bạo động là một nguyên tắc của Phật giáo, nhưng chúng tôi đọc trong nhiều báo chí lại thấy các đoàn thể Phật giáo bị tố cáo là có bạo hành. Ông có thể giải thích cho chúng tôi rõ điều ấy không?
Ông cố vấn chính trị: Trong một cuộc phục hưng nào cũng có sự trở về nguồn. Nếu Phật giáo muốn trở về nguyên thủy thì sự kiện ấy chỉ có thể do một thiểu số ưu tú là những thánh nhân chân chính mà sứ mạng là nói cho chúng ta, những người đang tham gia chiến tranh và góp phần vào công cuộc kỹ nghệ hóa, rằng vật chất không phải là tất cả. Các vị thánh nhân ấy nhắc cho ta, những kẻ đang lao động trong bùn lầy, rằng có một lý tưởng về giá trị tinh thần và sự suy tư, một sức mạnh có thể đập tan sự phản ứng liên tục của thuyết duy vật. Ấy là sứ mạng tôn giáo. Nhưng trong hoàn cảnh lịch sử Việt Nam, phong trào Phật giáo đã đi lạc hướng, đã trở thành công cụ chính trị và đi đến mức muốn lật đổ chính phủ. Có rất nhiều nguyên nhân tâm lý đã thúc đẩy các nhà Phật giáo có sự lệch lạc trên. Về nội dung, Phật giáo đứng trước hai thực tế trái ngược (tại miền Nam Việt Nam mà thôi) nếu trở thành một lực lượng chính trị thì không còn là Phật giáo thuần túy nữa.
Đó là mâu thuẫn căn bản ở Việt Nam, và Phật tử từng đau khổ vì mâu thuẫn ấy. Họ thấy những phong trào tôn giáo khác phát triển mạnh hơn rồi họ suy luận là bị đàn áp. Những tôn giáo khác như Hồi giáo, Thiên Chúa giáo tự mình giải quyết những vấn đề thế tục. Phật giáo không phải như thế vì là một tôn giáo chủ trương hoàn toàn thoát tục. Phật tử khi thấy các tôn giáo khác phát triển, kết luận là mình bị bắt nạt. Có nơi tổ chức đưa dân cả toàn xã vào Thiên Chúa giáo. Tín đồ Phật giáo khi thấy nhiều xã theo Công giáo thì lại tưởng đó là áp lực của Chính phủ. Nhưng khi đọc các tài liệu, người ta mới thấy Chính phủ rất lo lắng về sự trở về với Chúa từng loạt như thế, Chính phủ không khuyến khích điều ấy vì đó là Cộng Sản trá hình. Sự kiện này gây cho chúng tôi thiệt hại nhiều vào năm 1960 khi chiến tranh phá hoại phát khởi. Chính phủ Diệm xích mích với hàng giáo phẩm Gia tô về phong trào rửa tội toàn khối ấy. Lực lượng an ninh phải canh chừng những xã ấy nhiều hơn xã khác, nhất là phong trào di cư. Phật tử lập luận rằng chính phủ khuyến khích Gia tô giáo hơn Phật giáp vì trong số 1 triệu dân di cư từ Bắc vào Nam có đến 700.000 tín đồ Gia tô. Người ta tưởng đó là vì Tổng thống Việt Nam Cộng hòa là một tín đồ Gia tô. Người ta không thấy đấy là một vấn đề tổ chức. Trên bình diện thế tục, Gia tô giáo được tổ chức chặt chẽ hơn nên có cả giáo khu được tập hợp và chỉ huy để rời quê hương, trong khi ấy Phật tử lại tản mát và không được tổ chức. Lúc bấy giờ chính phủ Diệm còn yến, ông vừa mới về nước và chính phủ trước đó đã vơ vét hết tiền bạc. Trong ngân khố quốc gia chỉ còn đủ trả lương cho công chức trong một tháng. Những vị Bộ trưởng đều không có lương, vợ tôi nuôi tất cả mọi người. Chúng tôi sống ở đây như đi "picnic". Vì chính phủ yếu và kém tổ chức, nên Tổng thống phải hỏi người Pháp (tướng Salan) có thể giải quyết cho bao nhiêu người di cư vào Nam. Họ trả lời không quá 25.000 trong khi số di cư có đến hàng triệu. Họ đến Hải Phòng và người Pháp bị tràn ngập. Thật là kinh khủng. Người ta đợi hàng tháng để xuống tàu, bao nhiêu của cải mất sạch. Ông Diệm không có phương tiện gì hết. Người Pháp trở nên bi quan, không ngờ tín đồ công giáo đông như thế. Ông Diệm phải nhờ đến người Mỹ vì không cò một cơ quan nào lo việc ấy hết. Vị Bộ trưởng của chính phủ Diệm phụ trách di cư lại chống phong trào ấy. Ông cho rằng về phương diện chính trị, tốt hơn nên để họ ở lại ngoài Bắc vì họ là lực lượng chống đối Cộng Sản, nếu đưa vào Nam mà không làm vừa lòng họ, họ sẽ trở thành lực lượng chống chính phủ. Đó là điều làm cho Phật tử nghĩ rằng Chính phủ ưu đãi tín đồ Công giáo.
Ông trưởng phái đoàn: Theo một bản tuyên bố của Chính phủ, tất cả tổ chức bất hợp pháp đều bị tiêu diệt. Có phải tất cả những tổ chức ấy đềy là của Phật tử không? Và có bao nhiêu tổ chức như thế?
Ông cố vấn chính trị: Âm mưu ấy được tổ chức do Ủy ban liên phái. Ủy bạn này chỉ đại diện cho một thiểu số Phật tử Việt Nam thôi. Số còn lại, không đồng ý và về phương diện tình cảm, họ đau khổ trước sự kiện ấy. Những kẻ âm mưu là đạo hữu của họ và đối với những kẻ ấy, họ có một sự liên kết tinh thần. Người ngoại quốc lợi dụng điều ấy. Cuộc âm mưu thành hình được nhờ những kẻ xúi giục ngoại quốc và nhất là báo chí Mỹ đã đưa dư luận quốc tế lên chống Chính phủ. Tất cả những tổ chức ấy đều do Ủy ban liên phải điều khiển.
Ông trưởng phái đoàn: Quân đội và chính quyền đã khám phá nhiều tài liệu. Chúng tôi có thể xem được bao nhiêu?
Ông cố vấn chính trị:: Quý ông có thể xem tất cả.
Ông Gunewardene: Có bao nhiêu Phật tử trong Chính phủ?
Ông cố vấn chính trị: Ba phần tư.
Ông Gunewardene: Trong hàng ngũ tướng lãnh?
Ông cố vấn chính trị: Trong mười bày vị tướng thì có mười bốn vị Phật tử, thuần túy hay không, tôi không được rõ, và ba tín đò Gia tô trên hình thích.
Ông Gunewardene: Có bao nhiêu Phật tử trong quân đội?
Ông cố vấn chính trị Cúng một tỷ lệ như trong dân chúng. Nhưng đa số thờ cúng tổ tiên, thờ cúng những người quá cố. Họ không đến chùa. Việt Nam không phải là một xứ sùng đạo. Đúng hơn, người Việt Nam không muốn ràng buộc vì giáo điều. Họ đến chùa khi bênh hoạn hay đau khổ. Ngòai ra, họ không đến làm gì.
Ông Gunewardene: Ai là tưởng chỉ huy Quân đoàn thủ đô? Có phải là một phật tử không?
Ông cố vấn chính trị: Thiếu tướng là một Phật tử. Nhưng cho đến này, đối với chúng tôi, đó không phải là một điều quan trọng đểu đánh giá trị.
Ông Gunewardene: Nhưng đối với Phật tử điều ấy có làm họ băn khoăn không?
Ông cố vấn chính trị Chúng tôi không muốn đi sâu vào những nhận xét ấy. Người ta có thể thay đổi tôn giáo. Như tôi chẳng hạn, tôi là tín đồ Gia tô, nhưng chống Giáo hội.
Ông Correa De Costa: Cũng trong vấn đề này, tôi xin đặt câu hỏi sau: Trong điều kiện như thế thì làm sao lại nảy sinh vấn đề đỏi hỏi của Phật giáo?
Ông cố vấn chính trị: Trong hoàn cảnh lịch sử của các nước chậm tiến, Phật tử đã đi lệch con đường giáo lý vì thiế cán bộ để nghiên cứu. Với tư cách là tín đồ Gia tô, như tôi chẳng hạn, tôi nghĩ rằng, Hội nghị Công đồng thế giới hiện nay chỉ có kết quả tốt đẹp nếu có sự cải cách trong việc nghiên cứu Thần học. Sự tiến triển về hoạt động của Gia tô giáo không đi đôi với phẩm chất của việc nghiên cứu Thần học. Hiện nạy những nhà Thần học Gia tô ở đâu? Lẽ dĩ nhiên là không phải trong các vị Hồng y. Họ chỉ là cán bộ.
Ông Amor: Có những trại thanh niên ở Sài Gòn; chúng tôi có thể đi xem được không?
Ông cố vấn chính trị:: Có, những trại ấy cách đây vài cây số.
*
* *
Khi phái đoàn Liên hợp quốc dời dinh Gia Long, Nhu bảo Luân: - Để cho họ điều tra. Càng nhiều nhân chứng càng tốt. Tất nhiên, có nhân chứng nọ, nhân chứ kia... Ta không cần các biên bản tốc ký hoặc ghi âm, dù hàng đống cũng được. Ta cần kéo dài thời gian. Sau "Bravo", mọi thứ coi nhu mất hết giá trị. Sức mạnh, bây giờ là tiếng nói của sức mạnh. Tôi sẽ mở một tiệc thật lớn để tiễn họ và tôi sẽ ghi bằng phim vẻ mặt tiu nghỉu của họ. Tôi tin một trong số họ thích kéo dài cuộc điều tra. Về phương diện này, Ngô Trọng Hiếu làm việc không đến nỗi tồi...
Luân ngồi trên xe về nhà, suy nghĩ khác Nhu. Ngô Trọng Hiếu không thể xỏ mũi toàn thể phái đoàn và trò gài bẫy này sẽ vô hiệu hóa nếu những gã đại sứ dại gái kia thú nhận - cá nhân họ mất chức, song câu chuyện Phật giáo vẫn còn nguyên trong chương trình nghị sự, nếu không nói là cũng sự lột mặt của các đại sứ ậm ờ thì bản thân chế độ cũng tự lột mặt, chẳng một tí sạch sẽ, tha hồ cho báo chí thế giới bêu rếu và càng thúc đẩy Tổng thống Mỹ hạ bàn tay còn phần nào do dự xuống bàn cờ; các con cờ nhảy tung cả lên, đôi luyến tiếc cuối cùng của ông với Ngô Đình Diệm sẽ tan biến...
Về cuộc gặp gỡ, Luân có thể nhận diện ai rơi vào cái bẫy của Ngô Trọng Hiểu - những câu hỏi mở đường cho chính phủ như lời họ thú tội - nhưng một đại sứ đã gặp Cabot Lodge, nghĩa là gặp cả Bộ tham mưu Mỹ tại Sài Gòn đủ điều chỉnh mọi chuệch choạc. Suốt cuộc gặp gỡ, Luân không nói, ngoài cái bắt tay xã giao với khách. Và Luân biết liền ai đã gặp Cabot Lodge qua cái siết tay hơi mạnh so với người khác. Cabot Lodge hẳn đã giới thiệu Luân. Cái nực cười nhất là Nhu dám đổ cho Cộng Sản tôe chức cả xã vào đạo Thiên chúa - sự ngụy biện trơ tráo báo hiệu khả năng suy nghĩ của Nhu mỗi lúc mỗi tối hơn.
Một khách không hẹn đợi Luân. Một Linh mục. Người gầy, đeo kính trắng, nho nhã. Ông tự giới thiệu, Luân mới biết ông là Linh mục - bề ngòai ông như một trí thức bình thường, sơ mi trắng ngắn tay, quần tropical cũ, đi xăng - đan. Luân nghe tiếng Linh mục từ lâu, giảng viên đại học, người Huế, thuộc nhóm mà Nhu liệt vào danh sách "đầu bò". Ông có cái tên đẹp như tên phụ nữ: Kim Huệ.
- Chúng ta nên bắt đầu từ đâu, thưa Cha? - Luân cười.
Linh mục không cười. Nét căng thẳng hiện rõ trên vẻ mặt khôi ngô của Linh mục - ông không thể quá tuổi ba mươi.
- Tôi muốn xác định phạm vi trao đổi. Đại tá là người có đạo, tôi là Linh mục, nhưng đây là cuộc nói chuyện bình đẳng giữa hai người có thể có chung mối quan tâm về tình hình miền Nam và tình hình giáo hội... Tôi nói lại, không chỉ tình hình giáo hội mà tình hình những người theo đạo Thiên Chúa, đặc biệt là đạo Thiên Chúa La Mã.
- Cám ơn Cha đã cho phép... Tuy vậy, con vẫn thấy Cha chưa nêu chủ điểm của cuộc trao đổi...
- Trước hết, để thực hiện nguyên tắc bình đẳng, tôi đề nghị chúng ta theo cách xưng hô thế tục - gọi nhau là anh, xưng là tôi... Không phải lúc nào cách xưng hô trong đạo cũng thích hợp cả... Còn chủ điểm? Anh hiểu hơn rôi. Chế độ ông Diệm đang thoi thóp...
- Và, tôi là thành viên của chế độ đó, không dễ thở... - Luân lại cười.
- Chưa hẳn... Tôi không làm nghề tình báo, không có nguồn tin bên trong song tôi hiểu anh và chế độ ông Diệm chưa bao giờ hòa đồng. - Linh mục Kim Huệ nghiêm mặt.
- Phong trào Phật giáo không hề uy hiếp những người như Linh mục... - Luân nói.
- Đâu phải vì nghĩ rằng phong trào Phật giáo uy hiếp chúng tôi, mà tôi đến đây. Anh không có tư cách thay mặt cho Phật giáo. Tôi đã gặp những người cầm đầu Phật giáo và vì vậy, tôi lo...
- Anh đã gặp thầy Thiện Hoa chua?
Bây giờ, Linh mục Kim Huệ mới cười:
- Tôi đoán không sai. Người mà anh quan tâm là thầy Thiện Hoa, thầy Trí Tịnh, thầy Thiện Hòa, hòa thượng Thiện Luật, hòa thượng Tịnh Khiết... Tôi biết đêm đẫm máu chùa Xá Lợi, anh có mặt. Có người cho rằng anh vào chùa để làm nội ứng cho Trần Văn Tư. Ít người nói vậy thôi...
- Thích Đức Nghiệp là một!
- Đúng... Có người nói anh muốn tạo chân đứng sau này...
- Lập luận của ông Thích Tâm Châu...
- Đúng.. Thậm chí, có một lá thư từ Mỹ gửi về dặn các nhà sư coi chừng anh. Anh là người của cơ quan tình báo Mỹ...
- Của Thích Nhất Hạnh!
- Đúng!
- Có lẽ ông ta nói không sai.. Ông ta là người của Mc. Cône - Luân châm biếm.
- Thích Nhất Hạnh có là CIA hay không, tôi không rõ và cũng chẳng cần rõ. Nếu anh có tài liệu, thì ông ta cũng chỉ có thể đạt cái mức nhân viên tình báo Mỹ thôi. Còn anh, nếu ông ta nói đúng, thì theo tôi, phải đảo ngược: Tình báo Mỹ là nhân viên của anh!
Luân mỉm cười để che cái chớp giật trong người. Linh mục Kim Huệ đáo để thật!
- Tôi suy đoán, hoàn toàn theo logich học, dựa trên các hiện tượng rời rạc... Anh đã góp phần không nhỏ vào tình cảnh khốn quẫn hiện nay của chế độ ông Diệm, nghĩa là của Mỹ... Nhân tiện, tôi thuật cho anh nghe cuộc đấu khẩu giữa tôi và Thích Đức Nghiệp. Ông ta cho rằng nếu mai kia ông Diệm dời khỏi chính trường là do công của Phật giáo, chủ yếu là do công của Phật giáo - không có các vụ tự thiêu, không có các chịu đựng tai họa, không có cuộc vận động quốc tế... thì ông Diệm vĩnh viễn là ông Diệm... Tôi bảo: Không có Mặt trận giải phóng, không có quân Giải Phóng, không có một nửa nước độc lập, không có cuộc đấu tranh chống Pháo kiên quyết kéo dài chín năm, liệu có thể có phong trào Phật giáo với quy mô vừa qua không? Ông Thích Đức Nghiệp lắc đầu, lắc đầu một cách yếu ớt. Tôi nói thêm: Tuy hằng triệu người đứng trong hàng ngũ Phật giáo, tín đồ thật sự là bao nhiêu? Ông ta cũng tiếp tục lắc đầu yếu ớt. Tôi biết một số người theo Công giáo có mặt trong các cuộc biểu tình...
- Nhưng không thể không đánh giá đúng cống hiến của Phật giáo... - Luân ngắt lời Kim Huệ.
- Tôi không nghĩ khác... Chính tôi nói thẳng với thầy Thiện Hoa những ý trên, thầy Thiện Hoa gật đầu: Đạo pháp và dân tộc gắn chặt, cái nền chính là dân tộc... Tôi gặp anh để nêu lên hai câu hỏi: một, cái gì tiếp sau biến động hôm nay. Tốt hay xấu cho đất nước, nghĩa là cho hòa bình và cho cả thống nhất. Hai, người theo đạo Chúa cần làm gì, có thể làm gì...
Luân trầm ngâm. Anh mời thuốc lá, Linh mục không hút. Câu hỏi lớn quá. Tâm trạng những người như Kim Huệ bao quát quá. Nó cũng là câu hỏi và tâm trạng của Luân.
Thấy Luân chưa trả lời, Kim Huệ nói thêm, rất sôi nổi:
- Thay đổi chế độ, mong ước ấy không riêng của Phật giáo. Nhưng, cái gì đang chờ chúng ta? Ông Diệm nói một câu tiên tri: Cái sẽ tới còn ghê rợn hơn... Có thể như vậy không?
- Thay đổi chế độ? - Luân hỏi vặn Kim Huệ - Sẽ không có một thay đổi đến mức đó... Anh hiểu chế độ chỉ là ông Diệm?
Kim Huệ phản ứng thật nhanh: - Tôi đính chính. Thay đổi bộ máu bản xứ của người Mỹ...
- Nếu anh đã nhận thức được như vậy thì anh đã tự trả lời...
- Nghĩa là, đối với đất nước vẫn xấu?
- Có thể xấu hơn, đồng thời có thể ít xấu hơn...
- Có thể... mơ hồ quá. Khả năng nào nhiều?
- Nếu để cho diến tiến của tình hình trong phạm vi một cuộc đẩy cây giữa hai phía - ông Diệm và Mỹ, tức là giữa những người do Mỹ khống chế - thì khả năng đầu nhiều hơn...
- Tôi không tin Mặt trận khoanh tay...
- Cũng như anh, tôi không hiểu chuyện ngoài bưng, ngoài rừng...
- Anh không hiểu, tôi đồng ý... Không hiểu cụ thể...
- Còn anh?
- Tại sao tôi phải úp mở: Tôi có hiểu, tuy chẳng sâu.
- Anh nghe tôi: Ván bài cần bốn tay chơi. Anh và tôi mới nghĩ đến ba. Thiếu một. Một quan trọng nhất, sẽ trả lời câu hỏi của anh.
- Phải chăng, theo anh, trả lời câu hỏi này liên quan đến câu hỏi thứ hai của tôi?
Luân lắc đầu:
- Lực lượng Công giáo chưa thể có sức nặng... Tôi nói lực lượng không mù quáng.
- Năm một nghìn chín trăm sáu mươi ba này khác những năm một nghìn chín trăm năm mươi bốn, một nghìn chín trăn năm mươi lăm...
- Tôi hy vọng. Song, tôi không ảo vọng. Rất có thể sau khi có một đổi thay nào đó? - ta cứ giả định đi - điều anh và tôi hy vọng sẽ lớn ra... Phải làm gì, với một Linh mục, nghĩa là với sự ràng buộc của giáo hội, tôi không dám nói. Anh cũng thấy, một trong những cái dấy lên phong trào phản đối hiện nay là chính sách ưu đãi Công giáo của Tổng thống...
- Nhưng, không phải tất cả Linh mục, thậm chí Giám mục đều nhận và tán thành một ân sủng như vậy.
- Tôi đồng ý. Dẫu sao, ấn tượng mà dân chúng ghi trong đầu không quá bị bóp méo... Tôi hỏi anh một câu - bởi anh hỏi tôi hàng chục câu - có bao nhiêu Linh mục suy nghĩ và muốn hành động như anh?
- Suy nghĩ như tôi, nhất định đông, nhất là số Linh mục trẻ từ Châu Âu về. Còn muốn hành động?
Linh mục Kim Huệ nhún vai.
- Anh có thể hiểu sức mạnh mà những ngườ như anh cần, dựa vào đâu để tạo ra không?
Linh mục Kim Huệ cười rộ:
- Tôi không phải quá trẻ...
Sau cái bắt tay thật chặt, hai người từ giã nhau như đôi bạn thân.
Phái đoàn Liên hợp quốc thẩm vấn các nhân chứng (trích)
* Nhân chứng số 1
- Ông trưởng phái đoàn: Theo ý ngài, những lời tố cáo chính phủ Việt Nam đã vi phạm các quyền tín ngưỡng Phật giáo đồ có căn cứ không? Nếu có, chúng tôi mong được ngài cho biết càng nhiều càng tốt những bằng chứng về những vi phạm ấy.
- Nhân chứng: Những tố giác về những vi phạm của chính phủ đối với việc tu hành hay với Phật pháp bắt nguồn từ bốn tỉnh ở Trung Việt, cách đây đã ba hay bốn năm. Bốn tỉnh ấy là: Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Còn những tố giác khác, tôi không được biết rõ. Những đoàn thể Phật giáo của các tỉnh ấy đã đệ đơn khiếu nại lên chính phủ và lên Tổng hội, đại diện cho họ ở Sài Gòn. Những đơn ấy quý ông có thể tìm thấy trong những tập tài liệu. Chắc quý ông cũng đã biết đến năm nguyện vọng đã được trình lên chính quyền trong mùa hè năm nay. Tôi không được biết những tố giác khác. Tại Việt Nam, 80% dân chúng là Phật tử, mà những lễ lạt của Phật giáo lại không được Tổng thống nhìn với một con mắt có thiện cảm như các lễ lạt của Thiên Chúa giáo. Thí dụ ngày lễn Noel được tổ chức một cách to tát và chính phủ tham gia vào các lễ tại nhà thờ.
- Ông trưởng phái đoàn: Có phải, như một số người đồn, phong trào Phật giáo đã bị xúi giục, bằng cách này hay cách khác, bởi Cộng Sản, Việt Cộng hay tay sai ngoại quốc không? Ngài, hoặc những người quen biết với ngài, có ai là nạn nhân của sự xúi giục ấy không?
- Nhân chứng: Tất cả vụ này phát khởi từ Huế. Như quý ông đã biết, ở đây trong ngày lễ Phật đản, vấn để lá cờ Phật giáo được nêu lên. Biến cố này đã gieo mầm bất an vào đến Sài Gòn, và cứ thế mà tiếp tục mãi. Riêng về phần tôi, tôi không bị ai xúi giục cả.
- Ông Gunewardene: Ở Huế, có sự xúi giục nào không?
- Nhân chứng: Tôi không được biết.
* Nhân chứng số 3
- Ông trưởng phái đoàn: Ngài có biết phái đoàn đến gặp ngài hôm nay không?
- Nhân chứng: Vâng, tôi có biết đại diện của Liên Hợp quốc sẽ đến điều tra về tình hình Phật giáo đồ ở miền Nam Việt Nam. Tôi là phát ngôn viên của Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo. Tôi ở chùa Xá lợi.
- Ông Correa Da Costa: Ủy ban liên phái là gì? Nhiệm vụ của nó thế nào?
- Nhân chứng: Ủy ban có nhiệm vụ đòi hỏi quyền tự do tín ngưỡng tại Việt Nam Cộng hòa bằng một chính sách bất bạo động.
- Ông Correa Da Costa: Ủy ban liên phái được thành lập ngày nào?
- Nhân chứng: Đã năm tháng nay.
- Ông Correa Da Costa: Sau những vụ lôi thôi ở Huế?
- Nhân chứng: Vâng, tất cả giáo phái Phật giáo đã hợp tác với Ủy ban từ ngày ấy.
- Ông Correa Da Costa: Có khoảng mười chín giáo phái Phật giáo quan trọng tại Việt Nam. Vậy có bao nhiêu phái tham dự trong Ủy ban?
- Nhân chứng: Trong mười sáu giáo phái ở miền Nam Việt Nam, mười bốn giáo phái có đại diện trong Ủy ban liên phái.
- Ông Correa Da Costa: Hai giáo phái nào không tham dự?
- Nhân chứng Giáo phái Cổ Sơn Môn và Tịnh độ tông.
- Ông Correa Da Costa: Vì sao họ không tham dự?
- Nhân chứng: Vì họ cộng tác với chính phủ.
- Ông Correa Da Costa: Có những mối liên quan như thế nào giữa Ủy ban liên phái và Tổng hội Phật giáo?
- Nhân chứng: Tổng hội Phật giáp thành lập từ năm 1951, 1952 và gồm có tăng già, cư sĩ của tập đoàn Phật giáo.
- Ông trưởng phái đoàn: Từ khi bị bắt, ngài có bị hành hạ không?
- Nhân chứng: Thật khó trả lời câu hỏi của ngài trong lúc này. Tôi ước mong ngày thông cảm cảnh ngộ hiện tại của tôi. Tôi không thể trả lời nơi đây được.
* Nhân chứng số 6:
- Ông trưởng phái đoàn: Ngài bị bắt giam lúc nào?
- Nhân chứng: Ngày 20-8-1963
- Ông trưởng phái đoàn: Lúc mấy giờ?
- Nhân chứng Lúc hai giờ sáng.
- Ông trưởng phái đoàn: Cảnh sát có phá cửa khi họ bắt ngài không?
- Nhân chứng Có.
- Ông trưởng phái đoàn: Cửa chùa hay cửa phòng ngài??
- Nhân chứng: Họ phá cửa sắt mà thôi. Tôi ở trong phòng, họ đến đập cửa và gọi tôi ra.
- Ông trưởng phái đoàn: Ai?
- Nhân chứng: Những sĩ quan.
- Ông trưởng phái đoàn: Những sĩ quan quân đội hay của cảnh sát?
- Nhân chứng: Những sĩ quan và binh sĩ của quân đội.
- Ông trưởng phái đoàn:: Ngài có bị đánh đập không?
- Nhân chứng: Một ít thôi.
- Ông Volio: Thế nào? Họ đánh bằng tay hay bằng gậy?
- Nhân chứng: Bằng tay.
- Ông trưởng phái đoàn: Vì sao họ đánh ngài?
- Nhân chứng: Họ không nói lý do vì sao cả.
- Ông Gunewardene: Những quân nhân đến đây có vũ trang không?
- Nhân chứng: Tôi không biết họ có lọai súng gì. Họ cầm súng như thế này (phái đoàn biết đó là súng có lưỡi lê).
- Ông Gunewardene: Họ đem ngài đi đâu?
- Nhân chứng: Họ dẫn tôi tới một nơi xa và không biết nơi ấy là đâu cả.
- Ông Gunewardene: Họ giao ngài cho ai canh gác?
- Nhân chứng: Họ dẫn tôi đến chỗ ấy lúc hai giờ sáng và đến bốn giờ sáng họ lại đưa tôi đến một nơi khác rồi giam tôi vào trong một xà lim.
- Ông Gunewardene: Ngài bị giam trong ấy mấy ngày?
- Nhân chứng: Vào khoảng một tuần lễ.
- Ông Gunewardene: Họ đối đã với ngài như thế nào?
- Nhân chứng: Tôi không bị ngược đãi.
- Ông Gunewardene: Đêm ngài bị bắt có bao nhiêu nhà sư ở trong chùa?
- Nhân chứng: Vào khoảng mười.
- Ông Gunewardene: Họ đề bị bắt cả?
- Nhân chứng: Vâng.
- Ông Koirala: Người ta cho rằng Cộng Sản, Việt Cộng và những nhân viên ngoại quốc khác, là nguyên nhân của các vụ lôi thôi ấy, ngài nghĩ sao?
- Nhân chứng: Tôi chỉ biết tu mà thôi, tôi không thể nói được việc ấy.
* Nhân chứng số 26.
- Trưởng phái đoàn: Anh có phải là phật tử không?
- Nhân chứng Tôi là Phật tử.
- Trưởng phái đoàn: Anh bị bắt khi nào?
- Nhân chứng: Ngày hai mươi tám tháng tám.
- Trưởng phái đoàn: Anh có dự các cuộc biểu tình của sinh viên không?
- Nhân chứng: Có.
- Trưởng phái đoàn: Anh có bị đánh đập không?
- Nhân chứng: Không.
- Trưởng phái đoàn: Bao nhiêu sinh viên tham dự cuộc biểu tình?
- Nhân chứng: Hơn một nghìn sinh viên.
- Ông Gunewwardene: Bao nhiêu bị bắt và bị giam?
- Nhân chứng: Tám trăm bị giam, rồi được thả ra.
- Ông Gunewwardene: Anh biểu tình để chống đối gì?
- Nhân chứng: Vì tôi nghĩ rằng đó là việc phải làm sau các biến cố xảy ra, và đó là lý do khiến tôi tham dự cuộc biểu tình. Tôi không biết tôi có bị các phần tử ngoại lai khai thác hay lợi dụng không. Lúc khởi đầu đó là một phong trào thuần túy, không có sự can thiệp nào từ bên ngoài cả, nhưng về sau - theo ý tôi, có một phần nào.
* Nhân chứng số 34:
- Ông Amor: Anh có phải là Phật tử không?
- Nhân chứng: Tôi không phải là Phật tử, không phải theo Thiên chúa giáo, cũng không phải là Cộng Sản. Tôi không có tôn giáo.
- Ông Correa De Costa: Vì sao anh bị bắt.
- Nhân chứng: Tôi không phải là Cộng Sản. Tôi bị bắt vì có liên hệ với các tổ chức chính trị.
- Ông Amor: Anh nghĩ gì về vấn đề Phật giáo?
- Nhân chứng: Tôi không lưu tâm đến vấn đề ấy. Là một sinh viên khoa chính trị học, tôi nhìn vấn đề dưới một khía cạnh khác.
- Ông Pinto: Với tư cách sinh viên khoa chính trị học, vấn đề Phật giáo không làm anh xúc động một tí nào sao?
- Nhân chứng: Như mọi sinh viên khoa chính trị học theo dõi những mục tiêu chính trị, không phải tôi không bị xúc động vì vấn đề Phật giáo, nhưng tôi cho nó chỉ có một tầm quan trọng nào đó thôi. Do đó, phản ứng của tôi không phải là phản ứng của một công dân thường.
- Ông Koirala: Anh có tham dự các cuộc biểu tình không?
- Nhân chứng: Tôi không tham sự biểu tình, nhưng tôi là thủ lĩnh một nhóm sinh viên và tôi không quên cho biết quan điểm của tôi trong mọi cơ hội. Tôi không đi theo nhóm biểu tình ngòai lộ.
- Ông Gunewrdene: Anh có phát biểu ý kiến về vấn đề Phật giáo không?
- Nhân chứng: Từ lâu, tôi đã phát biểu ý kiến và tôi chống chính phủ này, nhưng, vì lí do tôn giáo, thật rất khó khăn. Tôi muốn rằng các Phật tử bị bắt được thả ra.
- Ông Koirala: Anh có nghĩ rằng vấn đề Phật giáo là triệu chứng của một sự bực bội rộng lớn hơn trong xứ này không?.
- Nhân chứng: Những người thấy điều ấy có thể có cảm tình nồng nhiệt với phong trào trên, những người không thấy gì có thể bị đánh lạc.
- Pinto: Anh có bị đánh đập không?
- Nhân chứng: Trường hợp tôi là một trường hợp đặc biệt. Vì người ta biết rằng tôi là thủ lĩnh một nhóm chính trị trong sinh viên, không bao giờ tôi bị đánh đập, người ta để tôi yên. Lẽ tất nhiên, có thể khác đối với những người khác. Trong quá khứ, tôi không bị phiền lụy gì, còn vai trò của tôi trên trường chính trị, bao giờ tôi cũng được xem như một thủ lĩnh; do đó, người ta đối xử với tôi rất tử tế, người ta cố gắng không đụng tới tôi, nếu không có lý do khác, về các vấn đề chính trị, người ta để tôi làm điều gì tôi muốn.
- Ông Gunewardene: Như một người không có tôn giáo, anh nghĩ gì về việc quân đội tấn công các chùa chiền?
- Nhân chứng: Tôi không thấy điều đó. Tôi chỉ nghe nói, nhưng không thấy tận mắt...