Nếu nhìn lên bản đồ, người ta thấy rõ, về mặt quân sự, Kiến Hòa không chiếm vị trí chiến lược. Trái lại, ba cù lao lớn: Minh, Bảo và An Hóa hợp thành tỉnh như nép hẳn vào một góc, cố ý tránh những biến thiên, vui với dòng sông bát ngát quanh năm soi bóng dừa.
Từ là một tổng - tổng Tân An khi Võ vương Nguyễn Phúc Khoát đặt quan cai trị xứ này vào năm 1757 - Bến Tre được thăng lần lên huyện, phủ và khi thực dân Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây, thăng lên hạt rồi tỉnh. Bến Tre đi vào lịch sử khá sớm nhưng với tư cách một vùng đất ẩn cư. Người ta biết đến nó sau biến cố mất Gia Định, những phần tử chống Tây “tị địa” về đây, trong đó, có nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Cả khi vào lịch sử, Bến Tre cũng không ồn ào, dù cho Phan Tôn, Phan Liêm - con của Phan Thanh Giản, người tiến sĩ đầu tiên quan Nam Bộ, sinh ở Bảo Thạch, Ba Tri, người mà tên tuổi gắn liền với nỗi ô nhục của triều đình Huế khuất thân “chuộc” ba tỉnh Đông Nam bộ và lại để mất nốt ba tỉnh Tây Nam bộ - một thời dựng cờ nghĩa trên mảnh đất trầm lặng này.
Sau Cách mạng tháng Tám, thực dân Pháp tái chiếm Bến Tre. Một lần nữa, dân Bên Tre lại “tị địa” - dùng đường biển, trên những chiếc thuyền mong manh, tìm tự do tận mũi Cà Mau. Những người bám tỉnh dựng lên một trung đoàn rất nổi tiếng, trung đoàn 99 của Đồng Văn Cống. Hòa bình lập lại, ngay vào những ngày đầu, chính quyền Ngô Đình Diệm gây ra vụ thảm sát Mỏ Cày.
Cứ ngỡ Bến Tre nhịn nhục mãi.
Thế rồi, đầu năm 1960, tin tức đột nhiên bay tới tập về Sài Gòn: Bến Tre, cái tỉnh im ắng ấy, đứng trước nguy cơ lọt vào tay Việt Cộng.
Là một cán bộ từng hoạt động ở Bến Tre - khá thông thạo đường đi nước bước và con người ở đây - Nguyễn Thành Luân cũng bị bất ngờ. Anh không bao giờ nghĩ đến Bến Tre lại trở thành trung tâm của cuộc khởi nghĩa miền Nam - anh chờ đợi nơi khác, mà với trí thức của anh, dựa được vào rừng núi, dễ dàng tiến và dễ dàng rút lui. Nhưng, chính Bến Tre - tỉnh của những cù lao, nổ phát súng kinh hoàng vào chế độ, đúng lúc chế độ ổn định nhất. Anh chợt nhớ đến ông già ba tri Thái Hữu Kiểm - dám đi bộ từ Bến Tre ra tận triều đình Huế để cự lại một vụ cường hào ỷ thế hiếp dân. Cái bề ngoài nho nhã - do lỗi sống giữa mảnh vườn ít xáo động - chứa một sức bật tiềm tàng rất thông minh… Anh cũng nhớ ông Hai Sặc, người Bến Tre “tị địa” xuống Phụng Hiệp.
Và, hôm nay, liền sau khi đặt chân lên Bến Tre - chính phủ Ngô Đình Diệm đổi tên là Kiến Hòa, vốn tên cũ thời Nguyễn - Luân phải chỉ huy một cuộc hành quân lớn. Đó là việc giao lãnh đầu tiên giữa cựu và tân tỉnh trưởng. Cuộc hành quân dự định từ trước, đã được quân khu cho phép và Bộ tổng tham mưu chuẩn y, cho nên Luân không tiện bãi bỏ. Với lực lượng 5 tiểu đoàn Bảo an, 2 tổng đoàn Dân vệ, một đại đội cảnh sát dã chiến, hầu hết giang thuyền trực thuộc tiểu khu, cuộc hành quân quy mô trung đoàn và với dạng binh chủng hợp thành nhằm Cồn Ốc - một trong những cồn lớn nằm trên sông Hàm Luông và gần thị xã - theo yêu cầu của tỉnh trưởng ty công an: truy lùng cơ quan Tỉnh ủy Việt Cộng, hoặc ít ra, một bộ phận của cơ quan đó mà tin mật báo cho biết dời từ Định Thủy sang đây.
- Tin mật báo tin cậy được không? - Luân hỏi.
Trưởng ty công an - không phải xa lạ với Luân: thiếu tá Lưu Kỳ Vọng, người của Mai Hữu Xuân, sau một thời gian làm việc ở Nha an ninh quân đội, được biệt phái sang công an và thiếu tướng Tổng giám đốc Nguyễn Văn Là bổ nhiệm hắn ta về Bến Tre - xum xoe:
- Chắc ăn một trăm phần trăm!
Hắn nói, kèm theo cái nháy mắt ngụ ý. Luân hiểu rằng mật báo là người của công an trà trộn trong hàng ngũ kháng chiến. Hiểu như vậy, song Luân tỏ vẻ không tin tưởng:
- Coi chừng tốn công vô ích… Cũng có ba bảy đường mật báo.
- Không! - Thiếu tá Vọng cười nhũn nhặn. Bây giờ, hắn cố hết sức lấy lòng tân tỉnh trưởng và cầu mong ông ta không phăng ra hắn trong vụ rượt bắt ở Nhị tì Quảng Đông năm 1955 - Thưa trung tá (hắn hạ thấp giọng, ngó chung quanh) một huyện ủy!
- Vậy sao? - Luân giả bộ sửng sốt pha lẫn hài lòng.
- Dạ em điểm huyệt tụi Cộng sản cỡ đó sắp lên! - Vọng hí hửng.
… Từ “Lồng cu” - đặt trên giang đỉnh chỉ huy - Luân dùng ống dòm quan sát Cồn Ốc, khi các tàu mặt dựng lượn dọc bờ tây cồn. Không khí thanh bình trùm cả cồn. Không hề có một dấu vết bố phòng. Bến sông từng nhà, những ngôi nhà ngói cổ, thản nhiên với sinh hoạt thường ngày: thuyền đậu, phụ nữ giặt giũ… Giờ đổ bộ theo quy định đã tới. Đáng lẽ các cỡ súng nổ rộ, Luân ra lệnh không được bắn, dù một phát, nếu chưa bị tấn công. Tàu đầu bằng đã sử đụng bờ, thả bửng, từng toán lính và cảnh sát nối đuôi từ nhiều điểm khác nhau, chạy ào lên cồn. Luân bước lên cồn khi các toán sục sạo thọc sâu vào vườn. Một số dân - ước tới cả trăm - bị lùa ngồi chồm hổm trên chiếc sân gạch rộng. Ngó qua số dân, Luân yên tâm: không ai mang dáng dấp cán bộ. Hầu hết là ông bà già, phụ nữ đứng tuổi và trẻ con.
“Thằng cha Vọng bị hố rồi!” - Luân nghĩ thầm – “Tỉnh ủy nào lại đặt cơ quan trên cái cồn lúc nào cũng có thể bao vây như vậy? Nhất định các đồng chí giữ phương châm hợp pháp. Ngay hầm chông, hố đinh cũng không có thể có ở đây…”
Thiếu tá Vọng rảo bước trước đám dân. Luân yên lặng theo dõi hắn. Luân bắt gặp hắn sựng một thoáng trước một người. Tim Luân thắt lại. Chà, đồng chí của mình sao chường mặt ra đây làm gì. Nhưng người đó không thể là cán bộ, dù thuộc cấp nào - da mặt láng te, đôi mắt ti hí. Anh ta trạc trên dưới 40, mặc áo bà ba lụa trắng. Và người đó liếc về một bà già ngồi phía trước. Luân ngờ ngợ về bà già này - tóc hoa râm, khăn rằn vắt vai - như là anh đã gặp ở đâu đó.
Thiếu tá Vọng đến trước bà già. Bà già điềm tĩnh nhai trầu.
- Ê! - Thiếu tá Vọng chụp vai bà già lôi xểnh dậy - Bà là bà Hai Sặc, phải không?
Thôi, đúng rồi… vợ Hai Sặc. Ngày Luân cùng Sa và Quyến rời khu 9 về thành, cái đêm cuối cùng ngủ ở vùng tự do ngoại ô Phụng Hiệp đó. Con của Hai Sặc, Tư Lóc - Trần Bảo Quốc, trung đội trưởng của tiểu đoàn 420 đã tập kết. Con gái là y tế. Luân nhớ, nhớ rõ. À, vợ chồng Hai Sặc trở về quê, hèn chi, khi Luân vừa tới, anh có cảm giác bà già này nhìn anh lom lom, với đôi mắt tôi tối.
- Chớ hồi nào tới giờ tôi có đổi tên bao giờ đâu mà ông hỏi? - Bà Hai Sặc trả lời chậm rãi…
- Bà lẻo lự dữ! - Thiếu tá Vọng cười gằn - Được, để rồi cho bà lẻo lự… Nè! Tỉnh ủy ở nhà nào? Có ở nhà bà không?
- Tỉnh ủy là cái chi? - Bà Hai Sặc vẫn nhai trầu.
- Bà đừng hỏi đố tôi! Dân Cồn Ốc mà không biết Tỉnh ủy Cộng sản sao? Thằng Tư Cường, thằng Ba Đào ở đâu? - Thiếu tá Vọng thét inh ỏi.
- Ông làm quan sao ăn nói lỗ mãng quá vậy? - Bà già cự.
- Bà hỗn hả? - Thiếu tá Vọng tát bà già. Bà già quay mặt lại đám đông:
- Bà con thấy đó, Quốc gia đánh tôi… Tuổi tôi gì gì cũng cỡ tuỏi mẹ ông quan này…
Luân thấy đến lúc phải can thiệp:
- Thiếu tá, ông không được làm như vậy!
- Trung tá không biết, con mụ già này ghê lắm… Chồng nó, con gái nó đều Việt Cộng thứ thiệt. Chồng nó làm “căn cứ” cho Tỉnh ủy. Tôi phải bắt nó phun ra chồng nó, con gái nó. Con gái nó - con Rô - là y tế của Tỉnh ủy…
Thiếu tá Vọng vẫn không buông tha bà già. Luân gạt tay hắn ra.
- Thiếm… - Luân nén xúc động - Thiếm cho biết Tỉnh ủy có ở đây không?
- Tôi đã nói tôi không biết Tỉnh ủy… - Bà già tránh mắt Luân.
- Thôi, bà chỉ chỗ trốn của chồng bà, thằng già Hai Sặc đó! - Thiếu tá Vọng gầm gừ.
- Ông nhà tôi qua Trà Vinh cày mướn từ sau Tết!
- Bà nói láo! Hai Sặc mà cày mướn… Hai Sặc ở đâu? Bà không chỉ, tôi bắn bà…! - Thiếu tá Vọng lên cò khẩu Colt 12 nghe cái rốp.
- Ông Hai Sặc đi cày mướn miệt Vũng Liêm… Bà Hai nói thiệt. Ở đây, bà con ai cũng biết… - Một ông gà búi tóc, áo trắng, tằng hắng rồi nói.
- Ông là chức sắc đạo Cao Đài? - Luân hỏi.
- Thưa quan, phải. Tôi là giáo hữu.
- Ông thuộc phái đạo của đốc phủ Nguyễn Ngọc Tương hay Tây Ninh?
- Thưa quan, tôi thuộc phái Minh Chơn Đạo của anh lớn Cao Triều Phát…
Tự nhiên, Luân hiểu. Phái Minh Chơn Đạo là phái kháng chiến hồi 9 năm.
- Nếu Hai Sặc không có ở đây, thì con Rô ở đâu? - Thiếu tá Vọng khăng khăng với bà Hai Sặc.
- Nó may mướn trên Sài Gòn!
- Nói láo cũng có sách chớ! Bà nói láo bỏ sách hết trơn… Con Rô mà biết may…
- Tại sao ông biết con Rô tôi không biết may? - Bà già hỏi vặn.
- Tôi biết! Nó ở đây…
- Ông biết sao ông không đi kiếm nó mà phải hỏi tôi?
Luân lại bắt gặp anh chàng mặt láng te ra dấu cho thiếu tá Vọng - gã chỉ xuống đất.
- Nè, nó trốn dưới hầm bí mật! Bà coi tôi rành không - Thiếu tá Vọng đắc chí, cười hô hố.
- Thì ông đào mà bắt nó!
- Con mụ già này ngọt không chịu… Tao cho mày biết tao là ai… Đồ… - Thiếu tá Vọng xông tới, ghì đầu bà già, toan nện thẳng cánh.
- Không được! - Luân xô thiếu tá Vọng sang một bên - Ông không có quyền làm bậy trước mặt tôi.
Luân nói, môi run run
- Nó đây nè! - Nhiều tiếng reo. Tốp công an lôi một người con gái bất tỉnh, ném lên sân. Cô gái không còn một tấm vải che thân.
Bà Hai Sặc nhào đến, ôm cô gái:
- Con! Con!
Giữa lúc đó, tốp công an bô bô với tốp bảo an:
- Gặp nó dưới hầm sau vườn… Tụi này mần luôn… Ngon thiệt!… Còn mới nguyên nghe!
Luân choáng váng. Đầu anh bỗng ù ù. Anh bước tới tốp công an và bất thần ra tay. Ba đứa can tội làm nhục cô gái không thể hiểu vì sao chúng bị đòn. Máu chảy ròng ròng trên mũi chúng.
- Còng lại! - Luân ra lệnh, giọng thật đanh - Giải về tỉnh… Tôi sẽ đích thân bắn cả ba!
Thiếu tá Vọng chưng hửng.
Bà Hai Sặc đứng lên. Mắt bà long đỏ. Bà đến trước thiếu tá Vọng.
- Chồng tao, Tỉnh ủy ở đây… - Bà chỉ vào ngực - Đồ mọi rợ… Quốc gia bây là lũ mọi rợ!
Thiếu tá Vọng rút súng.
- Tao cho mầy chết. - Hắn nghiến răng. Luân, bằng một động tác nhanh như chớp, đánh bạt súng của thiếu tá Vọng.
- Người đáng chết là ông, ông thiếu tá! Tôi sẽ xử bắn ông ngay tại đây nếu ông động đến bà thiếm này…
Luân cởi chiếc áo khoác phủ lên người Rô đang thoi thóp và ra lệnh chấm dứt cuộc càn.
*
- Tôi không thể hiểu vì sao trung tá lại nới tay với tụi Cồn Ốc?… Con mụ Hai Sặc đáng lãnh một phát đạn lắm!
Lê Như Hùng, trung tá Thủy quân lục chiến, cựu tỉnh trưởng Bến Tre, làm xong thủ tục giao lãnh với tân tỉnh trưởng Nguyễn Thành Luân, vừa nói vừa nhún vai.
- Tôi không thích để Việt Cộng thâu lợi. Bắn bà Hai Sặc một phát, chúng ta sẽ phải nhận một nghìn phát trả thù… Bắn bà Hai Sặc đâu có thể tìm ra Tỉnh ủy? Chúng ta chưa đến nỗi điên thì tại sao lại hành động ngu xuẩn như vậy?
- Nói thật với trung tá, - Cựu tỉnh trưởng tựa lưng vào ghế, khoanh tay - tôi rất nghi ngờ kết quả của chính sách mà trung tá thí nghiệm ở đây. Tôi phải thanh minh với trung tá, tôi từ giã Kiến Hòa không một chút nuối tiếc. Ví dụ trung tá thay tôi sớm hơn một năm, có lẽ tôi cũng bực mình. Nơi nào yên tĩnh hơn đây? Nhưng, đó là chuyện một năm về trước. Còn bây giờ… Tôi rất xấu hổ, với tư cách con nhà binh, lại bàn giao cho trung tá một gia tài quá khốn khổ. Chúng ta mất gần sạch. Ngay con đường ra bắc Tân Thạch cũng không phải an toàn. Tôi đến Kiến Hòa và từng đi dạo trong rừng dừa, từng lướt ván trên sông với người đẹp. Còn trung tá… Dạo trong khuôn viên tỉnh đường. Tôi khuyên trung tá chỉ nên dạo trước lúc đèn lên… Có lẽ rồi đây tôi sẽ đi Quảng Trị hoặc Đắc Tô. Không sao, không đâu khó chịu bằng ở đây. Tôi sẽ áp dụng kinh nghiệm ở đây - ở Kiến Hòa. Tôi quá tiết kiệm đạn và ngại chảy máu… Khi chia tay, tôi muốn đền bù cho trung tá bằng sự chia sẻ kinh nghiệm đó.
Luân mỉm cười:
- Cám ơn anh… Trái lại, tôi nghĩ rằng anh chưa tiết kiệm cả đạn lẫn máu đúng mức. Không thể bắn hết, ví dụ bắn hết dân Cồn Ốc. Không làm sao bắn hết và chúng ta cũng không dám làm như vậy…
- Tôi thành tâm mong trung tá thành công… - Lê Như Hùng chép miệng - Mơn trớn một lò lửa bừng cháy, một bãi chông kín mít, một tổ ong đang vỡ… Tôi e trung tá tự tin hơi nhiều. Mà dù cho trung tá thành công, Kiến Hòa cũng chỉ là một tỉnh nhỏ, không nghĩa gì so với cả nước Cộng hòa của chúng ta… Tôi từng nói với tướng Williams khi ông thị sát nơi đây. Tôi nói: Kiến Hòa chỉ là cái dạ dày bị loét, có thể bị ung thư nữa. Nhưng nói không chỉ tự tạo ra căn bệnh hiểm nghèo đó cho nó. Nó phải hứng mọi thức ăn từ mồm, sự lọc lừa của lưỡi, sự nhai nghiền của răng… Cắt phăng phần loét của dạ dày thì cứ làm, song đừng nguyền rủa nó…
Giọng Lê Như Hùng - một sĩ quan từng được Diệm nâng đỡ, chỉ huy Thủy quân lục chiến, binh chủng rất kiêu ngạo - càng lúc càng chán chường.
- Chẳng lẻ người ta phải cắt cái mồm? - Luân hỏi, hóm hỉnh.
- Thế trung tá nghĩ rằng người Mỹ vốn thực dụng lại rung đùi ngâm thơ Longfellow (1) sau khi chi hàng núi tiền cho chúng ta? Năm 1958, tôi tường trình về Phủ tổng thống những khả năng xấu đang ngấp nghé nhận chìm chúng ta. Tham mưu biệt bộ gửi trả bản tường trình đó - tôi nói rõ, lúc bấy giờ trung tá đang phụ trách chiến dịch “Cơn hồng thuỷ” - với lời phê dốt nát: bi quan! Tôi phải rời Kiến Hòa chính vì cách điều khiển của chính sự dốt nát đó. Bây giờ, họ lấy tôi làm vật tế thần và tạ tội với người Mỹ… Trung tá có thể có vận may hơn tôi, trung tá là người nhà của Tổng thống! Giá như Phủ tổng thống gửi kèm lời phê nông cạn kia cho tôi vài chục khẩu đại bác!
- Đại bác không bắn được dân biểu tình! - Luân nheo mắt.
- Bắn được! Miễn dám bắn. - Cựu tỉnh trưởng sôi nổi hẳn - Napoléon nổi tiếng nhờ dám hạ nòng đại bác bắn vào đám biểu tình!
- Và, vì vậy, ông ta càng nổi tiếng hơn ở Waterloo, ở Borodino (2) cuối cùng im tiếng ở Sainte Hélène (3), chơi vơi ngoài Đại Tây Dương…
- Xin vô phép ngắt lời trung tá… Đại bác không phải loại chuyên dùng đàn áp biểu tình, song chính trị lại là sở đoản của bọn nhà binh - trung tá đừng giận, kể luôn trung tá - và hơn nữa, của cả chế độ chúng ta. Chọn lựa cái le moins mal (4), tôi nghiêng về cái khẩu đại bác!
- Chưa chắc tôi đã nên cơm cháo gì ở đây? - Luân thân ái ngồi cạnh cựu tỉnh trưởng - nhưng trách nhiệm được giao không thể thoái thác. Trước trách nhiệm, tôi cũng như anh thôi, không dính với chuyện gia đình. Chính phủ yêu cầu tôi bình định Kiến Hòa. Tôi nhận với điều kiện tôi không bị gò bó để đạt yêu cầu bình định. Tôi nghĩ chúng ta không thiếu đại bác, ngay ở Kiến Hòa. Xem qua sổ chi đạn đại bác, Kiến Hòa không kém tỉnh nào cả. Nhưng, đất cứ mất, biểu tình cứ tăng, có lẽ đại bác và biểu tình cũng lên song song. Tôi sẽ bắt cả hai cùng xuống!
Lê Như Hùng đứng lên:
- Tôi mong trung tá thành công tuy rằng dứt khoát tôi không tin. Dù sao, tôi cũng áy náy đã đào xới bằng đạn đại bác để trúng tá phải san lấp…
- San lấp trên mặt đồng ruộng không khó lắm! - Luân cười.
- Đúng! Tôi hy vọng trung tá san lấp những cái hố trong lòng người.
Luân thấy mến tay tỉnh trưởng bộc trực này.
- Anh có dặn tôi điều gì không?
Cưu tỉnh trưởng ngẫm nghĩ một lúc:
- Có! Trung tá nên cẩn thận với gã thiếu tá Vọng… Thứ ma cô ma cạo hạ đẳng! Gã chơi với James Casey, có vẻ là dân của CIA. Tống Văn Tình nói với tôi.
Tống Văn Tình, như Géo Nam ở Vĩnh Long, xuất thân từ Rédacteur (5) ngành cảnh sát Pháp - vốn là trưởng ty công an Kiến Hòa, nay bị thay, chỉ còn là phó ty.
- Anh không giao cho tôi được một nhân mối nào trong nội bộ Việt Cộng sao? - Luân hỏi ướm.
Lê Như Hùng đưa tay lên trời:
- Tôi biết có một nhân mối quan trọng. Nhưng, thằng thiếu tá Vọng nắm. Nhân mối trao cho nó một tài liệu gì đó - nghe đâu nhờ cái tài liệu đó, nó được hậu thưởng.
- Tài liệu gì? - Luân hồi hộp.
- Thú thật, tôi ghét những thứ giấy tờ… Nghe Tống Văn Tình nói, tài liệu nghị quyết của Cộng sản Bắc Việt…
Luân suýt “à” một tiếng, nhưng kịp kiềm chế.
Anh bắt tay Lê Như Hùng khá chặt.
- Một điều tôi muốn nói trước khi chia tay: Nếu Hội đồng an ninh Quốc gia có những nhận xét xấu về anh thì không phải do tôi… Trái lại!
- Tôi tin trung tá!
----------
(1) Nhà thơ nhân bản Mỹ (1807-1882)
(2) Những nói Napoléon đại bại
(3) Nơi Napoléon bị đày và chết
(4) Cái ít xấu hơn.
(5) Biên tập viên - một ngạch trật trung cấp cảnh sát.