Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Ván Bài Lật Ngửa

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 190031 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ván Bài Lật Ngửa
Nguyễn Trương Thiên Lý

P8 - Chương 5

Họp báo của bà cố vấn Ngô Đình Nhu ở Nữu Ước
Hôm thứ tư vừa qua, bà cố vấn Ngô Đình Nhu đã xuất hiện lần đầu tiên tại Nữu Ước, trong ánh sáng của các máy chụp hình trước hơn sáu trăm ký giả và độ một nghìn người chen lấn nhau trong phòng khách danh dự lộng lẫy ở khách sạn Waldorf – Astoria
Bữa “tiệc họp mặt” này do Câu lạc bộ Báo chí Nữu Ước tổ chức, nhưng lẫn lộn trong đám ký giả ngoại quốc ở Hoa Kỳ, còn có một số người đủ các thành phần – nhà xuất bản, hội trưởng các hội phụ nữ.. và điều đáng chú ý là có cả sự hiện diện của một vị chức sắc “Phật giáo Hoa Kỳ”, đại đức Cakya Anatta, tên thật là Edward Elbuch, từ thành phố New Jersey đến để dự cuộc họp mặt này, trong bộ áo cà sa màu vàng nghệ.
Trong một bài diễn từ đọc sau bữa tiệc, bà Nhu cho biết ngay rằng bà đến Hoa Kỳ không phải để đấu khẩu nhưng, khi gián tiếp nhắc về việc bà đến thăm Hoa Kỳ đã làm cho chính quyền ở Hoa Thịnh Đốn bối rối, và nhất là cuộc đón tiếp vô cùng nồng nhiệt mà báo chí tại đây đã dành cho bà – trái hẳn với sự lạnh nhạt của chính quyền – bà đã cho biết rằng bà đã từ chối nhiều cuộc phỏng vấn vô tuyến truyền hình vì bà không muốn các nhân vật chính thức Hoa Kỳ oán hận bà.
Về tình hình báo chí Mỹ tại Sài Gòn, bà Ngô Đình Nhu nhận định rằng các ký giả ngoại quốc tại Sài Gòn không có thiện cảm với chính sách của tổng thống Ngô Đình Diệm và vì thế, “những tin tức họ đưa ra đều sai lạc vì họ bị những cảm xúc chi phối”. Bà nói tiếp, “các ký giả không tiếp xúc nhiều với chính phủ” và “tiếc rằng tổng thống Diệm là một người ít nói và không có tài hùng biện”. Bà Ngô Đình Nhu nói tiếp: “Nhưng trái lại, các ký giả rất được “những người đối lập với chính phủ” nhất là Phật giáo đồ trọng đãi và họ có xu hướng bênh vực cho các người này”.
Trong phần còn lại của diễn từ, bà Ngô Đình Nhu đã trình bày về sự liên lạc chặt chẽ giữa các tổ chức Phật giáo với Việt Cộng, kế hoạch chính trị hoá Phật giáo Việt Nam để tìm cách biến Phật giáo thành một quốc gia trong quốc gia. Bà cũng xác nhận lại một lần nữa rằng những nạn nhân trong các vụ xảy ra ở Huế - các vụ này đã khởi đầu cho các vụ rối ren sau này - đều do các chất nổ gây ra, chớ không phải vì cảnh sát bắn vào nhóm biểu tình.
Sau hết, sau khi đã trả lời rất nhiều những câu hỏi của ký giả - trong đấy có những câu rất xấc xược – bà Ngô Đình Nhu đã được mọi người tán đồng khi bà hô hào cần phải có sự đoàn kết giữa Hoa Kỳ và quốc gia đồng minh Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Cộng và bỏ qua những “hiểu nhầm” và mục đích của bà đến đây là đánh tan những hiểu nhầm đó. Cuối cùng, bà Nhu đã rời diễn đàn với sự vỗ tay của đa số các cử toạ.
Trong khi bên trong khách sạn, bà Ngô Đình Nhu đang nói chuyện, thì ở bên ngoài khoảng năm mươi người thuộc nhiều hội tiến bộ hoặc hoà bình tụ họp, phân phát những truyền đơn chống lại tổng thống Ngô Đình Diệm và chống việc tiêp tục chiến tranh tại Việt Nam và họ đã âm mưu tổ chức một cuộc biểu tình chống tổng thống Ngô Đình Diệm, nhưng thất bại.
Công chúng Mỹ chưa được kích động đúng mức đối với Việt Nam để có thể biểu tình vì Việt Nam. Về phần bà Ngô Đình Nhu, người ta có thể nói rằng bà đã qua một thời kỳ sơ khảo trước báo chí Hoa Kỳ và đã đậu ưu hạng, và từ nay bà tỏ ra có đủ điều kiện để thuyết phục cả nước Hoa Kỳ
*
**
Tường thuật trên một tờ báo Mỹ kia lẽ ra khích lệ Nhu nhưng, Nhu chưa lú lẫn đến mức không phân biệt tờ báo ít tiếng tăm, số phát hành hạn chế với những tờ báo mà ấn bản lên hàng mấy triệu và thật sự làm chủ dư luận Mỹ - họ mô tả không khí của cuộc họp báo hoàn toàn khác hẳn. Nhu biết Lệ Xuân chi rộng rãi cho các cây bút hạng nhì, hạng ba và thuê hẳn số cột của tờ báo theo giá cao hơn quảng cáo.
- Tôi đọc báo Mỹ, cuộc họp báo của chị khá tốt! – Nhu ngó Luân. Trong một thoáng, Luân nhận mình sai lầm khi nhận xét như vậy.
- Anh nói thật hay anh định an ủi tôi? – Nhu xẵng giọng. Và, chính Nhu đã gỡ rối cho Luân.
- Anh nên bình tĩnh… - Luân gián tiếp trả lời.
- Nhà tôi chủ quan quá. Và, bài báo lá cải làm sao đổi ngược ý định của tổng thống Mỹ…
- Tôi đã quyết định! – Nhu nói rất nhỏ song thật dứt khoát – anh kiểm tra lần chót kế hoạch của ông Đính và báo cáo với tôi càng sớm càng hay.
Nhu bắt tay Luân, bước thật nhanh vào phòng làm việc.
Luân đủng đỉnh bước xuống bậc thềm, lên xe. Đầu óc anh căng thẳng, làm gì? Phải làm gì? Có thể làm gì? Làm với cái gì?
Xe dừng tận sân nhà mà Luân vẫn còn ngồi thừ, mãi tới khi bé Lý gõ vào cửa xe gọi “ba, ba”, anh mới chợt tỉnh.
… Một đêm trôi qua. Một đêm Luân không ngủ. Dung cũng không ngủ.
- Anh phải đến nhà chị Cả!
Nhà chị Cả là nơi có lần Ngọc đưa Luân đến tạm trú sau vụ Luân bị rượt đuổi ở Hoà Hưng, cách đây tám năm.
Dung không ngăn. Chắc chắn chỗ chị Cả an toàn, như những tài liệu công an mà Dung nắm.
Luân gọi Thạch. Gọi mấy lần. Thạch không thưa. Cửa phòng Thạch vẫn mở.
- Đầu hôm, cậu Thạch nói với tôi đi mua thuốc hút, nhờ tôi đóng cửa… Rồi tôi quên lửng…
Chị Sáu cho Luân và Dung biết bấy nhiêu
- Thạch bị bắt cóc! – Luân bảo Dung.
Thông cáo của Ban chấp hành Trung ương Phong trào phụ nữ liên đới:
Một vài hãng thông tấn nước ngoài nhằm đầu độc mối bang giao Mỹ - Việt đã thuật lại sai hẳn nội dung của nó một câu trong bài tuyên bố của bà Ngô Đình Nhu tại La Mã, và do đó gây ra một sự hiểu lầm trong một vài giới người Mỹ.
Lời tuyên bố đó, chính đã được bà Ngô Đình Nhu nói ra trong hoàn cảnh sau đây: để trả lời câu hỏi về cảm tưởng của bà Ngô Đình Nhu đối với cuộc viếng thăm của phái đoàn Mac Namara, bà chủ tịch đã nói rằng:
“Tôi rất hài lòng được biết ông Mac Namara tới Sài Gòn để xem công việc của người Mỹ ở đây được điều khiển ra sao. Một vài viên chức cấp dưới giúp việc tại các cơ quan Mỹ đã có những thái độ và hành động như những lính trẻ tuổi phiêu lưu giang hồ. Họ không hiểu nổi những gì đang xảy ra xung quanh họ. Do thái độ vô trách nhiệm của mình, họ đã dồn các cấp chỉ huy của họ theo một chính sách mơ hồ”
Danh từ “lính” đây không có nghĩa là quân nhân, chỉ có nghĩa là bọn phiêu lưu có mộng lập vương tại xứ người ta. Thế mà các hãng thông tấn nói trên lại bóp méo ra như sau:
“Những sĩ quan trẻ tuổi của Hoa Kỳ ở Việt Nam đã hành động một cách vô trách nhiệm như những tên lính trẻ tuổi phiêu lưu giang hồ”.
Người ta còn nhớ rằng trong mấy tuần lễ vừa qua, bà Nhu còn tố cáo “những kẻ phiêu lưu quốc tế” âm mưu phá hoại an ninh của Quốc gia Việt Nam.
Bà cố vấn đã nói rằng hạng người đó có lối một nửa tá. Các điện tín, báo chí đều đồng ý về điểm này. Và ai ở Sài Gòn cũng đều biết một nửa tá đó là dân sự, không phải quân sự Hoa Kỳ.
Bà Ngô Đình Nhu cũng đồng quan điểm rằng nhân dân Mỹ không được biết rõ về những sự thật ở Việt Nam tới mức đáng được biết, nhất là về vụ Phật giáo. Sở dĩ có tình trạng đó cũng vì chiến dịch đầu độc dư luận quốc tế trong đó “những kẻ phiêu lưu quốc tế” nói trên đã đóng một vai trò chủ chốt.
Chính bà Nhu đã nói tại La Mã về đám người nửa tá phiêu lưu quốc tế này.
Ngoài ra mới đây nhân việc một phái đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ có thể sẽ sang quan sát tại Việt Nam, bà Ngô Đình Nhu đã tuyên bố rằng phái đoàn đó sẽ được Việt Nam đón tiếp niềm nở, vì mọi cuộc thăm viếng như vậy sẽ giúp cho các vị đại biểu của nhân dân Mỹ hiểu biết tại chỗ tình hình Việt Nam, một tình hình thật sự rất khác hẳn những điều mà bọn nửa tá “lính trẻ tuổi phiêu lưu giang hồ” nói trên đã cố ý muốn làm cho nhân dân và chính phủ Hoa Kỳ tin theo lời họ nói.
Như vậy là rõ rệt: bà Ngô Đình Nhu không hề ám chỉ một binh sĩ nào, cũng như không hề chỉ trích tinh thần trách nhiệm và tinh thần hy sinh của các cố vấn quân sự Hoa Kỳ ở Việt Nam thuộc cấp trên cũng như cấp dưới. Vì theo lời khai của các thượng toạ, tăng ni và sinh viên, bọn phiêu lưu đang mộng lập vương kia đều thuộc giới dân sự cả.
Bà Ngô Đình Nhu cũng như tất cả các đoàn viên Phong trào phụ nữ liên đới Việt Nam bao giờ cũng kiên quyết và đích xác tố cáo những hành động đáng chê trách của bọn nửa tá phiêu lưu quốc tế đang tìm cách phá rối những mối giao hảo quốc tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Nhưng ngược lại, phong trào phụ nữ liên đới Việt Nam luôn luôn rất khâm phục cũng như rất biết ơn các cố vấn quân sự Mỹ và qua các vị này, phong trào liên đới cũng rất khâm phục và rất bíêt ơn nhân dân Hoa Kỳ, nhất là các bà mẹ và vợ con của các chiến sĩ Mỹ đang chiến đấu cho chính nghĩa chung Mỹ - Việt, tại Việt Nam cũng như các nơi khác trên thế giới.
Đó là một điều hợp với lý trí, công bằng và đoan chính.
*
**
Thạch bị bắt cóc… Không còn nghi ngờ gì nữa. Từ trước tới nay, chưa bao giờ Thạch vắng nhà nửa tiếng đồng hồ.
- Em gọi Nha cảnh sát đô thành nhé! – Dung gợi ý
- Em cứ gọi họ cử người đến đây… Song, anh linh tính Thạch không còn nữa…
Thấy Dung ngơ ngác, Luân nói thêm:
- Bọn bắt cóc khai thác Thạch, chúng cần nhanh. Làm sao giữ Thạch lâu được? Lộ hết… Và tới giờ này Thạch không về, có nghĩa là chúng không khai thác được gì ở Thạch và thủ tiêu chú ấy.
Nước mắt Luân trào. Dung ôm mặt, nức nở. Chị Sáu không hiểu, đứng chết trân.
- Bọn nào? – Dung hỏi
- Còn bọn nào nữa? Mai Hữu Xuân!
- Nên báo với Nhu không?
- Anh sẽ báo!
- Saroyan?
- Khoan… Đừng tỏ ra hốt hoảng. Rất có thể Jones Stepp đứng sau lưng Xuân.
- Em không nghĩ như vậy. CIA cần gì ở anh Thạch?
- Cần, rất cần. Họ dùng trắc nghiệm theo lối Mỹ để đánh giá anh thật chính xác. Họ muốn từng nghi vấn nhỏ phải được giải đáp trước khi họ xếp các quân cờ trên bàn cờ mới.
Chuông cổng reo. Một thiếu tá cảnh sát vào nhà.
- Người bảo vệ kiêm lái xe của tôi đi mất từ chập tối hôm qua… Anh ta bảo với chị nấu bếp là đi mua thuốc lá. Rồi, không quay về.
- Thiếu uý Thạch? - Người thiếu tá cảnh sát hỏi.
- Đúng.
- Đại tá cho phép tôi báo cáo về Nha bằng điện thoại, còn tôi sẽ phăng mối từ đây… Từ chỗ bán thuốc lá gần nhất. Tôi sẽ hỏi lực lượng công an chìm được bố trí quanh đây…
- Thiếu tá cứ làm nhiệm vụ…
Sau đó, Luân gọi điện cho Nhu, Nhu vặn lại: Liệu Thạch chơi bời đâu đó, chưa về? Luân khẳng định không thể có việc đó.. Tới lượt Nhu sửng sốt:
- Sao kỳ quặc đến thế! Ai dám?
- Vào lúc này, ai cũng dám cả - Luân trả lời.
- Chúng định cảnh cáo cả tôi à? Được, nếu quả Thạch bị bắt cóc hay bị một cái gì đó, chúng sẽ biết tay tôi.
- “Chúng” là ai? – Luân hỏi, hơi mỉm cười.
- Anh đừng hỏi đố tôi, cả anh và tôi đều biết “chúng “ là ai…
Mệnh lệnh số 5 của Tổng thủ lãnh thanh niên Cộng hoà
Qua tình hình quốc gia gần đây, anh chị em thanh niên chắc đã ý thức được tình thế trầm trọng trong quốc nội gây nên bởi sự hiệp đồng giữa những thế lực chống chế độ cộng hoà chúng ta trong và ngoài nước.
Nguyên nhân của sự trầm trọng đó là do một số sư sãi trong Tổng hội Phật giáo đã có những “hành vi, ngôn ngữ và thái độ bất chấp đến “ý chí hoà giải tột bực” của Tổng thống và chính phủ Việt Nam cộng hoà, coi ý chí hoà giải đó là biểu hiện của một sự nhu nhược.
Người ta biến các chùa chiền thành những trung tâm khuấy rối, khủng bố các vị chân tu, hàng ngày mạt sát và đả kích chính phủ. Rồi cứ thế được đà, người ta đã tiến tới những âm mưu vận động phá hoại an ninh quốc gia. Súng đạn đã được mang vào các chùa chiền, một mặt uy hiếp các vị chân tu, một mặt tổ chức đảo chính, người ta công khai thiết lập bàn giấy tuyển mộ những lực lượng chiến đấu dưới hình thức “tuyển mộ thanh niên bảo vệ Phật giáo”.
Toàn thể anh chị em thanh niên Cộng hoà cũng như toàn thể dân chúng đều thấy rõ hàng nghìn những sự việc thuộc loại trên không có tính chất tôn giáo, chỉ nhằm mục đích không giấu giếm là khuynh đảo chính phủ, phá hoại an ninh quốc gia. Những người ngoại quốc ở trên nước này vô tư và khách quan cũng điều công nhận điều đó là đúng.
Mặc dù thế, Tổng thống và chính phủ Việt Nam cộng hoà vẫn theo đuổi thực hiện ý chí hoà giải: luôn trong mấy tháng, vẫn nhẫn nhục đọc những bức thư mà Uỷ ban liên phái gửi tới, giọng khiêu khích và khinh mạn, vẫn chứng kiến những cuộc tụ tập để mạt sát chính phủ, để phổ biến những tài liệu ngoại quốc chống đối lại quốc gia Việt Nam. Chính phủ đã bãi bỏ lệnh giới nghiêm.
Thái độ nhẫn nhục của Chính phủ đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết đã bị nhiều người kết tội là nhu nhược và bị người ta hiểu lầm là “bất lực” không tìm được biện pháp thích nghi để giải quyết vấn đề Phật giáo.
Tới nay thì tình thế không cho phép Tổng thống và Chính phủ Việt Nam cộng hoà chờ đợi sự hưởng ứng của những phần tử đã tiếm đoạt danh nghĩa Tổng hội Phật giáo. Những cuộc vận động phá hoại an ninh quốc gia đã tới mức độ đòi hỏi Tổng thống và Chính phủ Việt Nam cộng hoà phải có thái độ cương quyết chặn đứng những hành động phá hoại trong quốc nội để kịp thời đối phó với Cộng sản.
Anh chị em thanh niên Cộng hoà tất phải tự hỏi tại sao “ý chí hoà giải tột bậc” của Tổng thống Việt Nam cộng hoà không được sự hưởng ứng của Tổng hội Phật giáo? Tôi có thể trả lời ngay rằng Uỷ ban liên phái đại diện cho Tổng hội Phật giáo đã bị một số người đầu cơ chính trị, lợi dụng tôn giáo khủng bố, thao túng và giật dây. Tôi tin rằng một ngày gần đây chính phủ cũng như nhân dân sẽ lột mặt nạ những kẻ đó và đưa ra ánh sáng.
Tôi tin rằng thái độ và hành động kiên quyết của những người chịu trách nhiệm về vận mệnh của Việt Nam cộng hoà sẽ mang lại bình ổn trong nước.
Nhiệm vụ của anh chị em thanh niên cộng hoà lúc này là đóng góp vào nỗ lực của lãnh đạo quốc gia. Một trong những công việc quan trọng của anh chị em là chấp hành kỷ luật, sát cánh cùng lực lượng an ninh và quân đội đập tan mọi mưu toan phản loạn, gây rối, ám sát, bắt cóc, cấu kết với ngoại bang. Không còn có thể nào lùi bước được nữa!
Nhân danh Tổng thủ lãnh thanh niên Cộng hoà, tôi đặt toàn bộ lực lượng thanh niên trong tình trạng trực chiến. Mệnh lệnh này cần được phổ biến rộng rãi bằng các phương tiện của quốc gia. Tôi uỷ nhiệm Phó Tổng thủ lãnh Cao Xuân Vĩ ban hành các biện pháp cụ thể và hữu hiệu. Ký tên: Ngô Đình Nhu…
Tổng thống Ngô Đình Diệm trả lời báo Pháp France Soir
- Sài Gòn – “Việc cần phải gây dựng tại miền Nam Việt Nam, là một cuộc cách mạng nhân dân chống Cộng Sản và hướng về nền kỹ nghệ hoá”, đó là lời tuyên bố của Tổng thống Việt Nam cộng hoà trong một cuộc phỏng vấn giành cho ký giả Eugene Manoni, đặc phái viên báo France Soir.
Tổng thống nói tiếp “cuộc chiến tranh hiện nay bắt buộc miền Nam Việt Nam phải thực hiện cuộc cách mạng đó một cách thận trọng, nhưng dầu sao đi nữa cũng phải thực hiện”.
Tổng thống Việt Nam cộng hoà cũng đã nhấn mạnh rằng: “chính trong bối cảnh lịch sử đó, trong cuộc chiến tranh không trận tuyến đó mà người ta cần phải tìm hiểu để có quan niệm khách quan về những người chỉ trích nhắm vào những người thân cận của tôi”.
Tổng thống giải thích thêm rằng “chúng tôi là một nước đang lâm vào cảnh chiến tranh, và không phải những người thân cận của tôi đã gây ra cuộc chiến tranh đó với những hậu quả của nó”. Tổng thống cũng đã nhấn mạnh rằng “chung quy chính tôi là người mà người ta đang tìm cách ám hại, bởi vì tôi không phải là một con bù nhìn, và cũng bởi vì tôi được quốc dân mến chuộng”.
Trong đoạn kết luận, Tổng thống nói: “Tất cả những người bạn của chúng tôi trong thế giới tự do cần phải giúp đỡ chúng tôi cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần, và nhất là đừng âm mưu chia rẽ chúng tôi trong lúc chúng tôi đang phải đương đầu với kẻ thù chung”.
- Câu hỏi thứ 1: Kính thưa Tổng thống, theo ý Tổng thống, người ta có thể rút ra được những bài học nào về những biến cố vừa qua ở quý quốc?
-Trả lời: Mọi người đều nói đến Cộng Sản và vấn đề kém mở mang. Nhưng, trong lĩnh vực chính trị cũng như trong lĩnh vực thông tin, rất ít người có trách nhiệm trong thế giới tự do hiểu được tận gốc, mà lại còn tỏ ra không chú tâm đến các vấn đề đó, mặc dầu những vấn đề đó là những hiện tượng trọng yếu của thế kỷ 20. Tại những quốc gia tiên tiến phương Tây, vấn đề Cộng Sản nội bộ được đặt ra một cách khác hẳn. Quả vậy, những tiến bộ kỹ thuật và kinh tế, thực hiện được một phần cũng nhờ sự khai thác các thuộc địa trong thời kỳ cực thịnh của chủ nghĩa tư bản, đã làm cho những cuộc tranh chấp xã hội và lý tưởng mất hẳn tính chất khao khát của nó. Như vậy, dĩ nhiên là những nhà lãnh đạo chính trị cũng như những nhà lãnh đạo dư luận không thể nào có được một ý niệm rõ rệt về điều kiện nhân sinh tại các nước chậm tiến. Thêm vào đó, lại còn có tệ trạng các quốc gia tiền tiến nghiễm nhiên nắm độc quyền trên thị trường quốc tế cũng như trong lĩnh vực phổ biến nền cao học. Tổng hợp lại các hiện tượng đó, người ta mới hiểu được các nỗi khó khăn mà những dân tộc như dân tộc chúng tôi đã vấp phải trong các mối bang giao với các nước tiên tiến, và cũng mới hiểu rõ được niềm thất vọng cũng như nỗi cay đắng của chúng tôi.
Tất cả những sự cách biệt về mặt kỹ thuật, kinh tế và tâm lý giữa các quốc gia tiền tiến và những quốc gia mới thâu hồi độc lập đều bị lợi dụng với mục đích gây ra một cuộc chiến tranh mà trong đó người ta dễ lâm vào cảnh đánh bạn hơn là đánh kẻ thù chung.
- Câu hỏi 2: Những người thân cận của Tổng thống đã bị chỉ trích. Người ta đã nghĩ như thế nào về lời chỉ trích đó?
- Trả lời: Đó cũng là một hình thức của cuộc chiến tranh không trận tuyến nhằm mục đích làm xáo trộn tình thế, và cô lập hoá chúng tôi. Chúng tôi đang ở trong tình trạng khẩn cấp, đạo quân thứ năm thuộc mọi phần tử, những vụ phản bội, những âm mưu phục kích, tình trạng chợ đen…
Mọi người đều có những kẻ thân cận của mình. Nhưng, người ta chỉ trích những kẻ thân cận của tôi với những lý luận cụ thể nào, ngoài những lời đồn đãi?
Tôi hoàn toàn đồng ý về điểm phải để ý tới những lời chỉ trích đó, nhưng không phải theo cái lối mà một vài người bạn theo phái tự do đã noi theo. Tôi thiết nghĩ rằng trước hơn hết phải phân tích cái gì là đúng và cái gì là không đúng trong những lời chỉ trích đó. Rồi phải có CAN ĐẢM CÔNG KHAI tỏ một thái độ khách quan về tất cả vấn đề này. Nếu chúng ta làm cách khác, thì cũng ví như chúng ta chấp nhận trước là sẽ bị đánh bại vì dư luận thế giới bị đầu độc bằng những mánh khoé vu khống và tin đồn thất thiệt – mà chẳng có ai dám đứng lên đánh tan những tin đồn đó – và như vậy là người ta đánh bại những người chống Cộng hữu hiệu nhất.
- Câu hỏi 3: Theo ý Tổng thống, thì có những biện pháp nào khả dĩ?
a) Tái lập được tình trạng hết căng thẳng ở quý quốc?
b) Đánh tan được cái trạng huống khó chịu mà người ta đã nhận thấy trong các mối bang giao Mỹ - Việt?
- Trả lời: Vì nhiều lý do nước tôi rất dễ bị mọi thứ chủ nghĩa xâm nhập, trong khi đang phải đương đầu với chiến tranh và phải cấp tốc giảm bớt sự chậm tiến quá lớn lao của mình về mặt kỹ thuật, kinh tế và xã hội.
Việc cần phải gây dựng tại miền Nam Việt Nam, là một cuộc cách mạng nhân dân và hướng về nền kỹ nghệ hoá, nghĩa là cần phải cố gắng gấp bội chứ không phải chỉ lo nghỉ ngơi. Đó là việc mà phần đông nếu không nói là tất cả, những quốc gia Á – Phi đang thực hiện
Vì đó là giai đoạn lịch sử, giai đoạn tiến từ nền văn minh này tới một nền văn minh khác, mà những nước ấy phải thực hiện cho được bằng xương máu của mình, không phải chỉ có một vài cải cách nhỏ nhặt không đáng gì là được đâu!
- Câu hỏi 4: Như vậy Tổng thống có nghĩ rằng lời tuyên bố mới đây của Đại tướng De Gaulle là có thể giúp được phần nào để tìm một giải pháp cho những nỗi khó khăn vừa qua chăng?
- Trả lời: Tôi rất khâm phục đại tướng De Gaulle vì ông là một nhà đại ái quốc, và lúc cần đến, ông dám có quyết định không được lòng dân ngay lúc đó, nhưng sau mới tỏ ra là có ích cho quyền lợi lâu dài của nhân dân Pháp.
Bây giờ không còn là thời kỳ mà người ta có thể chỉ định nghĩa dân chủ bằng những danh từ tự do chính trị và chính thể đại nghị; dân chủ ngày nay đòi hỏi phải có kỹ nghệ và kế hoạch; chính trị và các nghị viện cần phải đáp ứng theo sự đòi hỏi lịch sử đó.
Vả lại, Việt Nam không phải là nước Pháp. Việt Nam không còn hạ tầng cơ sở, cũng như không có các cán bộ như nước Pháp, và nhất là kém dân tộc Pháp về tinh thần yêu nước sáng suốt biết chống lại mọi sự xâm nhập của bất cứ phần tử ngoại lai nào.
Hiệu triệu của Đại đức Lâm E
Từ mấy tháng nay, sự tranh chấp cho năm nguyện vọng của Phật giáo đồ kéo dài quá lâu làm cho có người len lỏi và lợi dụng thời cơ để biến thành một cuộc đấu tranh có màu sắc chính trị.
Thật vậy, sau trường hợp đáng tiếc xảy ra ở Huế nhân ngày Phật đản 8/5/63, Chính phủ đã hết sức cố gắng dàn xếp mọi việc trong ý chí hoà giải. Nhờ thế bản “thông cáo chung” đã được ký kết vào ngày 16/6/63 làm toàn thể Phật giáo đồ toàn quốc vui mừng là đã chấm dứt được sự ngộ nhận của đôi bên. Nhưng trong Uỷ ban liên phái, một số người quá khích đã cố tình reo giắc căm thù, đào hố sâu chia rẽ giữa Phật tử và chính quyền làm cho tình trạng trở lại trầm trọng hơn trước đến nỗi Chính phủ phải ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn quốc.
Kính thưa toàn thể Phật tử
Sau những điều trình bày trên đây, toàn thể quý vị Phật tử đều thấy rõ là cuộc vận động của Phật giáo không còn nguyên vẹn ý nghĩa tôn giáo nữa.
Là Phật tử, chúng ta không thể nhắm mắt để cho những người chuyên lợi dụng, lấy đó làm đà để đấu tranh cho tham vọng cá nhân.
Nhân danh Đại đức Tăng trưởng và Chủ tịch Trung ương giáo phái Therevada tại Việt Nam, chúng tôi tuyên bố tự rút khỏi Uỷ ban liên phái và chúng tôi thành khẩn kêu gọi toàn thể Phật tử Việt Nam nói chung và các vị Đại đức tăng cùng các Phật tử giáo phái Therevada nói riêng, hãy bình tĩnh, sáng suốt tin tưởng vào sự tự do của chính quyền.
Hãy đề phòng, hãy cảnh giác đừng để cho những người lợi dụng đưa Phật giáo chúng ta vào con đường phiêu lưu vô định có lợi cho cộng sản.
Chúng ta cần phải thành tâm góp sức thực thi bản “thông cáo chung” để sớm chấm dứt tình trạng hiện tại.
Chúng tôi đặt cả niềm tin nơi sự sáng suốt của toàn thể Phật tử và thành tâm tin tưởng nơi sự anh minh của Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Ngô Đình Nhu ghi vào góc bản hiệu triệu của Lâm E lời phê bằng mực đỏ: “Gửi ông Lê Trọng Hiếu. Liệu Lâm E có thể tổ chức một cuộc tổng biểu tình gồm vài chục vạn người diễu hành trên đường phố để báo chí và đài truyền hình nước ngoài tường thuật, quay phim không? Tốn bao nhiêu, bảo Cao Xuân Vỹ”.
Ngô Trọng Hiếu gặp ngay Cao Xuân Vỹ. Cuộc mặc cả bắt đầu.
- Tôi có thể huy động hai chục nghìn người…
- Tốt lắm. Nhưng phải hai chục nghìn tín đồ Phật giáo, và ít ra cũng vài nghìn nhà sư cả phái Therevada và các phái khác - Vỹ bảo.
- Cần tới vài nghìn nhà sư sao? - Hiếu lo lắng.
- Chứ sao! Vài nghìn là ít…
- Hơi khó… Áo vàng thì dễ, áo dà không may kịp… còn cạo tóc nữa!
- Chẳng lẽ ông tổ chức một cuộc biểu tình của dân thường? Đó là việc của tôi. Tôi có thể trong ngày tập hợp bốn năm chục nghìn thanh niên Cộng hoà. Song, ông cố vấn muốn cuộc tổng biểu tình giới Phật giáo kia!
- Ông chi chừng bao nhiêu tiền?
- Tuỳ ông… Mỗi “tín đồ” hai trăm đồng được không?
- Ít quá, ba trăm…
- Ừ, ba trăm. Còn mỗi nhà sư?
- Sư của Lâm E và mấy ông thầy cúng thì giá hơi cao, hai nghìn đồng một người, riêng Lâm E và các tay trùm phải tính bạc vạn…
- Cũng được.!
- Bạc Việt hay đôla?
- Sao lại đôla?
- Lâm E và các tay trùm đòi đôla…
- Họ đòi hay ông đòi?
- Tôi đòi làm gì! Cần lối hai chục ngàn đôla. Không có thì không tổ chức nổi.
- Tôi phải xin ý kiến ông cố vấn…
- Chớ! Chớ! Tôi với ông thoả thuận là xong mà…
- Vậy tôi ghi ba chục nghìn đôla…
- Phần ông bao nhiêu?
- Tôi một nửa, ông một nửa…
- Ít quá, ghi năm chục nghìn đi! Tôi mười lăm nghìn, ông mười lăm nghìn…
- Ôkê!
- Còn nữa…
- Cái gì?
- Mướn báo, truyền hình… Năm chục nghìn đôla thêm…
- Ông đừng chơi trội! Tôi được chia bao nhiêu?
- Thôi, ông lấy mười nghìn vậy!
- Ôkê! Nhưng, nhắc ông: ông cố vấn sẽ đếm người biểu tình, không đủ số thì khó mà nuốt trôi…
- Đếm làm sao nổi?
Cuộc biểu tình dự định chưa kéo đi đã giải tán: gom góp không được một nghìn người.
Ngô Trọng Hiếu và Cao Xuân Vỹ sợ mất mật. Nhưng, Nhu quên cái lệnh của anh ta…
*
**
Báo cáo của Nha cảnh sát đô thành về trường hợp Thạch như sau:
Bảy giờ tối, Thạch đến chỗ bán thuốc lá đường Đinh Tiên Hoàng, mua một tút Bastos xanh. Người bán thuốc quen mặt Thạch nên không thể lầm lẫn. Thạch cầm tút thuốc rời chỗ bán thì có một chiếc xe hơi chờ sẵn, vì bóng tối, người bán thuốc không rõ điều gì xảy ra, xong thấy hình như có cãi cọ hay xô đẩy gì đó, rồi xe chạy. Thạch lên xe hay không người bán thuốc không rõ… Xe du lịch, sơn màu hột gà; hiệu và biển số xe thì người bán thuốc không thể biết.
Một cảnh sát viên gác ngã tư Tự Đức – Đinh Tiên Hoàng – cách nơi bán thuốc chừng năm mươi thước và cách chiếc xe chừng ba mươi thước cho biết: Vào lúc bảy giờ, một xe Peugeot 240 dừng dưới bóng tối do tàn cây che khuất đèn, hai người xuống xe, đón một người từ nơi bán thuốc lá đi tới, hỏi han việc gì đó, hình như ấn người cầm thuốc lá vào khoang sau, và xe phóng chạy; người cảnh sát chỉ kịp thấy biển xe mang chữ NBO, còn số thì nhìn không kịp, nhưng chắc chắn con số bắt đầu bằng số 2. Xe phóng thẳng đường Đinh Tiên Hoàng, không rẽ qua Phan Thanh Giản.
Một cảnh sát viên gác ngã tư Phan Thanh Giản – Đinh Tiên Hoàng cho biết: Chiếc NBO vượt đèn đỏ, anh thổi còi, song xe phóng luôn. Không kịp đọc số xe vì một xe tải che khuất, nhưng anh chắc chắn người ngồi cạnh tài xế, qua đèn đường, có bộ mặt choắt và hình như cằm mọc một chùm lông đen…
Tin của Việt tấn xã
Gần đây báo chí nước ngoài đề cập đến một cuộc vận động của chính phủ Việt Nam cộng hoà qua một nhân vật ngoại giao thuộc một nước thứ ba để tiến tới sự dàn xếp gặp gỡ giữa chính phủ Việt Nam cộng hoà và chính quyền Cộng sản Bắc Việt. Đó là loại tin đầy ác ý. Việt tấn xã được phép bác bỏ sự bịa đặt lố bịch kia.
Thông cáo về phái đoàn điều tra của Liên hiệp quốc
Ngày 24 tháng 10, với sự thoả thuận của chính phủ Việt Nam cộng hoà, một phái đoàn của Liên hiệp quốc sang Sài Gòn để điều tra về cái gọi là “vấn đề Phật giáo”, theo nghị quyết ngày 7 tháng 10 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã tới Sài Gòn trên chuyến bay thường lệ của Pan America. Phái đoàn mang bức thư riêng của Tổng thư ký Liên hiệp quốc U Thant gửi Tổng thống Ngô Đình Diệm và nghị quyết Đại hội đồng Liên hiệp quốc do chủ tịch khoá này là Carlos Sosa Rodriquez ký. Phái đoàn gồm có: Abdul Rahman Pazhwak, A Phú Hãn, trưởng đoàn và các đoàn viên, các ông: Correa Da Costa, đại diện Ba Tây: Seneral Gunewardere, đại diện Tích Lan, Fernado Volis Jimenez, đại diện Costa Rica; Louis Ignacioi Pinto, đại diện Dahomey; Ahmeh Tabi Benhima, đại diện Maroc, Matrica Prasad Koirala, đại diện Nepal
Mọi phí tổn của phái đoàn do Liên hiệp quốc đảm nhiệm để bảo đảm cho sự vô tư của cuộc điều tra. Tổng chi phí ước tính 33 nghìn đôla Mỹ.
Đón phái đoàn tại phi cảng Tân Sơn Nhất có ngoại trưởng kiêm nhiệm Trương Công Cừu.
Theo dự tính, ngày 25 tháng 10, phái đoàn sẽ được Tổng thống Việt Nam cộng hoà tiếp.
Lần đàu tiên, Sài Gòn nhắc đến Hà Nội
Tin A.P - Việt tấn xã, cơ quan thông tin chính thức của Chính phủ Việt Nam cộng hoà vừa phát một số đoạn trong bài xã luận của tờ “Nhân dân” cơ quan trung ương của Đảng Lao động (Cộng sản) Bắc Việt. Đó là những đoạn mà Hà Nội lên tiếng kịch liệt phản đối việc Đại hội đồng Liên hiệp quốc cử đoàn điều tra sang Sài Gòn để thu thập tài liệu về vụ Phật giáo. Theo “Nhân dân”, việc làm này là “một thủ đoạn của đế quốc Mỹ nhằm tước đoạt danh nghĩa của Liên hiệp quốc và bành trướng sự can thiệp cùng chiến tranh xâm lược tại miền Nam Việt Nam, vi phạm thô bạo hiệp định Geneve năm 1954 về đình chỉ chiến sự và giải quyết hoà bình vấn đề Đông Dương. Cũng theo “Nhân dân”, việc điều tra phải thuộc thẩm quyền của Uỷ hội quốc tế…
Đây là lần đầu tiên trong vòng tám năm nay, Việt tấn xã trích trung thực những đoạn của tờ “Nhân dân” và điều đáng lưu ý là Việt tấn xã không hề để vào ngoặc kép những từ “đế quốc Mỹ”, “chiến tranh xâm lược”, “vi phạm thô bạo hiệp định Geneve”… Người ta có thể hiểu rằng Sài Gòn muốn cho thấy, trên một số vấn đề nào đó, họ không khác ý kiến của Hà Nội, điều mà trước đây họ coi như cấm kỵ. Đồng thời Sài Gòn, qua nguồn tin này, thả chiếc bóng thăm dò nhiều phía - cả Bắc Việt lẫn Mỹ.
*
**
Mặc dù rất lo lắng cho số phận của Thạch – và anh đã hình thành trong đầu phương án hành động sau khi đọc đoạn báo cáo của Nha cảnh sát đô thành liên quan đến gã ngồi cạnh tài xế chiếc Peogeut – “có bộ mặt choắt và chùm lông trên cằm” – Luân vẫn đến nhà chị Cả. Chỉ cách này, mong manh song còn hy vọng, anh tìm liên lạc với lãnh đạo.
Luân đỗ xe trước Bar Kim Sơn; bây giờ thì anh phải tự lái, gọi cà phê. Luân ung dung uống, kín đáo quan sát. Không có “cái đuôi” nào bám theo anh. Căn phố lầu số 31 bên kia đường Trần Hưng Đạo mang bảng hiệu: Hồng Hoa store. Anh không nhớ lần Ngọc dẫn anh trốn, cửa hàng này có chưa? Và chị Cả còn ở đấy không? Anh ngó lên tầng lầu, cửa đóng kín. Phải sang hỏi thôi…
Anh băng qua đường, vào cửa hiệu
- Ông đến có việc gì? - Một trung niên ngồi sau chiếc bàn chất đầy giấy tờ, đứng lên lễ phép hỏi Luân.
Cả căn phố bày la liệt mẫu hàng cùng với những bánh, những thùng – có vẻ đây là một hiệu buôn đồng thời kho hàng vải sợi.
- Tôi xin hỏi: người chủ căn phố này còn ở đây không? Tôi muốn thăm, tôi là bà con…
- Ông là bà con với bà chủ nhà?
- Dạ, đúng vậy! - Hai tiếng “bà chủ” khiến tim Luân đập mạnh
- Bà chủ ở tầng trên… Ông đến thang lầu cách đây ba căn
Luân theo chỉ dẫn, gõ cửa tầng trên
- Ai đó? - một giọng phụ nữ hỏi. Giọng trẻ, không phải của chị Cả.
- Tôi là bà con của chị Cả…
- Chị Cả nào? Ở đây, không ai là chị Cả… - Rõ sàng, sau cánh cửa, đôi mắt qua một lỗ nhỏ nhìn Luân
- Vậy là tôi nhầm. Xin lỗi – Luân chán nản, quay lưng
- Ông kỹ sư! - Vẫn giọng đó và một luồng lạnh chạy theo cột sống của Luân - nhất thời anh chưa phân định được mừng hay sợ.
Cánh cửa hé – hé một chút
- Mời ông vào!
Luân lách qua cửa. Cửa khép sau lưng anh. Gian nhà hơi tối. Luân chỉ nhận ra một bóng nhỏ nhắn. Đèn bật sáng. Luân sững sờ: Mai đứng trước mặt anh.
Anh chụp tay Mai, siết mạnh:
- Cô bình yên!
Luân không giấu nỗi mừng. Mai thoát khỏi tay Trần Kim Tuyến, điều thật lạ.
- Mời ông kỹ sư ngồi!
Mai trở chiếc ghế tựa. Vẫn là chiếc ghế tựa năm xưa, khi anh được Ngọc đưa đến đây, sau trận bị bộ hạ của Mai Hữu Xuân truy đuổi ở Nhị Tì Quảng Đông, năm 1955.
- Tôi bình yên, nhờ ông kỹ sư… Ông kỹ sư nhắc tôi mấy lần về tâm địa của đảng Đại Việt – Mai nói, giọng xúc động – Tôi chuyển chỗ ở trước. Quả, gần trưa ngày 27/2, công an chụp căn phòng tôi ở…Không có dấu vết gì. Tất nhiên, do Phạm Phú Quốc khai…
Giọng Mai bỗng như lạc:
- Chú tôi…
Cô ôm mặt khóc. Thế là, Luân hiểu, người lao công Sở thú không còn nữa – cái chết thảm khốc ở P42, mồi cho một con cọp nào đó…. Luân chợt nhớ tới Ngọc. Chiếc đi văng kia! Anh lấy khăn lau mũi. Mai khó đoán lý do cái đau của Luân.
- Mỗi người trong cuộc chiến đấu này đều phải chịu mất mát… - Luân nói thầm.
Anh hỏi con của Mai
- Tôi gửi đi xa…
Người mẹ ngậm ngùi nghe nhắc con, nhưng Luân tìm thấy trong câu trả lời của Mai sự yên tâm - hẳn cô đã gửi con ra miền Bắc. Luân không dám hỏi tin chồng Mai. Đủ rồi…
Bây giờ, Luân ngắm Mai. Cô gày rạc, tóc lốm đốm bạc. Trong khoảnh khắc, Luân nhớ liền khuôn mặt của Mai giống một người…
- Chú Sáu khoẻ không, cô?
- Chú Sáu nào? – Mai hơi bối rối
- Tôi tin chú Sáu là ba cô…
Mai ngó Luân trân trối:
- Tại sao ông kỹ sư biết ba tôi?
- Biết. Biết và chịu ơn…
Luân thuật vắn tắt cho Mai nghe trường hợp chú Sáu giúp Luân an toàn ra khỏi trạm kiểm soát của công an trên đường Phụng Hiệp đi Cần Thơ khi anh rời chiến khu về thành…
- À, tôi có nghe ba tôi nói. Ba tôi nói một cán bộ rất lớ ngớ trước công an… Không ngờ người đó là ông kỹ sư
Không khí bỗng nhẹ nhàng. Bao nhiêu hình ảnh buổi ban sơ vụt sống lại. Luân hơi mỉm cười. Đúng, anh lớ ngớ thật, anh nghi kỵ, sợ hãi nữa. Nhưng, người anh gặp lại là chú Sáu, một người dân tốt bụng. Dẫu sao, người tốt bụng vẫn đông hơn…
- Chắc chú Sáu vào khu…
Mai không xác nhận và cũng không phủ nhận
- Chị Cả vẫn ở đây?
- Vẫn ở đây… Chị đi chợ, sắp về…
- Có tin gì của anh Cả không?
- Có..
Hai người thầm thì một lúc.
*
**
Bị kẹp giữa hai người lưng nách. Thạch không thể vùng vẫy. Hai khẩu súng chọc hai bên thông Thạch đau nhói – còn khẩu súng của anh, chúng tước ngay khi ấn anh vào xe.
- Mày ngồi yên! Hễ kêu lên hay ra dấu cho tụi cảnh sát gác đường thì coi như mày theo ông bà ông vải ngay lập tức…
Gã ngồi băng trước, quay lại doạ Thạch.
- Thiếu tá Hùng, như vầy là sao?
Thạch hỏi. Thiếu tá Hùng chẳng xa lạ gì với Thạch.
- Là sao? – Hùng cười khẩy – là như vậy đó!
- Các ông làm sai luật. Tôi là người của Nha cảnh sát… - Thạch vẫn nói cứng.
- Im! - Thiếu tá Hùng quát - Luật lệ là cái con mẹ gì? Mày sẽ trả lời, chút nữa thôi. Nên nhớ mày chỉ có nhiệm vụ trả lời chớ không được cãi. Hiểu chưa con?
Xe quay về đường Hiền Vương, chạy một lúc, rẽ ngoặt vào một hẻm tối om.
Thạch hiểu số phận của anh: khi thiếu tá Hùng không cần giấu mặt thì có nghĩa là chúng sẽ khử anh.
Xe chui qua một cổng đã mở sẵn. Khi cánh cửa sắt đóng lại, hai gã kè Thạch bước lên bậc thềm một ngôi biệt thự.
- Còng nó lại! - Thiếu tá Hùng ra lệnh.
Thạch bị đẩy vào một chiếc ghế.
- Mày muốn sống hay muốn chết? – Hùng hỏi.
Thạch bây giờ thấy sợ.
- Ai mà không muốn sống!
- Ừ, biết điều đa! – Hùng cười hô hố, chùm lông cằm rung rinh.
- Mày biết thiếu tá Lưu Kỳ Vọng?
Tất nhiên là Thạch biết tay trưởng Ty cảnh sát Kiến Hoà.
- Tại sao thiếu tá Vọng chết?
Thạch thuật lại những điều anh chứng kiến ở Trúc Giang. Anh chưa lấy lại bình tĩnh nên không rõ lý do cuộc cật vấn này - Thiếu tá Vọng và thiếu tá Hùng vốn là bạn chí thân.
- Tao không hỏi mày chuyện đó. Tao hỏi mày vậy chớ thiếu tá Nguyễn Thành Luân tổ chức giết thiếu tá Vọng như thế nào? - Giọng Hùng gay gắt.
- Dạ, tôi đâu rành… Tôi… - Thạch lắp bắp.
- Mày rành! Mày phải rành! Ở bên cạnh thằng Luân mà mày không rành sao được…
Thạch chưa bao giờ nghĩ Luân dính vào một tội ác. Tuy sợ, anh vẫn lắc đầu:
- Không có chuyện đó đâu…
- Hà? Mày không chịu khai hả? - Thiếu tá Hùng chồm tới, dang tay định tát Thạch.
Cửa phòng xịch mở. Thiếu tá Hùng vội thu tay về, đứng thẳng người:
- Kính chào thiếu tướng!
Thạch nhìn lên, gặp nụ cười của Mai Hữu Xuân
- Sao lại còng thiếu uý Thạch? – Xuân nghiêm mặt.
Còng được tháo.
- Ta bắt đầu - Xuân ngồi xuống ghế, đối diện với Thạch. Thiếu tá Hùng vẫn đứng.
- Thiếu uý uống cà phê? – Xuân hỏi Thạch.
Không đợi Thạch trả lời, thiếu uý Hùng bước ra ngoài.
- Tụi nó chắc làm thiếu uý sợ… Không có gì nguy hiểm đâu, thiếu uý cứ yên tâm.. Xuân nhồi thuốc vào pipe sau đó, nhấc bao thuốc Capstan về phía Thạch.
- Hút đi!
Thạch hoang mang thực sự. Lạ lùng quá. Anh rút điếu thuốc mà tay lẩy bẩy.
Thiếu tá Hùng trở vào với hai tách cà phê, rón rén đặt lên bàn.
- Mời thiếu uý! – Xuân bảo.
- Chắc thiếu tá Hùng vừa cật vấn với thiếu uý về cái chết của thiếu tá Lưu Kỳ Vọng, đúng không?
Thạch khẽ gật đầu, lấm lét ngó Hùng
- Tầm bậy! – Xuân xoay người nhìn thiếu tá Hùng - Thiếu tá lẫn lộn chuyện chung với tình cảm riêng tư… Ta cần thiếu uý Thạch ở điểm khác.
Thạch không thể phân biệt Xuân khiển trách Hùng thật hay giả. “Họ cần gì ở mình?”. Thạch hớp một tách cà phê mà như hớp một thứ nước đăng đắng chẳng ra mùi vị, dù Thạch nghiện cà phê.
- Tôi muốn thiếu uý trả lời mấy câu hỏi của tôi, mấy câu hỏi bình thường thôi… - Xuân hút thuốc, phả làn khói xám toả rộng, quanh ông ta - Thiếu uý làm việc với đại tá Nguyễn Thành Luân bao năm rồi?
- Dạ, tám năm…
- Lâu dữ há?
- Dạ, cũng lâu…
- Thiếu uý có khi nào định xin thôi việc cạnh ông Luân không?
- Dạ… dạ không…
- Tại sao?
- Dạ, ông Luân đối với em rất tốt…
- Vợ anh ở Thân Cửu Nghĩa, Mỹ Tho?
- Dạ, phải.
- Vùng do Việt Cộng kiểm soát?
- Dạ, không. Vùng cửa an ninh…
- Nghĩa là ban đêm thì Việt Cộng, ban ngày là quốc gia?
- Dạ
- Tại sao anh không đưa vợ con anh lên Sài Gòn?
- Dạ, em còn cha mẹ già, còn miếng vườn. Lên Sài Gòn sống không nổi.
- Ừ, ừ… Tại sao gia đình anh không bị Việt Cộng làm khó dễ?
- Em không biết…
- Ừ, ừ… Nhà anh có ai theo Việt Cộng không?
- Dạ, không.
- Tôi hỏi chơi anh. Chớ nếu có người theo Việt Cộng, anh làm sao biết được. Ở xóm anh, người ta biết anh bảo vệ ông Luân không?
- Dạ, gia đình em giấu việc này… Dân thì không biết, nhưng một số người trong hội đồng hương, chính đồn trưởng, chỉ huy trưởng sân bay Thân Cửu Nghĩa biết.
- Tại sao hôm rồi vợ anh đau nặng, gọi anh về, anh lại không về?
- Dạ, em ngại…
- Ngại cái gì?
- Ngại Việt Cộng gài bẫy…
- Ừ, ừ… Rồi anh báo với đại tá?
- Dạ.
- Đại tá cho xác minh. Chỉ huy sân bay trả lời vợ anh không ốm. Phải không?
- Dạ, phải.
- Nếu bây giờ tôi báo với anh vợ con bắt bị bắt, anh tính sao?
Thạch rơi điếu thuốc, mồ hôi rịn.
- Dạ… vợ con em bị bắt… dạ, ai bắt?
- Việt Cộng chớ còn ai
Xuân ngó chăm chăm nét mặt của Thạch và, Thạch đã tỏ ra không đủ bản lĩnh trước một tay mật thám cỡ Xuân: anh thở phào, tuy nhè nhẹ mà cả Xuân và Hùng đều nghe, mặt anh giãn ra.
- Đủ rồi… - Xuân cười nửa miệng – Anh có cảm tình với Việt Cộng nếu không nói anh chính là Việt Cộng!
- Thiếu tướng dạy sao? - Thạch dường như nghe nhầm – Em mà Việt Cộng?
- Anh đừng đóng kịch nữa.. Hoặc anh nghĩ đến việc nhờ đại tá Luân can thiệp để Việt Cộng thả vợ con anh.
Nghe vợ con bị Việt Cộng bắt, Thạch hết sợ. Vì anh tin Việt Cộng không cớ gì hãm hại vợ con anh như anh từng theo dõi các vụ trừng trị của Việt Cộng; anh không phải hạng ác ôn. Nhưng, câu sau của Xuân thì anh chưa nghĩ tới - thật kỳ cục nếu Luân can thiệp và nếu như vậy thì chắc chắn Việt Cộng sẽ trị vợ con anh. Việt Cộng từng nhiều lần khử Luân.
- Dạ không. Việt Cộng mà nghe em là người của đại tá thì họ giết vợ con em liền! Việt Cộng oán đại tá thấu xương….
Đôi mắt sắc của Xuân xoáy vào Thạch. Kinh nghiệm nghề nghiệp của ông ta kết luận là Thạch nói thật.
- Việt Cộng không oán đại tá Luân đâu. Anh thử xin đại tá giúp cho… - Xuân tiếp tục trò chơi dụ dẫn tuy ông ta đã có phần cụt hứng.
- Dạ… em không dám! - Thạch trả lời xuôi xị.
- Thôi được. Tôi hỏi anh, anh muốn đặc cách lên lon đại uý không?
- Dạ, muốn thì muốn nhưng em chỉ theo đúng quy định chung, cấp trung uý đã quá sức em rồi…
- Tôi tặng cho anh một cơ hội lớn. Vừa rồi anh và đại tá đi đâu?
- Thưa, đi “Tam giác vàng”…
- À! – Xuân chống tay lên cằm, cau mày – Anh thuật cho tôi nghe chuyến đi của anh… Thật tỉ mỉ!
Trong lúc Thạch thuật. Xuân lim dim mắt, chốc chốc hỏi xen. Thạch thuật xong, Xuân lại ngồi thừ.
- Một chuyến đi chỉ với mục đích nghiên cứu bảo vệ nơi sản xuất bạch phiến… - Xuân như tự nói.
Rồi ông ta bỗng hoạt bát hẳn.
- Anh ký tên vào tờ cung.
- Dạ. Tờ cung gì?
- Tờ cung về việc đại tá Nguyễn Thành Luân buôn lậu bạch phiến… Anh ký xong, ngày mai sẽ nhận được quyết định thăng đại úy.
Thạch cắn môi. Không thể làm việc tồi bại như vậy được. Đại tá đâu có buôn bạch phiến.
- Dạ, em sẽ ký tờ cung như em vừa trình với thiếu tướng… Em không mong được thăng đại uý, em cũng không thể nói sai sự thật. Đại tá không đi buôn, buôn bất kỳ thứ gì, chứ đừng nói đến á phiện…
- Anh thật ngu! Anh nhất định không ký?
Thạch dứt khoát: - Dạ!
Mai Hữu Xuân hất đầu ra hiệu cho thiếu tá Hùng. Thạch đoán: anh sắp chết. Tự nhiên, nước mắt anh trào. Anh sắp quỳ xuống xin Xuân tha mạng.
- Anh ký chớ?
Thạch ngồi vững lại, không thể ký. Vợ Thạch từng dặn Thạch ăn ở với Luân sao cho phải… và, Luân Dung đối đãi với Thạch… Không thể ký!
Anh lắc đầu, chấm dứt mấy phút nặng nề mà Xuân hau háu nhìn anh. Xuân vỗ bàn, không nói gì, đứng phắt lên. Thạch biết, thế là hết. So với lần ở khách sạn Vị Lai, anh tuyệt vọng.
Thiếu tá Hùng bấm chuông. Ngay lúc đó, một sĩ quan bước vào… Thạch lạnh toát người nhưng, viên sĩ quan dập gót chân báo cáo.
- Trình thiếu tướng, trung tướng Jones Stepp nói chuyện điện thoại với thiếu tướng.
Mai Hữu Xuân vội vã ra khỏi phòng. Tiếng Xuân văng vẳng ở điện thoại. Bây giờ, một người nữa bước vào, một gã đen trũi, áo phanh ngực bày dấu xăm xanh lè, cặp mắt ti hí lừ lừ của thiếu tá Hùng, đưa chiếc còng vào tay Thạch. Đã đến lúc phải liều, Thạch chụp chiếc còng và đánh cùi chỏ thật mạnh vào bụng gã, rồi lao vào thiếu tá Hùng. Gã đen trũi đau quá, ôm bụng, sụm xuống. Thiếu tá Hùng bị bất ngờ, không kịp tránh chiếc còng vụt vào đầu hắn vang một tiếng “bốp” khô khan. Hùng té ngửa. Thạch định tước súng Hùng, và anh tính, nếu Mai Hữu Xuân bước vào, anh sẽ bắn…. Rồi ra sao thì ra… Thạch chưa mở được bao súng của Hùng thì cửa mở.
- Cái gì? – Mai Hữu Xuân kinh ngạc và ông ta hiểu liền.
- Đừng lộn xộn, đứng dậy, đưa tay lên… - Xuân ra lệnh cho Thạch, hai vệ sĩ giương nòng tiểu liên về phía Thạch.
- Trung tướng Jones Stepp sẽ đến đây trong mươi phút nữa để gặp thiếu uý… - Xuân bảo Thạch.
Gã đen trũi và Hùng được đỡ ra khỏi phòng. Máu tuôn ướt đẫm mặt Hùng. Việc lau quét khẩn trương. Xuân mời Thạch ngồi và ông ta cũng ngồi. Xuân nhìn Thạch khá lâu.
- Đại tá Luân dạy một bảo vệ đúng là một bảo vệ…
- Tôi không rõ đã phạm tội gì mà các ông cư xử tệ như vậy… Thiếu tướng ra lệnh trả khẩu súng của tôi cho tôi… Tôi muốn nói chuyện với đại tá!
Thạch đổi cách xưng hô, không thèm ngó Mai Hữu Xuân. Anh không cần biết Jones Stepp đến là tốt hay xấu với anh.
- Chi mà gấp… Gặp trung tướng Mỹ xong, ta sẽ tính… - Xuân nói, giọng đủng đỉnh.
“Ta sẽ tính?” Nghĩa là mạng sống của Thạch chỉ được kéo dài thêm một ít nữa. Không! Thạch mím môi.
Jones Stepp vào phòng. Xuân chào theo điều lệnh còn Thạch chỉ đứng lên.
Jones bắt tay Thạch, người thông ngôn ngồi cạnh. Cửa ra vào, hai quân cảnh Mỹ thay thế cho hai vệ sĩ của Xuân.
- Thế nào? – Jones hỏi Thạch
- Tôi xin phép được nói chuyện với đại tá Luân - Thạch nhắc đòi hỏi lúc nãy.
- Chưa được! – Jones trả lời lạnh lùng. Jones bước ra ngoài cùng Xuân. Hai quân cảnh vẫn lăm lăm tiểu liên.
Ngoài hành lang, Jones bảo Mai Hữu Xuân:
- Đại tá Nguyễn Thành Luân gọi điện thoại cho tôi về vụ người bảo vệ kiêm lái xe của ông ấy mất tích và đại tá quả quyết thiếu tướng là tác giả. Cả ông Ngô Đình Nhu cũng nghĩ như ông Luân…
Mai Hữu Xuân hiểu rằng Jones, qua vụ này, đánh giá nghề nghiệp của ông ta. Tai Xuân nóng bừng.
- Chỉ vì cảnh sát nhận dạng được người của thiếu tướng. Mặt như khỉ, có chòm lông ở cằm… Một chi tiết không đáng kể nhưng nó phá vỡ mọi công phu của thiếu tướng.
Mai Hữu Xuân bực dọc. “Cái thằng Hùng, bảo nó cạo quách chòm lông, nó không nghe. Phen này, mày sẽ chết với tao!”. Xuân nghĩ trong bụng.
- Thiếu uý Thạch! Tôi chỉ muốn hỏi thiếu uý một câu thôi – Jones trở vào phòng, bắt đầu hỏi.
- Thưa trung tướng, trước khi trung tướng hỏi và, dĩ nhiên tôi có phận sự phải trả lời ngay thẳng, tôi xin phép trung tướng cho biết vì sao tôi bị bắt, bị xử tử?
- Xử tử?… - Jones trố mắt
- Dạ phải… Nếu trung tướng đến trễ…
- À, ra vậy… - Jones quay sang Mai Hữu Xuân – Tí nữa, thiếu tướng sẽ giải thích cho tôi hiểu… Còn bây giờ - ông trở lại với Thạch – tôi giải thích ngay cho thiếu uý về lí do tôi hỏi thiếu uý. Thiếu uý là người luôn đi sát đại tá Luân, theo thiếu uý, sở thích của đại tá là gì?
- Tôi chưa hiểu thật rõ câu hỏi của trung tướng - Thạch đáp lại, rụt rè
- Chẳng hạn, có bao giờ đại tá muốn có một đồn điền, một nhà máy… ở Việt Nam hoặc ở ngoại quốc?
Thạch lắc đầu. Quả là anh chưa từng nghe Luân nói một việc tương tự như vậy.
- Hoặc là đại tá muốn mở một tài khoản ngân hàng ở Hồng Kông hay Thuỵ Sĩ…
Thạch lắc đầu.
- Hoặc đại tá muốn trở thành một nhân vật chính trị, một tướng lĩnh, một bộ trưởng?
Thạch vẫn lắc đầu
- Thiếu uý không nghe nhưng ít ra cũng đoán được… Có khi nào đại tá phàn nàn ông Diệm, ông Nhu?
- Có… - Thạch gật đầu – Có một số lần, thậm chí gọi ông Diệm, ông Nhu, bà Xuân là ngu.
- Về việc gì?
- Tôi không nhớ hết, song về nhiều việc. Tôi nghe lỏm khi ông bà đại tá trao đổi với nhau. Gần đây, đại tá phiền vụ Phật giáo…
- Đại tá có khó chịu về “Tam giác vàng” không?
- Tôi đoán, chắc có…
- Suốt thời gian đại tá đi, ở, về trong chuyến “Tam giác vàng”, thiếu uý không rời đại tá?
- Dạ, không…
- Cả ban đêm?
- Dạ, tôi ngủ chung phòng với đại tá.
- Đại tá thường nghe radio không?
- Không thường lắm…
- Nghe đài nào?
- Tôi không rõ, những khi tôi gặp, đại tá thường nghe đài tiếng Anh…
- Thú tiêu khiển của đại tá là gì?
- Câu cá, đi bách bộ, nghe nhạc, nhất là xem sách.
- Còn thể thao?
- Đại tá tập thể dục nhiều, thỉnh thoảng chơi tennit
- Uống rượu? Rượu gì?
- Ít lắm… Bia là chính.
- Thuốc lá?
- Hút nhiều…
Thạch vừa trả lời vừa ngó Jones Stepp, có vẻ lạ lùng về các câu hỏi linh tinh kia.
- Đại tá thích ăn món gì? Cá, thịt?
- Cá…
- Vợ chồng đại tá đầm ấm không?
- Đầm ấm
- Đại tá thường gặp người anh, kỹ sư Gustave?
- Lâu lâu một lần.
- Con của kỹ sư Gustave có đến nhà đại tá không?
- Cũng lâu lâu…
- Ông bà đại tá thường đến nhà bác sĩ Soạn không?
- Chiều chủ nhật, nếu đại tá không bận.
- Khách đến nhà đại tá là những ai?
- Nhà ít khác… Trung tá James Casey, trung tá Nguyễn Thành Động, thiếu tướng Lâm, nhà báo Fanfani và…
Thạch bỗng ngập ngừng
- Và bà Saroyan! – Jones Step nói luôn
- Dạ…
- Trước khi rời Sài Gòn, bác sĩ Tuyến có gặp đại tá?
- Dạ, có…
- Anh biết một trung tá, Lê Khánh Nghĩa?
- Dạ, biết…
- Ông Nghĩa đến với đại tá thường không?
- Tôi biết một lần. Nhân đại tá có việc vui gì đó, tôi quên. Trung tá Nghĩa đến cùng thiếu tướng Lâm, trung tá Động và một thiếu tá, quận trưởng ở Kiến Tường…
- Thiếu tướng Trương Tấn Phụng, quận trưởng Tuyên Nhơn….- Jones bổ sung giữa sự kinh ngạc của Thạch – Anh có bao giờ gặp một phụ nữ tên Mai?
- Dạ, không…
- Đại tá thức khuya không?
- Thường đại tá nghỉ sau mười một giờ đêm.
- Đọc sách?
- Tôi không rõ vì đại tá ở trong phòng làm việc…
- Chị Sáu là người như thế nào? Chị Sáu nấu bếp ấy…
- Thế nào là sao?
- Đại khái, hiền lành hay trái lại, mến ông bà đại tá không?
- Hiền, ít nói. Chắc là rất mến ông bà đại tá.
- Có bao giờ đại tá sai chị Sáu đi đâu vắng lâu không? Nửa ngày chẳng hạn?
- Không. Chị Sáu phải lo cơm nước mà.
- Thư từ ở hộp thư ngoài cổng, ai nhận mỗi ngày?
- Tôi nhận.
- Bà đại tá có thường mang các giấy tờ ở Tổng nha về nhà không?
- Tôi không rõ.
- Anh biết Vũ Huy Lục hiện ở đâu?
- Vũ Huy Lục chết rồi - Thạch trả lời, chưng hửng.
- À, tôi nhớ rồi. Lục chết ở Nha Trang – Jones Stepp nói, mép hơi nhếch.
- Từ hôm từ “Tam giác vàng” về, thiếu tá Thuần có đến thăm đại tá không?
- Dạ, không.
- Cảm ơn thiếu uý! – Jones đứng lên, chìa tay cho Thạch - Thiếu uý có thể kể cho đại tá nghe về những gì tôi đã hỏi thiếu uý.
Jones bắt tay Mai Hữu Xuân. Xuân tiễn Jones ra khỏi phòng.
- Tôi phải làm gì, thưa trung tướng? – Xuân hỏi.
Jones nhún vai
- Thiếu tướng tự định liệu… Đại tá Luân sẽ biết những câu hỏi của thiếu tướng, của thiếu tá Hùng, biết cách cư xử của thiếu tướng. Nếu thiếu tướng đủ gan và đủ mưu thì cứ khử gã tài xế… Nhưng, nên nhớ, tôi sẽ tự coi mình không hay biết cái chết của gã Thạch. Và, nếu chứng cứ buộc tội đủ thiếu tướng thì tôi phải làm cái việc vô nhân đạo là đứng về phía đại tá Nguyễn Thành Luân.
Jones Stepp lên xe, vẫy tay tạm biệt Mai Hữu Xuân
Thiếu tá Hùng được băng bó, tên đen trũi cũng hết đau. Cả hai hồng hộc chạy tới
- Thằng chó đẻ đó đâu rồi? Bắn bể đầu nó! - Thiếu tá Hùng rít lên
- Đồ ngu! – Mai Hữu Xuân quát to – Hai đứa bây lủi khuất mắt tao…
Hai đứa lỡ bộ, đứng chết trân… Xuân xem đồng hồ: mười giờ
- Hỏi thiếu uý Thạch cần ăn gì không? Lo chỗ ngủ tử tế. Nhưng không được để anh ta thoát khỏi nơi đây. Sáng mai, tao sẽ gặp lại. Cấm đụng đến anh ta, cấm nói bậy bạ… Nghe chưa?
Xuân bảo trỏng. Hùng đứng nghiêm: Xin tuân lệnh!
“Các câu hỏi của Jones Stepp đã bộc lộ các ý đồ của Mỹ, nếu không phải của chính Kenedy thì cũng là của Cabot Lodge, chí ít, của William Porter. Cũng có thể của Marc Cone… Phức tạp. Một con bài! Không đời nào mình để thằng Luân trở thành con bài của Mỹ. Mụ Saroyan… Hừ…!”
Mai Hữu Xuân tiếc đã không giết được Saroyan trước kia. Bây giờ, thật khó. Jones Stepp nhất định đã nghe Saroyan ỉ ôi. Thằng tướng già mê Saroyan, hiển nhiên rồi. Xuân chợt rùng mình. Nếu Jones Stepp ra một dấu hiệu khử Xuân, ông ta có chạy lên trời cũng không thoát. Nhưng, Jones Stepp là tướng tình báo thâm trầm. Chưa hẳn nó buông lỏng nghề nghiệp đến độ trả thù cho vợ… Xuân thấy yên tâm đôi chút.
Chìm trong mớ ý nghĩ, suy tính khá lộn xộn. Mai Hữu Xuân bỗng giật nảy mình khi nghe xe chở ông ta dừng lại. Không có gì. Đã đến nhà.. Ngày mai vụ của Thạch… làm sao đây?
Mai Hữu Xuân uể oải bước lên thềm nhà….

<< P8 - Chương 4 | P8 - Chương 6 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 213

Return to top