Hỡi ôi thương thay, ông huyện Trường Bắc Giang đã theo ông huyện Toán Yên Bái mà há sinh tính mệnh cho nghề đào mỏ mất rồi. Thế là trong một năm trời, cái nghề tai hại đã giết chết của dân Bắc Kỳ hai ông "phụ mẫu". Thật là "sinh ư nghệ, tử ư nghệ", tôi xin trịnh trọng có lời chia buồn cùng các tang quyến. Chỉ tiếc nghề đào mỏ này không giống nghề đào khác, người ta không thể vin luật lao động mà đòi tiền tuất của chủ. Tội nghiệp! Với ông huyện Trường cũng như ông huyện Toán tôi phải kính trọng vong linh những người đã quá cố (dù là quá cố về nạn đào mỏ cũng không dám động đến). Và nếu có cần, tôi cũng kính trọng cả cái nghề nghiệp của các ông ấy luôn thể. Bởi vì nhân sinh bách nghệ, ai thích nghề gì làm nghề ấy, miễn là nhất nghệ tinh, thì nhất thân vinh. Hai ông ấy đã làm tri huyện lại kiêm cả nghề đào mỏ chẳng qua cũng muốn vinh thân như mọi người vậy. Chẳng may gặp phải cái "mỏ dữ", các ngài đã lỗ đến thân thể, thì nó chỉ thiệt cho đời các ngài chứ có hại gì đến ai mà nói. Không nói ông huyện Trường. Nhưng không thể nể cô Vũ Thị Cúc, cái cô hàng gạo đã có mỏ để ông Trường đào và đã vừa đâm vừa chém ông Trường đến 34 nhát. Người ta đồn rằng: cô ấy có biết võ nghệ. Trong lúc mở cửa hàng gạo, cô ấy tuy lượt thượt với bộ quần áo tân thời, nhưng có lần đã một mình đẩy một chiếc xe gạo từ Hà Đông lên Hà Nội không quản ngại. Có thật vậy không? Nếu quả như vậy thì cô Cúc cũng là một hạng đàn ông trong đám đàn bà. Vả lại, trong khi sắp giết ông Trường, mà gặp ông ấy đương ngủ, cô ta còn đánh thức dậy để bảo cho biết sự hành động của mình, không thèm giết vụng, giết trộm.
Như vậy, cô ấy vẫn không tránh khỏi tội lỗi. Tôi không nói cái tội giết người. Là vì việc đó phần của Tòa án. Tha bổng hay làm án cô ấy do ở quyền các quan tòa, phúc đức nhà tôi được bao mà dám buộc tội cho người? Tôi chỉ ghép cô ấy vào cái tội dốt, không đọc Cung oán ngâm khúc. Các ngài hẳn không ai mà không nhớ ở trong Cung oán ngâm khúc, tác giả đã nói nhiều câu chí lý, đáng làm gương cho các cô gái kén chồng. Thí dụ:
Mỗi phú quí dử làng xa mã, Bả vinh hoa lừa gã công khanh Giấc Nam kha khéo bất bình, Bừng con mắt dậy thấy mình tay không Hay là Miếng chung đỉnh phong lưu nhưng lợm Mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon Cùng nhau một giấc hành môn Lau nhau ríu rít có con cũng tình Giả sử cô Cúc mà đọc những câu đó, tất nhiên không phải mang tội sát nhân. Bởi không chịu đọc những bài học đó, nên cô ấy mới say mồi phú quí, thèm bả vinh hoa, mà đem mỏ của mình dâng cho ông Trường, để hòng mua lấy chức bà huyện. Rồi vì thích làm bà huyện, cô ấy mới bị ông Trường hắt hủi trong khi quặng mỏ đã hết. Lâm đến nước ấy, cô gái táo bạo kia nếu không làm kẻ giết người, thì chỉ còn cách tự tử, chứ biết ăn làm sao nói làm sao cho khỏi nhục với cha mẹ chị em! Thôi thế cũng xong! Từ nay trở đi xã hội An Nam có lẽ sẽ ít người nghiệm làm bà và cũng đỡ sản xuất những ông kỹ sư đào mỏ.