Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> TẠP VĂN

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 35612 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

TẠP VĂN
Ngô Tất Tố

CON CHÁU KHÔN HƠN ÔNG VẢI ?
Tôi muốn nói hai ông Khổng Đức Chương và Mạnh Khánh  Đường, nhân vật hiện thời của nước Tàu. Đức Chương là cháu bảy  mươi đời cụ Khổng, ai cũng biết rồi. Còn Khánh Đường bây giờ  mới được nhắc tới, tuy chưa có tin nói đích ông đó là con cháu cụ  Mạnh, nhưng ông ta đã họ Mạnh, lại ở huyện Châu là quê cụ  Mạnh và làm thủ từ đền Y thánh là chỗ thờ cúng cụ Mạnh thì chắc  là con cháu cụ ấy không sai. Cả hai ông ấy hồi này đều được người  Nhật biệt đãi. Năm ngoái, khi lấy trôi mấy tỉnh Hoa Bắc, những  nhà đương cục bên Nhật muốn lập cho vùng đó một cái chính phủ,  họ đã đến tận Khúc Phụ (quê cụ Khổng) cố rước Đức Chương sang  Bắc Bình để mần vua.
Mới rồi, khi một đạo quân Nhật kéo đến huyện Châu, viên  tướng chỉ huy đạo quân ấy cũng đến tận đền Y Thánh xin vào ra  mắt Khánh Đường, hòng nói năm ba câu chuyện, chắc cũng định  dựng cho ông ta một chức gì đó. Nếu như theo đúng "đạo thống" tổ  truyền, thì hai ông Khổng con Mạnh con, tất nhiên phải hoan nghênh người Nhật chẳng mần vua thì mần quan, chẳng giữ chức  lớn thì giữ chức nhỏ. Nhưng mà không:
Đức Chương thì viết thư từ chối người Nhật, còn Khánh Đường thì một mực khăng khăng, thà chết không chịu tiếp kiến  tướng Nhật. Thật là con cháu khôn hơn ông vải! Cụ Khổng, cụ  Mạnh ngày xưa đâu có khó tính như vậy? Hai cụ ấy tuy đẻ cách  nhau hơn một trăm năm, nhưng là thày trò với nhau, thày trò  bằng lối cách bức, và cái "đạo" của các cụ, nhiều chỗ giống nhau  như tạc, nhất là hai cái chủ nghĩa: hành đạo và tùy thời. Hành  đạo, nói một cách nôm na, tức là làm quan, làm quan để thực hành  đạo giáo của mình. Mà tùy thời? Cắt nghĩa một cách không cho ai  hiểu, thì là... tùy thời (!) Khổng Tử sính làm quan lắm. Cứ như Trang Tử đã nói thì chính mình cụ đã đem "đạo" đi rao với 72 ông  vua, dấu ngựa, bụi xe của ngài khắp cả các nước, rút lại vẫn không  đắt hàng. Cùng quá, đến nỗi hai anh tướng giặc nước Lỗ, cái "nước  cha mẹ" của ngài, trong khi chiếm đất làm loạn, muốn mời ngài  đến giúp việc, ngài cũng định đi với họ. Đó là một nghĩa tùy thời.
Mạnh Tử cũng vậy. Tuy không "bệ kiến" nhiều vua như cụ Khổng,  nhưng với vài chục cỗ xe đi trước vài chục đầy tớ đi sau, cụ này đã  ăn khắp lượt mấy nước chư hầu và đã yết kiến vua Tuyên nước Tề,  vua Huệ nước Lương, cho đến vua Văn nước Đằng, một nước giật  gấu vá vai mới được năm chục dặm đất, cũng có dịp được gặp cụ  nữa. Cầu quyền với các vua ấy như thế, không phải cụ ấy có thiết  gì danh vị, chỉ cốt làm quan để thực hành cái "đạo" của mình. Đó  là cụ cũng tùy thời như cụ Khổng vậy. Ấy đó, hai cụ tùy thời một  cách dễ dãi như vậy, mà sao lại sinh ra hai ông cháu khó tính thế  kia?

<< BÃI NƯỚC BỌT | CỨ ĐỂ CHO NÓ CHẾT >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 781

Return to top