Đây là mặt ông Nguyễn Doãn T... tuần phủ hưu trí, hiện đương làm việc thả lãi và vẫn vui cảnh "cố viên tùng cúc" ở làng Du Lâm. Bãi nước bọt ở trên mặt ngài không phải nước bọt của các cô nhỏ, cậu nhỏ nhà ngài, mà là nước bọt của ông Nguyễn Phương Đ... nguyên thông phán phủ toàn quyền, cùng họ với ngài và đương làm chánh hội làng Du Lâm. Lịch sử bãi nước bọt ấy hơi dài. Số là ở làng Du Lâm, họ Nguyễn của ông T... và ông Đ... thuần túy là một quý tộc, đã lắm quan, lại đông người hơn hết các họ bách tính. Xưa nay quyền chánh trong làng đều ở họ này, mấy họ khác chỉ là bọn phục tùng mệnh lệnh. Đối với họ Nguyễn, dân làng Du Lâm quen gọi bằng tiếng "quan họ".
Vậy mà từ ngày nhận chức chánh hội, ông Đ... lại không trị dân bằng chế độ phong kiến. Nghĩa là ông ấy không muốn cách biệt với bọn bách tính, cho họ được ngồi ngang với mình khi bàn các việc của làng. Hơn nữa, ông ta còn làm mấy việc chỉ có lợi cho bình dân, không lợi cho quý tộc. Một người đại thần phong thể như ông T... cố nhiên không thể vui lòng với những chứng bệnh lạ lùng ấy của ông Đ... Mích lòng cụ lớn hơn hết là việc quân cấp công điền mà ông Đ... cố ý muốn làm. Làng Du Lâm chẳng phải là xóm Hoa Lâm của nhà Lý à? Công điền làng ấy đã chiếm một phần rất lớn trong địa giới! Nhưng mà đến hồi gần đây, số ruộng công ấy bị hóa thành ruộng tư rất nhiều, những ruộng chia cho trai làng chỉ có độ hơn một nửa. Thình lình có lệnh của ông công sứ Bắc Ninh bắt phải chia lại số ruộng công ấy. Nếu là người không muốn lôi thôi mất công, thì thôi, ruộng công còn bao nhiêu, chia cho dân đinh bấy nhiêu, miễn là công bằng, dân cũng nhớ ơn lắm rồi. Ông Đ... không thế, cứ muốn theo đúng địa bạ Gia Long, móc hết những số ruộng công đã bị hóa làm ruộng tư mà chia luôn thể. Cái khó chịu của ông T... là ở chỗ đó. Bởi vì trong những ruộng tư của ông tuần này lại có một thửa hay nhiều thửa đã bị ông Đ... và dân làng Du Lâm giở đến căn cước của nó mà bảo nó là ruộng công ngày xưa. Việc đó tuy rằng đích thực, không thể chối cãi, nhưng ông T... vẫn có quyền xích mích với ông Đ... Cách đây không lâu, bỗng có lá đơn của mấy ông tộc biểu đệ lên tòa sứ Bắc Ninh kiện ông Đ... về mười sáu khoản hà lạm. Theo sự dò la của ông Đ... thì vụ kiện ấy do ông T... cầm đầu cho lũ nguyên đơn. Với một người đã có bộ mặt Châu Xương như ông Nguyễn Phương Đ..., vụ kiện không có sự thực kia chính là mớ lửa đốt cho cơn giận bùng lên. Một hôm, giữa đám cỗ của người trưởng họ, ông Đ... hỏi thẳng ông T...:
- Có phải anh đã sai lũ tộc biểu đi kiện tôi không? Lẽ tự nhiên là ông T... phải chối. Ông Đ... chỉ mặt ông T... nói tiếp:
- Thế thì anh là kẻ hèn nhát, không có can đảm tự nhận cái việc mà mình đã làm, tôi phải nhổ vào cái mặt hèn nhát của anh. Rồi một bãi nước bọt từ miệng ông Đ... nhẩy luôn sang mặt ông T... Chuyện vẫn chưa hết. Ông T... còn lấy nhiều người làm chứng mà kiện ông Đ... Ở tòa sứ Bắc Ninh. Khi ấy, ở tỉnh Bắc Ninh người ta đã xét ra rằng mười mấy khoản của bọn tộc biểu đã kiện ông Đ... đều là vu khống. Đến lúc nhận được đơn kiện của ông T..., ông sứ nói với ông tổng đốc Bắc Ninh như vầy:
"Nếu ông tuần phủ Nguyễn Doãn T... cũng có công tâm lo lắng việc dân như ông chánh hội Nguyễn Phương Đ... thì chúng ta không phải mất công xét xử những chuyện lặt vặt như thế này". Vụ kiện còn đương xét hỏi chưa xong, thì ông T... theo lời điều đình của người trong họ, lên tỉnh xin rút đơn ra. Ngài không kiện ông Đ... nữa. Bấy giờ việc mới kết liễu. Chuyện này xảy ra, những người trong tỉnh Bắc Ninh đều biết. Họ đã thì thầm hỏi nhau:
"Không biết lúc ấy ông T... có rửa mặt không?". Chắc không, vì cụ lớn là một viên quan thâm nho, mà trong sách nho đã chép một chuyện rất hợp với chuyện của cụ. Ấy là chuyện Lâu Sư Đức. Lâu Sư Đức nhà Đường có người em được cử làm thái thú châu Đại, khi hắn sắp sửa tới nhậm, ông ta có dặn cần phải tốt nhịn. Hắn nói:
"Từ nay nếu ai nhổ vào mặt tôi, tôi cũng chùi đi mà thôi". Sư Đức chưa cho là phải, và bảo thêm rằng:
"Người ta nhổ vào mặt mày là giận mày đó. Nếu mày chùi đi càng khích cho họ giận thêm. Phải để cho nó tự nhiên khô đi". Thiên quan châm ấy có ghi trong bộ Đường thư. Ông T... khi mới xuất chính ắt đã đọc rồi. Thế thì trong lúc làm quan, ông T... chắc biết trước mình sẽ có ngày phải thực hành câu nói của Lâu Sư Đức. Bây giờ hưu rồi, việc mới xảy ra, đó cũng là may mắn lắm. Rửa chi cho tốn nước và hại xà phòng!