Bạn đọc chắc không ai lạ gì anh Chu Mãi Thần. Hắn là người đời nhà Hán bên Tàu, một tay có tài mà vẫn nghèo xác, nghèo xơ, ngày ngày phải trông vào nghề kiếm củi mà sống. Thế nhưng, hắn vẫn tin rằng mình vẫn có ngày phú quý. Những khi vai đèo gánh củi, hắn thường vừa đi vừa hát, ra bộ rất ung dung. Vợ hắn không chịu nổi cảnh cùng quẫn của gia đình, một hôm phát cáu hỏi chồng. Cái ngày phú quý của anh sẽ là ngày nào? Hắn bảo mười hai năm nữa. Bấy giờ hắn năm mươi tuổi rồi, đợi đến mười hai năm nữa mới được phú quý thì phỏng còn gì là đời. Nghĩ vậy, chị ta bèn xin lá dị đi lấy người khác.
Thế rồi, mười hai năm sau hắn được vua Hán cho làm tể tướng. Chị vợ nghe tin lại bỏ chồng mới trở về thăm hắn và xin đoàn tụ như xưa. Hắn liền đưa cho chị ta bát nước, bảo hắt xuống đất rồi lại hót lên, nếu còn nguyên như trước, thì hắn sẽ lại cho về làm vợ. Ấy là chuyện vợ Chu Mãi Thần đại khái là thế. Cái đời Tân Việt Nam cũng giống như vậy. Một ông đã thoái ngũ ở hội Thanh niên đồng chí, một ông bị trục xuất ở cuộc vận động Đông Dương Đại hội và một ông nữa... khó nói lắm, xin thôi không nói, với những quá khứ quý hóa ấy, không cần nói đến lịch sử người ta cũng đủ trông thấy bộ óc "xã hội" của họ là thế nào rồi! Huống chi mỗi ông lại có một thiên lịch sử rất đẹp, nhiều người biết rõ, trừ ra chi nhánh của đảng xã hội SFIO... Ấy thế mà không ai bảo ai, cả ba ông ấy lần lượt đều xin vào đảng xã hội. Cố nhiên họ không thèm biết chủ nghĩa xã hội là tai ếch hay là đầu cua. Mục đích vào đảng của họ, chỉ cốt mượn tiếng đảng ấy làm thang để trèo lên ghế nghị viện, trong kỳ sắp tới. Chi nhánh của đảng xã hội SFIO ở đây chỉ cần đông người, không cần giữ danh dự của đảng, cho nên người ta cứ nhận bừa họ làm đảng viên. Phường trò ra hề còn phải bôi mượt một lượt nhọ vào mặt, chứ họ đóng vai đảng viên xã hội, không hề dính tí "sơn" nào của quốc tế thứ hai, từ ngoài mặt cho đến trong óc. Thế nhưng, trót đã đeo cái nhãn hiệu xã hội, tất nhiên họ phải theo đuôi quần chúng để hòng lường gạt quần chúng. Bởi vậy trên báo Tân Việt Nam, họ phải luôn luôn bưng miệng không cười mà hô những tiếng "Anh em thợ thuyền", "chị em lao động". Họ chỉ "anh em" "chị em" ở trên mặt báo, nghĩa là anh em chị em với 4 đồng xu mua một số báo mà thôi. Thật thế, nếu ai mà bắt gặp họ gọi người cùng dân là anh là chị hay là em khi đứng trước mặt những người ấy, thì tôi xin đi đằng đầu.
Họ tưởng chỉ hô "anh em", "chị em" sẽ có thể bịp được quần chúng tức thì. Chẳng ngờ quần chúng xứ này bây giờ khôn lắm, họ hô mặc họ, không ai thèm thưa. Bởi thế họ đã dỗi với chủ nghĩa xã hội mà quay ra quảng cáo cho đế quốc Nhật. Cái cảm tình của họ đối với quần chúng khi ấy thật chẳng khác gì cảm tình của vợ Chu Mãi Thần đối với chồng khi thấy chồng nghèo mà xin đi lấy người khác. Giả sử đế quốc Nhật nuôi sống được họ thì họ đã đặt quần chúng xuống dưới gót chân từ lâu rồi. Chỉ vì bợ đỡ đế quốc Nhật cũng chẳng được ăn là bao, cực chẳng đã họ lại quay vào mặt thợ thuyền lao động mà hô anh em, chị em. Lần này, quần chúng không những không thưa, lại cho họ biết một bài học. Bài học ấy họ nhận thấy khi đón từng ôm báo của nhà dây thép hàng ngày đưa lại và khi xem sổ kết toán hàng tháng của các đại lý bán báo. Những bài học đáng "tỉnh người ra". Vì thế, hồi này họ hô "anh em", "chị em" càng riết để hòng cố lừa quần chúng cho được. Thấy cái cảnh "có hô mà không có ứng" của họ thật cũng đáng thương. Nhưng bát nước đã hắt xuống đất, hót lại sao được? Vợ Chu Mãi Thần ngày xưa, chỉ có thế mà xấu hổ đến phải tự tử.