Đời vua Thái tổ Thái tôn, ngòi bút lông còn làm chúa tể cõi học đất Việt, thế lực của các ông đồ mạnh lắm kia chứ, ông đồ muốn ngang thì ngang, muốn dọc thì dọc, thiên hạ chẳng ai dám trêu, lúc ấy vô phúc trêu đến ông đồ, thì ôi thôi! Nguy hiểm là nguy hiểm. Các cụ truyền lại:
Một khoa thi cuối đời Tự Đức (trường thi Hương còn ở Hà thành) có con gái của ông bá hộ K. là người giàu nhất thành phố, chỉ nói chua với ông đồ một câu, thế mà đồ nọ rủ đồ kia, trong một lúc kéo đến hàng nghìn, hò nhau phá nhà cụ Bá! Lính phòng thành không dám can thiệp. Cực chẳng đã cụ Bá phải chuồn cửa sau và kêu với quan tổng đốc. Lập tức quan tổng đốc tự mình đến điều đình, bắt cô con gái cụ Bá K. phải ra trước mặt ông đồ mà tạ tội. Bấy giờ các ông đồ mới tha cho. Kinh không? ông đồ thời ấy chẳng khác gì quân Tam phủ đời Lê, mình nghe chuyện mà dựng tóc gáy! Từ ngày lối học "chi hồ giả giã" đã chuyển sang lối "a, b, c" thế lực ông đồ chẳng còn chút nào, điều đó ai cũng biết, không cần phải nói. Trò đời, giậu đổ bìm leo, vận hội ông đồ đã suy, thiên hạ hay tìm ông đồ mà kiếm chuyện, bấy giờ ở Hà Nội này, vẫn có kẻ theo chân ông đồ mà xét nét từng tý, ông đồ hở đâu là họ chộp đấy... Quả có thế thật, trong rừng "nhà hướng đạo cho quốc dân" (!) bây giờ vẫn có thói giả mạo như vậy, thầy đồ thì hay nói đến Nã Phá Luân, Hoa Thịnh Đốn, Lư Thoa, Mạnh Đức, Tư Cưu mà thầy ký thì luôn luôn nhắc đến Khổng tử, Mạnh tử, có khi thầy còn giở cả Trang tử, Lão tử nữa kia. Nhưng mà có ăn thua gì, đụng đâu trật đấy, thầy đồ cũng vậy, thầy ký cũng thế... Vậy xin có lời cảnh cáo mấy ông đồ rằng:
Người ta xét nét các ông là như vậy đó, mà nay về sau, cái gì không biết thì xin các ông chớ nói, nhất là về môn học Phơ lăng xe! Vả chăng các ông không biết môn học này, cũng chưa chắc đã là dốt bởi vì cụ Khổng nhà ta đã dạy "biết đấy là biết đấy, chẳng biết là chẳng biết ấy biết vậy" kia mà.