Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> Chiến tranh nhìn từ nhiều phía

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 38363 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chiến tranh nhìn từ nhiều phía
nhiều tác giả

Vẫn còn đó vết thương cũ
Quả thật, để làm người sống sót sau một cuộc chiến, không phải dễ dàng gì!
(T. Vấn)


Những vết thương trên da thịt người, với thời gian và sự chăm sóc, rồi cũng sẽ kéo da non và lành lặn. Những vết thương trong tâm hồn người cũng vậy. Thời gian sẽ giúp phôi phai đi mọi đớn đau, dằn vặt. Bởi lẽ, chẳng ai cứ ngồi đó để mặc cho đời mình tàn tạ vì khổ đau, bất hạnh (dẫu cho đó có là thú đau thương đi nữa). Thế còn những vết thương của một đất nước? Nỗi đau của một dân tộc? Cần bao lâu để hàn gắn? 30 năm? 40 năm? Hay cả một thế hệ?
Tiếng súng cuộc chiến tranh Quốc-Cộng ở Việt Nam đã ngưng ngày 30 tháng tư năm 1975. Ở một nghĩa nào đó, cuộc chiến khốc liệt ấy đã kết thúc từ ngày đó. Vậy mà, dai dẳng mãi hơn 30 năm sau, những dấu ấn khủng khiếp của nó và những hệ quả không thể tránh khỏi vẫn còn đè nặng lên cân não người Việt ở cả hai bên bờ đại dương. Tôi đã hơn một lần bùi ngùi ghi nhận rằng, chỉ đến khi thế hệ chúng tôi – một thế hệ ở cả hai miền Nam Bắc sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong chiến tranh – hoàn toàn biến mất khỏi mặt đất này, thì mọi hệ lụy của cuộc chiến 30 năm mới thực sự không còn làm bận lòng nhiều người, kể cả các thế hệ không dính líu gì đến cuộc chiến khốc liệt ấy.

Điều ghi nhận này, có lẽ không chỉ đúng với người Việt Nam, nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến tranh Quốc Cộng, mà còn đúng cả với dân tộc Mỹ – chính xác hơn, với một thế hệ người Mỹ trưởng thành vào những năm 60 (Babyboomers). Cùng với các chính trị gia nước mình, họ bước vào cuộc chiến (Quốc Cộng) nơi vùng đất xa lạ với tâm trạng vừa băn khoăn vừa nghi hoặc. Hiển nhiên, trong và sau cuộc chiến, nước Mỹ đã bị xâu xé vì những tranh cãi – từ nhiều phía , cả kẻ trong cuộc lẫn người ngoài cuộc, cả bên chính quyền lẫn dư luận công chúng. Sự tranh cãi, có lúc đã biến thành những cuộc biểu tình hàng trăm ngàn người tham dự, có người chết có máu đổ, xảy ra hầu khắp các thành phố lớn của nước Mỹ. Những hiện tượng ấy, xét ra, rất bình thường ở một nền dân chủ đã trưởng thành như nước Mỹ. Hơn nữa , tính đa dạng trong mọi lĩnh vực sinh hoạt của người Mỹ là một yếu tố không thể thiếu khi đi tìm căn rễ của sự tranh cãi về cuộc chiến Việt Nam những năm ấy ở nước Mỹ.
Thế nhưng, 40 năm sau, tưởng chừng những ồn ào sôi động của dư luận Mỹ những năm 60 đã hoàn toàn nằm gọn trong ngăn kéo của lịch sử, bỗng đột ngột bùng lên, làm ngạc nhiên cả những người trong cuộc. Thế là, cuộc chiến tranh gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ, vẫn tiếp tục là vết thương nhức nhối, không những cho thế hệ dính líu trực tiếp đến nó, mà còn có những tác động tiêu cực đến cả thế hệ tiếp nối. Vết thương cũ được khơi lại, nguyên ủy là ở sự tính toán sai lầm (?) của một cựu binh Mỹ vốn đã từng trực tiếp tham chiến ở Việt Nam. Với sự trí trá cố hữu của một chính trị gia, ông định đem quãng đời lính chiến của mình ra làm một bằng chứng cho khả năng chỉ huy lãnh đạo trong thời chiến, một khả năng cần thiết của vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao, chức vụ mà ông cùng với đảng của mình, đang vận động để giành được trong cuộc bầu cử cuối năm nay ở Mỹ. [1] Bỏ qua một bên sự tính toán cơ hội (?) và sai lầm (?) của ông, hậu quả của nó cho thấy rằng, dấu ấn khủng khiếp của cuộc chiến tranh ấy vẫn còn đè nặng lên tâm thức những người tham dự. Bênh hay chống, sai hay đúng, xét ra không còn là điều quan tâm hàng đầu của họ hiện nay. Thế hệ chiến tranh 40 năm trước, đến nay đang mấp mé tuổi về hưu dưỡng già (ngoại trừ một số người đang vận động vào những chức vụ dân cử cao cấp). Điều quan tâm chính yếu của họ hiện nay là, ý thức sự tồn tại dai dẳng của vết thương chiến tranh cũ, trong tương lai không xa lắm, khi cùng nhau bước chân vào các trung tâm dưỡng lão, kẻ chống gậy, người ngồi xe lăn, liệu họ có hòa giải được với nhau không khi ngoái nhìn phía sau một di sản nặng nề, hậu quả từ một thời nhiễu nhương tưởng không thể quên của lịch sử?

Với tâm trạng của một kẻ vừa trong cuộc, vừa ngoài cuộc, tôi chứng kiến cái bi kịch của một thế hệ nước Mỹ - cũng đồng thời là thế hệ của tôi – mà nhớ tới những ghi nhận của mình về chính thế hệ của mình. Tôi có cảm tưởng rằng, những người bạn Mỹ vừa hào hiệp vừa ngây thơ kia, rồi ra sẽ không thoát ra khỏi được ngõ cụt mà tôi đang lúng túng tìm cách thoát ra…
Có lẽ, tôi muốn trấn an mình về một điều khác, sâu thẳm hơn.
Thế hệ chiến tranh Việt Nam của nước Mỹ, rồi đây có lẽ họ sẽ nhắm mắt nằm xuống mang theo xuống mồ những xung khắc giữa họ với nhau. Những xung khắc ấy có thể có thật, có thể chỉ là giả tưởng, có thể chỉ là những hỏa mù của chính trị và thời cuộc. Nhưng chắc chắn một điều, dù cho có những xung khắc thật giữa họ đi nữa, thì sự xung khắc ấy không phải là sự xung khắc của họ với nước Mỹ, hay nói cách khác, với tổ quốc của họ.
Tương tự như vậy, là thế hệ chiến tranh Việt Nam của người Việt Nam. Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến những người ở bên phía gọi là thua trận ngày 30 tháng tư 1975 và hiện đang lưu vong khắp nơi trên thế giới. Cuộc chiến tranh Quốc Cộng và những hệ quả 30 năm sau chiến tranh của nó khiến đã có một sự chia rẽ trầm trọng chưa từng có trong lịch sử giữa những người Việt ở hai bên cuộc chiến. Nhưng dù ở bên nào, thắng hay thua, họ không hề có sự xung khắc với đất nước của mình. Chấp nhận cuộc sống lưu vong không có nghĩa là từ bỏ Tổ Quốc. Sự hòa giải – nếu thật sự có được sự hòa giải – là sự hòa giải giữa những những người Việt dính líu đến cuộc chiến tranh bằng cách này hay cách khác. Tuyệt đối không hề có sự hòa giải giữa những người lưu vong và tổ quốc của họ. Bởi vì, từ ban đầu, đã không hề có sự xung khắc để nói đến sự hòa giải.

Bi thảm hơn cả bi kịch nước Mỹ, thế hệ chúng tôi, một thế hệ bị nguyền rủa cho đến ngày từng người nhắm mắt xuôi tay, mang trong lòng một vết thương không bao giờ lành hẳn. Năm tháng rồi sẽ qua đi như đã từng qua đi. Chẳng bao lâu nữa, những tranh cãi hôm nay và cái buốt rát của vết thương còn mở miệng sẽ trở thành quá khứ. Chỉ xin được công bằng với nhau khi còn sống, đừng đánh tráo khái niệm trường cửu về tổ quốc với cái tồn tại ngắn ngủi của một chính quyền, của một nhóm người may mắn ở thế thượng phong trong cuộc đối đầu.
Bởi lẽ, lịch sử sẽ là chứng nhân trung thực nhất. 




[1]Bài này được viết trước ngày bầu cử Tổng Thống ở Mỹ.

<< Chung một Chiến Hào | Sống và chết sau chiến tranh Việt Nam >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 473

Return to top