Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> Chiến tranh nhìn từ nhiều phía

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 38358 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chiến tranh nhìn từ nhiều phía
nhiều tác giả

Cựu chiến binh, nhà thơ

“Fred Woodall, cựu chiến binh, nhà thơ.” Anh luôn luôn bắt đầu như vậy. Cái tên đương nhiên phải đi trước, không thể nào khác đi được. “Nhà thơ” được cố tình đặt ở cuối lời tự giới thiệu như một cách biểu lộ sự nhún nhường của anh, hoặc ít ra trong những năm trước đây Fred cho rằng người nghe sẽ ghi nhận được điều đó. Này nhé, tôi trước hết là một cựu chiến binh, tôi đã từng chiến đấu tại Việt nam, và bây giờ tôi là một nhà thơ. Về sau Fred buồn rầu nhận ra mình thực sự là một nhà thơ khiêm nhường. Anh không thố lộ điều này với ai, và anh biết rằng những người quen biết anh cũng sẽ không nói ra điều này trước mặt anh. Cũng may mà Fred không cần phải khiêm nhường về việc anh là một cựu chiến binh Việt Nam. Bởi vì không cần thiết phải nhún nhường khi đứng trong hàng ngũ của những người đã bị, hoặc cho rằng đã bị, đối xử một cách bất công bởi công dân của chính đất nước mình.
Trong những năm đầu sau khi hồi hương, Fred nhiễm phải căn bệnh PTSD một cách từ tốn. Đó là một thứ căn bệnh thời thượng, sang trọng, và thật là dại dột nếu không vướng phải căn bệnh này. Fred hút cần sa, uống rượu, và làm thơ, theo cái thứ tự đó. Anh nhắc thực nhiều đến cái mảnh đất xa xôi có tên gọi là Việt Nam sau khi hút cần sa, sau khi uống rượu, và trong những bài thơ của anh. Đó là một xứ sở đẹp đẽ nếu không có chiến tranh với những người dân hiền lành nếu không có chiến tranh và anh đã có thể yêu một cô gái đẹp đẽ trong đám dân chúng hiền lành đó nếu không có chiến tranh. Thơ anh đại khái như vậy đó. Một hay hai bài thơ của anh đã xuất hiện trong một hay hai tập thơ có chủ đề chiến tranh Việt Nam do một hay hai người bạn của anh chịu trách nhiệm biên tập. Chỉ có vậy thôi. Nhưng ngay cả điều này cũng không làm Fred nản lòng. Anh đã không bỏ qua bất cứ hội hè đình đám nào có liên quan đến thơ văn và chiến tranh Việt Nam. Ở đó anh sẽ xuất hiện với râu tóc lởm chởm, với chiếc bê rê đen lệch lạc trên đầu một cách cố tình, và bộ đồ trận bạc phếch của lính khinh kỵ với huy hiệu quân chủng và hàng chữ “Đà Nẵng” ở ngực áo. Ở đó anh sẽ tìm thấy những người ăn mặc tương tự, và một số trong bọn họ là bạn của anh. Ở đó anh thấy mình quan trọng hẳn lên, anh thuộc về nhóm những cựu chiến binh làm văn nghệ, những nghệ sĩ.
Ở một trong những cuộc hội họp như vậy anh có dịp tiếp xúc với những nhà văn nhà thơ đến từ Việt nam. Đó là lần đầu tiên. Sẽ có thêm những cuộc gặp gỡ tương tự sau này. Họ gồm một nhà thơ lão thành, một nhà văn trung niên, và một phụ nữ trẻ vừa viết văn vừa làm thơ. Họ đến đây theo lời mời của trung tâm nghiên cứu hậu quả chiến tranh thuộc một viện đại học danh tiếng của thành phố. Buổi hội thảo quy tụ khá đông người. Hầu hết là các nhà văn nhà thơ gốc gác cựu chiến binh. Một số trong bọn họ không cần phải nhún nhường, và điều này được biểu lộ trong cung cách tự giới thiệu của họ. X, thi sĩ, cựu chiến binh. Y, nhà văn, cựu chiến binh. Z, kịch tác gia, cựu chiến binh... Nhưng Fred không cảm thấy khó chịu chút nào hết. Chốc nữa đây anh sẽ có mặt trên diễn đàn. Anh có năm phút để phát biểu, và anh đã hứa với chính mình (và đồng thời với người bạn vốn là một chức sắc của trung tâm) sẽ không hoang phí khoảnh khắc quý giá này. Phải nói là anh có chút hồi hộp khi chờ đến phiên mình. Có nhiều hơn là một chút.
Đó là một xứ sở đẹp đẽ nếu không có chiến tranh với những người dân hiền lành nếu không có chiến tranh và tôi đã có thể yêu một cô gái đẹp đẽ trong đám dân chúng hiền lành đó nếu không có chiến tranh. Fred bắt đầu như vậy và tiếp tục nói về những điều tương tự trong hai phút tiếp theo. Ở phút thứ ba, Fred buộc tội chính anh. Tôi đã đến, mang theo chiến tranh, và chính vì vậy, quê hương của anh chị đã không còn là một xứ sở đẹp đẽ. Tôi đã ra đi, để lại sau lưng đổ nát và bất hạnh. Ở phút thứ tư, anh nhân danh cựu chiến binh và nhân dân Hoa Kỳ chân thành xin lỗi những nhà văn nhà thơ đến từ Việt Nam về những bất hạnh do anh gây ra ở phút thứ ba. Những người dự khán nghe thấy nỗi xúc động trong giọng nói đứt quãng của Fred, trên khuôn mặt nhăn nhíu khổ sở của anh, và ở những giây cuối cùng của một trăm hai mươi giây còn lại, trong đôi mắt anh lúc này đã nhòe nhoẹt mước mắt. Tôi cầu xin sự tha thứ của nhân dân Việt Nam. Tôi xin được cái hân hạnh ôm hôn anh chị, những người dân Việt Nam anh hùng. Anh chấm dứt bài phát biểu của mình như vậy. Fred rời bục gỗ trong tiếng vỗ tay râm ran và bước đến dãy bàn có những nhà văn nhà thơ đến từ Việt Nam. Anh ôm hôn nhà thơ lão thành và nhận ra một mùi kỳ dị từ người ông già phát ra. Fred nghĩ mình sẽ không muốn ôm hôn ông lão này một lần nào nữa. Thực là đáng tiếc cho anh. Anh sẽ không bao giờ biết được sự quyến rũ của thuốc lào. Nhà văn trung niên, trái với sự lo ngại của Fred, không có mùi gì đặc biệt. Nhưng người phụ nữ trẻ lại là một ngạc nhiên thích thú. Từ cơ thể nhỏ nhắn của cô toát ra mùi da thịt trộn lẫn với mùi nước hoa thực lạ. Da thịt hay nước hoa, mùi nào là thơ của cô, Fred tự hỏi.
Bài phát biểu của Fred, bằng một cách nào đó, đã trở thành một tiết mục thường xuyên trong những cuộc hội thảo sau đó của trung tâm khi có sự hiện diện của văn nghệ sĩ đến từ cái xứ sở đẹp đẽ nếu không có chiến tranh. Bây giờ thì Fred đã trở nên điêu luyện hơn trong việc trình diễn tiết mục của mình. Anh không còn xúc động nhiều như lần đầu tiên. Anh không chắc mình có xúc động, nhiều hoặc ít, hay không nữa! Nhưng Fred có thực sự xúc động hay không không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng đến từ những người khách phương xa. Fred có thể đọc thấy nỗi xúc động và niềm tự hào trên khuôn mặt họ. Có thể điều này giúp họ cảm thấy bớt nhỏ bé, bớt lạc lõng. Có thể đó là một trong những điều ít ỏi mà họ sẽ còn nhớ đến rất lâu. Đó là món quà văn nghệ của Fred, bên cạnh những bài thơ khiêm tốn của anh.
“Fred Woodall, cựu chiến binh, thi sĩ.” Bây giờ thì Fred cảm thấy yên tâm với lời tự giới thiệu của mình. Có thể anh là một nhà thơ với những tác phẩm khiêm tốn. Nhưng đâu phải chỉ có thơ! Còn có những điều khác nữa, những điều mà anh không cần phải nhún nhường về khả năng của mình. Chẳng hạn như phát biểu trước một cử tọa đông đảo về cái xứ sở xa tít tắp bất kể có chiến tranh hay không và vô cùng đẹp đẽ nếu không có chiến tranh. Về những bất hạnh mà anh đã mang đến cho xứ sở đó. Và những lời xin lỗi chân thành lẫn trong tiếng thổn thức của niềm ân hận vô biên. Và những giọt nước mắt ở những giây cuối cùng của một trăm hai mươi giây cuối cùng. Và sẽ không có nhà thơ lão thành với cái mùi kỳ dị ở dãy bàn mà anh sẽ hướng đến khi bài phát biểu chấm dứt.
Tháng 10. 1999

<< Vụ Kiện William Joiner Center: Ai có quyền viết lịch sử một cộng đồng? | Vụ Trại người Việt tại Pháp và vụ William Joiner Center tại Mỹ >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 468

Return to top