Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> Chiến tranh nhìn từ nhiều phía

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 37007 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chiến tranh nhìn từ nhiều phía
nhiều tác giả

Chiến tranh và bệnh vĩ cuồng
Nếu tổn thất đầu tiên của chiến tranh, nói theo Hiram Warren Johnson, là “sự thật” [1] thì, với chúng ta, sau khi cuộc chiến kết thúc đã gần ba mươi năm, tổn thất đó vẫn còn, vẫn tiếp tục gây nên những hệ lụy văn hóa lâu dài.
Hệ lụy văn hóa đặc thù và phổ quát nhất của tổn thất ấy, theo tôi, là chứng vĩ cuồng. Bàn về cội nguồn và diễn tiến của cuộc chiến như một ván cờ cụ thể, từ những diễn tiến tình thế đến những tính toán và những nước cờ rình rập của các ông Joseph Stalin, Mao Trạch Ðông hay Leonid Brezhnev trước các ông Harry Truman, John F. Kennedy, Lyndon Johnson hay Richard Nixon; của ông Hồ Chí Minh trước ông Ngô Ðình Diệm; của ông Võ Nguyên Giáp trước các ông Henri Navarre hay William Westmoreland; của ông Lê Ðức Thọ trước ông Henry Kissinger v.v... là công việc của những sử gia và, kể ra, họ đã làm được kha khá. Chấp nhận hay bài bác, toàn bộ hay từng phần, là tùy vào vị trí của từng phía và, chắc chắn, còn lâu thì từng phía mới nhích đến để chia sẻ ở cái sự gọi là “đại đồng trong tiểu dị”. Nếu nhìn từ góc độ văn hóa thì, có thể nói, chiến tranh cũng đã gây ở chúng ta những tác động khá “đại đồng”, khả dĩ áp dụng cho từng phía. Thế nhưng, trước hết, thế nào là “văn hóa chiến tranh”, đặc biệt là của chiến tranh Việt Nam?
Nếu “văn hóa”, trên ý nghĩa phổ quát nhất, là một hệ giá thống những giá trị vật chất hay tinh thần mà một cộng đồng cùng học hỏi, sáng tạo và chia sẻ thì, với hệ giá trị đó, cộng đồng đó sẽ có những cách thức phản ứng đặc thù trước những hoàn cảnh đặc thù, như cái đặc thù của từng cuộc chiến, chẳng hạn. Và nếu “chiến tranh văn hóa” là một ý niệm muộn màng, thuộc loại “hậu-Chiến tranh lạnh”, thì “văn hóa chiến tranh” chẳng phải là thứ gì mới mẻ. Cứ nhớ, năm 1946, trong cái tâm trạng bàng hoàng thảng thốt trước những mất mát và hoang tàn sau Ðệ nhị thế chiến, chỉ một năm sau khi thành lập Liên hiệp quốc để “gìn giữ hòa bình”, nhân loại – hay đúng ra là một phần của nhân loại - đã vội vã thành lập UNESCO, cái tổ chức quốc tế mà sứ mạng tối hậu là cổ xúy cho một “văn hóa hòa bình”. Cứ nhớ, từ thuở hồng hoang, lịch sử loài người đã gắn liền với lịch sử của chiến tranh như thế nào rồi và, tính ra, có chương sử nào của chúng ta mà không bay mùi gươm giáo hay lửa đạn? Vấn đề là mỗi thời đại con người lại có mỗi phương thức và ý thức thí mạng đặc thù. Từ chỗ va chạm giữa các bộ lạc, trò thí mạng kia đã dần dà leo thang đến màn xung đột giữa cách lãnh địa, giữa các nền quân chủ, giữa các quốc gia, giữa các ý thức hệ để rồi, nói theo ông Samuel Huntington, leo thang đến sự đụng độ giữa các nền văn minh. Mà trong từng thời đại, không phải cuộc chiến nào cũng giống cuộc chiến nào. Có những cuộc chiến bất khả kháng, không thể không diễn ra. Có những cuộc chiến phiên lưu, thí nghiệm. Có cả những cuộc chiến như đùa, như điên. Rồi chúng diễn ra với những quy mô lớn bé và những mức độ chóng chầy khác nhau, vận dụng những mức độ nội lực hay ngoại lực khác nhau và thu hút những mối quan tâm chú ý, ủng hộ hay phản đối khác nhau. Chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến đặc thù mà văn hóa Việt Nam cũng là một nền văn hóa đặc thù thì, thật hiển nhiên, thứ “văn hóa chiến tranh” của nó cũng đầy tính đặc thù. Cái đặc thù của một xứ sở nhỏ và nghèo vào hàng bậc nhất nhưng lại gánh chịu một cuộc chiến lớn và... giàu vào hàng bậc nhất. Cái đặc thù ở tính khập khiễng giữa một mô thức kinh tế- xã hội lạc hậu vào hàng bậc nhất so với một mô thức chiến tranh “tiên tiến” vào hàng bậc nhất, hiểu như một sự đụng độ giữa hai ý thức hệ, như một vệt cháy nóng bỏng giữa mối xung đột toàn cầu lạnh lẽo như băng. Một xứ sở nhược tiểu chỉ quanh đi quẩn lại với những họat động nông nghiệp cò con thế mà có thể lì lợm và say sưa với một cuộc chiến có ý nghĩa mang tầm thời đại nhất hạng, dai dẳng và dữ dội nhất hạng, sử dụng những vũ khí hiện đại nhất hạng và làm tốn kém giấy mực của thế giới nhất hạng thì, “tổn thất đầu tiên của sự thật", nói theo Hiram Warren Johnson, là cái sự thấy mình... nhất hạng. Nét đặc thù nhất của văn hóa chiến tranh Việt Nam, như thế, chính là chứng bệnh vĩ cuồng.
Như một hệ lụy văn hóa, bệnh vĩ cuồng biểu lộ ở những tầm mức khác nhau, tập thể và cá nhân, vi mô và vĩ mô. Ở mức độ tập thể và vĩ mô, nếu bệnh hoang tưởng “mình là nhất” từng dẫn đến sự hình thành của chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc hay chủ nghĩa nô lệ, dẫn đến những cuộc phiên lưu quân sự điên rồ hay những thảm họa diệt chủng tồi tệ thì, với chúng ta, căn bệnh đó đã đưa đến tâm lý bảo thủ, ngạo mạn, tự tôn và bài ngoại. Ở mức độ cá nhân và vi mô, nếu bệnh vĩ cuồng khiến từng cá nhân hay từng phe nhóm cảm thấy mình “nhất hạng” theo cuộc chiến thì, sau khi chiến tranh chấm dứt, họ sẽ không chịu nhìn vào sự thật, sẽ cố che giấu sự thật để cố níu kéo cái sự “nhất hạng” theo góc nhìn của mình. Cứ nhớ, những người Ðức quốc xã đã hoang tưởng về sự cao quý và sự yêu nước hơn ai hết của dân tộc mình như thế nào? Cứ nhớ, những lãnh tụ Khmer Ðỏ đã hoang tưởng như thế nào về năng lực của dân tộc mình để lao đầu vào những cuộc phiên lưu quân sự điên rồ và một cuộc thí nghiệm ý thức hệ ngu xuẩn như thế nào? Nghĩ rằng tổ tiên mình đã dựng được những kỳ quan như Ðế Thiên – Ðế Thích, nghĩ rằng mình đã đánh thắng một kẻ thù hùng mạnh như đế quốc Mỹ, họ hoang tưởng rằng họ có thể làm được tất. Rồi để ý, những vinh quang rất là... cầu toàn khi mà, liên miên, sau những 5, 10, 15, 20, 25, 30, 35, 40, 45 rồi 50 năm, chiến thắng Ðiện Biên lại được rầm rộ kỷ niệm như thế nào trong khi cái giá phải trả cho chiến thắng ấy vẫn còn là một bí mật cấm kỵ [2] . Ðể ý đến những âm hưởng “tiếng sắt tiếng vàng chen nhau” của cuộc chiến gắng gượng cả gần ba mươi năm sau ngày chiến tranh kết thúc. Ðể ý đến những cựu chiến binh đã gần nửa đời gắn bó với một cuộc chiến và một màu cờ sắc áo, những người mà, quanh đi quẩn lại, chỉ có thể tìm thấy ý nghĩa ở sự tồn tại của mình dưới màu cờ ấy và cuộc chiến ấy. Tập thể ấy không còn, ý nghĩa sự tồn tại của họ không còn. Cuộc chiến ấy mà bị lãng quên, tập thể của họ sẽ bị lãng quên. Và họ trở nên gắn liền với tập thể. Họ trở thành một bộ phận hữu cơ của tập thể và làm mọi cách để có thể tồn tại một cách có ý nghĩa.
Mà thực. Ôi Việt Nam xứ sở lạ lùng / Ðến em thơ cũng hóa anh hùng / Ðến tre xanh cũng hóa thành vũ khí / Ðến ong dại cũng luyện thành chiến sĩ (Tố Hữu): có cuộc chiến chúng ta mới cảm thấy mình “lạ lùng”, thấy mình thoát khỏi thân phận nhỏ nhoi, nhược tiểu. Có cuộc chiến, chúng ta thấy mình vĩ đại hẳn lên và trở thành “cái gì đó” của nhân loại. Có cuộc chiến, chúng ta mới thấy mình yêu nước, gan lỳ và thiện chiến hơn bất cứ dân tộc nào khác. Có cuộc chiến, mỗi lần ra ngõ chúng ta mới gặp... anh hùng, những lớp người trước kia hầu như chỉ hiện diện trong những điện thờ hay trong mấy trang sử. Có cuộc chiến, chúng ta cảm thấy mình trở thành “lương tri của loài người”, cảm thấy rằng mình đang cao cả hy sinh, không chỉ để cứu mình còn để cứu cả nhân loại: Ta vì ta vì ba chục triệu người / Cũng vì ba ngàn triệu trên đời (Tố Hữu). Cứ như là Thánh Gióng huyền hoặc của thuở nào, từ thân phận nửa thuộc địa nửa phong kiến chúng ta lại vươn vai đứng dậy, không làm “tiền đồn xã hội chủ nghĩa” thì cũng làm “tiền đồn thế giới tự do”. Mà kể ra thì chiến tranh cũng đã... tiếp thị cho cái tên và cho thế giá của Việt Nam thật. Cứ nhớ, từ lối nói “An-nam-mít” đầy khinh miệt thời nào vậy mà, với cuộc chiến, tình thật hay đãi bôi, lại xuất hiện dăm ba kẻ khác thường sống cách xa nửa vòng trái đất rao bán cái giấc mơ “sáng thức dậy trở thành người Việt Nam”. Từ thân phận của một thuộc địa nhỏ nhoi, như một phần của “Ðông Dương thuộc Pháp”, hai chữ Việt Nam đã vươn vai trên trường quốc tế theo cuộc chiến Ðông Dương cùng những tính toán chiến lược toàn cầu nuôi dưỡng cái cuộc chiến ấy. Cứ nhớ, theo hồi ức của các ông Hoàng Tùng hay Võ Nguyên Giáp, những năm cuối thập niên 40 khi ông Hồ Chí Minh chưa bắt tay “rèn cán chỉnh quân” cùng đấu tranh giai cấp ở nông thôn như một lời phát thệ với con đường chuyên chính vô sản thì đảng của họ vẫn chưa là cái gì cả trong con mắt của những người vô sản anh em và chuyến đi cầu viện trên đất Tàu và Nga của ông ta năm đó, nói theo ông Giáp, là một “chuyến đi gian khổ” [3] . Cứ nhớ, năm 1951, trong đại hội đảng lần thứ hai ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang, chủ tịch đảng Hồ Chí Minh đã yên phận học trò của mình như thế nào khi đứng trước 158 đại biểu chỉ vào ảnh của Stalin cùng Mao và tuyên bố rằng ông ta có thể sai chứ hai lãnh tụ này không thể nào sai. Vậy mà, chỉ vài thập niên sau thôi, với chiến tranh, trong khi bậc lãnh tụ vươn lên tầm cỡ thế giới thì Việt Nam lại nghiễm nhiên trở thành “tiền đồn xã hội chủ nghĩa”. Cứ nhớ, giữa thập niên 50, khi ông Ngô Ðình Diệm lần đầu đến Mỹ trong tư cách tổng thống nửa nước Việt mới khai sinh sau Hiệp định Genève, hầu như không có một người Mỹ bình thường nào chỉ được vị trí Việt Nam trên bản đồ thế giới. Thế mà, chỉ mấy năm sau thôi, khi đã thành “tiền đồn thế giới tự do”, chữ Việt Nam lại đều đều xuất hiện trên những hàng tít lớn của những tờ báo lớn, trên bản tin ngày ngày của màn ảnh ti vi, trên biểu ngữ của vô khối những cuộc xuống đường, xuất hiện trong những đề tài tranh cử và, thậm chí, còn nặn ra được một giải Nobel Hòa Bình, cái giải Nobel đến hai lần... dang dở [4] .
Thì, cũng gọi là “trưởng thành trong khói lửa”, thế nhưng cái sự “trưởng thành” rất bất bình thường đó đã biến chúng ta thành những tên vĩ cuồng, vừa lớn lối tự tôn nhưng cũng vừa keo bẩn kỳ thị. Thì, cứ cho là chúng ta đã hy sinh và mất mát quá nhiều nhưng làm sao chúng ta có thể vin vào đó để nhai đi nhai lại về cái sự cao quý của mình? Trong thời chiến, ông Vũ Hạnh từng mạo danh một người Ý để viết Người Việt cao quý, cái sự “cao quý” mà không ít người lấy làm tự hào, nhưng nếu nói vậy thì chẳng lẽ, nói theo ông Václav Havel, nhà văn và là cựu tổng thống nước nước Tiệp, hễ làm người Việt thì sẽ cao quý hơn là làm người Lào, người Nga hay người Trung Quốc? Làm sao chúng ta có thể căn cứ vào cái sự đổ máu và hy sinh thực nhiều của mình để cao giọng về lòng “yêu nước nồng nàn” của mình, như thể đó là một đặc tính riêng, như thể không một dân tộc nào yêu nước như là chúng ta yêu? Chẳng lẽ người Thái, Ấn Ðộ, người Anh, người Pháp hay người Ý, người Nhật, không hề yêu tổ quốc của họ? Chẳng lẽ tình yêu mà họ giành cho tổ quốc mình chẳng thể sánh với chúng ta? Sự thể là, khi tham dự một cuộc chiến choáng ngợp như thế chúng ta lại choáng ngợp với những đòi hỏi của cuộc chiến và trở nên lẩm cẩm với những bản vị của chiến tranh. Trong chiến tranh, chúng ta lấy sự gan góc và chấp nhận hy sinh làm thước đo giá trị nên, khi đã trải qua sự đo lường ghê gớm của một cuộc chiến, chúng ta lại có cái ấn tượng rằng không ai ghê gớm bằng mình, rằng đi chệch khỏi con đường khổ nạn như mình là không anh hùng, là không yêu nước. Nếu nước Thái, nhờ vào vị trí địa lý chính trị và sự khôn khéo trong chính sách đối ngoại của mấy ông vua thời trước mà thoát khỏi thân phận thuộc địa, họ đã không yêu nước bằng chúng ta hay sao? Ông Mahatma Gandhi chủ trương đấu tranh bất bạo động đâu phải vì hèn nhát và không yêu nước? Khi nhà cách mạng Phan Chu Trinh tuyên bố “bạo động tất ngu” để phản đối cái sự thí mạng giành độc lập, người đã suốt một đời gian khổ đấu tranh cho dân tộc mình không thể được xem là một nhà ái quốc cao quý hay sao? Mà không chỉ là chuyện yêu nước, chuyện giành độc lập, dấu ấn của thứ bản vị chiến tranh đó đã thẩm thấu vào cả những lĩnh vực ngỡ như chẳng hề liên quan. Như ngôn ngữ, chẳng hạn. Trên chiến trường chúng ta có thể tự hào rằng, dù đối thủ hùng mạnh đến cỡ nào mình vẫn là một một mục tiêu khó nuốt nhưng làm sao có thể lấy làm sảng khoái và tự hào với cái sự khó nuốt của tiếng nói mình? Khi mới xây dựng chữ quốc ngữ, những học giả đi tiên phong không ngớt than thở về cái thiếu của tiếng Việt vậy mà nay đã, đó đây, lại lại nghe lập đi lập lại những giọng điệu tự hào về cái sự khó nhai khó nuốt kia: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Nếu một ngôn ngữ có đáng để tự hào, nó cần phải đáng tự hào ở cái chỗ cô đọng mà súc tích, uyển chuyển mà rõ ràng, chấm phá mà gợi hình, phong phú mà dễ truyền bá chứ tại sao lại tự hào ở cái chỗ bí hiểm và khó nhai?
Chúng ta nói đến “vũ khí tre xanh”, đến “trí tuệ Việt Nam” và những “chiến thắng thần thánh”, thế nhưng, cứ nghĩ, chỉ có tre xanh và “trí tuệ” suông đó thì làm sao chúng ta có thể làm nên một “Ðiện Biên Phủ trên không”? Phải có SAM-2. “Trí tuệ” và sự gan góc kinh người đó cũng đâu thể làm nên một Ðiện Biên Phủ trên bộ? Phải có những cơ man nào là những súng lớn súng nhỏ, phải có cơ man nào là những dàn pháo cao xạ hay những dàn SAM-2 hoàn toàn nằm ngoài... trí tuệ Việt Nam. Bởi, Nguyễn Viết Xuân đâu thể nào giương cây gậy tầm vông lên trời để dõng dạc hô “Hãy nhắm thẳng quân thù mà bắn!”? Bởi, Trị Thiên chỉ có thể vùng dậy, Bình Long chỉ có thể anh dũng và Kom Tum chỉ có thể kiêu hùng với một nguồn hỏa lực hùng hậu, với một nguồn vũ khí không hề mang nhãn mác “Made in Vietnam” chứ? [5] Khi đã “vĩ hoá” cái sự lì lợm và gan góc trước mức độ chết chóc hủy diệt khủng khiếp cùng sự thuần thục của những thao tác kỹ thuật bên những cỗ máy chiến tranh vay mượn hay bố thí thành một thứ sản phẩm của “trí tuệ” thì chẳng có gì khó hiểu khi, trước những “kỳ tích” kiểu Chân dép lốp mà đi vào vũ trụ (Tố Hữu), chúng ta cũng có thể ngửng mặt lên kiêu hãnh, tự hào. Bất quá, nếu xem cuộc chiến là một màn trình diễn, nếu xem thế giới là một “trường đấu tranh” – “trường” đấu tranh của “ba dòng thác cách mạng” hay “ba thế giới” - thì, qua màn trình diễn bằng súng đạn đến từ bên ngoài ấy, chúng ta đã vụt trở thành một thứ... siêu sao trình diễn. Siêu sao trên sân khấu nóng của cái hí trường băng giá mệnh danh Chiến tranh lạnh.
Những siêu sao mùa vụ thoáng nổi thoáng chìm của kỹ nghệ giải trí nào cũng ôm ấp cái ảo tưởng rằng những gì mà kỹ nghệ quảng cáo thổi phồng cho mình chính là thế giá thực sự của mình. Họ nhiễm thói quen làm tiêu điểm của sự chú ý. Theo tinh thần ăn sẵn, họ thích được ca ngợi, thích được bàn đến và sẵn lòng tạo điều kiện để được bàn đến, như những “fan-club”, chẳng hạn. Họ nghiễm nhiên xem việc phục dịch mình là nghĩa vụ của kẻ người khác. Họ bịt tai lại trước bất cứ lời phê bình hay chỉ trích nào. Và như một thứ siêu sao thời chiến mà thế giá được vun bồi bằng những tính toán chiến lược chia hai hay chia ba thế giới, chúng ta cũng hoang tưởng và bệnh hoạn như thế. Hoang tưởng về thế giá của mình rằng, nhất định, sau cuộc chiến ghê gớm ấy, thế giới hẳn phải sợ, phải e dè, phải tuân thủ, phải phục dịch hay, ít ra, vẫn xem mình là “lương tri” nhân loại. Cứ nhớ, ngay sau những năm chiến tranh kết thúc, giới lãnh đạo phía thắng đã kiêu ngạo như thế nào với tâm lý “thắng hai đế quốc” để rồi lao đầu vào những mối phiên lưu điên rồ khác? Cứ nhớ, họ đã kiêu ngạo với tâm lý thế giới phải cần mình trước nỗ lực bình thường hóa quan hệ của người Mỹ để rồi, trong nhiều năm sau đó, phải vất vả đôn đáo ngược xuôi chỉ để mua lại cái quyền trả lời “Vâng” từng ngạo mạn bỏ qua [6] . Cứ nhớ, trong những ngày tàn của cuộc chiến, những nhà lãnh đạo phía thua đã hết lời nguyền rủa “đồng minh” như thế nào với cái tâm lý bị bỏ rơi hay bị phản bội. Và cứ nghĩ đến cái tâm lý cho rằng cái sự chìa bàn tay giúp đỡ Việt Nam chính là bổn phận hay, thậm chí, niềm vinh hạnh của thế giới bên ngoài: nhất định, ít nhiều phải có cái quan niệm ấy thì hệ thống quan lại hiện đại ở Việt Nam, từ cấp cao nhất đến cấp thấp, mới bày cái trò gây khó dễ, cái trò vòi vĩnh kiếm chác trước những dự án viện trợ phát triển hay, thậm chí, viện trợ nhân đạo. Rồi, cứ nghĩ đến tâm trạng chua chát bẽ bàng của những cựu tù nhân cải tạo đầu tiên trong chương trình HO, những người từng khấp khởi tin rằng mình sẽ được nước Mỹ choàng hoa đón chào như những anh hùng mà họ phải mang ơn.
Trên lĩnh vực học thuật chứng bệnh vĩ cuồng đó đã dẫn đến thái độ tự mãn, chẳng thèm học hỏi của ai, xem mình là toàn hảo và xem đa số những tri thức hay giá trị bên ngoài là rác rưởi. Mới đây, trong bài viết Một sai lầm thế kỷ trong lý luận phê bình văn học, đăng trên tờ Văn Nghệ số 29 ngày 17.7.2004, tác giả Trần Thanh Ðạm đã biểu lộ những triệu chứng thô sơ nhất của căn bệnh này. [7] Thực ra, bài viết rối rắm đó không đáng bàn ở nội dung chính, không đáng bàn ở từng luận điểm đúng hay sai mà là ở cách đặt vấn đề, ở cách nhìn nhận vấn đề theo kiểu ếch ngồi đáy giếng. Ðể bài bác những trường phái lý luận và phê bình thế giới là “rác rưởi” đáng đào thải, để mượn lời người phương Tây vô danh nào đó kêu gọi người khác “hãy giữ lấy truyền thống tốt lành và hiện tại chân chất của mình” và “hãy học ở phương Tây những gì là tinh hoa”, tác giả lại lôi ra những giáo điều văn hóa cũ rích mà nguyên Tổng bí thư đảng Trường Chinh trình bày trong cuốn sách mỏng Chủ Nghĩa Mác và Văn Hoá Việt Nam, công bố vào năm 1948 ở chiến khu Việt Bắc. Tác giả đã quên rằng, thực ra, Trường Chinh là một lãnh tụ chính trị chứ không phải là một nhà lý luận phê bình. Tác giả quên rằng điều mà ông Trường Chinh quan tâm là chính sách, là đường lối, là “ta thắng địch thua”, là đập bọn “rắn độc” Ðệ Tứ, là diệt lũ cường hào địa chủ, là thiết lập nền chuyên chính vô sản trong văn hóa chứ không phải là tôn xưng những giá trị mỹ học. Thì, cứ cho ông Trường Chinh là một lãnh tụ Marxist... nhất hạng, từng được xem là lý thuyết gia của đảng thế nhưng, như ông Vũ Thư Hiên đã chỉ ra trong Ðêm Giữa Ban Ngày, cái tập giáo điều văn hóa theo luận điểm Marxist kia chẳng qua chỉ là một mớ kiến thức cóp nhặt và ăn theo, cái mớ kiến thức “second-hand” vốn dĩ trở thành một thứ vũ khí hiệu quả của phái chính thống trong những chiến dịch trấn áp văn nghệ, trấn áp từ các tác giả thuộc phái Ðệ Tứ cho đến các tác giả Nhân Văn – Giai Phẩm, cái sự thể mà, càng về sau, họ cố quên, cố tránh không nhắc tới, vạn nhất có nhắc tới thì cũng nhắc tới trong tâm trạng “Trẻ Nho già Lão” [8] . Thì, cứ cho là chúng ta phải học hỏi những “tinh hoa” của phương Tây, tác giả đã quên bẵng đi rằng, trên thực tế, mấy thứ “tinh hoa” mà ông Trường Chinh đã “học” và áp dụng trong cương vị lãnh tụ, quên bẵng đi rằng mấy thứ vũ khí giáo điều kia, như một thứ “tinh hoa”, đã đem lại những hậu quả như thế nào. Tôi không muốn sa đà vào những tranh cãi chính trị vô bổ nhưng không thể không nhắc đến những chiến dịch “rèn cán chỉnh quân” hay đấu tranh giai cấp ở nông thôn ở đầu hay nửa sau thập niên 50, những sự thật rành rành mà những người cộng sản chính thống Việt Nam không muốn nghe hết và cũng không muốn ra hết. Tại sao ông Hoàng Tùng, từng là người thân cận của ông Trường Chinh, phải thừa nhận rằng những ngày sau cách mạng tháng Tám 1945 là những ngày hoan hỉ tưng bừng nhưng chiến thắng Ðiện Biên chỉ đem lại một bầu không khí dàu dàu ảm đạm? [9] Tại sao, tại sao đến tận bây giờ, sau khi đã “khôi phục” cho những tác giả Nhân Văn – Giai Phẩm, phái chính thống vẫn ngượng ngùng, vẫn cố quên và hoàn toàn không có một lời nào để giải thích cho thật rõ ràng, cho thật tường tận cái sự “khôi phục” đó? Ông Trần Thanh Ðạm có vẻ tâm đắc khi sử dụng chữ “ba lăng nhăng” của Trường Chinh để nói về những lý thuyết “rác rưởi” phương Tây, thế nhưng, cả ở những sự thể thông thường nhất về thế giới Ðông – Tây hôm nay, sự hiểu biết của ông ta cũng rất là... ba lăng nhăng. Quay về với phương Ðông nhưng Việt Nam có phải là toàn bộ “phương Ðông” hay không? Chỉ tự bằng lòng với mình hay tiếp tục quay về với Khổng Mạnh? Hay là, hiện đại hơn, quay về “Ba đại diện” của cựu lãnh tụ họ Giang sau khi thuyết “Ba thế giới” của Mao đã bị xếp xó? Nghe tác giả cả quyết rằng “những con người khôn ngoan, lành mạnh phương Tây đang tìm về thế giới phương Ðông như những nơi còn lưu giữ được môi trường thiên nhiên và văn hóa trong sạch”, người đọc không khỏi ngạc nhiên và phì cười. Họ phải tự hỏi mình là, liệu, tác giả đang mơ ngủ, đang mộng du, đang đi ngược thời gian, đi ngược hơn nửa thế kỷ về trước, ngược về cái thời ông Trường Chinh cặm cụi xào nấu tài liệu tiếng Pháp ở chiến khu Việt Bắc thành một thứ vũ khí giáo điều, hay, thậm chí, đi ngược về tận thế kỷ 13, lúc Marco Polo lần mò theo Con đường tơ lụa để khám phá phương Ðông? Bởi, chỉ cần lật bất cứ bản tin nào về những xã hội phương Ðông đương đại thì ai cũng có thể cảm nhận được sự tàn phá ghê gớm của môi trường thiên nhiên, của môi trường xã hội, cảm nhận được sự băng hoại đáng sợ của những giá trị đạo đức và hay những giá trị văn hóa truyền thống.
Cái cách chúng ta nhìn về mình, hay xem thế giới nhìn về mình trên phương diện học thuật cứ là hẹp hòi và thiển cận như thế. Mỗi lần một trường đại học ngoại quốc mở một tín chỉ về môn Việt Nam học là mỗi lần báo chí trong nước hí hửng loan tin, và loan tin với một cung cách không thể không khiến người ta nghĩ rằng đấy hẳn phải là một chuyện gì ghê gớm lắm, là một vinh dự ghê gớm lắm. Chúng ta lấy làm hoan hỉ khi số lượng đầu sách hay bài báo viết về Việt Nam của những nhà nghiên cứu nước ngoài đã lên tới con số ngàn mà không hề nghĩ rằng, với khoa học, nhân văn hay xã hội, thì có đề tài nào mà không đáng để nghiên cứu. Ðại học quốc gia Úc đã từng thuận tình cho một luận án tiến sĩ chỉ để nghiên cứu tại sao cô đào Nicole Kidman lại ly dị anh chàng Tom Cruise, cái công trình nghiên cứu với mục đích, qua sự tan vỡ của gia đình cụ thể đó, có thể nhận ra những áp lực của ngành truyền thông đại chúng đối với đời sống gia đình đương đại [10] . Dominique Laporte, nhà triết học Pháp, đã từng cặm cụi bỏ công nghiên cứu cách thức loài người... đi cầu trong từng thời kỳ lịch sử để viết Lịch sử của cứt, để nhìn lại tiến trình văn minh của nhân loại từ vị trí của cái nhà tiêu, như là vị trí của cái tôi, cái tôi đầy tính riêng tư [11] . Trong cuộc “Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ II” vừa mới diễn ra ở Hà Nội gần đây, vốn thu hút gần 500 người, trong đó có 123 nhà nghiên cứu ngoại quốc, những người tham dự đã chưng hửng trước cảnh kết thúc chóng vánh sau “hơn hai ngày và chưa tròn 15 phút”! “Học” như thế thì học kiểu gì? Ðấy, quả tình, chẳng qua chỉ là một trò khuếch trương cái sự được chú ý của mình thế thôi, sự khuếch trương nỗ lực nặn ra một “Hội đồng Quốc tế Việt Nam học”, như một sự chú ý có cờ có biển, có “fan-club” cho giới khoa bảng ngoại quốc [12] . Mà thế giới bên ngoài có phát triển ngành Việt Nam học, chủ yếu họ cũng phát triển để phục vụ quan hệ đa diện với Việt Nam, thế nhưng trong khi hoan hỉ khi được thế giới bên ngoài nghiên cứu, chúng ta lại chẳng hề biểu lộ một nỗ lực đáng kể nào trong việc nghiên cứu thế giới bên ngoài, dù là nghiên cứu để hòa nhập hay để đương đầu. Nằm sát nách Trung Quốc, liên miên chịu đựng áp lực của Trung Quốc, vậy mà chúng ta chẳng hề nghe ai đá động đến đến sự tồn tại đáng để ý của bộ môn “Trung Quốc học” trong một viện nghiên cứu hay trong một trường đại học nào. Chúng ta làm như thể nghiên cứu mình và đến với mình là nghĩa vụ của người ngoài, còn họ thì, hầu như, không có gì đáng để chúng ta phải học, dù đó là kẻ thù mà chúng ta nơm nớp theo dõi, dù đó là những đối tượng dồi dào cơ hội mà chúng ta cần phải cầu cạnh để giao thương. Mà, xét cho cùng, mãi tới nay, chủ yếu, cái mà chúng ta gây đình gây đám và khiến giới học thuật thế giới chú ý cũng chỉ là di sản của cái trò thí mạng trước đây chứ không phải là những điều có thể khiến chúng ta trở nên “người” hơn. Ðến các thư viện hay lật các thư mục ngoại quốc để tìm các tài liệu về ngày Tết, chúng ta khó mà tìm cho ra cái Tết của sự hội ngộ sum vầy mà, thay vào đó, chỉ thấy một rừng...“Tet Offensive”, cái mùa xuân nhuộm máu và khét lửa năm 1968, cái mùa xuân ngập ngụa những “hố hầm chôn xác anh em”.
Lời hát kia của Trịnh Công Sơn làm tôi nghĩ đến một giọng ca phản chiến khác, Joan Beaz, nữ ca sĩ dân ca Mỹ với giọng soprano trong trẻo và chân phương từng xả thân trong những hoạt động phản chiến và nhân quyền. Ðời cô, như thế, trong phối cảnh của chúng ta, đã bị phân cách làm hai theo sự kết thúc của cuộc chiến để rồi, ở phía bên này, chúng ta hoan hỉ bằng lòng với nửa trước và hậm hực căm ghét với nửa sau thì, từ phía bên kia, chúng ta lại hoan hỉ ở nửa sau mà ấm ức với nửa phần phía trước. Nếu lịch sử là những câu chuyện mang tính tự sự về quá khứ thì pho tự sự về quá khứ chiến tranh của chúng ta cũng đầy sự phân cách trớ trêu của văn hoá hậu chiến như thế. Hễ thắng thì chúng ta vinh quang. Hễ bại thì chúng ta anh hùng. Thắng, chúng ta không chấp nhận những bản vị của hòa bình để tiếp tục vinh quang trong chiến tranh một cách... cầu toàn. Bại, chúng ta không chịu chấp nhận rằng mình cuộc chiến đã kết thúc để tiếp tục đóng vai anh hùng, để thấy mình oai dũng xông pha mặt trận, cho dù những mặt trận miền đông miền tây hay miền nam miền bắc đều đã, nói như Erich Maria Remarque, hoàn toàn yên tĩnh.
Ai nhất thì tôi thứ nhì
Ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba

Trong cái pho tự sự triền miên, pha lẫn hiện thực và huyền thoại của chúng ta về ký ức chiến tranh, cơ hồ, chẳng thể nào tìm thấy một vị trí “thứ nhì” cho thật rõ ràng và thanh thản chứ đừng gì là “thứ ba”. Cái thân phận văn hóa nhược tiểu của chúng ta đã bị quá tải, đã không chịu đựng nổi cuộc chiến nên cái tâm lý yên phận mua hòa “tôi thì thứ ba” thanh thản kia đã bị đào thải rồi chăng?
Có lẽ thế thật. Nếu nó không như thế thì chúng ta đâu nhao nhao đòi độc quyền chân lý, đòi cả độc quyền chính thống mà cũng đòi cả độc quyền làm nạn nhân? Chúng ta đâu có nhao nhao đòi mình là nhất, dù là những thứ nhất của những nơi đẩu nơi đâu chứ chẳng bao giờ thật sự là nhất của mình...
Sydney 20.7.2004



[1]Diễn văn đọc trước Thượng viện Mỹ năm 1917. Dẫn theo Stephen Pritchard trong “Well, it all depends on what you mean by war”, The Obeserver, October 7th, 2001
[2]Xem: Bùi Tín, (2004), “Fifty Years On”, trong Far Eastern Economic Review, 13, May.
[3]Xem: Võ Nguyên Giáp (2002), Ðường tới Ðiện Biên Phủ, NXB Quân đội nhân dân (chương đầu tiên). Có thể xem thêm đoạn trích trong hồi ký Những kỉ niệm về Bác Hồ của Hoàng Tùng, xem chú thích số 9.
[4]Giải trao cho Lê Ðức Thọ và Henry Kissinger sau Hiệp định Paris năm 1973. Lê Ðức Thọ từ chối, không nhận giải. Kissinger thì nhận nhưng đến năm 1975 đem trả lại tuy nhiên Ủy ban Nobel không nhận lại.
[5]“Bình Long anh dũng - Kom Tum kiêu hùng - Trị Thiên vùng dậy”, khẩu hiệu ở miền Nam trong “mùa hè đỏ lửa” năm 1972.
[6]Nayan Chanda (1986), Brother Enemy: The War After the War, Harcourt Brace Jovanovich
Xem thêm hai đoạn trong hồi ký chuyền tay Hồi ức và suy nghĩ của Trần Quang Cơ, cựu thứ trưởng ngoại giao Việt Nam. Hai đoạn trích “1977, thời cơ bỏ lỡ” và “Cuộc gặp cấp cao Việt – Trung tại Thành Ðô” đã được đưa lên website Diễn Ðàn: http://zdfree.free.fr/diendan/articles/u136tqco.html
và: http://zdfree.free.fr/diendan/articles/u134tqco.html
[7]Bài này đã được đưa lên website talawas ngày 19.07.2004.
[8]Xem: Vũ Thư Hiên, (1997), Ðêm Giữa Ban Ngày, Văn Nghệ, California, chương 18. Theo tác giả thì cuốn Chủ Nghĩa Mác và Vấn Ðề Văn Hóa Việt Nam của Trường Chinh được sao chép theo cuốn Chủ Nghĩa Mác Và Công Cuộc Phục Hưng Nền Văn Hóa Pháp (Le Marxisme et la Renaissance de la culture Francaise) của Roger Garaudy, trong đó: “Bố cục cuốn sách gần như giữ nguyên, thậm chí Trường Chinh trích dẫn đúng những đoạn mà Roger Garaudy trích dẫn Marx, Engels, và cả Jean Fréville”. Tác giả còn cho biết cuốn Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Ðịnh Thắng Lợi của Trường Chinh cũng giống hệt cuốn Trì Cửu Chiến của Mao Trạch Ðông. Ông cũng cho biết cuốn Sửa Ðổi Lề Lối Làm Việc của Hồ Chí Minh chính là sản phẩm pha chế từ cuốn Chỉnh Ðốn Văn Phong của Mao Trạch Ðông và cuốn Sự Tu Dưỡng Của Người Ðảng Viên Cộng Sản của Lưu Thiếu Kỳ.
[9]Hồi ký Những kỉ niệm về Bác Hồ của Hoàng Tùng, nguyên là Bí thư ban bí thư Trung ương đảng. Cuốn sách này đã bị thu hồi sau khi xuất bản, một số chương đã được trích đăng trên website Diễn Ðàn: http://zdfree.free.fr/diendan/articles/u123htung.html
[10]Christine Sams, “Adele set to be doctor of Kidmanology”, Sun Herald, April 4th, 2002, trang 9.
[11]Dominique Laporte, (2001), History of shit. Cambridge: The Massachusetts Institutes of TechnologyPress. [Nadia Benabid và Rodolphe el-Khoury dịch từ nguyên tác Histoire de la Merde.]
[12]Bản tin “Việt Nam sáng lên qua những góc nhìn” trên VietnamNet ngày 17.7.2004. Xem: http://www.vietnamnet.vn/vanhoa/vandekhac/2004/07/176062/

<< Ðọc sách: Death of a Generation: JFK đảo chính Ngô Ðình Diệm để rút quân | Triển lãm At War >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 230

Return to top