1.
Trong nước đang dấy lên làn sóng ủng hộ các nạn nhân của chất độc da cam, thông qua việc hỗ trợ chính sách cho đối tượng này, việc thu thập chữ ý (trên trang web của báo Tuổi Trẻ và ở nơi công cộng) ủng hộ vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam đối với các công ty Mỹ đã sản xuất hóa chất này.
Tôi ủng hộ những việc làm đó. Công lý phải được thực hiện đối với với những kẻ đã sản xuất hóa chất độc hại, gieo những di chứng đau thương cho con người. Và công lý phải được thực hiện cho nạn nhân của hóa chất độc hại này.
2.
Tuổi Trẻ Online ngày thứ hai 17.8.04 có bài
“Chúng tôi không thể làm ngơ”, giới thiệu về Tony Văn Nguyễn và nhóm VietUnity do anh đứng đầu. Theo bài báo, nhóm này gồm những Việt kiều trẻ tuổi sống tại Mỹ thành lập nhằm thúc đẩy hòa giải, trong đó có việc chống lại các đề xuất hay hành động pháp lý chống cộng của cộng đồng người Việt tại Mỹ (như trường hợp của “nghị quyết vùng phi cộng sản” của Garden Grove).
Tôi ủng hộ việc làm này. Hòa giải là điều mà những người Việt có cách nhìn rộng mở luôn hướng đến khi nghĩ về cuộc chiến vừa qua. Không thể thúc đẩy gì được cả bằng những hành động chống cộng cực đoan. Người trẻ không hiện diện trong lịch sử để phải đứng về một phía nào, nên dễ có cái nhìn và hành động dung hòa.
3.
Hai sự việc không dính dáng gì nhau (ngoài chuyện nhóm VietUnity tính chuyện giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam), nhưng lại gợi một số suy nghĩ chung.
4.
Từ Việt Nam, thông qua những người đại diện, nạn nhân da cam có thể khởi kiện các công ty Mỹ, thực chất là một vụ kiện hậu quả chến tranh. Ngược lại, liệu người Việt “lưu vong” có thể từ nước ngoài kiện lại trong nước, ở tầm tương tự của hệ quả cuộc chiến như vậy không?
Ví dụ như kiện việc tịch thu nhà cửa, xưởng máy, đất đai… của họ do chính sách cải tạo công thương nghiệp, cải tạo nông nghiệp, mà từ đại hội 6 của Đảng cộng sản Việt Nam đã thừa nhận là sai lầm không? Nỗi đau mất sạch gia sản để lại từ nhiều đời, gia đình bỗng chốc lâm vào cảnh cùng quẫn, con cái thất học hay bị phân biệt lý lịch trong học hành, công ăn việc làm…, há không để lại một vết hằn không thể phôi phai trong đời người, qua hai, ba thế hệ sao? Hàng triệu người Việt, do sự sai lầm đã được thừa nhận đó, đã phải chấp nhận lao vào cái chết tìm cái sống, bằng đường biển, đường bộ, trong đó một phần hẳn không nhỏ đã vĩnh viễn mất xác nơi biển khơi hay nằm lại nơi xứ người, hoặc chịu những xâm hại về thân thể, há không phải sẽ là nỗi dằn vặt tâm lý cả đời cho người còn sống sót sao? Những nỗi đau này có phải là nhẹ hơn nỗi đau mà nạn nhân chất độc da cam phải chịu không? Ai trả lời “nhẹ hơn”, người đó cần xem lại tình người giả hiệu của mình.
Và đây nữa, ai sẽ có trách nhiệm trả lời cho hàng loạt gia đình ra đi chính thức phải “tự nguyện” hiến nhà, hiến tài sản của mình để mong thoát khỏi một xã hội đầy khốn khó và hà khắc trước đây?
Nghĩ rộng ra, những vụ lính Mỹ thảm sát người Việt ở Mỹ Lai, Thạnh Phong, vụ Tiger Force… bị chính người Mỹ phanh phui, điều tra hay đưa ra toà. Có thể có những tác động giảm nhẹ nào đó đối với những vụ này, nhưng ít ra công lý phải được quyền tự do vạch trần những tội ác chống con người như vậy. Ngược lại, vụ thảm sát của Việt cộng hồi Mậu Thân tại Huế, với hàng loạt người bị chôn sống, các nhà sử học Việt Nam có dám nhìn nhận không, chính quyền Việt Nam có dám nhận đơn và đưa ra điều tra, xét xử hành động tội ác chiến tranh này không?
Ở Mỹ, công lý phải được phán xét công bằng, dân chủ, công khai, từ công luận cho đến cơ quan tư pháp, đấu lý, tranh cãi đến nơi đến chốn, và không ai được ra phán quyết trước cho cơ quan tư pháp. Ở Việt Nam, công lý được thực hiện từ sự sợ sệt, không dám nhìn vào sự thật của giới sử gia và công luận đối với lịch sử chiến tranh từ sự thật nhiều phía; công lý là từ những điều “phán” của đảng và nhà nước, từ một nghị định, quyết định nào đó là xong: không giải quyết những tài sản trong giai đoạn cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Khi đọc những điều này, “người ta” sẽ cho rằng tôi đang khơi lại những thù hằn (tất nhiên sẽ có người cho như vậy, an ninh văn hóa và những người có trách nhiệm nay đâu rời mắt khỏi talawas sau sự kiện tường lửa), nhưng xin nói thế này, ý tôi muốn nhắc đến một sự “sám hối” cần phải có để mọi người từ đó mới có thể giải tỏa được tâm lý cho nhau. Giờ đây không thể thay đổi những sai lầm, nhưng ai đúng, ai sai, và đúng sai ở đâu, thẳng thắn mà nhìn nhận với nhau, mới từ đó tha thứ cho nhau mà đi đến hòa giải. Cứ khăng khăng là mình hoàn toàn đúng, mình không có bất cứ tội lỗi nào, thì làm sao được những người đã vì mình mà khổ đau, chết chóc có thể thừa nhận. Và tôi cũng xin được hỏi có khơi lại thù hằn hay không khi mà một mặt nói hòa giải, một mặt luôn bơm vào đầu người ta, từ thời còn con trẻ, đến thanh niên và sau đó nữa, một cách có hệ thống và bài bản, từ trường học cho đến văn nghệ, về “tội ác Mỹ - ngụy”, khi mà cuộc chiến đã qua đi gần 30 năm?
Công lý cho một phía có phải là công lý trọn vẹn? Tất nhiên là không. Nó thậm chí chỉ là thứ công lý tự huyễn hoặc.
5.
Phía Việt Nam khởi kiện được các công ty Mỹ sản xuất chất độc da cam, vì luật pháp Mỹ cho phép làm điều đó. VietUnity có thể tự do lập nhóm/ hội và công khai phản đối lập trường, hành động của số đông cộng đồng, vì luật pháp Mỹ cho phép như thế. Nói chung, vì xã hội Mỹ là xã hội dân chủ, luật pháp của nó không thể không cho phép những suy nghĩ và hành động tự do, dân chủ. Ngược lại, luật pháp Việt Nam không cho phép làm điều đó.
Nhóm VietUnity có thể tồn tại để tuyên truyền cho đường lối đúng đắn của Việt Nam, vì Việt Nam (thí dụ vậy), ngay trên đất Mỹ. Vậy ở Việt Nam, có bất kỳ nhóm nào có thể tồn tại để tuyên truyền cho dân chủ, tất nhiên không phải dân chủ vì nước Mỹ, mà là dân chủ cho Việt Nam? Các bạn của VietUnity có biết đến những phiên toà vừa rồi xử Phạm Quế Dương và một đồng chí của ông (tôi quên tên), và nhiều người khác nữa, chỉ vì họ đưa hay phổ biến những thỉnh cầu, ý kiến thay đổi dân chủ, bằng hành động hòa bình chứ không phải bằng kêu gọi bạo lực hay vũ trang (lại nói thêm, cái khoản bạo lực và vũ trang này thì “người” Việt cũng tuyệt đối ưu tiên cấp phép lý luận và hành động cho một mình họ thôi)?
Đơn giản như trong lĩnh vực văn nghệ mà còn không được có bất cứ tụ nhóm, “manh động” lời nói hay thể hiện gì nữa là. Ca sĩ Ngọc Sơn từng bị báo chí chửi và được “yêu cầu” không được mặc chiếc áo thun có hình kẽm gai quấn quanh người. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong một kỳ Festival Huế kể vài lời về chuyện vượt biên của mình, lập tức có công an lên sân khấu “mời” về công an địa phương làm việc liền. Ca sĩ này đã phải làm kiểm điểm, và cũng không phải nhẹ nhàng gì mà sau đó được cho tiếp tục hát. Ca sĩ Phương Thanh từng lên tiếng bảo vệ đồng nghiệp trước sự tấn công phi lý của báo chí vào đời tư của họ, yêu cầu lập hội của ca sĩ để bảo vệ nhau. Chỉ là hội của người ca hát thôi, nhưng hoàn toàn không được, Phương Thanh thì khi đó bị dằn mặt bằng những vụ đối xử kiểu “đì” nhau.
Dân chủ cho một phía có là dân chủ thật sự? Tất nhiên là không. Nó chỉ là thứ dân chủ đàn áp.
6.
Phía Việt Nam có thể sử dụng nền dân chủ Mỹ để “đập” lại Mỹ (gậy ông đập lưng ông), qua “kẻ hở” ở chỗ “quá dân chủ” của nó. Còn phía Mỹ, người Việt tại Mỹ có thể lòn qua “kẻ hở” của dân chủ Việt Nam hay không? Không, nền “dân chủ” Việt Nam kín đến mức không còn bất cứ kẻ hở nào, kín đến mức ngột thở!
Nếu nhóm VietUnity thật sự là ý nguyện riêng, tôi (và bất cứ ai mong muốn hòa giải) hoàn toàn tán đồng thái độ hoà giải của các bạn đó. Nhưng nếu đây là kết quả của kẻ hỡ dân chủ Mỹ thì sẽ không thế. Ý tôi ở đây là nếu trong sự việc này có sự dàn xếp, cài đặt sẵn trong nước từ trước, thì khác. Tôi nhấn mạnh là chỉ “nếu” mà thôi. Tuy nhiên phải có sự nghi ngờ này, vì nay ai cũng biết khả năng tính toán cài cắm người từ rất sớm của “phe ta”: tài tình lắm. Tôi còn nhớ về vụ Trần Xuân Trường (mong là tôi nhớ đúng tên và đúng sự việc). Có ai có đầu óc logic lại có thể nghĩ rằng một người đã phải chạy khỏi nước (nói thẳng ra dĩ nhiên là để chạy trốn cộng sản), lại tự dưng cố sống cố chết treo cho được ảnh Hồ Chủ tịch và quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên đất Mỹ hay không? Hãy thử ai đó trong nước mà treo hình Washington và cờ sao sọc ra trước cửa nhà (lén lút trong nhà còn chưa chắc được nữa là), rồi lại còn đi thưa người khác vì quấy nhiễu cái sự treo đó của mình xem?
Tôi phản đối thái độ của những người Việt quá khích tại Mỹ, như chống đối những đoàn văn nghệ từ trong nước sang, hay như “vùng phi cộng sản”, nhưng tôi hiểu và phần nào cảm thông với họ. Từ trong nước sang thì tự do, không phải xin phép chính quyền Mỹ để biểu diễn, muốn nói ca tụng, tuyên truyền thành tích ở nhà thì ca, thì truyền, không có hội đồng nào duyệt trước hay cấm tức thì những phát biểu không được duyệt. Ngược lại, người từ ngoài về nước sẽ được xem xét kỹ tiền sử chống cộng, rồi về có được xuất hiện trước công chúng, có nói hay hát hay không, nói, hát những gì… Người trong nước ra thì thỏa sức tuyên truyền công khai về chủ nghĩa xã hội Việt Nam, người từ ngoài vào có được tự do trước công chúng nói về dân chủ hay không?
Tự do cho một phía có đúng là tự do? Tất nhiên là không. Nó hoàn toàn chỉ là sự truyên truyền cưỡng bức mà thôi.
7.
Công lý là công lý cho mình và cho đối phương. Dân chủ thì có cả hai phía mới hợp thành. Tự do cho mình thì không xâm phạm đến tự do của người khác và ngược lại. Ta dùng dân chủ để tuyên truyền phi dân chủ, thì người khác cũng biết dùng biện pháp phi dân chủ để giữ lấy dân chủ. Hòa giải thì phải chấp nhận, dung hòa lẫn nhau của cả hai phía. Ta luôn công kích, khơi gợi hận thù, buộc người khác “hòa” vào mình, thì người khác cũng biết cách mà “giải” sự công kích đó, ngay bằng cách thù hận như vậy.