Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> Chiến tranh nhìn từ nhiều phía

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 38029 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chiến tranh nhìn từ nhiều phía
nhiều tác giả

Giữa những lằn đạn, giữa những quê hương
Hậu 30.4 và 7.5 - Ghi nhận từ nhiều phía

 

Đọc loạt bài về ngày 30 tháng Tư và 7 tháng Năm trên talawas, tôi có ba ý kiến xin được đóng góp phản hồi: thứ nhất, về mặc cảm chiến thắng chiến bại, thứ hai, về những người may mắn có nhiều quê hương, thứ ba, về “tinh thần” ngày 30.4 và 7.5.
A. Chiến thắng - chiến bại

1. Vinh quang- Anh hùng


  1. Có thắng bại của tướng tá, sĩ quan; có thắng bại của binh lính, thường dân và “phó thường dân”.
    Hãy nói về tướng lãnh hai bên, người Pháp có câu “gloire aux vainqueurs, honneur aux vaincus” (thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng, Cao Tần diễn ca). Cứ theo câu này thì thắng và bại ranh giới rất mong manh, vinh quang cho kẻ chiến thắng và anh hùng cho kẻ chiến bại. Chiến thắng và anh hùng xem ra rất gần nhau, thậm chí lẫn lộn, đổi chỗ cho nhau được. Nội dung câu thành ngữ và cách diễn ca của Cao Tần ( bại cũng anh hùng ) biểu lộ tính nhân đạo sâu sắc. Nhân đạo chủ nghĩa nên mới dịch honneur thành anh hùng trong khi rõ ràng nghĩa nó là danh dự. Trong các trận đấu (thí dụ, đá banh) người ta nói thua trong danh dự hoặc gỡ một bàn danh dự. Danh dự đây hiểu là chiến đấu “ngoan cường,” tấn công không mệt mỏi, fair play, cống hiến nhiều pha đẹp mắt, vận may không mỉm cười mà bị thua, đối thủ rất mạnh nhưng ít ra mình cũng vô được một bàn danh dự, v.v. Yếu tố không may và bất lợi dẫn tới việc bại trận của Pháp là vào thời điểm tướng Võ Nguyên Giáp “kéo pháo ra” (25.1.54), cũng chính là thời điểm các cường quốc Anh, Nga, Mỹ, Pháp triệu tập Hội nghị chấm dứt chiến tranh Ðông Dương, cùng với sự tham dự của Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa (18.2.54). Tướng Võ Nguyên Giáp dồn toàn lực (toàn quân, toàn dân, viện trợ ồ ạt, ý chí quyết thắng ...) để giành thắng lợi cuối cùng, trong khi tướng Navarre ở tình thế “ván cờ thế giới đã thay đổi,” cuối cùng bị dồn vào thế anh hùng chiến bại, nói như sách báo nước ngoài “de Castries, Langlais, Bigeard... đã xuất hiện như những người hùng bi tráng.” Nhận xét về Navarre, tướng Võ Nguyên Giáp nói: Navarre có óc chiến lược nhưng không biết gì về chiến tranh nhân dân (...) Bẩy tướng tư lệnh tiền nhiệm đã thay nhau, và đã vi phạm cùng một sai lầm. Bất cứ vị tướng tư bản nào cũng sai lầm như vậy, trong vị thế của Navarre. Bằng cớ là sau Ðông Dương họ khai chiến ở Algérie. Sau đó là người Mỹ (...) Công bình mà nói, tới lúc này (đầu 1954) Navarre không đáng chê trách như nhiều người sau đó đã lên án.” Với tướng lãnh Pháp, tướng Võ Nguyên Giáp là người chiến thắng; với tướng Võ Nguyên Giáp, các tướng lãnh Pháp tại Ðiện Biên Phủ cũng là những người hùng hoặc ít ra là người hùng bi thảm. Trên bình diện nhân loại, tướng Võ Nguyên Giáp đã thông cảm, biện hộ, thậm chí chia sẻ tình huống khó khăn của Navarre. Không có vấn đề thắng bại. Nếu chẳng đặng đừng phải chiến đấu để bảo vệ đất nước, tôi sẽ chiến đấu anh dũng hơn anh, dữ dội hơn anh, nhưng nếu cần lòng bác ái, nhân từ tôi cũng sẽ bác ái, nhân từ hơn anh gấp nhiều lần, có thể nói đó là cái tâm rất nhân hậu của tướng Võ Nguyên Giáp.

  2. Với lòng yêu quý vô hạn, tôi muốn coi thắng lợi của tướng Võ Nguyên Giáp như biểu tượng sinh động của tinh thần đại hùng, đại lực và đại từ bi của dân tộc, thắng lợi thần kỳ đến nỗi các dân tộc thuộc những nền văn hóa khác nhau đều tỏ lòng quý trọng và khâm phục. Cũng trong tinh thần trên, tướng Dương Văn Minh phải được coi là một anh hùng. Không có thắng bại, chỉ có sự thể hiện tinh thần trách nhiệm, những mệnh lệnh oan nghiệt thời chiến và lòng nhân từ của một vị tướng, trong một hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử dân tộc.

2. Tự tôn và tự ti


  1. Về mặc cảm của binh lính, thường dân, “phó thường dân”: Mặc cảm là tập hợp những xu hướng tâm lý trong trạng thái xung đột lẫn nhau và gây ảnh hưởng một cách vô thức, lên thái độ, cử chỉ của một cá nhân. Về mặt phân tâm học, Bleuler và sau đó Freud, cách đây 80, 90 năm, đã nói tới những mặc cảm thường thấy thời thơ ấu của đứa trẻ như mặc cảm Oedipe (con gái yêu cha ghét mẹ, con trai yêu mẹ ghét cha), mặc cảm bị thiến (lo sợ vì không có dương vật – ở con gái - hoặc bị cắt bỏ mất dương vật - ở con trai- , mặc cảm dứt sữa (thiếu hụt, mất mát thứ đáng lẽ mình vẫn có) v.v. Mặc cảm được hình thành thời thơ ấu từ một nhân vật, một hoàn cảnh cụ thể; nếu không được giải quyết ổn thỏa nghĩa là tách khỏi, vượt qua nhân vật hoặc hoàn cảnh gây mặc cảm, nó có thể để lại những dấu ấn tâm lý tai hại, ảnh hưởng suốt tuổi trưởng thành sau này (thí dụ, mặc cảm Oedipe).

  2. Mặc cảm “trốn chạy khỏi tổ quốc” là một loại mặc cảm đặc biệt, nó vượt khỏi những mặc cảm tâm lý thông thường được Bleuler và Freud nói tới. Nó liên hệ tới mặc cảm phạm tội, sự bù trừ, tự tôn- tự ti, vô thức tập thể, thuộc phân tâm học của Jung và Adler. Tổ quốc, quê hương, nhân dân, dân tộc, đồng bào, truyền thống, thần thoại, những giá trị văn hóa lịch sử, bản sắc, cá tính dân tộc v.v., tất cả tạo thành một toàn khối rất mơ hồ trừu tượng nhưng cũng rất cụ thể sinh động, quy định cách sống, cách nghĩ, bản lãnh bản sắc của từng cá nhân trong cộng đồng dân tộc. Trốn chạy khỏi tổ quốc, tách biệt khỏi dân tộc tạo ra một loạt phản ứng tâm lý tiêu cực: phản bội, thua cuộc, vọng ngoại, mất gốc... Lúc đầu, song song với tâm lý trên cũng phải kể tới tâm lý phục thù. Tâm lý này dựa trên hai tiền giả định: thứ nhất, cuộc đời là một canh bạc, một ván cờ, thua keo này bày keo khác; thứ hai: tình hình quốc tế và quốc nội có thể đảo ngược. Về sau tâm lý này dần dần mờ nhạt đi [có lẽ vì thấy tình hình khó có thể đảo ngược, hoặc xuất hiện những yếu tố mới (hội nhập, toàn cầu hóa) hoặc phương cách đấu tranh cũ không hữu hiệu (vụ Fulro trước kia, vụ Tây Nguyên hiện nay]. Tâm lý những người xa quê hương lúc này lắng xuống thành một thứ mặc cảm có tính phổ biến và khá đặc trưng của lớp người Việt lưu vong: mặc cảm tự ti.

  3. Người ở lại có mặc cảm tự tôn (vì được tham dự vào chiến thắng, vì được cả một hệ thống tôn ti trật tự, chuẩn mực, tiêu chuẩn xã hội bảo đảm cho mặc cảm tự tôn của mình) và cũng có nhiều thành phần khác có mặc cảm tự ti (vì những tiêu chuẩn trong đảng ngoài đảng, lý lịch, thành phần). Ðiều đáng nói ở đây là mặc cảm tự tôn thường thấy ở người trong nước và mặc cảm tự ti ở Việt kiều. Xét trong hoàn cảnh riêng biệt cụ thể, có những văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học ...có tài, được bạn bè và xã hội quý trọng, họ ý thức rõ điều này và có mặc cảm tự cao về mình – tôi nghĩ thái độ tự cao đó thật cũng xứng đáng. Tuy nhiên, nhìn chung những người ra đi có mặc cảm tự ti. Hình như định mệnh (hoặc lịch sử, vận nước, thời cuộc?) đã lựa chọn cho họ một số phận như vậy, cho tự tôn hoặc bắt phải tự ti. Một thứ chủ nghĩa lý lịch thời toàn cầu hóa.

  4. Sự thực không phải như vậy. Mặc cảm nói chung và mặc cảm tự tôn - tự ti nói riêng chỉ là một trạng thái tâm lý có tính giai đoạn chứ không phải là một thuộc tính cố định, nhất sinh bất biến, gắn chặt vào cuộc đời một con người. Một trong những nguyên tắc để giải tỏa mặc cảm là phải vượt qua nhân vật hoặc hoàn cảnh đã sinh ra mặc cảm. Ðiều kiện giải tỏa mặc cảm thực ra hiện diện ngay trước mắt chúng ta. 1975: trong chiến tranh giải phóng dân tộc, những người bỏ tổ quốc ra đi bị mặc cảm tự ti, những người chiến thắng ở lại có mặc cảm tự tôn. Từ những năm 1990 đến nay, trong hòa bình xây dựng đất nước, a) Chủ nghĩa xã hội đã từng một lần bị phá sản vì không đáp ứng được yêu cầu của thời đại, sau đó đã phải sửa sai, đổi mới để đi vào hội nhập, toàn cầu hóa; b) Trong hội nhập, toàn cầu hóa, chính khối lượng Việt kiều hải ngoại lại có những điều kiện thuận lợi hơn (về tri thức chuyên môn, về tổ chức quản lý xã hội đại công nghiệp, kinh tế thị trường, về khả năng tài chánh, về các mối bang giao quốc tế v.v.) để đáp ứng những yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Nói cách khác, những người có mặc cảm tự ti đang trở thành người có mặc cảm tự tôn, và ngược lại, những người có mặc cảm tự tôn đang mang mặc cảm tự ti (thua kém về tri thức, thiếu khả năng, mất dần những đặc quyền đặc lợi, chia rẽ, tham nhũng, thoái hóa biến chất...). Lấy một thí dụ điển hình trong phạm vi văn học nghệ thuật: Những người cầm bút Việt Nam ở hải ngoại tự hào về chủ nghĩa hậu hiện đại – trong lý luận phê bình và sáng tác văn học – và đang tìm cách du nhập nó vào Việt Nam, bổ sung cho chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ðối với một số người, từ 1954 đến nay, tại Việt Nam chưa từng tồn tại một nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa mà chỉ có một thứ văn chương thời vụ, mang nặng tính khẩu hiệu và tuyên truyền. Nếu vấn đề học thuật trên được thảo luận công khai, thẳng thắn và đầy thiện chí giữa người Việt hải ngoại và ở trong nước, ta có thể thấy ai đang tự tôn, ai đang tự ti?!

  5. Giải tỏa mặc cảm tự tôn hoặc tự ti là điều cần thiết. Nó giúp ta quẳng bớt một gánh nặng tâm lý có ảnh hưởng tiêu cực. Mặt khác, nó giúp nhìn nhận và giải quyết vấn đề một cách khách quan khoa học hơn. Tuy nhiên điều quan trọng nhất không phải là giải tỏa mặc cảm hoặc chứng minh tôi hơn anh hay anh hơn tôi mà là cùng nhau làm một điều gì tích cực cho đất nước và dân tộc, dù ở trong hay ngoài nước.

B. Chúc phúc cho người có nhiều quê hương

1. Bài của Claudia Việt-Ðức Borchers, Cha tôi giữa những quê hương gây cho tôi nhiều xúc động. Có những tình tiết trong bài văn tôi thấy rất giống với những kinh nghiệm sống thực của đời mình. Thí dụ đoạn ông Erwin Borchers, ba của Claudia Việt-Ðức Borchers, phải đi Ðiện Biên Phủ, vậy nên đứa bé phải mang một cái tên gì gợi nhớ ông, nếu chẳng may ông không trở về từ mặt trận này. Chi tiết này diễn tả đúng hệt tâm lý của một tập thể những người trẻ tuổi – trong đó có tôi - hồi 1964-65, tuy hoàn cảnh có hơi khác một chút. Ra trường năm 1963, tôi được điều về dậy triết tại trường Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long. Chỉ một ít lâu sau tôi nhận được tờ Trí thức mới (in ronéo) của Mặt trận, mấy “ổng” bắt liên lạc với tôi. Hồi đó, đường Vĩnh Long – Sài Gòn thường bị Việt Cộng đắp mô. Ðó là những ụ đất lấy từ bờ ruộng lên, đắp sơ sài cao khoảng 1 mét chắn ngang qua mặt lộ, bên trong có gài chất nổ. Xe đò gặp mô phải dừng lại, nối đuôi hàng cây số, chờ công binh tới gỡ mìn, xe nào cố luồn lách hoặc phá mô vượt qua sẽ bị banh xác. Trong những dịp Tết hoặc nghỉ hè, chúng tôi – những thầy giáo trẻ tại Vĩnh Long, Sa Ðéc , Long Xuyên - thường về nhà ở Sài Gòn, do đó thường gặp cảnh đắp mô và đôi khi cũng thấy cảnh xe đò bị banh xác. Tôi kể cho thầy me tôi nghe chuyện đắp mô nhưng giấu chuyện “rủ rê” của mấy ổng. Cả nhà chăm chú nghe và tỏ vẻ rất lo lắng, thầy tôi trở nên đăm chiêu, ít nói. Từ đó, mỗi lần tôi rời Sài Gòn đi Vĩnh Long, thầy me tôi và mấy đứa em, tuy không nói ra nhưng qua ánh mắt tôi biết đều coi như tôi đang đi vào một nơi nguy hiểm, biết đâu “chẳng may không trở về.” Trong câu chuyện, khi ra trận, ông Erwin Borchers đã ấp ủ trong lòng cái tên con gái của mình, Claudia Việt- Ðức Borchers, gọi là chút gì để gợi nhớ Ðiện Biên Phủ – Hà Nội. Mẹ tôi lại thương con theo cách khác: bà luôn luôn hỏi tôi thích ăn món gì để bà làm cho ăn trước khi ra đi. Tôi nhớ tôi luôn đòi ăn món bún thang hoặc bánh cuốn cà cuống, một phần vì tôi thích thật, một phần để làm cho mẹ tôi vừa lòng. Cho dù có gặp mô hay bị banh xác trên đường đi Vĩnh Long thì hương vị cà cuống có lẽ sẽ là tín hiệu cuối cùng gợi nhớ thầy me và gia đình tôi ở Sài Gòn.
2. Một điều nữa làm tôi suy nghĩ nhiều khi đọc bài của Claudia Việt- Ðức Borchers viết về Erwin Borchers, đó là ý tưởng về những người sống giữa hai lằn đạn.


  1. Erwin Borchers tham gia hoạt động chống phát-xít, bị Ðức Quốc Xã truy lùng phải trốn sang Pháp. Tại Pháp lại bị quản chế vì bị tình nghi là gián điệp Ðức. Gia nhập đoàn quân lê dương của Pháp để thoát cảnh tù đày và có thể tiếp tục chống phát-xít Ðức. Sang Algérie rồi sang Ðông Dương, cuối cùng thất vọng về đường lối thực dân của Pháp đã bắt liên lạc với Việt Minh. Erwin Borchers được Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Ðồng và Trường Chinh đích thân đón nhận vào hàng ngũ kháng chiến. Trong suốt 9 năm kháng chiến, Erwin Borchers giữ nhiều trọng trách trong hoạt động tuyên truyền địch vận (ra tờ báo đầu tiên của Việt Minh bằng tiếng Pháp, kêu gọi lính Pháp và lính lê dương trong quân đội Pháp bỏ hàng ngũ, về với chính nghĩa của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, giáo dục hàng binh, tù binh Pháp). Erwin Borchers cũng có mặt trong trận Ðiện Biên Phủ lịch sử.

  2. Tuy nhiên trong “thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, nhà chúng tôi ở bị theo dõi (...) Sau ngày giải phóng, ông gặp rắc rối với Ðảng ở đây. Có thể nói là người ta đã bỏ rơi ông, coi ông là “quá tư sản” không đủ lòng “trung thành với đường lối” thời ấy. Ông cấm con cái là chúng tôi không được hát những bài hát thiếu nhi mang mầu sắc chính trị học ở trường về , bởi nội dung các bài hát đó quá giáo điều. Cha tôi luôn chống đối mọi giáo điều, nhưng trong thâm sâu con tim ông vốn nguyên là một người cộng sản. Thất vọng vì tất cả, ông không muốn tham gia cuộc chiến tranh giải phóng tiếp theo ở Việt Nam. Thế nên trong hoàn cảnh đó, ông quyết định trở về quê hương, nước Ðức. Chuyện đó xẩy ra năm 1966.(...) Có lần ông nói với tôi rằng ông muốn được rắc nắm tro của mình vào một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam (...) Trong tôi còn lại một người cha, thế nào đó, như thể một người không có quê hương (...) Với người Ðức, tôi nghĩ bằng tiếng Ðức và bên bạn bè Việt Nam, tôi nghĩ bằng tiếng Việt. Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của tôi. Tôi tự hào làm người con của mẹ cha khác biệt hai dòng máu. Hoàn cảnh đó làm cho cuộc đời tôi phong phú hơn.”

  3. Sống giữa hai lằn đạn là tâm lý phổ biến và đặc trưng của Việt Nam, đối với người Việt cũng như người ngoại quốc sống tại Việt Nam, như trường hợp Erwin Borchers. Thời kháng chiến chống Pháp, rồi kháng chiến chống Mỹ, rồi thống nhất cả nước đi vào hội nhập, toàn cầu hóa v.v., ở đâu, lúc nào trên thế giới cũng có tình trạng sống giữa hai lằn đạn, tuy nhiên hiện tượng này như được thể hiện tập trung và rõ nét hơn cả tại Việt Nam.
    Hãy lấy thí dụ tình cảnh những người cầm bút miền Nam thời chống Mỹ cứu nước trước đây.
    Một bên là Mỹ, tư bản chủ nghĩa, đế quốc, xâm lược, thực dân, CIA/ một bên là Cộng sản, chủ nghĩa xã hội, VC, cách mạng, giải phóng/ đứng giữa là Quốc gia, tay sai. Trên nguyên tắc, Mỹ = chống Cộng , Cộng sản = chống Mỹ, Quốc gia = chế độ tay sai của Mỹ nên về nguyên tắc cũng chống Cộng. Trên thực tế, mối quan hệ giữa ba thực tại đó phức tạp hơn nhiều chứ không đơn giản như vậy.

    Mỹ tại Việt Nam chống Cộng nhưng Mỹ chóp bu tại Washington có thể đi đêm với Cộng sản. Cộng sản cũng vậy. Vấn đề là ở anh quốc gia. Quốc gia không chỉ có nghĩa là chính quyền “tay sai” mà còn là đám đông quần chúng nhân dân, không đứng giữa Mỹ và Cộng sản, trái lại khi nghiêng bên này, khi nghiêng bên kia. Anh được cả hai phía mời mọc, níu kéo. Thân Mỹ nhưng làm như chống Mỹ/ đứng giữa/ thân Cộng thì Cộng sản mới để cho yên thân. Thân Cộng nhưng làm như chống Cộng/ đứng giữa/ thân Mỹ thì Mỹ, quốc gia mới để yên, cho qua. Ðó là cái triết lý “thực dụng” kiểu Việt Nam để sống giữa hai lằn đạn, chính nhờ triết lý đó mà người ta vượt qua mọi thử thách, và tồn tại được cho tới giờ phút quyết định cuối cùng.
    Quốc gia/đứng giữa nhưng nếu hơi ngả sang Mỹ một chút anh sẽ bị CS dòm ngó, bị coi là CIA, tay sai, mật vụ, chỉ điểm, có tội với nhân dân (một lằn đạn); nhưng nếu có dấu hiệu đã ngả sang CS hơi nhiều anh sẽ bị Mỹ, quốc gia coi là ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản, Cộng sản nằm vùng (hai lằn đạn).
    Tốt nhất là đóng vai “quốc gia/đứng giữa” ngả sang Mỹ nhưng làm như không ngả sang Mỹ hoặc ngả sang Cộng sản mà làm như không ngả sang CS. Như vậy là được lòng cả hai bên, nếu có bị ghi sổ đen thì cũng không đến nỗi bị bắt, nếu có bị bắt thì cũng không đến nỗi bị đánh đập tàn nhẫn hoặc bị thủ tiêu (giữa hai lằn đạn).
    Cuộc chiến này có điều lạ là tôi biết anh thân Mỹ, chống Cộng hoặc anh biết tôi là thân Cộng, chống Mỹ nhưng cả hai bên đều làm ngơ, coi như không biết, để công việc trôi qua “bình thường,” miễn là đừng gây ra điều gì “nổi cộm”quá. Có nhiều trường hợp hai người ở lập trường đối nghịch nhau còn bao che, nương tay cho nhau, thậm chí còn báo tin cho chạy trốn trước khi việc lùng bắt hoặc thủ tiêu diễn ra (giưã hai lằn đạn).
    Có một thực tế rất sâu sắc, ít khi được nói ra: cả hai đều biết đối thủ của mình vì miếng cơm manh áo mà phải làm như vậy, không ai hoàn toàn tin vào Mỹ, vào Cộng sản hay vào VNCH. Vì vậy người ta đóng vai diễn của mình một cách vừa phải, không hay quá hoặc dở quá, ngoài mồm thù ghét, hù dọa, kết án nhưng trong lòng vẫn có sự tôn trọng hoặc thông cảm, bao che. Có những sinh viên làm mật vụ/tình báo/CIA cố ý bao che hoặc làm ngơ đối với những ông thầy mà họ biết rõ là thân Cộng/nằm vùng. Và ngược lại (giưã hai lằn đạn).
    Sống giữa hai lằn đạn nên ai cũng phải đeo mặt nạ, có con người thực và con người giả. Giả là con người bề ngoài, một chức vụ, một nhân vật của nhà nước, của Mỹ, của VC. Con người thực, sâu thẳm, kín đáo, gạt bỏ mọi chức tước, nhãn hiệu. Trong tôi có những yếu tố là của anh, trong anh cũng có nhiều yếu tố là của tôi. Cái xấu, cái tàn bạo, xảo trá và cái tốt, cái chính nghĩa, cái tình người tồn tại xôi đậu, chuyển hóa lẫn nhau. Nhiều khi, chúng được biểu hiện bằng những hành động trái ngược với tên gọi của chúng. Rất khó đánh giá, khen chê sự việc như là sự việc.
    Sau khi thống nhất đất nước, Cộng sản đã nắm quyền, tâm lý giữa hai lằn đạn còn hay mất? Nó đã biến đổi như thế nào?
    Hồi nghiên cứu về trí thức khuynh tả tại Pháp, nhất là phong trào tháng 5-68, tôi đã đặt câu hỏi này và câu trả lời là một nghi vấn. Ngày nay, có thể nói tâm lý giữa hai lằn đạn vẫn còn nguyên, thậm chí tăng thêm, tinh vi, vô hình và đáng sợ hơn. Ðất nước thống nhất nhưng một số ở lại, một số ra đi. Tâm lý thân Cộng, chống Cộng, chờ xem Cộng sản ra sao vẫn còn. Anh thân Cộng nói điều gì cũng sẽ bị anh chống Cộng hoặc anh chờ xem nghi ngờ. Ngược lại, anh chống Cộng nói ra điều gì cũng bị anh Cộng sản, thân Cộng hoặc chờ xem theo dõi! Bản thân anh thân Cộng, anh Cộng sản, anh chờ xem... nói ra điều gì cũng sẽ bị các anh khác nghi ngờ, dè dặt. Chúng ta đeo mặt nạ sống với nhau. Nhiều đảng viên hoạt động bí mật, đến khi đất nước hòa bình, cần xác minh một vụ việc, ở một giai đoạn cụ thể nào đó, công việc xác minh thật không đơn giản. Ðôi khi phải chịu cảnh thiệt thòi, oan ức, xúc phạm danh dự... không đáng có. Ðối với những anh em không phải là đảng viên, vấn đề càng phức tạp hơn. Kinh nghiệm này ai cũng từng nếm qua, đó là kinh nghiệm méo mặt giữa những lằn đạn.

  4. Vấn đề đánh giá con người sống giữa hai lằn đạn
    Vấn đề giữa hai lằn đạn gồm 5 yếu tố: 1) Ðế quốc Mỹ, chủ nghĩa tư bản; 2) Cộng sản, chủ nghĩa xã hội; 3) Nhân dân Việt Nam; 4) chủ nghĩa yêu nước; 5) Hội nhập, toàn cầu hóa.
    Liên hệ tới yếu tố 1: ta có chủ nghĩa thực dân của Pháp, chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ. Chế độ dân chủ, tự do/ của dân do dân vì dân. Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, xâm chiếm thuộc địa, nô lệ hóa các dân tộc... Chống Cộng sản và những người theo Cộng sản. Lằn đạn thứ nhất.
    Liên hệ tới yếu tố 2: chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, quốc tế vô sản, chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp, chuyên quyền, giáo điều, kinh tế chỉ huy, chế độ tem phiếu v.v. Ðiểm quan trọng đáng nhớ: Quốc tế III có đặt vấn đề giải phóng dân tộc. Chống thực dân, đế quốc và những người làm việc cho/ cộng tác với thực dân, đế quốc. Lằn đạn thứ hai.
    Liên hệ tới yếu tố thứ 3: yếu tố chính của hệ thống. Ðang từ tình trạng thuộc địa đấu tranh cho độc lập, chủ quyền, trở thành bãi chiến trường cho hai lằn đạn, nhân dân Việt Nam có ba khả năng: 1) Ðấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do, hạnh phúc; 2) Sau khi giành được độc lập, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa; 3) Phát triển “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” theo định hướng tư bản chủ nghĩa.
    Liên hệ tới yếu tố thứ 4: đấu tranh giải phóng dân tộc có một vai trò rất quan trọng, nó là mẫu số chung giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội. Trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, chủ nghĩa xã hội (quốc tế III) có thể song hành với chủ nghĩa yêu nước nhưng sau khi đã cướp được chính quyền (chuyển từ đảng cách mạng sang đảng cầm quyền) thì chủ nghĩa xã hội lại tách ra vì hai chủ nghĩa khác nhau về bản chất. Chủ nghĩa yêu nước phát triển lên thành độc lập, dân chủ, tự do còn chủ nghĩa xã hội phát triển lên thành quốc tế, chuyên quyền và giáo điều.

    Liên hệ tới yếu tố thứ 5: đây là nhân tố mới làm thay đổi toàn bộ ý nghĩa của các yếu tố kia. 1) Ðế quốc Mỹ và CS thay vì tiêu diệt nhau bây giờ lại bắt tay, coi nhau như “bạn bè” thân thiết, vừa đấu tranh vừa hợp tác; 2) Giải phóng dân tộc, độc lập chủ quyền thì bây giờ dân tộc phải hiểu là gắn liền với quốc tế, độc lập là liên lập, hợp tác cùng phát triển; 3) Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội bây giờ thành yêu nước là phấn đấu xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; 4) Trước kia ta chủ trương tiến thẳng từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa xã hội, bây giờ ta điều chỉnh lại phải qua con đường vòng tư bản chủ nghĩa, kinh tế thị trường “phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.” 5) Trước kia là tiến từ chủ nghĩa yêu nước lên chủ nghĩa xã hội nhưng từ những năm 1990, trước sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, phải can đảm nhìn thẳng vào sự thật là chúng ta đang chuyển ngược từ chủ nghĩa xã hội về chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc.
    Chính sự tương tác giữa 5 yếu tố nói trên tạo ra ý nghĩa sống chết của những thân phận sống giữa hai lằn đạn. Có một giai đoạn chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội cùng nhau làm nên kỳ tích, sau đó là một giai đoạn lãng mạn cách mạng vô cùng nghiệt ngã; giờ đây lại cùng nhau bước vào hội nhập, toàn cầu hóa, một kế tục truyền thống vẻ vang của dân tộc, một đang phải bắt đầu lại từ con số không. Cả hai, tay trong tay, đại đoàn kết, đại đoàn kết. Cuộc đời thì vẫn lặng lẽ trôi, theo quy luật của nó.

3. Chúng ta may mắn sống sót và thấy được những sự thật đáng kinh hoàng hồi 1990. Erwin Borchers không có được cái may mắn đó, ông mất năm 1984. Người cộng sản chân chính, lý tưởng và cương trực ấy khi nhìn lại chủ nghĩa xã hội hiện thực trước mặt đã không tránh khỏi u buồn, thất vọng. “Thất vọng vì tất cả, ông không muốn tham gia cuộc chiến tranh giải phóng tiếp theo ở Việt Nam.” Mấy năm trước khi mất, ông rơi vào tâm trạng u uất, trầm cảm. Và còn hơn thế nữa, theo Claudia Việt- Ðức Borchers “trong tôi còn lại một người cha, thế nào đó, như thể một người không có quê hương.” Càng chân chính, lý tưởng, cương trực bao nhiêu thì càng thất vọng, suy sụp, hụt hẫng bấy nhiêu. Hụt hẫng như bị mất chân đứng, rơi vào chân không. Không có quê hương tinh thần, mất chỗ dựa lý luận. Chủ nghĩa xã hội đã từng là tất cả, nay thực tế trước mắt, tại Việt Nam và trên thế giới, cho thấy nó không tốt đẹp như mong ước, mà hơn thế còn chứa đựng những sai lầm, xấu xa đáng ghê sợ. Sám hối. Vỡ mộng. Sự thật, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa yêu nước có một mẫu số chung là sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Erwin Borchers nghĩ rằng mình đã đóng góp với tư cách một chiến sĩ Cộng sản, trong khi thực ra, theo tôi, ông đã hoạt động như một chiến sĩ đấu tranh vì lý tưởng độc lập tự do cho/với dân tộc Việt Nam. Ðây là hoạt động hết sức cao đẹp và có ý nghĩa, giống như hoạt động của các người da trắng, da mầu trên khắp thế giới đấu tranh cho hòa bình, độc lập của Việt Nam; không thể nói là không có quê hương, chính ông cũng đã từng mơ ước “được rắc nắm tro của mình vào một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam.” Việt Nam là một quê hương, mãi mãi là một quê hương tươi đẹp, anh hùng trong thế giới mơ ước của Erwin Borchers. Trường hợp Erwin Borchers là biểu tượng cho một thế hệ những người Việt và người nước ngoài trong giai đoạn giữa hai lằn đạn, tức là giai đoạn đấu tranh chung giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội chống chủ nghĩa đế quốc. Ðó cũng là giai đoạn của những sai lầm bước đầu trong công cuộc xây dựng xã hoäi chủ nghĩa (cải cách ruộng đất, Nhân văn-Giai phẩm ở miền Bắc, hợp tác hóa, cải tạo tư sản ở miền Nam). Những người Việt hải ngoại hoặc lưu vong, có một thời cũng mặc cảm như Erwin Borchers, không có quê hương. Tới 2004, tức là 20 năm sau khi Erwin Borchers nằm xuống, tình hình và ý nghĩa mọi sự việc đã thay đổi hẳn. Bước vào thời đại công nghệ thông tin, kinh tế tri thức, hội nhập toàn cầu hóa, tư bản-cộng sản “chung sống hòa bình” theo chu kỳ xoáy ốc, những ranh giới địa lý, chính trị, tâm lý được nới rộng. Chúng ta có nhiều quê hương. Cái “tôi” được trải rộng, quê hương được trải rộng, và sự trung thành với quê hương cũng được trải rộng, người ta nói tới double fidélité, triple fidélité (R.Aron). Claudia Việt-Ðức Borchers, dù là một nữ họa sĩ, đã dùng chữ thật tài tình khi chọn đề bài của mình: Cha tôi, giữa những quê hương.

C. Tinh thần ngày 30.4 và 7.5

1. Có một sự trùng hợp kỳ lạ của hai con số 30.4 và 7.5: một con số chỉ ngày 30.4.75, ngày thống nhất đất nước, một con số chỉ ngày 7.5.54, kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Tách ra là hai, nhưng gộp lại là một. Từ lâu, tôi thường tự hỏi, cái làm nên sức mạnh biến cố lịch sử 7.5 và 30.4 xét cho cùng là gì? Theo tôi, tinh thần, tức linh hồn, tức sức mạnh thần kỳ của ngày 30.4 và 7.5, dù là hai hay là một, là sự kết tinh của ba yếu tố: 1) đại đoàn kết; 2) ý chí quyết chiến quyết thắng; 3) vì độc lập, tự do, hạnh phúc toàn dân. Năm nay, kỷ niệm ngày 30.4.2004 và 7.5.2004, chúng ta có làm sống lại được tinh thần ngày 30.4 và 7.5 hay không?
2. Một tâm lý hơi khác thường đang len lỏi vào tâm trí mọi người và dần dần trở thành quen thuộc, thậm chí nhàm chán, một tâm lý có vẻ mâu thuẫn khi nhắc tới những ngày lễ lớn 30.4 và 7.5: một mặt chúng ta háo hức, tự hào, hơn thế muốn khoa trương về những thắng lợi của lịch sử dân tộc, với nhau cũng như với người nước ngoài, nhưng mặt khác chúng ta lại cảm thấy có điều gì mỉa mai, đáng xấu hổ, hình thức chủ nghĩa trong việc tổ chức những ngày lễ đó. Hình như vì không có sự tương hợp giữa nội dung và hình thức. Chúng ta nhắc tới ngày 30.4 và 7.5 nhưng lại thiếu tinh thần của ngày 30.4 và 7.5. Phải kết hợp truyền thống và hiện đại, biến tinh thần Ðiện Biên Phủ (1954), Ðiện Biên Phủ trên không (1972) thành tinh thần Ðiện Biên Phủ chống đói nghèo, kém phát triển, đưa đất nước tiến lên dân giàu nước mạnh, ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới (2004) v.v. Dĩ nhiên, là người Việt Nam ai chẳng mong muốn như vậy. Tuy nhiên, mơ ước là một chuyện, còn biến mơ ước thành hiện thực lại là chuyện khác. Hãy nhìn vào thực tế trước mắt, mấy chục năm trôi qua, những yếu tố tạo ra tính thần kỳ của Ðiện Biên Phủ trước kia, giờ đây đã bị sói mòn, bị biến dạng như thế nào?
Ðại đoàn kết? Thực tế ta đang chia rẽ, mất đoàn kết (trong đảng ngoài đảng, Kinh- Thượng, tôn giáo, thành phần, lý lịch, giữa hai ba lằn đạn...) Ðâu rồi ý chí sắt thép, muôn người như một, hoàn thành một sứ mạng lịch sử cao quý? Trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, có biết bao người lo làm ăn lương thiện, đóng góp công sức chính đáng của mình; trái lại có những ông quan cách mạng ăn trên ngồi trốc, tham nhũng, đặc quyền đặc lợi, làm giàu bất chính... chứ không phải ai cũng một lòng phấn đấu xây dựng dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh. Vì lợi ích toàn dân? Nhà nước của dân do dân vì dân? Hãy tự xét lại mình xem chúng ta thực sự đang phấn đấu vì lợi ích 80 triệu người hay chủ yếu vì lợi ích của không đầy 2 triệu người? Muốn có Ðiện Biên Phủ, phải có tinh thần đại đoàn kết, ý chí quyết chiến quyết thắng, đấu tranh vì lợi ích toàn dân. Không có tinh thần đại đoàn kết, không có ý chí quyết chiến quyết thắng, không một lòng đấu tranh vì lợi ích toàn dân, sẽ không có Ðiện Biên Phủ.
3. Ðó là hiện tượng, còn bản chất vấn đề nằm ở đâu? Chúng ta thường nói tới bốn hiểm họa là tụt hậu, chệch hướng, tham nhũng và diễn biến hoà bình. Bốn hiểm họa trên, ai cũng thấy, chúng ta đều hội đủ cả. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh tới hiểm họa tham nhũng, xét dưới khía cạnh tâm lý và ngữ nghĩa học chứ không dưới khía cạnh chính trị, xã hội (vì người ta đã nói nhiều quá rồi). Thứ nhất, ý nghĩa của một câu chữ (thí dụ chữ tham nhũng) không nằm trong chính câu chữ đó mà nằm trong mối quan hệ với hệ thống những câu chữ (thí dụ trong tiếng Việt, với các chữ ăn tiền, sách nhiễu, đút lót, trà nước, bôi trơn, tiêu cực phí, phong bì, chung chi...) và với thực tại bên ngoài câu chữ, thực tại này có thể là thực tại ảo trong đầu óc con người (“tái phân phối lợi tức,” “bao che,” “bảo kê xã hội đen kiểu Năm Cam,” chạy quyền, chạy chức, chạy tội...) hoặc thực tại sống thực bằng xương bằng thịt (cơ chế tham nhũng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, có lộ trình, có bước đi, có đẳng cấp rất lớp lang bài bản...). Thứ hai, không những gắn liền với một hệ thống ý nghĩa, mỗi câu chữ còn tạo ra một hệ thống thái độ, cử chỉ tương ứng. Ðối với người coi tham nhũng như một hiện tượng bình thường, phổ biến , xảy ra mọi nơi, mọi cấp, chữ “tham nhũng” tạo thái độ chịu đựng, mỉa mai, đôi khi đượm chút coi thường hoặc khinh bỉ. Ðối với những người coi tham nhũng như một tệ nạn xã hội, “từ trên trời rớt xuống” chẳng biết do đâu mà ra thì tham nhũng gây cho họ thái độ bức xúc, tìm kiếm cho ra tác giả, ra địa chỉ rõ ràng để quy trách nhiệm của những người “vô cảm,” “vô trách nhiệm,” “dửng dưng trước mọi cảnh bất công, ngang trái trong xã hội.” Ðối với những ai coi tham nhũng như một tội ác cần cương quyết bài trừ, chữ “tham nhũng” tạo thái độ tuyên chiến, dứt khoát. Ðảng viên chân chính cương quyết chống tham nhũng, anh không cương quyết chống tham nhũng, vậy anh không phải là đảng viên chân chính. Thứ ba, nói câu chữ tạo ra hệ thống thái độ cử chỉ tương ứng cũng có nghĩa là câu chữ nằm trong một hệ thống chuẩn mực, giá trị văn hóa, xã hội nhất định. Và cùng với nó là cả một hệ thống quyền lực. Tới đây, phát triển tâm lý của một người Việt Nam bình thường bị thử thách, nó gặp những đối kháng nội tâm không thể vượt qua được, thường là bị rơi vào trạng thái ẩn ức, bế tắc hoặc ngụy tín (mauvaise foi). Một mặt nó thấy cái xấu xa, đen tối, bất công, tàn nhẫn, vô nhân đạo của tham nhũng, mặt khác nó thấy những thứ đó (dường như) có liên hệ (mật thiết) với những giá trị, những quyền lực cao cấp (thậm chí cao cấp nhất) trong xã hội. Hoảng sợ và thất vọng, nó trốn tránh sự thật, cố đẩy sự thật càng xa càng tốt hoặc đổ cái sự thật xấu xa kia lên đầu người khác. Cái xấu là của người khác, do người khác, vì người khác, không bao giờ có thể là của mình, do mình và vì mình. Cái khác, người khác đó có thể là kinh tế thị trường, triết lý thực dụng, nền hành chánh quan liêu bao cấp, những thế lực thù địch, dân trí quá thấp, chệch hướng, diễn biến hoà bình, truyền thống lạc hậu, bảo thủ, trình độ quản lý tổ chức thấp kém, một số cán bộ thoái hóa biến chất v.v. Nhờ kỹ thuật zoom out chúng ta đẩy ra xa hoặc gán cho người khác những khó khăn sai lầm, để rồi tin hoặc giả vờ tin rằng về phía mình không có vấn đề gì nổi cộm, nhờ đó lương tâm được (tạm thời) thanh thản, trong lòng như vẫn tràn đầy kiêu hãnh và hy vọng (hão).
4. Hiện tượng tâm lý ẩn ức, thái độ ngụy tín kể trên rồi sẽ dẫn tới đâu? Không thể trốn tránh sự thật, cũng không thể ngụy tín mãi mãi. Có hai cách kết thúc khác nhau, tùy sự chỉ dẫn của thực tiễn cuộc sống và ý chí bản thân muốn tự giải phóng khỏi ẩn ức và ngụy tín.


  1. Về phía người dân thường, tức người chủ thực sự của đất nước, chỉ cần zoom in, mọi sự thật đen tối, xấu xa lại hiện ra, trần trụi, không che đậy. Mối quan hệ mờ ảo cái xấu xa, bất công, tàn nhẫn và hệ thống quyền lực trở nên rõ ràng minh bạch hơn, người ta còn thấy được cả mối quan hệ nhân – quả của chúng. Thấy sự thật, nói ra sự thật là bước đầu giải quyết mối ẩn ức tâm lý rất bức xúc được chôn sâu trong lòng, đó là phát hiện và nhìn nhận tôi vừa là tôi vừa là cái–không-tôi, cái- vượt-khỏi-tôi trước kia. Hẳn chúng ta còn nhớ, cách đây khoảng 7, 8 năm, quốc hội họp bàn về tham nhũng, có một đại biểu quốc hội đã phản đối việc đưa vấn đề tham nhũng vào chương trình nghị sự vì theo ông như vậy có khác gì công nhận - trước dư luận trong và ngoài nước – một đất nước được Ðảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý lại có nạn tham nhũng nổi cộm đến nỗi phải chính thức mổ xẻ trong quốc hội! Con đà điểu biết nói này có lẽ đã chạy bộ về Úc. Ngày nay, quốc hội nhìn vấn đề một cách tỉnh táo, can đảm và khoa học hơn, chẳng hạn quyền hạn và trách nhiệm của bộ trưởng, quyền “cách chức” bộ trưởng bất kể ông là ai.

  2. Tự huyễn hoặc trong thái độ ngụy tín, làm như thể tin nhưng thực ra không tin, không tin nhưng lại làm cho mọi người nghĩ là mình tin, đóng kịch lừa dối mọi người và cuối cùng tự lừa dối chính mình, những người nắm quyền lực trong tay đã giải hoặc như thế nào? Người dân thường, khi được thực tiễn mở mắt, thì sốt sắng và nhanh chóng tự giải thoát khỏi những ẩn ức tâm lý và thái độ ngụy tín; với những người có chức có quyền, quá trình diễn ra lắt léo hơn. Họ có thực sự muốn tự giải hoặc hay muốn sống mãi trong ngụy tín? Trước nhất, ngụy tín là đóng kịch để che mắt người dân trong phạm vi có thể được. Giải thích những xấu xa, đen tối, tiêu cực của tham nhũng có nguồn gốc từ bên ngoài, do người khác, chứ không phải do mình (điều mà báo chí và dân chúng gọi là thái độ “vô cảm” và “vô trách nhiệm.”) Chính mình là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của tham nhũng nhưng lại làm như thể mình cũng chỉ là nạn nhân của tham nhũng mà thôi. Có một hồi kịch bản này phát huy tác dụng, nó che mắt được một số người. Những người này coi tham nhũng như một định mệnh, một thứ “vận nước” lúc suy tàn, chẳng phải trách nhiệm của ai, nhưng đè nặng lên mọi người, không thể cứu vãn được, chỉ biết chịu đựng, than vãn, kêu trời. Thứ hai, cao hơn, ngụy tín là đóng kịch để che mắt cả phiá tư bản chủ nghĩa lẫn phía xã hội chủ nghĩa. Ðây là một thứ ngụy tín vụ lợi, bắt cá hai tay. Một mặt chủ trương phát huy dân chủ, nhà nước của dân, do dân, vì dân, làm kinh tế thị trường, gia nhập WTO, hội nhập toàn cầu hóa v.v., mặt khác lại chủ trương theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vế thứ nhất làm những người theo xu hướng muốn phát triển dân chủ, tự do, kinh tế thị trường, chống chế độ chuyên quyền, quan liêu, mệnh lệnh, giáo điều và kinh tế chỉ huy, vừa lòng, sẵn sàng hợp tác hoặc đầu tư vào Việt Nam; vế thứ hai trấn an những người muốn kiên trì lý tưởng xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng hướng về các nước tư bản phát triển phương Tây để trao đổi, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm mà không sợ mang tiếng phản bội lý tưởng, chệch hướng, diễn biến hòa bình. Lập trường nước đôi trên có nhiều cái lợi, nó giúp giải thích nhiều sự việc, từ nhiều phía: a) nếu tham nhũng trở thành quốc nạn, quốc nhục thì đó là vì kinh tế thị trường, tâm lý làm giàu bất chính, luật pháp lỏng lẻo v.v.; b) con cái các ông lớn đều được gửi đi học tại các đại học danh tiếng phương Tây (chứ không tại Nga) để trau giồi kiến thức và kinh nghiệm về phục vụ tổ quốc xã hội chủ nghĩa một cách hiệu quả nhất; c) tại sao vẫn còn sót lại những biểu hiện của mệnh lệnh, giáo điều? Chúng ta không thể theo dân chủ, tự do quá trớn kiểu tư bản chủ nghĩa. Chúng ta vẫn là người cộng sản theo định hướng xã hội chủ nghĩa; d) Tại sao cần đổi mới? Cần đổi mới để phát triển dân chủ, tự do, làm kinh tế thị trường đồng thời chống óc quan liêu, mệnh lệnh, giáo điều v.v. Thành ra, tin hoặc giả vờ tin những điều trên thực ra có lợi nhiều hơn có hại!

  3. Thứ ngụy tín này là kết quả rút ra từ những bài học đổi mới tại Liên Xô và Trung Quốc. Từ kinh nghiệm Liên Xô: đổi mới chính trị trước (dân chủ, tự do, perestroika...) cải cách kinh tế sau sẽ dẫn tới thất bại, rối loạn, vô chính phủ; từ kinh nghiệm Trung Quốc: cải cách kinh tế trước (vấn đề mèo trắng mèo đen...) cải cách chính trị sau có thể đưa tới thành công. Việt Nam muốn, và trên thực tế, đang theo gương Trung Quốc hơn là Liên Xô. Tuy nhiên, có một khác biệt rất căn bản: Trung Quốc sau khi cải cách kinh tế thực sự có cải cách chính trị (sửa đổi hiến pháp, điều lệ đảng, Ðảng phải phục vụ quyền lợi của nhân dân chứ không phải ngược lại, công nhận quyền tư hữu chính đáng của người dân (= sổ hữu không chính đáng sẽ bị truy cứu trách nhiệm) chống tham nhũng làm giàu bất chính, vai trò quan trọng của dân doanh hơn quốc doanh...) còn Việt Nam thì không/ chưa thấy bày tỏ quyết tâm đó bằng hành động, bằng cơ chế cụ thể. Desaix Anderson nhận xét: “Không diệt tham nhũng thì không thể phát triển kinh tế và càng ngày dân càng mất niềm tin ở nhà nước. Còn quyết tâm cải cách kinh tế để phát triển rồi sẽ phải cải cách chính trị.” Chúng ta không diệt tham nhũng nhưng làm như thể đang cương quyết diệt tham nhũng, không quyết tâm cải cách kinh tế nhưng làm như thể đang quyết tâm cải cách kinh tế, không cải cách chính trị nhưng làm như thể đang quyết tâm cải cách chính trị. Thái độ ngụy tín này có thể đem lại lợi lộc, đặc quyền đặc lợi cho một số quan chức cao cấp nhưng rõ ràng đang mài mòn niềm tin trong đông đảo quần chúng nhân dân cũng như người nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam. Về mặt tâm lý, ngụy tín bị giải hoặc, nghĩa là bị vén màn bí mật, sẽ biến thành một trò hề trơ trẽn.

5. Trở lại với ngày 30.4 và 7.5. Liệu chúng ta có thể tìm lại và khôi phục tinh thần ngày 30.4 và 7.5 không? Theo tôi, vấn đề không khó nhưng tế nhị. Không khóù vì thực tế ai cũng mang trong máu tinh thần đó, ngọn lửa vẫn âm i cháy chứ không tắt. Có những người vì lợi ích cá nhân, phe đảng, muốn đánh tráo, muốn che chắn làm nó tối đi, đây là một trò hề đã hạ màn. Tế nhị vì phải làm sao cho các anh hề có cảm tưởng như thể họ tự nguyện và chủ động từ bỏ vai hề, không chịu bất cứ một tác động nào dù tinh tế nhất từ bất cứ một ai. Vấn đề là làm cho tinh thần đó tỏa sáng trở lại. Trong hành trình tìm lại quá khứ, tôi khám phá ra nhiều chân dung, người Việt Nam và người nước ngoài, xứng đáng là biểu tượng cho hiện tại và tương lai. Trong số này tôi đặc biệt chú ý tới đại tướng Võ Nguyên Giáp và nữ họa sĩ Claudia Việt-Ðức Borchers. Tướng Võ Nguyên Giáp tiêu biểu cho tinh thần đại hùng, đại lực và đại từ bi của dân tộc Việt Nam đang bước vào thế kỷ mới, nữ họa sĩ Claudia Việt- Ðức Borchers tiêu biểu cho tinh thần hội nhập, toàn cầu hóa, chữ làm tôi tâm đắc nhất chính là chữ “giữa những quê hương.” Hội nhập, toàn cầu hóa, kinh tế tri thức, thời đại công nghệ thông tin ..., trong bối cảnh trên chúng ta chẳng phải là người đang sống giữa những quê hương đó sao?
TP Hồ Chí Minh - Ðà Lạt

<< Văn chương về chiến tranh Việt Nam và nhu cầu sáng tạo bút pháp mới | Người đi, thơ còn lại >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 213

Return to top