Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> Chiến tranh nhìn từ nhiều phía

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 38016 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chiến tranh nhìn từ nhiều phía
nhiều tác giả

Hòa hay chiến, và phản chiến
Chương 18

Người dẫn chương trình Panorama: Toàn Cảnh, một tiết mục hội thoại thời sự có uy tín nhất nước Anh, cầm cuốn sách vừa xuất bản và đặt chênh chếch trên đùi mình để một trong mấy ống kính thu hình có thể lấy cận cảnh bức ảnh nơi bìa trước cuốn sách. Khi màn ảnh vô tuyến truyền hình trong các tư gia trên khắp nước Anh tràn ngập bức ảnh ấy, với hình một lính Thủy quân Lục chiến Mỹ bị thương và đang quằn quại trong cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân ở Huế, người dẫn chương trình bắt đầu đọc lời nói đầu cuốn sách. Một ống kính truyền hình từ đằng sau chầm chậm quét theo từng dòng và phóng lớn từng chữ:
“Trong buổi khai mạc hội nghị soạn thảo hiến pháp Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1787, George Washington đã nói: ‘Chúng ta hãy đề ra định chuẩn để người khôn ngoan lẫn người chân thật đều có thể thường xuyên theo đó mà hiệu chỉnh.’ Kể từ lúc đó, hầu hết các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đều ao ước điều hành đất nước theo đúng những nguyên tắc giản dị ấy, thế nhưng, hiện nay định chuẩn mà chúng ta đang theo để chiến đấu tại Nam Việt Nam, vốn đã được đề ra và giương cao bởi các tổng thống kế tục nhau suốt mười năm qua, trên một qui mô lớn, lại phát xuất từ những lý do không chỉ liên quan tới sự tự cao tự đại của cá nhân họ mà còn liên quan tới cảm giác tự hào dân tộc không đúng chỗ. Chính định chuẩn ấy hôm nay bay lượn chập chờn trên đầu hơn nửa triệu binh sĩ Hoa Kỳ tại chiến trường Việt Nam — nhưng sự thật càng ngày càng rõ rệt rằng chân thật và khôn ngoan đóng vai trò quá ít ỏi hoặc chẳng dự phần chút nào vào quá trình lập quyết định đưa chúng ta tham chiến và giữ chúng ta tiếp tục ở lại chiến đấu tại đó, cho dù hiện nay người ta đã thấy rõ là không bao giờ có viễn ảnh sở đắc được sự chiến thắng đáng ca ngợi nào. Thay vì chân thật và khôn ngoan, hiện nay hổ thẹn và kinh tởm đang lan rộng ở Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ và mọi nơi khác trên thế giới phương tây vì những hành động của chúng ta tại Ðông Nam Á. Tôi tin rằng đã tới lúc tất cả những người ‘khôn ngoan’ và những người ‘chân thật’ ở bên trong cũng như bên ngoài chính quyền phải dừng tay lại. Chúng ta nên chấm dứt ngay lập tức sự can thiệp quân sự đầy tai họa tại Việt Nam và chận đứng ngay lập tức sự xuất huyết kinh hoàng mạng sống và của cải của nhân dân Mỹ, bằng không thì sẽ tiếp tục tới vô tận mà không mang lại bất cứ lợi ích nào cho cả Hoa Kỳ lẫn phương tây...”
Bộ mặt chữ điền của người dẫn chương trình, nghiêm nghị và cứng nhắc với lớp điểm trang làm nổi bật sắc mặt, lại quay về phía ống kính. Anh ta ngừng một chút để tăng thêm phần gay cấn cho ý nghĩa lời nói của mình và làm nó lắng sâu trong lòng khán giả:
- Ðó là quan điểm của Joseph Sherman, tác giả một cuốn sách mới xuất bản về chiến tranh Việt Nam có tựa đề là Phản Bội Hoa KỳThe American Betrayed — mà đang nhanh chóng trở thành cuốn thánh kinh của phong trào phản chiến hiện đang làm rối loạn nước Mỹ. Ông Sherman làm thông tín viên hải ngoại tại Á đông vào thập niên 1950 và sau đó, là giáo sư môn nghiên cứu Á đông tại Ðại học Cornell, và chỉ mới cách đây hơn một năm, ông rút lui khỏi chức vụ cố vấn đặc biệt cho nhà cầm quyền Mỹ tại Sàigòn, để viết cuốn sách này. Cuốn sách được ra mắt trong tuần lễ này tại đây, ở Luân đôn. Vừa được phát hành tại Hoa Kỳ thì cuốn sách gây tranh cãi sâu rộng, một đằng lôi cuốn sự chỉ trích gay gắt của những người ủng hộ vai trò của Hoa Kỳ, một đằng chiếm được sự tán thưởng nhiệt liệt của những người chống chiến tranh về nội dung can đảm của nó...
Ống kính lùi xa người dẫn chương trình để cho thấy hình ảnh Joseph đang ở bên cạnh anh ta. Joseph ngồi ngượng nghịu trong lòng ghế giữa phòng thu hình, một bên vai bị thương tại Huế bốn tháng trước đây lệch xuống gượng gạo, tạo cho thế ngồi của anh có vẻ cấn cái. Trong khi lời dẫn nhập tiếp tục, người đạo diễn chương trình ngồi trước một dãy màn hình trong phòng kiểm soát, bật nút một máy phát riêng hình Joseph và vẫn giữ nguyên giọng nói sang sảng và trang trọng của người điều dẫn. Ống kính xoay đều đặn, từ từ thu gần vào và cuối cùng đóng khung hẳn bộ mặt của Joseph, từ cằm lên mái tóc, với vẻ mặt vốn xanh xao và hốc hác sẵn vì vết thương hành hạ cả thể xác lẫn tâm hồn, lúc này nghiêm lại thành nét khắc khổ với đôi môi mím chặt.
- Ông Sherman vừa thành hôn với Naomi Boyce-Lewis, một phóng viên truyền hình Anh. Ông đến thường trú tại đây, ở nước Anh này — nhưng ông không phải là một nhà phê bình suông, không dính dáng gì tới cuộc chiến tranh Việt Nam của Hoa Kỳ. Bản thân ông bị thương nơi vai trong cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân năm ngoái tại Huế, và trong thực tế, sự can dự của gia đình ông vào cuộc xung đột đó có lẽ cũng đầy tính bi đát, không kém bất cứ gia đình nào tại Mỹ.
Người dẫn chương trình ngưng một chút, biết rằng những lời mình sắp nói hẳn sẽ gây buốt nhói cho người đang ngồi bên cạnh.
- Người con trai cả của ông Sherman, một đại úy lục quân, qua đời năm ngoái trong một cuộc phục kích tại một làng quê. Người con trai thứ của ông, một phi công không quân, bị bắt làm tù binh tại Hà Nội suốt ba năm và vừa được phóng thích. Còn nữa, một người em ruột của ông làm việc cho Bộ Ngoại giao bị đặc công Việt Cộng hạ sát trong cuộc đột kích của họ vào Tòa Ðại sứ Mỹ dịp Tết Mậu Thân — như thế, có lẽ ông Sherman là người có đủ tư cách và đủ độc đáo để có ý kiến về cơn quằn quại tại Hoa Kỳ do Việt Nam gây ra.
Ống kính rà cận cảnh khuôn mặt của Joseph, ghi nhận các sớ thịt nơi quai hàm của anh chuyển động thật lẹ và hai mắt anh nheo lại. Hàng triệu khán giả thấy anh nuốt xuống khó nhọc và hai mắt anh nheo nheo dưới ánh đèn thu hình chói lọi, rồi vẻ mặt anh điềm tĩnh trở lại.
Người dẫn chương trình nói tiếp:
- Nhưng có lẽ không có gì tiêu biểu cho cách thức mà cuộc chiến tranh Việt Nam hiện làm chia rẽ đất nước Hoa Kỳ hơn là sự kiện chính thân phụ của tác giả đang trở thành một trong những người chỉ trích gay gắt nhất cuốn sách đó. Cuộc tranh luận ấy mang thêm một ý nghĩa khác thường vì thân phụ của tác giả không ai khác hơn là Nathaniel Sherman, thượng nghị sĩ thuộc Ðảng Dân chủ, đại diện tiểu bang Virginia suốt bốn mươi năm nay; ông là một phần tử lão thành của Thượng nghị viện và là một trong những khuôn mặt chính trị nổi tiếng rộng rãi nhất và mang nhiều sắc thái nhất... Thượng nghị sĩ Sherman hiện có mặt tại phòng thu hình của chúng tôi ở thủ đô Washington, đang chờ chúng tôi qua vệ tinh viễn thông truyền hình, và ông đã vô cùng khả ái nhận lời tham gia cuộc hội thoại của chúng ta...
Trong lúc người dẫn chương trình dẫn giải, màn hình lớn phía trên anh ta được bật lên cho thấy đầu và hai vai của thượng nghị sĩ đang ngồi yên lặng nơi phòng thu hình ở Washington của đài BBC và đang thận trọng lắng nghe lời giới thiệu. Dù tuổi đã ngoài tám mươi, ngoại hình của ông vẫn rất bắt mắt. Vẻ mặt hồng hào, sắc sảo nhưng cẩn trọng. Mái tóc bạc như cước cùng đôi lông mày rậm khiến ông có phong thái chững chạc và trưởng thượng. Mặc bộ vét-tông trang nhã bằng vải lanh trắng, rõ ràng là ông thích thú vai trò một chính khách cao niên khả kính, và sự việc ông mất cánh tay trái không còn lôi cuốn sự chú ý của người khác vì ông hiện đeo một cánh tay giả.
Người dẫn chương trình hướng mặt về phía màn hình và nói:
- Kính chào Thượng nghị sĩ. Xin cám ơn ông đã vui lòng tham dựï với chúng tôi.
- Thưa anh, chính tôi mới là người hoàn toàn thích thú. Tôi sung sướng được có cơ hội đàm đạo với anh và với khán giả người Anh của quí đài.
Thượng nghị sĩ mỉm cười và khẽ nghiêng đầu với cử chỉ ghi nhận đầy vẻ thượng lưu. Khi Joseph nhìn lên bộ mặt được phóng lớn ấy trên màn hình, anh nhận ra cha mình, vốn lúc nào cũng vẫn là người trình diễn, đang theo phản xạ cố ý kéo dài cái giọng lê thê cố hữu của người miền Nam để làm vui vẻ khán giả người Anh.
Người dẫn chương trình nói với vẻ tôn trọng:
- Thưa Thượng nghị sĩ, chẳng mấy chốc nữa chúng tôi sẽ thỉnh ý ông. Nay trước hết, chúng tôi xin được bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi cho con trai của ông hiện có mặt ở đây, tại Luân đôn.
Anh ta quay sang Joseph, vừa hỏi vừa ghé mắt nhìn xuống bản ghi danh sách các câu hỏi được soạn sẵn:
- Thưa ông Sherman, trước hết xin yêu cầu ông giải thích cặn kẽ và rõ ràng tại sao ông tin tưởng hết sức mãnh liệt rằng Hoa Kỳ nên rút khỏi Việt Nam. Và có lẽ cũng xin ông vui lòng nói cho chúng tôi biết rằng kết luận như thế của ông là do chỉ dựa duy nhất vào sự phân tích có tính chi tiết về tình trạng tại vùng đất ấy — hoặc có phải dù sao đi nữa, nó còn bị ảnh hưởng bởi những đau khổ riêng tư mà Việt Nam gây ra cho ông?
Joseph không trả lời ngay. Người dẫn chương trình bỗng lo sợ rằng câu hỏi đầu tiên ấy có thể quá thẳng thắn và nhẫn tâm; anh ta ngước mắt lo âu nhìn vị khách Mỹ. Và anh ta sửng sốt khi thấy Joseph vẫn lãng đãng ngó lên hình ảnh của thân phụ truyền qua viễn thông, nhưng rồi chỉ khoảnh khắc sau, dường như Joseph tập trung được tâm trí và quay sang đối mặt với người dẫn chương trình. Joseph nói với giọng tự chế:
- Việc mất một đứa con trai thân thể bị tan nát vì mìn bẫy và có một đứa nữa là đối tượng hành hạ suốt ba năm dài đồng thời bị làm cho trì độn, nhất định là có góp phần vào vấn đề tập trung trí óc của tôi. Nhưng trong cuốn sách của mình, tôi kết luận rằng rút quân là sự chọn lựa hợp lý và duy nhất của chúng tôi. Các lý do đưa tôi tới kết luận ấy hoàn toàn dựa trên sự am hiểu và những cái nhìn vào nội tình mà tôi thu lượm được qua nhiều năm trời tôi có quan hệ với Việt Nam. Giờ đây, người ta đau đớn thấy rõ ra rằng nhân dân Hoa Kỳ đã và đang để cho xứ sở của mình bị trôi giạt vào cơn ác mộng hiện nay vì chúng tôi đã lơ là, không theo dõi chặt chẽ và đầy đủ các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của mình cùng với những động cơ của họ. Không ai trong chúng tôi có đầy đủ cảnh giác — nhưng vì tôi biết Việt Nam một cách mật thiết trong hầu hết cuộc đời của tôi, nên sau cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân, tôi cảm thấy đau đớn cực độ về sự lơ là ấy của chính mình. Và vì bản thân tôi cũng chịu đau khổ tột cùng, tôi cảm thấy mình càng có thêm động cơ thúc đẩy để, bằng cuốn sách này, cố khôi phục sự cân bằng.
Trong khi Joseph nói, bên trên đầu anh, bộ mặt phóng lớn của thân phụ anh tối sầm lại, chứng tỏ sự bất đồng của ông. Ngay khi anh vừa chấm dứt, thượng nghị sĩ êm ái xen lời, không đợi mời. Ông nói với người dẫn chương trình bằng giọng lịch sự đầy trau chuốt và với vẻ đáng tiếc:
- Nếu tôi được phép đóng góp ý kiến về vấn đề này thì thưa người dẫn chương trình, tôi muốn nói rõ quan điểm của mình ngay từ đầu. Tôi chống lại mọi hình thức “rút ra” dù nó được cổ võ bởi những kẻ gọi là bồ câu trắng trong Quốc hội Hoa Kỳ tại Washington đây — hoặc bởi chính con trai của tôi đang ngồi bên cạnh anh tại nước Anh đó.
Với giọng tạ lỗi, người dẫn chương trình lẹ làng đáp:
- Tôi hiểu, thưa Thượng nghị sĩ, rằng ông rất nóng lòng muốn cho biết lập trường của ông trong cuộc tranh luận này, và chúng tôi cũng nóng lòng không kém muốn được nghe lập luận ấy, nhưng xin ông vui lòng chờ. Tôi muốn trước tiên được đặt thêm một đôi câu hỏi cho con trai của ông.
Anh ta xoay ghế đối mặt trở lại với Joseph:
- Thưa ông Sherman, thật là thẳng thắn khi ông thừa nhận mình không thể tách rời sự xúc động cá nhân để nó không can dự vào những luận cứ khách quan của ông về Việt Nam — nhưng phải chăng không có nguy cơ khiến cho việc ông tin rằng không thể thắng được cuộc chiến tranh ấy nảy sinh trực tiếp từ sự mất mát tới hai lần mà ông đang phải chịu — cùng với tâm trạng khắc khoải của kẻ đứng bên lề bất lực nhìn đứa con trai thứ của mình mòn mỏi vì bị làm tù binh chiến tranh tại Hà Nội?
Thêm lần nữa Joseph không trả lời ngay. Tiếng nói êm như nhung của cha anh và vẻ đáng tiếc vờ vĩnh trong giọng nói khi ông phát biểu, không che đậy nổi sự thù nghịch không nguôi, tiềm ẩn trong những gì ông đang nói. Khi đồng ý tham gia chương trình hội thoại này với cha, Joseph đã nuôi niềm hy vọng mơ hồ rằng biết đâu những đau khổ riêng tư mà cả hai cùng chia sẻ có thể góp phần giúp cho người ngoại cuộc cá nhân hóa sự thống khổ mà Việt Nam đang tạo ra ngay tại xứ sở của mình. Cùng lúc ấy, Joseph bỗng nhận ra trước đây mình đã hy vọng rằng, đối với hai cha con, một cuộc thảo luận công khai về các vấn đề có ý nghĩa đau đớn riêng tư đến thế, dù sao đi nữa cũng có thể kéo cả hai tới gần nhau hơn, đồng thời có thể đưa cả hai tới một loại thông cảm sâu xa nào đó trong quãng đời xế bóng của con người. Thế nhưng, lối can thiệp dõng dạc của thượng nghị sĩ và lời ám chỉ cầu kỳ tới sự kiện bản thân Joseph hiện sống tại nước Anh làm anh nghi ngờ rằng cha mình đã hoạch định và sắp sẵn các nhận xét của ông một cách cẩn thận không kém việc sửa soạn các diễn từ có tính toán trước tại Thượng nghị viện.
Những ý nghĩ ấy rượt đuổi nhau trong tâm trí Joseph khi anh chuẩn bị trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình. Sau cùng, khi Joseph mở miệng, thay vì phát biểu một cách nồng nhiệt, giọng anh lại chán nản nguội lạnh. Anh nói trầm giọng:
- Chẳng có chút nguy cơ nào khiến tôi lẫn lộn những bi thương mà mình cảm thấy về các cái chết trong gia đình tôi với những tính toán sai lầm và hào nhoáng về chính trị đã gây ra các cái chết đó. Trước hết, tôi thành thật tin tưởng rằng chúng tôi đến Việt Nam với lý tưởng cao đẹp. Chúng tôi đã đặt vào đó uy tín của nước Mỹ với niềm tin rằng mình sẽ làm tốt hơn người Pháp. Thế rồi toàn bộ chính sách nằm trong tay những kẻ ở Bộ Ngoại giao, Nhà Trắng và Ngũ Giác Ðài, những kẻ tự xem mình thuộc giới ưu tú nhất nước Mỹ. Trong khi thiếu nghiên cứu tường tận các hệ lụy và các phức tạp trong dòng lịch sử của dân tộc Việt Nam, thì để nhanh chóng đạt cứu cánh, những kẻ ưu tú ấy chỉ muốn có loại chính quyền bản địa thích hợp với cách thức giải quyết chiến tranh của mình. Chúng tôi ngây thơ, tự tin, thiếu kiên nhẫn. Chúng tôi biến cuộc chiến tại Việt Nam thành cuộc chiến của Hoa Kỳ khiến cho nguyên cớ tham chiến bị xuyên tạc và chính nghĩa chống cộng của người miền Nam bị xoi mòn. Chúng tôi dựng lên và hỗ trợ tại Sàigòn các chính quyền được giả định là dân chủ, nhưng thực tế những kẻ cai trị đó chỉ nghĩ tới quyền lợi của họ. Ðã không thu phục nhân tâm, không xây dựng dân chủ, không nỗ lực thiết lập công bằng xã hội, họ còn làm cho người dân thờ ơ, nếu không muốn nói là xa lánh họ. Ban đầu họ là những kẻ thừa kế tự nhiên của giới quan lại thời Pháp thuộc. Tiếp đó họ là những tay quân phiệt thiếu thiện chí phục vụ, khả năng xây dựng và không chịu nhìn xa trông rộng. Nếu không có viện trợ Mỹ thì các chính quyền ấy không tồn tại quá năm phút. Họ nhân danh tình trạng chiến tranh để làm đủ thứ tệ hại, còn chúng tôi nhân danh nhu cầu chiến thắng để bảo vệ họ. Do đó, hoàn toàn không thiết lập được những nền tảng căn bản cho một chế độ dân chủ mà vì nó, quân dân miền Nam chiến đấu và chúng tôi hỗ trợ họ chiến đấu. Như thế, thật là gian trá khi chúng tôi làm như thể mình đang bảo vệ một chính quyền dân chủ. Sự hiện hữu loại chính quyền phản dân chủ đó, sự can thiệp thô bạo của chúng tôi và việc sử dụng hỏa lực ồ ạt trước mỗi cuộc hành quân gây tang tóc cho dân quê, chỉ tạo thêm nguyên cớ cho đối thủ của chúng tôi tuyên truyền, để một mặt làm phá sản chính sách của Hoa Kỳ và làm uổng phí xương máu của quân dân miền Nam, một mặt biến những gì gọi là hy sinh và khắc khổ của Việt Cộng trở thành quyến rũ. Bên cạnh đó, người Nam Việt Nam không ngồi lại được với nhau để làm tiền đề giải quyết những vấn đề của họ nên không ai có thể giải quyết thay cho họ. Thêm nữa, để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến theo sinh hoạt chính trị bất nhất của Hoa Kỳ, chúng tôi có những can thiệp thô bạo, khi thế này khi thế nọ rồi cuối cùng chỉ còn mục đích duy trì sự ổn định mà để lạc mất nhiệm vụ góp phần xây dựng một thể chế dân chủ. Tình trạng lẩn quẩn ấy sẽ kéo dài tới bất tận bất chấp những tuyên bố dối trá và hào nhoáng vì tự ái dân tộc Hoa Kỳ và vì không dám thừa nhận rằng mình đang loanh quanh và vá víu. Hiện nay, Chiến tranh Việt Nam đang làm nước Mỹ ngày càng quằn quại chia rẽ, xứ sở Việt Nam ngày càng tan nát và dân chúng tại đó ngày càng đổ thêm nhiều xương máu. Lúc này toan tính chuyện thay đổi sự việc đó thì đã quá trễ — đó là lý do chúng tôi không thể thắng cuộc chiến tranh ấy.
Joseph cố ý giữ cho mắt không ngước nhìn màn hình trên đó đang lồ lộ bộ mặt của cha, và anh thận trọng chỉnh lại thế ngồi, dựa thẳng vào lưng ghế, chờ câu hỏi kế tiếp. Tuy thế, người dẫn chương trình ngước mắt lên kiểm tra phản ứng của thượng nghị sĩ Nathaniel Sherman và thấy vẻ mặt ông càng lúc càng nôn nóng nên anh ta quyết định rằng đã tới lúc kéo ông vào cuộc thảo luận để gây tác động tối đa. Anh ta nhanh nhảu:
- Thưa Thượng nghị sĩ, có lẽ lúc này ông đang muốn nói cho chúng tôi biết tại sao ông không chia sẻ quan điểm với con trai mình về việc không thể nào có khả năng chiến thắng tại Việt Nam?
Ông lão từ trong lòng ghế chúi người tới trước như xông trận và đằng hắng một cách gay cấn:
- Ðúng thế, thưa anh. Những sự việc như cái chết của người trong gia đình tác động lên người này người nọ bằng những cách thức khác nhau. Ðối với một số người này thì nó làm họ mất tinh thần và khiến họ muốn đầu hàng. Ðối với một số người nọ thì nó làm bền vững thêm ý chí của họ và khiến họ quyết tâm hơn bao giờ hết để tiếp tục chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng.
Ông đột ngột ngừng lại, đầu vươn ra đằng trước trên chiếc cổ da nhăn thành nếp:
- Trong gần năm mươi năm phục vụ công chúng, tôi hãnh diện được công tác trong Ủy ban Quân lực của Thượng nghị viện Hoa Kỳ và tôi xin được nhắc nhở với khán giả quí đài rằng hiện nay, chúng tôi có lục quân lớn nhất, hải quân lớn nhất và không quân lớn nhất thế giới! Nhưng bất chấp thực tế ấy, chúng tôi vẫn bị sa lầy tại Việt Nam, chịu thương vong mỗi tuần lễ hai ngàn người, chẳng qua vì chúng tôi đang phóng ra nỗ lực chiến tranh trong những giới hạn do tự mình đặt ra cho mình. Cho tới nay, gần như chúng tôi bị lòng vòng trong thuật ngữ “chiến tranh hạn chế.” Con đường Trường Sơn vẫn là hành lang chuyển quân của cộng sản Hà Nội. Hải cảng Sihanoukville vẫn là nơi cập bến quân khí của Bắc Việt. Cambodia và Lào là đất bất khả xâm phạm đối với chúng tôi trong khi lại là nơi cộng sản ung dung lui về dưỡng quân, chấn chỉnh các đơn vị bị tổn thất. Cùng với sự tham chiến ồ ạt, nếu chúng tôi có một thỏa hiệp với Lào cho phép quân Mỹ trú đóng, làm hàng rào băng qua Lào và Việt Nam theo vĩ tuyến 17, cắt ngang đường mòn Hồ Chí Minh thì chắc chắn chúng tôi thành công. Nếu quân Mỹ đóng chốt khắp các biên giới Việt-Lào và Việt-Miên thì lúc ấy, chúng tôi cô lập được chiến trường, chận hẳn nguồn tiếp tế nhân, vật lực của Bắc Việt cho các đơn vị của họ ở miền Nam. Lãnh thổ miền Nam thành nơi cho các lực lượng phối hợp Mỹ Việt thay vì “lùng và diệt địch” thì “tảo thanh và giữ đất.” Nhưng cho tới nay, những kẻ lập quyết định vẫn không chọn đường lối đó vì không vượt qua nổi các hạn chế về ngoại giao và chính trị nội bộ. Nghĩa là, chúng tôi bị lẩn quẩn trong chủ trương “đánh mà đừng thắng.” Nếu chúng tôi hất tung các hạn chế đó, ném toàn bộ sức mạnh hải và không quân vào cuộc chiến thì lúc đó, Hồ Chí Minh bị buộc phải nhanh chóng ngưng lập tức cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta. Hai tiếng “chiến thắng” không làm tôi hoảng sợ như nó đang làm cho một số người hoảng sợ — nhưng để đạt chiến thắng, chúng tôi cần vận dụng ý chí quốc gia tới mức độ đầy đủ nhất của nó. Không phải chỉ vì đã chịu một hai bước thoái bộ tại rừng núi và nông thôn ở Việt Nam mà chúng tôi có lý do để bỏ rơi những nguyên tắc về sự cao cả, tự do và can trường vốn là đặc trưng của quốc gia chúng tôi từ khi nó ra đời...
Trong khi thân phụ tiếp tục trau chuốt quan điểm của ông bằng những cụm từ nghe thật kêu, Joseph chợt cảm thấy có nỗi thôi thúc đứng lên xin lỗi và rút lui khỏi cuộc phỏng vấn. Vì sau khi xuất viện tại Sàigòn, Joseph bay thẳng đến Luân đôn để gặp Naomi và ở lại Anh cho tới khi cả hai làm lễ cưới, nên đã hơn một năm hai cha con không gặp nhau. Lúc này, qua màn ảnh vô tuyến, việc khám phá ra rằng quan điểm cũng như thái độ của thượng nghĩ sĩ không giảm thiểu chút nào sau cái chết của Guy và Gary làm anh choáng váng và buồn thấm thía. Joseph thấy mình đang tự hỏi một cách phi lý rằng có phải việc thượng nghị sĩ tiếp tục điếc đặc một cách kiên quyết đối với số lượng ý kiến phản chiến ngày càng tăng, là phát xuất từ lòng tin tưởng thật sự hay chỉ vì ông không chịu đựng nổi việc thừa nhận rằng đứa con trai mà ông bất hoà với nó suốt đời, lần này lập trường của nó có thể hữu lý.
Trong khi giọng rề rề của cha tiếp tục vang lên sang sảng, Joseph cũng bắt đầu lo ngại rằng khi tới hồi sắp kết thúc thì cuộc hội thoại tay ba này có thể làm lộ rõ những dị biệt trong cuộc sống giữa hai cha con hơn là phô bày sự ủng hộ của anh đối với việc Hoa Kỳ rút chân ra khỏi Việt Nam; và khi hướng sự chú ý của mình về những gì đang được phát biểu từ Washington, Joseph kinh hãi nhận ra rằng lời ứng đối của thượng nghị sĩ đã trở nên cá nhân một cách sâu xa:
- ...Có lẽ tôi nên làm rõ ra rằng Joseph, con trai tôi, và tôi, chúng tôi chưa bao giờ có chung quan điểm...
Nathaniel vừa nói vừa giữ một nụ cười quyến rũ để hóa giải tính chất độc địa trong lời lẽ của mình:
- Việt Nam không phải là vấn đề đầu tiên mà cha con chúng tôi bất hòa nhau. Về mặt tính khí, Joseph lúc nào cũng có khuynh hướng thỏa hiệp hơn tôi; vì thế lập trường mà nó đưa ra trong cuốn sách này quả thật không khiến tôi ngạc nhiên bao nhiêu — dù tôi lấy làm tiếc khi thấy con trai mình đang chủ trương rằng chúng tôi nên cắt đứt và tháo chạy khỏi cuộc chiến tranh ấy bằng một cung cách mà sẽ mang lại sự nhục nhã cho xứ sở của chúng tôi.
Người dẫn chương trình cảm giác được tâm trạng của Joseph đang càng lúc càng căng thẳng khi cha anh đối đáp nên anh ta quyết định không đặt câu hỏi xen kẽ nào. Thay vào đó, anh ta chỉ nhướng đôi lông mày và ngửa lòng bàn tay về phía Joseph, ý nói Joseph có toàn quyền trả lời.
Joseph nói với giọng căng thẳng:
- Tôi chỉ muốn giới hạn ý kiến của mình trong phạm vi các vấn đề được nêu ra. Vì tôi nghĩ rằng cái ý tưởng nguy hiểm nhất trong mọi ý tưởng là khi chúng tôi phát biểu rằng chúng tôi nên dồn nỗ lực quân sự mạnh mẽ thêm nữa. Nếu chúng tôi đưa một triệu lính Mỹ vào Việt Nam thì lúc ấy, họ sẽ gây thêm tan hoang và thậm chí hủy hoại những gì còn lại của xứ sở đó. Cuộc không tập của chúng tôi tại Bắc Việt không đóng góp chút nào vào những thành quả quân sự tại miền Nam. Chúng không những đã chẳng bảo vệ binh lính của chúng tôi được chút đáng kể nào mà còn tạo cho chế độ Hà Nội có lý do cụ thể và cấp bách để khích động quần chúng miền Bắc quyết tâm hy sinh thêm nữa, kéo dài cuộc chiến thêm nữa và đánh bại chúng tôi...
Không để người dẫn chương trình có thì giờ xen lời vào, Nathaniel cất tiếng nhanh như chớp:
- Thưa điều dẫn viên, tôi hoàn toàn không đồng ý chút nào với nhận xét đó. Nếu muốn đối đầu thành công với sự gây hấn của cộng sản thì chúng tôi cần hoạt động triệt để và cần huy động toàn bộ sức mạnh của đất nước vĩ đại của chúng tôi. Nhân dân Virginia, những người mà tôi đại diện, cũng giống như đại đa số nhân dân Hoa Kỳ, họ đều là những người yêu nước và cũng giống như tôi, hàng ngàn người đã mất con mất cháu tại Việt Nam. Cũng giống như tôi, họ đều tin tưởng rằng những tên xâm lược người Việt ấy phải bị trừng phạt.
Ông lại ngừng một chút và mắt long lanh phản chiếu sự mãnh liệt trong lời ông sắp nói:
- Họ không giống như con trai của tôi! Ðối với họ, niềm tự hào về xứ sở của mình không phải là một tội lỗi!
Joseph cứng người trong lòng ghế và nhìn lên màn ảnh đang phóng lớn hình ảnh thân phụ mình. Anh nói, giọng sắc gọn:
- Tôi chẳng bao giờ lên án bất cứ người nào chỉ vì họ tự hào về xứ sở của họ hoặc vì họ chống cộng. Nhưng cái loại tự hào giả dối và ngoan cố khiến cho một người hoặc một quốc gia không thể nào thừa nhận rằng mình đang lầm lẫn thì cần phải xem đó là loại gì — đó là một cung cách đi tới tai họa!
Tại Washington, Nathaniel Sherman rít mội hơi dài điếu xì-gà mà ông vừa châm. Trong vài giây, ông cân nhắc làm sao kết thúc một cách đầy nhiệt tình khi người dẫn chương trình “Toàn Cảnh” mời ông phát biểu ý kiến đúc kết. Rồi thêm lần nữa ông đưa mắt lên nhìn thẳng vào ống kính, và thêm lần nữa nở một nụ cười đáng tiếc mà suốt cuộc thảo luận, lúc nào cũng lấp lánh trên vẻ mặt ông:
- Thưa điều dẫn viên, thật không phải là không có tác động lên độc giả của cuốn Phản Bội Hoa Kỳ khi sách ấy đề cập tới các lãnh tụ của đối phương như Hồ Chí Minh và tướng Võ Nguyên Giáp với những diễn đạt bằng lối nói đầy tôn trọng. Cuốn sách ấy cũng trình bày việc tác giả của nó từng gặp gỡ và làm việc ra sao bên cạnh những kẻ đó trong thời gian anh ta công tác cho OSS tại Ðông Dương năm 1945. Một số người điểm sách ở đây, tại Hoa Kỳ, kết luận rằng những ảnh hưởng thuở trước ấy tồn tại trong tâm tư tác giả mạnh mẽ hơn những sự kiện gần đây. Một số khác còn vạch ra rằng cuốn sách ấy được xuất bản trong thời điểm tác giả của nó rời Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ đến sống tại Vương quốc Anh. Tôi tin là thậm chí người ta còn gợi cho thấy nhan đề của cuốn sách ám chỉ một cách xác đáng tới việc tác giả quyết định quay lưng lại với di sản dân tộc đầy tự hào của mình hơn là tới bất cứ điều gì nước Mỹ đang thực hiện tại Việt Nam nhằm ngăn chận sự bành trướng của cộng sản trên khắp thế giới.
Thượng nghị sĩ dừng lại, rít một hơi dài xì-gà, rồi thêm lần nữa mỉm cười nhìn thật sâu vào ống kính máy thu hình:
- Vì tác giả cuốn sách đó là con trai của tôi nên tôi xin được bác bỏ lời lên án của những người điểm sách ấy — nhưng với tất cả lòng chân thật, tôi buộc lòng phải thú nhận rằng, xét theo bề ngoài thì dường như họ cũng có được một đôi điểm.
Vì đang sôi giận, Joseph cảm thấy mình không thể nhìn lên màn hình đang chiếu bộ mặt tươi cười của cha; và biết rằng ống kính đang chĩa thẳng vào mình, anh cố giấu cảm xúc nhưng mặt anh tái mét và các đốt ngón tay trắng bệt trên thành ghế.
- Ông có muốn trả lời thật ngắn gọn không, thưa ông Sherman?
Người dẫn chương trình vội vàng hỏi câu đó trong khi người điều hành tại chỗ ra hiệu với anh ta rằng sắp sửa bắt đầu nhạc hiệu để từ từ kết thúc chương trình. Joseph lắc đầu ảm đạm:
- Tôi chẳng có gì để nói thêm.
Người dẫn chương trình chưa kịp chận lại thì Joseph đã đứng bật lên, sải chân qua phòng thu hình, bước vào chỗ tối. Naomi Boyce-Lewis đang đứng phập phồng quan sát cuộc hội thoại viễn thông trực tiếp ấy từ vị trí một bên cửa phòng thu hình, đưa tay ra an ủi Joseph khi anh bước tới phía nàng nhưng anh gạt qua một bên. Hai lá cửa phòng thu hình bật lui bật tới kêu lắc cắc trên bản lề và Joseph giận dữ tiếp tục đi thẳng một mạch ra hành lang đầy bóng tối ở bên ngoài.
Thoạt đầu, đạo diễn của chương trình dội ngược vì sự bỏ đi bất thần của Joseph nhưng rồi kịp thời trấn tĩnh, ra hiệu cho chuyên viên thu hình tiếc tục quay chiếc ghế của Joseph, trống trải và đầy kịch tính. Ðằng sau nó, hiện ra lờ mờ hình ảnh của Nathaniel Sherman qua vệ tinh viễn thông. Dưới ánh đèn chói lọi trong phòng thu hình ở Washington, ông vẫn giữ vẻ kiên quyết, bập bập điếu xì-gà và cười tự tin nhìn thẳng vào ống kính cho tới khi nó lần lượt chiếu xong danh sách những người thực hiện cuốn phim.

Chương 19

Từng đoàn xe đò và xe buýt đậu kế tiếp nhau, chiếc này nối đuôi chiếc kia, dàn thành hàng dọc theo lề các con đường bên ngoài Nhà Trắng trông như thể những cỗ xe ngựa bốn bánh mui trùm vải bạt làm thành vòng đai bọc kín một ổ đề kháng tại vùng Viễn Tây Hoa Kỳ thuở nào. Nhưng xuyên qua màn mưa tuyết đang dồn dập kéo về lúc nửa đêm thứ sáu ngày 14 tháng mười một năm 1969, ngay tại con tim của Washington, thay vì đoàn người da đỏ hí vang và xông tới chướng ngại vật gồm những phương tiện vận chuyển ấy, lại xuất hiện một đội hình im lặng gồm toàn những người Mỹ chịu tang, tay cầm ngọn nến thắp sáng, đặt bên trong chiếc ly nhựa nhỏ để che mưa chắn gió.
Họ bước theo nhịp đánh chầm chậm của những chiếc trống mặt bịt vải để ém tiếng cho ra sầu thảm. Trong đội hình đi chót gồm bốn chục ngàn người tham gia biểu tình hòa bình “March Against Death: Cuộc Diễu Hành Chống Thần Chết” kéo dài bốn mươi tiếng đồng hồ mà mỗi người đeo trước ngực một tấm bảng nhỏ do chính tay mình viết tên một người Mỹ tử trận tại Việt Nam hoặc tên một làng mạc Việt Nam bị tàn phá, Mark Sherman người cứng nhắc, đi lờ đờ giữa đoàn biểu tình, cử động như một âm binh, miệng mở lớn, mặt căng thẳng đầy vẻ đờ đẩn ngây dại, khiến người ngoài nhìn vào có thể cho rằng anh đang cười mỉm hoặc cũng có thể đang nhăn nhó vì đau đớn.
Một người trong ban tổ chức biểu tình để ý tới hiện tượng đó, và mặc dù bận rộn tất bật, anh ta vẫn nhíu mày lo lắng khi thấy một chuyên viên thu hình đang quay phim những người diễu hành đi đằng trước. Anh ta lật đật bước tới bên mẹ của Mark cũng đang đi với con và khẩn trương thì thầm vào tai Tempe. Sau khi anh ta đi khuất, Tempe đưa tay dịu dàng quàng lên vai Mark, êm ái vỗ về con một lúc thật lâu như thể dỗ dành một đứa bé. Mark lắng nghe, vẻ mặt dần dần dịu lại rồi tiếp tục cất chân bước, mắt ngó trống rỗng tới đằng trước, nhìn xuyên qua màn mưa giá lạnh.
Trên tấm bảng nhỏ đeo dưới cổ Mark, những chữ viết bằng sơn tên Gary, anh của mình, đã bắt đầu nhòe nhoẹt và mờ phai vì trời ẩm ướt. Tấm bảng trên ngực Tempe vẽ lem luốc tên “Quảng Tơ,” ngôi làng nơi Gary tử trận. Và Joseph bước đi lạnh lùng sát vai bên kia của đứa con trai thứ, đeo tấm bảng ghi tên của Guy với đầy đủ cả họ và ngày xảy ra cuộc đột kích Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ tại Sàigòn.
Dù bản chất vốn không bao giờ là người hoạt động chính trị, Joseph vẫn đồng ý bay từ Anh sang đây tham gia cuộc tuần hành ngay khi Tempe liên lạc với anh để nói cho biết rằng Mark cứ nhất quyết tham dự vì biến cố này hình như đang trở thành một cuộc tụ họp biểu dương chính trị lớn nhất và chưa từng xảy ra trên đất Mỹ. Tempe nói với Joseph rằng nàng lo lắng cho tình trạng thần kinh của Mark vốn đang liên tục suy sụp kể từ lúc được thả về mười hai tháng trước đây. Thêm nữa, vì Mark là cháu nội của thượng nghị sĩ Nathaniel Sherman và là con của tác giả cuốn sách chống chiến tranh Việt Nam nổi tiếng nhất nên anh thường được một số người hoạt động trong phong trào hòa bình tới lui thăm viếng với thiện cảm ngày càng tăng.
Từ ngày trở về Hoa Kỳ, Mark đến sống với Tempe và người chồng sau của mẹ. Tempe kể với Joseph rằng lúc này, tâm tính Mark thay đổi bất thường và chuyển biến cực nhanh. Vừa mới thu mình buồn rầu ủ rũ thì bất thần nổi xung thịnh nộ nửa điên nửa tỉnh. Khi đề cập tới chiến tranh Việt Nam, Mark khăng khăng lên án bằng những câu nói làm người nghe nhớ lại những câu tự kiểm được truyền trên đài phát thanh Havana trong khi anh còn là tù binh ở Hà Nội. Tuy thế, Mark không chịu tiết lộ chút nào về chuyện trong tù của mình, kể cả đối với các bác sĩ phân tích tâm lý của không quân lẫn các bác sĩ tâm thần trị liệu do Joseph và Tempe mời tới chữa trị sau ngày anh giải ngũ.
Mark đã quen với việc chấp nhận lời mời tham dự mọi cuộc biểu tình vì hoà bình và hễ có ai tìm cách ngăn cản thì anh nổi cơn thịnh nộ không kiểm soát nổi. Kết quả là Mark trở thành một khuôn mặt quần chúng, bi thảm và âm u. Sự hiện diện của anh tại một số cuộc biểu tình vì hòa bình bị khai thác triệt để.
Ði bên cạnh Mark, thỉnh thoảng Joseph đưa mắt nhìn con, sẵn sàng nở nụ cười thân thiện và khích lệ, nhưng Mark vẫn tỏ vẻ hờ hững đối với cha y như từ lúc mới được phóng thích và giữ đầu thật thẳng, mắt ngó miệt mài tới đằng trước. Thậm chí khi Joseph cố gợi chuyện bằng những nhận xét về thời tiết hoặc cảnh tượng trên đường đi, Mark vẫn tiếp tục không chút nào ngó ngàng tới cha.
Cùng với một nhóm nhỏ các đồng bào khác có quan hệ với những người đã chết tại Việt Nam, Mark, Tempe và Joseph đi trong một phái đoàn đặc biệt mà ngay chính giữa là vóc dáng gầy guộc và mái tóc bạc phơ của Tiến sĩ Y khoa Benjamin Spock. Ông là một bác sĩ lừng danh với cuốn sách nổi tiếng về vấn đề chăm sóc ấu nhi mà đã chỉ bảo cho cả một thế hệ cách làm thế nào nuôi dưỡng con thơ của họ.
Spock trở thành người chỉ trích nổi tiếng và đầy nhiệt tình cuộc chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến lấy đi đời sống của hàng triệu thanh niên mà ông đã góp phần hướng dẫn vượt qua những nỗi nguy hiểm thời thơ ấu. Lúc này, vào mùa thu năm 1969, đối với phong trào hoà bình, Spock bỗng chốc trở thành nhân vật biểu tượng cho người cha và càng ngày càng lôi cuốn vô số người biểu tình trẻ tuổi thuộc tầng lớp trung lưu da trắng. Ông dẫn đầu “Cuộc Diễu Hành Chống Thần Chết” kể từ lúc trời chạng vạng tối hôm qua, và đi không ngừng nghỉ xuyên qua thủ đô của quốc gia.
Nửa triệu người tham gia cuộc biểu tình lên đường bằng đường bộ, xe lửa hoặc máy bay; họ tràn vào Washington đúng ngày giờ đã định, để đẩy cuộc biểu tình lên cực điểm của nó bằng một cuộc tuần hành quanh Ðài Tưởng Niệm Washington vào hôm sau. Joseph đồng ý sẽ phát biểu trước đám đông cùng với những nhân vật nổi tiếng trong các lãnh vực nghệ thuật, chính trị và kỹ nghệ giải trí. Cuộc tuần hành ảm đạm kéo dài hai ngày ấy đã được dàn dựng như một khúc dạo đầu đầy kịch tính cho một cuộc biểu tình vĩ đại. Suốt ba mươi tiếng đồng hồ, dân chúng xếp hàng dọc lên tới một trăm ngàn người tham gia tuần hành mà cứ cách vài phút mỗi đội hình nối tiếp nhau lên đường từ Nghĩa trang Quốc gia Arlington trên bờ nam sông Potomac, lòn qua cầu Memorial Bridge lộng gió trong chặng đường hành hương thứ nhất của mình, vừa đi vừa đưa thân che cho ngọn nến đang cháy sáng trên tay.
Cuộc hành trình dài sáu cây số rưỡi đưa đoàn người đi dọc theo Ðại lộ Constitution tới hàng rào quanh Nhà Trắng, tiếp giáp Nam Portico. Ở đó, trong tầm nghe của tổng thống Richard Nixon, đoàn người dừng lại để đọc thật lớn danh tính những người Mỹ tử trận được viết sẵn trên tấm bảng nhỏ mỗi người đeo trước ngực. Cử chỉ chịu tang cho những kẻ hoàn toàn xa lạ với đoàn người biểu tình đã làm nước mắt của nhiều người nhỏ xuống thành dòng hòa với nước mưa đầm đìa trên má.
Rồi đoàn người xúc động ấy không cầm nổi lòng mình khi lê bước chân khốn khó đi dọc theo Ðại lộ Pennsylvania mà mắt hướng tới mục tiêu kế tiếp, đó là vòm cao chan hòa ánh sáng của Ðiện Capitol đang lơ lửng như một bóng ma xanh xao giữa bóng tối lạnh giá bên trên khung trời thủ đô. Bên dưới mái vòm và trên bãi cỏ phía tây, mười hai chiếc quan tài bằng gỗ thông với nguyên mặt ván để sần sùi, được sắp thành hàng dưới á¡nh sáng chan hoà ấy.
Tại đó, đoàn người diễu hành dừng chân, gỡ chiếc bảng nhỏ dưới cổ mình ra rồi kính cẩn đặt vào lòng áo quan với cử chỉ tiếc thương đầy buốt nhói. Cùng lúc ấy, họ cũng thổi tắt lịm ngọn nến do chính mình cầm theo từ Nghĩa trang Arlington tới đây, để tưởng niệm bốn mươi lăm ngàn sinh mạng Mỹ đã tử biệt tại chốn Á đông xa xôi. Và hành động chung cuộc này không khỏi khiến cho nhiều người đàn ông lẫn đàn bà cũng như các thiếu nữ tham dự bật khóc nức nở.
Khi đoàn người có bác sĩ Benjamin Spock đi tới vòng tròn gồm các xe đò kết thành chướng ngại vật vây quanh Nhà Trắng thì vừa quá nửa khuya thứ sáu. Tempe nhìn Joseph với ánh mắt khắc khoải và cảnh giác. Nàng đi thật sát Mark, nắm cánh tay con. Joseph cũng cặp vào sát hơn và nắm khuỷu tay Mark. Trước đó, Tempe đã nói riêng với Joseph rằng nàng e ngại việc gọi tên Gary có thể gây xúc động cực kỳ dữ dội cho Mark và vì thế cả hai hiệp ý là sẽ làm tất cả những gì có thể để khiến Mark đừng để tâm tới khoảnh khắc ấy.
Cơn mưa lạnh giá thổi tạt vào mặt đoàn người tuần hành khi họ tới gần địa điểm đã định, đối diện với các cửa sổ tầng thứ nhì của Nhà Trắng nơi những người biểu tình tới trước họ đang cất cao giọng xướng danh những người đã chết với đầy đủ họ và tên. Giọng đàn ông hầu hết khản đặc và giận dữ còn giọng đàn bà và thiếu nữ thì nghe nhẹ hơn mà nghẹn ngào hơn. Tới khi nhịp điệu tang tóc và những bài ca ai oán cùng cất lên với tiếng trống càng lúc càng lớn thì Joseph cảm thấy ở sát bên anh, con trai anh càng lúc càng căng thẳng.
Thoạt đầu, Mark giữ đúng những qui định nghiêm nhặt của ban tổ chức tuần hành. Anh dừng chân đúng địa điểm đã định, đứng xếp hàng một và quay mặt nhìn về phía Nhà Trắng. Mark réo lên: “Gary Sherman! Charles County, Virginia!” với giọng thật lớn và tuyệt vọng, rồi ngoan ngoãn đứng yên trong khi tới lượt Joseph rồi Tempe gọi tên của Guy Sherman và làng Quảng Tơ.
Thế nhưng tới khi người phụ trách trật tự của đoàn biểu tình ra hiệu cho Mark bước sang một bên và tiếp tục đi tới, anh có vẻ như không nghe. Trật tự viên gọi lần nữa thật lớn và bước tới phía Mark nhưng anh không quay lại cũng chẳng cất bước. Lập tức việc Mark không chịu di chuyển khiến cho hàng người có kỷ luật và đang bước đều đặn bị đứt quãng; nhịp đi của đoàn biểu tình bị chửng lại. Cả Joseph lẫn Tempe đều thúc giục Mark bước tới bằng những câu nói dịu dàng, nhưng thình lình, anh vùng thoát khỏi tay nắm của cả cha lẫn mẹ và bắt đầu gào đi gào lại tên của Gary với giọng cực lớn, thất thanh và hoang dại.
Mark vừa gào vừa lao mình tới hàng rào bao quanh Nhà Trắng, rồi anh nhảy lên túm các mũi nhọn trên đầu hàng rào. Trong vài ba giây, thân hình Mark đong đưa ở đó, miệng vẫn gào thét, rồi không biết vì lý do gì, anh xoay mình lại đối mặt với đám đông biểu tình, hai tay vẫn níu chặt phần trên cùng của hàng rào. Vài trật tự viên lao tới cố kéo người Mark xuống nhưng anh vùng vẫy dữ dội, hai chân lia lịa đá văng họ. Cứ thế, anh tiếp tục treo mình lơ lửng nơi mé trên hàng song sắt như chim phượng hoàng soãi cánh, in nghiêng bóng thân mình quằn quại lên trên hậu cảnh là Nhà Trắng chan hoà ánh sáng.
Khi các toán truyền hình và phóng viên nhiếp ảnh ùa tới lấy hình sự cố ấy, đèn cao áp truyền hình chói lọi làm hiện trường rực sáng thêm và các trật tự viên không thể tiếp tục dùng sức mạnh để lôi Mark xuống khỏi hàng rào. Joseph cố thầm lặng thuyết phục con mình bước xuống nhưng Mark chẳng để ý chút nào tới nỗ lực của cha. Tempe cũng van nài con suốt mấy phút nhưng không có kết quả nên cam đành đứng ngó. Sau đó, ba cảnh sát viên phải dùng dùi cui nện nhiều lần lên các ngón tay của Mark để anh buông hàng rào. Cuối cùng, vừa rơi mình xuống đất, Mark bật khóc nức nở. Anh không bị bắt giữ vì nhờ có một trật tự viên lớn tuổi can thiệp bằng cách âm thầm giải thích cho cảnh sát về trường hợp của anh.
Ðứng bên Joseph, Tempe bất lực đăm đăm nhìn con. Khi Mark trấn tĩnh lại, nàng cố năn nỉ con rời cuộc diễu hành nhưng Mark, với vẻ mặt kiên quyết và ủ dột, tiếp tục đi dọc Ðại lộ Pennsylvania tới Ðiện Capitol, chân bước lảo đảo dưới trời mưa và thỉnh thoảng mút các ngón tay rướm máu của mình. Trước dãy quan tài bằng ván thông không bào, khó nhọc lắm Mark mới gỡ được tấm bảng mang tên Gary ra khỏi cổ, và lúc đó, tấm bìa trắng ấy dính lem luốc vết máu từ các ngón tay Mark vấy lên.
Sau cùng, với hai mắt đầm đìa lệ, Tempe đặt tấm bảng nhỏ ấy vào lòng quan tài dùm cho con. Mark đứng chằm chặp nhìn tấm bảng một hồi lâu. Khi mẹ dịu dàng chạm khuỷu tay anh, Mark chợt nhớ tới cây nến mình mang theo cho Gary. Anh đưa hai ngón tay lên, chầm chậm bóp tắt ngọn lửa. Kế đó, Tempe cố dẫn Mark đi nhưng anh nhất quyết đứng lại. Khi các hàng người tuần hành đằng sau tiến lên dãy quan tài thì Mark bước tới và lần lượt bóp tắt từng ngọn nến của họ. Mỗi lần làm như thế, anh để yên ngón tay mình trong ngọn lửa một vài giây trước khi bóp lịm nến. Rồi sau cùng, khi Tempe thuyết phục được con bước đi thì một bàn tay của Mark da đã hóa đen sì và cháy thành than.


Nguồn: Trích trường thiên tiểu thuyết “Trăng Huyết”, phần thứ bảy: “Chúng tôi chiến đấu đã ngàn năm.”, Nhân Văn xuất bản, Toronto, 2004

<< Tản mạn về vụ kiện chất độc da cam và nhóm VietUnity | Chiến Tranh, mắt nhắm mắt mở >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 203

Return to top