Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> Chiến tranh nhìn từ nhiều phía

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 38348 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chiến tranh nhìn từ nhiều phía
nhiều tác giả

Ðọc sách: Death of a Generation: JFK đảo chính Ngô Ðình Diệm để rút quân
  [Death of a Generation: How the assassinations of Diem and JFK prolonged the Vietnam War của Howard Jones. Nhà Xuất Bản Ðại Học Oxford. London. 2003. 546 trang.]
Tháng 11 năm 1963 Ngô Ðình Diệm, tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa bị lật đổ và bị giết chết. Ba tuần sau, tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị ám sát. Hai cái chết đã làm thay đổi cuộc diện chiến tranh (ở) Việt Nam mà cho đến nay vẫn thường có giả thuyết là nếu không có những cái chết đó thì Việt Nam Cộng Hòa còn tồn tại và Hoa Kỳ đã không thất bại tại Việt Nam.
Death of a Generation là một tác phẩm dẫn đến sự giả định là nếu hai vị tổng thống trên còn sống thì Hoa Kỳ đã rút quân và cuộc diện chiến tranh Việt Nam đã khác. Tác phẩm sử liệu này của Howard Jones viết về những biến chuyển trong chính sách của Hoa Kỳ đưa đến việc Bạch Cung chủ trương một cuộc đảo chánh lật đổ Ngô Ðình Diệm, mà theo tác giả là một "hành động sai lầm khi chính quyền Kennedy thúc đẩy các tướng đảo chánh lật đổ Diệm với hy vọng việc thay đổi chính quyền ở đó sẽ giúp cho những nỗ lực chiến tranh được tốt hơn và để Hoa Kỳ dễ rút quân hơn."
Howard Jones là giáo sư sử tại Ðại Học Alabama, nghỉ dạy một năm để nghiên cứu và viết sách. Theo tác giả thì việc Hoa Kỳ quyết định loại bỏ ông Diệm, cùng với cái chết của Kennedy vào ba tuần sau đó đã làm hỏng việc rút quân Mỹ khỏi Việt Nam như Kennedy đã có kế hoạch. Ông cho đó là sự khai tử một thế hệ thanh niên Mỹ vì sau hai cái chết, hơn 57 ngàn thanh niên Mỹ đã phải hy sinh vì cuộc chiến leo thang, cùng với vô số thanh niên Việt Nam phải bỏ mình.
H. Jones sử dụng những nguồn tài liệu từ thư viện John F. Kennedy, thư viện Lyndon B. Johnson, văn khố quốc gia, văn khố của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia; những dữ kiện lịch sử ghi băng của những nhân vật từng tham gia chính quyền Kennedy như Dean Rusk, Walt W. Rostow, Robert McNamara, Edward G. Lansdale, Maxwell D. Taylor, Henry Cabot Lodge, Frederick E. Nolting.
Jones đưa ra hình ảnh Kennedy là người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh lạnh, muốn bảo vệ thế giới khỏi hiểm họa cộng sản, nhưng không muốn đổ quân chiến đấu vào Nam Việt Nam, nơi Bạch Cung coi như vùng đo sức với khối cộng sản sau khi Hoa Kỳ thất bại trong vụ Vịnh Con Heo ở Cuba, bị Nga Sô cảnh cáo buộc rút quân khỏi Bá Linh, và việc ký hiệp định Genève 1961 về nền trung lập của Lào Quốc, một nền trung lập mà cả Hoa Kỳ lẫn Bắc Việt Nam đều không tôn trọng. Kennedy coi việc chiến đấu chống cộng sản, bảo vệ độc lập là việc của người miền Nam Việt Nam. Trả lời phóng viên báo chí trong ngày 2 tháng 9, 1963 Kennedy nói: "Chúng ta có thể giúp họ, cung cấp dụng cụ, chúng ta có thể gửi những cố vấn, nhưng họ, dân tộc Việt Nam, phải chiến đấu để thắng cộng sản."
Cuộc chiến chống cộng sản lại bị báo chí Mỹ đưa tin với giọng điệu rằng sĩ quan và lính Việt Nam Cộng Hòa không chịu chiến đấu. Ðiển hình là vụ Ấp Bắc xảy ra vào đầu năm 1963 đã được những phóng viên trẻ như Neil Sheehan, David Halberstam, Peter Arnett gửi tin cho các báo lớn của Mỹ loan tải, cùng với những lời bình luận là quân đội Việt Nam Cộng Hòa không muốn bảo vệ đất nước của họ. Việc này đã khiến Hoa Kỳ xét lại chính sách đối với Nam Việt Nam.
Mấu chốt quan hệ giữa Bạch Cung và ông Diệm có lẽ là vấn đề Hoa Kỳ đem quân tham chiến vào Việt Nam. Khi phó tổng thống Lyndon B. Johnson đến Việt Nam tháng 5. 1961, ông đưa ra hai đề nghị: Hoa Kỳ gửi quân tham chiến và Nam Việt Nam ký một hiệp ước song phương với Mỹ. Ông Diệm từ chối, vì làm thế sẽ mất đi thanh danh quốc gia và cho Bắc Việt cơ hội lên án ông làm tay sai Mỹ như họ đã tuyên truyền. Ông Diệm chỉ muốn Hoa Kỳ viện trợ để tăng quân số quân của Việt Nam Cộng Hòa thêm 20000 và viện trợ quân sự cho các tổ chức Vệ Quốc Ðoàn và Dân Vệ.
Bênh vực cho luận cứ rằng đề nghị đem quân chiến đấu không phải là ý muốn của Kennedy - qua đề nghị của Johnson - mà vì Johnson bị áp lực từ bộ tổng tham mưu và phái bộ cố vấn quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam, tác giả trích lời Kennedy tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 5 tháng 5, 1961 nói việc gửi quân chiến đấu còn đang trong vòng nghiên cứu. Như thế là để mở cửa cho Johnson muốn đề nghị gì với ông Diệm khi hai người gặp nhau thì tùy ông phó tổng thống.
Chính sách của ông Diệm đưa đến những bất mãn trong giới quân nhân, vụ đảo chính hụt năm 1960 là điển hình của những bất mãn đó. Trong chuyến đi vào tháng 10. 1961 để lượng định tình hình, trưởng đoàn Maxwell D. Taylor đã nghe tướng Dương Văn Minh phàn nàn về tổng thống Diệm không tin tưởng quân đội nên không cho các tướng có thực quyền. Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ cũng không tin tưởng ông Diệm đang làm việc tốt cho đất nước.
Trong chuyến đi này có điều lý thú là cuộc đụng độ ngoại giao giữa Taylor và Lansdale. Maxwell D. Taylor không muốn Edward G. Lansdale - người có quan hệ thân tình với ông Diệm và được coi như đặc sứ của Kennedy - được tiếp xúc nhiều và dự những buổi tiếp tân. Nhưng khi vừa đến sân bay, Lansdale đã được người riêng của tổng thống Diệm ra đón và đưa về dinh để tham khảo. Taylor và Lansdale vì vậy có những bất bình với nhau.
Khi gặp Lansdale, ông Diệm hỏi ý kiến có nên yêu cầu Hoa Kỳ gửi quân tham chiến không? Lansdale hỏi lại là tình hình quân sự bết bát lắm chăng? Ông Diệm trả lời: không tệ và có thể tự lo được. Lansdale nói thế thì không nên yêu cầu Hoa Kỳ gửi quân chiến đấu vì chính Lansdale cũng không muốn đổ quân vào tham chiến. Trong khi ông Diệm bàn luận với Lansdale thì cố vấn Ngô Ðình Nhu cũng có mặt và hay xía vào. Lansdale nhận xét ông Diệm đã không còn phong thái tự tin như cách đây một năm, sau lần đảo chính hụt. Ông Diệm đã bị ông Nhu lấn áp quyền hành.
Với tình hình chống cộng không khả quan và một chính quyền đang xa rời dân, bản báo cáo của Taylor sau chuyến đi đã khiến một số nhà hoạch định chính sách trong Bạch Cung và Bộ Ngoại giao yêu cầu sứ quán Mỹ ở Sài-gòn lập danh sách những người có thể thay thế ông Diệm, trong đó có phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ và bộ trưởng Nguyễn Ðình Thuần. Tài liệu cũng nhắc đến mối quan hệ giữa tướng Dương Văn Minh và ông Thơ đã từng bị Pháp bắt giam. Lá bài Dương Văn Minh lãnh đạo đảo chánh thành công và đưa Nguyễn Ngọc Thơ lên thay đã bắt đầu được nhen nhúm thành hình từ đó.
Nhưng hoạch định một vụ đảo chánh - và để thành công - là một công việc đòi hỏi nhiều mưu kế. Bạch Cung chỉ muốn làm giấu tay, trong khi các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa lại chỉ chờ Mỹ "bật đèn xanh." Phải tốn một thời gian mới đưa đến vụ đàn áp phật giáo ở Huế vào tháng 5. 1963 trong đó có sự việc hai tiếng nổ lớn xảy ra khi phật tử biểu tình trước đài phát thanh đòi bỏ Dụ số 10 về việc treo cờ tôn giáo. Tác giả ghi nhận hai tiếng nổ đó có thể là do Việt Cộng trà trộn, hoặc phe chính quyền gài vào, hay do CIA tạo ra để bắt đầu tiến trình đưa ông Diệm xuống. Vụ phật giáo xuống đường, theo tác giả, đã làm hoãn lại kế hoạch đ ã được Kennedy chấp thuận vào đầu tháng 5, 1963 là rút 1,000 cố vấn về nước trước cuối năm 1963 .
Cần nhắc lại rằng trước đó Hoa Kỳ đã có kế hoạch đảo chánh ở những nơi có chính quyền không nghe lời Mỹ, như ở Iran với thủ tướng Mohammed Mossedegh đã bị CIA lật đổ năm 1953 - trong một kế hoạch tương tự được dùng lại ở Việt Nam - để đưa vua Shah thân Mỹ lên thay. Ở Iran chương trình phát thanh bằng tiếng Farsi của đài VOA được dùng như một phương tiện thúc đẩy rối loạn, đưa đến đảo chánh. Tại Nam Việt Nam, Hoa Kỳ cũng dùng đài VOA loan tin tạo hậu thuẫn cho phe đảo chính.
Ngay sau khi có những vụ tấn công vào chùa, sáng ngày 26 tháng 8. 1963, đài VOA truyền đi bản tin động trời, nội dung: "theo các quan chức ở Hoa Thịnh Ðốn cho biết những người lãnh đạo quân đội Việt Nam Cộng Hoà không - lặp lại không - có trách nhiệm trong những vụ tấn công vào chùa chiền." Ðài cũng loan tin Bạch Cung có thể cắt giảm nhiều viện trợ nếu ông Diệm không loại bỏ những người cầm đầu cơ quan mật vụ - ám chỉ ông Nhu - dù chính quyền Mỹ chưa chính thức lên tiếng. Ðài VOA sau đó cải chính, nhưng ông Nhu coi đó là dấu hiệu người Mỹ muốn loại bỏ ông.
Những diễn tiến dẫn đến cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11. 1963, được sự điều động của một quan chức CIA là Lucien Conein. Viên sĩ quan Mỹ này lo móc nối với các tướng của Nam Việt Nam để thực hiện cuộc đảo chính. Sách dẫn chứng các tài liệu cho thấy Kennedy là người đã chấp thuận kế hoạch xóa bỏ chế độ Ngô Ðình Diệm. Nhưng việc giết anh em ông Diệm thì tài liệu lại nói do tướng Dương Văn Minh chủ động chỉ vì ông Diệm đã không dành cho tướng Minh một nghi lễ chuyển giao quyền hành trang trọng. Luận cứ này không vững vì tướng Minh đã chờ Hoa Kỳ "bật đèn xanh" mới hành động thì không thể không có sự đồng tình của Mỹ khi giết ông Diệm. Sau này tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, người đã tham gia đảo chánh, cũng sợ số mệnh của mình có thể như ông Diệm khi ông đưa ra chính sách không hài lòng người Mỹ.
Lúc đầu Hoa Kỳ còn tìm cách che giấu việc nhúng tay vào vụ đảo chánh bằng cách không thừa nhận chính quyền mới cho đến cả tuần lễ sau. Death of a Generation đã chứng minh Bạch Cung chủ động trong việc loại bỏ ông Diệm, với hy vọng một chính quyền khác được lòng dân và có khả năng chống cộng hơn để Hoa Kỳ có thể rút quân, như Kennedy dự định.
Cuốn sách ngừng lại ở chỗ chế độ Ngô Ðình Diệm sụp đổ và không bàn đến nguyên nhân đưa đến cái chết của Kennedy ba tuần sau đó. Ðây mới là cốt lõi của việc Hoa Kỳ rút quân hay leo thang chiến tranh như đã xảy ra.
Trên quan điểm chiến lược toàn cầu, Hoa Kỳ muốn một Nam Việt Nam độc lập trong thái cực của cuộc chiến tranh lạnh thời bấy giờ, còn Bắc Việt Nam lại quyết tâm thống nhất đất nước theo tinh thần hiệp định Genève 1954 bằng mọi giá. Như thế Kennedy nếu còn sống thì những quyết định rút quân không phải là việc làm dễ dàng vì trong chính quyền Kennedy cũng có những thành phần rất diều hâu muốn phong tỏa cảng Hải Phòng, ném bom thủ đô Hà Nội và Kennedy cũng đã chấp thuận cho CIA và bộ quốc phòng đưa người qua Lào bí mật tuyển quân và hoạt động. Trong hai năm nắm quyền, Kennedy đã tăng số cố vấn quân sự cho Nam Việt nam từ chưa đến 1000 lên 16000. Hơn nữa khi đã coi Nam Việt Nam là nơi đọ sức giữa hai thái cực tự do và cộng sản thì Hoa Kỳ không thể bỏ cuộc dễ dàng lúc bấy giờ. Mà tham chiến thì kết quả là những thất bại như đã thấy. Kenneth Galbraith, quan chức trong chính quyền Kennedy, sau này nói rằng chính ông, và Kennedy, lầm tưởng ông Diệm là nguyên do khiến cuộc chiến chống cộng không hữu hiệu như Hoa Kỳ muốn. Ông nói chính địa bàn rừng núi và lối đánh du kích của đối phương là nguyên do làm Hoa Kỳ thất bại trong việc bảo vệ miền Nam Việt Nam.

<< Về việc tra tấn kẻ khác | Chiến tranh và bệnh vĩ cuồng >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 381

Return to top